13. Niệm Phật – Hộ Niệm – Vãng Sanh Vấn Đáp (Không nên phân biệt phương cách Niệm Phật)

Share on facebook
Share on twitter

Không nên phân biệt phương cách Niệm Phật

Hỏi:

Kính Sư Huynh Diệu Âm Úc Châu;

Thầy Ngộ Thông đã cho chúng tôi Niệm Phật theo máy đánh nhịp, chúng tôi đã tìm mua ở tiệm bán nhạc cụ máy Metronome quatz hiệu Seiko đánh đến 208 nhịp một phút. Đạo tràng Niệm Phật ở Oklahoma chúng tôi có khoảng 20 liên hữu đồng tu Niệm Phật mỗi lần từ 60 phút đến 90 phút không gián đoạn, niệm như vậy thì có lợi hơn. Nếu đánh địa chung thì Niệm được từ 20 đến 30 phút là ngưng nghỉ, rồi bắt đầu Niệm lại chúng tôi cũng đã thực hành độ 4 tháng thấy không thể nhất tâm bất loạn vì bắt đầu Niệm từ 20 đến 30 phút tâm còn tạp Niệm, còn xen tạp nhiều chuyện bên ngoài.

Xin Sư Huynh giúp cho ý kiến vì nhiều bạn đồng tu đang theo Pháp môn Niệm Phật Cầu Nguyện Vãng Sanh được nhiều sự lợi lạc,

A-Di-Đà Phật.

Trả lời:

Diệu Âm góp ý kiến rằng,

Niệm Phật có rất nhiều phương pháp, mỗi phương pháp đều có ưu điểm và khuyết điểm riêng. Có người thích cách này, có người thích cách khác. Không có cách nào là tuyệt đối ứng hợp với tất cả mọi người. Thành ra, đạo hữu thấy phương cách của Thầy Ngộ Thông hướng dẫn làm cho đạo hữu thấy cảm ứng thì hãy theo cách của Thầy.

Từ trước tới nay, chư Tổ đều chế ra khá nhiều cách để đáp ứng những cảm ứng khác nhau. Có người niệm chậm mới nhiếp tâm, có người niệm nhanh mới nhiếp tâm, có người niệm theo âm điệu mới thấy cảm ứng, có người cần niệm đơn giản từng tiếng rõ ràng mới cảm ứng, có người thích phương pháp “Phản văn trì danh”, có người thích “Kim Cang trì danh”, v.v… Tất cả đều do sự ứng hợp riêng, chứ không thể nói cách này là nhất, cách kia là nhì được.

Theo như đạo hữu nói thích niệm nhanh. Điều này tốt, Ngài Ấn Quang chủ trương Kim Cang Trì Danh, nghĩa là niệm rất nhanh, hai môi đánh nhẹ hai hàm răng và tiếng rất khẽ để niệm thật nhanh, mỗi ngày niệm 50 ngàn câu Phật hiệu.

Còn như Ngài Phi Tích thì dùng hơi thở để niệm, nghĩa là thở vào: A-Di-Đà Phật, thở ra: A-Di-Đà Phật, còn thở còn niệm, cách niệm này không thể nhanh được. Ngài Ngẫu Ích Đại Sư thì dạy cần thành tâm, chí thành, chí thiết niệm cho sâu chứ không cần niệm nhanh. Chủ đích của Ngài là niệm sâu, chứ không phải niệm nhiều.

Niệm nhanh để các tạp niệm không xen tạp vào, dễ tạo công phu thành thục và bắt mình cả ngày phải bám sát theo câu Phật hiệu vì phải xong công cứ. Nhưng niệm nhanh cũng có khuyết điểm là rất dễ thành niệm láo, niệm như cái máy, ưa tính số nhiều chứ không đủ phẩm chất, v.v…

Niệm chậm thì tiếng rõ ràng, lắng nghe rõ tiếng niệm, chủng tử rõ ràng, tâm thành kính, trang ngiêm, hành giả càng ngày càng điềm đạm, v.v… Nhưng nó cũng có khuyết điểm là không có sức đẩy mạnh, dễ lười biếng, dễ có tạp niệm xen vào, v.v…

Nói chung, mỗi cách niệm đều có chỗ hay và chỗ yếu. Các vị tu hành cao thường điềm nhiên tự tại, trong tâm thầm Niệm Phật, còn người phàm phu như chúng ta thì thường nên kết bè với nhau và niệm ra tiếng để hỗ trợ nhau mới tốt.

Phương pháp Niệm Phật địa chung là cách công phu chính yếu của Hội Tịnh Tông thế giới đang áp dụng, Nó là một phần ngắn trong “Tam thời hệ niệm Pháp sự” do ngài Trung Phong Quốc Sư lập ra từ đời nhà Nguyên. Cách công phu này khá hay, phổ dụng cho tất cả mọi người, ai tham gia cũng cảm thấy hoan hỉ. Thời gian ba giờ trôi qua một cách thoãi mái, không quá gò ép, không quá căng thẳng, tư thế cộng tu thay đổi liên tục nhưng không mất cảnh trang nghiêm, nhất là sự sử dụng pháp khí rất hay.

Còn phương pháp đánh nhịp của Thầy Ngộ Thông, tình thực Diệu Âm chưa biết qua, nhưng cũng có người tán thán lắm. Vì trong những năm qua, Diệu Âm theo tu chung với đại chúng của Tịnh Tông Học Hội nên chỉ biết có cách tu theo địa chung, còn ngày thường thì kinh hành Niệm Phật, nên không biết làm sao so sánh.

Nói chung tất cả đều tùy duyên, hãy để tự mỗi người tìm lấy phương thức tu thích hợp nhất của họ thì được nhiều thiện lợi… Người thích niệm chậm nên kết nhóm niệm chậm. Người thích niệm nhanh nên thành lập nhóm liên hữu niệm nhanh để hỗ trợ nhau. Mục đích chính vẫn là Niệm Phật để được Vãng Sanh Tịnh-độ. Tất cả phương pháp chỉ là phương tiện sử dụng mà thôi, phương pháp nào cũng tốt cả.

Cố gắng giúp đỡ nhau, khuyến tấn nhau để cùng nhau tu học. Nhắc lại, cách thức Niệm Phật chỉ là phương tiện tạo tư lương để Vãng Sanh, chứ không phải là mục đích.

Nghĩa là, người niệm chậm không nên chê người niệm nhanh. Người niệm nhanh không được khinh thường người niệm chậm. Nếu chê bai nhau thì chúng ta bị phạm vào “Chấp Trước”. Nhất định không tốt!

Còn một vấn đề khác đạo hữu nêu ra là “Nhất tâm bất loạn”, xin thưa rằng cảnh giới này trước đây Diệu Âm cũng từng lầm lẫn qua, cứ tưởng rằng một vài phút tâm hồn an tịnh nào đó thì cho là “Nhất tâm bất loạn”. Nhưng sau này hiểu ra thì không phải vậy đâu.

Nhất tâm bất loạn là cảnh giới chứng đắc cao lắm, có lẽ rằng trong đời này, như sức của Diệu Âm, không dám mơ tới.

Chư Tổ dạy, Niệm Phật không cầu nhất tâm bất loạn thì mới có thể Nhất tâm bất loạn, nếu còn đặt vấn đề Nhất tâm bất loạn thì không bao giờ được Nhất tâm bất loạn. Vì không còn để ý đến nhất tâm bất loạn thì tâm mới tịnh, còn cứ cầu mong lung tung thì tâm càng loạn thêm. Nếu tham cầu nhiều quá cũng dễ đi đến chỗ vọng tưởng sai lầm, có thể bị nguy hiểm về sau!…

Trong quá khứ, cũng như gần đây, nhiều người đã tự nhận chứng đắc đến cảnh giới này. Nhưng hình như sau đó họ đã gặp khá nhiều trở ngại! Thấy đó mới biết lời chư Tổ khuyến cáo không sai!

Tổ Ấn Quang dạy, phải luôn tự coi mình còn thấp kém. Đây là Ngài nhắc nhở chúng ta đó. Ngài nói Vãng Sanh là do lòng thành kính mà cảm đến Phật lực gia trì.

Vậy thì thành tâm Niệm Phật là hay hơn.

Chư Tổ còn dạy, hãy nhìn những điều tốt, đừng nhìn điều xấu, cố gắng xét lỗi mình, chớ nói lỗi người, để tránh bớt sự tạo nghiệp, giữ tâm thanh tịnh. Cứ thế mà tu, rồi thành tâm Niệm Phật cầu Vãng Sanh.

Và hơn nữa, hãy chuẩn bị thật kỹ người Hộ Niệm, thì khi lâm chung mình dễ được an toàn nương theo Phật lực gia trì, 10 niệm Vãng Sanh thì hay hơn vậy.

A-Di-Đà Phật

Diệu Âm

(15/01/2009)

Read more: https://hoiquanadida.com/phap-su/chi-tiet/niem-phat-van-dap-khong-nen-phan-biet-phuong-cach-niem-phat-13-1646.html#ixzz7QvEqSa6T

NIỆM PHẬT- HỘ NIỆM - VÃNG SANH VẤN ĐÁP

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –