20. Khuyên Người Niệm Phật (Hiểm Họa Của Tiền Bạc)

Share on facebook
Share on twitter

KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT
Tác Giả: Cư sĩ Diệu Âm
Phật lịch năm 2547 / Dương lịch năm 2003

 

Hiểm Họa Của Tiền Bạc

Kính cha má,

Chuyến về thăm lần này con đã thấy khá nhiều sự việc mà trước nay con không thấy, những hiện thực chung quanh con rõ ràng hơn trước đây. Trong những ngày ngắn ngủi đó con đã cố gắng niệm Phật trợ lực cho cha. Cha tỉnh lại được từ cơn bệnh nặng. Thật là vi diệu! Trợ niệm cho cha đau nặng nhưng con không mở một lời cầu xin Phật, Bồ-tát gia trì cho cha khỏe lại, trái lại con cứ một lòng cầu nguyện vãng sanh cho cha. Kết quả thì, chỉ vỏn vẹn hai ngày cha bình phục trở lại. Cái lý này sâu lắm, vi diệu lắm. Thành tâm niệm Phật cầu về Tây-phương không phải là phải chết, mà niệm Phật cầu vãng sanh làm nghiệp chướng dễ tiêu tan, nếu báo thân đã mãn thì cha được vãng sanh Cực Lạc, nếu chưa mãn thì tự nhiên bình phục rất nhanh. Cái lý này vi diệu không thể nói một vài lời được đâu.

Đây cũng là dịp may, rõ ràng trên đời “đắc thất nan truy họa phước”. Cha không đau như vậy đâu có dịp thấy sự hiển linh của câu Phật hiệu. Bây giờ cha má đã quyết lòng niệm Phật ngày đêm, má cũng bắt đầu buông xả, làm con mừng không thể tả được. Nhưng nhìn kỹ thì nghiệp chướng vẫn còn, oan gia vẫn có, trái chủ chưa xa đâu. Những trở ngại này vẫn còn hiện diện tại chỗ… Những ngày gần cha má và gia đình, sáng, chiều con cố hết sức để nói, khai thị trong những buổi niệm Phật để tìm cách giải tỏa, nhưng chỉ được một phần, chưa được viên mãn.

Con muốn ở lại lâu hơn nữa để ngày ngày nói chuyện với cha má và mọi người về pháp Phật. Nhìn cha má, nhìn mọi người mà dễ tùy cơ ứng nói, tùy căn cơ khuyên nhủ thì mọi người dễ phát tín tâm, sớm thực hành pháp môn niệm Phật hơn. Nhưng vạn sự phải tùy theo duyên, không duyên khó hành sự. Bây giờ con đã nhập thất niệm Phật lại rồi, không còn ngày ngày cùng nhau bàn Phật pháp nữa, xin cha má hãy lấy những lời thư này để thay cho những lần thấy mặt con vậy. Nếu thấy rõ ràng pháp niệm Phật tối thắng vi diệu, thì tất cả hãy cố gắng tinh tấn niệm Phật. Ở An-Thái, con nói chuyện chỉ có một ngày thôi mà đã có rất nhiều người tự nguyện thành lập nhóm để tu hành, họ dự định mỗi tuần họp nhau bốn ngày để niệm Phật.

Khi vào Bình-Dương, cô Sáu và các em có hoạch định chương trình và thời giờ niệm Phật rất nghiêm chỉnh, 3:30 sáng đã thức dậy niệm Phật rồi. Theo những lời khuyên của con, cô và gia đình đều cố gắng thực hiện đầy đủ. Đó là do thiện căn, phúc đức, nhân duyên đã thành thục vậy. Xin cha má và anh chị em hãy lấy đó làm gương mà nỗ lực thêm lên. Vì pháp Phật quá cao diệu, quá sâu rộng cho nên nếu không tiếp tục nghe pháp không tài nào hiểu thấu. Chết sống quá gần, pháp thân huệ mạng đã quá nguy hiểm xin cha má hãy quyết tâm tự cứu lấy mình. Đừng nên giải đãi nữa, hãy vạch hẳn thời gian ngồi trước bàn Phật để niệm Phật, niệm xong một thời thì em Thứ đọc thư để cùng nhau nghe. Mỗi lá thư con đều nói thẳng đến những sự cố cụ thể quan trọng chung quanh liên quan đến việc tu tập. Khi đọc phải đọc rõ ràng, đọc lớn, đọc không ngập ngừng, không được dừng lại để suy nghĩ.

Đây là một phương tiện tu hành để có thể thâm nhập vào nghĩa đạo. Nếu không chịu làm như vậy gia đình mình khó có thể thâm hiểu đạo lý. Băng giảng pháp thì không có để nghe, thư thì đọc lấy lệ, khi về con đã thấy rõ ràng rằng cả nhà tu hành hầu hết bị lệch lạc, mặc dầu bao nhiêu thư rồi con viết khá rõ, hướng dẫn từng chút mà vẫn bị sơ ý. Pháp càng vi diệu, càng học hỏi cho kỹ! Cho nên xin mọi người đừng quá coi thường những lời thư này, mà nên nghe đi nghe lại vài ba lần mới được. Nếu chịu lắng nghe nghiêm chỉnh thì thêm một lần nghe hiểu thêm một điều quan trọng mới. Cũng là một thư mà nó cứ mới hoài trong đó.

(Riêng em Thứ, anh Năm thương em, nhiều lần khen em vì em có tâm tu hành nhiều nhứt, nhưng khi về thì anh đã phát hiện em không chịu nghe theo lời thư anh dặn. Ít ra, cũng hơn ba lần anh nhắc đến chuyện này mà em vẫn tỉnh bơ làm theo ý nghĩ của mình. Chuyện gì vậy? Thấy Phật! Bắt đầu từ hôm nay em phải đọc thư anh nhiều lần cho cha má, và riêng em phải đọc nhiều hơn nữa mới được. Pháp Phật thì quá cao, thư viết thì không thể quá dài, đọc thư thì cứ đọc lướt qua… Như vậy, làm sao em hiểu thấu, không hiểu thì rất dễ bị lạc, có nhiều khi bị nguy hiểm mà mình không hay.

Niệm Phật phải lấy tâm thanh-tịnh để niệm, không được tham đắc quả mau chóngï. Pháp niệm Phật tối ư vi diệu mà dễ thực hành, nhưng không thể bừa bãi nghĩ sao làm vậy mà được đâu. Niệm Phật là để cho nghiệp chướng tiêu trừ, tâm hồn thanh tịnh, có thanh tịnh thì mới được vãng sanh. Niệm Phật mà nghĩ này tham nọ lung tung làm sao thành tựu!

Hôm nay, anh nói về chữ THANH-TỊNH, muốn thanh tịnh thì phải diệt Tham, Sân, Si. Anh Năm chưa một lần khuyên niệm Phật mà mong thấy Phật, nhưng em vì quá cảm xúc cho nên bị rơi vào chuyện này. Khi tâm được thanh-tịnh thì tự nhiên có cảm ứng đạo giao với Phật. Còn tâm chưa thanh-tịnh mà thường thấy Phật thì có vấn đề, nói rõ hơn là Phật giả. Điều này không tốt, phải tránh. Ở An-Thái vừa rồi anh phát hiện ra một chị khoe rằng, đọc kinh Phổ-Môn hay kinh Địa-Tạng thấy được “Phật Bà Quán-Thế-Âm” thường xuyên. Trong Bình-Dương, một người bạn của chú Bảy hằng đêm đều thấy Phật, “Phật” còn lên cơ để xưng tên nữa là khác. Tất cả đều là giả. Những người này không mau mau quay đầu giữ tâm thanh tịnh và niệm Phật để được Phật lực gia trì, thì khó tránh khỏi trở ngại về sau. Người quyết tâm niệm Phật thì công phu nhiều, tiến nhanh, thấy vậy nên oan gia trái chủ, ma quái tới tìm cách phá đám, nó cố tìm cách làm cho mình tham luyến vào sự hão huyền mà mất chánh niệm. Chỉ cần mình nhận chân ra nó, không tham luyến nữa thì tự nhiên nó tan. Nhất định phải nghe lời anh Năm, anh có đủ sáng suốt, nhìn thấu vấn đề. Tuyệt đối em không được tự mãn, hoặc sơ ý nữa. Bắt đầu hôm nay, nếu có hiện tượng giống như vậy hiện ra nữa nhất thiết không được mừng, không sợ. Khi thấy, thì tâm phải vững vàng giữ chắc câu Phật hiệu là được. Tu hành đừng nên tham cầu thấy này thấy nọ thì tâm mới thanh tịnh. Nếu không giữ tâm bình thản thì sự vọng tâm sẽ dễ chiêu cảm đến những cảnh giới giả, không tốt đâu!

Trong nhiều đời, nhiều kiếp mình sát hại sanh mệnh quá nhiều, oan gia, trái chủ vừa vô hình và hữu hình nhiều lắm. Họ muốn trả thù, mình muốn thoát mà vô ý quên gởi công đức thì bị phá là vậy đó. Hơn nữa bị phá cũng tại vì mình tham thấy, cầu thấy mới bị chúng lợi dụng gạt mình. Bây giờ bỏ cái tham đó đi là xong. Nghe chưa? Bồ-tát Đại-Thế-Chí dạy, “Nghĩ Phật, niệm Phật thì hiện tại hoặc tương lai chắc chắn thấy Phật”, thấy Phật ở đây không phải là ngày ngày thấy Phật hiện ra vỗ đầu, mà chính là vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc, lúc đó thì tự nhiên thấy Phật. Không những thấy Phật A-di-đà mà hằng ngày mình đi thăm hàng vạn đức Phật để cúng dường. Đó gọi là thấy Phật.

Niệm Phật quyết tâm cầu về Tây-phương thì một đời này thôi sẽ được vãng sanh, đó gọi là hiện tại. Nếu niệm Phật mà tín tâm không vững, nguyện không tha thiết, còn nhiều tạp niệm, vọng tưởng thì đời này không thể vãng sanh, nhưng đã niệm Phật thì tương lai trong một vài ngàn kiếp nào đó khi tâm cơ thành Phật thành thục ta mới có thể vãng sanh, lúc đó ta mới thấy Phật, đó gọi là tương lai.

Như vậy, người nào muốn vãng sanh trong một đời này thôi thì bắt buộc phải chí tâm thành kính niệm Phật. Khi thật sự chân thành thì tâm sẽ thanh tịnh, tâm không còn lao chao vọng động nữa, thì người đó đủ tiêu chuẩn chắc chắn vãng sanh, lúc đó mới thấy Hóa-Thân của Phật hiện ra trong quang minh để thọ ký, cho biết ngày giờ vãng sanh. Còn những hiện tượng mờ mờ ám ám hiện ra thường xuyên, lại còn giả hình này hình nọ, giả luôn cả Phật để dụ, đó là giả, nhứt định không được tham tới. Không những không tham mà còn vững tâm niệm Phật và cho họ biết rằng ta đã biết chân tướng, khuyên họ hãy niệm Phật để giải thoát đi là tốt nhứt, đừng tạo tội lỗi nữa. (Có dịp anh Năm trở lại chuyện này).

Con xin trở lại với cha má. Thưa cha má, mỗi một lá thư con viết về đều có một mục đích quan trọng riêng, đó chính là sự điều chỉnh cấp kỳ những cách tu hành lạc đường. Vì không hiểu nên cứ tỉnh bơ, chứ khi đã hiểu thì thấy rất rõ. Ví dụ, như một loạt thư trước con nhắm đến chữ “SÂN-GIẬN”, vì vừa phát hiện điểm này, nó là điều tối nguy hại, tối kỵ, đại kỵ! Thành ra tất cả những cái khác dù đang dang dở con cũng bỏ hết để xoáy vào điểm này. Tham, sân, si, là ba chất độc hại chết chúng ta, trong đó sân giận được coi như nguy hại nhất. Chính vì thế mà cha má nên cố gắng gìn giữ, chứ lơ là thì cứ phạm hoài những lỗi lầm quá lớn, dễ dẫn tới hiểm họa, uổng công tu hành.

Sân giận giải quyết chưa xong thì lần về này con lại phát hiện thêm món độc dược khác nguy hại không thua kém với sân giận. Đó là không buông xả nổi Ngũ-Dục, LụcTrần, phạm vi này liên quan đến sự tham đắm. Chữ “Tham” ai cũng có cả, rất khó bỏ, chính vì thế mà con người không thể giải thoát!

Đầu tiên, xin cha má luôn nhớ vì chuyện sanh tử sự đại, mà chăm lo niệm Phật. Cha má muốn thoát nạn thì phải ngày ngày, giờ giờ, phút phút niệm Phật vì nếu không như thế không trở tay kịp đâu. Tuổi già cái chết nó đến trong tích tắc. Tám mươi năm trước đây, cha má vừa mới được sinh ra chỉ là một đứa bé khóc oe oe, sau tám mươi năm bây giờ đã chuẩn bị chết. Nghĩ lại coi, đời có phải thực sự chỉ là giấc đại mộng không? Những ngày, tháng phiêu phỏng còn lại này nhanh chóng như giọt sương trên đầu ngọn cỏ, thế thì phải liễu ngộ chân tướng cuộc đời chứ đừng đợi. Đã từng trải qua những cơ hội “chết hụt” rồi mà còn mơ màng đến danh vọng hão huyền, nhơn nghĩa thị phi nữa sao?

Thưa cha, thưa má, bị sanh thì phải bị tử, sống chết là lẽ tự nhiên cần chi mà sợ. Không biết được Pháp Phật thì thấy chết là chết, khi nghe được Phật pháp rồi mới hiểu rõ ràng đó không phải là “Ta” chết. Cái áo rách mình liệng, chiếc xe hư mình liệng, thân thể này già yếu hư hại mình cũng phải liệng. Thế thôi. Chết là cái thân nó chết chứ mình đâu có chết. Mình mất cái thân này mình sẽ có cái thân khác liền. Mỗi lần chết là mỗi lần đổi thân, đổi cảnh. Ví dụ, như con rời Việt Nam thì con sống bên nước Úc liền.

Cho nên, chết không sợ. Tuy nhiên, phải sợ là chết rồi mình sẽ ở đâu? Mang thân gì? Sẽ ra sao? Sướng hay khổ? Vui hay buồn? Cười hay khóc? No hay đói?… Vì thế, hãy suy nghĩ thật kỹ chứ đừng bừa bãi! Phải giải quyết rõ ràng. Hãy mau mau chọn chỗ sướng, vui, cười, no… đừng háo kỳ tìm vào chỗ khổ, buồn, khóc, đói… cha má ạ. Lỡ lạc vào đó rồi muốn sống sống cũng không được, muốn chết chết cũng không xong, muốn khóc khóc không ra tiếng, muốn cười cười chảy máu hồng, chứ không phải tầm thường đâu! Cô Bốn là người rất sợ chết, em Vân nói thầm với con: “Anh đừng bao giờ nhắc đến tiếng “Chết” với má em”, thế nhưng chỉ cần nói chuyện hai hôm cô Bốn đã tỉnh ngộ, cô đã coi cái chết trở thành thường. Chưa hiểu mới sợ, đã hiểu rồi thì có gì đâu mà sợ.

Thế nhưng, Sanh-Tử Đại sự! Một lần chết thì công phu tu hành bị xóa sạch. Cái chết đến quá bất ngờ nên phải mau mau niệm Phật, không chờ, không hẹn. Má thường nói để lúc nào yên tĩnh Má mới niệm. Không tốt, mà còn sai với phép niệm Phật nữa. Bước ra khỏi cửa coi chừng không còn trở vô, buông chén cơm xuống có thể không cầm lên được, cô Tám Tâm đi thăm ruộng mà không chờ được đến ngày cây lúa đơm bông… thì làm sao mà chờ đến lúc yên tĩnh được. Sự chết đến nó có chờ đâu mà mình chờ? Má không nghe câu chuyện bà bác thường tới niệm Phật kể lại sao, ở An-Thái có người con cứ nói: “Tôi chờ cho mẹ chết mới tu hành”, không ngờ anh ta chết trước.

Nghĩ đến cái chết thì phải sợ, sợ địa-ngục, sợ tam ác đồ. Vì vậy niệm Phật phải niệm liên tục, niệm ngay trong những lúc rối loạn nhứt, ồn ào nhứt, lộn xộn nhứt… vì có thể mình ra đi ngay trong những lúc đó. Hỏi thử Ông Hai Thuận, ông Mười Tịnh, ra đi như thế nào? Bác Năm S. cô Tám T. đã bị gì? Họa vô đơn chí, nó có báo trước cho mình không? Cho nên không thể đợi đến lúc yên tĩnh mới niệm Phật, mà lúc ồn ào, náo nhiệt phải niệm Phật để bao phủ nó lại, đè nó xuống. Có như vậy tâm mình mới yên tĩnh được, chứ người ta ồn ào mình cũng ồn ào, người ta lăng xăng mình nhào vô lăng xăng… thì bao giờ tâm mới yên tĩnh.

Niệm Phật là pháp diệt phiền não. Điều này khó lắm. Diệt không được thì chuyển, nghĩa là cứ một ý nghĩ nào nổi lên là niệm Phật liền, tốt cũng A-Di-Dà Phật, xấu cũng A-diđà Phật thì tự nhiên tâm an lành, đó gọi là chuyển. Chuyển không được thì phủ lấp phiền não lại. Nghĩa là phiền não, ồn ào, lộn xộn nhiều quá thì cứ niệm Phật cho nhiều lên để câu Phật hiệu phủ lấp nó lại. Phật dạy chỉ cần phủ lấp phiền não là có thể vãng sanh rồi. Dễ dàng, dứt khoát!

Nhất định phải niệm Phật để cứu đời mình cha má ơi! Những kẻ tự cao ngã mạn, chắc chắn phải bị đọa lạc. Trong hiện đời mạt pháp này, mang thân đàn ông gây tội nghiệp nhứt, vì họ thích tham lam, sân giận, ngu si, ngã mạn, tà kiến, ác thú… họ không chịu tu hành, thành ra họ bị đọa nhiều nhất. Cái cuồng ngạo đến tột cùng rồi, cho nên Phật, Bồ-tát thì không lạy lại đi lạy danh vọng ô trọc trần tục mà tự hại đời! Trí-Huệ, Giải-Thoát không lạy lại đi lạy nghiệp chướng đọa lạc để cam chịu khổ nạn! Tội nghiệp thật! Chết có nghĩa lý gì mà sợ, nhưng có sợ là sợ nghiệp báo. Kinh Phật thường nói “Bồ-tát sợ Nhân, chúng-sanh sợ Quả” là vậy. Bồ-tát thấy nhân duyên quả báo sợ quá không dám tạo nhân xấu. Chúng sanh không biết nhân-quả cứ lăn xả vào làm việc ác xấu, để chờ quả ác. Nếu hiểu rõ nhân quả báo ứng, không ai dại khờ đâm đầu tranh giành những thứ tài sắc danh vọng hão huyền để sau cùng thọ nạn. Con nghe thím Bảy H… ra đi, trước những ngày tháng ra đi thím quằn quại đau thương, lăn lộn than khóc. Khi cô Sáu đến thăm, thím ôm chân cô van xin, “…Em chết mất chị ơi, làm ơn cứu em với…”. Nghe nói vậy mà con đau nhói trong tim! Làm sao cứu đây?

Phật dạy “Độc sanh độc tử, độc khứ độc lai, khổ lạc tự đương, vô khả đại giả”, rõ ràng sinh ra chết đi chỉ có một mình, có đi, có lại cũng một thân trơ trọi, khổ sướng tự chịu lấy, có ai thay thế cho mình được đâu. Địa vị, danh vọng, thị phi, nhơn nghĩa, có cứu mình được không? Người liễu ngộ chân tướng của vũ trụ nhân sinh, dại gì mê mờ chạy theo cái tham dục trần tục để tạo thêm nghiệp chướng, đến khi quả báo hiện tiền thì kêu than sao được! Phật dạy “Tùng thiện nhập thiện, tùng ác nhập ác, tùng lạc nhập lạc, tùng minh nhập minh… thùy năng tri giả”? “Thiện ác báo ứng, phước họa tương thừa, mạc năng tri giả?…”, sao không hiểu thấu đạo lý này mà mau mau niệm Phật để cứu lấy huệ mạng của mình đây chứ?

Niệm Phật, cốt để thoát khỏi sinh-tử luân-hồi, để siêu sanh Tịnh-độ. Niệm Phật thành Phật. Muốn vãng sanh bất thối thành Phật thì tâm phải thanh-tịnh. Muốn tâm thanh tịnh thì những thứ ngũ dục, lục trần phải buông xuống. Người không chịu buông những thứ trần lao này không thể nào thoát nạn được.

Buông là tâm mình buông, bỏ là tâm mình bỏ. Buông bỏ không có nghĩa là phải đem tiền bạc liệng ra cửa sổ, mà chính là trong tâm phải biết đủ, danh vọng phải biết ngừng, thị phi phải biết tránh, phải nhìn thấy rõ rằng những thứ đó là hoàn toàn giả tạm. Nhứt thiết đừng mong cầu những thứ đó nữa thì tự nhiên tâm được thanh-tịnh. Ngũ-dục là tài, sắc, danh, thực, thùy. Lục-trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Ngũ-dục là năm cái gốc của địa ngục; lụctrần là sáu cái rễ của lục-đạo luân-hồi. Người muốn thoát nạn mà cứ bám chặt cái gốc rễ của tam đồ lục đạo thì làm sao có thể siêu sanh!

Trước tiên, con xin nói đến ngũ dục trước. Tài, sắc, danh, thực, thùy là cái rễ của địangục. Người nào cứ tham đắm những thứ đó, sau khi chết khó có thể tái sanh làm người. Tài là tiền tài, thuộc về phước báu hữu lậu. Không có tiền thì khó sống, nhưng có tiền vừa đủ thì phải lo biết tu để tiếp tục hưởng cái phước đó, đừng để lòng tham lam thành vô đáy, rốt cuộc cũng hoàn trắng tay mà thôi. Phật dạy, tiền tài có được là quả báo của sự bố-thítài trong đời trước, không phải do cái thông minh lanh lợi, bon chen, lương lận mà có đâu. Ai không tin thì chờ mà coi. Ví dụ, trên đời rất nhiều người không làm mà tự nhiên trở thành tỉ phú. Ngược lại, nhiều người thông minh học giỏi mà vẫn nghèo, làm đâu thất bại đó. Tại sao? Vì kiếp trước keo kiết, bỏn xẻn, không chịu bố thí tài, đời này tiếp tục tham lận để làm giàu… thì hậu quả chắc chắn sẽ đói khát cùng túng. Phật dạy bố thí tài thì giàu có, bố thí pháp thì thông minh trí tuệ, bố thí vô úy thì kiên khang, mạnh khỏe. Chân lý này không thể thay đổi được. Tham lam là nhân địa của ngạ-quỷ. Người tham tiền hằng ngày chỉ lo kiếm tiền sẽ tái sanh vào hàng ngạ quỷ, đói khát triền miên. Có hay ho gì đâu! Cho nên phải biết đủ để lo tu. Cha má già rồi phải mau mau buông xuống những thứ bất tịnh nàyï. Người già tính từng ngày từng giờ để ra đi mà còn cố tình giữ tiền bạc làm chi nữa, chẳng lẽ để coi chơi cho thỏa mắt vài tháng, vài năm, rồi chịu chui vào làm loài quỷ đói hàng vạn kiếp mới đành sao! Tuổi già hãy để con cái lo liệu, cứ một mực niệm Phật có hơn không, thưa cha má?

Lần về này, đầu tiên con thương em An nhứt. Người thứ hai con thương là anh Bốn. Con thương An vì em nó có hiếu, có nghĩa và lại biết tu hành, có tu thì tự nhiên có hậu báo tốt. Con thương anh Bốn vì anh có hiếu nhưng chưa biết tu, người chưa biết tu thường vô tình tạo nhiều nghiệp chướng, quả báo không được tốt! Tình ruột thịt, con thấy anh lạc đường muốn cứu nhưng cứu không được. Tội nghiệp biết chừng nào!

Em An đề nghị không nên để cha má giữ tiền bạc nữa, đừng nên cho cha má nhiều mà chỉ nên cung cấp tất cả nhu cầu hằng ngày. Đây là đề nghị có trí tuệ! Cơm, áo, nhu cầu sống hằng ngày các con đều lo chu toàn cho cha má. Mỗi tháng nhu cầu cha má cần thiết bao nhiêu sẽ có bấy nhiêu. Mỗi tháng tiêu còn dư, nhứt định cha má phải đem bố thí hết. Đây là ý nghĩ của một người hiểu đạo, đại hiếu, đại nghĩa. Có lẽ nhiều đời, nhiều kiếp về trước cha má có tu, nay mới có những đứa con hiếu thảo và đạo nghĩa như vậy.

An nó không những lo cho cha má từ cuộc sống hiện tiền mà còn lo đến cả huệ mạng của cha má về sau nữa. Đâu dễ gì có người hiểu đạo như vậy! Em nó có nhiều sự phát nguyện âm thầm để hồi hướng công đức cho cha má không cần một ai hay, không xin anh chị em một đồng, không màng đến tiếng khen. Nó đâu cần chờ tới phải làm buổi lễ linh đình, có nhiều người chứng kiến mới khệ nệ đưa ra. “Cha mẹ nuôi con sánh bằng trời biển, con nuôi cha mẹ tính tháng, tính ngày”. Bố thí cho cha mẹ cũng phải chờ có người chứng kiến mới dám cho sao? Hiếu thảo hay không tự lòng mình biết chứ đâu phải chờ cho có người làm chứng mới là hiếu sao?

Tại sao An không muốn cha má giữ tiền? Vì hễ giữ tiền thì tâm sẽ dính chặt vào tiền tài, không thể nào thoát khỏi đại họa lúc lâm chung. Con nói khá nhiều chuyện này, chắc cha má còn nhớ. Người niệm Phật cầu sanh về với Phật mà lúc lâm chung tâm không niệm Phật lại cứ nghĩ tiền đang cất ở đâu, chia cho ai, có an toàn không… thì chắc chắn không thể vãng sanh. Một niệm khi lâm chung là tất cả. Gởi tiền cho người ta vay khi ngã xuống làm sao đòi? Cất tiền cho kỹ khi nằm xuống làm sao moi lên? Khi đã cứng mồm làm sao trăn trối với con cái?… Chính vì thế, mà tâm cứ dính vào đó, chắc chắn phải vào hàng ngạ quỷ hoặc súc sanh. Rõ ràng tiền bạc là cái gốc của tam đồ ác đạo.

Người già cả mà tham giữ tiền thực sự là một đại hiểm họa cho pháp thân huệ mạng chính mình. Cho nên cha má không nên giữ tiền. Cô Bốn giữ tiền, con khuyên một lời cô buông ra, cô Sáu đeo vàng trên tay con khuyên một lời cô tháo ra giao cho mấy em liền. Thế thì má còn tiếc gì mà còn cố gắng nuôi heo, còn lo trồng đám lúa, còn giữ đôi bông tai, còn cất sợi dây chuyền? Phải buông ra đi má. Nếu không có thì đây là phước. Nếu có nhín nhút chút đỉnh nào thì hãy mạnh dạn kêu mấy đứa con tới, đem ra, đổ xuống đó, nói rằng: “Tụi con làm gì làm đi, cha má cần an lành…”. Sau đó tuyệt đối không thèm hỏi tới, không thèm biết ai giữ, không thèm đếm xỉa tới nữa. Nếu làm được vậy, niệm Phật chắc chắn cha má được tự tại vãng sanh.

Tại sao nên đem tiền dư cho đi? Đây là người có trí huệ đó! Không những cho tiền dư mà nên nhín chút phần ăn để cho nữa là khác. Vì ai cũng biết tham là xấu, nhưng ai ai cũng thích “tham” cả. Tham, Sân, Si là ba độc tố giết chết huệ mạng nhưng ít ai có thể xả bỏ được. Phật dạy “Bố-Thí” thì phá được “Tham”; “Nhẫn-Nhục” thì phá được “Sân”; “Trí-Huệ” thì phá được “Si”. An muốn hàng tháng hễ còn dư tiền thì cha má đem cho hết: con cái, cháu chít, người nghèo, cho hai Phú, cho thím Bốn H… là muốn cho cha má bố thí đó, muốn cha má dọn đường vãng sanh đó. Cứ việc cho người ta đi thì tự nhiên tâm hồn mình sung sướng, tự nhiên mình thấy từ bi, an lạc, tự tại, giải thoát. Chuyến này về con ghé Bình-Dương, HuyHồng chỉ thoáng nghe qua điện thoại là con nhờ người ta may áo tu không được, là nó tự động mua hai, ba cây vải về, chỉ trong hai ngày chót mà em nó ngày đêm may tới hai mươi bộ gởi cho con đem bố thí, cúng dường. Các em nó còn gởi thêm năm trăm đô-la Mỹ để mua máy niệm Phật về biếu cho người ta. Bửu, Chương nó mở tâm giúp đỡ cùng khắp… Trên đời này tìm đâu ra những tâm hồn như vậy.

Có người bào chữa rằng, tại giàu có nó mới cho, chứ nghèo thì tiền đâu mà cho? Nói như vậy là vì không hiểu đạo lý. Phật dạy, “Vì có bố-thí tiền mới được giàu”, giàu rồi mà tiếp tục giúp đỡ người khác thì giàu mãi, tiền thu không kịp. Giàu mà không biết bố-thí thì bị tàn lụn, phá sản nhanh lắm. Sau khi tàn lụn rồi, hậu quả còn vô cùng thảm thương hơn lúc chưa có tiền. Có tâm bố-thí hay không, không phải là giàu hay nghèo, mà bố thí là cái hạnh của người biết tu. Chịu nhìn một chút thì ta thấy liền, rất nhiều người càng giàu càng keo kiệt. Người giàu mà biết bố-thí họ càng giàu thêm, người nghèo biết bố-thí thì nghèo mà họ vẫn sướng, cũng an lạc tâm hồn. Nếu thành tâm cố gắng giúp người họ tự cải tạo được vận mệnh của họ ngay trong đời này, hoặc giả nếu phước báu đời này chưa tới kịp thì đời sau họ không làm mà tiền của vẫn cứ rót vào chứa không hết. “Bố-thí Tài được tài phú”, nhất định đúng, đây là lời Phật dạy. Mình hồi giờ sống vì tự tư ích kỷ cá nhân, cho nên phước không có.

Phước mới không bù thì phước cũ phải tiêu, phước tiêu thì dù cho giàu có đến đâu cũng có một ngày tàn lụi. Đó là nhân-quả vậy!

Hiểu vậy, anh chị em, con cái trong nhà nếu thật sự có thương cha mẹ trong tuổi xế chiều, thì hãy lo làm chuyện thực tế cho song thân hưởng được những ngày thoải mái để rồi ông bà ra đi, hay hơn là cho những thứ bắt ông bà phải cất giữ. Hãy xuống bếp nấu giùm cho má bữa cơm, sửa giùm nhà tắm, lo xây cái nhà vệ sinh, căn phòng nóng lạnh hãy mau mau điều chỉnh gấp, chứ sao lại tặng sợi dây chuyền? Khi cha má chết anh chị em gỡ ra hay chôn theo? Nếu gỡ ra thì bây giờ gỡ trước đi, chứ sao lại cam tâm trói cổ cha má đọa vào ác đạo trước rồi mới gỡ?!… Tôi không dám trách anh chị em đâu, nhưng xin anh chị em nhớ rằng “tình thương” mà thiếu suy nghĩ có thể gây nguy hiểm cho người mình thương”.

Cho nên, “Hiếu-Thảo” phải kèm theo “Hiểu-Đạo”, nếu không sẽ thành “Đại-nghịch Bất-Hiếu” mà không hay, oan uổng lắm! Tội nghiệp lắm! Sao bằng tính thử coi dây chuyền bao nhiêu, đôi bông tai bao nhiêu, dùng tiền đó mua thuốc thang, lo cơm nước tươm tất cho ông bà hưởng thụ mà an tâm niệm Phật có hay hơn nhiều không? Cha mẹ gần lâm chung, con cái có hiếu, mà hiểu đạo, thì thành tâm niệm Phật hộ-niệm cho người vãng sanh Tây-phương để về với Phật, đừng nên “hiếu-thảo” mà lại đem tiền bạc của cải ra tính toán, khoe khoang để trói cái tâm cha mẹ vào đó, để hậu quả phải xuống địa-ngục, làm quỷ đói hàng vạn kiếp khổ đau. Có phải vì vô tình trở thành thứ con oan-gia, trái-chủ, đại nghịch, đại ác không? Xin anh chị em nghĩ cho thấu vấn đề.

Cha má ơi! Hãy suy nghĩ cho kỹ, cho thấu đáo nhân sinh pháp giới hầu tránh đại họa cho mình trong tương lai. Con hiểu được chút ít đạo lý giải thoát thì cha má đã già, ngày đi sắp tới rồi. Con không còn biết cách nào để đả thông tư tưởng cho kịp thời hạn đây. Ngày về thăm cha bệnh, con tranh thủ sáng chiều để khai thị, không dám lơ là một buổi là để cầu mong cho cha má bừng tỉnh được vấn đề. Con nói bằng cái lòng tha thiết đến nỗi có người thấm thía phải khóc. Ngày cuối cùng ra đi, con nói thẳng đến mục đích của con về làm cho em An phải khóc nức nở đành rời chỗ ngồi ra ngoài rồi mới vô lại được. Tại sao nó khóc vậy? Nó đã hiểu được lý, đã thấu được đạo, đã thấy rõ nguồn cơn. Vì quá thương cha má mà nó nghẹn ngào không cầm được giọt lệ hiếu. Vì chỉ hai chữ “Buông-Xả” mà cha không chịu buông, má không chịu xả cho trót, thì làm sao vượt được ách nạn trong đời. Cha má nghĩ coi, tuổi trẻ mà nó còn thấu rõ lẽ đạo như vậy thì cha má nào nỡ làm ngơ!

Con biết nhiều lúc chính con cũng không ngăn được sự kích xúc, nhưng con không còn cách nào khác hơn. Đạo lý thì quá thâm sâu, tâm người quá cố chấp, thời hạn quá ngắn ngủi, làm sao con khai thông cho kịp đây. Cứu huệ mạng cha má như cứu lửa cháy đầu, vòi nước như sương có ích gì đâu. Tuổi dương đang so sánh như giọt sương mai, không cứu kịp thời thì đành uổng công lo liệu. Cho nên, có khi con nói mạnh mẽ, để may ra đánh thức được cha má, còn hơn là ru ngủ nhẹ nhàng để chờ ngày nhìn cha má lâm nạn, có ích gì đâu! Vì chữ hiếu, con sẽ làm hết sức mình, con đang làm hết khả năng của con vì con thấy còn có cơ hội cứu độ. Cha má chấp nhận lời con thì mừng cho cha má thoát nạn. Cha má không chịu nghe theo thì tùy duyên phần của mỗi người. Con đã tận lực rồi, lòng con không ân hận nữa.

Còn đối với anh chị em trong gia đình, những lá thư này ai đọc cứ đọc. Cần thì đọc, không cần cứ liệng. Ai hỏi con trả lời, ai gọi tới con giảng cho nghe, ai chê thì con buông thõng hai tay ra đi an nhiên tự tại. “Tùy duyên tiêu túc nghiệp, thiết mạc tạo tân ương”, tùy duyên của mỗi người mà giúp cho tiêu nghiệp chướng, con đâu cần chi tạo thêm nợ mới nữa, phải không thưa cha má!…

Cho nên phải “nhìn cho thấu và buông cho trót” cha má ạ! Nhìn thấu cái gì đây? Nhìn cho thấu cuộc đời vô thường, nhìn cho thấu rằng thân mạng sẽ tan vỡ như bọt bóng nước dưới cơn mưa, nhìn thấu tất cả vạn vật đều trở thành không cả… Thế thì còn gì nữa mà tham với tiếc, còn gì nữa mà giữ với gìn, còn gì nữa mà luyến với lưu.

Nhìn thấu cái gì? Nhìn cho thấu rằng khi thân này chết đi chứ chính ta đâu có chết. Thân chết đi ta có thể trở thành loài ngạ quỷ đói, ngày ngày lang thang những nơi dơ bẩn để kiếm ăn. Vì tham-lam, ăn xong là bức cổ chết. Ta thích được vậy không? Chắc chắn không! Thế thì phải buông bỏ tiền bạc xuống mà ngày đêm niệm A-di-đà Phật. Tiền bạc chỉ cần đủ sống qua ngày. Con cái cho ít thì cảm ơn, cho nhiều không thèm nhận nữa, hãy trả lại, đừng nên nhận tiền rồi đem cất giữ. Hễ đứa con nào đã hiếu thảo, biết phụng dưỡng, thì dù có trả lại thì tự chúng nó cũng sẽ tìm cách làm sao dùng trọn số tiền đó cho cha má. Không những bấy nhiêu đó mà con cháu còn tăng thêm niềm thương kính, lo lắng chu toàn hơn. Cho nên trả ít nhận ít, trả nhiều nhận nhiều, không trả lại không tạo thêm được lòng hiếu thảo của con cháu là vậy.

Còn con cái, nếu có thương cha má nên thực tế, đừng nên bày vẽ đủ kiểu cách ơn nghĩa, bắt cha má già cả sắp chết phải ngồi chóc ngóc chờ đợi tiếng vỗ tay, phải ngày đêm u ủ cất giữ đôi bông tai, sợi dây chuyền… mà tâm của người bị tham nhiễm vào, bị đánh lạc hướng đi, quên mất câu Nam-mô A-di-đà Phật mà tội nghiệp cho cha má về sau!

Tóm lại, ngũ-dục là cái rễ của địa-ngục. Ở đây mới nói đến tiền tài thôi mà đã sợ rồi huống chi kể cho đủ năm món. Nhưng dù sao, con cũng cố gắng nói hết trong những thư tới, cả ngũ-dục và lục-trần đều lần lượt mổ xẻ hết cho cha má nghe. Cầu xin đức A-di-đà Phật gia trì cha má, gia trì tất cả những bà con cô bác đã có thành tâm niệm Phật với con trong những ngày về quê. Khuyên tất cả mọi người hãy dũng mãnh tinh tấn niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Nguyện cho tất cả đều được vãng sanh Tây-phương Cực-lạc quốc.

Nam-mô A-di-đà Phật. 

Kính thư. 

(Viết xong, Úc châu 20/7/02). 

Tâm hiếu kính đạt đến mức cùng cực thì viên mãn thành Phật đạo.          (Pháp Sư Tịnh Không).

Read more: https://hoiquanadida.com/phap-su/chi-tiet/tap-20-hiem-hoa-cua-tien-bac-2161.html#ixzz7R67U2p1r

 

KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –