Hộ Niệm Khó Hay Dễ? Vấn Đề Đạo Lý Và Tâm Lý (Khuyên Người Niệm Phật 69)

Share on facebook
Share on twitter

 

KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT
Tác Giả: Cư sĩ Diệu Âm
Phật lịch năm 2547 / Dương lịch năm 2003

Hộ Niệm Khó Hay Dễ? Vấn Đề Đạo Lý Và Tâm Lý

Kinh gửi cô Lệ Tân và quý đồng tu,

 

Chúng ta tiếp tục bàn chuyện còn đang dở dang:

 

“… việc hộ niệm khó quá, nó mới mẻ quá, có người chấp nhận, có người lại cho rằng bố mẹ ra đi con cái phải khóc, không khóc thì thiên hạ bảo là bất hiếu…”

 

Vấn đề con cháu khóc lóc khi người thân ra đi là một đại nạn cho người chết, chúng ta đã bàn qua trong thư trước.  Xin cô bác đồng tu nhớ kỹ, đừng vì một chút tình cảm thế tục mà vô tình hãm hại người thân của mình trong tam đồ ác đạo vạn kiếp.  Tội nghiệp lắm!  Hôm nay xin nói về “… việc hộ niệm khó quá, mới mẻ quá…!”.

 

Người ta nghĩ hộ niệm khó quá cũng có thể đúng đấy!  Tuy nhiên không phải quá khó như nhiều người tưởng, vì chính tôi cũng từng hộ niệm cho người vãng sanh.  Còn sự hộ niệm có vẻ mới mẻ, thì chỉ mới mẻ đối với người Việt Nam chứ không xa lạ lắm đối với người học Phật Trung Quốc và các nơi khác.  Hơn nữa, người niệm Phật cầu sanh Cực-lạc thì sự hộ niệm lại rất quen thuộc, đây là điều cần thiết để bảo đảm sự vãng sanh được chắc chắn.  Riêng ở một số nơi, sự thực hành Phật giáo bị thiên lệch, thiếu người hoằng dương chánh pháp, nhiều người đi chùa lễ Phật tụng kinh lâu năm, nhưng tình thực mà nói, hầu hết chưa hiểu rõ Phật pháp là gì.  Thành ra cứ thấy có tới chùa tới miễu quỳ lạy các pho tượng cầu tài, cầu lộc, cầu mua may bán đắc, v.v.. thì tưởng mình đã tu theo Phật.  Có người còn âm thầm thực hành theo những pháp ngoại đạo, không có trong kinh Phật mà cứ tưởng là Phật pháp!  Đây là một sự thực khá phổ biến, làm cho nhiều người hiểu lầm mà đánh giá sai lệch về Phật giáo!

 

Niệm Phật cầu sanh Tây-phương Cực-lạc là pháp môn Tịnh-độ, một đại pháp của đức Thế-Tôn thuyết giảng, ứng hợp với thời mạt pháp này để cứu độ tất cả chúng sanh vãng sanh về Tây-phương, thành bậc bất thối chuyển, một đời viên mãn Phật quả.

 

Vãng sanh Tây-phương là điều có thực.  Hàng năm, hàng tháng, thậm chí hàng ngày ở khắp nơi đều có người niệm Phật vãng sanh.  Họ vãng sanh thực sự chứ không phải là chuyện huyền thoại.  Chính tôi đã có cơ may chứng kiến, dù không nhiều lắm, nhưng cũng không phải là ít, những trường hợp vãng sanh.  Có những người vãng sanh chính tôi tham gia hộ niệm, có những cuộc đã được quay VCD để lại, xa nữa thì nhiều chuyện vãng sanh đọc được qua truyện ký của các vị Tổ sư, Đại đức, Cao tăng.  Nhiều lắm!  Những hiện tượng vãng sanh này được ấn chứng đúng như kinh Phật nói, đã xảy ra ngoài sức tưởng tượng của tôi, và tôi nghĩ rằng, với lý luận bình thường không cách nào có thể giải thích nổi, không thể nào dùng đến cái gọi là văn minh khoa học mà biện giải được.  Vì sao vậy?  Vì đây là Phật pháp, là pháp xuất thế gian.  Đã là pháp xuất thế gian thì chỉ có thể dùng tâm để chứng ngộ, chứ không thể dùng tri kiến hữu lậu thế gian mà giải thích.  Kiến thức thế gian chỉ gói ghém trong phạm vi hiện tượng nghiệm chứng, không đủ khả năng liễu giải phần siêu hình.  Nói theo nhà Phật, tức là không thể đột phá Vô-minh, Phân-biệt, Chấp-trước.  Không đột phá nổi Vô-minh, Phân-biệt, Chấp-trước thì làm sao ngộ nhập vào Phật pháp!  Nếu gượng ép luận giải thì dễ dàng rơi vào hoặc là ‘Y kinh giảng nghĩa tam thế Phật oan‘, hoặc là “Tà tri tà kiến” vậy!.

 

Hộ niệm có lúc khó, có lúc dễ.  Nghĩa là, có người được vãng sanh, có người không được vãng sanh.  Được vãng sanh, gọi là ‘DỄ’, không được vãng sanh, gọi là ‘KHÓ’!  Tại sao dễ?  Vì biết niệm Phật, muốn vãng sanh.  Tại sao khó?  Vì tu lòng vòng để chờ chết rồi nhờ con cháu tới chùa xin cầu siêu, chứ không chịu niệm Phật, không tha thiết nguyện vãng sanh.

 

Thư này chúng ta cố gắng bàn đến chuyện hộ niệm khó hay dễ.  Sẵn đây tôi sẽ kể thêm chi tiết chuyện chị Bùi Thị Gái, 45 tuổi, vừa mới vãng sanh ở Bến Vân Đồn Q.7 Sài gòn để làm ví dụ về sự hộ niệm.  Thật ra, đến giờ phút này tôi không biết phải kể câu chuyện nào cho hợp lý đây, vì tôi định kể một chuyện vãng sanh khác, nhưng chưa kịp kể thì lại có chuyện vãng sanh khác nữa xảy ra.  Và cũng thưa thực rằng, trong lúc đang viết lời thư này, thì hàng ngày tôi phải đi hộ niệm cho một người khác nữa, cũng là bệnh ung thư sắp chết.  Kết quả có được vãng sanh không?  Xin chư vị đồng tu chờ câu trả lời ở cuối thư!… Vãng sanh nhiều quá, tôi không biết lựa chọn chuyện nào trước, chuyện nào sau.

 

Ví dụ, như khi nhận được thư của quý cô bác đề cập đến việc hộ niệm, thì ở đây chúng tôi vừa nhận được 2 cuộn VCD quay lại hai người, một đàn ông, một đàn bà, vãng sanh trong năm 2004 tại đạo tràng niệm Phật Đông-Thiên-Mục-Sơn ở Trung Quốc.  Hai cuộc vãng sanh này khá lý thú, quay phim được khá chi tiết, nhưng chưa kịp dịch ra tiếng Việt.  Tôi dự định kể lại vài nét đại cương về chuyện đó cho cô bác nghe, nhưng chưa kịp kể, thì ngày 10/6/2005 ở Brisbane này lại có một người VN, bác Dương Thị Ngà, 84 tuổi vãng sanh.  Cuộc vãng sanh này chính tôi có tham gia hộ niệm.  Ngay sau đó tôi phải về VN thăm cha mẹ.  Không ngờ, trong chuyến về quê này lại được cơ duyên khởi sự hộ niệm cho một người ung thư gan sắp chết, đó chính là chị Bùi Thị Gái.  Chuyện chị Bùi Thị Gái vãng sanh đã ghi nên một trang sử khá đặc biệt của Phật giáo ở quê nhà, một ấn tích quí giá của người Phật tử VN.  Chuyện này gần gũi và mới xảy ra, cô bác có thể liên lạc được để tìm hiểu thêm.

 

Chuyện này do một cơ duyên ngẫu nhiên.  Trong những ngày cuối tháng 8/05, tôi vào Sài gòn để chuẩn bị hành trang qua lại Úc, thì thầy Thích Giác Châu, vị pháp sư khá quen thuộc với giới Phật giáo VN, nổi tiếng về tranh pháp và bút pháp cả trong nước lẫn ngoài nước, gọi một số vị Phật tử đến gặp tôi để hỏi việc.  Nhờ dịp này, tôi lại gặp thêm một vị pháp sư nữa, đó là thầy Thích Giác-Chỉ, trụ trì chùa Phước Thành Q.7 Sài gòn, là sư huynh đệ của thầy Giác Châu.  Cả hai thầy đều muốn tôi trình bày một ít kinh nghiệm về sự hộ niệm.  Quý Thầy bảo thì tôi phải vâng lời.  Sau buổi nói chuyện, có mấy vị Phật tử nêu ý kiến rằng:

 

– Có một người bệnh sắp chết, chúng tôi sẽ liên lạc với gia đình, nếu họ chấp nhận, anh Diệu Âm có sẵn lòng đi hộ niệm không?

 

– Quá tốt!  Tôi nói.  Đây là dịp quá tốt để thực tập, vừa lý thuyết xong thì có dịp thực hành liền, còn gì may mắn hơn.  Tìm đâu ra một cơ hội trùng hợp hiếm có như vậy!

 

Sau khi tiếp xúc, gia đình bệnh nhân đã vui vẻ đồng ý.  Tối ngày hôm sau, tôi còn nhớ có lẽ là ngày 31/8/05, chúng tôi được chị đạo hữu Diệu Thường, một Phật tử thuần thành với tâm đạo rất tốt, cùng một số Phật tử khác hướng dẫn đến nhà bệnh nhân.  Khi đến, tôi thấy bệnh nhân nằm trên chiếc giường bố nhỏ kê sát cửa chính ra vào trong một căn nhà hẹp.  Bệnh nhân đã ở vào giai đoạn kiệt tận, theo như bác sĩ nói, phải chết trong vòng một vài tháng mà thôi.  Nước da chị vàng hoe, tròng mắt thì vàng như nghệ, thân thể ốm yếu, nằm luỗi trên giường, hai chân bị phù, bụng sưng chướng lên… Chị bị giải phẫu để đặt một ống cao-su từ trong thân chạy ra để chuyển một thứ nước màu vàng tiết ra vào một túi nhựa đeo trước bụng… Đây là lần đầu tiên trong đời tôi tận mắt chứng kiến một người bị ung thư gan sắp chết!… Trong kinh Phật nói: Sanh, Lão, Bệnh, Tử, thì đây thật sự là một ấn tượng rõ rệt về Bệnh Khổ đang nằm chờ Tử Khổ vậy!

 

Thực ra, tôi chỉ tham dự một phần vào cuộc vãng sanh này, chứ không phải trọn vẹn.  Tôi chỉ khởi sự hướng dẫn cách thức hộ niệm, cách khai thị một cách tổng quát cho các vị đồng tu theo đó mà làm, còn riêng tôi thì chỉ niệm Phật cho chị được có ba đêm.  Đêm thứ tư, tức là ngày 4/9/2005, tôi phải bay trở về Úc.  Các vị đồng tu tiếp tục hộ niệm thêm bảy ngày nữa.

 

Qua Úc xong, tôi thường xuyên điện thoại liên lạc liên tục để theo dõi tình hình hộ niệm.  Đúng ra, tôi nên hoãn lại chuyến bay thêm một thời gian nữa để cùng với mấy vị Phật tử hộ niệm cho chị Gái được viên mãn mới phải.  Chính thầy Giác-Chỉ cũng đề nghị với tôi như vậy.  Thầy bảo tôi, hãy đổi vé máy bay, rồi tới chùa của Thầy ở thêm vài tuần.  Tôi cũng có dự định như vậy.  Tuy nhiên, khi thấy mấy vị Phật tử, cùng với đạo hữu Diệu Thường phát tâm rất mạnh, tất cả đều thành tâm, nhiệt tình, tin tưởng.  Thầy trụ trì thì vui vẻ, tận tình hướng dẫn Phật tử niệm Phật.  Còn chị Gái thì đã phát tâm niệm Phật, tha thiết nguyện vãng sanh.  Thấy vậy làm cho tôi rất yên tâm.  Tôi nghĩ thầm: thật là tốt lắm rồi… thôi, hãy để cho mọi người tự chứng nghiệm lấy thì hay hơn.  Tôi lên máy bay ra đi với một niềm tin rất lớn…

 

Và, kết quả thì đúng như mọi người mong muốn.  Chị Bùi Thị Gái đã được vãng sanh lúc 10 giờ 50 đêm 10/9/2005.

 

Sau khi chị vãng sanh, tôi điện thoại về thầy Giác-Chỉ.  Thầy nói:

 

– … Gia đình của bà này trước giờ chưa biết mái chùa là cong hay thẳng, thế mà không ngờ lại có thiện căn phước đức lớn quá như vậy.  Có lẽ 85 triệu người Việt Nam, bà này là người đầu tiên được vãng sanh chăng?...

 

Thầy Giác-Chỉ đã xác định chị Gái vãng sanh.  Tôi điện thoại hỏi mấy người khác, ai cũng sung sướng khai ra chuyện lạ.  Chị Diệu Thường thì rất vui mừng báo cho tôi biết,

 

Chị Gái đã vãng sanh rồi, vi diệu quá anh Diệu Âm ơi!  Chúng tôi đã báo cho Thầy trụ trì chùa Hoằng Pháp biết sự việc, thầy trụ trì cũng nói rằng bà đó thực sự được vãng sanh.

 

Chị Gái đã vãng sanh, một chuyện lạ vừa xảy ra làm cho mọi người đều phấn khởi.  Ở phút lâm chung, chính thầy Giác-Chỉ đã khai thị, nhắc chị niệm Phật và cầu vãng sanh.  Chị phát nguyện vãng sanh xong thì nhẹ nhàng ra đi và được đồng tu tiếp tục hộ niệm 15 tiếng đồng hồ.  Chị ra đi với sắc mặt an nhiên, nước da vàng như nghệ từ từ hồng hào trở lại như người bình thường.  Người em ruột của tôi cũng có tham gia hộ niệm lúc lâm chung, nó nói,

 

Lạ thật!  Lúc chị đó tắt thở thì đôi mắt hơi mở một chút, miệng hô nên môi không ngậm được.  Thế mà khi niệm Phật một chặp thì mắt từ từ nhắm lại, miệng cũng ngậm kín lại, nước da thì từ từ hồng hào tươi ra, chứ không phải vàng khè như lúc còn sống nữa

 

Đến 7 giờ sáng, tức là hộ niệm được 8 tiếng, người chồng thay quần áo thì phát hiện ra thân xác còn mềm mại, tươi hồng.  Mọi người tiếp tục niệm Phật đến 3 giờ chiều, tức là 15 giờ sau khi tắt hơi, nhà quàng tới làm việc thì thân thể vẫn tiếp tục tươi nhuận và mềm mại như người đang ngủ.  Tất cả mọi người rất đỗi ngạc nhiên và bắt đầu hồ hởi báo tin chuyện lạ…

 

Chuyện chị Bùi Thị Gái vãng sanh tại hẻm số 277 bến Vân Đồn quận 7 Sài gòn phải chăng là một tiếng sét làm giật mình những ai chưa tin vào Phật pháp, một tiếng chuông làm thức tỉnh nhiều người còn đang mê man theo các cách tu vô định hướng.  Cuộc vãng sanh của chị là sự đại hỷ cho gia đình, mọi người đều phát tâm tu hành, còn người trong xóm thì đều bàng hoàng tỉnh ngộ, và cùng phát lòng niệm Phật.  Thật là một tin đáng mừng.

 

Như vậy hộ niệm không đến nỗi nào khó lắm!  Có khó là vì chưa hiểu mà khó, tâm lý khó, lòng tin khó, hoàn cảnh khó, người thân khó, nghiệp chướng khó, v.v… Những vấn đề này nếu mổ xẻ tường tận thì giải tỏa được nhiều khó khăn cho cô bác.  Tuy nhiên, thư này dù sao cũng có hạn, chúng ta sẽ cố gắng bàn được tới đâu hay tới đó, phần còn lại sẽ tính sau!

 

(*) Một là, chưa hiểu thấu đao lý.  Có lẽ rằng, trước giờ ở VN nhiều người chưa biết đến danh từ vãng sanh, chưa thấy thế nào là vãng sanh, thành ra rất nhiều người chưa tin được chuyện vãng sanh là thực, hoặc là hiểu lầm sự vãng sanh!  Tình thực mà nói, đối với đại đa số quần chúng, Phật tử khắp nơi, thường chỉ nghe nói đến cầu an, cầu siêu, cầu tiêu tai giải nạn, cầu phước lộc, cầu trường thọ, cầu mua may bán đắt… chứ ít ai nghe nhắc đến hộ niệm để vãng sanh.  Ngược lại, có người còn sợ và né tránh đến tiếng vãng sanh nữa là khác!

 

Vì sao vậy?  Vì chưa hiểu thấu đạo lý vãng sanh, vì lầm lẫn cho rằng ‘Vãng Sanh‘ là ‘Chết‘.  Nếu vãng sanh là chết, thì ai lại đi cầu chết!  Con người thường chấp vào thân mạng, cứ cho rằng Ta chính là cái thân xác này, cho nên khi mất cái thân xác thì họ tưởng rằng mất tất cả, không còn gì hết!  Chính vì thế, nghe đến tiếng vãng sanh thì sợ như sợ chết vậy!…

 

Thật là một ý nghĩ sai lầm, đáng thương hại!  Chính vì sự mê lầm này đã làm cho chúng sanh không giải thoát được, đời đời kiếp kiếp phải chịu trầm luân đọa lạc.  Thực tế thì cái thân này chỉ là ‘Cái Vật ta dùng‘ chứ không phải là ‘Ta‘.  Cái vật ta dùng, thì dùng một thời gian nó phải hư.  Hư thì phải liệng, không liệng thì cái túi da này nó sẽ thối ùm lên, chính ta cũng phải chạy trốn!  Nó không phải là Ta, chứ nếu thực sự nó là ‘Ta’, thì bao giờ lại có chuyện ‘Ta phải bỏ Ta‘!  Liệng một cái áo cũ để thay vào chiếc áo mới, thì liệng một cái thân hư ta sẽ đội lên một cái thân mới, thế thôi.  Ai hiểu được vậy thì đã giác ngộ.  Giác ngộ rồi thì hết khổ, hết sầu, hết lo sợ chết.  Thành ra, nếu thực là người thông minh trí huệ thì không sợ chết, chỉ có một điều đáng phải quan tâm là khi liệng cái báo thân này phải có cái thân ‘chân kim sắc‘ ánh vàng rực rỡ, tướng hảo quang minh, phước trí vẹn toàn, chứ đừng nên vô ý mang lông đội sừng mà đành sống trong cảnh nô lệ ngu si vạn kiếp!

 

Như vậy, lìa bỏ cái báo thân này không phải là mất tất cả.  Không những thế, mà ta vẫn còn sống và sẽ đi vào những cảnh giới khác, có sướng, có khổ, có sáng, có tối… Vãng sanh Tây-phương là đi về được cảnh giới Cực-lạc, An-dưỡng, vô lượng thọ.  Nếu chết thì chắc chắn đi vào các cảnh giới tối tăm, khổ nạn, vô thường.  Vãng sanh và chết là hai cảnh giới hoàn toàn trái ngược nhau, không thể lầm lẫn!  Đáng tiếc, nhiều người vẫn còn mơ hồ giữa hai cảnh giới này!  Người đời thiếu quá nhiều thiện căn phước đức nên khó tiếp nhận được câu Phật hiệu.  Không tiếp nhận câu Phật hiệu thì tiếp tục sống theo mê mờ lầm lạc.  Lầm lạc cách tu hành, mê mờ đường giải thoát, do đó mà chúng sanh cứ nhắm mắt dắt nhau đâm đầu vào cảnh tối tăm để chịu khổ nạn triền miên!  Người đời chưa biết Phật pháp nên phải mê lầm thì cũng đành đi.  Còn nhiều người đã học Phật lâu năm, mà vẫn chưa giác ngộ ra đường nào giải thoát, đường nào luân hồi, thì thật là đáng tiếc lắm vậy!

 

Ngoài ra, còn có một sự hiểu lầm khác nữa, là nhiều người cho rằng chết là dành cho người thế tục hoặc tại gia, còn vãng sanh chỉ có người tu hành xuất gia mới được.  Thành ra cứ thấy một người tu sĩ ra đi thì nói là ‘Vãng Sanh’, bất cần là thực hay giả, nhiều khi họ còn tặng thêm danh từ ‘Viên Tịch’ nữa.  Những ý tưởng này thật sự không đúng!

 

‘Chết’ thì người nào cũng có thể chết.  Người thế tục chết, người tu tại gia chết, người tu xuất gia cũng có thể bị chết như thường!  Trong mấy thư trước chúng ta có thường nhắc qua một lời Phật dạy trong kinh, ‘Thời mạt pháp ức ức người tu hành khó có một người chứng đắc’.  Người tu hành mà không được chứng đắc thì cuối đời phải chết.  Chết nghĩa là thần thức đi theo nghiệp báo thọ sanh, xả thân thọ thân trong lục đạo, tiếp tục sanh tử trong sáu nẻo luân hồi.  Như vậy, chết có tha một người nào đâu!

 

‘Vãng Sanh’ thì người xuất gia được vãng sanh, người tu tại tại gia cũng được vãng sanh.  Đặc biệt, với pháp niệm Phật thì rất hợp với người tu tại gia.  Trong pháp hội kinh Vô Lượng Thọ, phần đại diện cho pháp môn, các vị thượng thủ tại gia nhiều hơn xuất gia tới ba lần.  Trong thực tế chuyện vãng sanh xảy ra khắp nơi cũng đã chứng minh được rằng người niệm Phật tại gia vãng sanh rất nhiều.  Đây là sự thật, xin cô bác đừng nên lo ngại về điều này.  Phật dạy, đời mạt pháp ‘Chỉ nương theo pháp niệm Phật mà xuất luân hồi‘.  Niệm Phật xuất luân hồi tức là vãng sanh Tịnh-độ.  Người thế tục chưa biết tu hành, nhưng trước phút lâm chung nếu biết ăn năn sám hối, quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh, vẫn được vãng sanh.  Đây là lời Phật dạy, hoàn toàn có thực, trong đời tôi đã chính mắt chứng kiến qua.

 

Vãng sanh là sống mà đi vãng sanh chứ không phải chết.  Đây là cảnh giới nói trong kinh Phật, chư Tổ Sư cũng bàn rất nhiều trong các luận Tịnh-độ tông, dùng để chỉ cho những người lìa bỏ thế giới Ta-bà, sanh về cõi Cực-lạc của Phật A-di-đà, dự vào chín phẩm hoa sen ở Liên Trì hải hội tại cõi Tây-phương, viên chứng tam bất thối: Vị-Bất-Thối, Hạnh-Bất-Thối, Niệm-Bất-Thôi, khi hoa khai thấy Phật chứng quả ‘Vô Sanh Pháp Nhẫn’.  Theo Trí Độ Luận, đây là cảnh giới của thực tướng lý thể Chân-Như, an trụ nơi lý vô sanh vô diệt, không dấy lên hành động của nghiệp, thông suốt các pháp mà không vướng mắc, không thối chuyển, gọi là Bồ-tát Bất-Thối-Chuyển, kinh Phật Thuyết A-di-đà gọi là A-bệ-bạt-trí Bồ-tát, kinh Vô Lượng Thọ gọi là A-duy-việt-trí Bồ-tát.  Cái năng lực chứng đắc này tương đương với các bậc Bồ-tát từ Thất Địa đến Cửu Địa.  Trong kinh Nhân Vương có nói đến Ngũ Nhẫn, thì Vô-Sanh-Pháp-Nhẫn là quả đắc thứ tư, chỉ dưới Tịch-Diệt-Nhẫn mà thôi.  Thực bất khả tư nghì!  Năng lực này là nhờ thần lực của đức A-di-đà Phật gia trì, chứ không phải là tự lực chứng đắc.

 

Còn ‘Viên Tịch’ là cảnh giới cao thượng chí tôn chứ không phải đơn giản.  ‘Viên‘ là viên mãn chư đức; ‘Tịch’ là tịch diệt chư ác, một chứng đắc đến quả đức cùng cực để nhập Niết-bàn tịch diệt.  Cảnh giới này còn gọi là ‘Tịch-Diệt-Nhẫn‘, quả đức cuối cùng trong kinh Nhân Vương, cao hơn Vô-Sanh-Nhẫn một bực.  Đây là quả chứng đắc từ Pháp-Vân-Địa đến quả địa Như-Lai, nghĩa là ba phẩm cuối cùng: Thập-Địa, Đẳng-Giác, Diệu-Giác.  Như vậy, Viên Tịch là cảnh giới của Phật, chứ không phải bình thường.

 

Tuy nhiên, ta cũng thường nghe thấy rằng danh từ này được dùng để chỉ cho sự ra đi của các vị xuất gia.  Đây chỉ là sự tôn kính của hàng đệ tử, chứ còn thực tế thì chỉ có những vị Đại sư, Cao tăng đắc đạo mới có thể Viên Tịch chứ không phải dễ dàng!

 

Nói chung, Chết, Vãng-Sanh, Viên-Tịch là ba cảnh giới khác nhau, chúng ta không nên sơ ý trong cách gọi mà dễ làm cho người đời sinh ra mơ hồ lầm lẫn.  Để tránh sự lầm lẫn này, khi nói đến chuyện vãng sanh chúng ta cần phải cẩn thận.  Như riêng tôi, đôi khi có người điện thoại tới, hoặc trực tiếp tới gặp, đề nghị tôi viết những chuyện vãng sanh của người này, người nọ.  Nhiều khi họ đưa ra những bằng chứng như xá lợi, thấy này thấy nọ, v.v… nhưng tôi cũng không dám vội vã viết.  Vì tình thực, có nhiều trường hợp khá mơ hồ, rất khó quyết đoán.  Ví dụ như nói về ‘xá lợi’ chẳng hạn, trước đây có lần tôi thỉnh ý Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, vị thượng thủ Giáo Hội Khất Sĩ Tăng Già Thế Giới.  Ngài nói, ‘… họ gọi là xá lợi, nhưng nếu xem kỹ, thì nhiều khi chỉ là số xương chưa kịp cháy hết mà thôi…’.  Còn Ngài Tịnh-Không nói, nếu thực là xá lợi thì để nó trên cái đe sắt mà đập, chỉ có móp đe chứ không bể xá lợi.  Hơn nữa, Ngài nói tiếp, chết có lưu lại xá lợi cũng không hẳn là được vãng sanh.  Có được xá lợi chỉ cộng thêm vào thoại tướng tốt và chỉ bảo đảm được rằng người chết đó không bị đọa vào ba đường ác mà thôi.

 

Như vậy, có xá lợi và được vãng sanh là hai việc hoàn toàn khác nhau.  Xin chư vị chớ nên sơ ý mà nhập chung hai việc thành một.  Theo HT Tịnh-Không, thì Vãng sanh, chắc chắn nhất là chính người niệm Phật, trước lúc lâm chung, thấy A-di-đà Phật hoặc Tây-phương Tam Thánh hiện thân tiếp dẫn.  Nếu họ không nói vậy, thì chúng ta cần quan sát kỹ các thoại tướng ứng hợp với kinh Phật và đồng thời phải có sự tương ứng đầy đủ với Tín-Hạnh-Nguyện.  Nên nhớ, vãng sanh Cực-lạc có Tứ-độ, Tam-bối, Cửu-phẩm.  Mỗi phẩm đều có thoại tướng khác nhau.  Nhưng dù sao vẫn phải cẩn thận y cứ vào kinh điển.

 

Phật dạy tín hạnh nguyện vãng sanh.  Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật nói, hạ phẩm vãng sanh chỉ mộng thấy Phật mà được vãng sanh.  Trường hợp này thường không có thoại tướng hiển hiện.  Trong kinh Pháp Hoa cũng có nói rằng sự cảm ứng đạo giao có ‘Hiển‘, có ‘Minh‘.  Hiển là rõ ràng, Minh là âm thầm.  Đó đều do cái nhân tu hành từ trong quá khứ.  Tuy nhiên, thời mạt pháp chúng sanh nghiệp nặng, đức mỏng, thường xa lìa Phật pháp.  Trong đó thiếu lòng tin, không thiết nguyện là chướng ngại chính yếu cho việc vãng sanh vậy.

 

Tóm lại, Chết là thông thường nhất, dễ thấy nhất và tệ hại nhất!  Chết thì phải luân hồi trong lục đạo, nếu rơi vào tam ác đạo thì gọi là đọa lạc.  Những người không biết tu hành thì chắc chắn phải chịu chết, không còn đường nào tốt hơn!  Người tu hành mà không rõ đường đi nẻo về, thực hành những pháp không khế hợp căn cơ, không y theo kinh điển của Phật mà phụng hành, thì hầu hết cũng đành chịu chung số phận hẩm hiu!

 

Viên Tịch là hiện đời thành Phật, chứng nhập Niết bàn, là cảnh giới cao tột, chứng đạo nhanh chóng nhất nhưng chỉ dành cho bậc thượng thượng căn, chư đại Bồ-tát thị hiện, chứ không dễ dàng cho bậc trung hạ căn mơ tưởng.

 

Vãng sanh thì ngự vào chín phẩm hoa sen nơi ao thất bảo ở cõi Tây-phương, viên chứng tam bất thối, một đời thành Phật.  Vãng sanh Cực-lạc là pháp dễ tu nhất, thích hợp nhất, thù thắng nhất cho chúng sanh trong thời mạt pháp.  Niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-độ là pháp môn cứu cánh viên mãn, ứng hợp cả ba căn thượng trung hạ, phổ độ tất cả chúng sanh một đời thành Phật.  Phật nói, thời mạt pháp này chúng sanh chỉ nương theo pháp niệm Phật mới thoát được luân hồi.  Một chúng sanh còn đầy nghiệp chướng như chúng ta hãy quyết lòng chọn lấy pháp niệm Phật để vãng sanh.  Đây là con đường hợp căn hợp cơ nhất, tốt nhất và duy nhất khả dĩ có thể giúp ta thoát vòng sanh tử trong thời mạt pháp này.

 

Những người đi hộ niệm cần nên hiểu những lý đạo căn bản này, nhất là ý nghĩa của sự vãng sanh, để khai thị cho bệnh nhân.  Khi hộ niệm cho những người chưa biết tu hành, chưa biết niệm Phật, thì điểm đầu tiên cần phải giải thích cho họ thấy rõ sự khác biệt giữa chết và vãng sanh.  Hãy tùy cơ khai thị, giúp họ vững tâm niệm Phật, tha thiết cầu vãng sanh để được hưởng cảnh an vui cực lạc, chứ không phải chết.

 

(*) Hai là, vấn đề tâm lý rất cần thiết khi hộ niệm cho người bệnh.  Đối với những người chưa tu hành, hoặc ít tu hành, khi hộ niệm chúng ta cần phải chú ý sử dụng đến thiện xảo phương tiện để hóa giải những chướng ngại về mặt tâm lý trước, có như vậy thì sự hộ niệm mới khỏi bị bế tắc, giúp người bệnh có được cơ duyên tin tưởng, niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ.

 

Ví dụ như chuyện chị Bùi Thị Gái, trước khi đến hộ niệm cho chị, tôi có hỏi qua mấy vị đồng tu tiến dẫn và biết được rằng gia đình của chị ít tu hành, ít đi chùa, chưa biết niệm Phật.  Khi tới nơi, những lời đầu tiên tôi nói với chị không phải về Phật pháp, không khuyên chị niệm Phật, mà tôi chỉ hỏi chị đã nằm như vầy bao lâu rồi? Bị đau lưng lắm phải không? Chị than, ‘… mỏi mê trong người, đau lưng, nhức vai… quá chịu hết nổi!‘.  Tôi nói, ‘mỏi mê, đau nhức như vậy, sao không có ai xoa bóp giùm cho chị.  Thôi để tôi giúp cho…‘.  Miệng nói tay làm, tôi thành thực muốn giúp chị giảm bớt sự khổ đau, được một vài phút thoải mái sau khi đã trải qua những tháng ngày đau đớn trên giường bệnh.  Tôi chưa cần các thứ khác…

 

Đây không phải là khơi chuyện thường tình thế tục, mà chính là đòn tâm lý đầu tiên.  Chuyện này tôi đã vô tình học được ở người em gái út của tôi.  Tôi dạy cho em tôi niệm Phật, còn em tôi thì dạy ngược lại tôi cách khai thị cho người bệnh mà chính nó không hay.  Khi cha tôi bệnh, tôi khuyên cha tôi niệm Phật, ông nghe một cách khá miễn cưỡng.  Mấy đứa em trai của tôi tới khuyên thì cha tôi lại càng không thèm nghe nữa.  Ấy thế, mỗi khi em gái tôi khuyên thì cha tôi vui vẻ niệm Phật, vui vẻ phát nguyện vãng sanh.  Thấy vậy tôi mới để ý, cứ mỗi lần em gái tôi tới chăm sóc cho cha, thì nó lúc nào cũng cười đùa với cha tôi trước.  Nó thường gọi cha tôi là ‘Thái Thượng Hoàng’ và mời Thái Thượng Hoàng nằm nghiêng lại cho hạ thần đấm lưng, xoa bóp.  Đấm một chút rồi nó mới nói, ‘thôi mời Thái Thượng Hoàng niệm Phật đi…, cầu về Tây-phương sớm sướng hơn, nằm đây làm chi cho khổ…!‘.  Thế là cha tôi vui vẻ niệm Phật.

 

Khi xem đến các cuộn VCD vãng sanh, tôi thấy cách khai thị của người Hoa cũng thường dùng đến phương cách này.  Họ khuyến khích, hướng dẫn người bệnh bằng những cử chỉ vui vẻ, thoải mái giống như đùa vui vậy.  Nhưng thực ra đây không phải là đùa giỡn, mà chính là họ đang tạo nên bầu không khí vui vẻ để vãng sanh.  Đây là một sự lịch lãm trong phương cách khai thị hữu hiệu, giúp người bệnh nhanh chóng phá tan nỗi khổ, không còn sầu bi lo sợ nữa, mà vững lòng tin tưởng niệm Phật, và hoan hỉ cầu sanh về Tịnh-độ.  Trải qua một số kinh nghiệm rồi, chúng tôi mới thấy được rằng phương cách khai thị này hay lắm.

 

Tôi đã bắt chước cách của em gái tôi để khai thị cho chị Gái và thực sự là tôi đã thuyết phục được chị rất nhanh.  Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ của đêm đầu tiên, mà chị đã làm hết tất cả mấy việc tôi khuyên như: quyết lòng niệm Phật, phát nguyện vãng sanh, mạnh dạn phát lồ sám hối tội lỗi, không sợ chết, thích vãng sanh, buông bỏ vạn duyên, sẵn sàng đi theo Phật bất cứ lúc nào…  Thấy chị phát tâm mạnh mẽ ai thấy cũng phải khen.  Các đồng tu cũng cùng vui vẻ thoải mái niệm Phật, nhiều lần vỗ tay khen thưởng người bệnh. Chính chị Gái cũng vui vẻ và nhiều lần vỗ tay mỉm cười cảm ơn mọi người.  Tôi còn nhớ, trong đêm đầu tiên khi tôi khuyên chị hãy thành tâm sám hối lỗi lầm của mình.  Chị đã mạnh dạn khai như vầy:

 

Tội lỗi của con nhiều lắm.  Có khi con ra ngoài chợ lén ăn cắp đồ đem về.  Vì gia đình nghèo quá không có tiền nên con đành phải làm vậy để về nuôi gia đình.  Nam Mô A-di-đà Phật, con xin thành tâm sám hối.

 

Tôi chỉ nói tổng quát rằng ai cũng có lỗi lầm, thì chị cũng có.  Bây giờ hãy thành tâm sám hối để nhẹ bớt tội lỗi mà xin được về với Phật.  Thế mà, tự chị dám mạnh dạn khai lên những điều sai trái.  Chị muốn khai nữa, nhưng tôi nói, ‘Thôi đủ rồi!  Thành thật như vậy là quá tốt, khỏi cần khai thêm’.  Tâm địa thành thực, thật đáng khen!  Hỏi rằng, liệu trong chúng ta có ai dám can đảm nói lên những điều hạ tiện của mình cho người khác nghe không?!

 

Một người quá nghèo, không có tiền nuôi gia đình đành ra chợ lén lấy trộm một vài bó rau về nuôi gia đình là đáng thương hay đáng tội!  Chúng ta thường khinh thị những kẻ bần cùng, hạ lưu, trộm cắp.  Nhưng có biết đâu, coi chừng chính ta lại là thứ đại hạ lưu mà không hay: đố kị, hẹp hòi, trốn thuế, bóc lột, gian xảo… đang đội trong lớp áo trí thức cao sang!  Trong xã hội này, có biết bao nhiêu người lịch sự, giàu có, quyền thế, họ có thể liệng tiền qua cửa sổ không tiếc, trong khi lại đi xua đuổi những đứa trẻ đánh giày, những bà cụ bán vé số lang thang ngoài đường phố.  Những bữa cơm trưa của hạng bần cùng này là thường chực chờ ở các quán phở để năn nỉ xin chút nước thừa mứa còn sót trong tô mà húp cho qua cơn đói khát, vậy mà nhiều khi họ không cho, lại còn xua đuổi!  Từ bi ở đâu? Đạo đức ở đâu? Nhân ái ở đâu!

 

Khai thị rất cần đến thiện xảo phương tiện.  Nhất là những người chưa biết tu hành nhiều, muốn họ an lòng nghe theo mình mà niệm Phật, thì người hộ niệm phải biết tùy cơ ứng biến, tìm cách giải quyết những khó khăn tại chỗ của bệnh nhân trước đã.

 

Tôi xin kể ra đây một ví dụ khác cũng khá hay, cùng trong tháng 8/2005, trước chuyện chị Gái cỡ một tuần, tôi ra Long Khánh thăm người em gái.  Nhà em gái tôi có mở cửa mỗi đêm cho một ít đồng tu trong làng tới niệm Phật.  Có một chị trong nhóm cộng tu tới tâm sự với tôi rất nhiều về hoàn cảnh gia đình chị, và chị muốn nhờ tôi tới khuyên mẹ chị niệm Phật.  Chị nói, mẹ chị nghiệp chướng quá nặng, đã liệt chân nằm trên giường hơn một năm rưỡi qua, và bây giờ chỉ còn chờ chết.  Chị nhiều lần khuyên mẹ niệm Phật, nhưng không thành công.  Không những bà mẹ không chịu niệm, mà mỗi lần chị tới niệm Phật thì bà cụ la làng la xóm vang trời, bà hét lên chống đối.  Nếu chị tiếp tục niệm Phật thì bà tức giận mà cắn chặt hàm răng lại không chịu ăn uống, v.v…  Người em trai cũng chống đối kịch liệt việc chị niệm Phật.  Chị nói, ‘có lần nó vác cây ra mà ngăn chận tôi…‘.

 

Quả đúng như vậy thì nghiệp chướng của bà cụ đã quá nặng, hết cách cứu rồi!  Nghe nói mà tôi đành phải lắc đầu!  Với sức của tôi làm sao cứu nổi đây?  Thế nhưng chị đó cứ nài nỉ hoài, sau cùng tôi cũng đành nhận lời để đến thăm, chứ không dám hứa gì hơn.  Tôi hẹn ngày hôm đó đến thăm gia đình nói chuyện với chị, rồi mới gặp bà cụ.  Không ngờ, sự việc xảy ra ngoài sự dự liệu của tôi, chỉ trong khoảng mấy mươi phút nói chuyện thì bà cụ ngoan ngoãn chịu niệm Phật, chịu chắp tay nguyện vãng sanh Cực-lạc.  Chị con gái thấy vậy, quá cảm động mà đứng khóc ròng.  Tôi nói, ‘mẹ chị nay đã niệm Phật rồi, sao chị không niệm theo mà lại đứng khóc vậy…’?!  Tôi bảo người em gái của tôi và chị cùng với tôi niệm Phật chung với bà cụ.

 

Sau đó chị dẫn tôi tới thăm người em trai, tôi cũng có khuyên anh đó cố gắng hộ niệm cho mẹ để trả tròn chữ hiếu.  Và, anh ta cũng chấp nhận dễ dàng…

 

Sự việc diễn tiến quá tốt đẹp mà trước đó vài giờ tôi nghĩ không bao giờ sẽ có.  Sở dĩ được vậy chỉ vì tôi đã dùng cái đòn thiện xảo phương tiện để thuyết phục.  Người đời gọi là cái đòn tâm lý ‘ma lanh!’.  Đòn gì?  Bổn cũ soạn lại.  Việc đầu tiên là tôi xoa nhẹ nỗi khổ của bà cụ, chứ không phải khuyên niệm Phật.  Nỗi khổ gì?  Đau lưng, nhức mình, tay chân bị ngứa ngáy, khí trời nóng bức, .v.v…  Xoa nhẹ bằng cách nào?  Đấm lưng, xoa vai, gãi ngứa cho bà cụ, v.v… giúp cho bà cụ một chút thoải mái, rồi sau đó mới từ từ gợi chuyện, khuyên nhủ sau.

 

Khai thị phải biết tùy cơ ứng biến, chứ không hẳn cứ gặp mặt là thao thao diễn thuyết đâu.  Chúng ta hãy thông cảm cho người bệnh, họ đang chịu đựng quá nhiều sự khổ sở, buồn bực, lo âu, tâm trạng bất an…  Một người đang đói thì hãy đút họ muỗng cháo, đang khát thì cho họ một hớp nước là cả một ơn huệ lớn lao.  Bệnh nhân đang bị nóng bức, mà ta tới nói chuyện Thiên Đường, Cực-lạc, thì họ đuổi cổ mình ra cũng là phải lẽ!  Muốn cho bệnh nhân hoan hỉ tiếp nhận lời khuyên, thì người hộ niệm phải tạo không khí thoải mái cho họ.  Phải chú ý điều này thì mới hướng dẫn họ được.  Người hộ niệm nhất định không được làm điều gì trái ý bệnh nhân, không thể ép buộc hoặc cưỡng bức họ được.  Tất cả đều có nhân có duyên có quả, phải tùy theo duyên mà tìm cách chuyển.  Ví dụ, ngay cả khi họ bảo đừng niệm Phật nữa, mình cũng phải ngừng niệm để họ vui lòng trước đã, rồi tìm cách giải tỏa tâm lý khó khăn sau.

 

Thế gian có câu nói, ‘muốn câu được cá thì phải dùng mồi nào cá thích, chứ không thể dùng cái mồi mình thích‘.  Mình muốn người bệnh niệm Phật, chứ chưa chắc người bệnh đã biết niệm Phật là gì.  Như vậy, đầu tiên phải thả cái mồi họ thích ra để câu họ về với mình trước.  Câu được rồi thì xoay dễ lắm.  Phải tận dụng tâm lý, chớ nên lỗ mãng mà thất bại.

 

Cũng xin nói rõ điều này, ngón đòn tâm lý này chỉ là phương tiện thiện xảo dùng để giải tỏa những trường hợp quá khó khăn lúc đầu mà thôi.  ‘Vạn sự khởi đầu nan’.  Cái khó nhất là lúc khởi đầu làm cho người bệnh phát lòng tin tưởng.  ‘Đầu xuôi đuôi lọt’, khởi đầu đã êm xuôi rồi thì sau đó sẽ dễ dàng.  Sau khi người bệnh đã phát tâm niệm Phật rồi, thì người hộ niệm phải chuyển hướng khuyên họ buông xả vạn duyên để nhất tâm niệm Phật cầu về Tây-phương, chứ không được tiếp tục dùng phương pháp này mà tạo ra tình cảm mới, làm tâm họ quyến luyến vào mình mà đi lạc đường.  Trước phút lâm chung mà còn dùng đến những cử chỉ xoa đầu, vỗ về, ôm ấp, hoặc nói lời thương yêu, âu yếm… thì rất có hại cho người ra đi vì dễ làm lạc tâm của họ.  Nên nhớ, phương tiện khai thị có hai phần: lời nói và cử chỉ, trong đó tư thái, cử chỉ, cung cách của người hộ niệm rất quan trọng, nó ảnh hưởng lớn hơn lời nói.

 

Cho nên, muốn cho người bệnh vui vẻ, thì cử chỉ nét mặt của người hộ niệm phải vui vẻ.  Muốn người ra đi vững tâm thì tâm mình phải vững.  Muốn người ra đi tin tưởng, cương quyết cầu vãng sanh thì lời nói của mình phải cương quyết, tin tưởng.  Đó là điều quan trọng, chứ không phải cứ bảo vui là họ vui, bảo cương quyết, tin tưởng… là họ cương quyết, tin tưởng đâu.

 

Vấn đề khai thị chưa xong, nhưng thư có hạn, xin hẹn thêm kỳ thư nữa.  Trong khi đang viết thư này thì chúng tôi phải hộ niệm cho một chị ở Brisbane bị ung thư đang nằm chờ chết.  Kết quả thì chị đó vừa được vãng sanh vào ngày 21/10/05, hỏa thiêu vào ngày 25/10/05. Chị niệm Phật lặng lẽ ra đi, suốt bốn ngày sắc diện tươi vui, hồng hào, thân xác mềm mại.  Chư Tổ sư nói, ‘Niệm Phật, trăm người tu trăm người vãng sanh, ngàn người tu ngàn người vãng sanh, gọi là muôn người tu muôn người đắc‘.  Đã là Tổ, thì có bao giờ nói chơi!  Xin cô bác vững lòng tin tưởng để niệm Phật, đừng nghi ngờ thì được vãng sanh vậy.

 

A-di-đà Phật,

Diệu Âm kính thư.

(Viết xong tại Brisbane, ngày 1/11/05).

 

 

 

 

Sáu nẻo luân hồi đều do một niệm làm chủ, nếu một niệm chuyên chú niệm Phật thì thân tuy bại hoại nhưng tâm thần không tán loạn, liền theo một niệm ấy vãng sanh Tịnh-độ.

( Đại sư DiệuKhông)

KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –