Vấn Đề Cảm Ứng (Khuyên Người Niệm Phật 74)

Share on facebook
Share on twitter

KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT
Tác Giả: Cư sĩ Diệu Âm
Phật lịch năm 2547 / Dương lịch năm 2003

Vấn Đề Cảm Ứng

Thư gởi đạo hữu Tâm Minh, cùng quí liên hữu Tịnh Thư Quán!

 

Thành thật cảm ơn rất nhiều về một số disc DVD, MP3, VCD pháp của đạo hữu Tâm Minh gởi tặng.  Diệu Âm cũng có chung một tâm nguyện với quí liên hữu, cố gắng ấn hành những băng đĩa khuyến tu niệm Phật.  Thời mạt pháp này mà rời câu A-di-đà Phật, thì chúng ta không còn có hy vọng nào khác để thành tựu chánh quả.  Đã lỡ vô ý chịu trầm luân khổ nạn vô lượng kiếp qua rồi, nay cơ duyên thành Phật đã đến, xin quí liên hữu hãy một lòng trì giữ câu A-di-đà Phật để một đời này được vãng sanh thành Phật.

 

Sự hoạt động của đạo hữu cùng anh chị em Tịnh Thư Quán đã đem lại rất nhiều tiện ích thiết thực trong việc truyền bá pháp Phật, nhất là xiển dương pháp môn Tịnh độ cho người Việt Nam.  Anh chị em đã làm một công việc vì lợi ích chúng sanh, vì Phật pháp trường tồn, chắc chắn sẽ được chư Phật Bồ-tát gia trì.  Công đức này lớn lắm.  Riêng Diệu Âm thì thành thật cảm kích và khâm phục.  Mong anh chị em cố gắng hoạt động mạnh mẽ để người Việt Nam khắp thế giới được sự nương nhờ.  Chúng ta mỗi người góp một tay lưu truyền đạo pháp, giúp người vãng sanh.  Cầu nguyện cho tất cả quí anh chị em trong một báo thân này đều thành tựu đại nguyện.

 

Cuối năm 2006 đầu năm 2007, Diệu Âm về Việt Nam thời gian ba tháng.  Dịp này có cơ duyên được đi dạo thăm khắp cả ba miền đất nước, mới ngỡ ngàng khi thấy được những điều khá dễ thương của những người Phật tử quê nhà.  Cuộc sống giản dị mộc mạc, phải lo làm lụng sinh nhai chật vật hàng ngày, ấy thế mà tinh thần tu hành khá cao, Phật tử đồng tu rất có lòng thành kính Tam Bảo.  Pháp môn niệm Phật đã lan truyền khắp mọi miền.  Phái đoàn làm Phật sự được hướng dẫn đến các nơi để phổ biến về cách hộ niệm lúc lâm chung.  Đi đến đâu cũng được chư vị Tăng Ni và Phật tử đồng tu đón tiếp nhiệt thành và đầy thiện cảm.  Trong dịp này tôi cũng phát hiện một điều khá lấy làm vui mừng, đó là hiện tượng vãng sanh với thoại tướng thật tốt đẹp xảy ra rất nhiều.  Trong khoảng năm 2005-2006 số người niệm Phật vãng sanh lên đến hàng trăm, hầu hết xuất hiện ở Sài Gòn và các tỉnh miền nam, một số khác ở các tỉnh miền trung.  Ngoài bắc cũng nghe tin có một vài người ra đi với thoại tướng tốt đẹp, nhờ các vị đồng tu trong các nhóm niệm Phật hộ niệm.  Tôi cũng tiếp xúc được một số vị đồng tu, cũ có, mới có trong các nhóm hộ niệm.  Có người đã phát tâm nguyện rất cao cả, quyết lòng đi hộ niệm để cứu người vãng sanh khắp nơi, và họ cũng đã kể lại nhừng kỳ tích vãng sanh trong năm qua rất là lý thú.  Tín tâm của quí liên hữu đó dâng cao sau khi chính họ đã tận mắt chứng kiến những hiện tượng bất khả tư nghì xảy ra khi đi hộ niệm.  Có dịp Diệu Âm sẽ tâm sự thêm về chuyện này, hay lắm.

 

Đạo hữu Tâm Minh đã hỏi đến mấy vấn đề kể ra cũng khá lâu, nhưng vì bận quá không cách nào trả lời được, nay có dịp xin góp bàn một vài ý.  Đầu tiên, Diệu Âm xin nói rõ rằng, khi bàn bạc với nhau, chúng ta chỉ đưa ra vài nhận xét cá nhân để cùng nhau mổ xẻ.  Quí liên hữu hãy nghĩ rằng, ví như trong một phiên họp của đạo tràng, Diệu Âm có mặt, rồi chúng ta nêu lên vài cảm nghĩ để cùng học hỏi, xin anh chị em đừng vì quá cảm tình mà vội cho lời của Diệu Âm là đúng.  Cẩn thận và hòa hài với nhau là điều tốt nhất.

 

1) Đầu tiên, về “Quy tắc tu học của Ấn-Quang đại sư mà anh chị em trong Tịnh Thư Quán lấy làm kim chỉ nam để tu học Tịnh-độ, đây thật sự là điều rất quí.  Nếu anh chị em cứ vững một lòng trung thành làm đúng theo lời dạy của Ngài thì chắc chắn không có gì sai lạc.  Ở đây Diệu Âm cũng nương dựa vào đó để tu tập, chứ không có gì khác lạ.  Phải chăng, đây là con đường tu hành vững vàng nhất cho chúng sanh thời mạt pháp này hầu đạt được thành tựu.  Lời Ngài dạy rất cụ thể, rõ ràng, giản dị… nhắm thẳng vào sinh hoạt thực tế, gần gũi, chứ không có triết lý cao kỳ.  Người căn tánh cao thượng tự đó ngộ ra lý đạo cao siêu.  Người bình dân hạ căn đọc đến cũng dễ hiểu, dễ nắm được quy tắc căn bản để tiến tu hoàn thành đạo nghiệp.  Lý-đạoSự-đạo hòa hợp với nhau, không có chướng ngại trong lời khai thị của Ngài.  Cao thì cao đến chỗ ngộ ra chơn tâm tự tánh ngay trong những sự tướng hiền hòa mộc mạc.  Tất cả những sinh hoạt bình thường như: mặc áo, ăn cơm, nói, nín, đi, đứng, nằm, ngồi… đều hiện ra lý đạo giải thoát.  Tâm sanh ra tướng, sắc tướng phóng quang hiển lộ đạo tâm.  Rộng thì rộng đến chỗ bao dung không bờ mé.  Sâu cũng thật là sâu, sâu thẳm đến tận đáy tâm chân thành thanh tịnh.

 

Đọc những lời khai thị của Ngài chúng ta thấy đạo ở trong đời, đời ở trong đạo, đạo và đời đã thể nhập vào nhau, không còn phân biệt.  Lý đạo cao siêu nằm ngay tại tâm này và từ đó thể hiện ra trong từng sinh hoạt hằng ngày, chứ lý đạo đâu phải là sự vay mượn, tìm cầu đến những điều siêu huyền, diệu lý.  Ngay như lời khai thị ngắn ngủi về quy tắc tu học, rất cụ thể, không có một điểm nào là kiêu kỳ triết lý.  Ngài khởi đầu bằng câu: Bất luận là người tại gia hay xuất gia… rồi kết thúc: …nhất định được sanh về Tây-phương Cực-lạc thế giới.  Triệt thỉ triệt chung vẫn chỉ có một đường: niệm Phật cầu vãng sanh Cực-lạc quốc.  Ngài khẳng định rõ ràng người nào niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ thì người đó được vãng sanh, chứ không có ưu tiên cho một tầng lớp đặc biệt nào.  Tư tưởng của Ngài thể hiện rõ sự bình đẳng nhất mực, không có vấn đề phân biệt giai cấp, đẳng thứ.  Điều này chúng ta ít thấy nơi nào khác nói lên một cách rõ ràng và rốt ráo như vậy.  Ngài không những chỉ nói, mà cả cuộc đời của Ngài đã thực hiện đúng theo quy tắc đó.  Ấn Tổ luôn luôn khuyến khích đồng tu nên lập thành nhóm nhỏ dưới hình thức liên hữu để cùng nhau niệm Phật, số lượng không quá 20 người, bất luận là tại gia hay xuất gia, quyết một lòng chuyên tu niệm Phật.  Một đường thẳng tắp siêu xuất càn khôn, thoát vòng tam giới, vãng sanh Cực-lạc để thành Phật.  Không khoe trương, rườm ra.

 

Như vậy, đạo tràng của quí liên hữu đang sinh hoạt rất tương tự với kiểu mẫu đạo tràng của Ấn tổ đề xướng.  Theo Ngài, một đạo tràng thành tựu là nơi có người vãng sanh, chứ không phải là nơi có đông đảo người lui tới.  Ngài nói: Độ được một người vãng sanh Tịnh-độ là tạo một kẻ phàm phu thành bậc Chánh-Giác, công đức này vô lượng vô biên, hơn hẳn việc gieo duyên Phật pháp cho vạn ức người.  Tâm nguyện của Ngài là quyết độ người vãng sanh đi về tới Tây-phương Cực-lạc để viên mãn đạo quả, chứ không phải chăm chú thuận theo cái tập khí sai lầm của thiên hạ, cứ chạy theo miếng mồi phước báu nhân thiên, vô tình làm cho chúng sanh bị sập bẫy luân hồi, lún sâu trong sáu đường sanh tử đọa lạc, tiếp tục chịu cảnh khổ đau vô lượng kiếp.

 

Quí đạo hữu đã có nơi tạm ổn, để có cơ hội hàng tuần gặp nhau niệm Phật.  Bây giờ hãy cố gắng làm sao cho từng người được nắm chắc phần vãng sanh, thì đạo tàng của chúng ta sẽ thật sự thành tựu, hoàn thành được tâm Bồ-đề cao cả.

 

Thực hiện mục tiêu này cũng không có gì khó khăn lắm đâu.  Một là, hãy quyết lòng chuyên tu niệm Phật.  Hai là, cẩn thận hộ niệm lúc lâm chung.  Làm trọn vẹn được hai điểm này thì chắc chắn sẽ có sự thành tựu.  Cơ hội độ người vãng sanh không có gì là khó khăn cả.

 

°Chuyên lòng niệm Phật.  Hãy quyết định giữ một Chánh-Hạnh là câu Phật hiệu A-di-đà Phật, một Chánh-Nguyện là cầu vãng sanh Tịnh-độ, một Chánh-Tín là tin chắc sẽ được vãng sanh Cực-lạc.  Còn tất cả những việc phước thiện thì nên tùy duyên, nhất định không phan duyên.  Nên biết hạ cấp chúng xuống thành loại trợ nguyện, trợ hạnh.  Trợ là không phải chánh.  Nghĩa là, làm rồi biết quên chúng đi, gọi là, làm mà không làm, không làm mà làm.  Đừng ngày ngày nặn óc tìm cầu phương cách này phương cách nọ để tạo phước làm chi cho mệt óc lại thêm phiền não.

 

Người chỉ chuyên làm việc phước thiện mà lơ là việc niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-độ, thì dù có tu hành siêng năng cho mấy, nhiều lắm cũng chỉ hưởng được chút phước báu nhân thiên, chứ khó có hy vọng được vãng sanh thoát vòng tam giới.  Tĩnh Am đại sư nói: Làm thiện làm phước thì tốt đấy, nhưng việc sanh tử thì sao?  Còn xa vời vợi!  Thiện nghiệp càng nhiều, sanh tử càng lớn, luyến ái càng nặng, mãi mãi vẫn còn vướng mắc trong sáu đường khổ hải!  Cho nên, tu hành cần phải xác định rõ mục đích.  Nếu không, đời đời kiếp kiếp cứ lao đao lận đận trong chốn luân hồi, không những không có ngày thoát khổ được vui, mà còn khó tránh khỏi khổ nạn.  Thế mà, hầu hết người tu hành ngày nay cứ lo tìm phước, không chịu tu huệ, cứ cầu giàu sang, không cầu siêu xuất tam giới, vãng sanh thành đạo Vô-thượng.

 

Đạo Phật là con đường liễu đoạn sanh tử, đường vãng sanh thành Phật.  Người đệ tử Phật phải biết trung thành với tâm hạnh của Phật.  Nếu chúng ta muốn hướng dẫn Phật tử đồng tu thì hãy chỉ đường thành Phật cho họ đi, đừng vì một chút danh, một chút lợi, một chút cảm tình mà lôi kéo con người theo ngã luân hồi sanh tử.  Vì con người ngày nay sống cách Phật quá xa, thời mạt pháp khó nghe được chánh pháp, tâm trí thì hạ căn, thành ra lòng tín ngưỡng thành kính rất dễ bị lợi dụng để phục vụ cho ý đồ danh văn lợi dưỡng.  Hầu hết sự tu hành thời nay thường biến pháp xuất thế gian giải thoát của Phật thành những thứ pháp thế gian hữu lậu. Thật quá oan uổng!  Tôi từng gặp những cụ già bốn, năm chục năm thường xuyên tới chùa tụng kinh gõ mõ mà chưa từng để ý đến lời nguyện vãng sanh, chưa hề hiểu chuyện liễu sanh thoát tử là gì!  Trong khi kinh Phật dạy rõ ràng rằng mười niệm tất sanh, một đời bất thối thành Phật.  Tại sao không ai nhắc nhở giùm cho các cụ hãy tránh con đường đọa lạc ra, hãy mau theo đường giải thoát vậy?

 

Cho nên, tu hành không phải chỉ là làm thiện, mà chính yếu là tu thành Phật.  Nếu không rõ ràng mục đích tu hành, thì như Ấn tổ nói, mãi mãi chìm trong bể khổ sông mê.  Phí sức, uổng công, đáng tiếc lắm vậy!

 

Làm thiện, bố thí, công quả, gây quĩ, cúng dường… chỉ là làm công kiếm phước, chứ không phải là cách tu hành thành đạo.  Có phước thì tốt hơn người thiếu phước.  Nhưng có phước mà ngu si, thì như Ngài Tịnh-Không nói, coi chừng sinh thành loài súc sanh để hưởng phước.  Thế gian này có những con chó được ông chủ tỉ phú cưng chiều nuôi dưỡng.  Sung sướng thì có sung sướng, nhưng ngu si thì thật là ngu si.  Kiếp chó thì đời đời kiếp kiếp là chó, khi xong đời này rồi liệu có còn phước để hưởng nữa chăng, hay sẽ phải lang thang tìm ăn nơi các đống rác?  Người biết tu hành, cần phải hiểu cho thật sâu lý đạo, chứ không thể bừa bãi vô trách nhiệm với chính huệ mạng của mình được.

 

Làm phước, làm thiện là cái hạnh bố thí chứ không phải là mục đích tu hành.  Bố thí có bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy.  Bố thí thì hưởng được cái phước ở đời sau, chứ không phải bố thí là thành đạo.  Chớ nên lầm lẫn.  Cho nên, làm phước thiện phải biết tùy theo nhân duyên.  Nhân ở tâm, duyên cũng ở tâm.  Cứ một lòng giữ tâm thiện lành thì tự nhiên duyên lành sẽ đến.  Điều chính yếu của người thực sự tu hành vẫn là phải giữ tâm thanh tịnh niệm Phật.  Tâm nguyện tha thiết nhất là báo thân này được vãng sanh để thành Phật.  Thành Phật mới cứu được ta, mới độ được chúng sanh.

 

Niệm Phật không được hồ nghi, không được xen tạp, không được đổi ý.  Đúng ra chúng ta phải nói là không được gián đoạn mới đúng.  Nhưng thực ra, sự gián đoạn sâu xa nhất chính là cái tâm chuyển hướng.  Sự chuyển đổi này, suy cho cùng, chính là niềm tin không vững chắc nên mới chao đảo, đổi dời, tạp loạn… làm mất chánh niệm, đưa đến mất phần vãng sanh.  Niềm tin không vững chính là những người bạc phước lắm vậy.  Chúng ta đừng nên đóng vai những kẻ bạc phước…

 

° Hộ niệm lâm chung.  Hãy nghiên cứu tường tận phương cách hộ niệm cho người lâm chung.  Trong năm qua (2006) ở VN có hàng trăm người vãng sanh, nhiều người ra đi với thoại tướng tốt đẹp bất khả tư nghì.  Tất cả đều nhờ công đức hộ niệm của các đồng tu phát tâm.  Nhiều nhóm hộ niệm làm việc rất dễ thương, họ phát tâm cứu người không nhận một đồng của gia chủ, không dám ăn một chén cơm của gia đình bệnh nhân.  Họ tự đem theo lương thực trong bảy, tám ngày và đi xa hàng mấy trăm cây số để hộ niệm cho một người bệnh họ chưa hề gặp mặt qua.  Công việc hộ niệm của chư vị đồng tu ở VN đã tạo được một thành quả rất đáng khen ngợi.  Kết được duyên Phật pháp khá lớn cho chúng sanh.  Nhiều gia đình chưa tu học Phật, nhờ phước đức mà khi sắp lâm chung được người đến hộ niệm, họ niệm Phật ra đi với thân tướng sắc diện tốt đẹp hiển hiện mà trước đây chưa ai từng thấy qua.  Từ đó cả gia đình đồng phát lòng tin tưởng, đồng thọ tam quy ngũ giới, rồi cùng nhau phát tâm ăn chay niệm Phật.  Có nhiều vị nói với tôi rằng, sẽ sẵn sàng đi tới bất cứ nơi nào cần để hộ niệm cứu người, quyết định không đòi hỏi một đồng phí tổn.  Chỉ cần một phát tâm này thôi, công đức đã vô lượng rồi.

 

Tại sao họ phát tâm mạnh mẽ như vậy?  Vì chính mắt họ đã chứng kiến cảnh người đi vãng sanh, chính họ đã niệm Phật tiễn đưa người đi về Tây-phương Cực-lạc.  Ai hồ nghi không còn hồ nghi nữa.  Ai gièm pha không gièm pha nữa.  Ai chống đối, nếu có cơ may chứng kiến được, chắc chắn phải giựt mình tỉnh ngộ, đành cúi đầu xin sám hối.  Pháp niệm Phật bất khả tư nghì!  Lời Phật dạy: Mười niệm tất vãng sanh, nhất định không sai.

 

Người nào muốn giữ được chánh niệm, để được mười niệm hoặc một niệm sau cùng thoát vòng sanh tử, vãng sanh thành đạo thì không có gì cao kỳ xa lạ, mà chính là thực hiện đầy đủ ba món tư lương Tín-Nguyện-Hạnh và chuẩn bị hộ niệm cứu nhau khi hữu sự.  Còn những người hộ niệm phải biết cách khai thị, hướng dẫn, giải tỏa mối lo âu, cố gắng giúp cho bệnh nhân giữ vững tín tâm, ý nguyện vãng sanh, nhắc nhở người lâm chung buông xả vạn duyên để niệm nam-mô A-di-đà Phật.  Những điều cấm cữ như khóc lóc, đụng chạm, v.v… đừng nên phạm.  Thực hiện được như vậy thì chắc chắn ai cũng được phần vãng sanh.

 

Anh chị em đã lấy lời khai thị của Ngài Ấn-Quang đại sư làm kim chỉ nam, thì hãy y giáo phụng hành, chắc rằng sẽ được đại thiện lợi.  Ngài Tịnh-Không nói, phương thức của Ấn Tổ rất thích hợp với thời này, có thể ứng dụng cho suốt chín ngàn năm còn lại của thời mạt pháp, vừa cứu vãn cái nguy cơ của Phật giáo, vừa thiết thực cứu độ chúng sanh.  Nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, giữ vững tín tâm không lay chuyển, đây là con đường thẳng tắt thành đạo.  Cứ vậy mà đi, quyết lòng hộ niệm cứu độ nhau, thì từng người đồng tu khi mãn báo thân sẽ được về tới Tây-phương Cực-lạc.  Nên nhớ cho, hộ niệm vãng sanh là chúng ta làm một việc thay Phật cứu độ chúng sanh.  Công đức này vô lượng.  Xin tất cả anh chị em nên phát tâm mạnh mẽ.

 

Thực ra, chủ trương của Ấn tổ cũng không phải là điều mới mẻ, mà chính là sở nguyện độ sanh của ba đời mười phương chư Phật.  Tất cả chư Phật trong mười phương đều dồn nổ lực để độ người vãng sanh Tây-phương.  Chúng ta đang quyết tâm khuyên người niệm Phật, đang hướng dẫn nhau sự Hộ Niệm Vãng Sanh, đang nhắm thẳng đến việc cứu người về miền Cực-lạc… thì chúng ta đã đồng nguyện, đồng hạnh với chư Phật rồi đó.  Ngài Thiện-Đạo Đại sư nói, đức A-di-đà Phật lập 48 đại nguyện chỉ vì muốn độ hết chúng sanh trong cửu pháp giới vãng sanh bất thối thành Phật.  Trong đó, đặc biệt nhất là hạng phàm phu ngu muội, vì chính hạng chúng sanh này không thể nào có năng lực tự vượt tam giới để thoát ly sanh tử khổ nạn.

 

Hạng chúng sanh hạ căn không có khả năng tự tu thành Phật, không có khả năng tự vượt tam giới để giải quyết việc sanh tử luân hồi.  Nếu không có phương tiện độ sanh này, họ đành chịu cái nạn trầm luân khổ hải trong tam đồ lục đạo vô lượng kiếp.  Cái khổ này lớn lắm, đau khổ lắm, bi thảm lắm, không có lời nào diễn tả nổi!  Chư Phật nhìn thấy sự đau khổ này mà bất nhẫn, lòng đại từ đại bi của quí Ngài không nỡ đứng yên nhìn chúng sanh bị đọa lạc.  Các Ngài thị hiện giảng kinh thuyết đạo, thiết tha giãi bày, cặn kẽ chỉ điểm, khuyên dạy cạn lời, đắng miệng… thế mà chúng sanh chưa chịu giác ngộ, mau mau niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ để chấm dứt cảnh đau khổ này.  Thương thay!

 

Cho nên, nếu chúng ta là người sớm hiểu chút đạo, thì phải cố gắng dẫn dắt chúng sanh sớm vượt qua tam giới, hãy tận sức giúp nhau thoát khỏi ách nạn này.  Đừng luận giải lung tung làm mất hướng đi, đừng triết lý kiêu kỳ làm rối tâm người, đừng lạm dụng tâm lý làm mờ lý đạo, đừng dùng pháp của bậc thượng căn mà nói với người hạ trí… Vì làm như vậy không những không có lợi cho họ mà còn đánh mất cơ hội thoát phàm nhập thánh của Phật tử, đồng tu.

 

Cơ hội này ở đâu?  Nương theo đại nguyện tiếp độ vãng sanh của đức A-di-đà Phật.  Một phàm phu nghiệp nặng biết nương theo đại nguyện của Phật để được thành Phật há không hay hơn tự cho là thượng căn thượng trí mà bị luân hồi hay sao?  Xin qúi liên hữu quyết lòng tin Phật, quyết làm theo Phật, tích cực giới thiệu cho mọi người câu Phật hiệu A-di-đà Phật là đầy đủ rồi vậy.

 

Ngài Trung-Phong Quốc sư đời nhà Nguyên có lời rằng:

 

Tiện tựu kim triều thành  Phật khứ,

Lạc bang hóa chủ dĩ hiềm trì.

Nả khan cánh dục chi hồ giả,

Quản thủ luân hồi một liễu thời.

( Diệu Âm tạm dịch)

Hôm nay ta về Tây Phương,

Lạc bang hóa chủ còn chê muộn màng.

Tham chi nghiên cứu luận bàn,

Đời đời kiếp kiếp lang thang sáu đường.

 

Một khẩu khí khuyến cáo mạnh mẽ cho những ai còn cầu kỳ vọng tưởng.

Tất cả chúng ta hãy cùng nhau đi về Tây-phương thành Phật đi.  thành Phật bằng cách niệm câu A-di-đà Phật.  Phật dạy: Thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật.  Tâm này là Phật thì tâm này làm Phật.  Tâm nào niệm Phật, tâm ấy thành Phật.  Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả.  Niệm Phật thành Phật chính là đạo lý này.  Đừng chạy theo cái bả danh văn lợi dưỡng.  Đừng tham chi thứ kiến thức hão huyền.  Người có tâm hạnh chân chính tu hành thì hãy mau mau tìm đường đi thành Phật, thành Phật mới có năng lực cứu độ tất cả chúng sanh.  Mê chi những thứ huyễn mộng phù du, khiến cho chính ta cùng chúng sanh mãi mãi mắc kẹt trong luân hồi đọa lạc, khổ đau vĩnh kiếp vậy!

 

Pháp môn niệm Phật, lấy một câu Phật hiệu “A Di Đà Phật” làm phương tiện cứu độ chúng sanh, dễ dàng, rốt ráo cho tất cả cửu pháp giới chúng sanh viên thành Phật đạo.  Nhân đồng thì quả đồng.  Chưa có pháp phương tiện nào có thể làm được điều này.  Chưa có pháp môn nào có thể gồm thâu phàm thánh, rộng độ ba căn một cách bình đẳng như pháp niệm Phật.  Thật bất khả tư nghì!  Tất cả những lý đạo tối thượng này đều thể hiện một cách rõ rệt và đầy đủ trong những lời khai thị của Ấn-Quang đại sư.

 

2) Về vấn đề dịch thuật, theo lệ thông thường, nếu chính bản là một bài thơ thì nên dịch thành bài thơ, là văn xuôi nên dịch sang văn xuôi, như vậy thì ổn nhất, vừa dễ dịch sát nghĩa vừa hợp với bản gốc.  Tuy nhiên, đôi khi chúng ta cũng thấy từ một bài thơ được dịch thành từng câu văn xuôi.  Cách dịch này chú trọng về ý hơn là trọng văn, chỉ cần giảng nghĩa rõ ràng cho người đọc khỏi lầm lạc là được, chứ không cần quá trau chuốt câu văn.

 

Còn như bản gốc là một bài văn trường hàng mà dịch ra thành bài thơ thì thỉnh thoảng cũng có thấy, nhưng không được thường lắm.  Có thể nói, đây là thuộc về cách “Phỏng dịch” chứ không phải là “Trực dịch”.  Phỏng dịch thì khó được chính xác.  Dịch thành bài thơ có ưu điểm là đọc lên nghe âm điệu hay ho, dễ nhớ, dễ học thuộc lòng, nhưng cũng có những khuyết điểm khó thể tránh được là bài dịch thường bị gượng ép, mất tự nhiên.  Trong thể thơ, phải bị chi phối bởi nhiều luật như: đối câu, đối chữ, đối nghĩa, cách gieo vần, luật bằng trắc, v.v… làm cho bài dịch thường phải thêm ý, thêm lời, hoặc bị cắt xén, thành ra dễ bị lệch ý, khó giữ trọn vẹn nội dung và tinh thần của chính bản.

 

Chính vì thế, nếu quý đạo hữu muốn dịch lời khai thị Quy tắc tu học của Ấn tổ thành thể thơ thì đây cũng là tâm ý tốt, nhưng dù sao cũng khá nên cẩn thận!  Những khai thị của Tổ-sư thường được đại chúng tôn trọng như kinh văn.  Từ bài dịch này, về sau người khác có thể dùng nó dịch ra ngôn ngữ khác.  Chính vì thế, để tránh tình trạng tam sao thất bổn, chúng ta nên cố gắng dịch càng sát nghĩa, sát câu càng tốt.  Ví dụ, lời của Tổ sư mộc mạc, giản dị thì lời thơ ta dịch ra cũng nên mộc mạc giản dị, chớ nên quá trau chuốt câu thơ cho hay đẹp, hoặc cố tạo vần điệu cho êm tai mà dễ biến thành lời thư khách sáo, thiếu trung hậu, hoặc sơ ý thêm lời chuyển ý nhiều quá cũng không tốt.

 

Về kinh điển và những lời khai thị của chư Tổ, Diệu Âm không dám tự mình đính chính.  Công việc này nên dành cho các bậc tôn phẩm mới đủ uy đức đảm trách.  Phận làm Phật tử, chúng ta có thể dịch thuật, nhưng khi làm xong nhất định phải trình lên các Ngài kiểm lại hay ấn chứng mới tốt, chứ chúng ta không nên tự mãn được.

 

3) Ý kiến về chuyện “Niệm Phật cảm ứng, mắt thấy tai nghe của thế gian kể lại.  Tình thực, đối với sự việc này Diệu Âm thường đóng vai “Trung-lập”, ít khi nhắc nhở tới, (trừ những trường hợp đặc biệt cần thiết mới đề cập đến mà thôi).  Nghĩa là, trước một sự việc cảm ứng, dù có nhiều người trầm trồ tán thán hoặc bác bỏ, thì Diệu Âm vẫn thường giữ im lặng.  Không ủng hộ vì chưa chắc chắn rằng việc đó có xảy ra đúng như vậy không và những việc này thường gây ra những dư luận bất đồng, ảnh hưởng không được ổn định.  Không bác bỏ vì sự cảm ứng đến lực gia trì của chư Phật Bồ-tát là điều có thực, giả như đó là sự thật thì ta khỏi bị lỗi.  Nói rõ hơn, Diệu Âm thuộc dạng “ba phải”, sao cũng phải, ít xen vào.  Còn riêng phận mình thì rất bàng quan đối với chuyện này.  Không cần, không cầu, không mơ, không thèm móng khởi một tâm nào khác ngoại trừ cầu nguyện vãng sanh Tây-phương.

 

Thành thực mà nói, những điều cảm ứng có khi tốt, có khi xấu, hậu quả thật khá bất thường!  Những người hiểu đạo, biết về cảnh giới thì đây chỉ là chuyện bình thường, không mấy quan tâm lắm.  Nhưng đối với người không hiểu pháp giới, hoặc đường đạo chưa vững thì thường có những phản ứng tệ hại.  Hơn nữa, một người dù đã biết tu, nhưng ít ra cũng cần phải có tâm thanh tịnh căn bản mới có thể lấy đó làm tăng thiện duyên, trưởng dưỡng tín tâm.  Ngược lại, đối với những người tinh thần không được vững, cảm xúc quá nhạy bén, định lực chưa đủ, tâm chưa được thanh tịnh lắm… thường khi nghe đến những chuyện thần kỳ hay cảm ứng, cũng rất dễ sinh ra những vọng tưởng sai lầm, có nhiều khi tai hại!  Đây là sự thật!…

 

Dẫn chứng về chuyện này nhiều lắm, chắc rằng quí đạo hữu cũng ít nhiều có nghe qua.  Ví dụ, ở đây tôi có quen một người, có một hôm chị tới tâm sự với tôi rằng: Người ta niệm Phật sao giỏi quá, thấy được Phật hiện ra an ủi hoài, còn tôi thì không được thấy, buồn quá!…  Có một chị khác, hằng ngày sau bữa cơm trưa, chị ra đứng sau vườn, hướng về phía tây chắp tay lâm râm cầu nguyện.  Tôi hỏi: Chị cầu nguyện gì vậy?  Chị nói: Tôi cầu xin Phật hiện thân cho tôi thấy.  Tôi hỏi: Ai bày chị vậy?!…

 

Một người không thấy Phật xuất hiện thì buồn rầu, cứ nghĩ rằng mình có nghiệp chướng nặng quá, bạc phước quá nên Phật không thương.  Một người thì tích cực hơn, ngày ngày van vái Phật hiện thân cho mình thấy một chút để thỏa lòng ao ước.  Đây phải chăng là những dạng vọng tưởng không phải nhẹ?!

 

Trong kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm, Bồ-tát Đại Thế Chí dạy: Đóng hết sáu căn, thanh tịnh niệm Phật liên tục thì hiện tại hoặc tương nhất định sẽ thấy Phật.  Có nhiều người nghe vậy cố gắng tập đóng sáu căn mà niệm Phật để thấy được Phật.  Nhưng niệm hoài mà không thấy, đâm ra buồn bã!  Thật ra, vẫn còn khá may mắn cho họ vì chưa được thấy, chứ nếu thấy được rồi thì có lẽ cũng đã gặp khá nhiều chướng nạn!  Vì sao vậy?  Vì hình tướng thì có niệm Phật, liên tục hay không chưa biết, nhưng sáu căn thì rõ ràng chưa đóng được căn nào cả.  Mắt thì láo liên nhìn qua nhìn lại coi thử “Phật” đã tới chưa, miệng thì kêu réo liên hồi không chịu cho ai nghỉ ngơi, ý thì nghĩ tưởng lung tung chẳng biết đâu để định, vừa niệm Phật mà vừa ngửi ngửi thử coi có mùi hương lạ nào bay đến không, v.v…  Vậy thì có đóng được gì đâu?

 

Đóng sáu căn không được thì tâm chưa tịnh.  Tâm chưa tịnh tức là đang loạn động.  Tâm loạn động là vọng tâm.  Đã là vọng tâm thì làm sao đạt được cảnh giới tự đắc tâm khai để hiển lộ Chân-tâm, để thấy Phật?  Sáu căn không đóng tức là đang mở ngõ, đang vọng ngoại để đón chờ tà khí xâm nhập vào.  Vậy mà tà khí chưa tới thăm, phải chăng cũng là điều còn quá may mắn!  Cho nên, với lòng thành tâm, chúng tôi mong chư vị hãy mau mau tỉnh ngộ kịp thời để cứu lấy mình, đừng nên sơ ý nữa, đừng chờ cho tới lúc có điều bất tường xảy ra, lúc đó có ân hận thì cũng hơi muộn rồi vậy.

 

Thấy Phật là Quả, chân thành thanh tịnh niệm Phật là Nhân.  Tu hành hãy lo tạo cái nhân thiện lành, chứ sao lại cứ vọng cầu cái quả thiện lành.  Không có nhân thì không có quả.  Vọng cầu kết quả thì quả làm sao chơn thực được?  Chánh-Tín, Chánh-Nguyện, Chánh-Hạnh niệm Phật thì được vãng sanh, vãng sanh thì gặp Phật, hoặc A-di-đà Phật ứng hóa trong hoa sen khai thị, hoặc là Hoa khai kiến Phật ngộ Vô-sanh.  Đó là thấy Phật, chứ thấy Phật đâu có nghĩa là hàng ngày cứ chờ Phật hiện thân cho mình thấy để thỏa mãn cái tính hiếu kỳ.  Có Phật Bồ-tát nào lại chìu theo cái tập khí tham chấp của chúng sanh?  Thế thì, làm gì có chuyện một người muốn thấy Phật lúc nào thì Phật phải hiện ra ngay cho thấy, để mình được phép đi khoe với thiên hạ biết rằng là mình đã chứng đắc!…

 

Một ví dụ khác, tôi có hay được người niệm Phật thấy Phật A-di-đà hiện ra(?).  Đây là cảm ứng khá tốt.  Nhưng khi thấy người đó đã mạnh mẽ đem chuyện này nói rộng rãi khắp nơi, tạo thành những tin tức khá sốt dẻo, làm cho tôi phải e dè và cảm thấy lo lắng!…

 

Chơn tâm tự tánh của chúng ta chính là Phật.  Là Phật thì thấy Phật.  Đạo lý này không sai.  Nhưng đây là nói về lý.  Trong Thiên-Thai giáo có giảng rõ sáu thể loại Phật, gọi là Lục-Tức Phật, thì Lý-Tức Phật là chỉ cho cái chân tâm tự tánh của chúng ta là Phật.  Tất cả chúng sanh đều sẵn có cái Lý-tức Phật này.  Muốn trở về cái chân tâm, không có con đường nào nhanh chóng và thẳng tắt hơn pháp môn niệm Phật.  Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả.  Niệm Phật thành Phật.  Thành Phật thì thấy Phật, đây là điều tất nhiên, là chuyện bình thường chứ có gì lạ.  Nhưng điều đáng nói ở đây là, liệu người được gọi là cảm ứng đó đã thành Phật chưa, hay chỉ mới nghe có Lý-Tức Phật thì vội vã cho mình đã thành Phật.  Đây thật là một điều sơ suất, cao ngạo lắm vậy!  Còn sự cảm ứng thì cũng cần xác định tính chân thật của nó!  Ấn tổ nói, người đời nay, hễ có được nửa phần, một phần thì nói tới trăm ngàn lần nhiều hơn…  Người ham thích cảm ứng kể lại chuyện cảm ứng, thì dễ gì không thêm bớt chút ít cho mặn mà câu chuyện!  Tập khí, vọng tưởng thật khá đáng ngại, nó gạt gẫm cái tâm ta một cách trắng trợn mà nhiều lúc mình không hay.

 

Phật hay Ma đều ở tại tâm.  Thanh tịnh, giác ngộ là Phật.  Loạn động, mê muội là Ma.  Ta nên xét thử tâm ta nặng bên nào hơn?  Thế nên, nói chuyện cảm ứng hay chứng đắc chúng ta nên khá cẩn thận!…

 

Thành Phật, nói theo lý của Viên-giáo, thì thấp nhất cũng phải là người chứng đắc đến cảnh giới Minh tâm kiến tánh, tức là ít ra phải phá được một phẩm Vô-Minh chứng được một phần Pháp-Thân, gọi là Sơ phần Pháp Thân hoặc Sơ Trụ Bồ-tát.  Trong Lục-tức Phật gồm có: Lý-tức Phật, Danh-tự-tức Phật, Quán-hạnh-tức Phật, Tương-tự-tức Phật, Phần-chứng-tức Phật, Cứu-cánh-tức Phật, thì đây là Phần-chứng-tức Phật.  Tới cảnh giới này quí Ngài đã sống với chân tâm tự tánh, trở về với Bản-Giác thanh tịnh tịch mặc.  Đây cũng chính là cái vốn sẵn có của tất cả chúng sanh. Thành ra, bảo rằng chứng đắc chứ thực ra là Vô-sở-đắc, là trở về với chính tâm mình.  Một người đã chứng đắc thì chắc chắn phải thông đạo lý này.  Đã thanh tịnh tịch mặc thì làm gì có chuyện phải vướng vào cái trạng thái vui mừng khấp khểnh, chạy đi khoe khoang ra ngoài?

 

Chính vì thế, chúng ta chớ nên sơ ý tung những tin tức không xác đáng, dễ tạo nên những phản ứng bất thường trong nhân gian và khuấy động tâm người tu học Phật.  Người không tin Phật pháp thì cho đó là mê tín dị đoan, họ chống đối Phật pháp.  Người thật thà tu hành, nhưng tâm chưa vững, đạo lý chưa thông cũng dễ sanh ra vọng tưởng, hàng ngày cứ thầm ước mong được cảm ứng, cầu xin được thấy này thấy nọ… Chống đối thì không tốt, nhưng vọng tưởng cũng chẳng hay ho gì!  Tất cả đều là nhân duyên trong tam đồ lục đạo.  Đời này là mạt pháp rồi, xin chư vị hãy cẩn thận, giữ tâm thanh tịnh, một lòng niệm Phật cầu sanh Tịnh độ là hay hơn cả vậy.

 

Có một lần Ngài Tịnh-Không khai thị rằng: Xã hội ngày nay, những người tu học Phật pháp, đặc biệt là giới thanh niên, bị ma nhập rất nhiều.  Những ai thích có thần thông, có cảm ứng… đều dễ bị kết duyên với ma.  Ma sẽ lợi dụng nhược điểm đó của quí vị đến lay động quấy phá.  Cho nên, người tu học Phật pháp trong thời đại này cần phải có cảnh giác cao độ.  Khi niệm Phật phải giữ tâm thật chân thật, không nên mong cầu cảm ứng.

 

Ngài còn nói rõ hơn: Người niệm Phật thỉnh thoảng mơ thấy Phật A-di-đà.  Như vậy là công phu niệm Phật được cảm ứng.  Nhưng nếu thường xuyên thấy Phật thì phải cẩn thận, coi chừng công phu không đúng hoặc có vấn đề đó...

 

Cách đây mấy năm, có một quyển sách được ngài Liên-Du dịch, lấy tựa đề là: Quê Hương Cực Lạc, mà chính bản trong quá khứ đã từng bị Ấn-Quang đại sư cấm phát hành.  Diệu Âm chỉ nghe qua băng cassette, toàn bộ những cuộn băng hầu hết nói về công hạnh tu hành của các vị Tổ sư, khá hay.  Mới đầu Diệu Âm cũng chưa tìm được chỗ sơ suất nào đến nỗi phải cấm lưu thông.  Nhưng khi lần mò nghe đến phần cuối mới chợt nhận ra cái lý do tại sao Ngài cấm.  Đó chính là tác phẩm có chỗ đã cố tình nói ra những điều cảm ứng thần kỳ, và thố lộ những cảnh giới lạ khá bất thường!

 

Những hiện tượng huyền bí, những cái nghe cái thấy bất thường, những sự cảm ứng huyền diệu… có hay không?  Có, chắc chắn có.  Đã có, thì sự thật cứ nói rõ ra cho mọi người biết chứ cần chi phải e ngại?  Xin thưa, thường tình của thế gian thì không ngại, nhưng chư Tổ sư Đại-đức thường khuyên nhắc chúng ta phải hết sức cẩn thận điều này, chớ nên sơ ý lộ liễu, thì chắc chắn phải có nguyên do chính đáng trong đó…

 

Chúng ta đang sống gần gũi với hoàn cảnh vật chất, những điều gọi là mắt thấy tai nghe thực ra chỉ là những thứ hữu hình cục bộ vô cùng hạn hẹp.  Còn có vô lượng vô biên những cảnh giới khác vô cùng huyễn hóa, phức tạp, mà cái nhìn của thế gian chưa thể nào với tới.  Vấn đề cảm ứng thì tâm thức của con người đóng vai trò quan trọng.  Một khi tâm chưa thanh tịnh, định chưa có, huệ chưa khai, thì chúng sanh đang bị vọng tâm chi phối rất nặng.  Chính vọng tâm nó duyên với những cảnh giới hư vọng.  Đối với một người huệ chưa khai thì rất khó phân biệt chơn hay giả, tâm chưa định thì rất dễ bị dẫn dụ đi lạc đường.  Nhất thiết duy tâm tạo.  Tâm chúng sanh đang loạn, thì cái thấy cái nhìn thường là hư vọng, khó được có sự chân thực.  Con người nếu không chú ý đến điều này rất dễ vướng phải những duyên xấu ác, dẫn tới chỗ đọa lạc.  Đây có lẽ chính là lý do mà chư vị Tổ sư nghiêm cấm những vọng cầu lộ liễu vậy.

 

Còn những người không tin sự cảm ứng, thường viện dẫn đến danh từ khoa học.  Nhưng thực sự, giới khoa học ngày nay vẫn chưa hiểu thấu những vấn đề này.  Sở trường của khoa học mạnh về vật chất hữu hình.  Những khám phá của khoa học chẳng qua cũng chỉ mở ra thêm một chút kiến thức về sinh hoạt hữu hạn nào đó trong thế giới này mà thôi, chứ không thể cho đó là tất cả hiện thực của hư không pháp giới được.

 

Liệu khoa học có khám phá ra hết tất cả mọi chuyện không?  Không thể được.  Vì sao vậy?  Thành thực, sự phát triển của khoa học đã giúp cho con người hiểu thêm vào cảnh giới.  Nhưng dù sao, cho đến ngày nay khoa học vẫn còn quá hạn chế, quá cạn cợt so với thật tướng của vũ trụ nhân sinh.  Vì khoa học, dù có phát triển nhiều cho mấy đi nữa, thì cũng chỉ gói ghém trong phạm trù tâm thức của con người, cái mà trong nhà Phật gọi là Phân-biệt, Chấp-trước, chứ không thoát qua khỏi cái ranh giới của trí thức.  Khoa học là nghiệm chứng, Phật học là tâm chứng.  Tâm đây là chơn tâm, chứ không phải là trí thức.  Muốn được tâm chứng phải phá Vô-minh, Phân-biệt, Chấp-trước.  Nghĩa là, khi nào trở về chân tâm tự tánh mới có thể thấy được thật tướng.

 

Làm sao trở về chân tâm?  Hãy buông tình thức ra, niệm Phật để thành Phật.  Thành Phật là trở về với chân tâm tự tánh.  Trở về với chân tâm tự tánh là viên mãn giác ngộ.  Còn vướng vào tình chấp của ý thức thì vĩnh viễn không có ngày khai ngộ.  Con người từng thế hệ nối tiếp nhau nghiên cứu, cố gắng khám phá ra những điều mới lạ.  Đợt này có một số người nghiên cứu, tìm hiểu một ít vấn đề… rồi chết.  Đợt khác lại có một số người tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu… rồi chết.  Lớp người trước chết đi, để lại cho lớp người sau một đống kiến thức để tiếp tục nghiên cứu.  Nghiên cứu rồi nghiên cứu.  Nghiên cứu gì đi nữa, thì sau cùng họ cũng phải chết trong mê mờ đọa lạc.  Đọa lạc thì phải chịu nạn.  Cái nạn này là bị đau khổ trải qua hàng vạn kiếp.  Vạn vật biến hóa vô thường, định luật Thành-Trụ-Hoại-Không chưa từng ngưng nghỉ.  Thương hải biến vi tang điền, thì sau khi khỏi đại nạn, còn ai có cơ hội nào nhìn lại được cái nền văn minh khoa học tiến bộ hôm nay?!

 

Phật dạy vạn pháp giai không.  Con người chưa thấu cái Lý Không của vũ trụ vạn vật, cứ quần quật bám vào sự vô thường mà nghiên cứu, mà tìm cầu, để sau cùng chính mình rước lấy sự huyễn mộng ê chề vô thực!  Chấp vào cảnh giới vô thực thì đành chịu thất vọng chua cay!  Trải qua một cuộc cách ấm thì quên tất cả.  Sau cái quên đó, liệu có còn gì nữa để mà nghiên cứu, còn nhớ gì nữa đâu mà tiếp tục phát minh?!… Phải chăng, sự chết đã cướp đi tất cả những gì mà chúng ta đang cố gắng xây dựng nên ngày nay!  Điều đau khổ này khoa học không giải quyết được.  Đó là chưa nói đến giới khoa học có biết phân biệt vấn đề Chánh-Tà không?  Thật là Chánh, giả là Tà.  Nếu quá chủ quan, lại không biết tu hành, lỡ lún sâu vào tà đạo rồi thì sẽ bị thảm hại biết chừng nào!

 

Chính vì thế, Phật dạy chúng sanh phải lo thoát ly sanh tử luân hồi, phải đoạn lìa tam giới, mới mong có ngày khai ngộ.  Muốn vậy không có con đường nào tốt hơn là giữ tâm hồn thanh tịnh, chớ hiếu kỳ, chớ chạy lung tung, không vọng cầu cảm ứng này nọ.  Cứ việc thành tâm niệm Phật, cầu sanh Tịnh-độ thì chắc chắn có ngày được độ.  Còn người nào chưa thấy sự chết sống là việc lớn, cứ nhắm tới chỗ đọa lạc cho là vui, còn tham đắm những kiến thức thế gian, còn thích tạo ra những công trình gọi là vĩ đại, thì ngày nay dù có được sự nghiệp vĩ đại cho mấy, sau cùng cũng chỉ là số 0, không hơn không kém vậy!

 

Chúc quí vị niệm Phật, cầu sanh Tịnh-độ, cùng nhau đắc độ.

 

A-di-đà Phật,

Diệu Âm.

(viết xong, Brisbane ngày 20/3/2007)

 

 

Làm thế nào để tránh khỏi ánh sáng của Ma, không bị Ma tổn hại?  Điều này rất quan trọng, quí vị cần hiểu rõ.   Phương pháp hữu hiệu nhất để đối phó là: Phải luôn luôn giữ chánh niệm.  Khi giữ được chánh niệm, chẳng những Ma không thể tổn hại, ngược lại còn sanh lòng tôn kính và hộ pháp.

( HT. Thích Tịnh-Không)

 

 

 

KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –