Buông xả thì vô sự
Cháu Phượng,
Cháu viết thư lời lẽ chân thành, tâm cháu rất tốt. Chú trả lời cho cháu đây.
1) Cháu muốn tìm một Minh Sư thì chú giới thiệu cho cháu liền. Ngài Tịnh Không là Minh Sư đó. Chú xin giới thiệu với cháu để tùy duyên mà học hỏi.
2) Cháu thấy chân tướng toàn là khổ đau, giả tạm không thật. Biết vậy thì tập buông xả để Niệm Phật. Nhắc rõ rằng, “Buông Xả” có nghĩa là không chấp, không lo, không buồn, không khổ, không cạnh tranh, không ganh tỵ, không thị phi, v.v… nói chung là tập cho tâm hồn thanh thản nhẹ nhàng, không nhức đầu vì tiền bạc, không bận bịu vì danh vọng, không đổ mồ hôi sôi nước mắt để mưu cầu sự nghiệp giả tạm nữa (Nghĩa là, làm để sống, chứ không phải sống để làm). Tất cả đều để tự nhiên, tự nhiên có, tự nhiên mất, tự nhiên đến, tự nhiên đi, tự nhiên được, tự nhiên mất, v.v… Gọi là buông xả. Chứ không phải buông xả là sống xả láng, bỏ vợ, bỏ chồng, bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ làm… đâu nghen.
Người biết buông xả thì lúc nào cũng vui, vì có gì quan trọng nữa đâu mà buồn? Người còn buồn bã, phiền muộn, còn tức chuyện này, còn sợ chuyện nọ… thì chưa biết buông xả vậy!
3) Cháu thường thấy mình còn vọng tưởng, tâm không an định để Niệm Phật. Đây là chuyện rất thông thường chứ không có gì lớn lắm đâu. Thực tế, hình như ai cũng vậy cả, chính chú Diệu Âm này cũng không tránh khỏi.
Trong bộ “Khuyên Người Niệm Phật” chú có nói khá nhiều về điều này, hình như trong tập 3(?). Vậy thì, đừng sợ khi còn vọng tưởng hay tâm chưa được an định. Hãy coi đó là điều tự nhiên, vì chúng ta đều là phàm phu mà! Nếu không có vọng tưởng thì cháu thành Phật, thành Bồ-tát rồi, còn đâu phải hỏi đến chú.
Vậy nên, muốn hết vọng tưởng thì:
– Không thèm để ý đến nó nữa, không lo vọng tưởng, không sợ vọng tưởng, không ghét vọng tưởng nữa… Không để ý đến nó thì nó đến hay đi kệ nó. Không buồn lo vì nó thì ta cảm thấy thoải mái, vui tươi hơn. Không sợ vọng tưởng thì ta an nhiên tự tại. Không ghét vọng tưởng thì tâm ta thấy bình đẳng, không chê ai lắm, cũng không khen ai nhiều. Từ đó tâm ta sẽ bình lặng.
– Lợi dụng “Vọng-Tưởng” để tu hành. Nghĩa là, thấy mình có vọng tưởng thì biết mình có căn cơ thấp, nghiệp nặng, chướng dày… Vậy thì hãy lấy đó tự nhắc nhở để hạ thủ công phu, tu hành nhiều hơn. Nhiều người cạn suy, tâm ý lỗ mãn không tự thấy mình là hạ căn, hạ trí, ưa nói huyền nói diệu mới là người tội nghiệp, vì sau cùng họ sẽ bị nạn rất nặng, chứ ta đã biết rồi thì giải nạn dễ lắm.
– Giải nạn bằng cách nào? “Chẳng sợ Niệm khởi, chỉ sợ Giác chậm”. Niệm là chỉ cho vọng niệm, tạp niệm, nghĩ ngợi lung tung. Giác là câu A-Di-Đà Phật. Nếu vọng niệm khởi lên, thì niệm A-Di-Đà Phật liền, không cần suy nghĩ chi cho mệt óc, không cần biết vọng niệm hết hay không, không cần xem xét vọng niệm lớn hay nhỏ, xấu hay tốt, nặng hay nhẹ. Mặc kệ nó đi, cứ cất lời niệm câu Phật hiệu thì một thời gian cháu sẽ thấy kết quả. Tuyệt vời!
Pháp Niệm Phật là pháp đại giải nạn, không những giải nạn mà còn dễ dàng thành đạo nữa. Cháu đã xem qua nhiều video Vãng Sanh rồi phải không? Vãng Sanh thì sẽ thành đạo đó. Dễ dàng phải không? Rõ ràng, ai cũng có thể Vãng Sanh cả. Như vậy chính cháu cũng sẽ Vãng Sanh dễ dàng, chỉ cần biết cách tu thì được thôi.
4)Hỏi về tu phúc Nhân-Thiên: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm không sát, tu mười điều thiện” thì rất quan trọng, ai cũng phải lo làm.
– Hiếu dưỡng cha mẹ là cái đức đầu tiên trong Phật giáo. Người không có hiếu thuận với cha mẹ không thể học Phật, không thể coi là người tốt được.
– Phụng sự Sư trưởng là kính trên nhường dưới. Người ăn nói vô lễ, cử chỉ hỗn hào, tánh tình cao ngạo… phạm phải điều này.
– Từ tâm bất sát. Sát sanh hại vật chắc chắn bị quả báo tệ hại, thường bị bệnh hoạn khổ đau về sau. Những chứng bệnh nan y không chữa trị được hầu hết đều liên quan đến việc sát sanh. Hơn nữa, các bệnh về oan gia trái chủ đều từ sát sanh mà ra. Phải biết làm thiện lành, phóng sanh lợi vật, Niệm Phật cầu sám hối mới mong giảm trừ nghiệp chướng.
– Tu mười điều thiện là căn bản để thành người hiền lành.
Bốn điều này phải lo tròn, chớ nên sơ suất. Cháu phải cố gắng hết sức để làm nhé.
5) Niệm Phật nhất tâm bất loạn. Đây là kết quả của công phu tu tập. Nói thực rõ hơn, là cảnh giới chứng đắc khi ta phá được ít ra cũng sạch hết nghiệp hoặc mới được, chứ không phải Niệm Phật có được một vài phút an tịnh như cháu nói đâu. Nhiều người hiểu lầm chuyện này, thành ra khi ngồi Niệm Phật, mới có cảm giác lâng lâng nhẹ nhõm một chút, thì tưởng mình đã Niệm Phật nhất tâm bất loạn, vội vã chạy đi khoe khắp nơi. Không phải vậy đâu. Người ưa khoe như vậy coi chừng bị trở ngại đó!
Vậy thì, khuyên cháu không cần nghĩ đến việc nhất tâm bất loạn làm chi cho mệt óc! Đã tập buông xả thì chuyện nhất tâm bất loạn cũng buông xả luôn đi. Hãy lo cái nhân, đừng lo cái quả. Cái quả cứ để tự nhiên. Tự nhiên đến, tự nhiên đi, ẩn hay hiện, còn hay mất cũng mặc kệ nó. Được như vậy mới có thể được “Nhất tâm bất loạn”, chứ cứ mong cầu nhất tâm bất loạn thi vĩnh viễn không được đâu!
Muốn thành tựu đạo nghiệp thì chí thành chí kính Niệm Phật, tha thiết cầu sanh Tịnh-độ. Tin tưởng vững vàng, thì cuối đời được Vãng Sanh bất thối thành Phật vậy.
A-Di-Đà Phật
Chú, Diệu Âm
(12/11/2008)