KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT
Tác Giả: Cư sĩ Diệu Âm
Phật lịch năm 2547 / Dương lịch năm 2003
Nhất Môn Thâm Nhập Trường Kỳ Huân Tu
Kính gởi cô Lệ Tân,
Pháp môn niệm Phật là pháp rất khó tin, như trong kinh Phật nói là nan tín chi pháp! Chính vì thế, nói ra mà người ta không tin tưởng là chuyện thường tình, không có gì xa lạ. Nhưng một người nào đó vừa mới nghe nhắc đến câu “A-di-đà Phật” mà phát tâm tu hành, ngày đêm cố gắng chấp trì danh hiệu để niệm, một lòng cầu nguyện vãng sanh thì thật sự là đặc biệt, nhất định không thể là người tầm thường. Những người này trong quá khứ chắc chắn đã cúng dường vô số đức Phật mà chúng ta không biết. Chính nhờ thiện căn vô cùng lớn đó mới tạo tín tâm vào pháp môn một đời thành Phật này. Nói như vậy, để cho cô Lệ Tân cùng quý cô bác đang lập nhóm liên hữu ở thôn Cây Quân thấy rõ được rằng, nếu chân thành niệm Phật, chí kính lễ Phật, với đầy đủ niềm tin, tha thiết nguyện cầu vãng sanh, thì có thể biết được thiện căn của mình lớn lắm và xác định vị trí của từng người ở Liên Trì Hải Hội. Niệm Phật vãng sanh về Cực-lạc, dự phần ở ao sen thất bảo là điều chắc chắn, không thể sai lệch. Đây là lời Phật. Người nào quyết lòng theo đúng lời Phật dạy để tu hành, thì sự thành đạo ở ngay trong đời này. Diệu Âm xin thành tâm chúc mừng tất cả quý đạo hữu.
Mấy vấn đề của cô Lệ Tân đưa ra khá thực tế, rất hữu ích. Diệu Âm sẽ cố gắng nêu ra đây một vài ý kiến cá nhân đã học hỏi được, rồi xin tùy duyên nhận xét, chứ không dám nhận lãnh tiếng “chỉ bảo” như cô Lệ Tân nói đâu. Vấn đề đầu tiên của cô Lệ Tân đưa ra có liên quan đến sự tụng kinh cầu an, cầu siêu, cầu tiêu tai giải nạn, tụng kinh báo hiếu mùa vu lan. Trong đó cô Lệ Tân có đưa ra các bộ kinh Pháp-Hoa, kinh Địa-Tạng Bổn Nguyện, kinh Đại Mục Kiền Liên báo hiếu v.v…
Đầu tiên, Diệu Âm xin thưa rằng, tụng kinh, niệm Phật, niệm chú, cầu sám… nào cũng tốt cả. Thành tâm tụng niệm kinh điển của Phật đều có công đức, dùng công đức ấy hồi hướng cho ông bà cha mẹ, cho vong linh và hồi hướng cho chính mình vãng sanh đều được. Điểm chính yếu là công đức tu hành, công đức lớn thành tựu lớn, công đức nhỏ thành tựu nhỏ. Chúng ta muốn cứu độ vong linh, cứu độ cha mẹ, ông bà, hoặc đi hộ niệm cho người khác, đều có sự đóng góp công đức của chính mình đã tu được mà hồi hướng cho họ. Trong kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn nguyện có nói, khi hồi hướng công đức, thì người tu hành hưởng được sáu phần, còn người được hồi hướng hưởng một phần. Khi cầu siêu, cầu an, cầu tiêu tai giải nạn… nếu công đức của mình lớn thì vong linh được lợi ích lớn, công đức của mình nhỏ thì họ được lợi ích nhỏ. Do đó, khi lập đàn làm Phật sự, nếu càng được nhiều người tham gia cầu nguyện thì công đức hồi hướng càng lớn, vì nhờ sự đóng góp của nhiều người. Biết vậy rồi, muốn hồi hướng công đức cho người thân, chúng ta nên khuyên người trong gia đình tham gia càng đông càng tốt, vừa tỏ lòng hiếu kính vừa tạo thêm công đức gởi cho họ.
Trong thư cô Lệ Tân có ý nghĩ rằng, cầu siêu thì đọc kinh Địa Tạng, cầu an thì đọc Pháp Hoa, trả hiếu cha mẹ thì đọc kinh Mục Kiền Liên v.v.. Điều này không có gì sai, vì đọc tụng các kinh điển Phật đều có sự lợi ích. Tuy nhiên, điểm chính yếu vẫn là công phu của mình. Nếu công phu thành thục thì có thể nói rằng, đọc kinh, niệm Phật, niệm chú nào cũng đều có quả báo tốt. Nếu công phu không có, hoặc quá yếu thì sự cầu nguyện khó có lợi ích lớn.
Công phu thành thục là người có lòng thành kính và tinh tấn chuyên tâm tu hành. Người có lòng thành tín, có tâm lễ kính, biết y giáo phụng hành, trường kỳ chuyên tâm tu học thì người đó sẽ dễ đạt đến công phu thành thục. Người không thành tâm, tu hành không chuyên nhất, thích ôm đồm nhiều thứ thì thường chỉ thu lượm những kiến thức bên lề, dễ biến thành vọng tưởng, khó thâm nhập vào đạo pháp. Trong đó sự thành kính là chìa khóa khai đạo. Thành tất linh. Thành kính sẽ được linh ứng. Đây là điều tối quan trọng chúng ta cần nên chú ý.
Xin kể ra đây một chuyện vừa mới xảy ra năm ngoái (2004) về một sự linh ứng bất khả tư nghì cho cô bác nghe. Câu chuyện do ông Lâm Tâm Nhuận, một thành viên trong Ban-Trị-Sự hội Tịnh-tông ở Sydney Úc châu kể lại về một sự cố liên quan đến đứa cháu trai, con người anh thứ tư của ông. Khi đó, người cháu trai 29 tuổi, có vợ và một con mới 18 tháng, là nạn nhân trong một tai nạn lưu thông khá nặng vào ngày 28/2/2004 tại Mã lai.
Sau khi bị tai nạn, người cháu của ông được đưa về bệnh viện cấp cứu, nhưng đã bị chấn thương sọ não, nên đã hoàn toàn mê man bất tỉnh. Trong suốt ba ngày liền bác sĩ Tây-y và Đông-y đều liên tục theo dõi và chữa trị, nhưng sau cùng họ xác định rằng khó có hy vọng tỉnh lại, và báo cho gia đình biết rằng nạn nhân có thể ra đi bất cứ lúc nào. Biết được bác sĩ đã vô phương cứu chữa, người anh của ông quyết định đem con về nhà niệm Phật hộ niệm, việc sống chết quyết lòng giao trọn cho Phật Bồ-tát gia trì.
Cháu ông được đưa về nhà và đặt nằm trong phòng thờ Phật. Trước thân thể bất động của con, người cha đã khai thị như vầy:
– Con à, hiện tại, vì một tai nạn xe mà khiến con bị ảnh hưởng và lâm vào tình trạng vô cùng nguy kịch, tánh mạng như chỉ mành treo chuông. Các bác sĩ ở bệnh viện đều phải bó tay chịu thua, cho nên ba mới đem con về đây niệm Phật. Nếu duyên thọ của con chưa dứt, thì hãy mau mau tỉnh dậy. Bằng ngược lại, thì ba đây vì con mà niệm Phật, niệm cho đến khi nào được đức Phật A-di-đà tới tiếp dẫn thì con mới đi. Bằng không, nếu có ai khác tới dụ dẫn con, con cũng mặc kệ, nhất định không theo. Nhớ lời dặn dò của ba và nương vào Phật mà liễu thoát sanh tử. Nhớ nhé! Nhớ nhé!
Nói xong, anh của ông bắt đầu đem hết tâm thành ra niệm từng câu Phật hiệu. Cả nhà cũng đều dốc lòng kiên trì thành tâm hộ niệm. Họ thành tâm niệm Phật, khẩn thiết cầu Phật Bồ-tát gia bị. Tất cả đều niệm Phật nhiếp tâm đến nỗi dường như quên cả thời gian và thực tại bên ngoài. Họ cứ niệm mãi, niệm mãi… không ngừng. Niệm cho đến sáng ngày thứ ba, (nghĩa là thêm ba ngày nữa, tất cả là sáu ngày trong cảnh mê man bất tỉnh), thì đứa cháu ông tỉnh dậy, tỉnh hẳn như người bình thường và có thể trở lại sở làm việc. Thật bất khả tư nghì!
Ai đã cứu cháu của ông thoát cái chết. Ông viết tiếp:
-Tôi hỏi đứa cháu: “Trong lúc hôn mê con có thấy gì đặc biệt không? Con đã thấy gì, và đi đâu? Cháu tôi kể ra hết, đặc biệt nó nói là nó đã thấy đức Quán Thế Âm Bồ-tát (giống y như bức Thánh dung mà ba mẹ đang thờ trong nhà) nhưng cao lớn lạ thường. Ngài được vây quanh bởi nhiều Thánh chúng, xuất gia có, tại gia có, số lượng đông đến không thể kể hết. Và đặc biệt trong số đó nó thấy có cả ông nội nữa. Quán Thế Âm Bồ-tát tay cầm nhành dương liễu đã rảy nước lên người con ba vòng. Khi con vừa chợt phát khởi lên ý gọi Ngài, thì ngay lúc ấy con đã tỉnh dậy”.
Câu chuyện này có thật sự, mới vừa xảy ra. Như vậy, tụng kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện có thể giải nạn, thì niệm Phật cũng được tiêu tai giải nạn…
Cũng xin nói thêm là, người cháu có nhắc đến ông nội của anh ta đã cùng đến với Quán Thế Âm Bồ-tát, đây chính là cụ Lâm-Đạo-Truyền đã vãng sanh lúc 11 giờ 20, ngày rằm tháng 2 năm Giáp-Thân (2004), nghĩa là trước đó không lâu. Cụ đã biết trước ngày ra đi ba tháng và âm thầm chuẩn bị tất cả những gói quà cùng tiền bạc chia phần cho từng người, nhưng việc vãng sanh thì chỉ báo cho người nhà biết trước khi ra đi 30 phút. Cụ nói cho người con trai trưởng biết rằng vào giờ phút đó A-di-đà Phật sẽ tới tiếp dẫn, rồi cụ an nhiên nằm theo thế kiết tường vãng sanh, hưởng thọ 101 tuổi. Đây là chuyện có thật.
Một chuyện khác, vào tháng 7/2003, khi tôi về quê thăm gia đình. Trước đó một ngày có một người trong làng vác cuốc ra đồng thăm ruộng, cô ta trượt chân té xuống bờ ruộng rồi bất tỉnh. Khi đem đến bệnh viện cấp cứu thì bác sĩ cho biết bị chấn thương sọ não, và không thể cứu lại được. Khi đem về nhà cô vẫn chưa chết, rất nhiều người trong thôn hàng ngày tới thăm, than thở chia buồn, con cháu trong nhà thì khóc lóc lu bù. Trong gia đình có người cháu trai cũng biết tu chút ít, có thiết lập bàn thờ và tụng kinh Địa Tạng. Khi tôi tới thăm thì thấy cô đó nằm bất động trên giường, chỉ thấy còn thở nên biết chưa chết mà thôi. Tôi khuyên mọi người nên niệm Phật hộ niệm cho cô, cầu Phật Bồ-tát gia trì, nếu mệnh đã dứt thì được vãng sanh, nếu mệnh chưa dứt thì được tỉnh lại. Thế nhưng, không ai chịu nghe theo. Tôi nhìn thấy nước mắt cô cứ trào ra lăn dài xuống má, những người chung quanh phải thường xuyên chặm nước mắt cho cô và khóc cùng với cô. Nhìn thấy cảnh tượng quá thương tâm, nhưng tôi không có cách nào chuyển đổi tâm ý của mọi người, không đủ sức giải cứu cho cô.
Phàm con người ít ai chịu lo toan việc thoát nạn. Trong lúc còn khỏe mạnh thì buông lung, cứ nghĩ rằng đời mình còn xuân xanh, còn nhiều may mắn cớ chi phải lo tu sớm. Đâu ngờ rằng, như cô đó, mới bước ra cửa thì không còn sức để bước trở vào, phải nhờ đến người khác, đem cái võng khiên xác về nhà, đặt trên chiếc chõng tre, nằm đó bất động mà chờ cái giây phút trút hơi thở cuối cùng. Trước phút lâm chung, nghiệp báo hiện hành, oan gia trái chủ bủa vây trả thù, đòi nợ, chúng ngăn chận tất cả các nẻo đường giải thoát, thẳng thắn ra tay chộp cổ người thân của mình lôi vào nơi khổ nạn mà không ai hay!
Tôi biết vậy, nhưng không biết cách nào để giải tỏa, không biết nói sao cho người ta tin, không đủ sức giúp cô xa lánh đường hiểm ác. Thật quá tội nghiệp! Tôi bước ra ngoài, thì ở hè trước có bày một bàn tiệc nhỏ, với vài tách trà, vài chung rượu. Một vài người đàn ông trong làng đang trò chuyện, rượu cũng đã thấm môi, đã bắt đầu nói hơi lớn tiếng, có một vài lời phát biểu không kiêng dè gì đến sự đau khổ của nạn nhân đang đếm từng hơi thở để ra đi. Đứa cháu trai thì lâu lâu tới ngồi trước bàn thờ tụng một phẩm kinh Địa Tạng. Tụng xong rồi trở ra nhấm nhí chút rượu…
Tụng kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện có thể làm tiêu nhiều tai ương khổ nạn cho mình, cho người thân, nhưng phải thành tâm, chí kính, phải tha thiết nguyện cầu mới được sự gia bị. Đọc kinh Phật còn giúp cho những người còn đang sống hiểu được lời dạy của Phật, theo đó mà làm. Vạn sự đều do nhân quả. Vì vô minh lầm lạc mà trong vô lượng kiếp nay ta tạo quá nhiều nghiệp chướng, hôm nay đọc đến kinh Phật hiểu rõ nhân quả nghiệp báo ở địa ngục thì phải biết giác ngộ, phải sám hối tội lỗi, phải sớm bỏ ác làm lành, tạo nhiều công đức để hóa giải nghiệp báo, chứ đâu phải tụng mấy câu kinh cho Phật nghe, trong khi tiệc rượu thì đang chờ dở dang trước hè!
Hai câu chuyện có thật đã xảy ra, tương tự nhau, nạn nhân đều bị chấn thương sọ não bất tỉnh nằm chờ chết. Một người đã được thoát nạn một cách thần kỳ ngoài sức tưởng tượng, một người đã gặp nạn còn chịu nạn nặng hơn, giống như người rớt giếng còn bị đá rơi theo! Đây là những bài học quý giá giúp cho chúng ta ý thức đứng đắn về sự tu hành. Tu hành chính là ở cái tâm chân thành thanh tịnh, chứ không phải hình tướng bên ngoài. Người mà cứ mãi chạy theo cái danh hão huyền hư vọng của thế gian, thiếu niềm tin, thiếu thành kính thì khó có sự cảm ứng đạo giao, không thể tiếp nhận được Phật lực gia trì.
Người có lòng tin, tha thiết nguyện vãng sanh, thành tâm niệm câu Adi-đà Phật thì một đời đắc được sở nguyện. Còn tu theo những pháp không hợp căn, hợp cơ, không liễu giáo, thì như Phật nói: Ức ức người tu hành, khó tìm ra một người chứng đắc vậy.
Trong kinh Địa Tạng, Phật dạy, trong đời sau người nào chỉ cần nghe danh hiệu của Bồ-tát Địa Tạng, hoặc đảnh lễ, ngợi khen, luyến mộ, vẽ hình, đúc tượng Ngài hoặc đọc kinh Địa Tạng… đều có phước báu vô lượng, như thoát khỏi nạn tam đồ, được tái sanh vào các cõi trời, cõi người, làm được đế vương nhiều kiếp số để hưởng phước báu. Trong kinh này Phật cũng nói rất rõ về lý nhân quả báo ứng, giúp cho chúng sanh giác ngộ đường thiện lành để tạo phước đức hầu tránh cái duyên địa ngục. Khi hộ niệm, nếu bệnh nhân bị nghiệp chướng hiện hành, hoặc bị oan gia báo hại quá nặng, ta nên tụng vài biến kinh Địa Tạng để khai thị và giải nghiệp trước mắt cho họ. Đây là điều rất tốt. Nhưng nên tụng trong lúc còn tỉnh táo hoặc sau khi xong tang sự, chứ không nên tụng ngay giờ phút lâm chung. Giờ phút lâm chung phải quyết lòng niệm Phật trợ niệm để giúp cho bệnh nhân vãng sanh trước đã. Mọi chuyện khác sau đó mới được tính tới.
Như vậy, tụng kinh Địa Tạng có công đức to lớn vô cùng, được phước đức vô lượng, chúng ta không thể xem thường. Nhưng trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh Vô Lượng Thọ Phật lại dạy, dù một người có làm tội lỗi đến ngũ nghịch thập ác, nghiệp báo này nhất định phải bị đọa vào địa ngục A-tỳ, mà lúc lâm chung được thiện tri thức khai thị chỉ điểm đường vãng sanh Tây-phương. Nếu người đó tin tưởng, kiệt thành sám hối, thành tâm niệm Phật, niệm được 10 câu Phật hiệu “Nam mô A-di-đà Phật” cầu sanh Tịnh-độ thì vẫn được vãng sanh, chứng bất thối chuyển, nhẫn đến đắc A nậu đa la tam miệu tam Bồ-đề.
So sánh giữa hai sự lợi ích, một là phước báu nhân thiên, hai là vãng sanh Tây-phương Cực-lạc, thì vãng sanh Cực-lạc thù thắng hơn quá nhiều, thật là “bất-khả-thuyết” công đức. Vì phước báu trời người dù lớn tới đâu cũng chỉ giúp chúng sanh thoát khỏi tam đồ ác đạo, sanh trở lại làm người hoặc lên đến các cõi trời, vẫn còn trong tam giới, chứ chưa thoát vòng sanh tử, chưa ra khỏi lục đạo. Còn vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc thì không những qua khỏi tam giới lục đạo, thoát ly được sanh tử luân hồi, mà còn vượt qua khỏi thập pháp giới, trụ tại nhất chân pháp giới của Phật. Đây là điều bất khả tư nghì, không lời nào tán thán cho xứng vậy. Hơn nữa, chúng ta cũng nên nhớ điều này, phước báu công đức dù to lớn, có thể vượt thoát tam đồ trong đời, có thể hưởng lạc nhiều kiếp ở các cõi trời người, nhưng người có phước phải biết cách gìn giữ cẩn thận mới có thể hưởng được trọn vẹn. Còn nếu sơ ý, đem công đức phước báu ném vào hầm lửa thì đành phải phủi bàn tay trắng, đọa lạc cũng đành phải chịu đọa lạc. Ví dụ như người có bạc tỷ, có thể sống trọn đời sung sướng, và dành lại cho con cháu thừa hưởng. Nhưng nếu dại khờ, đem tiền tung vào sòng bạc một đêm thì có thể thua sạch. Phước báu bỗng chốc trở thành số 0. Bần cùng vẫn hoàn lại là bần cùng mà thôi!
Trong kinh Địa Tạng Bổn Nguyện cũng có nói rằng, chúng sanh trong cõi Nam Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm đều là nghiệp chướng. Tạo nghiệp chướng thì tiêu công đức, đã tiêu công đức thì làm sao giữ gìn công đức cho trọn vẹn?! Do đó, dù phước báu lớn tới đâu mà còn kẹt lại trong lục đạo tam giới, thì không ai dám bảo đảm tương lai sẽ thoát nạn, nhất là nay đã rơi vào thời mạt thế, càng ngày càng hiểm nguy! Chúng ta cần chú ý đến điểm này.
Đời mạt pháp ức ức người tu hành, khó tìm ra một một người chứng đắc, đây là lời Phật dạy trong kinh Đại-Tập. Tại sao vậy? Vì chúng sanh có quá nhiều nghiệp chướng, nhiều phiền não. Sinh ra trong thời buổi mạt pháp, chúng ta nên tự biết rằng nghiệp chướng của mình nặng lắm, cái quả báo rất tệ hại chứ không tốt lành gì đâu. Chính vì thế, con người dù có tu hành, nhưng đường tu thường gặp nhiều chướng ngại, nhiều khó khăn, chứ không phải dễ dàng. Nói cho dễ hiểu hơn, tu hành thì có, nhưng không thể tạo nhiều được công đức để hóa giải nghiệp chướng, nên nghiệp chướng càng ngày càng lớn, thành ra rốt cuộc con người phải theo nghiệp thọ báo, chịu ách nạn nặng nề.
Người biết tu hành chân chính mà Phật còn nhắc nhở như vậy, huống chi là người không tu! Không chịu tu hành thì quả báo của họ sẽ tệ hại biết chừng nào!
Một trong những yếu tố chính yếu tạo ra chướng ngại là vì tâm hồn đã bị ô nhiễm khá nặng! Ba chất độc Tham-Sân-Si đã thấm nhiễm quá sâu, thành ra tư tưởng và hành động của con người đời nay xa lìa đạo pháp, chạy theo thế tục, thích làm ác, ít làm lành, không chịu tu hành, không tin nhân quả. Thế giới ngày nay trọng về khoa học kỹ thuật, tranh đua về vật chất nhiều hơn tu dưỡng tinh thần, thiện tri thức càng ngày càng ít. Người muốn tu hành không biết ai để học hỏi, không biết đâu là chánh pháp để nương tựa. Đây thật sự là một chướng ngại lớn cho chúng sanh trong thời này. Người thực tâm muốn tu hành thì lại thường bị lạc mất hướng đi, mù mờ con đường giải thoát. Có người sau một thời gian tu hành đâm ra thất vọng, chán nản. Cái kinh nghiệm này chắc có lẽ nhiều vị đồng tu cũng ít nhiều biết qua.
Thời mạt pháp tu hành bị nhiều chướng ngại lắm! Một người muốn tu hành, nếu sơ ý, không theo đúng lời dạy của Phật, nhất là kinh điển đại thừa, thì dễ dàng bị lạc vào các đường hiểm ác. Nếu không bị lạc vào các pháp tu tà vạy, thì cảnh nhẹ nhất cũng vướng vào chữ phước báu nhân thiên. Tiền tài, danh vọng, sắc dục… thực tế, dễ thấy, nó có mãnh lực rất lớn, dễ làm cho con người tham đắm vào đó mà quên hẳn chuyện chứng đắc, thành đạo. Người tu hành nên nhớ rằng, có phước không huệ thì giống như người đi đường có lương thực mà không biết đường đi, lỡ lạc vào hang hùm rồi thì bị tiêu mạng. Lúc đó phước báu ai sẽ hưởng đây?
Người được nhiều phước báu là do trong nhiều đời nhiều kiếp trước có làm phước, bố thí, cúng dường, chứ không phải là do sự mong cầu. Cầu phước là tham, là một trong ba thứ độc tố hại chết chúng sanh thê thảm ở tam ác đạo. Nếu trong mệnh có phước, không cầu cũng có. Nếu mệnh có phước mà còn lo cầu phước nữa, thì cũng được phước, nhưng với cái tâm này chắc chắn sẽ xa lìa đường tu hành. Không tu thì tạo nghiệp. Phước càng lớn tạo nghiệp càng nhiều. Bây giờ sướng bao nhiêu, tương lai khổ bấy nhiêu. Đây là nạn tam thế oán vậy.
Biết vậy rồi thì cô bác chớ nên tham cầu phước báu nhiều quá, không tốt về sau. Có tu thì tự nhiên có phước. Đừng cầu. Việc chính yếu là chúng ta phải nhắm tới sự chứng đạo giải thoát, quyết lòng ra khỏi tam giới, lục đạo. Được vậy mới gọi là chứng đắc. Như vậy, ý nghĩa chứng đắc gần gũi nhất là phải thoát ly sanh tử luân hồi. Làm sao thoát? Phật dạy: Chỉ còn cách nương theo pháp môn niệm Phật mà thoát khỏi luân hồi, (Kinh Đại Tập). Phải vượt qua cho được cái cửa ải này mới khỏi uổng công tu tập. Nếu không, dù hình thức có đẹp cho mấy, lý luận có hay cho mấy, kiến giải có thông cho mấy, mà đường sanh tử vẫn chưa rõ ràng, sự thoát nạn còn mờ mờ mịt mịt, thì tất cả sau cùng cũng chỉ là vọng tưởng mà thôi!…
Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả. Phật đã đưa ra giải pháp rốt ráo để một đời viên mãn đạo quả. Niệm Phật thành Phật. Sự việc đã quá rõ ràng. Đường thoát nạn cho chúng sanh trong thời mạt tận này đã quá minh bạch. Cứu cánh giải thoát đã được Thế Tôn xác quyết. Người nào muốn một đời này đắc đạo thành Phật thì phải mau mau niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Người nào không chịu niệm Phật, không thèm nhờ Phật lực gia trì thì khó lòng thoát khỏi trần lao, đành phải tham dự vào nhóm đại chúng đông đảo trong ức ức người kia để tiếp tục nếm mùi khổ lụy trong vô lượng kiếp nữa chứ có cách nào khác hơn!…
Trở lại vấn đề tụng kinh, đã là kinh Phật thì tụng kinh nào cũng đều có công đức. Tuy nhiên, vì nghiệp chướng quá nặng, những pháp tu hành bình thường không thể đối trị nổi với nghiệp chướng, nên phải bị nghiệp chướng báo hại. Một trong những nguyên do chính là vì căn cơ của chúng sanh quá thấp, không thể tự khai mở trí huệ. Không khai được trí huệ thì không thể đột phá vô minh, không thể đoạn trừ phiền não. Ấn-Quang Đại sư nói, người tự lực tu chứng, nếu nghiệp chưa sạch tình chưa không, thì phải trở lại trong lục đạo để theo nghiệp thọ báo. Nói cách khác là không thể thoát nạn. Tu giới được định, nhân định phát huệ. Giới-Định-Huệ là tam vô lậu học, là tổng cương lĩnh của Phật pháp. Nhưng thời mạt pháp, tự lực tu chứng để đắc trí huệ bát-nhã không phải là chuyện tô son điểm phấn trên đầu môi!…
Hiểu được điều này, chúng ta mới thấy muốn vượt qua tam giới, thoát ly sanh tử luân hồi quả thật quá khó khăn. Phật dạy, thời mạt pháp tâm trí chúng sanh hầu hết là trung-hạ căn. Nghĩa là, người dù cho thông minh tài trí cao đến mấy đi nữa thì cũng chỉ là loại trung căn, còn bình thường đều thuộc về hạ căn. Người đệ tử Phật nên thành tâm tiếp nhận lời Phật dạy, nên biết khiêm hạ xác thực căn cơ của mình, quyết lòng nương theo pháp môn nhị lực mà niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, nhờ Phật lực gia trì để đới nghiệp vãng sanh, một đời này thành vị Bất thối chuyển tại cõi Tây-phương hầu viên thành Phật đạo. Nếu không chịu nghe lời Phật dạy, thì coi chừng suốt đời tu hành không ít khó khăn mà sau cùng cũng chỉ kết được một chút duyên lành với Phật pháp, còn chuyện liễu sanh thoát tử vẫn xa vời mù mịt!.
Mọi pháp tu hành đều nhắm vào sự thành tựu cái tâm thanh tịnh. Tụng nhiều bộ kinh khác nhau tâm rất khó được thanh tịnh. Trong kinh Phật, mỗi bộ kinh có rất nhiều thuật ngữ khác nhau, có nhiều thuật ngữ rất khó hiểu thấu đối với người căn tánh chưa khai. Nhưng sự thực thì “đồng quy nhi thù đồ”. Pháp môn tuy khác nhưng cùng quy về một mục đích. Nhiều thuật ngữ tuy khác nhau nhưng ý nghĩa đều tương đồng. Phật thuyết nhiều kinh vì căn cơ chúng sanh sai biệt, nói nhiều thuật ngữ khác nhau vì muốn phá chấp cho chúng sanh. Vạn pháp giai không, thì thuật ngữ vẫn là không. Chúng ta không nên chấp trước. Pháp Phật chỉ là phương tiện dẫn dắt chúng sanh tiến tới bờ giác mà thôi.
Bờ giác là một nhưng đường đi thì có khác. Kinh pháp là phương tiện, đại giác đại ngộ thành Phật mới là cứu cánh. Đã là phương tiện thì phương tiện nào thích hợp nhất, thuận lợi nhất đối với ta thì cứ vững tâm, giữ thẳng một đường mà tiến mới mong ngày tới đích. Nên nhớ rằng kinh Phật một lời vạn nghĩa, pháp Phật không ở nơi danh tự mà phát xuất từ chân tâm. Phải tu tâm thanh tịnh trước để khai mở chơn tâm mới có cơ hội liễu giải kinh Phật.
Làm sao khai mở chân tâm? Phải lo tu Căn Bản Trí trước, mới có được Hậu Đắc Trí sau. Nhưng thời mạt pháp này có mấy ai có thể tự khai ngộ được?! Không thể tự khai ngộ, thì hãy chí tâm niệm Phật, dùng câu Phật hiệu bao phủ nghiệp chướng, nhờ Phật cứu độ mà được đới nghiệp vãng sanh. Về tới Tây-phương, nhờ Đức Di-đà gia trì thì liền được khai mở chân tâm, một đời thành đạo Vô Thượng. Như vậy không hay hơn sao? Người tâm chưa khai mà cứ đi tra cứu để mong liễu giải kinh Phật thì dễ rơi vào tình trạng thiên chấp, hiểu sai. Hiểu sai thì giải sai, giải sai thì thực hành sai. Vô hình chung, dễ đưa đến tình trạng càng tu càng lộn xộn, càng phiền não. Chính vì thế tụng nhiều loại kinh điển thì tâm khó được định, công phu thường bị trở ngại, không hay bằng chuyên tâm trì tụng một bộ kinh vậy.
Tu hành cần có phương hướng rõ ràng, có đường đi nhất định. Chỉ dựa theo một bộ kinh thì tâm mới dễ an định, có an định mới thâm nhập vào lý đạo. Đây gọi là Tâm an lý đắc. Đừng nên lăng xăng tìm hiểu đủ thứ, đừng nên tham cầu biết nhiều mà tâm bị tạp loạn, chao đảo hay bất tịnh. Một khi tâm đã loạn thì thường gặp phải chướng ngại, rất khó tiến tu đạo nghiệp. Chuyên trì tụng một bộ kinh thì lời kinh càng ngày càng rõ, ý kinh càng ngày càng sáng. Tín-Giải-Hành-Chứng các cảnh giới tự đó tuần tự tăng tiến.
Nhất kinh thông nhất thiết kinh thông. Đây là phương pháp của HT Tịnh-Không hướng dẫn tứ chúng đồng tu. Các đệ tử của Ngài đều y giáo phụng hành, chỉ cần một thời gian hạn hữu mà hầu hết ai cũng đều giảng giải khá thông suốt kinh pháp. Mỗi vị tự chọn một bộ kinh để giảng, bất luận là tiểu thừa hay đại thừa. Nhất môn thâm nhập. Pháp sư giảng kinh giảng đi giảng lại chỉ một bộ kinh, lần giảng sau bổ túc những khiếm khuyết của lần trước, mỗi lần giảng cảnh giới mỗi mới, mỗi cao, tăng cao mãi… Lúc đầu có người tưởng rằng các thầy này giảng kinh sao “nghèo” quá! Chỉ có một quyển kinh cứ lập đi lập lại hoài. Nhưng nếu tạm xa cách họ một vài tháng rồi trở lại nghe, thì mới thấy không ít ngạc nhiên! Lời pháp bây giờ đã vượt trội, cảnh giới đã thăng tiến không ngờ. Họ sẵn sàng trở thành “chuyên gia” thuyết kinh giảng đạo cứu độ chúng sanh chứ không phải tầm thường. HT Tịnh-Không, có đôi lúc, chỉ từ một câu kinh Ngài giảng rộng bao trùm đến tam tạng kinh điển. Thật cảm phục!
Pháp sư giảng kinh nhất môn thâm nhập, thì đồng tu nghe pháp cũng nhất môn thâm nhập. Không ai có khả năng nghe kinh một lần mà khai ngộ, thì nghe pháp cũng phải kiên nhẫn nghe đi nghe lại nhiều lần. Có vậy mới thành tựu. Cảnh giới người giảng tăng cao thì người nghe cũng tăng theo, trên dưới đồng tiến. Tất cả đạo tràng của Tịnh-tông thế giới, tứ chúng đồng tu, một năm 365 ngày chỉ tụng một bộ kinh duy nhất là Vô Lượng Thọ Kinh. Những ngày cộng tu thì tụng kinh A-di-đà. Ngoài ra thì trì niệm bốn chữ “A-di-đà Phật”. Nhờ nhất môn thâm nhập, trường kỳ huân tu mà khá nhiều người thâm nhập được lý đạo. Họ thấy rõ đường đi, họ quyết tâm niệm Phật cầu sanh Cực-lạc. Kết quả thì, nhiều người đã vãng sanh, không ít người biết trước ngày giờ ra đi, lúc lâm chung đều được trợ niệm cẩn thận, không ít người thấy Phật A-di-đà và Thánh chúng hiện thân tiếp dẫn. Khi vãng sanh, sắc diện tươi đẹp, thân thể mềm mại, thoại tướng tốt lành, có hương, có quang v.v… Những chuyện này chính tôi đã biết quá nhiều. Có những cuộc vãng sanh đích thân tôi đã hộ niệm, thoại tướng vãng sanh hiển hiện rõ ràng trước mắt. Thật bất khả tư nghì! Có chứng kiến được, ta mới thấy lời Phật dạy không sai: Chỉ nương theo pháp niệm Phật mới thoát luân hồi.
Cô Lệ Tân thân mến, hãy nghĩ thử, mục đích tu hành của mình là gì? Nếu vì để thành tựu đạo quả, thì vãng sanh về Cực-lạc, một đời bất thối thành Phật có phải là con đường ngắn nhất, dễ nhất và viên mãn nhất không? Có phải là nó quý hóa đến muôn ức triệu lần hơn những cảnh ra đi khổ đau, mê mê hồ hồ, thả thần thức cuốn trôi theo nghiệp báo không?!
Ngài Triệt-Ngộ thiền sư đời nhà Thanh nói, Nhất cú Di-đà, viên dung pháp giới. Một câu danh hiệu A-di-đà Phật đã hàm chứa cả vũ trụ hư không pháp giới, có đầy đủ tất cả Phật pháp trong đó rồi. Cũng trong thời nhà Thanh, Ngài Quán Đảnh pháp sư thì nói, thời mạt pháp tất cả kinh sám không còn đủ khả năng, chỉ còn có câu A-di-đà Phật… Chư Tổ Sư Đại đức nói, một câu phật hiệu A-di-đà Phật là tất cả 49 năm thuyết kinh giảng đạo của Thế Tôn. Còn chính Phật thì dạy rằng, thời này chỉ nương theo pháp niệm Phật mới xuất luân hồi. Thế mà, nhiều người cứ mãi chạy tìm pháp khắp nơi làm chi vậy?! Xin cô bác hãy sớm xác định đường tu hành vững chắc, đừng bán tín bán nghi, lỡ đời này luống qua rồi, thì trăm ngàn vạn kiếp sau chưa chắc sẽ có cơ hội gặp lại để bàn chuyện giải thoát đó!…
Niệm Phật thành Phật, hãy chấp trì Thánh hiệu “Nam Mô A-đ-đà Phật” niệm tới cùng thì đủ sức hoàn thành tâm nguyện thành đạo Bồ-đề, cứu độ chúng sanh. Nhất định vững lòng một đường thâm nhập, kiên trì chuyên tu để quyết đắc được thiện lợi.
Còn về việc tụng kinh, nên chọn bộ kinh đồng bộ với tôn chỉ Tịnh-tông để trì tụng là cách tốt nhất để hỗ trợ cho phương pháp nhất hướng chuyên niệm. Trong pháp môn Tịnh-độ, kinh Vô Lượng Thọ là đại kinh viên mãn nhất được Ngài Tịnh-Không đánh giá là đệ nhất kinh trong tam tạng kinh điển, trong đó Phật nói rõ 48 đại nguyện của đức Phật A-di-đà, cảnh giới Tây-phương Cực-lạc, và cách tu hành để vãng sanh. Nếu quý cô bác tụng niệm được thì quá tốt. Nhưng kinh Vô Lượng Thọ hơi dài, nếu không đủ sức tụng, thì nên lấy kinh A-di-đà làm khóa tụng hằng ngày. Kinh Phật thuyết A-di-đà là kinh đặc biệt trong tam tạng kinh điển, được chư Phật mười phương đồng hộ niệm, gọi là “Nhất thiết chư Phật sở hộ niệm kinh”, chứ không phải thường. Công đức của nó khó có bộ kinh nào sánh bằng vậy.
Tụng kinh A-di-đà thì được mười phương chư Phật hộ niệm. Thành tâm niệm một câu A-di-đà Phật thì phá được 80 ức đại kiếp sanh tử tội trọng. Như vậy hằng ngày ta cứ tụng một biến kinh A-di-đà rồi thành tâm niệm Phật. Niệm Phật có tín, có nguyện, có hạnh. Nơi trang nghiêm thì niệm thành tiếng, chỗ không trang nghiêm thì niệm thầm, đi đường thì mỗi bước chân mỗi câu Phật hiệu, khi nằm trên giường chờ ngủ thì hít vào “A-di-đà Phật”, thở ra “A-di-đà Phật”, tiếng Phật hiệu theo hơi thở mà luân lưu bất tận, thì công đức ta tạo ra hàng ngày sẽ lớn vô lượng. Đem công đức ấy hồi hướng cho chúng sanh, hồi hướng oan gia trái chủ, hồi hướng cho ông bà cha mẹ, hồi hướng Cực-lạc cầu vãng sanh thì chắc rằng sẽ được như ý. Đây mới chính là công phu tu hành tích cực, chứ còn lâu lâu ngồi trước bàn thờ Phật tụng một biến kinh, giống như kiểu trả nợ, trong khi tâm hồn lại rối bùng ben, nghĩ tưởng đủ thứ, thì làm sao có công đức để cầu tiêu tai giải nạn, cầu siêu, báo hiếu đây!…
Niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ là đạo cứu độ chúng sanh trong thời mạt pháp. Nói vậy xin cô bác đừng vội hiểu lầm cho rằng, pháp niệm Phật bình thường, chỉ dành cho kẻ sơ cơ thấp kém tu hành trong thời mạt vận. Thực ra, đây là pháp môn đại uy lực, đại phước đức, đại bát nhã, đại thiền định, đại trang nghiêm, đại thanh tịnh, đại Bồ đề, đại siêu việt… mà ba đời mười phương chư Phật cũng chỉ dùng pháp này để độ khắp chúng sanh, (kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, phẩm 1). Đây là pháp môn tam căn phổ bị, phàm thánh tề thâu, khế hợp mọi căn cơ, trên từ Đẳng Giác Bồ-tát dưới đến địa ngục chúng sanh đều được phổ độ. Chính vì thế mà ngài Thiện Đạo đại sư nói, Dù cho mười phương chư Phật đầy cả hư không pháp giới hiện thân, phóng quang bảo bỏ môn Tịnh-độ, rồi các Ngài truyền dạy pháp môn thù thắng khác, cũng không dám vâng theo…. Vì sao vậy? Vì làm gì có chuyện này xảy ra! Nếu như có, thì đó chắc chắn là giả chứ không phải thật! Đức Thích Ca Mâu Ni đại diện mười phương chư Phật tuyên dương pháp niệm Phật là pháp tối thắng và là pháp độc nhất mà mười phương ba đời chư Phật đều phải dùng để độ tất cả chúng sanh, thì có Phật nào lại nói sai lời Phật.
Đại Thế-chí Bồ-tát dạy, hãy đóng sáu căn lại cho tâm hồn thanh tịnh mà liên tục niệm Phật, cứ vậy mà tu, không cần nhờ cậy vào các pháp nào khác thì tâm được khai mở. Các cô bác muốn được một đời này vãng sanh, giải quyết ách nạn sanh tử khổ đau mà trong vô lượng kiếp đến nay chưa làm được, thì hãy tập buông xả hàng ngày, mỗi ngày mỗi buông để gánh nghiệp chướng của mình càng ngày càng nhẹ. Nghiệp nhẹ thì phước tăng. Phước này không còn là phước thế gian nữa đâu, mà là tư lương để giúp chúng ta vãng sanh thành Phật.
Buông xả tham sân si. Xả tham là xả phước thế gian để đổi lấy công đức. Đừng tham đắm danh vọng, tiền bạc, nhơn nghĩa… nhiều quá. Các thứ đó mới thấy thì có lợi, nhưng thực tế thì có hại lắm đó, chớ nên tìm cầu. Những sự đấu tranh, thị phi, ganh tỵ, mưu hại lẫn nhau là đại nhân chủng của địa ngục, quyết định phải từ bỏ. Nếu thực sự muốn tu hành thì xin cô bác đừng nên đem những cái xấu của thiên hạ ra bàn. Ai xấu mặc họ, còn ta hãy cố gắng giữ tâm thanh tịnh là tốt nhất. Những kiến thức thế gian, triết lý, tư tưởng, học thuật… nói lên thì nghe hay lắm. Nhưng ít ai biết rằng, Phật nói, thế trí biện thông là một trong tám thứ của Tam đồ bát nạn khổ, vướng vào đó thì khó có ngày được giải thoát.
Giữ tâm thanh tịnh, khiêm nhường kính trọng mọi người, làm lành lánh ác, kiêng cữ sát sanh… Đã hiểu được cuộc đời này chỉ là giả tạm thì mạnh dạn coi tất cả mọi chuyện đều bình thường. Vạn vật vạn sự chẳng qua là sự diễn kịch trên sân khấu thì còn chấp nê làm chi nữa. Đó là tu phước. Chân thành niệm Phật, cung kính lạy Phật, tha thiết cầu sanh Tịnh-độ, đây là tu huệ. Cứ tu hành như vậy thì cảnh Cực-lạc sẽ hiện ra ngay trong đời này, tại đây chứ có đâu xa. Ta đang sống chung với mọi người giữa cõi ngũ trược ác thế, nhưng tâm ta đã hòa với tâm Phật, ta đã có sẵn chiếc vé để chờ ngày đi về Tây-phương thành Phật rồi vậy.
Thư chưa hết ý, nhưng xin tạm ngừng đây. Mấy vấn đề khác thư sau sẽ bàn tới.
Chúc cô Lệ Tân và quý cô bác tinh tấn niệm Phật.
Adi-đà Phật,
Diệu Âm kính thư.
Viết xong tại Brisbane, ngày 24/6/2005.
Chuyên tu không gián đoạn, tức là thân phải chuyên lễ Phật A-di-đà không lễ các Phật khác; Miệng phải chuyên xưng danh hiệu Phật A-di-đà không xưng hiệu Phật khác hoặc tụng các kinh khác; Ý phải chuyên quán tưởng Phật A-di-đà không quán tưởng gì khác.
( Đại sư Thiên-Như, đời nhà Nguyên)