08. Khuyên Người Niệm Phật (Đới Nghiệp Vãng Sanh)

Share on facebook
Share on twitter

KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT
Tác Giả: Cư sĩ Diệu Âm
Phật lịch năm 2547 / Dương lịch năm 2003

Đới Nghiệp Vãng Sanh

Kính Cha Má,

 Sắp sửa có người về Việt-Nam, con gửi thư về thăm cha má cộng với mấy băng thuyết pháp, và mấy món quà nhỏ cho em Thứ niệm Phật. Trong anh chị em nhà mình đã có người nghe theo lời con khuyên vậy cũng là đại phước rồi. Em Thứ niệm Phật, em Thứ được hưởng thiện lợi, cha má niệm Phật cha má được hưởng thiện lợi. Ai tu nấy đắc, không ai tu giùm cho ai được cả. Cái lo lắng lớn nhất của con hiện giờ là cha má tuổi già sức yếu, viêïc tu hành giải thoát trở thành vấn đề tối cấp bách và quan trọng. Khi cha má nhận được một số băng thuyết pháp thì cố gắng nương theo đó tu tập, những thư này chỉ là cái mối đầu cho cha má tiếp nhận lời pháp thôi.

Trong suốt thời gian qua con liên tục viết thư về cha má, cũng chỉ nhắm tới một chuyện là cố gắng khơi cho được cái đầu mối đó, để từ đó cha má đi vào con đường Phật đạo, pháp môn giải thoát. Khả năng của con nhiều lắm cũng chỉ giúp cha má thấy rõ cái đầu mối đó thôi, còn có ngộ nhập vào sự giải thoát hay không hoàn toàn tùy theo quyết tâm của cha má, chứ con không thể nào đi giùm cho cha má được. 

Nhận thư, con không biết cha má có giờ đọc không? Có thích thú không? Có nhận thấy được cái tầm quan trọng của nó không? Nếu càng đọc mà cha má càng cảm thấy vui, cảm thấy phấn khởi thì con mừng lắm, một ngày rất gần cha má sẽ thấy được sự an lạc vì tìm được nguồn sáng để đi. Còn nếu ngược lại, thì đó là do căn phần của cha má. Cha má cứ bình tĩnh, thoải mái, rồi suy nghĩ lại. Dù sao đi nữa con cũng moi đến tận đáy lòng chí thành chí hiếu để nói. Biết như vậy cha má cũng nên có lần giựt mình nghĩ lại, mỗi lần giựt mình hãy bảo em Thứ, hay em Mười đọc lại thư của con. Đọc đi đọc lại nhiều lần, biết chừng đâu, một ngày nào đó cha má sẽ liễu ngộ. Ở đây, con vẫn hằng cầu chư Phật gia trì cho cha má.

 Ngày hôm kia, tức là ngày 17/4/2001, Thầy Ngộ Thông đi giảng pháp ở Sydney về, thầy nói với tụi con rằng, “Phật tử Sydney họ tu rất tinh tấn. Họ niệm Phật không còn lấy số ngàn nữa, mà đơn vị là vạn. Nghĩa là mỗi ngày họ tự đặt tiêu chuẩn một vạn, hai vạn, ba vạn, có người niệm đến năm vạn câu Phật hiệu một ngày”. Càng ngày họ càng quyết tâm tu hành, họ quyết tâm đi cho đến Tây-phương Cực-lạc với Phật A-di-đà mới thôi. Ở Việt-Nam, mình khó thấy, khó nghe, khó hiểu chuyện này. Nhưng, khi đi ra ngoài dạo khắp nơi, con bừng tỉnh, ngỡ ngàng trước những tâm hồn cương quyết, chí thành, chí thiết. 

Thì ra, trong kinh Phật nói, con số nhân thiên vãng sanh về Tây-phương vô lượng vô số, không thể nào đếm hết, đó là sự thưc. Có một quyển sách tựa đề là “Niệm Phật Vãng Sanh Lưu Xá lợi”, con sẽ chuyển vềø cho cha má đọc, trong đó có những người Việt-Nam vừa mới vãng sanh mấy năm nay. Số người ghi trong sách là thu thập được, còn biết bao nhiêu người vãng sanh khác mà chưa thu thập. Khi sách ấy tới Úc-châu, người đọc được họ phát tâm tu hành rất nhiều. Con người là vậy đó, Phật dạy rõ ràng trong kinh không chịu tin, phải chờ cho có bằng chứng rồi mới phát nguyện Niệm Phật. Đó cũng còn may, có người vẫn không tin, tìm đủ lý lẽ để từ khước. Sự thật là gì? Là chính nghiệp chướng quá nặng, che lấp mất cả tánh giác ngộ, vì vậy họ vẫn chưa chịu cúi đầu lạy Phật, chưa chịu gội rửa tội chướng của mình. Tội nghiệp thay, biết bao giờ họ mới thoát nạn đây?

Thấy cái tác dụng của quyển sách khá cao, quý Sư ở Sydney mới kêu gọi cho ấn tống tiếp. Quý Thầy muốn bổ túc thêm mấy người nữa cũng vừa vãng sanh, trong đó có một bà cụ vãng sanh cách đây cỡ một năm, bà cụ này con đã từng gặp. Bà là người Việt gốc Hoa. Cách đây cỡ năm năm, bà bị ung thư đến thời kỳ chót, bệnh viện cho về nhà chờ chết trong vòng hai, ba tháng. Bà may mắn gặp người ta khuyên: buông xả cái thân rã thối này đi cho rồi, niệm Phật cầu sanh về Tịnh-độ để một đời này về với Phật, thành Phật, thì hay hơn không! Bà tin tưởng, không thèm dùng đến thuốc thang nữa, một lòng niệm Phật cầu sanh Tâyphương. Bà niệm Phật ngày đêm cầu cho chết sớm. Thế nhưng hai tháng, ba tháng, một năm, hai năm, ba năm trôi qua, bà chờ chết mà không chết, ngược lại sức khỏe bà càng ngày càng tốt. 

Năm 1999, bà lên Brisbane dự khóa niệm Phật mười tuần tại niệm Phật Đường ở Brisbane. Con gặp được bà trong dịp này. Năm 2000, bà vãng sanh, lưu lại rất nhiều xá lợi. Ngày vãng sanh con cũng có nghe, nhưng Sydney và Brisbane cách xa cả ngàn cây số cho nên con không tận mắt chứng kiến. Xá lợi của bà hiện phân phát thờ ở các chùa ở Sydney. Tính ra thời gian bà niệm Phật khoảng hơn bốn năm. 

 Thưa cha má, sự vi diệu của pháp niệm Phật khó diễn tả được! Bà Bác đó niệm Phật cầu cho chết, vô tình bà thoát cái chết từ ba tháng trở thành bốn năm rưỡi. Bà thoát khỏi tử thần bệnh ung thư, để hưởng trọn tuổi dương tám mươi lăm tuổi rồi về với Phật. Rõ ràng “Nhất cú Di-Đà vô biệt niệm, bất lao đàng chỉ đáo Tây-phương”. Niệm một câu “A-di-đà Phật” cứu mình vượt khỏi lục-đạo luân-hồi, vượt ra ngoài Tam-giới (dục-giới, sắc-giới, vôsắc-giới), đi thẳng về Tây-phương với Phật. Chuyện này còn nghi ngờ nữa sao!

 Ngài Ngẫu-Ích Đại sư, Tổ sư đời thứ chín Tịnh-độ Tông, khai thị rằng: “được vãng sanh là nhờ TÍN và NGUYỆN. Phẩm vị cao hay thấp nhờ công phu niệm Phật sâu hay cạn”. Như vậy, một người chỉ cần có lòng TIN vững chắc và chí NGUYỆN tha thiết thì được vãng sanh. Còn niệm Phật là để cho phẩm vị cao hay thấp mà thôi. Đây là sự thật. Có người nghe vậy mới nói, bây giờ mình chỉ “Tin” Phật rồi “Nguyện” vãng sanh thôi, đâu cần gì niệm Phật, mình cũng về Tây-phương vậy! Xin thưa thẳng rằng, không thể! Tại sao? Vì khi đã có tư tưởng như vậy thì cái TIN đó là giả chứ không phải thật. “Tin” một vài bữa và sau đó thì bỏ luôn. Tin giả thì không bao giờ siêu sanh được cả. Vì người tin Phật chắc chắn không bao giờ dám quên Phật. 

 TÍN thì phải tìm mọi cách giữ vững lòng tin, củng cố nhắc nhở lòng tin. Trong tâm không bao giờ ly xa Phật, nghĩa là phải niệm Phật. Niệm Phật để nhớ Phật, niệm Phật để làm Phật, niệm Phật để tâm thanh tịnh, niệm Phật để khống chế phiền não… Niệm Phật để tâm mình chỉ còn có Phật, ngoài Phật ra không còn thứ gì khác lọt vào tâm cả. Đó mới là TIN PHẬT. Phật tức Tâm, Tâm tức Phật chính là chỗ này đây. Đạt đến cảnh giới này mới chắc chắn về tới Tây-phương thành Phật. Còn người chỉ nói TIN suông mà không niệm Phật, thì Tin đó là miệng tin chứ không phải tâm tin, dù họ có nhớ Phật, chắc chắn cũng chỉ nội trong một vài ngày, thậm chí vài phút thôi, sau đó tâm họ đã bắt đầu điên đảo, thị phi, bắt đầu hơn thua xả láng rồi. Hễ không niệm Phật thì sẽ niệm tiền bạc, niệm cuốc đất, niệm vườn rau, niệm yêu thương, niệm ganh tị, niệm buôn bán… lúc đó Phật đâu còn nữa! TIN như vậy, dù lúc mới phát khởi có cao như núi, nó cũng sụp đổ tan tành theo nghiệp chướng phiền não thế gian. Lòng TIN sụp đổ rồi thì NGUYỆN kia làm sao còn tồn tại? 

 Ấy thế, Ngài Ngẫu-Ích nói TÍN là Thành tín, là Thâm tín, là Thực tín… chứ không phải là sơ tín, tùy hứng tín. Có thực tâm TIN mới có thiết tha phát NGUYỆN. Đã thiết tha về Tâyphương rồi thì ai dám lơ là việc niệm Phật. Vì thế TÍN-NGUYỆN-HẠNH tuy ba mà một, một mà ba. Được một điều thì tất cả ba điều đều đầy đủ vậy.

Niệm Phật tới “Nhất tâm bất loạn” thì vãng sanh Thượng Phẩm. Nhưng thực ra dễ gì đạt được cảnh giới đó. Như vậy làm sao vãng sanh dễ dàng được? Thưa cha má, Đới-Nghiệp vãng sanh. Nghĩa là nghiệp chướng vẫn còn, nhưng nhờ gia lực của Phật mà được vãng sanh. Đây là một điều kiện di dân vô cùng thù thắng, mà đức Phật A-di-đà đã phát nguyện để cứu độ chúng sanh. Đây là phương tiện độ sanh cực kỳ vi diệu, cực kỳ rốt ráo, nên tất cả chư Phật mười phương đã đồng thanh hộ niệm. Chính vì thế mà câu Phật hiệu “Nam-mô A-di-đà

Phật” đã trở thành một siêu lực lượng, không thể nghĩ bàn, có thể cứu độ tất cả chúng sanh trong cửu pháp giới, từ Đẳng-Giác Bồ-tát cho đến địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sanh, một đời bình đẳng thành Phật. 

Cho nên, một người chỉ cần có lòng TÍN Tâm nơi Phật vững chắc, phát NGUYỆN vãng sanh thiết tha chân thực, thì tự họ thấy rõ con đường đi, tự họ ngày đêm không rời câu Phật hiệu. Bao nhiêu người vãng sanh một cách tự nhiên, trước sự ngỡ ngàng của khoa học. Cái năng lực này chỉ có Phật mới làm nổi thôi. Sự việc này đã vượt xa tri thức của nhân loại, muốn giải thích cũng giải thích không được! Muốn tìm hiểu không thể hiểu nổi! Phật nói, đây là pháp môn “nan tín chi pháp”, dù cho hàng Bồ-tát cũng không thể hiểu được, chỉ có Phật với Phật mới hiểu thôi, Bồ-tát cũng chỉ có thể dùng lòng TIN mà vào đất Phật. 

Trong giảng ký của Hòa Thượng Tịnh Không, có một đoạn Ngài nói: “Phát tâm Bồ-đề tức là phát đại nguyện cầu vãng sanh. Tâm nguyện cầu vãng sanh này tức là tâm Bồ-đề VôThượng. Một mực chuyên niệm, nhất tâm về một phương hướng chuyên niệm Phật A-di-đà.

Người như thế chính là “Đương-Cơ”. Chỉ cần phù hợp tiêu chuẩn này không có một người nào không vãng sanh. Do đó Đại sư Thiện-Đạo nói, “Một trăm người tu một trăm người vãng sanh, một ngàn người tu một ngàn người vãng sanh, gọi là muôn người tu muôn người chứng”. Đại sư Thiện-Đạo là đệ nhị Tổ-Sư Tông Tịnh-độ, người đời Đường, Ngài chuyên Niệm Phật, có lần Ngài niệm Phật cứ mỗi câu Phật hiệu từ trong miệng phát ra một đạo hào quang dài, câu này tiếp câu khác hào quang tiếp tục kéo dài như vậy. Thật không thể tưởng tượng được!. 

“Trăm người tu trăm người chứng, ngàn người tu ngàn người chứng”. Câu nói giống như trò đùa, nhưng đó là sự thực. Ngài Vĩnh-Minh Diên-Thọ, là Phật A-di-đà tái lai, cho nên trong nhà Phật lấy ngày vía Ngài làm ngày vía đức A-di-đà. Ngài là một thiền sư, nhưng khi ngộ đạo lại ngộ từ câu Phật hiệu “Nam-mô A-di-đà Phật”. Khi thấy hàng đệ tử so đo giữa Thiền và Tịnh, Ngài cảnh cáo rằng: “Hữõu Thiền vô Tịnh-độ, thập nhơn cửu tha lộ, Vô Thiền hữu Tịnh-độ, vạn nhơn đắc vạn nhơn”. Những người niệm Phật cầu sanh Cực-lạc Thế-Giới, nếu cứ một lòng trung thành niêïm Phật, không một người nào không đắc đạo. Thế gian chưa có pháp môn nào vi diệu, kỳ lạ như vậy được! 

Khi đã hiểu được lý đạo nhiệm mầu rồi, cha má mới thấy người niệm Phật là người có thiện căn phúc đức sâu dày nhất trong tất cả mọi giai cấp chúng sanh. Những người dù có giỏi tới đâu, có danh vọng địa vị cao tới đâu, có tu hành lâu tới đâu, có chức sắc lớn tới cỡ nào, nếu không niêïm Phật, theo như Ngài Tịnh-Không nói, “đó cũng chỉ là người tầm thường mà thôi!”. Chức quyền càng lớn càng tạo nhiều ác nghiệp, quả báo chắc sẽ là tam ác đạo. Người mà say sưa làm giàu, đến khi mạng chung, vì họ tiếc của, nên rất dễ dàng đầu thai thành những con vật giữ của, như con chó chẳng hạn, hằng ngày cứ lảng vảng trước nhà để giữ của. Oái oăm thay, giả như họ sinh ra những đứa con vô đạo, thích ăn thịt chó, thì hậu quả còn thê lương biết chừng nào!… Như vậy họ làm sao sánh bằng với bà bác bị bệnh ung thư, tám mươi lăm tuổi, niệm Phật vãng sanh ở Sydney. 

Thưa cha má, cuộc đời như áng phù vân, thì sao còn chấp vào đấy để ngàn đời mê muội sầu đau! Thư trước con có gởi về cha má hình của Hòa-Thượng Tịnh-Không, con chụp Ngài trước di ảnh của bà Hán làm quản tràng của Hội-Tịnh-tông. Bà Hán là một đại triệu phú ở Đài-loan và Tân-Gia-Ba. Tài sản của Bà nghe nói phải giựt mình. Thế mà khi ngộ đạo, bà đem hầu hết tài sản ra cúng dường cho người niệm Phật. Bà xây dựng nhiều đạo tràng, bà nuôi hàng trăm Tăng Ni, nuôi tất cả những người đến đạo tràng niệm Phật, không nhận một đồng phí tổn. Bà đem tài sản tính bằng đơn vị bạc triệu đô-la, mà bà đã khổ công kiếm được suốt đời ra chỉ để mua cho được một tấm vé về Tây-phương Cực-lạc với Phật A-di-đà. Ở Mãlai, có những người ngộ đạo, họ dốc hết tài sản cả mười triệu đô la để xây đạo tràng, để in kinh, in tượng Phật, cúng dường cho mọi người niệm Phật. Một khi đã liễu ngộ đường giải thoát rồi, thì tất cả tiền tài, danh lợi, ơn nghĩa của thế gian trở thành cái chướng ngại đáng kể, trói buộc con người trong luân hồi lục đạo, cho nên họ tìm cách xả bỏ cho hết để tạo phước đức, lót đường về tới cảnh giới Tây-phương. Nhìn thấy những tâm Bồ-tát đó, nghĩ lại những người đi cuốc từng lát đất, làm thuê từng ngày để kiếm từng bữa cơm, mà tâm vẫn cứ hách dịch, vẫn cứ cho cuộc đời này là sướng, là sang, không thèm nghĩ đến cơ giải thoát. Đây không phải là điều đáng thương sao?!

Thưa cha má, tới ngày hôm nay tất cả thư con gởi về chỉ nhắm tới một điều là để củng cố niềm tin vững chắc cho cha má mà thôi. Có được niềm tin vững rồi thì con từ từ gởi dần tài liệu Phật pháp về để cha má nghe, theo đó mà tu tiến. Thường thường, từ trước tới giờ mình sống chung hòa với bà con hàng xóm, ít người hiểu đạo. Họ đều mơ hồ trong sự giải thoát, nên khi nghe nói đến Tây-phương Cực-lạc, thì ai cũng nghĩ đến chuyện chết, họ sợ đến hồn vía. Hễ không biết Phật, không hiểu đạo, họ thường bàn chuyện tầm phào, làm lung lay chí nguyện vãng sanh của mình. Nếu cha má không vững lòng tin, không quyết tâm đi thì tiếc cho một đời làm lành, đọa lạc vẫn hoàn đọa lạc. Bao nhiêu lời tha thiết khẩn cầu của con hướng về cha má sẽ tan theo mây gió. Nên nhớ, ăn chay, làm lành không phải là chánh yếu của tu hành. Làm lành mà không có trí tuệ vẫn dễ tiếp tay cho tội ác, tạo nghiêïp đọa lạc trong sinh tử luân hồi. Còn khi niệm Phật thì tự nhiên làm thiện, nhưng thiện này được soi sáng bởi quang minh của Phật, không thể sai lạc được. 

Cha má ơi! Đời vô thường sáng còn tối mất, lỡ một dịp rồi, thời gian phải tính bằng KIẾP, (nghĩa là hàng triệu triệu đời) luân-hồi chứ không phải đơn giản. Lúc đó dù con có thương cha má tới đâu, có thành khẩn tới đâu, có moi luôn quả tim này bầm nhuyễn, đắp thành chữ A-DI-ĐÀ PHẬT để cầu cho cha má siêu sanh cũng khó mà cầu được, cha má có hiểu không?

Trở lại chuyệïn niệm Phật, Phật dạy chỉ cần mười niệm trước khi lâm chung thì chắc chắn được vãng sanh. Xin cha má hãy lập thệ đi, quyết thề rằng sẽ niệm cho được mười câu “A-di-đà Phật” trước khi rời bỏ thân xác này. Chỉ thế mà thôi, đủ rồi. Ở đây chính con cũng vậy, con quyết thề dứt khoát phải niệm cho được mười tiếng Phật hiệu A-di-đà Phật trước lúc con lâm chung. Phật A-di-đà đã phát nguyện rằng, người nào “phát nguyện sanh về nước ta, dẫu đến niệm được mười niệm, nếu không được vãng sanh, Ta thề không thành bậc Chánh-Giác”. Như vậy, mình niệm mười niệm trước khi lâm chung, thì chắc chắn được vãng sanh. Phật đã nói ra một lời không thể nào Ngài quên được. Tuyệt đối Phật không bao giờ vọng ngữ, thì mình còn ngồi đây đặt vấn đề làm chi? 

Tuy nhiên,có điều đừng nghĩ rằng niệm mười niệm là dễ dàng. Người mà bình thời không niệm Phật, thì đến thời điểm quan trọng nhất không thể nào niệm được đâu, dù một niệm, dù một phần mười niệm. Vì thế,người tu niệm Phật họ thường chuẩn bị rất chu đáo. Họ tranh thủ từng chút thời gian để niệm Phật, niệm càng nhiều càng tốt, niệm thành thói quen, niệm thành một thứ phản xạ tự nhiên, họ trói tâm họ với danh hiệu A-di-đà Phật. Lúc nằm xuống giường, họ cứ thầm niêïm Phật cho đến khi thiếp luôn. Khi thức giấc, niệm Phật liền. Người biết niệm Phật không sợ mất ngủ, càng mất ngủ họ càng thích vì họ có thêm giờ để niệm Phật. Đến một lúc nào đó ngay trong giấc ngủ họ vẫn niệm Phật như thường. 

Ở Sydney, có người tự nguyện niệm năm mươi ngàn câu Phật hiệu mỗi ngày, có người hứa còn thở, còn niệm Phật. Chính con đây, nếu ngày nào không đi làm con niệm đến hai ba chục ngàn câu là chuyện dễ dàng. Còn đi làm thì khi có giờ rảnh con niệm, cứ niệm liên tục, không cần đếm, một hơi thở ít nhất là một niệm. Mình phải tập sự niệm Phật để cho câu Phật hiệu xuất hiện trong tâm liên tục, tự nhiên như cái máy niệm Phật con gởi cha má vậy, dù mình có liệng nó xuống dưới nước, trước khi nước tràn vào làm tắt nghẽn tất cả mạch điện, thì nó cũng niệm được ít ra mười tiếng “A-Di- Đà Phật” trước khi nó chết. 

Cha má ơi! Xin hãy quyết chí đi và đừng chần chờ nữa. Cha má có biết không, muốn thành Phật mà còn hẹn thì con ma “Vô-thường” nó thích biết dường nào! Hôm trước nói chuyện điện thoại với chị Ba, con hay được ông Mười Tịnh bị nạn nước lụt. Tội nghiệp! Ví dụ, như trong lúc bị dòng nước cuốn trôi, ông chỉ thốt lên mười câu Phật hiệu để cầu về Tâyphương, con tin tưởng chắc chắn rằng ông sẽ được cứu, hoăïc là thoát nạn, hoặc là được vãng sanh. Nếu được vãng sanh thì ông Mười sẽ về báo mộng cho vợ con hay liền là mình đã được về với Phật. Khi tìm được xác, xác thân sẽ vẫn còn mềm mại, còn tươi như thường, dù ngâm dưới nước nhiều ngày. 

Tiếc thay, một đời không tin Phật, làm gì biết đến câu A-di-đà Phật để mà niệm, mà dù có biết Phật đi nữa, nhưng bình thời không niệm Phật, thì lúc đó hồn vía đã thất kinh rồi, làm sao còn niệm được nữa. Cho nên phải tập niệm Phật là vậy. 

Tu hành muốn thành được đạo quả, mình phải đặt tiêu chuẩn cao thì mới khỏi uổng phí tâm sức. Tiêu chuẩn cao thì mới tinh tấn công phu, có tinh tấn công phu mới đạt phẩm vị cao được. Hòa-Thượng Tịnh-Không dạy, phải cầu cho được thượng phẩm mà tu, nếu lỡ có rớt cũng còn được trung phẩm, tệ quá thì cũng đạt hạ phẩm là giá chót, nghĩa là cũng còn được về tới Tây-phương. Nếu tu tà tà cầu hạ phẩm lỡ rớt đài thì còn gì nữa mà nói! Cha má tuổi đã lớn rồi, tranh thủ thời gian mà niệm Phật. Niệm càng nhiều càng tốt. Nếu sức khỏe yếu thì con đề nghị cứ niệm nhẹ nhàng, niệm theo hơi thở. Thở bình thường, hít vào rồi theo hơi thở ra niệm một câu “Nam-mô A-di-đà Phật”. Sau vài ba tháng quen rồi, thì niệm nhanh dần. Niệm bốn chữ cho nhanh, thở vào: “A-di-đà Phật”, thở ra: “A-di-đà Phật”. Hễ còn thở còn niệm. Khi công phu thành khối thì chắc chắn thành tựu viên mãn. Bà bảy Tịnh Bửu mới niệm Phật hơn một năm thôi mà bà đã niệm được rất nhanh và đã thành khối. 

Một điều phải nhớ là: Niệm Phật để cầu vãng sanh, đừng vì cái lợi nhỏ mà dùng câu Phật hiệu để luyện khí, luyện thần, như đạo Tiên mà sau này khó trốn khỏi tai họa. Nên lập thệ nguyện vãng sanh hằng ngày. TUYỆT ĐỐI KHÔNG nguyện sinh lại làm người dù là Tiên, là Hiền, là phú quý… Hồi hướng tất cả công đức tu hành về Tây-phương. Nên hồi hướng sau mỗi lần tu hành, hoặc sau khi làm một điều thiện lành. Nguyện vãng sanh và hồi hướng phải thật thành tâm, thành ý. Một thời gian ngắn thôi, cha má sẽ thấy được sự cảm ứng rõ rệt!

Thôi con ngừng để cha má niệm Phật. Bồ-tát Đại-Thế-Chí nói, “Ức Phật niệm Phật, hiện tiền đương lai tất định kiến Phật”. Xin cha má hãy một lòng tin chắc như vậy.

 

A-di-đà Phật

Con kính thư.

(Viết xong, Úc châu, ngày 19/4/2001). 

 

 

Khéo giữ gìn cái nghiệp của miệng đừng nghị bàn lỗi của người khác, khéo giữ gìn cái nghiệp của thân đừng để mất luật nghi, khéo giữ gìn cái nghiệp của ý để được thanh tịnh không ô nhiễm.    (Lời Phật).

 

 

 

KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –