Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa Đàm 161) | Tổng Quát Về Pháp Hộ Niệm Vãng Sanh Là Gì?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 161)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Hôm nay bắt đầu nói đến chương thứ 3: Nhận Thức Về Hộ Niệm.

Chúng ta hãy tìm hiểu rõ ràng Pháp Hộ-Niệm là gì? Mục đích của nó như thế nào? Lý Sự của nó ra làm sao? Trong thực tế, nhiều người đã có cái nhìn sai lầm về Pháp Hộ-Niệm. Hôm nay chúng ta dành riêng một chương này để giải tỏa vấn đề này cho minh bạch cụ thể. Mong rằng sẽ giải tỏa những sự hiểu lầm đáng tiếc để mọi người thấy rõ sự cao quý của Pháp Hộ-Niệm.

Xin đọc lời giới thiệu: Cần nhận thức thật chính xác về Pháp Hộ-Niệm vãng sanh mới thấy rõ đây là chánh pháp của Phật, một đại cứu tinh cho tất cả mọi người trong thời mạt pháp này muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, thành tựu đạo quả.

Pháp Hộ-Niệm được Phật nói rất nhiều trong kinh điển, chư Tổ cũng thường xuyên nhắc nhở, nhưng trong nhiều năm tháng qua người học Phật chúng ta đã sơ suất không để ý, khiến cho sự tu học phạm phải những lỗ hổng khá lớn. Đến khi phát hiện ra Pháp Hộ-Niệm, ứng dụng liền thấy được sự thành tựu bất khả tư nghì, nhiều người ra đi lưu lại thân xác mềm mại, sắc tướng trang nghiêm vô cùng tốt đẹp. Nhiều người niệm Phật cầu vãng sanh, họ niệm Phật cho đến giây phút cuối cùng rồi vui vẻ vẫy tay ra đi, với tướng lành như vậy làm cho chúng ta tin tưởng vững rằng họ được vãng sanh rồi.

Đại nguyện thứ 18, Đức A-Di-Đà Phật phát thệ rằng, bất cứ một chúng sanh nào trong 10 phương pháp giới, khi nghe được danh hiệu của Ngài mà phát khởi niềm tin, vui vẻ hân hoan, đem tất cả căn lành hồi hướng về nước Ngài, niệm danh hiệu Ngài cầu sanh về nước Ngài, dẫu niệm 10 niệm mà không được vãng sanh, Ngài thề không thành Phật. Một người thành tâm niệm Phật, tha thiết cầu vãng sanh, hãy giúp cho họ niệm được đến hơi thở cuối cùng, thì họ thực hiện được tròn đại nguyện của Phật và họ sẽ vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Thay vì tiếp tục theo đường xưa lối cũ, cứ xả thân thọ thân trong lục đạo luân hồi chịu nạn, thì nay nhờ được hộ niệm, được hướng dẫn chính xác mà họ liệng cái thân phàm phu, trở về nước Cực-Lạc nhận lấy cái thân của Bồ-Tát bất thoái. Người nào thực hiện trọn Tín-Nguyện-Hạnh khi ra đi thì được A-Di-Đà Phật tiếp độ vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Nếu không được vậy, A-Di-Đà Phật đâu thể thành Phật. Pháp-Tạng Tỳ-Kheo đã thành Phật đến 10 kiếp, thì nhất định đại thệ của Ngài đã thành tựu viên mãn. Chúng ta không được quyền nghi ngờ.

Vậy mà nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngờ Pháp Niệm Phật Vãng Sanh. Thực ra, khi đi hộ niệm, thấy được những người có đầy đủ niềm tin, quyết lòng thực hiện được ý niệm vãng sanh, tranh thủ từng hơi thở để niệm Phật đến giây phút cuối cùng, chúng ta tin tưởng có thể tới trên 90% họ đã vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc rồi. Nghĩa là, nếu có sơ suất gì đó, thì trong 10 người có thể có 1 người đi về các cõi thiện lành, còn 9 người được vãng sanh đấy. Chúng ta là phàm phu, không có tha tâm đạo nhỡn gì, nên không dám nói đến chắc chắn, nhưng với người có niềm tin vững vàng, tha thiết nguyện vãng sanh, thì Tổ Ngẫu-Ích nói tán tâm loạn tâm niệm Phật cũng được vãng sanh. Nhiều Tổ Sư nói, Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ lúc ra đi, thì vạn người niệm Phật vạn người vãng sanh, muôn người niệm Phật muôn người vãng sanh. Vậy thì chúng ta cũng có quyền tin tưởng rất cao rằng họ được vãng sanh rồi vậy.

Vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc có 3 bối, mỗi bối có 3 phẩm, tổng cộng có 3 bối 9 phẩm. Hàng phàm phu không có nhiều hy vọng vãng sanh ở các bối trung bối thượng, nhưng đã sanh về Tây-Phương Cực-Lạc rồi thì trước sau gì vẫn viên mãn 3 bậc không thoái chuyển, một đời thành Phật. Vì trong đời ít tu, huân tập yếu nên khi vãng sanh phẩm vị của họ thấp. Nếu có sự huân tu tốt, một đời chuyên tâm niệm Phật, quyết chí vãng sanh, họ có đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh và lúc ra đi ta thấy được tinh thần của họ sản khoái, tâm hồn thanh tịnh, họ có thể sanh trung phẩm mà chúng ta không hay.

Đối với vấn đề này, có lần Ngài Tịnh-Không nói, những người đồng tu niệm Phật như thế này, sau cùng được hộ niệm cẩn thận, ra đi lưu lại tướng lành, thường thường được hạ phẩm trung sanh, hạ phẩm thượng sanh, nghĩa là cũng thăng lên được 1 cấp 2 cấp trong hạ phẩm. Nghe được như vậy làm cho chúng ta cũng mừng lắm rồi.

Rõ ràng trong nhiều thế hệ qua, chúng ta không nghe nói đến chuyện vãng sanh, rất ít khi thấy được người chết lưu lại tướng lành. Hoặc nói chính xác hơn, chúng ta chưa bao giờ thấy được tận mắt hiện tượng này. Nay hiện tượng vãng sanh xảy ra hàng ngày, làm cho chúng ta phải giựt mình tỉnh ngộ, mừng vui vô hạn vì gặp được một pháp đại cứu tinh, một cơ duyên thành đạo đầy hy vọng mà vô lượng kiếp qua chúng ta không thực hiện được.

Phải tin tưởng vững vàng nhé chư vị. Phải bám chắc cơ hội này nhé chư vị. Phải nhận thức thật chính xác rằng, Pháp Hộ-Niệm chính là chiếc bè đưa chúng ta vượt qua biển khổ để về bờ giác vậy.

  1. Tổng quát về pháp hộ niệm vãng sanh là gì?

Mình đi từng bước, từng bước một để khỏi bị sơ suất. Nếu nghe qua những cuộc tọa đàm này, chư vị có thể trực tiếp trả lời được những câu hỏi về Pháp Hộ-Niệm là gì. Những đáp án trong tập sách này đã chỉ rõ những ý niệm đúng hoặc sai một cách cụ thể. Có những câu bổ nghĩa cho nhau, câu trước mở ra vấn đề, câu sau giải thích tại sao. Những đáp án “Đúng” –  “Sai” đã được xác định rõ ràng rồi vậy.

(a): Đây là phương pháp hướng dẫn thực hành Pháp Môn Niệm Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc một cách chính xác, cụ thể, đúng lúc.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Hồi giờ chúng ta có nghe qua niệm Phật vãng sanh, nhưng thực tế không thấy người vãng sanh, trong khi chư Tổ thường tuyên dương Pháp Niệm Phật là muôn mgười tu muôn người vãng sanh. Sở dĩ bị thất bại quá nặng nề như vậy, nhất định phải có nguyên do của nó. Khi biết được Pháp Hộ-Niệm rồi, chúng ta mới tỉnh ngộ ra rằng, không hộ niệm là điều sơ suất lớn nhất.

Sơ suất ở chỗ nào? Hàng ngày chúng ta nói với nhau niệm Phật vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, nhưng ta làm không tới nơi tới chốn. Có nhiều người lý luận rằng, ta niệm Phật thì Phật niệm ta, Phật niệm ta thì Phật tiếp dẫn ta vãng sanh. Niệm Phật là niệm Tâm. Trong Tâm có Phật thì ta vãng sanh thành Phật thôi, v.v… Trong lúc còn khỏe, tinh thần còn sung mãn, thì nói hay quá, nhưng đến lúc sắp xả bỏ báo thân thì nằm chèo queo, không biết đâu là Phật đâu là Tâm, đâu là bạn đồng tu, đâu là oán thân trái chủ… Tâm ý hoàn toàn rối bời, mê mê mờ mờ, tâm căn tán hoại rồi đâu còn biết gì là Phật là Tâm nữa. Tu hành cứ chạy theo lý thuyết, không chịu chú ý đến thực tế, nên cuối cùng không thực hiện được gì cả, ngay như cả tông chỉ Tín-Nguyện-Hạnh của Pháp Niệm Phật rất đơn giản cũng không thực hiện được.

Chính đây là cái sơ suất mà rất nhiều người không để ý tới. Trong lúc bình thường thấy ta có niệm Phật thì nghĩ rằng Phật niệm ta. Đúng đấy. Khi ta niệm Phật thì Phật niệm ta, nhưng một ngày 24 giờ ta niệm Phật chỉ có 1 giờ, còn niệm Ta-Bà tới 23 giờ mà không hay. Như vậy Phật niệm ta chỉ có 1 tiếng, còn Ta-Bà niệm ta tới 23 tiếng, 23 tiếng Ta-Bà sẽ đè 1 tiếng niệm Phật xẹp lép. Có người niệm Phật tốt hơn thì cũng tốt đấy, nhưng đến lúc nằm xuống thì chư căn tán hoại, định tâm tiêu tan, oan gia trái chủ niệm ta, nghiệp chướng niệm ta, bệnh khổ niệm ta, hoàn cảnh rối loạn niệm ta, v.v… Hàng ngàn tình huống xấu ác vây quanh quấy nhiễu, làm cho tâm hồn điên đảo, đành cúi đầu theo đó thọ nạn. Sơ xuất chính là lúc lâm chung chúng ta không thể tự chủ được vậy.

Chính Pháp Hộ-Niệm là vị cứu tinh cần thiết để kịp thời hóa giải ách nạn, cụ thể, chính xác. Người hộ niệm nhắc nhở, hướng dẫn, trợ lực cho người bệnh định tâm lại niệm Phật cầu vãng sanh mà được vãng sanh.

Hãy nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm một cách cẩn thận nhé chư vị. Nghiên cứu rồi cố gắng tham gia thực tập để kinh nghiệm hộ niệm được vững vàng. Tất cả đều trở thành cái vốn quý báu cho mình vãng sanh. Nếu lơ là khinh thường Pháp Hộ-Niệm, coi chừng đến mình lúc nằm xuống, ban hộ niệm đến khai thị không chịu nghe, tâm thần thì hoang man đi mây về gió… thôi đành chịu thua vậy. Tu hành quá sơ suất để bị thất bại thì không được đổ vạ rằng Pháp Hộ-Niệm không linh nhé.

(b): Khi lâm chung hướng dẫn người bệnh giữ vững tín tâm, giữ vững tâm nguyện vãng sanh, giữ vững câu Phật hiệu cầu sanh Cực-Lạc.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Khi lâm chung giữ vững chánh niệm mới được vãng sanh. Hãy nhớ cho kỹ giữ vững chánh niệm khi lâm chung chứ không phải giữ chánh niệm bây giờ. Chánh niệm của Pháp Niệm Phật là Tín-Nguyện-Hạnh. Tại sao hầu hết người niệm Phật trước đây ít ai giữ được điều này, dù rằng một đời cũng cố gắng công phu khá tốt? Xin thưa thật với chư vị, chính vì phàm phu tâm mê nghiệp nặng, một đời này tu hành tự mình không địch lại với nghiệp chướng. 1.000 người phàm phu như chúng ta, tìm không ra được 1 người giữ vững được Tín-Nguyện-Hạnh lúc lâm chung. Bên ngoài thì chúng sanh quậy phá, bên trong thì nghiệp khổ bức bách. Bên ngoài thì con cái ồn ào, bên trong thì tâm trí rối bời. Bên ngoài thì hàng xóm lộn xộn, bên trong thì oan gia trái chủ công kích. Nội công ngoại kích, vạn sự rối ren trong lúc thân xác kiệt tận, đầu óc quay cuồng, làm sao còn biết chánh niệm hay tà niệm nữa.

Xin nhắc lại, khi lâm chung giữ vững chánh niệm. Xin thưa với chư vị, ngay bây giờ đây còn tỉnh táo mà chưa chắc gì ta giữ vững chánh niệm, đừng nói chi đến lúc lâm chung. Có nhiều người còn nghi ngờ, có nhiều người còn chưa tin, có nhiều người niệm Phật cho vui, có nhiều người niệm Phật cầu xin phước báu thế gian, có nhiều người niệm Phật một thời gian thì thoái tâm, v.v… Rõ ràng trong lúc bình tĩnh, có người nhắc lên nhắc xuống mà chưa giữ được chánh niệm, thì làm sao đến lúc lâm chung giữ được chánh niệm?

Ban hộ niệm hướng dẫn người bệnh giữ tín tâm, nguyện tâm, hạnh tâm. Nhưng điều quan trọng là người bệnh phải biết đến quy luật hộ niệm. Người bệnh phải biết lắng nghe và làm theo lời ban hộ niệm dặn dò. Chư vị ơi!… Chư vị đã nghiên cứu đến Pháp Hộ-Niệm chưa vậy? Nếu chưa biết Pháp Hộ-Niệm, e rằng khi ban hộ niệm đến nhắc nhở, mình lại tưởng họ đến gây điều khó khăn cho mình, ép buộc mình những điều trái ngược mà sinh ra phiền não đấy!…

Đừng nghĩ rằng hộ niệm là chờ sắp chết rồi mời vài người tới niệm Phật là xong nhé. Đừng nghĩ mình có năng lực gì đặc biệt hơn người khác nhé. Hộ niệm là một pháp tu cho hàng phàm phu một đời vãng sanh thành đạo đấy. Đã là pháp tu thì chư vị có biết cách tu theo Pháp Hộ-Niệm chưa? Đạo tràng chúng ta ngày ngày đều nói hộ niệm là vì chúng ta quyết lòng hộ niệm cho nhau một đời này vãng sanh. Chỉ có vững quy luật hộ niệm mới giúp người vãng sanh. Nếu không biết gì về hộ niệm, thì thời này tìm đâu ra một người được phước phần giải thoát.

Khi lâm chung còn giữ vững được tín tâm. Muốn giữ vững được tín tâm lúc lâm chung, thì ngay bây giờ phải phát khởi tín tâm. Muốn giữ vững được tâm nguyện vãng sanh lúc lâm chung, thì bây giờ phải giữ vững trước. Muốn niệm Phật được lúc lâm chung, thì bây giờ mình phải bám chặt vào câu A-Di-Đà Phật nhé. Những người già cả không cầm nổi xâu chuỗi, thì hãy dùng hơi thở làm chuỗi. Hít vào: “A-Di-Đà Phật”. Thở ra: “A-Di-Đà Phật”. Còn thở còn niệm Phật. Đừng quán theo hơi thở làm chi. Quán hơi thở, khi hơi thở ngưng rồi thì mình đi đâu đây? Hãy dùng hơi thở để niệm Phật, gọi là “Tùy Tức Niệm Phật”. Tiếng niệm Phật của mình theo hơi thở luân lưu khắp pháp giới, tràn ngập châu thân. Ngài Phi-Tích Thiền-Sư ngộ đạo từ câu Phật hiệu, đã áp dụng phương thức này để niệm Phật. Ngài cứ niệm “A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật…”. Lúc còn sống thì còn thở, còn thở thì Ngài còn niệm “A-Di-Đà Phật”. Tiếng “A-Di-Đà Phật” theo hơi thở lặng lờ chảy mãi như trường lưu thủy trong tâm. Trong giấc ngủ Ngài cũng đang thở, đang thở thì Ngài cũng đang niệm Phật trong giấc ngủ. Ngài vui tính nói rằng, ta đang ngậm Phật để ngủ. Khi hơi thở tắt rồi, thì tâm Ngài vẫn nương theo câu Phật hiệu mà đi vãng sanh.

Người nào đang than phiền rằng mình bị mất ngủ, thì giờ này hãy chuyển cảnh khó khăn thành cảnh an tịnh đi. Hãy dùng pháp “Tùy Tức Niệm Phật” để chuyển. Cớ chi phải đếm lấy con số vô nghĩa? Cớ chi phải quán theo hơi thở vô thường. Ru giấc ngủ bằng câu “A-Di-Đà Phật” an lành vô cùng, lợi lạc vô biên.

Vậy thì, chư vị nào thực sự muốn vãng sanh thì phải lo nghiên cứu liền Pháp Hộ-Niệm đi nhé. Mình vững Pháp Hộ-Niệm rồi, thì lời hướng dẫn của ban hộ niệm sẽ làm mình vững hơn. Hai cái vững này mới giúp được cho một người đang nằm ngo ngoe cái tay không nổi mà tâm lực lại vươn lên, nhờ thế mới có thể vượt qua khỏi mọi ách nạn để vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Cầu mong chư vị ai ai cũng vững tâm để cùng nhau vãng sanh Tịnh-Độ, một đời thành tựu đạo quả.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm - Chương 3: Nhận Thức Về Hộ Niệm

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –