Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 169)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin mở trang 68, câu (i): Người được hộ niệm thì được sống lâu không bị chết sớm.
Đúng không? – (Sai). Câu này ngược lại với câu trước. Câu trước nói người được hộ niệm thì bị chết sớm, nên có người không dám nhờ hộ niệm vì sợ bị chết sớm. Sai! Bây giờ câu này nói người được hộ niệm thì sống lâu, vậy thì người nào muốn được sống lâu thì mời ban hộ niệm tới hộ niệm. Cũng sai luôn! Những sự nhận thức này hoàn toàn sai lầm về Pháp Hộ-Niệm. Bị chết chịu đọa lạc hay được siêu sanh thành tựu đạo quả đều do chính mỗi người tự chọn lựa lấy. Phương Pháp Hộ-Niệm chỉ là sự hướng dẫn cách thức cho chính mỗi người tự thực hiện lấy con đường siêu sanh mà thôi. Nhiều người đã hiểu sai về Pháp Hộ-Niệm, nên có những mặc cảm sai lầm mà đánh mất cơ duyên được cứu độ từ pháp đại cứu tinh này.
Hộ niệm thực sự là một đại pháp giúp cho người học Phật chúng ta có cái nhìn thực tế, có cách tu cụ thể, có sự chuẩn bị cẩn thận, có một tinh thần tự chủ vãng sanh thành đạo. Phật Giáo không có chuyện dị đoan mế tín, nhắm mắt tin vào những điều huyễn hoặc hoang đường, tiêu cực đem huệ mạng của mình phó thác cho Thần Linh. Người tu học Phật Giáo không phải ngày ngày quỳ lạy cầu khẩn Bề-Trên ban bố phước lành. Tất cả những điều này Phật Giáo đều cho là mê tín. Phật Pháp là đường lối giáo dục của chư Phât, dạy cho chúng ta giác ngộ ra đạo lý duy tâm. Tất cả đều do tâm tạo. Chính mỗi người chúng ta phải tự quyết định và chịu trách nhiệm lấy tương lai của mình theo đúng định luật Nhân-Quả.
Ví dụ, như trước đây chúng ta chưa biết qua Pháp Hộ-Niệm, một người khi bị bệnh thì thường nhờ đến cầu an. Cầu an không xong, thì chờ chết rồi nhờ đến cầu siêu. Nhưng khi biết được Pháp Hộ-Niệm rồi ta mới hiểu được rằng, cầu an chính là hóa gỡ những vướng mắc giúp cho tinh thần của người đó được an tịnh. Cầu siêu chính là giúp cho người đó phát tâm tin tưởng niệm Phật tha thiết cầu vãng sanh Tịnh-Độ. Tất cả đã được Pháp Hộ-Niệm hướng dẫn cụ thể. Như vậy vô hình chung, Pháp Hộ-Niệm không phải là cầu an mà trở thành đại cầu an, không phải là cầu siêu mà trở thành đại cầu siêu, đưa đến sự đại thành tựu, kết quả hiện tượng vãng sanh đã xảy ra nhiều vô số. Thật bất khả tư nghì!
Chính mình tự quyết định lấy tương lai của mình là sự thực. Pháp Hộ-Niệm hướng dẫn vững vàng để cho mỗi người thực hiện được con đường vãng sanh cho chính mình. Hàng phàm phu mà không được hướng dẫn cụ thể thì đành chịu thất bại. Ví dụ, Người nào sợ chết thì tiêu rồi!… Do cái tâm sợ chết mà linh hồn cứ bám theo cái xác thịt để chịu đau khổ, bị đọa lạc, chứ không thể nói rằng hễ mãn báo thân thì bị đọa lạc. Chết là cái phần vô thường của xác thịt, nếu chính người đó không sợ chết, quyết lòng niệm Phật, lợi dụng cơ hội mãn báo thân này cầu vãng sanh, thì họ vãng sanh bất thoái thành Phật chứ không chết. Ví dụ khác, người nào sợ bệnh thì tiêu luôn!… Một căn bệnh đến thì không thể an tâm được. Buồn lo, phiền não làm cho tâm bị loạn. Vì tâm loạn nên sau khi xả bỏ báo thân này phải theo cảnh loạn động đó mà chịu nạn. Như vậy, vì tâm vướng mắc vào căn bệnh nên bị nạn, chứ không phải căn bệnh làm cho mình bị nạn. Trong kinh Bỏa Vương Tam Muội, Phật dạy: “Lấy bệnh khổ làm thuốc thần…”. Bệnh khổ là pháp dược giúp ta hiểu đời là khổ, thì dốc lòng lo đường giải thoát, chứ sao lại sợ mà chịu nạn?
Phàm phu tu hành thường phạm phải rất nhiều điều sơ suất. Pháp Hộ-Niệm nêu ra những sơ suất đó để tránh, nhắc nhở những điều cần phải làm, hóa gỡ những chướng nạn để mình sáng suốt và tự chủ thực hiện trọn vẹn sự vãng sanh. Phải giác ngộ để đi thẳng con đường giải thoát, nếu còn mập mờ thì coi chừng tu hành cả một đời sau cùng cũng không thoát khỏi ách nạn. Pháp Hộ-Niệm vi diệu lắm đó chư vị.
(j): Người phàm phu thân mạng vô thường, thì khi mãn phần phải trả về cho vô thường. Người nắm vững Pháp Niệm Phật cầu vãng sanh thì được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, chứ không còn chết sống trong sáu đường luân hồi nữa.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Điều quan trọng là phải nắm cho vững cách tu của Pháp Niệm Phật Vãng Sanh thì mới được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Hai tiếng “Nắm Vững” này hàm ý gì đây? Nhiều người lý luận rằng, ta niệm Phật thì Phật niệm ta, sau cùng ta sẽ được vãng sanh thôi. Nói vậy, về Lý thì suông, còn về Sự thì không vững. Phàm phu mà ưa nói lý coi chừng bị sơ suất. Nói cụ thể hơn, bây giờ niệm Phật nhưng đến lúc bệnh hoạn, nghiệp khổ hành hạ, liệu mình có niệm Phật được hay không!…
“Nắm vững” là bây giờ đây mình niệm Phật, thì đến lúc lâm chung mình cũng phải niệm Phật. “Nắm vững” là phải làm sao ngay giờ phút lâm chung mình thực hiện cho được tất cả tông chỉ của Pháp Niệm Phật Vãng Sanh. Bây giờ tu cao tu thấp, tu rộng tu hẹp, lý luận đủ điều, nhưng đến khi lâm chung không thực hiện được đường tu đó, thì gọi là không vững.
Như vậy hàng ngày chúng ta niệm Phật cầu nguyện vãng sanh, phải bảo đảm khi xả bỏ báo thân cũng thực hiện cho được ý tưởng này, thì chư vị vững vàng đi thẳng về cảnh Tây-Phương Cực-Lạc. Còn nếu bây giờ thì nói đi về Tây-Phương Cực-Lạc, mà lúc đó con cái làm cho mình bận bịu, chồng vợ làm cho mình bận bịu, hàng xóm làm cho mình bận bịu, tiền bạc làm cho mình bận bịu, v.v… Nói chung, miệng niệm Phật mà tâm bận bịu đủ thứ, thì dù niệm Phật đến bể hầu bể họng cũng phải theo những thứ bận bịu đó để thọ nạn trước, còn sự vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc sẽ chờ ở một kiếp nào sau này mới tính tới.
Hiểu được đạo lý này mới thấy Pháp Hộ-Niệm tuy đơn giản nhưng cao quý, nó chuẩn bị rất tích cực cho chúng ta chủ động đi về cảnh giới mà mình đang mong ước, ngay trong đời này chứ không phải hứa ở đời kiếp sau. Rõ ràng đây chính là cơ hội cho mình thoát vòng luân hồi sanh tử, vãng sanh thành Phật vậy.
(k): Người nào được hộ niệm thì thường tắt hơi sớm hơn bình thường.
Đúng hay sai? – (Sai). Câu trước nói rằng là hộ niệm thì được sống lâu, câu này thì nói hộ niệm thì tắt hơi sớm, tất cả đều sai lầm. Hộ niệm không liên quan gì đến tắt hơi sớm hay tắt hơi muộn. Nếu chư vị là đại Bồ-Tát thì muốn đi lúc nào thì đi, muốn ở lại đến bao lâu cũng được. Còn ta là phàm phu thì cái thân nghiệp này nó có định số. Có nhiều người nằm liệt một chỗ, mê mê hồ hồ 10 năm, 20 năm, ngày ngày cầu xin chết sớm mà không chết được. Có nhiều người đang khỏe mạnh, sáng lái xe đi làm, chiều nghe tin đã chết rồi là chuyện thường tình. Như vậy rõ ràng đến kỳ hạn thì phải xả bỏ thân xác thôi. Định mệnh đã chi phối thân nghiệp sẵn rồi, chúng ta không nên lo sợ ngày nào chết làm chi. Nếu sơ ý, cứ lo nghĩ về ngày nào liệng bỏ báo thân, thì sẽ thành một thứ vướng mắc đánh mất cơ hội vãng sanh. Người sợ chết thì lúc ra đi phải theo cái thân xác vô thường mà chịu nạn vậy.
Vậy thì, xin chư vị hãy tập cái đức tính gọi là tự tại trước sống chết đi nhé. Đối với hàng phàm phu chúng ta, tự tại trước sống chết không có nghĩa là muốn đi thì đi, muốn ở thì ở, mà chính là không thèm sợ chết. Người không sợ chết là người tự tại trước sống chết. Người không sợ bệnh là người tự tại trước bệnh khổ. Bệnh xuống thuốc thang phải uống, đây là điều bình thường, nhưng không lo âu sầu muộn. Bệnh lâu thì trả nghiệp nhiều, bệnh nhẹ thì trả nghiệp ít. Ít nhiều gì đều do chính mình tạo. Còn vô lượng nghiệp nhân khác chưa hiện hành cũng mặc kệ chúng, ta hãy lo niệm Phật cầu vãng sanh đi. Người quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh thì được Phật lực gia trì, Bồ-Tát gia hộ, chư Thiên-Long Hộ-Pháp che chở. Hãy tin tưởng, đừng thấy người khác lo sợ mình cũng bắt chước lo sợ theo thì kẹt lắm đấy, chết queo luôn!…
Cho nên, nếu nói rằng, được hộ niệm thì tắt hơi sớm là điều sai lầm. Có nhiều người nói, một người bệnh khổ hành hạ quá đau đớn, cầu chết nhưng không thể chết được, khi tới tụng một bài Chú, đọc một bài Kinh thì người đó ra đi liền. Đây cũng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Đi hộ niệm đôi khi cũng có những trường hợp tương tự, vừa hồi hướng công đức xong, vừa khai thị xong, thì người bệnh nhắm mắt ra đi. Đó cũng là trùng hợp ngẫu nhiên, chứ không phải người hộ niệm có thần lực gì làm cho người ta tắt hơi sớm đâu. Nên nhớ, sống chết đều có định số, chúng ta nên có chánh kiến về vấn đề này, vì thực tế, cũng có nhiều trường hợp được đọc Chú, tụng Kinh, Niệm Phật cầu nguyện trải qua hàng năm, nhưng người bệnh vẫn còn chịu bệnh khổ hành hạ, không đi được. Đây chỉ vì định số, hạn kỳ của họ chưa tới vậy.
(l): Chỉ có tự tử mới bị chết sớm hơn bình thường, còn hộ niệm là giúp người bệnh đến kỳ mãn báo thân biết đường vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Tự tử nguy hiểm vô cùng!… Người học Phật biết đạo đừng bao giờ làm việc này. Chết không phải là hết, không được suy nghĩ sai lầm. Phần số chưa mãn, thì tự tử là tự mình sát hại cái thân xác của chính mình mà chịu đau đớn nặng nề hơn. Cái linh hồn của mình phải chịu cảnh lang thang lạnh lẽo thảm thương trong cảnh giới trung ấm, mà người thế gian gọi là “Ma”, là “Quỷ” đấy. Mỉa mai lắm!… Tủi thân lắm!… Trong kinh Phật Phật có nói đến cảnh giới thân trung-ấm cứ theo chu kỳ 7 ngày thì phải chịu lại một lần tự tử khác, mỗi lần sau đau đớn hơn, kinh hoảng hơn lần trước gấp bội. Tội nghiệp cho chính mình lắm đấy!…
Đời này gặp nhiều nỗi khổ đau do trong nhiều đời trước mình vụng tu, thiếu phước, tạo quá nhiều nghiệp xấu. Quả báo xấu hiện hành bắt mình trả nghiệp sớm một chút. Xin hãy bình tĩnh đi, vui vẻ đi để cho nghiệp nhân tiêu bớt, để cho chúng lặng lờ trôi theo dòng suối, nhường lại cho mình con suối tươi mát để gột rửa thân tâm mới hay. Đừng nên quá khổ đau, đừng nên than trời trách đất mà chúng không nỡ ra đi, lại lôi kéo thêm những nghiệp nhân khác làm cho mình phải chịu khổ đau hơn.
Vì thế, đừng bao giờ nghĩ rằng tự tử cho chết sớm là hết chuyện. Không đâu. Chết là cái thân xác này chịu nạn, nhưng cái thần thức của mình không bao giờ chết mà chịu cảnh lang thang đói rét, vô cùng cay nghiệt, càng ngày càng đau khổ hơn, trong thế giới mà người đời mỉa mai gọi là “Ma Quỷ”. Nhất định không tốt!…
“Hộ niệm là giúp cho người bệnh đến kỳ hạn mãn báo thân biết đường vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc”. Điều này quan trọng vô cùng. Phàm có sanh thì có tử. Người không biết đạo thì đến kỳ hạn mãn báo thân theo nghiệp chướng mà tử nạn, theo oán thân trái chủ cài bẫy mà bị lôi vào ba đường ác chịu đọa lạc. Hàng vô lượng vô biên con người cứ tiếp tục chịu nạn tai, trùng trùng điệp điệp chúng sanh đi vào cảnh khổ. Người không biết tu bị nạn đã đành, người có tu hành nhưng vẫn bị nạn tai vì không biết làm cách nào cho đúng chánh pháp trong lúc xả bỏ báo thân, cũng là chuyện thường tình.
Hộ niệm rõ rệt là một pháp tu, dạy cho chúng ta niệm Phật và lúc lâm chung phải làm những điều cụ thể để vãng sanh. Chính mình làm được thì mình vãng sanh. Chính mình làm không được thì mình đành chịu nghiệp chướng chi phối, nghiệp lực nào đang ứng hiện sẽ làm chủ dẫn mình đi thọ báo. Công đức phước báu tu hành được trong đời này sẽ âm thầm lắng đọng thành một mớ chủng tử, trộn chung với vô lượng chủng tử khác trong A-lại-da thức, chờ đến một kiếp nào đó trong tương lai khi có duyên sẽ hưởng sau.
Pháp Hộ-Niệm dạy cho chúng ta từng chút từng chút rất chi tiết và thực tế đúng theo từng trường hợp của mỗi người. Một người lo sợ điều gì, nếu đến lúc lâm chung còn tiếp tục sợ như vậy, thì đó là cái duyên chẳng lành, dẫn dắt họ theo cảnh giới tương ứng để thọ nạn. Còn người không lo nghĩ gì khác, chỉ quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì tâm đã có chủ định sẵn. Nếu thấy bất cứ một cảnh giới lạ nào hiện ra cũng mặc kệ, không nhìn tới, không bàn tới, không lo sợ, không mừng vui, không chạy theo… Cứ bám chắc câu Phật hiệu mà niệm cầu vãng sanh, một lòng một dạ chờ A-Di-Đà Phật hiện thân tiếp dẫn theo Ngài về Tây-Phương Cực-Lạc, thì nhất định được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
An tâm hơn nữa, hạ căn phàm phu phải cần nương nhờ sự trợ duyên của ban hộ niệm. khi thấy cảnh giới gì nên báo cho ban hộ niệm biết, hãy thành thực phân bày những gì mình vướng mắc. Ban hộ niệm sẵn sàng có những lời động viên tại chỗ, tích cực ủng hộ cho tinh thần mình vững lên. Tâm lực vững mạnh, thì nghiệp lực sẽ lui, tất cả những cảnh giới lạ sẽ tan biến, cảm ứng đạo giao, A-Di-Đà Phật sẽ hiện thân tiếp dẫn vãng sanh vậy.
Rõ ràng, Pháp Hộ-Niệm thực sự là đại cứu tinh của mọi người, bảo đảm con đường vãng sanh thành đạo cho chúng sanh trong thời mạt pháp này. Người niệm Phật phải tin tưởng vững vàng, tin sâu sắc, thực hiện cho đúng tông chỉ Pháp Niệm Phật mới được.
Mong chư vị phát tâm bồ-đề rộng lớn, từ bi hộ niệm cho nhau, cùng nhau vãng sanh thành đạo.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.