Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa Đàm 164) | Pháp Hộ Niệm Quan Trọng Với Hàng Phàm Phu Tội Chướng Sâu Nặng Như Thế Nào?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 164)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Trong thời gian qua Diệu Âm bệnh muốn queo râu! Bệnh là do nghiệp. Người nào bệnh nhiều tức là nghiệp nhiều. Như vậy Diệu Âm này là người nghiệp nhiều. Vì nghiệp nhiều nên mới thấy Pháp Hộ-Niệm là quan trọng. Chư vị có thấy Pháp Hộ-Niệm quan trọng không? Quan trọng!… Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục nói về sự quan trọng của Pháp Hộ-Niệm đây. Xin mở trang 66.

(d): Khi lâm chung có nhiều cạm bẫy hiểm nghèo, không hộ niệm khó ai có thể tự hóa giải được để thoát nạn.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Khó có ai có thể tự hóa giải những chướng nạn của chính mình, trong đó có những cái cạm bẫy mà chính mình gặp phải khi chuẩn bị xả bỏ báo thân. Vì có nhiều cạm bẫy, nên thường khi chân thì bị kẹp trong cái bẫy, tay bị thì trói trong cái bẫy, cổ mình cũng bị còng trong cái bẫy… Tất cả đều mắc kẹt trong những cái bẫy mà bị lôi tuột vào con đường khổ nạn! Chính vì bị vướng vào những cái bẫy, tinh vi có, thô thiển có… mà nhiều người tu hành nhưng sau cùng không thoát khỏi ách nạn. Hiểu rõ được vấn đề này mới thấy trân quý Pháp Hộ-Niệm. Nếu không được hộ niệm, những thứ cạm bẫy này tiếp tục mở ra, cài đại chúng tiếp tục mắc nạn. Những người biết hộ niệm, có thể biết trước những vấn đề này mà tìm cách dẫn dắt, hóa gỡ giúp cho người bị nạn được thoát nạn, người nào chưa vướng nạn phải biết lánh xa.

(e): khi lâm chung nhiều hành nghiệp trong đời này và nhiều đời kiếp trước ứng hiện về làm cho tâm hồn tán loạn. Không hộ niệm khó có ai tỉnh táo chọn được con đường sáng sủa cho tương lai.

Đúng không? – (Đúng). Câu trên nói về những ách nạn ép buộc mình đi vào con đường khổ nạn, câu này nói về tinh thần của mình bị mê muội, không biết chọn đường sáng suốt để đi, thành ra tự mình dẫn mình vào con đường khổ nạn. Câu trên nói về hoàn cảnh bên ngoài ép mình bị nạn, câu này nói về tâm mình không biết đường tu hành, tự làm lấy những việc sai lầm. Nhiều người tu hành, hình thức là Phật Giáo, nhưng thực tế vì không sáng suốt nhận thực đâu là chánh đâu là tà, nên cũng dễ dàng chạy theo những tập tục của ngoại đạo mà không hay. Hiện tượng này rất phổ thông trong thời mạt pháp này. Vì hành tà đạo nên kết cuộc thọ nạn rất nhiều. Phật dạy, thời mạt pháp ức triệu người tu hành khó tìm ra một người thành tựu. Bị thất bại có rất nhiều nguyên nhân, trong đó hành tà đạo đã tiếp sức khá mạnh đưa chúng sanh vào đường đọa lạc.

Biết được quá nhiều nguyên nhân sai lệch trong đường tu hành, chúng ta mới thấy sự hướng dẫn rành mạch, nhắc nhở cụ thể, chỉ điểm từng chi tiết nhỏ của Pháp Hộ-Niệm trở thành vô cùng cần thiết, rất quan trọng cho đại chúng trong thời này để thoát khỏi ách nạn. Nhất là hàng phàm phu trí cạn, thường mắc phải quá nhiều sai lầm rất gần gũi mà không hay.

Nếu không có hộ niệm, người bệnh bị bên trong nội kích, bên ngoài ngoại công, làm cho họ điên điên đảo đảo. Lúc còn khỏe có thể lý luận từ trên cao đến dưới thấp, mặc sức mà suy diễn, nhưng đến lúc cuối đời thì hoàn toàn không thể tự chủ được, lặng lẽ chấp nhận số phần hẩm hiu!…

Càng nghiên cứu sâu vào Pháp Hộ-Niệm chúng ta mới thấy cái vi diệu của một phương pháp tu hành. Chứng kiến từng cuộc vãng sanh nối tiếp nhau xảy ra khắp nơi, chúng ta mới thấy sự lợi ích thực tế của pháp cứu độ chúng sanh. Trong gia đình có được một người vãng sanh rồi, chúng ta mới hưởng mùi vị của nguồn vui vô tận. Mong cho nhiều người ngộ ra cơ hội thành đạo này mà trân quý pháp đại cứu tinh. Thật sự gặp được Pháp Hộ-Niệm này mà hàng phàm phu chúng ta mới có cơ hội giải thoát cảnh đọa lạc, một đời này siêu sanh thành Phật.

Hãy tin tưởng, hãy trân quý, hãy bám chắc cơ hội ngàn vàng không mua được này, một duyên lành thành đạo hy hữu từ vô lượng kiếp chưa gặp qua, để một đời này vãng sanh thành tựu đạo quả. Còn sơ ý lơ là, không chịu lo niệm Phật cầu vãng sanh, mà cứ đem cái vọng tâm ra để lý cao luận diệu, nói sai lời Phật dạy, thì một là chính mình không thoát khỏi sanh tử luân hồi; Hai là, đánh mất niềm tin của đại chúng. Quá nhiều người bị mất phần giải thoát, lại liên quan tới tội phỉ báng pháp Phật, chính mình gây đại tội để chính mình chịu đại nạn. Một đại nạn vô cùng kinh khủng!Vô cùng kinh khủng!

Chư vị nên nhớ cho, Pháp Niệm Phật là chánh pháp cứu độ chúng sanh trong thời mạt pháp này, nếu ta đoạn mất cơ hội được cứu độ của chúng sanh, tự ta phải ôm lấy những ách nạn của chúng sanh, và nếu nói sai lệch pháp Phật, làm mất niềm tin của đại chúng liên quan đến tội ngũ nghịch, hậu quả vô cùng đáng sợ!…

Riêng phận mình, xin chư vị phải y theo lời Phật dạy mà tu hành, quyết giữ vững lòng tin, đi cho trọn con đường siêu sanh Tịnh-Độ để một đời này thoát nạn luân hồi, vãng sanh thành Phật. Nếu không nhận thức rõ ràng đường vãng sanh này là cơ hội duy nhất trong thời mạt pháp, thì trong vòng 9.000 năm nữa, chúng sanh trong cõi Ta-Bà này không dễ gì tìm ra một người thoát nạn! Không dễ gì tìm ra một cơ hội khác để nghe được chánh pháp vãng sanh. Nếu luống qua cơ hội này đồng nghĩa với vô lượng kiếp chịu nạn. Mong chư vị chú ý cho.

(f): Tuyệt đại đa số con người trong thời mạt pháp thuộc hàng hạ căn, nhờ hộ niệm mà giúp họ có thể chủ động đi vãng sanh thành đạo, tránh cảnh đọa lạc khổ đau vạn kiếp.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Câu này nhấn mạnh vào điểm chủ động đi vãng sanh thành đạo, diễn tả lý đạo cao tột của Phật Pháp: Nhất thiết duy tâm tạo. Tất cả đều do chính tâm của mỗi người tự thực hiện lấy cảnh giới tương lai. Đây là đạo lý duy tâm. Một người có tu hành, tạo nhiều phước lành, nhưng không biết chủ động đi vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, nếu cuối đời không có gì chướng ngại, thì họ sẽ được theo cái nghiệp thiện phước nào đó tu hành được để hưởng ở một cảnh giới lành nào trong tam giới, chứ không thể nào vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc được. Nếu cuối cùng chẳng may bị những chướng duyên bất ngờ, thì cũng phải đành theo nghiệp xấu ác thọ nạn, còn phước báu một đời tu tập âm thầm chìm vào trong tàng thức, chờ đợi cái duyên cho tương lai…

Người phàm phu, nghiệp nặng chướng nhiều, khó bề tránh khỏi chướng duyên, nên tu hành trong thời này rất khó tránh thoát cảnh đọa lạc là vì lý do này đấy. Một người tu hành dẫu có ít đi chăng nữa, nhưng nếu cơ duyên đến, họ gặp được thiện tri thức, những người biết con đường vãng sanh, ví dụ như ban hộ niệm chẳng hạn, nhắc nhở, chỉ điểm, khuyên bảo, mà người đó phát tâm tin tưởng làm theo. Họ thực hiện đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh, nghĩa là niềm tin vững vàng, ước nguyện vãng sanh tha thiết và kiên trì niệm câu A-Di-Đà Phật trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời, thì chính họ đã chủ động đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Như vậy, họ được vãng sanh bằng chính cái nghị lực và ước nguyện vãng sanh của họ ở thời điểm xả bỏ báo thân chuyển qua thế giới khác. Đây chính là đạo lý duy tâm.

Vì thế, mong chư vị phải nhớ là tu nhiều không phải là được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Mà phải tu cho đúng pháp vãng sanh. Phải tu cho thẳng đường vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Chúng ta có thể nói, chân chánh tu hành, tinh tấn công phu có thể chứng đắc một cảnh giới nào đó thì đúng. Sự chứng đắc, nếu có, sẽ tương ứng với sự công phu của mình. Ví dụ, đắc Sơ Thiền sanh về cõi trời Sơ Thiền Sắc Giới, đắc Nhị Thiền thì Nhị Thiền Sắc Giới trong tam giới, v.v… chứ không thể vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc được.

Chúng ta phải biết rằng, cảnh giới trên vũ trụ này trùng trùng điệp điệp. Ví dụ, ngay như ở quả địa cầu này có nhiều quốc gia, mỗi quốc gia có nhiều địa phương, nơi nào cũng có người sinh sống. Cũng là người, nhưng có người sướng người khổ. Cũng là quốc gia, nhưng có nước giàu nước nghèo. Giàu nghèo sướng khổ gì cũng là cảnh vô thường, sống để chờ ngày chết vậy thôi.

Muốn di cư đến một quốc gia nào, cần phải tìm hiểu điều kiện nhập cư. Hợp với các điều kiện quy định tại đó, thì chúng ta sẽ được tới đó định cư. Như vậy, ai muốn đến nước Tây-Phương Cực-Lạc của Đức Phật A-Di-Đà thì phải thực hiện đúng quy định của Ngài. Điều kiện để trở về Tây-Phương Cực-Lạc chính là niềm tin phải vững vàng, phải tha thiết cầu xin về đó và chấp trì danh hiệu A-Di-Đà Phật của Ngài mà niệm. Đức Từ-Phụ muốn độ tận chúng sanh thoát khổ được vui, vĩnh viễn bất sanh bất tử, nên điều kiện của Phật quá dễ dàng, để giúp cho bất cứ chúng sanh nào cũng có thể thực hiện để một đời thành Phật. Chư vị muốn vãng sanh không? Nếu muốn phải nắm vững quy luật này. Pháp Niệm Phật Hộ Niệm Vãng Sanh là giúp cho người có duyên thực hiện quy luật này vậy.

Cho nên mong chư vị hiểu cho, vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc là tự mình chủ động mà đi. Nhưng tuyệt đại đa số con người trong thời mạt pháp thuộc hàng hạ căn, tự mình không thể tự chủ được, cần nhờ hộ niệm mà giúp họ có thể chủ động đi vãng sanh thành đạo. Không được hộ niệm thì hàng triệu người khi lâm chung khó tìm được một người có thể tự chủ. Vì sao? Vì thân xác đau buốt. Vì hoàn cảnh lộn xộn. Vì cảnh giới hãi hùng. Vì thần trí mê man bất tỉnh, v.v… Bên trong thì đầu óc mê muội. Bên ngoài thì oán thân trái chủ cài bẫy. Rơi vào trạng huống này, hỏi rằng ai có thể tự chủ động đây! Không tự chủ được thì tự động trở thành nô lệ cho nghiệp chướng, cho các thế lực hung hiểm. Có người nào bị những chướng nạn này mà được đi những chỗ tốt đẹp!…

Chính vì thế, mong chư vị phải hiểu rõ cái giá trị quý hóa của sự hộ niệm. Pháp Hộ-Niệm hướng dẫn cho mình đi trên nghiệp chướng mà vãng sanh, băng ngang qua nghiệp chướng mà vãng sanh, chứ không phải đấu tranh với nghiệp chướng, tiêu diệt nghiệp chướng mà thoát nạn. Đây là pháp “Đới Nghiệp Vãng Sanh”, một pháp đại cứu tinh cho hàng phàm phu, dù với thân phận trí cạn nghiệp nặng, vẫn hy vọng tràn trề được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Chư vị hãy vững lòng tin tưởng chánh pháp của Phật để một đời thành tựu đạo quả. Nếu không tin thì đành ở đây mà tiếp tục chịu nạn, chứ chư Phật cưỡng bức ai đâu. Tất cả đều do tâm lực của chính mình. Tất cả đều do chính tâm mình thực hiện lấy.

(g): Hộ niệm rất quan trọng vì có hộ niệm thì chắc chắn được vãng sanh.

Đúng hay không chư vị? – (Sai). Hộ niệm chỉ là phương pháp trợ duyên, người hộ niệm hướng dẫn cho mình tu đúng pháp để vãng sanh. Trước sau gì mình cũng phải tu cho đúng đường vãng sanh mới được vãng sanh. Vậy thì làm gì có chuyện hộ niệm thì chắc chắn được vãng sanh. Ví dụ, một người sợ chết, người hộ niệm đến khuyên nhắc đừng sợ chết. Nếu chị còn sợ chết thì dù có hàng ngàn người hộ niệm, chị cũng không được vãng sanh. Như vậy, chị được vãng sanh là do chị chán chê cảnh đời khổ nạn vô thường này mà niệm Phật tha thiết cầu xin vãng sanh. Chính chị huân tu điều này, để khi lâm chung chị thực hiện được điều này thì mới được vãng sanh. Nghĩa là chính chị phải quyết định, chứ đâu phải người hộ niệm quyết định cho chị.

Người hộ niệm đến nhắc nhở cho mình bỏ những điều phải bỏ, phải làm cho kỳ được những điều thích hợp với đường vãng sanh để được vãng sanh. Nếu một người tự mình có thể làm được những điều này thì khỏi cần đến hộ niệm. Nhưng trên thực tế, một vạn người tu hành tìm không ra một người làm được đầy đủ tông chỉ của pháp môn. Miệng niệm Phật mà tâm nghĩ lung tung. Miệng niệm Phật tâm cầu trúng số, nguyện giàu có, nguyện xin con cái thi đậu, v.v… Cầu nguyện chuyện Ta-Bà thì nhiều đến hàng ngàn hàng vạn, còn cầu vãng sanh thì hững hờ chỉ có một vài lần. Hãy suy nghĩ thử, trong cái thùng a-lại-da thức chỉ có một vài hạt giống vãng sanh trộn chung với hàng vạn những hạt giống khác, làm sao có thế bốc được hạt giống vãng sanh để đi về Tây-Phương Cực-Lạc đây?

Cho nên niệm Phật phải nguyện vãng sanh ngay từ bây giờ, phải có ước muốn vãng sanh ngay từ bây giờ. Tín-Nguyện-Hạnh là tông chỉ của Pháp Niệm-Phật phải được thực hiện đầy đủ ngay từ bây giờ, thì sau cùng chư vị mới có thể làm tròn để vãng sanh. Trong đó, cái hạt giống vãng sanh phải có hàng ngàn hàng vạn và thường xuyên chủ động linh hoạt, còn những hạt giống khác chỉ là những dư vang trong quá khứ, ta đang tìm cách cắt cái duyên chúng đi, để chúng thụ động nằm im, thì lúc cuối cùng của cuộc đời này ta mới chủ động chọn lấy con đường vãng sanh một cách thuận lợi.

Hộ niệm là một pháp tu cụ thể, thiết thực, rõ ràng đã giúp ngay cả hàng phàm phu cũng được thành tựu đạo quả, vậy mà nhiều người vẫn chưa nhận thức ra điều quý báu này. Nay chúng ta đã thấy rõ rồi, thì hãy đi cho thẳng, tu cho chánh. Định lực phải vững thì mình vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc vậy. Cầu chúc cho chư vị một đời này đều được vãng sanh thành Phật.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm - Chương 3: Nhận Thức Về Hộ Niệm

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –