Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa Đàm 167) | Nhận Thức Về Pháp Hộ Niệm Vãng Sanh

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 167)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Chương 3, “Nhận Thức Về Hộ Niệm”. Hôm nay chúng ta đi thẳng vào đề mục này. Xin chư vị mở trang 67, câu 4: Nhận thức về Pháp Hộ-Niệm Vãng Sanh.

(a): Hộ niệm là một hình thức cầu siêu cho người chết.

Đúng hay sai? – (Sai). Chúng ta là người hộ niệm đã quá biết hộ niệm không phải là cầu siêu, nhưng thực tế thì có nhiều người lầm lẫn rằng hộ niệm là cầu siêu. Trong quá khứ dài lâu, chúng ta chỉ thấy người chết rồi mới được làm lễ siêu độ, nên khi nghe đến hộ niệm vãng sanh thì liền nghĩ rằng, phải đợi chết rồi mới được hộ niệm. Thậm chí có người còn nói rằng, làm lễ cầu siêu cho người chết tức là hộ niệm cho một người vãng sanh. Một sự sai lầm quá đáng tiếc!

Hộ niệm khác với cầu siêu. Hộ niệm là giúp cho người tu hành chủ động chọn con đường niệm Phật cầu vãng sanh, đến ngày xả bỏ báo thân, họ chủ động thực hiện Tín-Hạnh-Nguyện để vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Còn cầu siêu là chờ người chết rồi làm lễ tụng kinh cầu nguyện cho hương linh được siêu độ.

Được siêu độ thì được vãng sanh, nếu không được siêu độ thì thần thức người chết đi theo một cảnh nào đó tùy theo nghiệp duyên của họ. Nghiệp duyên khác nhau thì cảnh giới khác nhau, khó biết được. Tuy nhiên Phật dạy “Nhơn thân nan đắc”. Một phàm phu tội chướng quá sâu nặng, tâm ý quá mê muội, không dễ gì chỉ qua một lễ đàn siêu độ ngắn ngủi mà có thể được siêu sanh Tịnh-Độ!…

Cho nên, vì chút tình nghĩ đến người chết, vì để an lòng phần nào cho người còn sống, nên cầu siêu là việc chẳng đặng đừng. Nếu người Phật Tử tu hành mà cứ phú thác huệ mệnh của mình vào một buổi lễ cầu siêu thì quá sơ ý, thực tế hiệu quả không phải dễ dàng như nhiều người kỳ vọng.

Người giác ngộ Phật Pháp phải nhớ rằng tất cả đều do chính tâm mình quyết định. Phải lập chí niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ, phải chuẩn bị mọi thuận duyên để thực hiện trọn vẹn Tín-Nguyện-Hạnh khi lâm chung mới được vãng sanh, chứ không thể chờ chết nhờ cầu siêu là được vãng sanh. Pháp Hộ-Niệm giúp cho mỗi người chúng ta từ nay cho đến ngày xả bỏ báo thân huân tu thuần thục đường vãng sanh. Chính cái tâm lực mạnh mẽ, có chủ định vững vàng giúp mình vững vàng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc vậy.

(b): Hộ niệm là pháp hướng dẫn người sống cách tu hành để vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Đúng hay sai? – (Đúng). Đây là pháp hướng dẫn tu hành, đúng là pháp tu hành có sự hướng dẫn cụ thể. Tất cả mọi pháp tu đều là hướng dẫn cho người tu hành thực hiện mục đích của đường tu, thì Pháp Hộ-Niệm dẫn dắt người đang sống như chúng ta cách thức tu hành cụ thể, thiết thực để sau cùng được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Tất cả mọi pháp tu đều có giáo lý để nương theo tu tập, nhưng khi chúng ta nói đến hộ niệm là đặc biệt chú ý đến sự hướng dẫn cặn kẽ những điều cần làm, những điều cần buông bỏ ngay từ bây giờ, chứ không thể tu hành theo kiểu mông lung. Nhiều người tu hành nhưng quá mông lung, không có một định hướng gì cả, cứ chờ chết rồi mới tính. Tính được gì khi đã chết rồi?

Sự hướng dẫn này thiết thực, tương ứng với từng người nên rất hợp với căn cơ mọi người, chứ không phải chỉ nói chung chung, vô thưởng vô phạt. Đã hướng dẫn cụ thể như vậy, nhưng đến lúc đau bệnh xuống, chuẩn bị xả thân, người hộ niệm vẫn tiếp tục nhắc nhở để người bệnh kịp thời tu sửa những điều sơ suất lệch lạc. Nhờ vậy mà Pháp Hộ-Niệm có hiệu ứng rất tốt, thực sự đã cứu vô lượng chúng sanh vãng sanh thành đạo.

Người phàm phu nghiệp nặng mà tu hành theo cách chung chung, không có sự hướng dẫn cụ thể, nhất là không được khai thị cẩn thận lúc lâm chung, thì khi xả bỏ thân mạng này họ phải rơi vào cảnh giới khốn khổ, khó thoát khỏi đọa lạc. Vì mê mờ, không biết đường thoát nạn, bị cạm bẫy giăng giăng nên vạn ức người tu hành tìm đâu ra một người thoát cảnh khó khăn. Còn người được hộ niệm, nhờ sự hướng dẫn cẩn thận, cụ thể giúp họ chủ động niệm Phật cầu vãng sanh mà được vãng sanh đấy. Đây là điểm hết sức quan trọng, rất thiết thực, vô cùng thù thắng của Pháp Hộ-Niệm vậy.

(c): Người hạ căn phàm phu dẫu có niệm Phật cũng không thể vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Đúng hay sai? – (Sai). Nhiều người có quan niệm rằng, phải là Bồ-Tát, thượng căn thượng trí mới được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Đây là tự mình nghĩ vậy mà làm cho đường vãng sanh của mình bị bít lối, chứ Phật không dạy như vậy. Phật dạy rằng, bất cứ chúng sanh nào niệm Phật cầu vãng sanh thì có thể được vãng sanh. Xin thưa với chư vị, chư vị Bồ-Tát ở các quốc độ nếu không niệm Phật phát nguyện vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, thì Bồ-Tát cũng không được về Tây-Phương Cực-Lạc được đâu. Chính vì vậy mà chư vị Pháp-Thân Đại-Sĩ trên cõi Hoa-Nghiêm cũng nương theo 10 đại nguyện vương của Đức Phổ-Hiền mà cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc để một đời thành tựu viên mãn Phật quả. Xin chư vị nên nhớ cho điểm này.

Phàm phu mà quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh, thì dẫu cho niệm được 10 niệm trước lúc xả bỏ báo thân cũng được vãng sanh, nếu không được vãng sanh A-Di-Đà Phật thề không giữ ngôi Chánh Giác. Lời này là bảo chứng cho người niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ, là sự giải tỏa mọi nghi vấn tại sao người niệm Phật được vãng sanh nhiều vô lượng, đếm không hết. Phàm phu tội chướng sâu nặng, mà quyết lòng tin tưởng lời Phật dạy, quyết lòng niệm A-Di-Đà Phật, quyết lòng cầu vãng sanh về Tây-Phương Tịnh-Độ, thì chư vị từng người từng người được vãng sanh. Còn nếu nghĩ rằng mình là phàm phu không đủ khả năng vãng sanh, chỉ muốn lưu lại đây trả cho hết nghiệp thì tùy chư vị. Xin thưa rằng, phàm phu tại cõi này trả không hết nghiệp đâu. Muốn trả hết nghiệp chỉ còn con đường chui xuống địa ngục, ở đó là nơi sẽ có đầy đủ duyên cho tất cả nghiệp tội ứng ra mà trả quả báo. Vô lượng kiếp đại nạn đấy, chứ không phải ở đây làm chút phước thiện, rồi chịu vài căn bệnh là đủ để trả nghiệp đâu nhé.

Vậy thì, hãy biết vâng lời Phật dạy, y giáo phụng hành, lo ngày đêm niệm Phật cầu vãng sanh để băng ngang qua núi nghiệp mà vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc một đời thành tựu đạo quả. 48 đại nguyện của A-Di-Đà Phật, nguyện nào cũng được thực hiện đầy đủ, nếu không thực hiện được, Phật thề không thành Phật. A-Di-Đà Phật đã thành Phật hơn 10 kiếp qua rồi, thì không cớ chi chúng ta phải nghi ngờ. Xin đừng nghe theo người quá thiếu căn lành, chưa hiểu thấu Lý-Sự vãng sanh mà tự đoạn mất cơ hội thành đạo của chính mình. Người nào không tin thì tùy theo duyên phận của họ, còn ta nhất định phải y cứ vào lời Phật dạy tu hành, Tín-Nguyện-Hạnh vững vàng, quyết một đời nhất định vãng sanh thành Phật.

(d): Pháp Môn Niệm-Phật rộng độ ba căn, Phàm Thánh đều được vãng sanh thành đạo.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Pháp Môn Niệm Phật rộng độ ba căn. Trong 84.000 pháp môn của Phật để lại, chỉ có Pháp Niệm Phật mới nói được câu: “Phàm Thánh tề thâu, tam căn phổ bị”. Phổ là rộng, Bị là cứu độ. Phổ bị là rộng độ chúng sanh. Đặc biệt chỉ có Pháp Môn Niệm Phật rộng độ được chúng sanh, bình đẳng thâu nhiếp cả Phàm lẫn Thánh một đời vãng sanh thành Phật. Thánh Nhân niệm Phật vãng sanh dễ, phẩm vị có thể Thượng Phẩm. Phàm phu niệm Phật vãng sanh có thể khó hơn người thượng căn vì nghiệp chướng nặng nề, tâm trí mê muội. Cùng một sức tu tập, giữa Phàm và Thánh chúng ta có thể nói khó hơn hay dễ hơn, chứ còn nói rằng người phàm không được vãng sanh thì không đúng với lời Phật dạy.

Hàng phàm phu trí cạn nghiệp lớn, thì phải dùng cái tâm chí thành chí kính làm sở trường để niệm Phật cầu Phật tiếp độ vãng sanh là chính xác. Còn cho rằng ta cũng sẽ chứng đắc dễ dàng, sẽ được “Nhất Tâm Bất Loạn” như hàng thượng căn thượng trí, sẽ đứng cò cò một chân, an nhiên tự tại vãng sanh là điều sơ suất lớn lao, vì đem cái sở đoản của mình mà thách thức cái sở trường của nghiệp chướng, đem một chút công phu còn quá hạn hẹp ra mà thách đố với oán thân trái chủ. Quả là điều vụng tính vậy!…

Trong kinh nghiệm, khi đi hộ niệm mà thấy một người bệnh chí thành chí kính niệm Phật, thiết tha cầu vãng sanh, mình mừng vô cùng vì họ vãng sanh dễ dàng lắm. Còn đi hộ niệm mà thấy người bệnh tự khoe ra rằng đã học được lý này đạo nọ, tự cho mình là cao thượng, thì người này thực sự đường vãng sanh vô cùng khó khăn, gặp phải chướng nạn trùng trùng. Cho nên, tâm tánh hiền lành, khiêm cung là điểm rất quan trọng, đây chính là cái sở trường quý giá nhất cho người hạ căn thực hiện để được vãng sanh.

Mong chư vị hiểu lấy cái thân phận của mình mà thực hiện cho đúng căn phận, đừng nên sơ suất khởi vọng tâm lên mà tự hại lấy mình. Khởi lên cái tâm thượng mạn, dù cho tu hành năm-bảy chục năm sau cùng cũng rất khó thoát khỏi ách nạn đấy.

(e): Hộ niệm là pháp mong cầu cho người bệnh chết sớm.

Đúng không? – (Sai). Nêu ra điều này để có sự nhận thức đứng đắn về Pháp Hộ-Niệm. Rất nhiều người mơ hồ lầm lẫn giữa “Vãng Sanh”“Chết”, nên nói cầu vãng sanh là cầu chết. Thực ra, vì muốn thoát khỏi cảnh sanh tử nên mới niệm Phật cầu vãng sanh. Chết là đại nạn của chúng sanh, còn vãng sanh là một lần sanh rồi vĩnh viễn không còn chết nữa. Mục đích của Phật đạo là cứu chúng sanh thoát cảnh sanh tử luân hồi, đạt đến cảnh vô sanh vô tử, chứ không có Phật nào lại dạy chúng sanh cầu chết sớm.

Thân này là thân nghiệp báo. Thân nghiệp báo thì theo nghiệp mà sinh ra để trả nghiệp. Thân nghiệp báo bị nghiệp lực làm chủ, chết hay sống tùy theo định số của nó. Còn cái Tâm của chúng ta không tùy thuộc vào định phận của nghiệp lực, mà thuộc về giác ngộ hay mê muội. Hễ giác ngộ thì giải thoát, thành Phật, thành Bồ-Tát. Còn mê muội thì tiếp tục chịu chết đi rồi sanh lại, mỗi lần liệng cái thân này thì gá vào cái thân khác chịu sanh tử luân hồi khổ nạn. Thân sau không dễ gì còn được là thân người đâu nhé.

Vì thế, xin chư vị hiểu rằng, không có Pháp Hộ-Niệm nào làm cho người bệnh chết sớm, hoặc giúp cho người bệnh sống thọ thêm. Pháp Hộ-Niệm Vãng Sanh chỉ hướng dẫn một người khi thọ mạng đã hết, hãy quyết định chọn con đường vãng sanh thành đạo, thay vì bị chết chịu đọa lạc. Người thế gian chưa hiểu thấu đạo lý giải thoát, không biết rằng huệ mạng của chính ta không sanh không tử, vì chấp vào cuộc sống này là tất cả, nên cứ cầu sống lâu trường thọ, không dám nguyện cầu vãng sanh. Nhưng hỏi rằng có ai trường thọ khỏi chết không? Thật quá sai lầm!

Muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì mỗi người phải tự thực hiện lấy tông chỉ của Pháp Niệm-Phật. Người bệnh phải tha thiết nguyện vãng sanh thì mới được vãng sanh. Hàng phàm phu mà không niệm Phật tha thiết cầu nguyện vãng sanh thì phải theo con đường chết để chịu dọa lạc. Như vậy, người nào chí thành niệm Phật, thành thật muốn được sớm vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc là hợp với tông chỉ Tịnh-Độ, không phải sẽ được vãng sanh liền, mà sống an vui, chờ ngày xả bỏ báo thân mới vãng sanh thành tựu Phật đạo. Nhờ vậy, tự nhiên tinh thần sẽ ổn định, trước cái chết không sợ hãi, bệnh xuống không buồn phiền, gặp điều trở ngại không quá phiền não… Tâm đã có chỗ định nên cuộc sống an vui tự tại trước cảnh tử sanh. Tất cả đều do chính tâm mình tạo lấy cảnh giới cho chính mình.

Hiểu được đạo lý này, xin hãy phát tâm dũng mãnh, Tín-Nguyện-Hạnh vững vàng, quyết một báo thân này vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Lúc còn khỏe, hãy kết nhóm với nhau tu hành. Lúc bệnh xuống hãy thành khẩn mời gọi những người còn khỏe tới hộ niệm cho mình. Những người khỏe sẵn sàng sốt sắng đi hộ niệm cho người bệnh. Công đức này lớn vô lượng vô biên. Đi hộ niệm sẽ được hộ niệm. Cứu người tức là cứu chính ta, nhân duyên quả báo tơ hào không sai.

Nhờ hộ niệm, hàng ngày chúng ta đều nghe tin có người vãng sanh khắp ba miền đất nước. Rõ ràng đã có sự chứng minh rằng, chúng ta đi con đường dễ hành, dễ độ. Hy vọng tràn trề chính ta cũng được vãng sanh một đời thành tựu đạo quả. Cầu chúc cho chư vị đều viên mãn đại nguyện.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm - Chương 3: Nhận Thức Về Hộ Niệm

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –