Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 171) | Nhận Thức Về Hộ Niệm Vãng Sanh

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 171)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Xin mở trang 69, tiếp tục nói về: “Nhận Thức Về Pháp Hộ-Niệm”.

Câu (q): Người được hộ niệm ra đi lưu lại tướng lành tốt đẹp, nếu không được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì ít ra cũng sanh về cảnh giới lành.

Đúng hay sai? – (Đúng). Câu này đính chính cho câu trước đây. Câu trước nói rằng, là người nào được hộ niệm, nếu không được vãng sanh, thì ít ra cũng sanh về cảnh giới trời. Nghĩ vậy là sai rồi. Câu này nói rõ ràng cụ thể hơn: “Người nào được hộ niệm, ra đi lưu lại tướng lành tốt đẹp, nếu không được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì ít ra cũng được sanh về một cảnh giới lành”. Điểm khác nhau là có hay không có tướng lành. Một người dù được hộ niệm mà ra đi thân tướng không đẹp, tức là tướng xấu hiển hiện, thì họ mất vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc đã đành, mà không ai dám báo đảm họ tránh khỏi những đường xấu ác, vì một khi được sanh về các cảnh giới lành thì thân tướng không thể xấu như vậy đâu.

Lấy điều này ra để phán đoán, một người sau khi ra đi để lại sắc tướng không đẹp, là điều báo cho chúng ta biết rằng đời sau của họ bị khổ nạn. Hiện tượng này quá phổ thông, nhiều người có tu hành nhưng cũng không dễ dàng tránh khỏi ach nạn. Như vậy, phải chăng có điều sơ suất nào đó trên đường tu hành mà ít người phát hiện ra.

Đại Lão Hòa Thượng Trí-Thịnh nói rằng, chư vị muốn tu pháp môn nào cũng được, nhưng điều quan trọng là phải thực hiện cho chính xác đường tu đó trong lúc lâm chung thì mới có thể thành tựu. Nếu một đời tu hành, hứa hẹn đủ cách, nhưng đến lúc ra đi hoàn toàn tâm ý mê mờ, chư căn tán loạn, không thực hiện được gì cả, thì sẽ bị thất bại. Điều chủ yếu là làm được lúc xả bỏ báo thân, chứ không phải bây giờ.

Pháp Hộ-Niệm đã giúp cho nhiều người ra đi lưu lại tướng lành bất khả tư nghì, rõ ràng đây là điều chứng minh cho một sự thành tựu. Có thành tựu thì thực sự là một lợi lạc to lớn. Ở đây chúng ta nói, một người được hộ niệm ra đi để lại thân tướng tốt đẹp, dù gì đi nữa đời sau của họ cũng sanh về một cảnh lành, không bị đọa lạc như những người thiếu may mắn. Pháp Hộ-Niệm thật quả quý báu, hóa giải chướng nạn cho người bệnh một cách cụ thể, điều giải oan giá trái chủ hữu hiệu, giúp họ ra khỏi những trạng thái hãi hùng bất an của cảnh lâm chung, an nhiên vui vẻ sanh về các cảnh giới thiện lành. Quý hơn nữa, giúp cho họ giữ được chánh niệm, Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ họ sẽ được vãng sanh. Vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì hội tụ với chư Thượng Thiện Nhân, thành Bồ-Tát bất thoái chuyển, một đời viên mãn thành Phật. Có sự lợi lạc nào sánh bằng sự vãng sanh?

Rõ ràng, cũng là một cái tâm này, nếu mê mờ tham chấp cảnh ô trọc, thì đời đời kiếp kiếp vẫn là phàm phu đọa lạc trong sanh tử khổ nạn. Nếu có một niệm giác ngộ ngay lúc xả bỏ báo thân, niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì tức khắc trở về cõi Tịnh-Độ viên thành đạo quả.

Như vậy điều sơ suất lớn nhất của người tu học Phật đưa đến bị thất bại quá nhiều có lẽ chính là thiếu sự hộ niệm đúng mức cho người ra đi thực hiện được chánh niệm khi xả bỏ báo thân.

Thấy rõ điều sơ suất này, thì từ đây chúng ta nhất định không được bất cẩn nữa. Phải tích cực bảo vệ cho nhau, hướng dẫn nhau, hộ niệm như lý như pháp cho nhau để cùng nhau vãng sanh thành đạo ngay trong một đời này. Hàng phàm phu đừng tu hành theo kiểu mơ mơ hồ hồ, tâm ý mông lung mà tiếp tục chịu nạn, oan uổng một đời tu hành vậy.

(r): Người được hộ niệm nếu tự mình không đủ Tín-Nguyện-Hạnh thì không được vãng sanh, nhưng có thể kết đuợc duyên lành với Phật Pháp.

Đúng hay sai? – (Đúng). Người được hộ niệm nhưng kết quả bị thất bại, không lưu lại tướng lành, nói tổng quát là vì chính người này không đủ Tín-Nguyện-Hạnh. Hay nói rõ hơn, những người không chịu lo tu hành, đến khi bệnh nặng chạy mời ban hộ niệm đến hộ niệm. Nhiều khi người hộ niệm chỉ vì tình cảm quen biết mà tới trợ duyên, chứ thực ra hộ niệm những trường hợp này rất khó thành công. Người bệnh không tin, người bệnh không nguyện, người bệnh không niệm, thì chư Phật cũng đành chịu thua, chứ đừng nói chi người hộ niệm.

Vì thế, chính mỗi người phải chịu trách nhiệm về huệ mạng của mình. Hộ niệm cho một người mà bị thất bại, thì tự người bệnh chịu nạn. Còn nói về chuyện gieo duyên thì cũng an ủi được phần nào, chẳng khác gì những người có tu hành nhưng vô định hướng, sau cùng đường tu thất bại, thì hy vọng rằng vẫn được lợi lạc gì đó trong đời kiếp sau. Có đấy chứ, có tu hành thì có phước, nhưng duyên phước này sẽ chui vào trong tàng thức A-lại-da, trộn lẫn với vô lượng chủng tử khác, còn hiện thời không thể nào thoát được vòng sanh tử!…

Cho nên nói đi nói lại, nói có nhiều đi nữa cũng chỉ để nhắc nhở rằng, chính mỗi người chúng ta phải chịu trách nhiệm lấy đời kiếp tương lai của mình. Một đời tu hành mơ mộng đủ thứ, tự xưng chứng này chứng nọ, phô diễn phép lạ, trổ tài thần thông, v.v… nhưng đến lúc nằm xuống thì lộ diện là phàm phu mê mờ, nghiệp chướng nặng nề, thì nhất định khó tránh khỏi nạn tai. Bên cạnh đó, chúng ta phải nhận thức rằng, trong nhiều đời nhiều kiếp qua chúng ta tạo nhân lành thì ít, mà tạo nhân ác với chúng sanh thì quá nhiều. Tạo nghiệp ác thì nạn oán thân trái chủ rất tệ hại, gây oán hận với chư quỷ thần trong pháp giới rất lớn. Các Ngài sẵn sàng bao vây cài bẫy mình, tạo ra những cảnh giới vô cùng hư huyễn, đưa mình lún sâu vào sự mê lầm để thọ nạn mà không hay.

Chúng ta cũng nên biết rằng, người có tu hành thì thường bị những cạm bẫy tế vi hơn người không tu. Đối với người không tu, oán thân trái chủ khỏi cần phải khó khăn chuẩn bị biện pháp xử trị, nhưng đối với người có tu hành, các vị đó không thể lỗ mãn làm điều thô thiển để chúng ta có cơ hội đề phòng đâu. Phương thức thông thường nhất là trước tiên họ tìm cách phục vụ cho chúng ta. Ai muốn nghe âm thanh họ tạo cho mình nghe âm thanh, muốn thấy ánh sáng họ tạo cho mình thấy ánh sáng, muốn có chứng đắc họ tạo cho mình cảnh chứng đắc, v.v… Người hiếu kỳ thượng mạn, vội vã tự xây lầu trên cát rồi chờ ngày sụp đổ, chịu kẹt dưới đống gạch đá đổ nát vậy.

Hộ-Niệm vừa là một pháp tu hành vững vàng, vừa hợp căn cơ của đại chúng trong thời mạt pháp, vừa cảnh cáo chúng ta tránh trước những cạm bẫy hiểm nghèo, vừa hướng dẫn cho chúng ta bước ra ngoài những lầm lẫn tai hại. Đó chính là phải biết rằng mình còn phàm phu, phải có tâm khiêm cung từ ái, phải biết từ bỏ tánh hiếu kỳ thượng mạn, phải biết sám hối tội chướng, phải lấy tâm thành kính làm đầu, phải kết nhóm nương tựa lẫn nhau, nhắc nhở nhau trong sự tu tập… Đây chính là chìa khóa quý như vàng để hóa giải ách nạn mà Pháp Hộ-Niệm trao lại cho chúng ta. Pháp Hộ-Niệm thật quá vi diệu vậy.

(s): Người không tin tưởng Phật Pháp, không làm theo sự hướng dẫn của ban hộ niệm, nhưng nhờ hộ niệm vẫn có thể vãng sanh như thường.

Đúng hay sai? – (Sai). Điều sai chính là không làm theo sự hướng dẫn của ban hộ niệm. Hộ niệm là phương pháp hướng dẫn đường tu cho mỗi người tự thực hiện lấy để được vãng sanh. Nếu một người không chịu nghe theo lời hướng dẫn của ban hộ niệm, thì làm sao hộ niệm cho họ được.

Còn vấn đề chưa tin tưởng Phật Pháp cũng là một sự chướng ngại, nhưng chưa phải là chính yếu. Vì chưa tin có thể là do chưa gặp duyên. Nay gặp ban hộ niệm đến khuyên giải hướng dẫn mà họ phát tâm tin tưởng và nghe theo, thì đây là một đại duyên lành có thể giúp cho họ vãng sanh Tịnh-Độ. Những trường hợp này vẫn thường thấy qua, vì dù đời này họ chưa có duyên tu hành niệm Phật, nhưng nhiều đời kiếp trước họ đã tu tập tốt, đã niệm Phật nhiều rồi, nhờ thiện căn phước đức đó mà nay gặp nhân duyên họ liền khởi phát lòng tin, thực hiện được đạo lý 10 niệm tất sanh vậy.

Vậy thì, xin chư vị đừng bao giờ nghĩ lầm rằng, hễ được hộ niệm là được vãng sanh. Có nhiều người còn nghĩ rằng, phải cần một ban hộ niệm giỏi tới hộ niệm thì mình mới được vãng sanh. Không đúng lắm đâu. Giỏi hay dở là phần hướng dẫn của ban hộ niệm, còn làm theo hay không là trách nhiệm của chính mình. Người thiếu tín tâm, không nghe theo lời ban hộ niệm hướng dẫn, thì dù ban hộ niệm có giỏi tới đâu, cũng không thể hộ niệm cho mình vãng sanh được.

Chúng ta để ý một chút thì thấy ngay vấn đề này, một người không tin tưởng vào Pháp Hộ-Niệm, thì cuối đời thường bị ách nạn trùng trùng và sau khi xả bỏ thân xác khó tìm ra một trường hợp lưu lại tướng lành. Nhất là người hạ căn phàm phu, tội chướng thì quá nặng, tâm trí thì thiếu sáng suốt, tu hành thì sơ suất đủ điều, nếu không tin tưởng vào Pháp Hộ-Niệm, không nhờ người trợ duyên thì tự mình cô lập lấy mình trong những tình huống vô cùng khó khăn, cạm bẫy giăng giăng, bị bao vây bởi những cảnh giới vô cùng kinh loạn, làm sao có thể thoát nạn được.

(t): Chính người bệnh không tin tưởng, không tự thực hiện đúng quy luật vãng sanh, thì dù được hộ niệm cũng không thể vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc được.

Đúng hay sai? – (Đúng). Câu này trả lời cho câu trên, câu trên là tiền đề cho câu này. Chính người bệnh không tin tưởng, không chịu thực hiện đúng quy luật vãng sanh, thì dẫu có được hộ niệm cũng không thể được vãng sanh. Đây là điều đã được xác định rõ ràng.

Quy luật vãng sanh là gì? Thời gian hạn hẹp của một buổi tọa đàm này không cho phép chúng ta kể ra tất cả những quy luật đó. Nhưng chúng ta nên biết rằng, trước khi một ban hộ niệm tới hộ niệm cho một người nào, luôn luôn đưa ra quy định dành cho gia đình, quy định dành cho người được hộ niệm đó. Gia đình và người bệnh cần phải tôn trọng và nghiêm chỉnh thực hiện mới được hộ niệm. Đây là một trong những điểm khác nhau giữa hộ niệm, cầu siêu, cầu an. Cầu siêu, cầu an thường không có quy luật gì rõ rệt chi phối, nhưng hộ niệm có quy luật rõ rệt. Những quy luật này thường được giảng giải cẩn thận, rõ ràng và chi tiết trước khi khởi sự hộ niệm.

Một ví dụ, muốn được hộ niệm thì những thứ ngũ tân không được dùng, không được chất chứa trong nhà. Ngũ tân là hành, tỏi, hẹ, nén, kiệu hay những thứ thuộc giòng họ của nó. Gia đình và người bệnh phải chấp nhận quy định này, nếu không thì ban hộ niệm không dám nhận hộ niệm. Ban hộ niệm có thể vì tình cảm và sự quan hoài nhau, nhận tên người bệnh về đạo tràng để công phu hồi hướng công đức cầu an, cầu tiêu tai giải nạn. Được an vui giải nạn hay không, ban hộ niệm hoàn toàn không dám hứa, nhưng trước mắt sự hộ niệm đã bất thành vì quy luật không được tôn trọng.

Xin chư vị nhớ cho, đây không phải là sự hẹp hòi cố chấp, nhưng vì sự quyết tâm giúp người vượt qua ách nạn để vãng sanh. Cứu một người phàm phu tội chướng đã quá nặng, quả báo toàn là tam đồ ác đạo mà được thoát nạn để vãng sanh một đời thành tựu đạo nghiệp không phải là điều đơn giản. Anh là người phàm phu vốn mê mờ tạo nhiều ác nghiệp, oán thân trái chủ quá nhiều, cạm bẫy giăng giăng, rất cần chư Thiên Long Hộ Pháp bảo vệ, chư Phật Bồ-Tát gia trì thì mới được phước phần vãng sanh. Trong kinh Lăng-Nghiêm, kinh Địa-Tạng, kinh Phạm-Võng, v.v… đều cấm dùng ngũ tân để người phàm phu này được chiếu xúc quang minh gia trì của các Ngài. Anh dùng ngũ tân thì phạm đến sự cấm kỵ này, đồng nghĩa với không có lòng chí thành cung kính chư Phật Bồ-Tát, không cần đến sự bảo vệ của chư Hộ-Pháp. Không được sự gia trì của các Ngài, thì ban hộ niệm có khả năng gì mà có thể giúp anh được vãng sanh?… Còn nhiều quy luật khác, người bệnh và gia đình cần phải biết qua để thực hiện. Khi đến phần quy luật hộ niệm chúng ta sẽ phân tích rõ hơn.

Hộ niệm là một pháp tu, có quy luật rõ ràng. Quy luật tức là giới luật. Một người muốn được hộ niệm phải chấp nhận giới luật này mới có hy vọng thành tựu. Đôi khi cũng có trường hợp vì cảm tình mà hộ niệm, thì cuộc hộ niệm đó cũng chỉ là sự miễn cưỡng. Nếu miễn cưỡng hộ niệm thì thành công sẽ hiếm hoi, thất bại thì dễ dàng, tạo nhiều sự thị phi, làm suy giảm uy tín của Pháp Hộ-Niệm, lợi bất cập hại. Xin chư vị chú ý điểm này.

Hộ niệm là một pháp tu. Người hộ niệm có nhiệm vụ hướng dẫn nhắc nhở cho người bệnh thực hiện pháp tu này. Với pháp tu này, người hộ niệm chỉ dẫn chi tiết, cụ thể từng điểm một, sửa sai từng sơ suất một, cộng tác với người bệnh hóa gỡ từng vướng mắc riêng, giúp cho người bệnh có khả năng thực hiện đúng pháp niệm Phật vãng sanh mà được thành tựu. Đây là điểm đặc biệt của Pháp Hộ-Niệm. Nếu người bệnh không tin tưởng, không chịu thực hiện đúng theo quy luật Pháp Hộ-Niệm, thì họ từ chối sự trợ duyên này. Tức là chính họ Tự-Lực tìm kiếm con đường giải thoát lấy, còn đường Nhị-Lực hộ niệm cứu giúp nhau đã thất bại rồi.

Phàm phu sinh ra trong thời mạt pháp này hãy nương theo đại nguyện của đức A-Di-Đà Phật mới thoát vòng sanh tử luân hồi. Nhờ pháp Nhị-Lực hộ niệm cho nhau mà một đời này có cơ duyên vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, viên mãn đạo quả vậy.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm - Chương 3: Nhận Thức Về Hộ Niệm

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –