Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa Đàm 163) | Pháp Hộ Niệm Quan Trọng Như Thế Nào?

Share on facebook
Share on twitter

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Xin chư vị mở trang 65, câu số 2: Pháp Hộ Niệm quan trọng như thế nào?

Trong thời gian qua, chúng ta đã thấy rõ tầm quan trọng của Pháp Hộ-Niệm. Bây giờ đây chúng ta còn nhấn mạnh thêm nữa là hộ niệm quan trọng đối với chính chúng ta như thế nào. Nghĩa là, quan trọng đối với chúng ta, chứ chưa chắc gì quan trọng đối với người khác. Nên nhớ, chỉ có những người tự nhận thức rõ ràng mình là hàng phàm phu tội chướng sâu nặng mới thấy Pháp Hộ-Niệm tối quan trọng. Còn đối với các vị căn cơ cao thượng thì nói đến hộ niệm làm chi, vừa không thích hợp, vừa bị các Ngài la rầy, vì các Ngài có thể đứng cò cò một chân vãng sanh, an nhiên tự tại. Chỉ vì hàng phàm phu chúng ta đứng vãng sanh không nổi, nên phải nằm. Nằm cũng không yên, nên rên rỉ. Rên rỉ cũng không nổi, nên đành phải ngậm đắng nuốt cay, chịu nhiều trạng huống quá ư đau khổ, làm cho tinh thần đảo điên, khi xả bỏ báo thân đành chấp nhận cho nghiệp chướng lôi huệ mạng vào chốn khổ nạn.

Một thực trạng rõ ràng rằng, nhiều người suốt cả một cuộc đời tu hành, đến lúc lâm chung không ứng dụng được gì cả, không biết đường nào để đi, không hưởng được một lợi lạc thực tiễn nào để làm niềm tin cho đại chúng. Vô tình một đời tu hành sau cùng chỉ còn là một chút hy vọng gì đó trộn lẫn trong cái khối nghiệp Phước-Tội vô lượng vô biên tạo ra từ trong vô lượng kiếp. Một khi đời này đã thọ nạn rồi, thì biết bao giờ mới trở lại làm người để có cơ duyên hưởng lấy cái phước tu tập được đây? Đau đớn thay! Thực sự không đơn giản như chúng ta nghĩ đâu. Mong chư vị chú ý.

(a): Thời mạt pháp, chúng sanh nghiệp chướng quá nặng, khi lâm chung bị nghiệp chướng làm chủ. Nếu không nhờ hộ niệm thì khó ai có thể vượt qua nghiệp chướng mà thoát ly sanh tử luân hồi.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Lúc lâm chung! Xin chú ý đến thời điểm lâm chung, nghiệp khổ hành hạ, chúng ta không làm chủ được. Bây giờ đây chúng ta có chút sáng suốt để suy luận. Nhưng đến lúc lâm chung, xin thưa với chư vị, nhiều khi khóc không nỗi, nằm không yên, chính mình không biết mình là ai. Đây là điều rất thực tế. Bình thường gặp những cơn ác mộng, chúng ta hoảng hốt hét lên một tiếng thì tỉnh dậy, liền chấm dứt. Cơn ác mộng trải qua vài ba giây, ấy thế mà nhiều khi cái cảm giác hãi hùng hoảng sợ đến nỗi ngủ lại không được. Còn đến giai đoạn lâm chung, ác mộng không phải đơn giản chỉ một vài giây, mà từng cơn từng cơn tiếp nối nhau không ngừng. Lâm vào cảnh ấy, nếu không có người biết đạo ở bên cạnh dẫn dắt, khuyên can, gỡ rối, chỉ đạo thì chúng ta ai có thể tự chủ được? Ai có thể thanh tịnh được? Ai có thể an nhiên được đây?!… Chính vì cái trạng thái khủng bố tiếp tục kéo dài như vậy, làm cho tâm hồn người ra đi không u ám cũng u ám, không mệt mỏi cũng mệt mỏi, không mê mờ cũng mê mờ luôn. Ngoài ra, còn biết bao nhiêu cạm bẫy khác giăng giăng làm sao người phàm phu chúng ta tránh khỏi ách nạn.

Chính vì thế, trong kinh Đại-Tập Phật nói, ức triệu người tu hành khó tìm ra một người được thành tựu sự giải thoát. Một trong những lý do chính yếu là sơ ý không nhận thức đúng đắn rằng tình cảnh lúc lâm chung bị nghiệp chướng hoàn toàn làm chủ. Đã trở thành nô lệ của nghiệp chướng, nên ông chủ dẫn đi đâu, mình đi đó. Nghiệp chướng dẫn tới 3 đường ác thọ nạn nhiều quá mà không hay. Một người chết đi mà thân tướng cứng đơ, ác tướng hiển hiện, đừng hy vọng rằng người đó sẽ thoát vòng tam đồ ác đạo. Còn những người nhờ được hộ niệm mà ra đi thân tướng tốt đẹp, thì chí ít cũng vượt qua 3 đường ác, trở về các cảnh lành hưởng thọ phước báu. Nếu người đó thực sự đã được quang minh của A-Di-Đà Phật phổ chiếu. Trong kinh Vô-Lượng-Thọ Phật dạy, thân xác của người đó sẽ mềm mại tươi hồng, tâm hồn sẽ an tịnh và khởi lòng thiện lành, được sanh nước Cực-Lạc, nghe pháp của Phật, chắc chắn đắc thành Vô-Thượng Chánh-đẳng Chánh-Giác.

Chỉ cần sao lúc lâm chung người đó chí thành niệm được câu A-Di-Đà Phật, tha thiết cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thì được vãng sanh. Diệu dụng của Pháp Hộ-Niệm chính là giúp cho người mạng chung làm được điều này. Không có hộ niệm, hàng phàm phu mấy ai mà có thể thoát ra được ách nạn của nghiệp chướng đây?

Xin thưa với chư vị, tu hành không dễ gì thoát qua nghiệp chướng đâu nhé. Nếu là người tu hành giỏi, có thể thoát được nghiệp ác, nhưng cũng vướng phải nghiệp thiện. Theo nghiệp thiện thì sinh lại trong 3 đường thiện vẫn còn trong 6 đường luân hồi, chứ không phải dễ dàng vượt qua được tam giới. Nếu nghe những câu chuyện của các Ngài Cao-Phong, Ngộ-Đạt, An-Sĩ-Cao, Giới-Diễn, Hư Vân, v.v… toàn là những vị Thiền Sư nổi danh một thời, tu hành cao tột, nhưng sau cùng các Ngài cũng sinh lại làm người, sinh lên một cảnh trời trong tam giới. Có nhiều vị còn phải trả nghiệp khá khó khăn khi ra đi. Thật sự muốn thoát ly sanh tử luân hồi quá khó quá khó!

(b): Thời mạt pháp, chúng sanh trí cạn, vọng tưởng quá nhiều, tu hành khó thể khai ngộ. Pháp Hộ-Niệm giúp người theo nguyện lực mà vãng sanh thành đạo.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Đây là một điểm quan trọng khác, người hộ niệm khuyến tấn, nâng đỡ, có thể giúp cho nguyện lực của chúng ta mạnh lên, nhờ nguyện lực mạnh mà theo được nguyện lực này để vãng sanh thành đạo. Nếu không được hộ niệm, phàm phu khó có thễ giữ được Tín-Nguyện-Hạnh lúc lâm chung. Hàng thượng căn có thể niệm Phật đến “Nhất Tâm Bất Loạn”. Nếu thực sự đắc được “Nhất Tâm Bất Loạn”, thì lúc đó các Ngài có thể tự tại theo nguyện lực mà vãng sanh, chứ cần chi đến hộ niệm. Nhưng nếu không chứng đắc được tới cảnh giới đó, nhất định bị nghiệp làm chủ, không ác thì thiện. Còn hàng phàm phu thì oán thân trái chủ trùng trùng điệp điệp cài bẫy, nghiệp ác nặng như núi Tu-Di, khó có thoát khỏi nạn tam đồ vậy.

Thời mạt pháp này vấn đề vật chất quá mạnh, tâm linh cạn cợt đi, con người khó ngộ ra chân lý giải thoát, cứ biết được chút chút về khoa học, chút chút về tư tưởng rồi cứ dựa vào đó mà lý hay luận diệu, tưởng vậy là mình đã có thông minh trí huệ. Còn người có được chút ít thiện căn, vừa tu được vài hôm thì tâm hồn vọng động thô tháo nổi lên, vội vã cho mình đã chứng đắc rồi, đi khoe ra khắp nơi. Phàm phu trí cạn, vọng tưởng nhiều. Vọng tưởng nhiều, với sơ phát tâm khá mạnh, nên mới tu một vài tuần có được chút an khang phiêu phỏng, liền tưởng rằng chứng đắc. Tâm thượng mạn khởi lên, thì liền bị Phật chê trách là đã vướng phải sự thất bại lớn nhất của đời người. Đường đời bị thất bại đã đành, còn đường tu hành cũng đâu thể thành công. Chư vị tìm hiểu xem, những người nào tự khoe chứng đắc, sau cùng có phải là chứng đắc thật hay không?

“Pháp Hộ-Niệm giúp cho người theo nguyện lực mà vãng sanh thành đạo”. Đây là điểm rất quan trọng chúng ta cần chú ý. Nguyện lực của người niệm Phật chính là nguyện vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Nếu niệm Phật mà cầu “Nhất Tâm Bất Loạn”, Ngài Ấn-Quang không cho phép. Ngài Hạ-Liên-Cư nói, niệm Phật không cầu “Nhất Tâm Bất Loạn” mới có thể “Nhất Tâm Bất Loạn”. Người nào khoe mình “Nhất Tâm Bất Loạn” với Ngài Tịnh-Không, Ngài liền nói: “Tốt!… Tốt!…”, nhưng sau đó lại mời người đó ra khỏi đạo tràng tức kắc. Thực sự đã có trường hợp có người tới Tịnh-Tông Học-Hội tu học tự xưng đột phá cảnh giới Hoa-Nghiêm, Ngài liền mời ra khỏi đạo tràng. Người đó thiếu tiền, Ngài đề nghị bố thí tiền cho họ có phương tiện ra đi ngay.

Xin chư vị tu hành chớ nên để tâm ý vọng động mà rước lấy tại hại không tốt. Nguyện vãng sanh là cái điểm chính yếu của Pháp Môn Niệm Phật, xin đừng nguyện tâm được an tịnh, đừng cầu hết vọng tưởng, đừng nguyện khai mở trí huệ, đừng cầu thấy quang minh, đừng cầu thấy Phật, đừng cầu chứng đắc, đừng cầu nghe âm thanh, v.v… Còn cầu những thứ đó thì sai lầm cộng thêm sai lầm, vọng tưởng càng chồng thêm vọng tưởng. Phàm phu thì vọng tưởng ê hề trước mặt, lầm lẫn thì trùng trùng ở phía sau. Phải nhớ cho kỹ điều này mà cố gắng lão thật niệm Phật, dù công phu có khá tới đâu cũng phải giữ lòng chí thành, phải giữ hạnh khiêm cung, phải thấy mình còn là phàm phu mới được an toàn. Đây là lời của chư Tổ luôn luôn dạy bảo chúng ta như vậy.

Cứ thành tâm, chí thành chí kính cầu nguyện khi hết báo thân được Phật lai nghinh tiếp dẫn. Nhận rõ mình còn nghiệp chướng quá nặng, không thể tự vượt qua, chỉ còn lấy lòng thành cầu Phật tiếp độ, 10 niệm tất sanh. Đó là sự cầu nguyện chính đáng nhất mà Phật cho phép, chư Tổ căn dặn chúng ta. Người nào tha thiết làm được chuyện này, thì sau cùng nghiệp lực vẫn còn đầy đủ, nhưng ta được theo nguyện lực mà vãng sanh, bỏ lại sau lưng một khối nghiệp chướng lớn như núi Tu-Di. Đây gọi là “Đới Nghiệp Vãng Sanh”. Mong chư vị nhớ cho kỹ để đời này vãng sanh thành đạo.

(c): Phật dạy vạn pháp duy tâm. Pháp Hộ-Niệm giúp người ra đi thực hiện cụ thể đạo lý này bằng cách niệm Phật cầu vãng sanh để được vãng sanh Tây-Phương thành đạo.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Vạn pháp duy tâm. Biết được đạo lý này, bây giờ đây ta niệm Phật, ta nguyện vãng sanh, thì lâm chung ta cũng sẽ niệm Phật cầu vãng sanh mà được vãng sanh dễ dàng thôi, có gì phải lo lắng? Lý luận này cũng đúng đấy, nếu ta niệm Phật đã được đến cảnh giới “Nhất Tâm Bất Loạn”, tức là Chơn-Tâm đã được khai mở. Chứ bây giờ ngồi đây miệng đang niệm Phật, mà tâm nghĩ làm sao cho ngày mai buôn bán được tốt hơn thì kẹt rồi! Đang nhức đầu xin Phật cho con hết nhức đầu thì kẹt rồi! Tại sao mình tu khá tốt mà cứ bị bệnh hoài vậy thì kẹt rồi! Nhiều nguyện khác đã chen vào. Chúng là vọng niệm, là tạp niệm. Có quá nhiều vọng tưởng, tạp niệm chen vào tâm, chứ không có “Nhất Tâm Bất Loạn” gì cả, thì lý luận này trở thành viễn vông!

Hồi sáng nay, chúng ta nói rằng, nhiều khi cái nguyện vãng sanh chỉ có 1, mà những nguyện khác tới 100, khi nằm xuống rồi thì cái 100 đó sẽ đè cái 1 xẹp lép liền. Nhất là khi lâm chung, nghiệp chướng ứng hiện báo hại, bệnh khổ hành hạ, là lúc tứ đại phân ly đau đớn như rùa bị lột mai, thì còn lực nào có thể tự chủ được nữa đây?

Người tu hành khi có bệnh hoạn không chịu lo sám hối những tội lỗi mình đã làm ra, mà thường cứ than trời trách đất, đổ thừa cho pháp Phật không linh. Vọng niệm, tạp niệm, mê mờ quá nhiều kể mãi không hết, mà người phàm phu không chịu dùng tâm khiêm cung để hóa giải, lại cứ đứng đó lý luận trên mây xanh. Thật đáng buồn thay!…

Mong chư vị hiểu cho thấu và ứng dụng cho được cái đạo lý duy tâm. Khi sắp xả bỏ báo thân, nhiều cảnh khổ ập tới muốn giữ vững được ý nguyện vãng sanh, thì phải nhờ đến người hộ niệm bên cạnh nhắc nhở, khuyến tấn, chỉ điểm để ta đi thẳng về cõi Tây-Phương Cực-Lạc. Phải có người hộ niệm trợ duyên thì mới giữ niềm tin vững vàng và sức nguyện tha thiết. Hai điểm này vững vàng, thì dẫu tán tâm niệm Phật, loạn tâm niệm Phật cũng được vãng sanh. Đây là lời dạy của Ngài Ngẫu-Ích, Tổ thứ 9 Tịnh-Độ Tông Trung Hoa.

Hàng phàm phu chúng ta luôn luôn bị tán tâm, loạn tâm. Nếu không được hộ niệm thì phải đi theo cảnh tán tâm loạn tâm chịu nạn. Chư căn đã bị tán hoại rồi, thì tai chỉ nghe những âm thanh kinh hoàng của oán thân trái chủ, mắt chỉ thấy những cãnh hão huyền cạm bẫy, tâm không còn biết đâu là thực đâu là giả… Tất cả đều xa lạ, lừa gạt người ra đi rơi tòm xuống hố thẳm vậy!…

Vậy thì nếu chư vị quyết lòng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, thì phải sớm nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm. Người hộ niệm luôn luôn nhắc nhở chúng ta trong những giờ phút cuối đó, tất cả mọi cảnh giới, tất cả mọi hình sắc, tất cả mọi âm thanh, tất cả những gì hiện hữu ra trước mặt… hãy xác định rõ ràng đó chỉ là giả huyễn. Hãy nhớ cho kỹ điểm này. Đã biết rõ là huyễn mộng rồi, thì không sợ, không vui, không buồn, không bám vào, không theo chúng. Phải vững tâm giữ chắc câu “A-Di-Đà Phật” mà niệm cho được. Chỉ chờ A-Di-Đà Phật hiện thân tiếp dẫn. Hễ A-Di-Đà Phật hiện thân thì theo Ngài vãng sanh. Ngoài ra, thấy tất cả mọi cảnh giới khác hãy cứ buông bỏ hết, không để tâm tới là được.

Vững vàng như vậy thì chúng ta phân định được 2 vế: Một là A-Di-Đà Phật hiện thân, ta theo A-Di-Đà Phật vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Hai là tất cả những cảnh giới khác hiện ra, thì quyết đừng để ý tới. Xác định vững như vậy thì tự nhiên chúng ta có cái chỗ nương tựa vững vàng. Xin nhắc lại, muốn được như vậy, đồng tu hãy nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm liền đi để nắm vững quy luật Pháp Hộ-Niệm, để có lời khai thị thật sắc bén, thật vững chắc, hầu có thể vực tâm người bệnh dậy, thoát khỏi trạng thái sa lầy trong những cảnh giới lạ, không bị lôi cuốn đi vào nơi tối tăm chịu khổ đau vạn kiếp về sau.

Mong tất cả ai ai cũng vững tâm, vững trí vãng sanh thành đạo.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm - Chương 3: Nhận Thức Về Hộ Niệm

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –