Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 176) | Nhận Thức Về Hộ Niệm Vãng Sanh

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 176)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

 

 

 

 

 

 

 

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Xin chư vị mở trang 71, câu (pp): Người nào tự xưng là Minh Sư, tự cho mình đã đắc đạo thì người đó đang hành tà đạo.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Câu trả lời này giải thích cho câu (oo) phía trước. Câu (oo) nói rằng: “Người chân chánh tu hành không bao giờ tự khoe chứng đắc, hoặc phô diễn thần thông để thâu nạp tín đồ”. Hai câu kết hợp lại minh định rõ ràng rằng, người nào tự cho mình đã đắc đạo rồi, đã thành Phật rồi, đã thành Minh Sư rồi, còn phô diễn những thứ thần thông gì đó để thâu nạp tín đồ, thì nhất định không thể gọi là chánh đạo được. Trong kinh Lăng-Nghiêm Phật xác định rất rõ điều này. Chư vị Tổ Sư, chư vị Cao Tăng chân chánh tu hành cũng thường xuyên nhắc nhở điều này.

Người thế gian không biết quy tắc trong Phật môn, nên thường sùng bái những người có năng lực lạ, khoe khoang chứng đắc này nọ. Người tu hành chưa thấu suốt lời Phật dạy nên phạm quy giới. Hoặc giả có người quá nhiệt tâm, hoặc quá mong cầu chứng đắc nhanh chóng, cũng dễ nẩy sinh ra vọng tưởng. Vọng tưởng thì chiêu cảm đến vọng cảnh. Vọng cảnh mà lầm là chơn cảnh, nên mạnh dạn khoe rằng mình đã chứng đắc… Phật dạy, “Thời mạt pháp ức triệu người tu hành khó tìm ra một người chứng đắc…”. Vậy thì làm gì có chuyện hàng phàm phu hạ căn trong thời mạt pháp này lại có sự chứng đắc dễ dàng vậy?!…

Người thế gian vọng động, hiếu kỳ, làm điều sai lầm là chuyện thường tình. Còn chư vị chân chánh tu hành, thấu rõ lời Phật dạy, chắc chắn không bao giờ phạm đến quy tắc của Phật môn đâu.

(qq): Nên tụng nhiều Kinh, Chú để hỗ trợ thì Pháp Hộ-Niệm mới có thể mạnh được.

Đúng hay sai ? – (Sai). Tụng nhiều Kinh Chú để hỗ trợ vào Pháp Hộ-Niệm vô tình làm cho Pháp Môn Niệm Phật không còn chuyên nhất. Pháp Niệm-Phật rất cần chuyên tinh, rất kỵ xen tạp. Niệm Phật là pháp “Nhất Tâm Bất Loạn”, không được “Nhất Tâm Bất Loạn” thì cố gắng chuyên lòng niệm Phật cho thành thục, trong tâm chỉ còn câu Phật hiệu, thì đường vãng sanh mới vững vàng. Muốn được vậy, người niệm Phật phải chuyên nhất, một câu A-Di-Đà Phật niệm tới cùng để cầu nguyện vãng sanh là đúng. Tổ Triệt-Ngộ dạy: “Nhất cú Di-Đà, nhất đại tạng kinh…, một câu A-Di-Đà Phật bao hàm cả một đại tạng kinh. Trong kinh Vô-Lượng-Thọ, Phật dạy “Nhất hướng chuyện niệm A-Di-Đà Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc”. Vậy thì người niệm Phật muốn tụng kinh điển hãy tụng một kinh A-Di- Đà, hoặc một kinh Vô-Lượng-Thọ đại diện tất cả kinh là đủ rồi, không cần thêm nữa. Nếu thêm nhiều quá thì bị xen tạp. Xen tạp khó đạt được niệm Phật thành thục, nên đường vãng sanh không vững.

Những cụ già cả hãy quyết lòng tin tưởng, cứ ngày ngày cầm chuỗi niệm Phật, niệm tới cùng cầu vãng sanh thì đường vãng sanh rất vững chắc. Khi đi hộ niệm, gặp được người suốt ngày cứ niệm “A-Di-Đà Phật.. A-Di-Đà Phật…” cầu vãng sanh,  thì người hộ niệm mừng vui vô cùng vì đây là người sẽ được vãng sanh. Tiếng niệm Phật đã nhập tâm, đến lúc bệnh nặng xuống, họ chỉ còn nhớ một câu “A-Di-Đà Phật” với lời nguyện vãng sanh, họ sẽ vãng sanh dễ dàng. Những người tu hành tụng nhiều Kinh, niệm nhiều Chú, chứng tỏ niềm tin vào Pháp Niệm-Phật quá yếu. Cách tu này đường tạo phước có thể đạt được, còn đường vãng sanh thì khá khó khăn vậy.

Cho nên, thực sự chư vị muốn vãng sanh thì pháp nào khó vãng sanh không nên ứng dụng, pháp nào dễ vãng sanh hãy chú tâm giữ chặt. Được vãng sanh vững vàng do chính mình vững vàng đường tu, chứ đừng nghĩ rằng hễ được hộ niệm thì được vãng sanh. Hộ niệm là sự trợ duyên cần thiết, nhưng thành tựu vẫn là trách nhiệm của chính mình. Trong nhiều đời nhiều kiếp, vì mê muội mình đã tạo nên nghiệp chướng quá nặng rồi, đường giải thoát bị ngăn kín. Đời này may mắn gặp được Pháp Niệm-Phật chỉ thẳng con đường một đời vãng sanh thành đạo mà mình còn mơ mơ màng màng nữa, thì sau cùng như đứng giữa vạn nẻo đường, mông lung vô định, bị oán thân trái chủ và nghiệp chướng bao vây, có cơ hội nào cho mình thoát nạn?

Vậy thì, xin hãy thương lấy thân phận của mình, mong chư vị cứ một câu A-Di-Đà Phật mà niệm tới cùng để cầu sanh Tịnh-Độ. Những cụ già tuổi đời sắp mãn rồi, còn chờ đợi gì nữa đây quý cụ ơi!… Hãy mau mau niệm Phật cầu vãng sanh để cứu lấy mình. Niệm càng nhiều càng tốt, có thể lấy số lượng mà niệm đi, cứ lấy lòng thành mà niệm là được, đừng lý luận nhiều quá vô ích. Khi nằm chờ ngủ, hãy dựa theo hơi thở mà niệm Phật. Nằm trên giường cầm chuỗi sợ rớt lên rớt xuống, hãy dùng hơi thở thay cho chuỗi thì tự tại hơn. Hít vào: “A-Di-Đà Phật”, thở ra “A-Di-Đà Phật”, đây là pháp “Tùy tức niệm Phật” của Ngài Phi-Tích dạy đó.

Gặp cơ duyên này quý lắm. Nhiều người đã được vãng sanh rồi, họ chỉ niệm một câu A-Di-Đà Phật mà thành tựu. Hãy đi thẳng một mạch về tới Tây-Phương Cực-Lạc thành Phật. Đừng đi lang thang nữa, nạn tai chấp chùng đang chờ đấy.

(rr): Hộ niệm chỉ nên niệm câu Phật hiệu “A-Di-Đà Phật” để giữ chánh niệm cho người bệnh là tốt nhất.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Mình niệm:“A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật…” rồi khai thị:“Bác Sáu ơi!… Niệm A-Di-Đà Phật cầu về Tây-Phương Cực-Lạc nhé. Nếu bác Sáu quyết lòng giữ chặt câu A-Di-Đà Phật mà niệm cầu xin vãng sanh, thì bác Sáu có hy vọng vãng sanh tràn trề, lưu lại tướng lành bất khả tư nghì.

Ban hộ niệm đã khuyên như vậy, người bệnh đã làm như vậy mà được vãng sanh quá nhiều, thì chúng ta cũng cứ một câu “A-Di-Đà Phật” niệm tới cùng. Người nào muốn phá nghiệp thì cứ một câu “A-Di-Đà Phật” thành tâm niệm cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc đi, thì từng câu niệm Phật phá tan nghiệp chướng trọng tội trong 80 ức kiếp. Trong kinh có nói, thành tâm chí thành mà niệm “A-Di-Đà Phật” thì quang minh bủa ra chu vi 40 dặm, chúng sanh vô hình hữu hình đều chung hưởng lợi lạc, công đức vô lượng vô biên.

Niệm một câu Phật hiệu này là pháp tu phước huệ viên mãn. Điều chính yếu là niềm tin phải vững. Người có niềm tin vững thì chí thành niệm Phật một đời này vãng sanh thành tựu đạo quả. Không tin thì đành chịu trầm luân trong bể khổ, chưa biết ngày nào mới thoát nạn. Cho nên, chúng ta không sợ lắm người lỡ lầm làm sai trong quá khứ, mà sợ người gặp Pháp Niệm-Phật không chịu tin, vì chính có niềm tin mới thể hiện cho căn lành tu tích được trong nhiều đời kiếp đã viên mãn. Còn người không tin tại vì thiện căn chưa có, nên khó khăn thoát nạn vậy thôi.

Niệm Phật một câu phước sanh vô lượng.

Lễ Phật một lễ tội diệt hằng sa.

Cho nên, một người đã thành tâm niệm Phật, thì chúng ta đâu dám khinh thường. Đời này trông họ có vẻ hiền lành mộc mạc, nhưng đâu ngờ chẳng mấy chốc phước huệ của họ sẽ bao trùm pháp giới. Một bà Cụ bán bánh ú, cuộc sống nghèo khó, tâm địa hiền lương, cứ niệm “A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật…” suốt ngày, mà sau cùng vẫy tay chào mọi người rồi đi vãng sanh làm Bồ-Tát. Còn những người thích nói cao, ưa nói thượng, lý luận đủ điều để làm chi, mà sau cùng lại nằm chèo queo, thở phì phèo chờ lãnh nạn. Đâu là hay đâu là dở đây?

Gặp được cơ duyên vãng sanh thành đạo, chư vị phải cố gắng lên nhé, dù có ban hộ niệm cũng không được ỷ lại. Tu hành cần kết nhóm để nương dựa nhau, dìu dắt nhau trong suốt hành trình tu tập, nhất là lúc đau bệnh, lâm chung có người hộ niệm. Khi gặp cuộc hộ niệm, hãy cố gắng tham gia. Nhân nào quả đó, tham gia hộ niệm cho người chính là để hộ niệm cho mình. Một lần hộ niệm là thêm một bài học quý báu. Ưu khuyết điểm mình biết nhiều, kiến thức mình càng vững, kinh nghiệm mình càng giàu… đây là cái vốn quý vô giá để cứu người, cứu ta. Còn người không có kinh nghiệm hộ niệm, khi đối với thực tế thì rối bùng ben, hướng dẫn không tròn, điều giải không xong, đưa đến tình trạng căng thẳng, phiền não, chán nản, thoái tâm…

Cho nên kinh nghiệm quan trọng vô cùng, thân chứng là điều quý báu, xin chớ xem nhẹ điều này. Có một số người hộ niệm nhưng thiếu chú tâm học hỏi kinh nghiệm, hộ niệm thì nhiệt tâm, tinh thần thì tốt thật, nhưng hiệu quả thì không tốt như ý muốn, rồi đâm ra thoái tâm chán nản. Nhưng sau khi được nhắc nhở về quy luật, chú ý về kinh nghiệm. Khi đã vững quy luật rồi, học hỏi kinh nghiệm, thân chứng qua những cuộc hộ niệm tốt, thì xác suất thành công của hộ niệm tăng lên. Rõ ràng, kinh nghiệm và quy luật vô cùng quan trọng. Một pháp tuy đơn giản, nhưng có thể cứu một phàm phu tội nặng thoát qua lục đạo luân hồi, vượt qua mười đạo giới, vãng sanh thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc một đời thành Phật chắc chắn phải có đạo lý nhiệm mầu ấn chứa bên trong. Xin hãy chú tâm nghiên cứu cẩn thận, học tập nghiêm chỉnh, chớ nên sơ ý xem thường.

(s): Pháp Niệm Phật Vãng Sanh càng chuyên càng mạnh, càng xen tạp càng yếu.

Đúng không? – (Đúng). Càng chuyên nhất càng mạnh, càng xen tạp càng yếu. Chuyên lòng niệm Phật chứng tỏ niềm tin mạnh, vay mượn các pháp vì niềm tin yếu. Niềm tin yếu thì khó được vãng sanh. Cứ một câu A-Di-Đà Phật niệm tới cùng để cầu về Tây-Phương Cực-Lạc thì đường vãng sanh vững vàng.

Tha thiết phát nguyện vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc là phát tâm Viên Mãn Vô-Thượng Bồ-Đề, đây là lời dạy của ngài Ngẫu-Ích Đại Sư, Tổ thứ 9 Tịnh-Độ Tông Trung Hoa. Nhiều người phát bồ-đề tâm làm thiện, làm phước, tụng Kinh, Chú, Sám… để tiêu trừ nghiệp chướng đều tốt cả. Những bồ-đề tâm này có đại có tiểu, có trực có ngụy, có mãn có bán, có viên có thiên… Còn Vô-Thượng Bồ-Đề tâm thì vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc mới được viên mãn. Cho nên người quyết lòng niệm Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc thì một đời này vãng sanh bất thoái thành Phật, trong kinh gọi là “Nhất Sanh Bổ Sứ”. Thật vi diệu bất khả tư nghì!…

Chính vì vậy, muốn đường vãng sanh vững vàng thì xin hãy giữ lấy niềm tin, càng ngày càng tin vững hơn. Xin hỏi, vững tin rồi có được chắc chắn vãng sanh không? Chưa chắc. Phàm phu nghiệp nặng trí mê, đường tu hành còn nhiều sơ suất. Hãy kết hợp lại để trợ giúp, chỉ dẫn cho nhau mới tốt hơn. Nhiều người cứ muốn tách rời đại chúng, tu tập riêng lẻ cho thanh tịnh, coi chừng cuối cùng phát hiện ra đó chỉ là thanh tịnh giả thì cũng đã quá muộn màn!… Lúc đó tâm trí rối bời, thân xác kiệt tận, nhiều cảnh khổ ập đến… đành chấp nhận thọ nạn một cách oan uổng mà thôi.

Do đó, tuổi đời càng lớn càng gần ngày ra đi, thì sự kết hợp với đồng tu càng thiết yếu. Đừng sơ ý tự thấy mình có đủ năng lực vượt qua tất cả chướng nạn mà vướng phải tâm thượng mạn, một thứ đại phiền não đưa mình đến chỗ thất bại đó.

Pháp Hộ-Niệm là đại cứu tinh có thể cứu ta, cứu cha mẹ, người thân, cứu người  có duyên thành đạo. Xin đừng sơ suất mà khinh thường nhé chư vị. Những người khó khổ, hiền lành, có tâm thành tín biết lắng nghe nên ít sơ suất mà dễ vãng sanh. Những người có chút ít thông minh mà thiếu niềm tin, thì đường tu hành thành tựu vô cùng gian nan. Cổ nhân dạy, “Hữu trí vô tín tăng ngã mạn”. Người thông minh mà thiếu niềm tin dễ tăng trưởng tâm ngã mạn. Người ngã mạn thích nghiên cứu đủ điều, ưa lý luận hay ho… Vô tình làm cho đường tu hành quá xen tạp, tâm trí rối mù, sau cùng thường chịu thất bại đắng cay!…

(tt): Xen tạp ngay lúc lâm chung là một sự tối kỵ cho vấn đề vãng sanh.

Đúng hay sai? – (Đúng). Pháp Niệm-Phật tối kỵ vấn đề xen tạp. Vì thế, niệm Phật cần chuyên nhất mới tốt. Ba điểm: xen tạp, gián đoạn, hồ nghi là điều tối kỵ của Pháp Môn Niệm Phật vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Vậy thì, mong chư vị chú ý đừng nên xen tạp. Bây giờ mình xen tạp thì còn có thời gian để tu chỉnh lại. Nhờ người này khuyên, người kia giúp mình có cơ hội giựt mình tỉnh ngộ mà quay đầu. Còn khi lâm chung mà xen tạp nữa thì còn cơ hội nào để sửa sai đây?

Tổ Mộng-Đông dạy, tất cả đều do tại niềm tin vào Pháp Niệm-Phật yếu đuối, nên tu hành không định được hướng đi rõ rệt mà thành ra xen tạp. Có người không tin tưởng A-Di-Đà Phật sẽ tiếp độ mình vãng sanh nên xen tạp. Tệ hơn nữa, có người không tin có A-Di-Đà Phật, không tin có cõi Tây-Phương Cực-Lạc, nên tu hành cứ chơi vơi, mông lung, vô định mà thành ra xen tạp… Tất cả mọi sự xen tạp trở thành đại kỵ của Pháp Niệm-Phật làm mất phần vãng sanh vậy.

Hiểu được đạo lý này, mong chư vị cố gắng niệm Phật chuyên nhất, đừng nên xen tạp nữa. Niệm Phật đừng nên phân vân nghi ngờ. Niệm Phật nên nhiếp sáu căn tịnh niệm liên tục. Đừng nghe lời thiên hạ bàn ra tán vào mà chao đảo. Đừng nhìn thấy thiên hạ tu nhiều pháp cao siêu mà hiếu kỳ. Xin hãy lo tinh tấn niệm Phật, đừng nên bàn thảo làm chi cho loạn tâm. Nếu được vậy, mà còn cẩn thận hộ niệm nữa, thì chúng ta đang thực hành một pháp tu thành tựu chắc trong chắc. Chư Tổ nói: “Vạn nhân tu vạn nhân khứ, muôn người niệm Phật muôn người vãng sanh là vậy đấy.

Cầu mong chư vị quyết chí chuyên nhất một câu A-Di-Đà Phật niệm tới cùng để một đời này vãng sanh thành đạo.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm - Chương 3: Nhận Thức Về Hộ Niệm

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –