Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa Đàm 162) | Pháp Hộ-Niệm Vãng Sanh Là Gì?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 162)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Xin tiếp tục bàn về: Pháp Hộ-Niệm vãng sanh là gì?

Trang 65, câu (c): Trực tiếp trợ duyên, điều giải oán nạn, hóa gỡ những vướng mắc giúp người bệnh khi lâm chung giữ chánh niệm để được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Trọng điểm của Pháp Hộ-Niệm là trực tiếp trợ duyên. Thường thường khi một người rơi vào tình trạng lâm chung, nếu không có sự trực tiếp trợ duyên của những người thiện trí thức, thì người bệnh đó rơi vào trong trạng thái cô đơn, bị bao vây bởi những thế lực vô cùng hung hãn. Nói rõ hơn, đó là nạn oán thân trái chủ báo hại. Nhiều người chưa bao giờ có cái kinh nghiệm về oán thân trái chủ như thế nào. Nhưng trong kinh Phật nói rất nhiều, nhất là kinh Địa-Tạng Bổn Nguyện Vương. Những người hộ niệm cũng thường xuyên thấy được những oán nạn này đến khủng bố người bệnh. Chướng nạn thực sự kinh hoàng!

Oán nạn về oán thân trái chủ có thể xảy ra trước khi người đó ra đi mấy năm trường, và thông thường trong khoảng một tuần, mười ngày, một vài tháng…. Có những oán nạn nhỏ, dễ điều giải, đó là trường hợp người bệnh có phước báu, tâm hồn hiền lành, thường phát tâm ăn năn hối lỗi, sám hối tội chướng của mình. Có những oán nạn dữ dằn làm cho người bệnh rơi vào tình trạng khủng hoảng, không còn tự chủ được nữa, đó là trường hợp những người thiếu phước, nhiều đời nhiều kiếp tạo nghiệp, đời này lại ít tu hành, thiếu tâm sám hối. Nói chung, khó có ai thoát khỏi chướng nạn oán thân trái chủ, chỉ có nặng hơn hay nhẹ hơn mà thôi.

Ngoài nạn oán thân trái chủ ra, nghiệp chướng hành hạ, bệnh tình bức bách là những cảnh khốn khổ làm cho người bệnh đảo điên điên đảo. Mấy hôm nay tại đây đang gặp cơn dịch cảm sốt. Một bệnh cảm sốt bình thường thôi, qua một vài ngày là hết, mà có người phải rơi vào tình trạng mệt mỏi rũ rượi chân tay, nằm liệt trên giường, cất lời niệm một câu A-Di-Đà Phật không nổi. Nhìn đó mà hiểu ra, lúc lâm chung thì tứ đại phân ly, thân thể đau nhức như con rùa đang sống bị lột cái mai, đâu phải đơn giản cho chúng ta có thể điềm nhiên ỷ lại vào chút ít công phu này đâu nhé. Mong chư vị nhớ kỹ điều này.

Chính vì thế, sự trực tiếp trợ duyên của người hộ niệm vô cùng quan trọng, là điều tối cần thiết cho tất cả những người phàm phu như chúng ta. Một là giúp đỡ trong những lúc đau đớn, nhức đầu, mỏi mệt, chóng mặt. Hai là nâng đỡ tinh thần, tránh tình trạng thoái tâm. Ba là điều giải ách nạn từ oán thân trái chủ, một thứ ách nạn có thực, vô cùng khó chịu, khá kinh hoàng mà chỉ có những người thực sự trải qua cận tử nghiệp, đối diện cảnh lâm chung mới thấy, còn bình thường ít ai nhận thức được vấn đề này. Chúng ta nói đây chẳng qua là lấy một chút kinh nghiệm khi đi hộ niệm thấy được rồi nói lại, đem những ý của Phật nói trong kinh mà cảnh cáo nhau, nhắc lại những lời chư Tổ dạy, chứ khi đối diện với sự thật rồi, liệu chúng ta còn bình tĩnh để phân tích thực hư hay không? Xin tự quán xét để hiểu thấu sự khó khăn cùng cực của những người khi đối diện với cảnh tượng ra đi, mà lo chuẩn bị trước cho chính mình, chứ đừng nên đứng đây nói cao nói diệu mà tự mình lừa mình một cách oan uổng!…

Điều giải chướng nạn oán thân trái chủ được dễ dàng hơn khi người bệnh thực sự còn tỉnh táo, sức khỏe còn tốt nữa thì càng hay. Người hộ niệm thành tâm điều giải, người bệnh kiệt thành sám hối, gia đình tích cực ủng hộ, nhiều người cùng thành khẩn khuyên giải, cùng chí thành niệm A-Di-Đà Phật sẽ có cảm ứng, Phật lực gia trì tự nhiên chướng nạn dễ dàng hóa giải. Nếu không có người hộ niệm, chính người bệnh tự đứng ra điều giải oán thân trái chủ thì sẽ dễ thất bại, sự thành tựu vô cùng mong manh, không có một hy vọng nào thoát nạn. Người bệnh tâm hồn đã mê muội, tinh thần đã tán hoại, đầu óc đã rối loạn, không thể tự chủ được nữa, nên nhất định phải nhờ đến hộ niệm mới hóa giải được ách nạn này. Chính vì thế mới thấy Pháp Hộ-Niệm là đại cứu tinh giúp cho hàng phàm phu thoát nạn. Không được hộ niệm, 1 vạn người phàm phu tu hành, tìm đâu ra 1 người thành tựu trong thời này.

Việc làm gần gũi nhất của ban hộ niệm là hóa gỡ những vướng mắc giúp người bệnh khi lâm chung giữ chánh niệm. Vướng mắc gì đây? Vướng mắc do chính người bệnh không biết quy luật hộ niệm mà tạo ra đấy. Ví dụ, thương nhớ con cháu, tham luyến gia tài, sợ chết, sợ bệnh, tâm thần bất an, v.v… Rất nhiều thứ vướng mắc mà chính người bệnh không ngờ tới. Vướng mắc trùng trùng, hữu hình vô hình, hữu thực vô thực. Vướng mắc nhiều lắm, người bệnh không thể nào tự hóa gỡ được đâu.

Nhiều người không có kinh nghiệm về hộ niệm, thường đơn giản nghĩ rằng, lúc lâm chung mình sẽ niệm được 10 câu Phật hiệu dễ dàng, an nhiên tự tại vãng sanh. Thật ra, chỉ là những lý thuyết suông trong lúc còn khỏe, còn đến lúc đó thì tình huống hoàn toàn đổi khác, chính mình không biết mình là ai, nói chi đến chuyện tự chủ niệm câu Phật hiệu. Bây giờ thì nói không sợ chết, nhưng đến lúc đó thì không ngờ mình sợ chết hơn người khác. Còn sợ chết thì đành phải theo cục thịt đi xuống nằm dưới nấm mồ, sau 49 ngày rồi lang thang vất va vất vưởng. Còn sợ bệnh là còn vướng mắc. Còn thương con là còn vướng mắc. Còn nhớ tiền tài là còn vướng mắc. Còn nghĩ rằng mình còn sống thêm vài năm nữa là còn vướng mắc. Ôi, đủ thứ vướng mắc dành cho hàng phàm phu này. Chính vì thế nên phải cần những người sáng suốt, biết đạo hướng dẫn. Đúng là những người hộ niệm họ sẽ hóa gỡ những vướng mắc, giúp cho người bệnh khi lâm chung giữ được chánh niệm vậy

Nói về chánh niệm, nên nhớ mỗi một pháp môn có mỗi chánh niệm khác nhau. Người tu theo Thiền-Tông, có chánh niệm của người tu Thiền-Tông. Người tu theo Mật-Tông, có chánh niệm của người Mật-Tông. Người niệm Phật vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì chánh niệm của người vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc chính là đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh, nghĩa là chuyên niệm câu A-Di-Đà Phật, tha thiết nguyện vãng sanh, với tín tâm vững vàng, không thoái chuyển. Nếu sơ ý, đem cái chánh niệm của người tu Thiền áp dụng cho người Niệm Phật, thì nhất định bị lạc đường. Một người suốt đời chỉ biết tu phước, nếu đem chánh niệm của người tu phước áp dụng vô người tu Thiền, nhất định bị sai lệch.

Cho nên, tùy theo pháp môn tu hành, tùy theo đường tu của mỗi người mà có chánh niệm khác nhau. Như vậy, chánh niệm chúng ta nói đây là làm sao giữ cho người bệnh quyết lòng niệm Phật với niềm tin vững vàng, thiết tha cầu vãng sanh Tịnh-Độ, đừng để tâm hoang man, phân vân do dự. Đừng để người bệnh lung lay tinh thần bởi những sự bàn ra tán vào của người không biết đạo. Đừng để những sự đe dọa vô hình gì đó, làm cho khủng hoảng bất an. Nói chung, Tín-Nguyện-Hạnh vững vàng chính là chánh niệm của người niệm Phật.

Chỉ có người thật sự nắm vững quy luật Pháp Hộ-Niệm mới có thể giúp cho người bệnh giữ vững được chánh niệm để cơ duyên này được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Thế mới biết hộ niệm quan trọng lắm, đừng sơ ý xem thường mà một đời tu hành, sau cùng đành giơ tay đầu hàng nghiệp chướng.

(d): Pháp Hộ-Niệm vãng sanh giúp người Niệm Phật nắm vững phương cách tu hành, biết cả đường đi điềm về, không còn mông lung nữa.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Bên trên chúng ta giới thiệu qua những chướng nạn thường gặp lúc sắp xả bỏ báo thân, nào là nạn oán thân trái chủ, nào là tâm người bệnh vướng mắc. Thường thường người hộ niệm luôn luôn nhắc nhở người bệnh thấy bất cứ cảnh giới nào cũng đều là huyễn mộng, cứ vững tâm niệm Phật. Thấy Tiên, thấy Trời, thấy thân bằng quyến thuộc đều là huyễn mộng. Thấy Phật, Bồ-Tát nào khác cũng là huyễn mộng, đừng nên để ý tới, đừng tham chấp vào, cứ một lòng niệm A-Di-Đà Phật, nghĩ A-Di-Đà Phật, chờ A-Di-Đà Phật hiện thân tiếp dẫn. Như vậy, người bệnh chỉ chú ý đến 2 cảnh giới: Một là A-Di-Đà Phật lai nghinh thì ta theo A-Di-Đà Phật đi vãng sanh. Hai là không phải A-Di-Đà Phật, dù bất cứ cảnh giới nào khác hiện ra thì ta đừng sợ, đừng mừng, đừng chấp tới, đừng đi theo, cứ vững vàng giữ chặt câu Phật hiệu mà niệm thì sẽ an toàn, gọi là giữ vững chánh niệm.

Còn câu này nói về “Pháp Hộ-Niệm vãng sanh giúp cho người bệnh nắm vững phương pháp tu hành”, là bắt đầu từ đây đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc. Trước nay chúng ta tu hành mờ mịt quá, thấy người ta tu sao mình tu vậy, không biết tu để làm gì, hưởng được gì đây. Bây giờ không còn mờ mịt nữa. Niệm Phật là tu, vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc là điểm về, cứ vậy đi thẳng. Tu có đường, về có đích, nhất định phải giữ cho vững. Phương Pháp Hộ-Niệm của Tịnh-Độ Tông hướng dẫn người niệm Phật đi thẳng một con đường, không đam mê những con đường khác, hay nói rõ hơn là chuyên tu, không tu nhiều thứ nữa.

Nếu thấy có pháp nào hay hơn, tới tu thử thì anh đi 2 đường rồi. Thấy một cách hành trì lạ dễ chứng quá, ham tới thì anh đi 3 nẻo rồi. Một là Nhất: Thành tựu dễ dàng; Hai là Nhị: Đong đưa nửa được nửa không, 50%; Ba là Tam: Phân vân, do dự cỡ 30%; Bốn là Tứ: Xác suất chỉ còn có 25%… Nếu ham tu nhiều pháp quá thì cơ hội thành tựu mờ mờ mịt mịt. Đến lúc nằm xuống rồi thì mơ màng như đứng giữa vạn nẻo đường, không biết chọn lựa đường nào. Chỉ cần một tích-tắc phân vân thì nhất định theo nghiệp thọ nạn. Bao nhiêu công phu tu hành khổ cực biến thành một chút phước báu gói trong A-lại-da thức chờ cái duyên trong một đời kiếp nào tương lai để hưởng, còn bây giờ thì thọ nạn trước. Tu hành không thẳng, không chuyên dễ bị thất bại là như vậy.

Với Pháp Niệm Phật, Phật dạy cần phải chuyên tinh niệm Phật cầu vãng sanh. Pháp Hộ-Niệm dạy cho chúng ta chuyên trong chuyên. Nếu anh có ý nghĩ gì lệch lạc, người hộ niệm sẽ kéo anh trở về với câu Phật hiệu. Nếu anh sơ ý cầu cái gì khác, người hộ niệm nhắc nhở phải bỏ đi để cầu vãng sanh. Một đời anh tu rất nhiều pháp, nhưng sau cùng anh phải niệm được câu A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh, thì anh mới được vãng sanh bất thoái thành Phật. Nếu không niệm Phật được, thì cảnh sanh tử luân hồi anh không thể thoát khỏi.

Cho nên, “Pháp Hộ-Niệm vãng sanh giúp người Niệm Phật nắm vững phương cách tu hành, biết cả đường đi điềm về, không còn mông lung nữa”. Sở dĩ trước đây nhiều người niệm Phật mà không được vãng sanh chỉ vì không nắm vững phương pháp tu hành, đường đi quá mông lung, điểm về quá mơ hồ. Lúc tỉnh táo mà tu hành mông lung vô định hướng, thì lúc nằm xuống quo que một chỗ lại càng mơ hồ gấp bội, càng mù mịt hơn nữa. Nhiều người thường lý luận rằng, ta niệm Phật thì Phật niệm ta, lúc ra đi ta sẽ tỉnh táo niệm Phật vãng sanh thôi. Ôi!… Lúc còn khỏe mạnh mà tâm chưa tỉnh táo nổi, chưa vững đường đi, lại dám mơ đến chuyện lúc thân tàn sức kiệt, tứ đại phân ly, thân xác đau nhức như con rùa bị lột mai mà được tỉnh táo niệm Phật. Hàng phàm phu mà thiếu tính khiêm cung, lý luận bừa bãi, chỉ rước lấy thảm hại vậy thôi!…

Chính vì thế, Pháp Hộ-Niệm là cả một đại cứu tinh cho chúng ta. Xin chư vị chú ý, đừng nên sơ suất nữa. Pháp Hộ-Niệm hướng dẫn rõ ràng đường đi điểm về một cách cụ thể, không còn mông lung nữa. Đường đi của mình là niệm Phật. Điểm về của mình là Tây-Phương Cực-Lạc.

Cho nên, nói đi nói lại, nói lên nói xuống vẫn là 3 điểm này: Niềm tin phải vững, nguyện vãng sanh phải tha thiết, niệm câu A-Di-Đà Phật rõ ràng trong tâm. Đây là chánh niệm của người niệm Phật. Đường đi đã rõ, điểm về đã rõ, tâm có chủ định rõ ràng. Tin tưởng là có con thuyền, niệm Phật là có mái chèo, nguyện vãng sanh chính là có bánh lái. Nhất định phải đi đúng đường.

Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ chắc chắn sẽ được vãng sanh không? Chưa chắc!… Tại sao? Niệm Phật là sức chèo, có những lúc chính mình chèo không nổi. Cần có người chèo phụ. Sức Nguyện là bánh lái, có nhiều lúc mình mệt quá, lái không nổi, lái không thẳng. Cũng phải cần người lái phụ. Chắc chắn ta phải chịu trách nhiệm con thuyền của chính ta, nhưng không thể xa rời người trợ giúp

Cho nên Tín-Hạnh-Nguyện chính ta phải có, còn người hộ niệm vô cùng cần thiết, họ sửa máy khi máy hư, họ nâng đỡ khi ta bị mệt, họ cứu giúp khi ta bị xỉu, v.v…

Tóm lại, Pháp Hộ-Niệm vẫn là đại cứu tinh giúp cho người lực còm sức yếu như chúng ta một đời này vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thành tựu đạo quả.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm - Chương 3: Nhận Thức Về Hộ Niệm

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –