Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 168)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Chúng ta tiếp tục tìm hiểu về Pháp Hộ-Niệm.
Xin mở trang 68, câu (f): Phàm phu thân mạng đã có định kỳ. Hộ niệm có thể giúp người lâm chung có cơ hội vượt qua sanh tử để vãng sanh thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Câu này nói, phàm phu thân mạng đã có định kỳ, là để trả lời cho vấn đề hôm qua, nhiều người cho rằng hộ niệm là một pháp mong cầu cho người ta chết sớm. Vì nghĩ như vậy nên đưa ra câu hỏi, tại sao lại đi hộ niệm để cầu cho người ta chết. Thì với câu này, phần đầu tiên là trả lời sự hiểu lầm đó. Hộ niệm không phải cầu cho người bệnh chết sớm, mà hộ niệm là giúp cho người bệnh an định tâm hồn, trong một đời này khi đã đến cái định kỳ xả bỏ báo thân, thì người ta có thể vượt qua tất cả chướng ngại của nghiệp chướng, thoát qua cảnh chết, để vãng sanh thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc. Đây là mục đích chính yếu của Pháp Hộ-Niệm. Mong chư vị nhớ kỹ điều này.
Hầu hết trước đây không ai biết đến Pháp Hộ-Niệm, nên đối trước một người bệnh nặng sắp chết, mọi người không biết làm gì hơn là cứ đợi cho người đó chết rồi, chạy nhờ đến việc cầu siêu giải nạn. Đã rất nhiều lần chúng ta có xác định qua rằng, cầu siêu và hộ niệm khác nhau.
Hộ niệm là một pháp tu, hướng dẫn cho chính mỗi người phương cách tự chủ đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc, còn cầu siêu hoàn toàn không có gì gọi là tự chủ cả. Anh có tu cũng được, anh không tu cũng không sao, hễ khi chết rồi được mời thì các Thầy tới làm một buổi lễ cầu siêu độ cho anh. Nhưng linh hồn của anh có được siêu sanh hay không là một dấu hỏi rất lớn, không ai dám xác định.
Hộ niệm không phải như vậy. Muốn được hộ niệm phải có điều kiện rõ ràng, ban hộ niệm đến nêu ra quy tắc và hướng dẫn cụ thể để anh thực hiện. Nếu anh thực hiện đúng, trong cơ hội xả bỏ báo thân này anh có thể vượt qua cảnh sanh tử để vãng sanh thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc. Nếu anh không chịu làm đúng theo sự hướng dẫn của ban hộ niệm, thì anh phải theo nghiệp báo thọ nạn, ban hộ niệm đành phải chịu thua và xin rút lui mà thôi. Còn muốn cầu siêu, thì anh tốt cũng được, anh xấu cũng được, anh tu hành cũng tốt, anh chống báng Phật pháp thì cũng không ai từ chối một buổi cầu siêu. Đó là một buổi lễ cầu nguyện, mong cho anh được siêu sanh, còn thực sự được siêu sanh hay không tùy anh có ngộ được hay không.
Phật dạy, trong thời mạt pháp này, ức triệu người tu hành khó tìm ra một người vượt thoát luân hồi. Nếu anh nghĩ đơn giản rằng chỉ cần qua một buổi lễ cầu siêu ngắn ngủi mà được siêu sanh, thì cứ chờ chết để nhờ đến cầu siêu vậy. Nhiều lúc chư vị Tăng Ni cũng thấy rõ điều này, cố gắng khuyên Phật Tử Đồng Tu tu hành đúng chánh pháp, nhưng chúng sanh thực sự không dễ gì chịu để tâm nghe theo, thành ra các Ngài cũng đành tùy duyên, chứ không biết làm gì hơn.
Cho nên, xin thưa thực với chư vị, chính Pháp Hộ-Niệm mới là pháp chính yếu của người biết tu hành để tự mình thoát qua con đường chết, đi về con đường sanh là sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Trong quá khứ dài lâu, người học Phật chúng ta đã sơ ý điểm này, đưa đến kết quả là người tu hành sau cùng thường bị vướng nạn, mất cơ hội giải thoát.
Hộ niệm là cả một phương pháp tu hành rất cụ thể, hướng dẫn chúng ta điều gì cần bỏ phải bỏ, điều gì nên giữ phải giữ, tu hành phải thiết thực, đường đi phải thẳng tắt, không thể tiếp tục đi lòng vòng nữa. Hộ niệm dạy cho chúng ta phương cách tu hành thiết thực để giải thoát, tự mình phải biết chủ động đi vãng sanh về nước Cực-Lạc với đấng Từ-Phụ A-Di-Đà để thành tựu đạo quả, chứ không thể lặng lẽ gởi huệ mạng của mình cho các buổi lễ cầu an cầu siêu một cách tiêu cực như xưa nữa.
(g): Pháp Hộ-Niệm hướng dẫn cách thực hiện cụ thể, chính xác Pháp Môn Tịnh-Độ. Đây là một đại chánh pháp của Phật để lại.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Chúng ta thấy rõ ràng rằng Pháp Hộ-Niệm hướng dẫn cụ thể chính xác Pháp Môn Tịnh-Độ. Pháp Môn Tịnh-Độ chú trọng về niềm tin. Người niệm Phật phải có niềm tin vững vàng, thì người hộ niệm luôn luôn củng cố niềm tin cho người bệnh, dù bị đau đớn đến đâu cũng đừng thoái tâm. Đây thực sự là một phương cách tu hành, rèn tâm luyện chí. Pháp Môn Tịnh-Độ dạy cho người niệm Phật tha thiết cầu vãng sanh, thì người hộ niệm đến bên cạnh người bệnh nhắc nhở, hướng dẫn người bệnh phát nguyện vãng sanh, mà còn chỉ cho lời phát nguyện ngắn gọn, súc tích, để thích hợp với tình trạng yếu đuối của người bệnh. Nên nhớ cho, người bệnh không nên dùng những lời nguyện quá dài như chư Tổ phát nguyện, vì sức lực đã kiệt tận, tâm trí đã mê mệt. Ví dụ, như lời phát nguyện: “Nam Mô A-Di-Đà Phật, cho con về Tây-Phương Cực-Lạc”, ngắn gọn như vậy là đủ rồi. Lời nguyện này có chỗ hay. Một là nhắc nhở mình khi ra đi phải đợi A-Di-Đà Phật lai nghinh tiếp dẫn vãng sanh. Hai là luôn luôn nhớ rằng, mình được vãng sanh là nương nhờ đại nguyện của A-Di-Đà Phật, được Phật lực tiếp dẫn, chứ không phải năng lực của chính mình. Tín Nguyện đã xong, thì còn một điểm nữa là Niệm Phật. Người hộ niệm hướng dẫn nhắc nhở khoảng 5-10 phút rồi bắt đầu niệm A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật và niệm lớn tiếng để người bệnh nghe mà niệm theo. Tín-Nguyện-Hạnh thực hiện được thì người ra đi được thành tựu. Nói chung, người niệm Phật phải tự nhắc nhở lấy mình, luôn luôn phải giữ tâm thành kính khiêm hạ và thực hiện đúng tông chỉ của pháp nhị lực mới được vãng sanh.
Rõ ràng đây là một pháp tu tập cụ thể, thiết thực, thực hiện rất chính xác Pháp Môn Tịnh-Độ, chứ không có gì xa vời cả. Như vậy, khi gặp có người hỏi, Pháp Hộ-Niệm Vãng Sanh là gì? Thực hiện như thế nào? Thì ta có thể trả lời, Pháp Hộ-Niệm Vãng Sanh là hướng dẫn cụ thể, thiết thực, để người người thực hiện chính xác Pháp Môn Niệm Phật. Còn gì nữa? Ngoài việc hướng dẫn chánh pháp ra, người hộ niệm còn cố gắng hóa gỡ những vướng mắc, những rối rắm cho người bệnh, nhờ vậy mà họ mới có thể giữ được chánh niệm trong giờ phút lâm chung. Nên nhớ cho, những người nhờ đến hộ niệm đều là phàm phu nghiệp chướng sâu nặng lắm. Nếu bình thời ta cứ nói: “Bác niệm Phật cầu vãng sanh nhé…”. Nhưng thực ra họ đang hãi kinh, đang rối loạn, đang hoang man… thì những lời hướng dẫn chung chung nhiều khi trở thành vô ích vậy.
Cho nên sự thiết thực của Pháp Hộ-Niệm là gỡ ra từng chút cho người đang vướng nạn, giúp họ an tâm niệm Phật để vãng sanh. Xin hãy gỡ cho đúng, gỡ cho thẳng, gỡ cho chánh, chứ không thể lý luận lòng vòng những đạo lý chung chung. Khai thị chung chung khó có thể hóa gỡ được ách nạn cho người bệnh vậy.
Ngược lại, cũng có người hộ niệm mà chủ trương không cần khai thị hướng dẫn gì cả. Ôi!… Hãy để ý mà xem, hình thức hộ niệm này cho hàng trăm người, chưa chắc giúp được 1 người thoát nạn. Hộ niệm quá sơ sài thì dù trải qua hàng ngàn người chưa chắc đếm được người vãng sanh đầy đủ trên đầu ngón tay. Xin hãy tham gia hộ niệm cho thật nhiều để gặt hái thêm kinh nghiệm thực tế, chứ không thể dựa vào lý thuyết là đủ đâu.
Trong khi người Việt Nam bây giờ họ hộ niệm hướng dẫn rất cẩn thận, nhắc nhở từng chút từng chút, đưa đến thành quả 100 người có thể cứu được 70-80 người ra đi lưu lại tướng lành bất khả tư nghì. Thật đáng tán thán.
Cho nên hộ niệm cần phải hướng dẫn cụ thể, giải quyết chính xác, gỡ rối thiết thực cho từng trường hợp mới có thể giúp cho người bệnh thoát khỏi ách nạn mà có cơ hội vãng sanh. Còn cứ nói chung chung thì vô cùng khó khăn để cứu được một người.
Xin thưa chư vị, phương thức khai thị hướng dẫn của Pháp Hộ-Niệm hay vô cùng. Khai thị cần nói mạnh, nói rõ, nói thẳng vào vấn đề của từng người đang vướng giúp cho tâm thức của họ giựt mình tỉnh ngộ. Nhiều người sau khi đã xả bỏ báo thân mà còn bị vướng kẹt đủ thứ, nhưng nhờ cách khai thị này mà có nhiều trường hợp các vị Hương Linh đã giác ngộ một cách rõ rệt, thể hiện qua sự chuyển biến của thân xác, từ một sắc tướng ảm đạm, khổ đau biến thành một thoại tướng an lành nhu nhuyến diễn ra trước mặt mọi người.
Vì vậy chúng ta cần thêm rất nhiều kinh nghiệm về hộ niệm mới tốt. Ở nước ngoài kinh nghiệm hộ niệm không tốt lắm. Sẵn đây xin nhiệt thành tán thán tình thần hộ niệm của các vị ở Âu Châu, có lần họ mua vé máy bay, hoặc lái xe trên 10 tiếng đồng hồ xuyên quốc gia để đi hộ niệm. Xin chư vị hãy mở tâm từ bi, sốt sắng phát tâm hộ niệm để cứu giúp nhau. Cứu người tức là cứu cho chính mình vậy.
(h): Nhờ được hộ niệm mà có nhiều hiện tượng vãng sanh xảy ra, tạo được ấn tượng rất tốt, chứng minh Phật Pháp nhiệm mầu.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Thực sự có nhiều hiện tượng người ra đi có tướng lành tốt đẹp vô cùng, tạo được một ấn tượng rất tuyệt vời về Pháp Hộ-Niệm. Ấy thế, vẫn có nhiều người thấy được hiện tượng cao quý này không chịu giựt mình tỉnh ngộ ra sự nhiệm mầu của Phật Pháp, không chịu tiếp tay xiển dương để cho Pháp Hộ-Niệm được phát triển mạnh mẽ hơn, hầu cứu được nhiều người vãng sanh hơn, lại nêu ra nhiều điều nghi ngờ làm cho lòng người chao đảo, niềm tin của đại chúng tiêu mòn. Thật đáng tiếc lắm vậy!
Xin thưa chư vị, chúng ta đã nhiều lần xác định về hiện tượng lưu lại tướng lành tốt đẹp chưa chắc bảo đảm được vãng sanh. Nhưng chư vị có thể nghĩ rằng những người sau khi chết để lại thân xác quá xấu, sắc tướng kinh hoàng, nói chung thuộc về ác tướng lại được tốt đẹp sao?!… Hãy đặt lên câu hỏi và trả lời cho thõa đáng đi. Phải chăng, một người sau khi xả bỏ báo thân mà lưu lại thân tướng mềm mại tươi tốt, giả như họ không được vãng sanh, thì ít ra họ cũng thoát được ách nạn đọa lạc trong tam đồ ác đạo, sinh lại trong ba đường lành. Một người công phu tu hành dẫu có hay đến đâu, nhưng khi chết để lại thân tướng quá xấu, gọi là ác tướng hiển hiện, thì lấy điều gì bảo đảm sự thoát khỏi cảnh tăm tối trong đời kiếp sau? Một điểm này thôi chúng ta cũng thấy được công đức của Pháp Hộ-Niệm thật quá tuyệt vời, quá cao quý rồi.
Trong kinh Phật dạy rằng, một người dẫu cho tạo tội chướng nặng nề, đến cuối đời nhờ gặp thiện tri thức khai thị hướng dẫn đường đạo, người đó tin tưởng, kiệt thành sám hối, thành ý niệm Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc, dẫu niệm được 10 niệm mà không được vãng sanh A-Di-Đà Phật thề không giữ ngôi Chánh-Giác. Lấy ngay lời kinh này ra ấn chứng, phải chăng những trường hợp có tướng lành này nhất định có nhiều người đã vãng sanh rồi vậy. Chúng ta là phàm phu, không có tha tâm đạo nhỡn, nên phải nói hai chữ “có thể” cho trọn hạnh khiêm cung, chứ chư Tổ còn mạnh dạn nói rằng, muôn người niệm Phật muôn người vãng sanh, vạn người niệm Phật vạn người đi về Tây-Phương Cực-Lạc nữa cơ.
Một điều quan trọng là chính người ra đi đó có quyết lòng vãng sanh hay không. Nếu ta thấy một người niệm Phật cho đến hơi thở cuối cùng, họ tha thiết cầu vãng sanh, khi ra đi xong lưu lại thoại tướng tốt, xin thưa với chư vị, họ thực sự đã vãng sanh rồi. Thân xác của họ đã trở thành nhục thân của một vị Bồ-Tát để lại đấy. Nhục thân của một vị Bồ-Tát thì sao lại không tốt đẹp được. Có nhiều trường hợp thân xác đó được giữ lại niệm Phật mấy chục ngày vẫn tiếp tục tươi hồng. Nhiều vị Sư vãng sanh xong, nhục thân được nhập tháp, một năm sau mở tháp ra mà nhục thân vẫn còn tươi hồng như đang nằm ngủ, tóc râu vẫn tiếp tục mọc dài ra… Thật bất khả tư nghì!… Chư vị nào có cơ duyên thấy được những điều vi diệu này, không tin vãng sanh cũng phải tin vãng sanh là sự thật, không thấy Phật Pháp nhiệm mầu, thì cũng phải thấy đúng là đại nhiệm mầu.
Vậy thì, nếu đúng là nhiệm mầu thực sự, tại sao chúng ta không mau mau ứng dụng pháp đại nhiệm mầu, vô cùng cụ thể, vô cùng thiết thực này để cứu giúp lẫn nhau. Chư vị hãy suy nghĩ đi, bao nhiêu năm tháng qua, dễ gì chúng ta thấy được hiện tượng vi diệu này? Rõ ràng đây là một cơ duyên vô cùng quý báu và hy hữu trong vô lượng kiếp qua, thì chúng ta hãy quyết lòng tin tưởng. Tin rồi phải củng cố niềm tin cho mạnh lên để một đời này mình cũng được vãng sanh thành đạo. Đừng nên nghi ngờ nữa mà tự mình đoạn mất cơ duyên giải thoát. Thật đáng tiếc lắm vậy!…
Hãy tích cực giúp đỡ nhau, hộ niệm cho nhau, để cùng nhau vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Nếu lơ là việc hộ niệm, thì tu có tu đó, công phu thì có khổ cực đó, nhưng thành tựu thì khó thấy lắm đó. Xin đừng sơ ý mà oan uổng cả một đời tu hành vậy.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.