Khế Lý – Khế Cơ (Tọa Đàm 04)

Share on facebook
Share on twitter

KHẾ LÝ – KHẾ CƠ

(Tọa Đàm 4)

Nam Mô A-Di-Đà Phật

Trong khoảng thời gian gần đây, có quá nhiều biến cố cũng khá trầm trọng chung quanh sự tu hành. Trong những ngày qua thì mình có nói qua cái vấn đề tu hành cần phải Khế Cơ – Khế Lý.

– Khế Lý là đúng với kinh Phật, đúng với lời Tổ.

– Khế Cơ là phải hợp với căn cơ của mình.

Sự-Lý viên dung mới có thể thành tựu. Nếu tu hành nhắm tới Khế Lý, tức là lý đạo suôn sẻ đúng với kinh Phật, nhưng mà quên chú ý đến căn cơ của mình, sẽ đưa đến kết quả hết sức phũ phàng và những hiện tượng mà mấy ngày trướcchúng ta nêu ra là một chứng minh hết sức cụ thể, đã ảnh hưởng rất tai hại đến căn nhà Phật Giáo ở quê nhà. Thì hôm nay vì vấn đề liên quan đến Khế Cơ, và vì những biến cố đã đến dồn dập như vậy, ảnh hưởng rất lớn trong đường tu hành vãng sanh của chúng ta. Cho nên dành trong khoảng thời gian này, Diệu Âm xin mổ xẻ thêm những điều sơ suất rất là phổ thông, thay vì chúng ta tiếp tục mở các lời khai thị của ngài Tịnh-Không. Thật ra, đến ngày hôm nay thì lời khai thị cũng đã hết, đang tìm những lời khai thị mới, nhưng chưa kịp. Vấn đề Khế Cơ, nếu chúng ta không chú ý, cứ tưởng là dễ, sau cùng rồi có thể chúng ta hưởng lấy cái quả báo phũ phàng!…

Khế Cơ tức là nói về “Sự”, thì hộ niệm thật sự là đúng Cơ, đúng Căn, rất hợp Cơ, hợp Căn trong khoảng thời gian này và trong cái khả năng hạ căn phàm phu của chúng ta. Hộ niệm, như hôm trước mình nói, là một pháp tu, nó bao gồmcả TÍN-NGUYỆN-HẠNH. Thấy nó đơn giản như vậy, nhưng chúng ta phải biết: Tin… Tin cho đúng; Nguyện… Nguyện cho đúng; Hạnh… Hành cho đúng. Nếu chúng ta sơ ý chỉ cần sai lạc thì có thể phạm phải những lỗi lầm mà dẫn luôn tới kết quả là sau cùng chúng ta không được vãng sanh.

Ví dụ đơn giản như Nguyện, ai cũng biết ở đây là chư Tổ dạy, nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Trong kinh Phật dạy, nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc và ngày ngày chúng ta cộng tu với nhau cũng “Nguyện sanhTây Phương Tịnh Độ Trung…”. Đơn giản, gọn gàng như vậy. Chư Tổ nói, một lòng tha thiết nguyện vãng sanh vềTây Phương Cực Lạc.

– Nếu cái thân mạng của mình mà còn, tức là chưa hết, thì tự nhiên hết bệnh.

– Nếu cái thân mạng của mình nó đến thời hạn ra đi, nhờ lời nguyện này mà mình được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Có nhiều người cũng niệm Phật, cũng nghe rất nhiều Pháp, có thể nghe nhiều hơn người ta nữa, nhưng khi có bệnhhiện ra, vô thường hình như đã gõ cửa(!)… Khi mình tới thăm thì vô tình mới biết rằng người đó đã phát nguyện sai! Thật là những điều làm cho mình giựt mình! Họ nguyện như thế nào?… “Ngày ngày tôi quỳ trước bàn thờ Phật, tôi tha thiết nguyện với Phật, xin Phật nếu mà cái thân bệnh này mãn thì cho con đi liền đi. Nếu chưa mãn thì xin cho con được hết bệnh để con niệm Phật. Tôi nguyện tha thiết hàng ngày như vậy, mà bây giờ tôi buồn rơi nước mắt! Tôi khóc… vì tại sao tôi tu nhiều như vậy mà bệnh vẫn đến với tôi?…”.

Quý vị nghe kỹ đến lời nguyện này, thật sự có phải là đúng hay không? Chư Tổ dạy là, nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, mình không chịu nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, lại lấy cái lời giải thích của các Ngài để làm thành lời nguyện của mình. Sai là sai chỗ này! Tại sao không nguyện rằng: “Nam Mô A-Di-Đà Phật, xin Phật cho con về Tây Phương”, gọn gàng đơn giản, hợp lý. Mà lại nguyện: “Nam Mô A-Di-Đà Phật, nếu cái thân bệnh của con mà hết thì cho con đi liền hôm nay cũng được. Nếu cái thân bệnh này mà còn, thì cho con được khỏe mạnh”…

Trong lúc nguyện như vậy có phải mình đang sợ cái bệnh mà mới nguyện như vậy không? Rồi khi bệnh xuống lại khóc. Tại sao khóc? Tại sao con niệm Phật như thế này mà bệnh cũng không hết? Có phải mình đang sợ cái bệnh không?

Cho nên khi đối diện tới một sự thật chúng ta mới thấy rõ vấn đề. Khai triển ra mình thấy sai như thế nào rồi! Khi phát hiện những chỗ này, nêu lên đây để chư vị chú ý cho kỹ. Trong rất nhiều những bài viết, những lần tọa đàm, nhất là khi đi hộ niệm, xin chư vị có thể tham gia ban hộ niệm và nghe cho kỹ những lời, gọi là lời hướng dẫn bệnh nhân… không bao giờ Diệu Âm nói những lời như vậy!

– Bác ơi quyết lòng nguyện vãng sanh nghe Bác, đi sớm ngày nào hay ngày đó nghe Bác… Không sợ! … Nói rõ ràng:

– Ngày đêm niệm Phật, căn bệnh này nó đến kệ nó nghe Bác, đừng sợ. Nếu mà Bác sợ bệnh, nhất định cái bệnh nó sẽ bao vây lại, không cách nào thoát được. Đối với đời này khổ quá rồi! Bỏ luôn, không sợ nữa. Cứ một lòng niệm Phật rồi nguyện vãng sanh. Đi hôm nay cũng được. Khi nào A-Di-Đà Phật đến là đi liền. A-Di-Đà Phật hiện ra theo A-Di-Đà Phật mà đi, rồi sau đó chúng con tới hộ niệm sau.

Rõ ràng những lời nói mình thấy đơn giản, nhưng mà nhất định là chú tâm về nguyện vãng sanh. Chứ không phải là:“Bác ơi! Bác niệm Phật rồi năn nỉ với Phật nếu mà mạng này còn thì hết bệnh để an tâm niệm Phật, nếu mà mãn thì cho đi luôn”… Hoàn toàn hai ý nguyện này khác nhau. Lấy lời giải thích của Tổ thành lời nguyện chính của mình, trong khi nguyện chính là nguyện vãng sanh về Tây Phương mình lại không nguyện. Tu như vậy sau cùng nhiều người đã mất phần vãng sanh. Nếu quý vị đã nghe tọa đàm về hộ niệm, chắc chắn Diệu Âm đã đưa ra những cái mẫu mực của những người đã tu 36, 37 năm trường, kiết thất không biết bao nhiêu lần, tất cả những khóa Phật Thất Niệm Phật đềutham dự hết, nhưng sau cùng không được vãng sanh. Tại sao vậy? Là tại vì không có người nhắc nhở cho những điều sơ suất này. Người niệm Phật đã chìm đắm trong những lời nguyện sai lầm! Trong lúc nguyện vãng sanh thì họ sợ chết, họ đã nghĩ tới cái bệnh. Họ nguyện là: “Con niệm Phật như vậy quyết lòng xin Phật cho con được hết bệnh”.

Quý vị có nguyện như vậy không? Nhiều người có trong đó. Xin thưa rằng, chuyện Nhân-Quả của mình A-Di-Đà Phật không nhúng tay vào được. Tại vì có Nhân thì có Quả. Nhân ở đâu? Nhân trong vô lượng kiếp, nhân trong lúc chúng tamê mờ làm những điều sai trái. Bây giờ mình tu có giỏi cho mấy, làm thiện nhiều cho mấy đi nữa thì cái nhân nó vẫn còn nguyên đó. Nhân lành thì hưởng quả lành, nhân ác thì bị quả ác. Nhân lành mà muốn hưởng quả lành thì cái tâm của ta phải duyên tới cái nhân lành đó, để cho cái nhân lành nó nở ra cái quả cho chúng ta hưởng. Trong lúc chúng tatu là tạo nhân lành, nhân lành thì sẽ hưởng quả lành, nhưng cái tâm chúng ta lại sợ bệnh, tức là nó duyên tới những cái nhân bệnh, thì cái nhân bệnh nó sẽ hiện ra. Nếu một người giác ngộ, thì khi cái bệnh hiện tiền, chính đây là một bài pháp sống thực, giúp ta vẫn vui vẻ, thoải mái.

Nếu quý vị nghe, xem những băng đĩa Diệu Âm hộ niệm cho người ta. Người ta bệnh… người ta sắp chết… nhưng mình tới vẫn bắt tay, cười hè hè:

“Như vậy là Bác sướng, Bác được về trước tôi. Không sao! Bây giờ cái bệnh nó đau, nó càng đau chứng tỏ rằng mình sắp đi về Tây Phương rồi. Vui vẻ lên, sẵn sàng trả nghiệp đi, không sợ gì cả. Một lòng niệm Phật, càng đau càng niệm Phật, trông cho nó đau nhiều hơn nữa đi…”.

Chứ tôi không bao giờ nói rằng:

“Bác ơi! Bác niệm Phật… niệm Phật cho nó hết đau nghe Bác”.

Mình nói niệm Phật cho hết đau tức là gợi ý để người ta nghĩ đến chuyện đau đó, nhất định cơn đau này nó sẽ càng ngày càng tăng lên. Nó mới tăng có một nửa mà người ta cứ tưởng nó tăng đến một trăm lần! Cái tâm người ta đãchìm đắm trong cái nghiệp đó, chìm đắm trong cơn đau đó, nhất định người ta không còn cách nào thoát được cái ách nạn của bệnh khổ! Trong khi đó, xin thưa thật, chính phụ thân của Diệu Âm, là ông già của Diệu Âm, từ khi bệnh cho đến lúc vãng sanh, ông không bao giờ vô trong bệnh viện, mà nhiều khi mình muốn đưa ông vào bệnh viện, mình cảm thấy sợ ông bị đau, nhưng ông không vô là không vô. Cái lực của ông mạnh như vậy đó. Từ một người bình thườngkhông có tu, khi biết tu rồi thì nhất định không đi. Trước những giờ phút tắt hơi, mười một ngày bí tiểu. Mình mà bí tiểu một ngày thôi, mình sẽ la làng la xóm! Ông ta bí tiểu mười một ngày?… Không cần. Ông nói bí tiểu thì đi về Tây Phương luôn. Thế mà mười một ngày ông ta vẫn cười hè hè trong tình trạng đó để ra đi. Cái năng lực này xin thưa thật, nếu mà ông cụ đó nguyện rằng: “Nam Mô A-Di-Đà Phật, xin cho con hết bệnh để con niệm Phật” thì nhất định ông có thể bị đau lăn lộn từ trên giường xuống dưới giường và ông ta không thể nào an nhiên tự tại ra đi tại nhà, mà phải ra đi trong bệnh viện! Quý vị nghĩ thử, trong bệnh viện làm sao có thể hộ niệm được?…

Chính vì vậy mà bắt đầu từ hôm nay, sẵn trong dịp này, Diệu Âm sẽ cố gắng khai triển ra những điều sơ suất rất là phổ thông để chúng ta tránh. Nếu không tránh được thì coi chừng tu như thế này gọi là KHẾ LÝ, nhưng áp dụng thì khôngKHẾ CƠ, không hợp! Không hợp thì chúng ta có thể tự rước lấy những ách nạn, chứ đừng nghĩ rằng chúng ta niệm Phật nhiều như vậy là chắc chắn sẽ được vãng sanh, còn những người kia không niệm Phật thì không được. Coi chừng những người không niệm Phật đó, nhưng mà nhờ thiện căn phước đức của họ, đến giờ phút cuối cùng lại gặp những người tới khai thị. Được khai thị, họ phát lòng tin vững vàng, nói đâu nghe đó. Nói một nghe một, nói hai nghe hai, nói một làm một, nói hai làm hai, người ta vãng sanh. Còn mình thì tu nhiều quá(!), nhưng nói một không chịu làm, tưởng những điều này là đơn giản! Đứng trước bệnh nhân khai thị, tưởng là những lời này đơn giản! Đơn giản mà coi chừng mình thực hiện sai! Mình đi sai đường!…

Mong cho chư vị quyết tâm nhất định đừng bao giờ để một cái gì sơ suất, ta sẽ vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

Read more: https://hoiquanadida.com/phap-su/chi-tiet/khe-ly-khe-co-toa-dam-4-1978.html#ixzz7CPtVoKn5

 

KHẾ LÝ - KHẾ CƠ (2010)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –