KHẾ LÝ – KHẾ CƠ
(Tọa Đàm 14)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Ngài Tĩnh-Am Đại Sư khuyên tất cả chúng ta, việc tu hành nên phát tâm, nếu không phát tâm thì chúng ta sẽ lơ mơ lờ mờ trong sáu nẻo luân hồi, không biết đường nào đi.
Chúng ta đã niệm Phật, quyết lòng chuyên tu câu A-Di-Đà Phật để vãng sanh, tức là ta đã phát tâm. Khi phát tâm rồi, nếu chúng ta không có cái nấc thang để đi, thì nhiều khi đoạn đường sanh tử trong một phần đoạn này, một đời này đi không tới. Ngài nói, “Đạo nghiệp cần ở chỗ Lập Hạnh”. Mình nói cho dễ hiểu hơn, “Phát Tâm” là có hướng đi, “Lập Hạnh” là tốc độ đi. Phải có cái tốc độ đi phù hợp thì chúng ta mới tới đích. Ta biết hướng đi, nhưng con đường dài quá mà ta đi tà tà, dù cũng đi theo hướng đó nhưng ta sẽ ngã quỵ ở giữa đoạn đường! Nghĩa là chúng ta cũng không đượcthành tựu, không đạt được tới mục đích. Trong cái ý hướng để quyết lòng bước đi, vừa vững mà vừa đủ thời gian tới đích, có nghĩa là khi tới giờ phút lâm chung ta vững vàng niệm câu A-Di-Đà Phật, theo A-Di-Đà Phật, Quán-Âm, Thế-Chí về Tây Phương Cực Lạc. Ta nói đến chuyện “Lập Hạnh”.
Có nhiều người khi đã phát tâm rồi, nhưng không chịu lập hạnh, nói cho rõ ra tức là tu tà tà, thì đến lúc lâm chung chướng nạn đến họ chịu không nổi. Chính vì thế rất nhiều người đã mất phần vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, dù rằng họ đã niệm Phật.
Trong ngày hôm nay có một vị tới thăm, nói rằng, “Nếu mà tu tinh tấn hai ngày thì tôi không có giờ, làm sao tham gia?”.
Thì tôi cười và nói… Không sao đâu! Việc tu hành không ai ép buộc cả. Hồi giờ mình tu được như vậy thì cũng đã đáng khen rồi. Hai tuần chúng ta kết nhau lại từ sáng cho đến tối để niệm Phật cũng đáng khen rồi!… Nhưng mà riêng Diệu Âm này tự xét mình thì thấy nghiệp chướng còn nặng quá! Căn cơ còn yếu quá! Tu hành mười mấy năm qua nhưng tâm này chưa có mở chút xíu nào hết trơn! Tức là cái nghiệp của mình còn dày quá! Trí huệ của mình còn mỏng quá! Chính vì sợ rằng trước những giờ phút ra đi niệm câu A-Di-Đà Phật không được! Nên mới âm thầm, thật sự ra, hổm nay âm thầm vạch ra chương trình để quyết lòng tu. Khi lập chương trình tu như vậy thì muốn hô hào cho các vị đồng tu tham gia. Nhưng tham gia được hay không chẳng sao cả. Những người nào bận đi làm việc thì cứ việc đi làm. Tu theo không được cũng không sao, cứ tu đều đều như vậy. Chỉ có những người nội trú trong Niệm PhậtĐường, thì bắt buộc phải tham gia toàn thời trong những ngày tu tinh tấn đó. Còn các vị ở ngoài thì có thể sáng Chủ Nhật tới tu tinh tấn, tu xong rồi tối về như thường lệ. Ngày tiếp theo, tức là ngày thứ hai không tham gia cũng không sao, cứ tối lại chúng ta vào tu, tu rồi ra về.
Chúng tôi cũng đã dự định rằng, hễ có nhiều người thì tu nhiều người, không có người nào tham gia, những ngày tinh tấn đó giả sử như chỉ có một mình Diệu Âm, thì Diệu Âm cũng quyết lòng vẫn tu như vậy. Tức là, ngày đó là ngày tịnh khẩu, chỉ cần chư vị vào đây tịnh khẩu niệm Phật để hỗ trợ cho nhau là được. Nếu chúng ta không lập hạnh vững vàng thì sợ rằng chúng ta sẽ không qua được ách nạn!…
Tôi nhớ cách đây cỡ chừng mười năm hay mười một năm, tôi có xem một cuộn DVD quay lại một vị Pháp Sư ở bênTrung Quốc. Ngài lặng lẽ rời ngôi chùa, rời tất cả đại chúng, không báo cho một ai biết hết. Một túi gạo, một con dao, một hộp quẹt, một bình nước và một số lương khô… rồi lặng lẽ rời chùa đi thẳng vào núi, tức là cứ hướng tới ngọn núi đó mà đi thẳng thẳng vào, đi suốt suốt suốt vào trong ngọn núi, một mình như vậy mà đi. Ngài đã âm thầm tu trong núi sâu suốt mười năm trường, quyết lòng không liên lạc với đại chúng. Mười năm sau, có một vị đại úy người bắc Hàn, được một vị Thần tới báo mộng, nói: “Ông hãy dẫn đại đội của ông đi về phía nam, cứ vào trong núi đó để mà cứu một người”…
Ông đại úy đó không chịu đi. Ngày hôm sau vị Thần đó lại đến báo mộng cho ông ta lần nữa, “Anh phải dẫn đại đội của anh đi thẳng vào hướng nam, tới vùng núi đó để cứu một người”.
Ông ta cũng không đi. Ngày thứ ba thì vị Thần đó kêu ông ta dậy, cũng trong mộng, “Ngày hôm nay nhất định ông phải đi, đem đại đội đi vào trong núi đó cứu một người”.
Ba ngày liên tục như vậy. Thì sáng sớm hôm sau, ông đại úy đó mới dẫn một đại đội đi thẳng vào núi. Đi từ sáng, ban đầu thì đi bằng xe, vào núi, xe chạy không được nên để xe lại… Đi sâu vào trong núi. Đi đến chiều luôn cũng không thấy. Đi ngày thứ hai cũng không thấy. Đi đến ba ngày, thì ngày cuối cùng họ đã gặp một người với đầu tóc râu ria giống như một người ở thời thượng cổ. Họ bắt về. Người này nói tiếng Hoa được. Khi bắt về xong rồi thì mới biết ông này gốc là một nhà Sư. Lúc Thầy bỏ chùa đi chỉ có ba mươi tuổi mà thôi. Khi bị bắt, thì Thầy đã 40 tuổi.
Bắt về xong, họ thấy ông này dơ dáy, bẩn thỉu!… Thôi! Cho tắm rửa, cạo râu, cạo tóc… rồi kêu bên Trung Quốc trả lại. Khi bên Trung Quốc nhận người đó về rồi thì tin đó được tung ra. Lạ thật! Cái nơi mà nhà Sư đó ở tự nhiên phát triển lên. Thực ra, có lẽ tại vì nghe tin lạ quá, khắp nơi người ta ùa tới… nào là xe bus, nào là xe đò, nào là quán xá… nổi lên một cách nhộn nhịp. Cuộc sống tại nơi đó tự nhiên phát triển nhanh lên. Sau đó, bên Bắc Hàn muốn đòi người đó lại, vì nói rằng người này là người được họ bắt về. Thế nhưng bên Trung Quốc không chịu trả lại. Vô tình nhà Sư đó đã làm cho cả tỉnh đó được phồn thịnh lên. Đây là một sự thực. Mắc cười quá!
Quý vị thấy không? Lập Hạnh!… Thường tại vì ta sợ rằng làm không được, cho nên ta làm không được! Chứ nếu mà ta lập hạnh chuyên chí tu hành, quyết lòng niệm Phật. Xin thưa với chư vị, trong kinh có nói: “Quang trung hóa Phật vô số ức. Hóa Bồ-Tát chúng diệc vô biên”. Trong kinh Thập-Vãng- Sanh, Phật có nói, người nào phát tâm niệm Phật, có 25 vị Bồ-Tát kèm sát bên cạnh người đó, để hộ trì cho người đó.
Chính vì ta không đủ lòng tin, nên sợ rằng ta tu như vậy thì mệt quá, ta xỉu đi. Quý vị không biết đâu, 25 vị Bồ-Tát!… Trong một lần ngài Tịnh-Không nói:
– Quý vị tu… mà quý vị bị chết đói, chẳng lẽ các vị Bồ-Tát đó mất chức sao? Ngài nói như vậy.
Cho nên chúng ta phải biết tin, niềm tin phải vững vàng. Nếu thật sự đi về Tây Phương thì phải phát tâm nguyện mạnh mẽ lên… Phải tu hành!
Mấy ngày hôm nay chúng ta đưa ra chương trình công cứ. Cái mức công cứ đầu tiên đưa ra chỉ có năm ngàn một ngày. Nếu so với những chỗ khác thì mức này còn quá tệ! Ấy thế mà có người khi nghe tới năm ngàn thì dội! Tôi nói:
– Nếu nghe năm ngàn mà dội, thì con đường vãng sanh của chúng ta thật sự vẫn còn quá xa vời! Xa vời!…
Ngài Tịnh-Không nói rằng, quý vị niệm Phật, niệm một ngày tới mười vạn tiếng, là một trăm ngàn câu, liệu rằng chưa chắc tu suốt đời mà cái nghiệp của mình đã giải được. Ấy thế mà chúng ta mới đặt ra có năm ngàn câu Phật hiệu một ngày, mà có nhiều người làm không tới! Thì hôm nay Diệu Âm xin thưa thực với chư vị, hãy cố gắng quyết lòng bằng cái khởi điểm là năm ngàn đi. Năm ngàn, một thời gian rất ngắn thôi, rồi tăng lên đi… Mười ngàn. Nếu không lo cái huệ mạng của mình, nhất định vạn kiếp bị trầm luân, chắc chắn chúng ta không cách nào đổ thừa cho ai được hết.
Hôm qua mình có nói mà, tắt máy lạnh một chút mình nhức đầu chịu không nổi. Đi xuống địa ngục, lửa cháy bừng bừng thiêu đốt cả ngàn vạn kiếp như vậy!… Dưới địa ngục có “Thiết Sàng”. Thiết sàng là cái giường đốt nóng lên, rồi bắt tội nhân để trên đó cho cháy tan ra. Tại sao người ta đốt mình như vậy? Có phải là mình bắt con cá rô, mình bắt con cá lóc… để lên trên cái vỉ sắt mà nướng nó không? Ở dưới địa ngục có những loài quỷ họ bắt mình liệng trong chảo nước sôi, liệng vào trong chảo dầu sôi, sự thực có phải mình đã từng bắt con cua liệng trong chảo dầu không? Đúng như vậy mà!… “Nhân-Duyên Quả-Báo tơ hào không sai!”…
Ta đã làm cái chuyện này, ta phải trả cái nợ này. Ta mà sơ ý xuống địa ngục… nhất định ta phải trả, trả từng chút từng chút, gọi là “Tơ hào không sai”. Trong cái duyên, khi chúng ta còn làm kiếp người, chưa gặp quả báo địa ngục, thì cái duyên này, cái cơ hội này nhất định ta phải trân quý, phải tranh thủ từng thời gian, đừng để phải xuống địa ngục. Nếu không, nhất định những nghiệp báo này ta phải trả hết, đó gọi là “Nhân-Duyên Quả-Báo”. Xuống địa ngục thì cái duyên này hợp với những quả ác, nhất định tất cả những cái nhân ác sẽ nở thành quả ác… Nhất định chúng ta sẽ phải trả từng cái, từng cái, từng cái… Trả cho đến khi nào hết mới thôi, gọi là “Lũy kiếp nan xuất”, không thể nào ra được!…
Biết được đạo lý này, xin thưa với chư vị, hãy phát tâm tu hành vững vàng. Một câu A-Di-Đà Phật thành tâm mà niệm sẽ phá tan cho ta 80 ức kiếp nghiệp chướng sanh tử trọng tội. Nếu ta không thành tâm niệm, hôm nay niệm, ngày mai không, đấy chỉ là niệm giả thôi, không phải niệm thật! Bữa nay nguyện vãng sanh, về nhà chúng ta cạnh tranh ganh tỵ… toàn là nguyện giả mà thôi! Chắc chắn vì chúng ta không muốn vãng sanh! Không muốn vãng sanh thì oan gia trái chủ cũng biết rằng mình vẫn còn cái tâm ác trong đó, nếu anh còn ở đây, thì một ngày nào đó anh cũng sẽ giết chúng sanh để ăn thịt. Chắc chắn họ sẽ chuẩn bị tất cả những gì cần thiết để đòi lại cho được cái nợ gọi là nợ xương máu đối với họ. Nhất định!…
Chính vì vậy, chư Tổ thường khuyên chúng ta phải cố gắng Lập Hạnh để mà đi. Chúng ta Lập Hạnh đi, thì 25 vị Bồ-Tát sẽ ở sát bên ta giúp đỡ cho ta, chúng ta vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, một đời thành đạo.
Xin chư vị cố gắng đi thành đạo, đừng đi xuống địa ngục. Xuống địa ngục thì không có ai cứu ta được nữa đâu!
Nam Mô A-Di-Đà Phật.