Khế Lý – Khế Cơ (Tọa Đàm 10) Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị

Share on facebook
Share on twitter

KHẾ LÝ – KHẾ CƠ

(Tọa Đàm 10)

Nam Mô A-Di-Đà Phật

Trong việc tu hành có hai vấn đề mà chúng ta thường nhắc trong những ngày gần đây, thứ nhất là “Lý Đạo”, thứ hai là “Sự Đạo”.

“Lý Đạo” là chúng ta không đi ra ngoài quỹ đạo của Phật, những lời khuyên dạy trong kinh điển. “Sự Đạo” là phải biết ứng hợp cho đúng. Nếu chúng ta không chú ý tới “Sự Đạo”, thường khi “Lý Đạo” thì đúng mà ứng dụng để tu hành thì sai. Tại vì tất cả kinh điển, những lời Phật dạy đều có cái đối tượng ứng trị khác nhau chứ không phải giống nhau.

Trong vấn đề ứng trị đó, về lý đạo chúng ta không nên chú tâm tìm hiểu những đạo lý quá cao siêu, vì những đạo lýquá cao siêu thường thường chỉ hợp những căn cơ rất cao. Chúng ta chỉ nên áp dụng làm sao cho cụ thể những việc hàng ngày chung quanh chúng ta, thì tự nhiên việc tu hành không có gì trở ngại và chúng ta cũng dễ được thành tựu.

Đem việc “Khế Lý – Khế Cơ” ứng dụng vào vấn đề hộ niệm cũng rất là hay. Ví dụ như có người vì không tin vào sự hộ niệm, nên suốt cuộc đời của họ khó có thể thấy được một người vãng sanh, vì vậy họ cứ nghĩ rằng không có vãng sanh. Ngược lại, có những người khi hộ niệm thành công một số trường hợp, ví dụ như ở Việt Nam có những ban hộ niệm người ta báo cáo hơn 100 người vãng sanh. Có ban hộ niệm thì 77 – 78 người vãng sanh, và thành phần bị rớtvãng sanh chiếm cỡ chừng một phần ba, nhiều khi một phần tư, cũng có ban hộ niệm cỡ chừng một nửa, một nửathành công, một nửa thất bại. Khi họ hộ niệm được một số người vãng sanh như vậy, tự nhiên họ thấy rằng hình như chính họ có một cái năng lực nào đó để làm cho người ta vãng sanh. Đây chính là cái mốc điểm thối chuyển chứ không hay ho gì hết! Thường thường gặp những trường hợp như vậy, thì Diệu Âm hay khuyên rằng:

– Khi một người mà được ta hộ niệm vãng sanh, thì xin chư vị hãy nhớ cho, người vãng sanh đó là do thiện căn phước đức của chính người đó. Ta phải nói là do thiện căn phước đức của chính người đó kết hợp lại, rồi ta tạo cái duyên cho họ. Hoặc mình nói rằng, thiện căn phước đức của người đó đã chín muồi, khi gặp cái duyên này, tức là duyên hộ niệm, người ta mới hội tụ được cái thiện căn phước đức đó mà vãng sanh về Tây Phương.

Mình nói như vậy thì hay hơn là nói rằng, “À! Người này nhờ tôi hộ niệm mà được vãng sanh”.

Thường thường những lời nhắc khéo này để cảnh cáo những người hộ niệm hãy bớt đi cái tâm ngạo mạn. Khi liên lạcvề Việt Nam, thường thường tôi liên lạc những ban hộ niệm lớn trước, thì phát hiện ra điều này, lâu rồi chứ không phải là mới đây. Thì trong cơ hội này tôi xin nói ra, mong rằng những lời nói này sẽ đến tai những người đó. Tôi thấy rằng cái tâm ý cống cao ngã mạn của người hộ niệm đã khởi lên. Từ từ nó khởi lên! Có người hộ niệm cho rằng họ có khả năng cứu độ chúng sanh! Khi gặp những trường hợp như vậy, tôi áp dụng theo lời khuyên của Hòa Thượng Tịnh-Không, là chỉ khuyên ba lần, không bao giờ khuyên tới bốn lần. Trực tiếp nói rất mạnh thì hai lần, lần thứ ba thì bắt đầu nói xa nói gần, đến lần thứ tư thì chỉ nói chung chung, chứ không nói thẳng nữa. Người nào nghe thì nghe, không nghe thì thôi, chứ bây giờ không biết làm sao hơn!…

Trường hợp này gọi là “Thối Chuyển”! Cũng như chúng ta tu hành ở đây, khi thấy rằng ta niệm Phật như vậy là tốt!Công phu của ta như vậy là hay! Tự nhiên ta thấy có cái gì chứng đắc! Khi đã thấy một cái gì chứng đắc, tức là khởi đầu từ đó cái tâm thối chuyển! Chắc chắn như vậy. Thối chuyển ở chỗ nào? Vì tâm ý của những người thấy rằng mìnhchứng đắc đã bị nạn cống cao ngã mạn nổi lên rồi. Trong sáu cái phiền não căn bản của một người phàm phu, Tham, Sân, Si, Mạn… Thì “Mạn” nó nằm cái hàng thứ tư. Khi đã ngã mạn lên rồi thì thường thường nối theo “Ác Kiến”. Ác kiến là gì? Thường thường cho ta chứng đắc, bắt đầu khinh khi người khác. Cái “Mạn” này cũng có thể nằm trong những người đi hộ niệm. Đầu tiên tâm người hộ niệm chân thành, có lòng từ bi đi hộ niệm cho người ta. Những lần đầu tiên vì quá chân thành, quá tin tưởng, quá nhiệt tâm nên cảm ứng rất mạnh, họ cứu độ rất nhanh. Có những banhộ niệm khi gặp được phương pháp hộ niệm, một tuần sau họ báo cáo có người vãng sanh, hai tuần sau, ba tuần sau có người vãng sanh. Có một người được vãng sanh đã làm cho niềm tin của những người chung quanh lên rất cao và sau đó người ta hộ niệm hầu hết được thành công, có thể nói mười vụ thành công được chín vụ. Khi số lượng vãng sanh lên cao như vậy, tự nhiên họ thấy rằng họ có cái năng lực nào đó!… Từ đó bắt đầu mới sinh sự ra! Khi sinh sự ra như vậy, thì chỉ cần có một vụ, hai vụ trở ngại, thì tâm bắt đầu thối xuống… Đây là lời nhắc nhở chung. Chắc chắn ở đây thì chúng ta chưa lâm vào tình trạng này, nhưng xin chư vị cũng nên lưu ý, tại vì Niệm Phật Đường chúng ta là đạo tràng hộ niệm. Chúng ta phải nhớ rằng, hộ niệm cho một người được vãng sanh là do cái phước phần của người đó.

– Người đó có quyết lòng hay không?

– Người đó có Tín hay không?

– Có Nguyện hay không?

– Hạnh đủ hay không?”…

Đó đều là phước phần của họ và chúng ta chỉ là cái duyên mà thôi. Như vậy khi hộ niệm cho một người mà họ không được vãng sanh là phải trả về cho chính họ:

– Người đó có thực hiện được hay không?

– Người đó còn có tham chấp hay không?

– Người đó còn có thị phi hay không?

– Người đó còn có tin tưởng hay không?

– Hay là, ở trước đạo tràng thì tin tưởng, về nhà thì mất tin tưởng!

– Ở trong Niệm Phật Đường thì niệm Phật, ra khỏi Niệm Phật Đường thì thị phi ganh tỵ!

– Ở trong Niệm Phật Đường thì nguyện vãng sanh, về nhà thì “Nguyện phim chưởng”!…

Ví dụ như hôm trước, rõ ràng là một người mà chính mình tới hộ niệm mấy lần, khuyên răn hết lời, lo đầy đủ hết. Ấy thế khi tình cờ đi thăm thì thấy cả nhà đang ngồi coi phim chưởng. Thật tình, khi gặp như vậy, tất cả tinh thần của mình bị xuống… xuống như diều đứt dây! Tôi đã nói thẳng thắn, nếu để tôi bắt gặp một lần nữa, nhất định không hộ niệm tiếp. Tại vì chính người ta không tha thiết chuyện vãng sanh, thì làm sao chúng ta có thể cứu người ta vãng sanh được?…

Trở lại vấn đề người hộ niệm, sau khi có một số thành công mỹ mãn thì thường khởi lên những tâm ý ngạo mạn. Việc này tôi cũng có nhắc nhở trong Internet, cũng có thường điện thoại, nhưng không cách nào nhắc nhở hết được. Vì nhiều lắm cũng chỉ liên lạc được một vài chỗ thôi, chứ hàng mấy trăm ban hộ niệm làm sao nhắc nhở cho hết. Thì lời này cũng chỉ là nói chung. Nếu chúng ta nghĩ rằng mình có khả năng như vậy, thì có thể chúng ta sẽ bỏ niệm Phật luôn! Vì đã có khả năng cứu người vãng sanh, thì mình cũng dư sức vãng sanh rồi!?… Đây là một cái bẫy rất tệ hại, nó sẽ làm cho mình mất phần vãng sanh!

Hơn nữa, đôi lúc cũng có những người sau khi hộ niệm cho người ta được một số vãng sanh rồi, thì tự nhiên thấy có những cảm ứng này cảm ứng nọ!… Rồi tự dưng đi ra khoe này khoe nọ!?… Gặp như vậy, tôi nói, nhất định đừng bao giờ nghĩ rằng, mình hộ niệm cho người ta là Nhân, thì cái Nhân này sẽ làm thành cái Quả. Tôi nói, Nhân-Quả này đúng, nhưng mà Duyên của chị đã mất rồi. Cái duyên cống cao ngã mạn không phải là duyên về Tây Phương Cực Lạc. Cái duyên tự cho mình ngon hơn thiên hạ không phải là cái duyên về Tây Phương Cực Lạc. Nên nhớ cho kỹ điểm này.

Cũng có lúc sau một thời gian hộ niệm được vãng sanh rồi, thì lời điều giải oan gia trái chủ của người hộ niệm cũng khác đi. Tôi phát hiện như vậy!… Khác chỗ nào? Khi điều giải oan gia trái chủ họ nói có vẻ tự thị lắm! Họ nói những lời giống như một người thầy dạy đứa học trò, dạy những người oan gia trái chủ. Nhiều người đã nói những lời rất trịch thượng. Khi gặp vậy, thường thường tôi cũng cảnh cáo liền…

Chúng ta cứu người bịnh, nhưng cũng phải có tâm cứu luôn những vị oan gia trái chủ của người bịnh nữa. Đó mới thực sự là Phật Pháp, mới thực sự là đại từ đại bi, bình đẳng.

Những vị oan gia trái chủ đó thực sự là nạn nhân của người bịnh đó, chứ không phải người bịnh là nạn nhân của oan gia trái chủ. Trên nguyên tắc, người bịnh đó đã sát hại họ trước, nay họ chỉ đến đòi lại sự công bằng mà thôi. Cho nên trước những hiện tượng này, chúng ta không được quyền làm một điều gì để trấn áp các vị oan gia trái chủ, mà mình phải cúi đầu xuống, chắp tay lại, lạy lục, khẩn nguyện các Ngài và cái tâm của mình là tâm cứu những vị oan gia trái chủ đó. Mình thành tâm khuyên giải họ, chứ không phải vì cứu người bịnh mà chúng ta làm hại đến các vị oan gia trái chủ. Đây là việc hoàn toàn sai lầm! Có thể trong lúc đó mình có tới năm, bảy chục người. Quá mạnh! Cái lực của mình mạnh quá làm cho các vị oan gia trái chủ phải dạt ra khiến ta cứu được người bịnh. Nhưng dạt ra đó không phải là do sự tự nguyện của họ đâu à! Như vậy vô tình mình rước lấy những sự xích mích, thù hằn cho chính cá nhân mình sau này mà mình không hay!?…

Cho nên, tôi khuyên các vị hộ niệm đó nhất định không bao giờ được đánh giá những vị oan gia trái chủ là hung hiểm, xảo quyệt, ác hiểm… Mình không được quyền nói như vậy. Mà phải kêu các vị đó bằng Ngài, và mình thành tâm để cứu họ. Vì muốn cứu họ, nên mình khuyên họ đừng có chấp vào thị phi nữa, đừng có chấp vào giận hờn nữa, đừng cótrả thù qua lại nữa… Chúng ta hãy cùng nhau niệm Phật để liễu thoát sinh tử. Chúng ta thành tâm khuyên như vậy, thì với lòng thành tâm của mình, tất cả mọi người đều thành tâm, thì tự nhiên được cảm ứng.

Luôn luôn bắt buộc người bịnh phải sám hối, phải nhận lấy những cái lỗi này. Phải thành tâm sám hối và chỉ có người bịnh thành tâm sám hối thì mới gỡ được ách nạn. Nếu người bịnh không thành tâm sám hối mà mình dùng cái lực của mình để ép buộc các vị oan gia trái chủ phải dạt ra, họ dạt như vậy chẳng qua cũng tạo thêm sự căm hờn! Họ trả thùngười bịnh không được, coi chừng họ đi trả thù những người bắt họ phải dạt ra. Chính vì vậy, xin thưa với tất cả chư vị, phải nhớ là luôn luôn chúng ta có cái tâm gọi là “Từ Bi Bình Đẳng” cứu những vị oan gia trái chủ, cứu cả người bịnh, thì mới có thể an toàn cho người bịnh, an toàn cho mình. Đây gọi là cứu độ bình đẳng tất cả chúng sanh vậy.

Mong cho những lời này đến được tai những người hộ niệm, xin cần chú ý thật kỹ. Đừng nên sơ suất nữa.

A-Di-Đà Phật

 

KHẾ LÝ - KHẾ CƠ (2010)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –