Khế Lý – Khế Cơ (Tọa Đàm 45) Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị

Share on facebook
Share on twitter

KHẾ LÝ – KHẾ CƠ

(Tọa Đàm 45)

Nam Mô A-Di-Đà Phật,

Mỗi lần chúng ta đi hộ niệm là một lần chúng ta làm giàu kinh nghiệm tu hành để vãng sanh. Khi tham gia một số ca hộ niệm rồi, quý vị mới thấy phương pháp hộ niệm phải cần được mở rộng, phải giao lưu cho rộng rãi, vận động cho đa số quần chúng biết được, có như vậy mới hy vọng cứu được chúng sanh. Nhiều người biết được phương pháp hộ niệm làm cho chính ta cũng an tâm trên con đường vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

Trong mấy tuần qua trên bảng cầu siêu của chúng ta có thêm một số người, trong đó có những người có liên quan tớichúng ta. Tôi xin nêu ra những trường hợp đặc biệt cụ thể để chúng ta rút kinh nghiệm trong con đường cứu người.

Có bốn trường hợp ra đi trong mấy tuần qua, trong đó thì có ba trường hợp ở trong nước, một trường hợp thì ở đây. Trong bốn trường hợp đó, mỗi trường hợp mỗi khác nhau.

– Trường hợp thứ nhất:

Là một vị cũng có duyên với đạo tràng, đã đến đây xin hộ niệm. Ngay lần đầu tiên gặp gỡ, chúng tôi dặn dò rất kỹ, đưa cái bản nội quy, khuyên phát tâm niệm Phật liền, không được chờ và đưa ra tiêu chuẩn rất thấp là cố gắng niệm một ngày mười lăm chuỗi đủ rồi, sáng năm chuỗi, trưa năm chuỗi, chiều năm chuỗi. Đó là cái tiêu chuẩn thấp nhất, vì biết rằng người này không chịu niệm Phật, nhờ cái đà đó mà mình sẽ giải quyết trong những lần sau. Thế mà người đó không chịu niệm, để rồi chúng ta chưa kịp làm gì hết thì vị đó đã ra đi.

Đây là trường hợp người không chịu niệm Phật! Thôi! Đành phải chấp nhận thương đau trong vô lượng kiếp, không cách nào có thể cứu được!

Khi chúng ta tới đây niệm Phật, không phải là thấy ở tại đây có ban hộ niệm thì ỷ lại. Nhiều người có cái vọng tưởngnhư thế này:

– Ông Diệu Âm hộ niệm hay lắm. Hễ có ổng là vãng sanh!

Điều này hoàn toàn sai lầm! Vì khi gặp tôi, tôi cũng đặt điều kiện rất cứng rắn, là chư vị phải niệm Phật, phải lo niệm Phật ngày đêm thì may ra mới có thể cứu được. Chứ còn không, nên nhớ chính tôi cũng là một phàm phu tục tử, chưa chắc gì giúp ích cho chư vị nếu tự cá nhân chư vị không chịu hạ thủ công phu niệm Phật. Đây là trường hợp thứ nhất đã quá rõ ràng, chúng ta không cần giải thích thêm nữa.

– Trường hợp thứ hai:

Một người đã qua cái tuổi bát tuần, gặp một cơ duyên đọc một quyển sách tự nhiên “Ngộ Đạo!” và lo niệm Phật. Nhưng vừa mới niệm Phật, thì người con mừng quá tới nói với tôi mà rơi nước mắt:

– Trời ơi!… Anh biết không? Cha tôi 76-77 tuổi rồi, từ nhỏ đến lớn chưa biết niệm Phật, mà vừa đọc cuốn sách đó thìphát tâm niệm Phật.

Vui mừng đến nỗi nói mà rơi nước mắt. Thế thì anh đó tìm gửi không biết bao nhiêu là Pháp về cho ông Cụ.

Gặp như vậy tôi chận lại và nói, nếu anh muốn ông Già anh niệm Phật vãng sanh thì anh đừng có gửi Pháp tới nữa, mà hãy lợi dụng ngay cái bộ sách đó, ngay cuốn sách đó, tại có duyên mà. Hãy cứ nương theo đó để củng cố con đường niệm Phật cho ông Cụ, thì dễ cứu ông Cụ vãng sanh.

Người đó không chịu nghe, cứ nói rằng, Pháp này quá hay, tuyệt vời… Nếu không nghe kịp thì làm sao mà vãng sanh? Thế là anh cứ gửi về, gửi về… Tôi nói, nếu anh không nghe lời tôi, coi chừng vài tháng sau ông Cụ không niệm Phậtnữa đó. Thật đúng như vậy, khoảng sáu tháng sau, ông Cụ nói:

– Sao mà cái này nói như thế này, cái kia nói như thế kia? Mệt quá! Thôi! Ta không niệm nữa.

Ông Cụ đã nói thẳng thắn rằng không niệm nữa, sau đó trở lại tiếp tục nhậu nhẹt, để cuối cùng thì ra đi trong mê mê mờ mờ. Thật là tăm tối!… Đây là trường hợp thứ hai. Một chuyện cụ thể có tính điển hình để chúng ta rút kinh nghiệmvề con đường hướng dẫn hộ niệm vãng sanh.

Đi đường nào phải đi một con đường. Phải chuyên, nhất định không được đa tạp. Mỗi người có một cái “Duyên”. Mộtcuộc đời của một ông Cụ chưa biết tu, nhưng nhờ thiện căn phước đức hay sao đó không biết, có duyên gặp một bộ sách, đọc được mấy câu rồi phát tâm niệm Phật. Như vậy, chính cái duyên của ông Cụ là tập sách này. Đúng ra thì cứ từ từ để cho ông Cụ niệm Phật đi, mình củng cố con đường niệm Phật cho ông Cụ. Ông phát tâm niệm Phật, niệm Phật thì có thể được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, chứ đâu phải nghe Pháp là vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc? Vì quá vội vã nên hướng dẫn sai! Quyết định sai! Sai rõ rệt! Mình ở đây ngày nào cũng tu, 365 ngày đều niệm Phật, chưa chắc gì mình nghe được cái núi Pháp đó. Giờ đâu mà nghe? Thế thì làm sao có thể bắt một ông Cụ phải nghe? Mà nghe rồi thì sao? Mình tưởng rằng những bài Pháp này đơn giản lắm à? Thực ra, đối với những người mới biết đạo, không thể nào họ tiếp thu dễ dàng được!

Đây là trường hợp không chịu chuyên, không chịu bắt lấy một cái cơ hội. Chỉ có một cái cơ hội đó thôi được vãng sanh. Nếu tạo ra quá nhiều cơ hội khác thì loạn cái tâm đi. Chính vì vậy mà không được thành tựu. Đây thực là mộtkinh nghiệm đáng giá cho chúng ta suy nghiệm.

– Trường hợp thứ ba:

Cũng rất đáng chú ý để chúng ta rút kinh nghiệm. Cũng là một người biết tu, người con đã biết hộ niệm nhưng lại không chịu nghiên cứu kỹ phương pháp hộ niệm. Khi hộ niệm cho người thân của mình, lại áp dụng phương thức hoàn toàn sai!… Sai ở chỗ nào? Cứ bắt buộc, ép buộc người bịnh phải làm theo ý mình mới được. Đây là cách hướng dẫnhoàn toàn đi ngược với phương pháp hộ niệm cho người vãng sanh.

Sau này chúng ta đi hộ niệm cho một người cũng phải chiều cho được người đó, hãy nương theo ý muốn của người đó để tìm cách chuyển lần, chuyển lần. Phải vận dụng phương tiện, nương theo sở thích của người đó mà giúp cho họ. Giả sử như sau cùng giúp không được, thì cũng tại vì duyên phần của người ta, chứ không cách nào khác hơn.

Ta không thể nào nói rằng, Ba phải nghe như thế này, Mẹ phải nghe như thế kia để được vãng sanh. Hoàn toàn sai lầm! Vì không hiểu, đã áp dụng quá nguyên tắc, đem tới cho người bệnh nhiều phiền não! Mình thì niệm Phật, người bệnh thì phiền não. Chính người bệnh phiền não thì họ bị đọa lạc! Đây cũng là trường hợp cần phải nhớ khi đi hộ niệm.

Nên nhớ, mình thấy điều này hay, mình khuyên bà Cụ, khuyên ông Cụ, khuyên người bịnh nhưng phải biết áp dụngphương tiện thiện xảo, không thể nào quá cứng ngắc.

– Người bệnh nói, tôi niệm “A-Mi-Đà Phật”. Mình nói, “A-Di-Đà Phật” mới được! Mình niệm trái ý người bệnh thì nhất định họ mất phần vãng sanh!

– Một người bệnh nói, tôi niệm “Nam Mô A-Di-Đà Phật”. Mình nói “A-Di-Đà Phật” đủ rồi, bỏ chữ “Nam Mô” đi. Mình bắt người ta phải bỏ chữ “Nam Mô”, người ta mất vãng sanh!

– Một người nào đó họ nhất tâm niệm “A-Di-Đà Phật”. Bây giờ mình thấy âm “A-Mi-Đà Phật” hay quá, mình nói “A-Mi-Đà Phật” mới đúng, không được niệm “A-Di-Đà Phật”. Cưỡng bức người bịnh thì làm cho họ mất phần vãng sanh!

Làm như vậy là ứng dụng sai nguyên tắc hộ niệm!

Nghiên cứu về hộ niệm, chúng ta cần phải đi sâu vào mới thấy. Rõ ràng nó bao trùm cả pháp giới chứ không phải đơn giản. Chính vì không biết uyển chuyển, không chịu để cho người bịnh thoải mái, thành ra sau cùng cũng đành khóc ròng để tiễn đưa người thân của mình đi vào những chốn khổ nạn trong tương lai! Đành chịu thôi, chứ biết cách nào khác hơn?

– Một trường hợp thứ tư:

Xảy ra cũng mới vừa đây, người đó được vãng sanh, mà như hôm qua tôi báo cáo cho chư vị. Thật bất khả tư nghì!

Trường hợp này tôi cũng biết, người này có một người cháu ở bên Tiệp, trong năm ngoái có gặp tôi, học cách hộ niệmrồi về ứng dụng liền. Ông Cụ này không phải là không tu, cũng có tu, nhưng mà tu cũng giống như những người khác. Khi biết được phương pháp hộ niệm, tự nhiên Ông ta phát tâm niệm Phật liền. Nương thẳng vào cơ hội này, Ông taniệm Phật ngày đêm quyết lòng về Tây Phương, rồi người cháu đó về quê thành lập một ban hộ niệm tại chỗ để hộ niệm cho ông Cụ. Trước đây cỡ chừng ba, bốn tuần, chúng ta có để tên của ông Cụ để cầu an, tiêu tai giải nạn. Bây giờ người cháu đã thông báo rằng ông Cụ ra đi để lại một thoại tướng bất khả tư nghì.

Đây là một trường hợp tích cực để chúng ta rút thêm kinh nghiệm! Tại sao ông Cụ này lại được vãng sanh? Chính là do “Duyên Phần”. Khi gặp được phương pháp hộ niệm nói về vãng sanh, ông Cụ hạ quyết tâm ngay lập tức, buông xảhết tất cả, không sợ gì nữa, quyết lòng niệm Phật. Ông Cụ niệm Phật ngày, niệm Phật đêm quyết định đây là con đường phải đi. Quý vị thấy đó, ban hộ niệm đã hộ niệm được mấy tháng thì vãng sanh. Trước khi vãng sanh ông Cụ vẫn bị đau đớn, vẫn bị khổ sở bởi nghiệp chướng báo hại ông ta cả mấy tháng trường chứ không phải tầm thường. Thế nhưng ông Cụ quyết lòng niệm Phật, kiên trì, không sợ gì hết. Quý vị thấy, một lần phát tâm tự nhiên có sự gia trì.

Chúng ta tới đây hàng ngày niệm Phật với nhau, chúng ta hạ quyết tâm nhưng tu theo kiểu tà tà thì coi chừng thua ông Cụ. Ông Cụ mới phát tâm, hình như là chưa tới hai năm, hơn một năm thôi. Hạ quyết tâm ông Cụ thành tựu. Không hạquyết tâm, nếu ông Cụ cứ chờ… chờ… chờ!… Chờ thì nhất định bị hại! Chính vì vậy, đây chính là một kinh nghiệm cógiá trị đối với con đường giải thoát.

Bây giờ xin hỏi, ta đã hạ quyết tâm chưa? Nếu ta đã hạ quyết tâm, thì chứng tỏ có niềm tin vững. Niềm tin này nó sẽsoi sáng con đường vãng sanh, chứ không phải cứ nói rằng tới đây có ban hộ niệm, ban hộ niệm này sẽ giúp mình…Hoàn toàn không phải. Ban hộ niệm chỉ có hướng dẫn cho mình từng chút từng chút để mình đi. Mình hạ quyết tâmthì:

– Mình tiếp xúc được với quang minh của Phật.

– Mình tiếp nhận được lời khai thị của ban hộ niệm. và…

– Mình theo như vậy, mình đi đúng đường, mình được vãng sanh.

Mình tới đây với lòng hồ nghi!… Hồ nghi! Sự hồ nghi biến thành một cái tấm màn chắn, giống như tấm bảng, tấm chắn đó ngăn cản đường vãng sanh. Quang minh của Phật luôn luôn phổ chiếu tới mình, nhưng quang minh của Ma Vươngcũng luôn luôn phổ chiếu tới, tranh giành một cái thân khổ nạn này. Nếu mình không tin tưởng thì giống như có một cái tấm chắn, chận ngang quang minh của Phật lại. Quang minh của Phật vì cái tấm chắn này chiếu qua không được. Khiquang minh của Phật bị chận, thì những quang minh khác tự do tràn ngập. Quý vị có thể tưởng tượng như vầy, ví dụ, có một ánh đèn xanh bên này, một ánh đèn đỏ bên kia, mình lấy một cái màn chận ánh sáng đỏ lại, thì tự nhiên cả cái thân người của mình toàn màu xanh hết, tại vì cái quang minh màu đỏ không chiếu tới được. Mình tin tưởng cho vững vàng lời A-Di-Đà Phật thì tự nhiên có một cái tấm chắn… chắn tất cả những quang minh khác, những sức tiếp độ khác, quang minh của Phật hoàn toàn tiếp xúc với mình, mình đi về với Phật. Mình không chịu tin, mình đi mập mờ, thì tự nhiên quang minh của Phật vì lòng tin mập mờ của mình mà bị ngăn chặn, đây gọi là ngăn ngại, ái ngại, chướng ngại… Do đó tất cả những luồng quang minh của lục đạo luân hồi sẽ phổ quát ra, sẽ tự do bao trùm mình lại, lôi mình đi vào con đường đọa lạc…

Bốn trường hợp này đều là kinh nghiệm quý báu cho chúng ta suy nghiệm. Xin nhắc lại thật kỹ những điểm quan trọng:

– Niềm tin vững chưa? Niềm tin vững thì…

– Phát nguyện vững chưa? Tha thiết chưa?… Nguyện vãng sanh về Tây Phương.

– Đường đi vững chưa? Niệm câu A-Di-Đà Phật có chuyên nhất hay không?

Ba điểm này giúp cho chúng ta vãng sanh về Tây Phương, nhất định không thể nào bị trở ngại!

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Read more: https://hoiquanadida.com/phap-su/chi-tiet/khe-ly-khe-co-toa-dam-45-2019.html#ixzz7Qpz3N6Lv

KHẾ LÝ - KHẾ CƠ (2010)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –