Khế Lý – Khế Cơ (Tọa Đàm 21)

Share on facebook
Share on twitter

KHẾ LÝ – KHẾ CƠ

(Tọa Đàm 21)

Nam Mô A-Di-Đà Phật,

Trong chương trình nói về “Khế Lý – Khế Cơ” là để nhắc nhở cho chúng ta trong thời mạt pháp này phải biết trạch pháp để tu hành.

Lý đạo thì thâm sâu cao rộng quá, chúng ta niệm câu A-Di-Đà Phật thì chắc chắn không thể nào sai Lý được. Vậy thì, điều này chúng ta hãy an tâm. Còn việc “Khế Cơ” là thật ra để ứng hợp với căn cơ hạ liệt của chúng ta, phải áp dụngcái phương cách nào an toàn thì mới được thiện lợi. Chính vì vậy mà trong những ngày qua ở đây hoàn toàn không có chủ trương lập nên một chương trình nào để niệm Phật “Nhất Tâm Bất Loạn”, “Niệm Vô Niệm”. Đây thật sự là một lý tưởng tốt, nhưng căn cơ của những người hạ liệt như chúng ta không làm nổi! Không làm nổi mà cố gắng làm, thì như chư Tổ thường hay nói, cái lực của mình không đáp ứng đúng cái tâm nguyện của mình, gọi là “Lực bất tòng tâm!”. Từ đó có thể đưa tới chỗ trở ngại!

Có nhiều người không để ý đến sự ứng hợp căn cơ, tu hành mới đầu thì thấy hay, nhưng sau cùng thì kết quả thường thường bị trở ngại rất nhiều. Chính vì thế, trong chương trình công cứ niệm Phật đưa ra chỉ để cho chúng ta tập tu hành cần cù, kiên nhẫn, chân thành… bám lấy câu A-Di-Đà Phật. Hãy niệm cho thành thục, niệm thành một thói quenđể mong cầu trước những giây phút lâm chung, ta được nhiều điều thiện lợi.

Bắt đầu từ khi vận động chương trình lập công cứ, đến nay đã có một số vị, cũng khá đông rồi, đều nhận công cứ về để niệm Phật. Có những vị đã niệm được trên mười ngàn câu A-Di-Đà Phật một ngày. Công phu này được, có triển vọng. Trên mười ngàn câu, mười lăm ngàn câu, thì công cứ này bắt đầu đã có hiệu lực tốt. Có một ít người niệm được hai chục ngàn câu niệm Phật một ngày. Đây là điều tốt. Hạ quyết tâm như vậy tốt. Có những vị đã niệm được hai mươi lăm ngàn câu A-Di-Đà Phật trong một ngày. Điều này rất là đáng khen. Tiêu chuẩn này đáng khích lệ, đáng khen! Và cũng có người nhận cái công cứ về và đã khẳng định niệm trên năm chục ngàn câu A-Di-Đà Phật trong một ngày. Đây là công phu rất được tán thán. Muốn làm được như vậy phải hạ quyết tâm lớn lắm. Ngoài ra thì cũng có những vị niệm được năm ngàn câu, bảy ngàn câu một ngày. Số này thì nhiều hơn một chút. Được! Khích lệ! Nên cố gắng tăng thêm.

Cái nghiệp chướng của chúng ta lớn lắm! Nếu mà lơ là, phí thời gian vào những chuyện vô ích, thì sau cùng ta vẫn có thể bị trở ngại. Vận mạng của mình, cái thân này thì vô thường, cái huệ mạng ngàn đời ngàn kiếp thì quá nguy hiểm, mà đến nay cũng có người hình như chưa phát tâm lập công cứ niệm Phật. Thì đây cũng là tùy duyên mà thôi!…

Trong con đường đấu tranh với sanh tử luân hồi, đấu tranh với tam ác đạo để vượt qua những cảnh khổ vạn kiếp, mỗi người chúng ta phải tự lo lấy. Người nào tu người đó đắc. Vợ tu vợ đắc, chồng tu chồng đắc. Bạn bè đồng tu với nhau tới Niệm Phật Đường này, người nào hạ quyết tâm niệm Phật sẽ được vãng sanh. Người không hạ quyết tâm niệm Phật, thì sau cùng không được vãng sanh, tức là bị lọt vào trong những cảnh khổ đau. Nếu có tình cảm với nhau thì nhiều lắm là góp chút ít tiền, mỗi người vài chục đô-la, mua một vòng hoa tới phúng điếu là cùng! Chứ không còn cách nào khác hơn được nữa!…

Vì thế, kính thưa với chư vị, phải cố gắng lên. Nhất định niệm Phật đừng bao giờ đợi tới lúc yếu rồi mới niệm nhé!… Không phải! Trước kia chúng ta không biết, bây giờ lỡ yếu rồi thì cố gắng tranh thủ mà niệm. Nếu yếu quá niệm không được, nên số lượng câu A-Di-Đà Phật niệm không nhiều, thì chúng ta hãy lấy cái tâm chân thành tha thiết muốn vãng sanh để niệm, ráng niệm được câu nào hay câu đó. Nhờ vậy mà giải bớt ách nạn, để sau cùng rồi ta được phước phần cảm thông của chư đại Bồ-Tát, của chư Thiên-Long Hộ-Pháp, với những vị oan gia trái chủ, rồi nhờ các bạn đồng tu tới hộ niệm, ta vẫn có thể được may mắn.

Nhưng dù thế nào đi nữa cũng phải cố gắng. Cố gắng tối đa! Bên cạnh đó phải nhớ rằng, khi mình thành tâm cố gắng như vậy thì A-Di-Đà Phật sẽ phóng quang gia trì, quang minh của Ngài chủ chiếu đến ta, nhiều khi nghiệp chướng của ta tiêu đi rất nhiều mà không hay. Chứ nếu thấy mệt mình buông xuôi, thì sau cùng mình niệm câu A-Di-Đà Phật không được. Những người còn khỏe chưa bịnh thì phải lo đi! Đừng nên đợi tới lúc yếu mới tính. Vì xin thưa, lúc khỏe như thế này mà không niệm Phật, chỉ chờ tới Niệm Phật Đường vài tiếng đồng hồ, niệm vài câu rồi về, rồi đi chơi, rồi tán gẫu… thì sự niệm Phật ở Niệm Phật Đường này cũng chỉ là niệm thử, niệm chơi!… Đến lúc nghiệp báo trổ ra rồi, nó đến rồi, xin thưa, khi đó cái lưỡi của chúng ta đã bị đớ rồi, không nói được nữa, nhiều khi tiếng “Phật” mà thành ra tiếng “OẠS!…”, tiếng “OÀH!…”. Nói không được đâu!…

Trong kinh, Phật có nói đến điều này. Một trong những hạng người không được vãng sanh, thì có hạng người bị trúng gió, á khẩu… niệm Phật không được. Chúng ta đừng nghĩ rằng cái miệng tôi không niệm được, nhưng tâm tôi niệm. Không phải đâu à! Không có chuyện dễ như vậy đâu à! Nếu nói rằng cái miệng tôi niệm không được, nhưng tâm tôi niệm được, thì đây là những người tâm họ rất thành, lòng họ rất kính. Họ đã hạ quyết tâm nhiều lắm rồi. Cái nghị lựccủa họ đã được nuôi sẵn rồi, nên lúc đó người ta mới niệm được. Những người có nghị lực sẵn như vậy, thì nhứt định trong lúc khỏe này:

– Người ta buông bỏ hết tất cả những niệm thế gian ra, tranh thủ để niệm Phật, ngày đêm niệm Phật, âm thầm niệm Phật, lặng lẽ niệm Phật…

– Không bao giờ thấy người đó đi ra ngoài shop đâu à!

– Không bao giờ thấy họ tụm hai tụm ba người mà nói chuyện đâu à!

Họ âm thầm lặng lẽ niệm Phật.

– Đó mới là những người có nghị lực.

– Đó mới là những người có tâm thành.

– Đó mới là những người đã hạ quyết tâm niệm Phật.

Có như vậy thì câu A-Di-Đà Phật mới nhập vào tâm của họ, và cái nghị lực đó nó truyền từ bây giờ, nó nuôi từ bây giờ cho đến khi nằm xuống họ vẫn còn câu A-Di-Đà Phật trong tâm, dù rằng thân của họ có thể bị bại liệt. Chớ bây giờ còn đi rao rảo thế này, nói “O-O” thế này, mà nhứt định không chịu niệm Phật thì đến lúc đó không còn cách nào có thể niệm được câu Phật hiệu đâu!

Chính vì vậy, chúng ta cần phải sợ. Phật nói, những người á khẩu niệm Phật không được, tại vì những người hạ căn thấp kém nhứt như thế này trước những giờ phút lâm chung phải cất lên câu A-Di-Đà Phật, phải niệm Phật thành tiếng. Tại sao phải niệm Phật thành tiếng? Quý vị coi trong kinh đi, niệm ra tiếng có lực bố ma. Oan gia trái chủ của chúng ta mạnh hơn chúng ta gấp ngàn lần, trong khi đó thì thể lực của chúng ta lại yếu hơn lúc bình thường một ngàn lần. Cái tâm chúng ta thì mê man bất tỉnh rồi, quay cuồng, không còn một thể lực nào nữa, thì làm sao mà chúng ta có thể cất lên một tiếng Phật hiệu? Hiểu được những điều này xin chư vị hãy cố gắng tận sức mà niệm Phật. Nếu không, thì không còn cách nào trở tay cho kịp! Nên nhớ, một cơn đột quỵ nó đến không bao giờ báo trước. Một cơn ngất xỉu vì chứng suy tim mạch nó đến bất ngờ, một tiếng đồng hồ sau là tiêu liền.

Xin phải chuẩn bị ngay từ bây giờ.

– Niệm Phật thật là chân thành.

– Niệm Phật thật là thành tâm.

– Niệm Phật thật là nhiều.

Để chi? Nghiệp của chúng ta nhiều, ta không thể phá nghiệp được. Nhưng chúng ta có thể dùng câu A-Di-Đà Phật này làm tăng cái phước của mình lên. Giống như mình bị nợ tiền người ta, đã nợ tiền người người ta thì dù có sợ cái nợ cũng vô ích! Hãy lo làm việc đi, tích cực làm việc để kiếm tiền. Có tiền thì tự nhiên món nợ sẽ giảm xuống. Không có tiền thì bây giờ mình nghĩ tới món nợ đó, nghĩ cho đến ngàn đời, ngàn kiếp người ta vẫn nạo đầu mình như thường. Bây giờ đối với nghiệp chướng cũng vậy. Trong vô lượng kiếp mình đã tạo ra quá nhiều nghiệp chướng rồi. Bây giờđừng sợ nghiệp nữa, mà hãy dùng đến câu “Vạn Đức Hồng Danh” đi. Niệm một câu Phật hiệu lên có “Vạn Đức, Vạn Phước”. Cứ niệm cho thật nhiều lên, niệm cho thật chân thành lên thì phước đức của mình càng ngày càng tăng lên. Hễ phước đức của mình càng ngày càng tăng lên, thì tự nhiên nghiệp chướng của mình càng ngày càng giảm xuống.

Giống như mình nợ người ta, thì đừng sợ cái nợ! Hãy nói, “Bà chủ ơi! Đừng có lo! Tôi đang làm việc đây. Tôi đang làm “Overtime” đây. Đang làm ngày làm đêm đây”… Làm việc “Overtime” thì tiền mình có, thì món nợ đó sẽ giảm xuống, giảm xuống, giảm xuống… Đó là luật bù trừ. Chính vì vậy, xin tất cả chư vị hãy ráng cố gắng, đừng nên lơ là. Đừng nên để tới phút cuối rồi thì chúng ta không còn cách nào trở tay kịp đâu!

Mong cho những lời nói này làm chư vị giựt mình! Quyết lòng quyết dạ niệm A-Di-Đà Phật để chúng ta cùng vềTây Phương Cực Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

KHẾ LÝ - KHẾ CƠ (2010)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –