Khế Lý – Khế Cơ (Tọa Đàm 29) Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị

Share on facebook
Share on twitter

KHẾ LÝ – KHẾ CƠ

(Tọa Đàm 29)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Chúng tôi ở đây có một tờ giấy in ra từ một trang web chỉ cách hướng dẫn gia đình hộ niệm của ban hộ niệm Hoa-Sen ngoài Đà-Nẵng. Hay lắm! Chúng tôi sẽ in ra và để trong hộp phía trước, chư vị có thể lấy về để nghiên cứu, trong đó có những điều rất cụ thể. Càng cụ thể chừng nào thì chúng ta càng biết rõ rệt để đi hộ niệm cho những người bệnh và đồng tu vãng sanh.

Trở lại chủ đề của chúng ta trong mấy ngày hôm nay: “Hộ Niệm: Khế Lý – Khế Cơ”.

“Khế Lý” chính là câu A-Di-Đà Phật. Vì “Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”. Niệm Phật, chúng ta thành Phật luôn.Lý đạo này quá nhiệm mầu! Sâu thăm thẳm! Cao vời vợi! Không ai có thể giải thích được viên mãn! Đức Thế Tônthường hay dùng câu: “Bất Khả Tư Nghì”! Chư Tổ nói, bất khả tư nghì, là không thể nào có thể bàn luận được. Bàn luận là sai! Bàn luận sẽ không đi tới đâu hết. Trong kinh Hoa-Nghiêm, Phật nói: “Duy Phật dữ Phật phương năng cứu cánh”, là nói cho câu A-Di-Đà Phật. Có nghĩa là chỉ có Phật với Phật mới biết được cái vi diệu của câu A-Di-Đà Phật mà thôi. Chính chư vị đại Bồ-Tát cũng không hiểu được, các vị Bồ-Tát còn phải lấy lòng tin mà niệm Phật để về Tây Phương Cực Lạc.

Nhắc nhở như vậy để củng cố thêm niềm tin của chúng ta thật vững vàng, đừng nên hồ nghi. Chỉ cần một chút hồ nghithôi thì vô tình công phu chúng ta tu hành nhiều khi bị lạc mất, và sau cùng không vãng sanh được. Đây là một điềuhết sức là oan uổng!…

Nói về “Khế Cơ” tức là ta phải tìm một phương pháp nào thật hợp với căn cơ của chính mình để được thành tựu. Nếu sơ ý, chúng ta đi vượt qua khỏi căn cơ của mình thì chịu thua, không cách nào có thể giúp ích nhau được! Trong đó,pháp hộ niệm rất hợp với căn cơ của chúng ta. Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn thì pháp niệm Phật là “Tam căn phổ bị, phàm thánh tề thâu”. ba hạng Thượng, Trung, Hạ đều có phần. Chúng ta là đại hạ căn đi nữa cũng được câu A-Di-Đà Phật gia bị. Người phàm cũng dùng câu A-Di-Đà Phật để thành Phật. Thánh nhân cũng dùng câu A-Di-Đà Phật để thành Phật, gọi là “Tề Thâu”, “Bình Đẳng”. Hay chính là ở chỗ bình đẳng này. Phàm Thánh tề thâu, chư đại Bồ-Tát và phàm nhân đều được bình đẳng vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Điều này hay lắm! Tuyệt vời lắm!…

Tu theo pháp niệm Phật thì chắc chắn là mình chọn lựa không sai. Nhưng bên cạnh đó, cái pháp hộ niệm còn thấp hơn nữa, còn cụ thể hơn nữa. Vì trước những người bệnh sắp sửa rời bỏ báo thân, mình nhắc nhở họ, mình dụ dỗ họ để họ phát tâm niệm được câu A-Di-Đà Phật, họ tin tưởng vững vàng và họ tha thiết muốn vãng sanh. Làm sao giúp cho người đó có được cái tâm này:

– Nam Mô A-Di-Đà Phật cho con đi liền hôm nay…

– Nam Mô A-Di-Đà Phật con quyết lòng đi về Tây Phương…

Chỉ vậy mà thôi! Tức là làm sao ba điểm Tín-Nguyện-Hạnh này cho vững vàng trong tâm người bệnh, thì họ vãng sanh về Tây Phương. Đây là một chuyện mà xin thưa thật…

– Không cách nào có thể hiểu được!

– Không cách nào có thể bàn được!

– Gọi là “Bất Khả Tư Nghì!”…

Đây chính là sự gia trì của A-Di-Đà Phật. Chính là đại nguyện của đức A-Di-Đà Phật.

Làm sao một người trước những giây phút ra đi niệm được câu A-Di-Đà Phật. Niệm thành tâm chứ không phải niệm giỡn. Phát nguyện vãng sanh tha thiết. Phải phát nguyện vãng sanh, nhất định đừng có chen cái nguyện nào khác trong lúc sắp sửa buông xả báo thân và có niềm tin vững vàng thì A-Di-Đà Phật sẽ đến tiếp độ. Chỉ ba điểm này thôi xuất hiện ngay trong thời điểm đó, thì người đó được vãng sanh. Cho nên tất cả những gì mà hôm nay chúng ta nói, tất cả những điều chúng ta cộng tu ở đây… đều chuẩn bị cho cái giây phút đó hết.

Nói về “Khế Cơ” thì liên quan rất nhiều đến những gút mắc, những nghi vấn trong lòng, liên quan đến pháp vãng sanh, pháp hộ niệm, pháp niệm Phật. Thì trong giai đoạn này, xin chư vị nào có câu hỏi nên viết ra rồi để vào hộp ý kiến.Chúng ta sẽ cố gắng mổ xẻ càng sâu. Nếu có những thắc mắc chứa chấp trong lòng không thố lộ ra, thì nhiều khi chúng ta cứ đắm vào đó mà có thể bị trở ngại. Ví dụ như hôm qua, khi ở trên xe anh Hai có hỏi một câu mà làm tôi ngộ! Anh hỏi, có phải mười hai lạy là liên quan đến “Thập-Nhị-Nhân-Duyên” không? Mười hai là thập nhị đó! Câu hỏi này rất là hay!

Chính những nghi vấn này mình nên khui ra. Nhiều khi có những vấn đề mình hiểu rồi, nhưng cũng nên hỏi ra, vì biết rằng còn có người chưa hiểu!

Thì xin thưa rằng, mười hai lạy đó không phải là “Thập-Nhị-Nhân-Duyên”. Thập-Nhị-Nhân-Duyên là pháp quán của các vị Bích-Chi-Phật trong hàng nhị thừa. Thanh-Văn, Duyên-Giác, Bích-Chi-Phật và thường thường các ngài Bích-Chi-Phật tu theo cái pháp đó. Còn ở đây thì chúng ta tu pháp niệm Phật để đi về Tây Phương. Hai đường đi, hai chứng đắc khác nhau. Bích-Chi-Phật, Thanh-Văn, Duyên-Giác Gọi chung là A-La-Hán, thường thường các Ngài tu về Thiền Định để tự vượt qua Tam-Giới. Đối với pháp Niệm Phật mà nói, thì các vị đó đã chứng tới chỗ gọi là “Vị Bất Thối”. “Vị” tức là “Phàm Phu Vị”, các Ngài đã vượt qua Phàm Phu Vị.

Còn chúng ta tu đây là tu theo Bồ-Tát-Thừa, tiến thẳng đến Phật-Thừa luôn. Pháp Niệm Phật được gọi là “Nhất-Thừa Thật-Tướng”. Lạ lắm chư vị! Tu thì dễ mà chứng đắc thì cao! Chứng đắc tới cảnh giới Phật luôn. Khi về Tây Phương Cực Lạc thì đầu tiên chúng ta thành Bồ-Tát Bất-Thối trước. Bồ-Tát Bất-Thối nếu so sánh ra thì… lạ lắm! (Những lý đạo này cao quá, mình nên hiểu sơ như vậy thôi). So sánh ra, năng lực của họ cao tới cỡ Thất-Địa, Bát-Địa Bồ-Tát. Tức là, những vị A-La-Hán còn kém họ rất là xa. Những vị Sơ-Trụ Bồ-Tát, tức là khởi đầu của hàng Pháp-Thân Đại-Sĩ trên cảnh Hoa-Nghiêm rồi vẫn còn thua họ tới ba mươi sáu bậc “Sanh Tướng Vô Minh” cơ. Thật là Bất Khả Tư Nghì! Hòa Thượng Tịnh Không giảng, từ Sơ-Trụ mà muốn tu cho tới chỗ đó phải tu tới hai đại A-Tăng-Kỳ kiếp, trong khi đó thì mình ở đây vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, như là hạng thấp tẹt của mình, thì có thể nhiều lắm là mười hai kiếp, mười hai kiếp mình có thể đạt được Tam-Bất-Thối. (Tức là ba bậc bất thối). Điều này cao quá! Chúng tôi không dám nói sâu hơn nữa. Chỉ xin chư vị hãy phát lòng tin tưởng cho vững vàng là được rồi.

Trong thân phàm phu tục tử bệnh hoạn như thế này, mà mình phát khởi niềm tin vững vàng, niệm câu A-Di-Đà Phật, thì trong kinh Phật nói rằng, trong vô lượng kiếp về trước ta có thiện căn phước đức cúng dường tới vô biên ức đức Phật Như-Lai rồi mới có hiện tượng này, chứ không phải dễ gì đâu! Lạ lắm! Nên nhớ, có những vị Bồ-Tát khi gặp câu A-Di-Đà Phật cũng không tin. Thế mà nếu quý vị phát tâm tin tưởng vững vàng thì chứng tỏ công đức thiện căn trongquá khứ của quý vị đã bất khả tư nghì rồi. Chính nhờ cái thiện căn bất khả tư nghì đó, nên trong một đời này chỉ tu như vậy, nhiều khi một phẩm chấp trước không phá nổi, nhưng lại vượt về được tới Tây Phương Cực Lạc để đạt được cái năng lực như vậy.

Trở về vấn đề mười hai lạy. Phương pháp tu niệm Phật của chư Tổ trong Tịnh-Độ-Tông để lại hay lắm, đơn giản lắm. Ví dụ như mình dùng pháp này để tu. Chúng ta thấy có những lúc đi kinh hành, có những lúc ngồi, có những lúc khai thị, có những lúc thư giãn để xoa bóp, rồi có những lúc lạy Phật để cho thân thể của chúng ta được điều hòa, làm cho ba giờ cộng tu hay cả ngày niệm Phật giống như trải qua chỉ có mấy tiếng đồng hồ. Nếu không có phương pháp này, mình tu một ngày không nổi. Thế mà nhờ pháp tu này, làm cho mình hình như là một ngày, hai ngày, ba ngày tu hànhtrôi qua một cách đơn giản dễ dàng. Nhờ vậy mà chúng ta dễ nhiếp tâm niệm Phật… Bất khả tư nghì!…

Thì pháp lạy mười hai lạy, là khi chúng ta lạy thì luôn luôn hướng về Tây Phương Cực Lạc. Quý vị hãy nhìn lên bàn thờ, có ba vị là: A-Di-Đà Phật, Quán-Âm, Thế-Chí, mỗi vị ta đảnh lễ Ngài ba lạy. Như vậy ba vị ta đảnh lễ chín lễ. Bên cạnh đó có một câu là: “Hòa-Nam Thánh-Chúng”. Chư Thánh-Chúng trên cõi Tây Phương chúng ta sẽ hội nhập với các Ngài. Bây giờ chúng ta đảnh lễ chung các Ngài ba lễ nữa, thành ra tất cả là mười hai lễ. Ý nghĩa của nó là như vậy.

Còn nói về sự điều hòa, thì chúng ta ngồi niệm Phật lâu quá, bây giờ lạy để được đứng lên, lạy xuống cho thân thểđược điều hòa. Thực ra chỉ là vậy mà thôi! Chứ không có liên can gì đến “Thập-Nhị-Nhân-Duyên”.

Nên nhớ, niệm Phật thì tất cả chúng ta đều dồn hết vào câu A-Di-Đà Phật, dồn hết vào một đường để đi, đừng nên đi hai đường! Hòa Thượng Tịnh-Không thường nói, tu pháp nào một pháp. Nghe pháp cũng phải tuyển chọn để nghe. Những vị nghe nhiều pháp quá thì thường khó có chỗ định. Ví dụ, nghe người ta giảng pháp Thập-Nhị-Nhân-Duyên thì thấy pháp Thập-Nhị-Nhân-Duyên hay lắm! Nhưng thực ra chúng ta làm không nổi!

Tiện đây xin kể chuyện một chút xíu ra cho vui. Ở Việt Nam có một ban hộ niệm, năm đó tôi đến đó nói chuyện, thì các vị đó mới biếu cho một đĩa VCD, gọi là hộ niệm vãng sanh! Khi về mở ra xem mới thấy vị Trưởng lão đó “Khai Thị” cho người bệnh mà giảng từ Tứ-Diệu-Đế, đến Bát-Chánh-Đạo, rồi Thập-Nhị-Nhân-Duyên… Tức là nói luôn một dây như vậy. Khi xem VCD đó rồi, tôi mới viết thư khuyên vị đó rằng, đừng “Khai Thị” như vậy nữa. Đừng đem những lý đạo này ra “Khai Thị” cho người bệnh, vì người bệnh sắp chết rồi, không bao giờ có thể tiếp nhận được đâu. Chỉ khuyên người ta là nhiếp tâm niệm Phật và cầu A-Di-Đà Phật phóng quang tiếp độ, nhờ vậy thì người ta mới được vãng sanh. Thực tếthì cái phim đó cũng không phải là phim vãng sanh, vì họ chỉ quay trong lúc người đó còn sống chứ chưa phải là ra đi. Nghe vậy thì các vị đó mới trả lời, hứa sẽ sửa đổi lại. Khi sửa đổi lại rồi, thì mười ngày sau đã phát hiện ra một ngườivãng sanh.

Tức là từ trước các vị đó chưa biết hộ niệm, khi biết được rồi điều chỉnh lại thì tự nhiên có người vãng sanh. Cũng giống như hôm qua chúng ta nói, những ban hộ niệm mới, thường thường người ta chưa có kinh nghiệm trong vấn đềkhai thị, nên khi ngồi trước bệnh nhân người ta cứ mở ra nào là Bát-Chánh-Đạo cũng giảng cho, Tứ-Diệu-Đế cũng giảng cho, Thập-Nhị-Nhân-Duyên cũng giảng cho… Giảng những bước đi của các hàng Nhị Thừa thì ta bị lạc đường đi về Tây Phương. Con đường về Tây Phương là nhắm thẳng tới: Tín-Nguyện-Hạnh, cứ vậy mà đi thì người ta đượcvãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Chuyện này mỗi ngày chúng ta mỗi nắm vững. Nhất định ta sẽ thấy hình như đường đi về Tây Phương của chính mình, của người thân của mình đang ở trong hào quang của A-Di-Đà Phật, và chúng ta đều được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc hết!…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

KHẾ LÝ - KHẾ CƠ (2010)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –