Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 172)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin mở Trang 69, Câu (u): Người nào được hộ niệm thì hết bệnh.
Đúng hay sai? – (Sai). Sai rõ ràng rồi!… Người hộ niệm không phải là bác sĩ. Người nào muốn hết bệnh thì hãy tìm bác sĩ khám bệnh lấy toa mua thuốc uống, đừng nên mời ban hộ niệm đến cầu cho hết bệnh mà đưa đến tình trạng bệnh không hết mà hộ niệm cũng không thành công luôn. Vấn đề này chúng ta đã nói qua quá nhiều rồi, hôm nay không cần phải bàn thêm nữa.
(v): Người nào được hộ niệm, nếu phần số chưa mãn, nhưng nhờ có Tín-Nguyện-Hạnh vững vàng mà bệnh khổ dễ bình phục.
Đúng hay sai? – (Đúng). Câu này đúng đấy. Người được hộ niệm, nếu phần số chưa mãn nhưng nhờ có Tín-Nguyện-Hạnh vững vàng mà bệnh khổ dễ bình phục. Câu này là của chư Tổ để lại. Trong kinh Thập-Vãng-Sanh, Phật dạy, một người có đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh, thì có 25 vị Bồ-Tát gia trì cho người đó. Chư vị nghĩ coi, nếu mình được 1 vị Bồ-Tát gia trì là cả một đại phước báu quá lớn rồi, huống chi được 25 vị Bồ-Tát cùng gia hộ. Được 25 vị Bồ-Tát gia hộ thì tự nhiên tật bệnh tiêu trừ, tiêu tai giải nạn. Nhưng hãy nên nhớ, nhờ Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ mà được cảm ứng tự nhiên, chứ không phải cầu hết bệnh mà được cảm ứng nhé.
“Tín” là niềm tin sâu sắc vào Pháp Niệm Phật. “Nguyện” là lòng tha thiết cầu nguyện vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc chứ không phải tha thiết cầu xin hết bệnh. “Hạnh” là chí thành chí thiết niệm câu A-Di-Đà Phật một cách chuyên nhất, chứ không phải thực hành những phương pháp nào khác. Tất cả hoàn toàn nhắm vào chủ đích vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, một đời thành Phật. Nhờ Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ mà được tương ưng với đại nguyện của Phật A-Di-Đà. Được tương ưng thì tự nhiên được gia trì vậy.
Hồi sáng nay chúng ta có nói đến vấn đề những người muốn được hộ niệm, nhưng ban hộ niệm hướng dẫn không chịu nghe theo, thì ban hộ niệm đành phải xin rút lui, vì dù có cố gắng hộ niệm cũng không thể thành tựu. Ví dụ cụ thể, ban hộ niệm dặn, chị tha thiết cầu xin vãng sanh, không được cầu hết bệnh nhé, nhưng chị vẫn âm thầm cầu xin cho được hết bệnh, thì thôi đành chịu thua!… Bác đừng sợ chết nhé, vãng sanh là vượt qua sanh tử luân hồi trở về nước Cực-Lạc thành đạo, nhưng Bác vẫn còn sợ chết, không muốn xả bỏ thân xác này, thì thôi đành chịu thua!… Anh phải kiêng cữ hành tỏi nhé, nhưng anh vẫn cứ dùng hành tỏi vì ngon quá, thơm quá, thì thôi đành chịu thua!… Ban hộ niệm có thương anh đến đâu cũng đành chịu thua, khó giúp ích được gì.
Xin thưa chư vị, nếu thực sự muốn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì đừng nên nghĩ rằng dùng thứ ngũ tân này là chuyện nhỏ. Chư vị Bồ-Tát, chư Hộ-Pháp rất kỵ cái mùi vị ô trọc của các thứ ngũ tân. Phận phàm phu chúng ta rất cần sự gia trì của quý Ngài. Trước đây vì không biết nên chúng ta dùng, đó là lỗi lầm chứ chưa phải là tội. Nay biết điều này mà ta vẫn tiếp tục dùng thì trở thành tội khinh mạn, bất kính chứ không còn là lỗi nữa. Một phần cung kính là một phần lợi ích, hai phần cung kính là hai phần lợi ích. Tâm bất kính thì chịu toàn phần thiệt hại. Chính cái tâm khinh mạn bất kính này đã ngăn che sự gia trì bảo vệ của các Ngài. Không được sự gia hộ của các Ngài, thì làm sao tự mình có khả năng vượt thoát ách nạn của nghiệp chướng để vãng sanh đây?
Có lẽ chính vì vậy mà Ấn Tổ dạy rằng, chí thành chí kính là cái đạo nhiệm mầu giúp cho chúng ta thành tựu đạo nghiệp. Muốn thoát nạn, mình rất cần sự bảo vệ của chư Thiện Thần Hộ-Pháp nhé chư vị. Hãy lấy lòng chí thành chí kính mà tu hành nhé chư vị. Hãy tự nhận mình là hạ căn phàm phu luôn luôn nương nhờ sự gia trì của chư Phật Bồ-Tát để vãng sanh nhé chư vị. Từ lòng chí thành chí kính này mà được lợi lạc vô biên, vô lượng nghiệp chướng tự nhiên tan biến, nếu báo thân chưa mãn thì bệnh khổ tự nhiên tiêu chứ không phải niệm Phật cầu hết bệnh mà được. Cầu hết bệnh là bị lạc mất đường vãng sanh rồi đó.
(w): Người được hộ niệm, nếu thành tâm cầu hết bệnh thì mới được hết bệnh.
Đúng hay sai? – (Sai). Phật dạy, tất cả đều do tâm tạo, tại sao mình thành tâm cầu hết bệnh mà lại sai? Xin thưa, sai là sai đường vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, sai với định luật nhân-quả. Sai với đường vãng sanh vì không nguyện vãng sanh nên không thể vãng sanh. Sai với nhân-quả vì bệnh hoạn, nạn tai là nghiệp báo từ cái nhân nghiệp chướng sanh ra. Thành tâm cầu hết bệnh là tâm ý tham tiếc cuộc sống này, muốn giữ mãi cái cảnh phàm tục này chứ không muốn trở về Tây-Phương Cực-Lạc. Chính mình không tha thiết vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc nên không thể trở về cõi Cực-Lạc được, đây mới đúng nghĩa đạo lý tất cả do tâm tạo.
Có nhiều người tu học Phật Giáo, cũng muốn vãng sanh, nhưng nghĩ rằng phải tìm cách phá trừ nghiệp chướng trước rồi mới được vãng sanh. Đây là ý niệm sai lầm. Xin chư vị đừng nghĩ rằng phá trừ nghiệp chướng là chuyện đơn giản dễ dàng. Đừng nghĩ tụng Kinh, niệm Chú, làm Phước một vài năm thì sẽ tiêu sạch nghiệp chướng. Hãy nhớ rằng, nghiệp chướng của mình lớn như núi Tu-Di, phước thiện công đức tu hành trong một đời này nhỏ nhen như hạt cát. Lấy lực của hạt cát mà phá vỡ được núi Tu-Di sao? Vậy thì đừng mơ mộng hão huyền rằng tu tập vài ba năm sẽ tiêu hết nghiệp chướng. Phàm phu mà vụng tính thì coi chừng trải vô lượng kiếp nữa, núi nghiệp càng ngày càng lớn, đời đời kiếp kiếp phải chịu theo nghiệp thọ nạn, sanh tử luân hồi đọa lạc mãi mãi không có ngày thoát ly.
Chư Phật quán xét rõ ràng chướng nạn này chúng sanh không thể vượt thoát, nên cùng gia trì pháp phương tiện tối diệu “Đới Nghiệp Vãng Sanh” của đức Phật A-Di-Đà. Pháp Niệm Phật với 48 đại nguyện của đức Từ Phụ thực sự là đại cứu tinh cho tất cả chúng sanh từ Phàm đến Thánh, ba căn được bình đẳng cứu độ.
Có nhiều người hoài nghi đạo lý “Đới Nghiệp Vãng Sanh”, hỏi rằng mình đã tạo ra nghiệp chướng, nay bỏ nghiệp chướng trốn đi thì vấn đề nhân-quả giải thích sao đây? Xin thưa với chư vị, đừng nên lầm lẫn giữa cái Thể của Tự-Tánh và cái Dụng của Tự-Tánh, hai điều này khác nhau. Cái Thể của Tự-Tánh không hề ô nhiễm, nhưng cái Dụng thì đa dạng, có thể tốt, có thể xấu. Ví dụ như giữa vàng và vật dụng làm bằng vàng có điểm khác nhau. Chất Vàng thì vẫn là vàng quý giá như nhau, nhưng chén vàng thì dùng để ăn cơm, kiếm vàng thì có thể dùng làm vũ khí, tác dụng của nó khác nhau.
Tâm có mê có ngộ. Khi mê tạo ra nghiệp chướng, khi ngộ trở về bản thể của tâm. Chén vàng hay kiếm vàng thì vẫn là chất vàng không bao giờ ô nhiễm. Một viên ngọc thanh châu bị vùi dưới bùn đen ngàn đời vạn kiếp vẫn là viên thanh châu không hề bị nhiễm bẩn, chỉ cần lấy ra khỏi bùn thì liền phát quang. Bị dìm dưới bùn nhơ là tượng trưng cho mê chấp, viên ngọc bị vùi lấp không thể phát quang. Lấy ra khỏi bùn đen tượng trưng cho giác ngộ, liền trở về với bản thể của viên ngọc, trước sau vẫn quý giá, không hề đổi sắc.
Có nhiều người nói tạo nghiệp rồi thì phải trả cho hết nghiệp. Nghĩ vậy thì cứ theo nghiệp mà trả đi, cũng chẳng khác gì bảo rằng, viên ngọc ở dưới bùn đen, thì phải chờ ngày tát cạn khối bùn đen rồi mới lên. Còn một cách khác là hãy vớt viên ngọc lên, lau sạch bùn đi thì viên ngọc sẽ trở về nguyên vẹn là hạt thanh châu quý báu, quang minh lóng lánh, còn bùn nhơ vẫn còn là ao bùn nhơ, có ảnh hưởng gì đến viên ngọc đâu?
Pháp Niệm Phật là băng ngang qua nghiệp chướng, hay gọi là “Đới Nghiệp Vãng Sanh”. Trở về Tây-Phương Cực-Lạc là Chơn Tâm của chúng ta được A-Di-Đà Phật tiếp dẫn về Tây-Phương Cực-Lạc. Bản thể của Chơn-Tâm như viên ngọc thanh châu, không bao giờ bị ô nhiễm, đưa về Tây-Phương Cực-Lạc là trở về cõi thanh tịnh, không còn bùn nhơ bao phủ, Chơn Tâm tức khắc khởi tác dụng.
Hiểu được đạo lý này, hãy mau mau niệm Phật vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc cho Chơn Tâm hiển lộ trước, rồi dùng cái bản thể vạn đức vạn năng của Chơn Tâm đi khắp mười phương pháp giới cứu độ chúng sanh. Đây là cách trả nghiệp viên mãn nhất. Chư Phật luôn luôn vì khổ nạn của chúng sanh mà hành đạo, tận sức cứu khổ cứu nạn chúng sanh. Ta phải nghe lời Phật dạy đi làm Phật để chúng sanh được cứu nạn, chứ đừng nên chui vào tam đồ ác đạo chịu nạn để trả nghiệp. Vô lượng vô biên chúng sanh vì lầm lẫn đường giải thoát, nên cảnh khổ ngập tràn cả bầu trời làm sao cứu nổi.
Vậy thì, Tín-Nguyện-Hạnh phải đầy đủ là đường viên thành Phật đạo. Nguyện vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc mới hợp với tông chỉ Pháp Niệm Phật, mới hợp với đạo lý duy tâm, mới được theo nguyện vãng sanh về đất Phật để thành Phật. Còn thành tâm niệm Phật cầu hết bệnh, là chuyển đổi Pháp Niệm Phật Vãng Sanh Thành Phật thành một liều thuốc trị bệnh. Tâm ý bám lấy xác thịt vô thường khổ nạn này, thì nhất định phải chịu nghiệp chướng làm chủ, nhất định phải tiếp tục chịu cảnh sanh tử luân hồi khổ đau, đời đời kiếp kiếp không có ngày thoát nạn.
(x): Người được hộ niệm nếu cầu xin hết bệnh, thì bệnh không hết mà phải mất vãng sanh.
Đúng hay sai? – (Đúng). Rõ ràng từng câu từng câu trả lời cho nhau. Người được hộ niệm cầu xin hết bệnh, đưa đến hai vấn đề, một là bệnh không hết, hai là mất phần vãng sanh. Chúng ta cần rõ vấn đề này để tránh sai lầm, sơ suất..
Nói chung, bệnh khổ đều do nghiệp chướng mà ra. Thân này là thân nghiệp báo, theo nghiệp thọ sanh thì phải chịu nghiệp chướng chi phối theo định luật vô thường sanh-trưởng-dị-diệt. Còn cái Tâm của chúng ta không theo giòng sanh-trưởng-dị-diệt đó, mà chỉ có Mê hay Ngộ. Hễ mê muội thì bỏ mất “Tự-Tánh”, chấp nhận làm nô lệ cho xác thân mà chịu khổ nạn trong sanh tử luân hồi. Nếu cái Tâm này giác ngộ thì lấy lại “Tự-Tánh”. “Tự-Tánh” đồng nghĩa với tự chủ định đoạt cảnh giới tương lai, không theo giòng sanh tử vô thường của xác thân nữa.
Trong lúc tu hành này, đôi lúc chúng ta cũng có “Ngộ” đó, nhưng chỉ ngộ nhất thời, sau đó liền “Mê” trở lại. Mê-Ngộ, Ngộ-Mê quá bất thường, nên trong pháp “Tứ Niệm Xứ”, Phật dạy “Quán Tâm Vô Thường” là chỉ cho hàng phàm phu đấy. Tâm hồn chập chờn không định hướng. Chập chờn bây giờ thì còn có thời gian điều chỉnh lại, nhưng nếu chập chờn trong lúc sắp xả bỏ báo thân, thì không còn có cơ hội điều chỉnh nữa đâu, mà liền chui vào một loại báo thân nào đó, có thể có bốn cẳng của loài bàng sanh súc vật. Cũng là một Tâm đấy, cũng có tánh Phật đấy, nhưng tự mình đánh mất “Tự-Tánh” rồi mê trong bốn cẳng đó, thôi đành chịu thua!… Đời đời kiếp kiếp sau này biết đến khi nào mới có ngày thoát khỏi cảnh tam ác đạo này.
Vậy thì bây giờ mình có hai chân đây, nhưng đừng mê trong hai chân này nữa, mà hãy trở về Tây-Phương Cực-Lạc, nhận lấy cái báo thân của một vị Bồ-Tát bất thoái chờ ngày thành Phật thì hay hơn. Xin chư vị nhớ cho, mỗi người chúng ta trong một thời kỳ chỉ có một báo thân mà thôi. Báo thân hiện giờ của chúng ta là hình hài con người. Khi báo thân này mãn, ta sẽ chuyển qua một báo thân khác. Người ngộ đạo sáng suốt hãy bỏ báo thân sanh tử khổ nạn này vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc nhận lấy báo thân của Phật Bồ-Tát. Người mê muội thì dễ dàng nhận lấy cái báo thân của loài heo ủn-ỉn trong chuồng, đời này ngu si, vạn kiếp vẫn chịu ngu si, có hay ho gì đâu mà tham với tiếc.
Sanh tử luân hồi xả thân thọ thân trong sáu đường dị loại đều do tâm tưởng sai biệt, tạo tác nghiệp chướng khác nhau của chính mình mà có. Hiểu được đạo lý này, chúng ta mới thấy rằng, người được hộ niệm nếu cầu xin hết bệnh là tâm tưởng đang chấp chặt vào thân bệnh, đem cái Chơn-Tâm vốn dĩ giải thoát vùi dập vào cái thân nghiệp báo hư hại này, thì bắt buộc phải tiếp tục xả thân thọ thân trong sáu đường dị loại, chứ không thể vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc được. Phật dạy thân người khó được, ba đường thiện không dễ gì mơ tới, ba đường ác nhất định dễ vào. Đây là do chính mình cầu nguyện sai lầm mà mất phần giải thoát, chịu cảnh đọa lạc vậy.
Mong chư vị vững tâm vững chí niệm Phật cầu vãng sanh. Tâm lực mạnh, thì vuợt qua nghiệp lực, theo nguyện vãng sanh mà được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc một đời thành đạo. Cầu nguyện cho chư vị ai ai cũng được vãng sanh cao phẩm cả.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.