Thiện Căn – Phước Đức – Nhân Duyên (Tọa Đàm 25) – Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị

Share on facebook
Share on twitter

THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN

(Tọa Đàm 25)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Diệu Âm xin trả lời câu hỏi của Kim Bình. Câu hỏi là:

– Tại sao người có “Tin” có “Nguyện” dù niệm Phật có dở một chút cũng được vãng sanh. Còn Người không “Tin” không “Nguyện” niệm Phật đến “Nhất Tâm Bất Loạn” cũng không được vãng sanh?…

Xin trả lời rằng:

Hai dạng người này người nào cũng khó vãng sanh hết chớ không phải dễ đâu. Dễ là dễ hơn một chút. Người có tin, có nguyện nhưng mà tu yếu, niệm Phật ít, khó vãng sanh. Nhưng mà so ra thì dễ hơn người niệm Phật nhiều, niệm Phậtngày đêm, nhưng không tin, không nguyện.

Trước khi đi vào câu hỏi này thì Diệu Âm trực nhớ lại một câu hỏi khác có liên quan chút ít tới chỗ này. Là có một Người hỏi rằng: Tại sao những người giết cha hại mẹ, lại có cái tội nhẹ hơn người không tin vào pháp Phật?

Câu hỏi như vậy và trong câu hỏi đó, người ta nói, Hòa Thượng Tịnh-Không nói rằng người không tin vào câu A-Di-Đà Phật thì tội nặng hơn người giết Cha hại Mẹ!…

Thì Diệu Âm trả lời rằng, hai tội này tội nào cũng nặng hết! Không có tội nào nhẹ đâu!… Giết cha hại mẹ, cái tội này nặng lắm, phải xuống địa ngục A-Tỳ vĩnh viễn khỏi lên luôn, chứ không phải nhẹ. Cái tội không tin pháp Phật, không tinlời Phật dạy thì trong kinh Phật nói là “Nhất-xiển-đề”. Người nhất-xiển-đề tức là bỏ mất Thiện-Căn của mình, thì người này vĩnh viễn khó có thể thoát được cái ách nạn tam đồ ác đạo. Nhưng người giết cha hại mẹ là do lúc họ mê mờ, ngu độn, mà làm những chuyện sai lầm. Nhưng nếu có cơ may có người chỉ điểm, hướng đạo… người ta có thể phát tâmsám hối, kiệt thành sám hối rồi niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ thì họ vẫn có thể vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc theo cái diện “Sám Hối Vãng Sanh”. Trong kinh Phật có đưa ra trường hợp này, đó là ngài A-Xà-Vương-Thế.

Còn người không tin vào câu A-Di-Đà Phật có tội nặng là tại vì đã không tin thì không bao giờ niệm Phật, không bao giờ nguyện vãng sanh, cho nên vĩnh viễn người ta không vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Bên cạnh đó vì không tin nên thường hay phát ra những lời nói sai lầm, phạm đến cái tội phỉ báng Phật pháp. Cái tội này rất nặng! Ngài nói nặng hơn là nhắm vào chỗ này đó.

Bây giờ trở lại cái câu hỏi: Người có tin, có nguyện mà niệm Phật yếu cũng được vãng sanh. Còn người niệm Phật cho đến nhất tâm bất loạn, niệm Phật cho đến gió thổi không qua, mưa rơi không lọt nhưng không tin, không nguyện, thìquyết định không được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Tại sao lại như vậy?…

Xin thưa là Tin thuộc về thiện-căn. Nguyện thuộc về nhân-duyên, Niệm Phật thuộc về phước-báu. Vì trong đời này gặp cảnh khó khăn cho nên công phu của họ yếu đi, nhưng đã có tin có nguyện, nên có thời giờ thì người ta niệm Phật, có cơ hội thì người ta niệm Phật. Những người này nếu thật sự không có người nào trợ duyên trong khi xả bỏ báo thânthì cũng thật là khó đấy. Tại vì nghiệp chướng, tại vì oan gia trái chủ chướng, tại vì nghịch duyên phá hại. Nếu về cuối đời có cơ may gặp được ban hộ niệm giúp đỡ. Một người đang nằm trong cảnh chuẩn bị chờ chết, do có niềm tin và sức nguyện của họ, gặp trợ duyên làm cho họ vùng lên quyết lòng niệm Phật, họ niệm trong những giây phút trước khi xả bỏ báo thân, những ngày nằm trên giường bệnh, nhờ sự trợ niệm của những người bạn đồng tu nên hóa giải cho họ nhiều ách nạn về nghiệp khổ, về oan gia trái chủ. Chính nhờ cái cơ may hộ niệm đó mà người ta có thể vãng sanh. Dễvãng sanh là lý do này.

Còn những người gọi là niệm Phật đến “Nhất tâm bất loạn” mà không có tin câu A-Di-Đà Phật, không có phát nguyệnvãng sanh thì chư Tổ xác định là người này không thể nào vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc được!… Nói thẳng ra, thứ nhất người không tin, không nguyện mà niệm Phật được nhất tâm bất loạn, thì điều này khó có lắm! Không có đâu! Làm gì có chuyện không tin mà niệm Phật tới nhất tâm bất loạn? Nói lời như vậy, có nghĩa chư Tổ muốn nhấn mạnhđến Tín-Nguyện là điểm rất quan trọng, nhất là đối với hàng phàm phu tục tử như chúng ta. Tại vì là hàng phàm phutục tử tội chướng sâu nặng, phước báu yếu cho nên công phu khó có thể đến nhất tâm bất loạn. Không nhất tâm bất loạn nhưng nhờ tín và nguyện thì với lòng thành này sẽ cảm ứng chư vị Thiên-Long Hộ-Pháp, chư vị đồng tu đến hỗ trợ cho mình. Mình ra đi trong tư thế gọi là “Nhất Tâm Niệm Phật – Nhất Tâm Hệ Niệm” trong những giờ phút xả bỏ báo thân, chớ không phải là “Nhất Tâm Bất Loạn”.

Điểm thứ hai, người niệm Phật “Nhất Tâm Bất Loạn” mà không nguyện vãng sanh, không tin thế giới Tây-Phương Cực-Lạc thì đây là những người tự tu tự chứng. Có rất nhiều người dùng phương pháp niệm Phật để hỗ trợ cho con đườngtự tu tự chứng của Họ. Muốn tự tu tự chứng thì phải là đại Bồ-Tát, Đẳng-Giác Bồ-Tát, thượng căn thượng cơ mới có khả năng chứng đắc được. Còn hạng phàm phu mà muốn cho chứng đắc thì vạn ức người tu nhiều khi tìm không ra một người chứng đắc.

Ngài Ấn-Quang Đại Sư xác định rõ ràng, người nào niệm Phật mà không chịu nguyện vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, thì đó là người tự tu. Câu A-Di-Đà Phật của họ có giá trị như một câu thoại đầu, chớ không có gì khác. Tức là người tự tu, thông thường họ dùng một câu nào đó để trói cái tâm của họ vào đó, câu đó gọi là câu “Thoại đầu”. Khi tâm họ trói vào đó rồi thì tất cả những vọng tưởng, những ý nghĩ khác sẽ rời ra, sau cùng họ chứng đắc gọi là “Minh tâm kiến tánh”. Những người niệm Phật mà không tin không nguyện là họ đang dùng câu “A-Di-Đà Phật” để làm câu thoại đầu. Câu “A-Di-Đà Phật” chỉ là câu thoại đầu rồi thì tự họ phải chứng đắc lấy. Nếu thật sự họ chứng đắc được, họ diệt được vọng tưởng, họ diệt được nghiệp hoặc, tức là đoạn hoặc thì chứng chơn. Chứng chơn là thành tựu.

Ngài Vĩnh-Minh có nói những người tu tự lực đoạn hoặc chứng chơn, trong thời đại của Ngài còn là thời tượng pháp, nhưng Ngài nói là mười người tu, chín người đã bị lạc đường rồi! Đến khi chết đi, Ngài nói, “Nhược Ấm Cảnh Hiện Tiền, Miết Nhĩ Tùy Tha Khứ”. Khi chết xuống rồi vì nghiệp khổ báo hại, định lực yếu đi, chỉ cần một cái niệm chao đảo, phân vân là tự nhiên ấm cảnh hiện tiền. Ấm cảnh tức là thân trung ấm ứng hiện ra, mà thân trung ấm ứng hiện ra thì nhất định phải tùng nghiệp để thọ báo. Đã tùng nghiệp rồi, thì xin thưa với chư vị, tất cả chư Tổ đều nói rõ rệt rằng, đã là nghiệp thì nghiệp thiện hay nghiệp ác vẫn phải ở trong lục đạo luân hồi, không thể nào thoát vòng sanh tử được.

Khi ngài Ấn-Quang giải thích câu nói này của ngài Vĩnh-Minh thì mình thấy còn rõ ràng hơn nữa. Ngài nói nếu những người nào tự lực tu chứng thì câu nói “Nhược Ấm Cảnh Hiện Tiền” là ngài Vĩnh-Minh nhắc nhở cho những người đã đạt đến trình độ gọi là “Minh Tâm Kiến Tánh” rồi đó chớ không phải là hạng bình thường như chúng ta đâu. Tại vì ngài Vĩnh-Minh là vị đã minh tâm kiến tánh rồi, đã minh tâm kiến tánh mà nói lên lời này, với ngụ ý là Ngài nói dù cho quý vị đã có khai ngộ, dù cho chư vị đã được định, nghĩa là tâm đã khai rồi, nhưng chỉ cần một phút phân đo mà thôi, nghĩa là lúc lâm chung chỉ cần khởi lên một cái niệm, bất cứ một niệm gì, thì “Thập Nhơn Cửu Tha Lộ”. Chữ “Tha Lộ” có nghĩa là cái tâm nó xao xuyến, nó phân vân trong lúc xả bỏ báo thân. Chỉ cần một tích tắc như vậy mà một người đã đến cái chỗ “Đại Định” đành phải tùng theo cái nghiệp đó để “Thọ nạn”.

Cho nên ngài Ấn-Quang mới nhắc nhở rõ ràng là niệm Phật điểm quan trọng nhất là “Niềm Tin” và “Sức Nguyện”. Ngài nói dù cho niệm Phật có yếu đi một chút đi nữa cũng có thể vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc được.

Ngài Ngẫu-Ích Đại Sư nói: Tin Tưởng cho vững vàng, phát nguyện cho tha thiết. Gọi là tin sâu nguyện thiết thì dẫu chotán tâm, loạn tâm niệm Phật cũng được vãng sanh. Ngài nói rõ rệt như vậy. Mình thấy chư Tổ nói giống giống với nhau.Còn nếu tin không vững, nếu nguyện không thiết, thì dẫu cho niệm Phật đến “Nhất Tâm Bất Loạn” cũng không được vãng sanh!… Rõ ràng là chư Tổ nói giống giống với nhau.

Như vậy, đúc kết lại lời này là chư Tổ luôn luôn khuyến cáo chúng ta phải tin cho vững, đừng nên xao xuyến. Tại vì niềm tin nó khởi sự tất cả những hành trình phía sau. Hễ tin vững thì tự nhiên quyết lòng nguyện vãng sanh, mà quyết lòngnguyện vãng sanh rồi thì không ai rời bỏ câu A-Di-Đà Phật, không ai dám lơ là câu A-Di-Đà Phật. Như vậy khi mà lơ làcâu A-Di-Đà Phật là bắt nguồn từ niềm tin quá yếu. Mà niềm tin quá yếu rồi thì nguyện chỉ là nguyện chơi, chớ không bao giờ nguyện thật được. Thành ra dù có niệm Phật có giỏi cho mấy đi nữa, ngày nào cũng đến Niệm Phật Đườngniệm Phật đi nữa, sau cùng mình không được vãng sanh. Ý nghĩa là như vậy.

Mong cho chư vị phải vững vàng, phải củng cố “Niềm Tin”. Tất cả những lời tọa đàm của Diệu Âm đều nhằm củng cốniềm tin. Phải tin vững thì nhất định một đời này sau khi xả bỏ báo thân ta về tới Tây-Phương Cực-Lạc gặp A-Di-Đà Phật một đời thành tựu đạo quả.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Read more: https://hoiquanadida.com/phap-su/chi-tiet/thien-can-phuoc-duc-nhan-duyen-toa-dam-25-2047.html#ixzz7QozGSvQy

THIỆN CĂN- PHƯỚC ĐỨC- NHÂN DUYÊN (2011)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –