Thiện Căn – Phước Đức – Nhân Duyên (Tọa Đàm 39) – Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị

Share on facebook
Share on twitter

THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN

(Tọa Đàm 39)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Trong kinh A-Di-Đà, Phật dạy: Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên đầy đủ sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Nếu ba điểm này yếu thì khó có thể sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Nhưng nhiều khi chúng ta đã có đủ thiện-căn, phước-đức, nhân-duyên, nhưng sơ ý cũng có thể mất phần vãng sanh. Đây cũng là điều đáng tiếc!…

Làm sao biết mình có đủ Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên?…

Trong Kinh Vô Lượng Thọ Phật có nói một câu này: “Vãng tích nhược bất tu phước huệ. Ư thử chánh pháp bất năng văn”. Nghĩa là nếu trong quá khứ chúng ta không tu đủ “Phước”, đủ “Huệ”, thì trong cơ duyên này dù gặp phảichánh pháp, tức là câu A-Di-Đà Phật, chúng ta cũng không có thể nào nghe cho được… “Văn” là nghe! Thật ra, “Văn” là đại diện cho “Văn-Tư-Tu”, là người tu trì pháp môn Niệm Phật.

Ta đang kết tụ lại đây hàng đêm niệm A-Di-Đà Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc, chứng tỏ ta có “Văn-Tư-Tu”. Như vậy là chúng ta có thể đã đầy đủ thiện-căn, phước-đức, nhân-duyên rồi chăng?… Đây là một tin thật sự vui mừng.Chúng ta phải quyết lòng đi nhé, nhất định đừng để sơ suất.

Hôm nay chúng ta nói tiếp về phần “Phước-Đức”. Hôm trước thì ta nói phước-đức nhân-thiên, hôm nay xin nói qua cái phước đại-thừa. Trong phước đại-thừa, từ trong kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ Phật nói: “Phát Bồ-Đề tâm – Thâm tín nhân quả – Đọc tụng đại thừa – Khuyến tấn hành giả”. Bốn điều.

Trong những ngày còn lại, khoảng chừng hơn một tuần lễ nữa, chúng ta cố gắng mổ xẻ vấn đề này, mong làm saohành trình của chúng ta đi về Tây-Phương phải thẳng, phải tắt, mà trong kinh Vô-Lượng-Thọ gọi là Chánh. Chánh là thẳng. Đừng nên Tà! Tà tức là xiên!… Tà là xéo xéo!… Đi xéo xéo thì xéo một ly đi xa ngàn dặm.

Phát Bồ-Đề tâm! Tâm “Bồ-Đề” tức là tâm “Giác Ngộ”. Tâm giác ngộ có nhiều tầm cỡ lắm, chứ không phải một. Một người làm ác, khi giác ngộ họ bỏ làm ác, đó là họ phát tâm Bồ-Đề, nhưng cái tâm này chỉ tốt so với người làm ác. Một người tham lam khi ngộ ra, quyết lòng bố thí giúp người, họ không còn tham lam nữa. Đây cũng là tâm Bồ-Đề, nhưng tâm Bồ-Đề này chỉ so với tâm tham. Họ bỏ tâm tham.

Tâm Bồ-Đề trong kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ là Phật dạy cho chúng ta phát cái tâm thành Phật. Thì trong kinh Vô-Lượng-Thọ Phật nói câu này nhiều lần lắm: “Phát Bồ-Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A-Di-Đà Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc”. Mình coi thử là cái phát Bồ-Đề tâm trong kinh Vô-Lượng-Thọ và cái Bồ-Đề tâm trong kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ có liên lạc gì hay không?… Hay lắm!…

Trong kinh Vô-Lượng-Thọ, Phật nói: “Phát Bồ-Đề tâm nhất hướng chuyên niệm…”. Có nghĩa là một người phát cái tâm thành Phật, rồi chuyên lòng niệm câu A-Di-Đà Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì thượng phẩm, trung phẩm, hạ phẩm cùng gói ghém vào câu này. Suy cho cùng ra, câu “Phát Bồ-Đề tâm” trong kinh Vô-Lượng-Thọ chính là niềm “Tin” vững vàng và ý “Nguyện” vãng sanh Tây-Phương tha thiết. Tại vì nếu không phải như vậy thì Phật sẽ nói là: “Phát Bồ-Đề tâm, Tín-Nguyện-Hạnh niệm Phật vãng sanh về Tây-Phương”. Thường thường ba điểm Tín-Hạnh-Nguyện đi chung với nhau, nhưng mà trong kinh Vô-Lượng-Thọ Phật lại nói: “Phát Bồ-Đề tâm nhất hướng chuyên niệm”…“Chuyên niệm” là niệm câu A-Di-Đà Phật, còn cái Tín-Nguyện nó nằm ở đâu?… Nó nằm ngay trong câu “Phát Bồ-Đề tâm”.

Chính vì thế, ngài Ngẫu-Ích Đại Sư nói, phát Bồ-Đề tâm chính là người nào có cái lòng tin vững mạnh vào pháp môn Niệm Phật, có một cái ý nguyện tha thiết đi về Tây-Phương, nhất định một đời này phải đi về Tây-Phương, thì người đó là người phát tới Vô-Thượng Bồ-Đề tâm.

Bây giờ mình trở lại câu kinh trong Quán-Vô-Lượng-Thọ. Phước đại-thừa tức là công hạnh tu hành của chư vị đại Bồ-Tát. “Phát Bồ-Đề tâm” và “Thâm tín nhân quả”. Hai câu này hợp lại, mình thấy hình như là nó liên kết với nhau rất chặt chẽ. Lạ lắm!…

“Thâm tín nhân quả” nói trong kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ, chính là người nào tin vững chắc vào câu A-Di-Đà Phật. “Nhân” là niệm A-Di-Đà Phật, “Quả” là thành A-Di-Đà Phật. Như vậy cái nhân quả trong Quán-Vô-Lượng-Thọ chính là gì?… Nhân niệm Phật để rồi quả thành Phật. Kết hợp hai cái phước: Một cái là “Phát Bồ-Đề tâm”, hai là “Thâm tínnhân quả”. Rõ ràng minh bạch là giữa kinh Vô-Lượng-Thọ và kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ kết hợp chặt chẽ với nhau, mỗi chỗ Phật nói mỗi khác nhưng mà nó lại có ý nghĩa giống hệt nhau.

Rồi khi chúng ta trở lại trong kinh A-Di-Đà, Phật nói: “Bất dĩ thiểu thiện-căn phước-đức nhân-duyên đắc sanh bỉ quốc”. Nó sẽ làm rõ nghĩa hơn. Ba kinh này kết hợp lại làm cho ý nghĩa rõ ràng. Phật nói không dễ gì có ít thiện-căn, ít phước-đức, ít nhân-duyên mà được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Nhưng ngay sau đó Phật lại nói… Nếu một người nào mà quyết lòng niệm câu A-Di-Đà Phật từ một ngày cho đến bảy ngày nhất tâm bất loạn, thì người đó khi lâm chung A-Di-Đà Phật và chư Thánh Chúng hiện ra trước mặt người đó, tiếp dẫn người đó về Tây-Phương. Người đó tâm sẽ không còn điên đảo nữa, và chắc chắn sẽ được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Câu nói “Nhất tâm bất loạn” trong kinh A-Di-Đà làm cho nhiều người phân vân! Khi nghe Hòa Thượng Tịnh-Không giảng, mình mới thấy rõ ràng hơn. Đây chính là A-Di-Đà Phật gia trì cho những người nào quyết lòng quyết dạ đi về Tây-Phương. Cho nên ý nghĩa nhất tâm bất loạn đó chính là nhất tâm bất loạn trong lúc mình xả bỏ báo thân, chứ không phải là niệm Phật cho đến nhất tâm bất loạn rồi mới được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Hòa Thượng Tịnh-Không nói rằng, ngài Huyền-Trang dịch kinh A-Di-Đà theo cách trực dịch, nghĩa là dịch theo từng chữ từng chữ, thì ngài Huyền-Trang dịch câu này là “Nhất tâm hệ niệm”. “Nhất Tâm” là một tâm một lòng, “Hệ Niệm” là niệm liên tục. Đúng là kinh A-Di-Đà, kinh Vô-Lượng-Thọ và kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ, gọi tắt là “Tam kinh Tịnh-Độ”, nóigiống hệt với nhau, không có sai một chút xíu nào hết.

Chính vì thế, khi chư vị quyết lòng một dạ đi về Tây-Phương, đời này mình có cái cơ duyên gặp nhau để “Văn-Tư-Tu”, tức là chúng ta đang kết nhóm niệm Phật, thì nhất định chúng ta phải đi thẳng, không được đi xéo. Diệu Âm nói qua nói lại, nói lên nói xuống cũng chỉ mong sao chư vị nhất định phải đi thẳng. Nhất định tránh con đường đi xéo.

Trong kinh Vô-Lượng-Thọ Phật nói: “Chánh-Định-Tụ nhất định sẽ chứng ư A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam Bồ-Đề. Nhược Tà-Định-Tụ, cập Bất-Định-Tụ bất năng liễu tri kiến lập bỉ nhân cố”. Nghĩa là “Chánh-Định-Tụ” mới chứng Vô-Thượng Chánh-Đẳng Chánh-Giác. Nếu là “Tà-Định-Tụ” hay là “Bất-Định-Tụ”, (Tà-Định-Tụ là đi xéo xéo; Bất-Định-Tụ là không cóđịnh chỗ nào hết), “Bất năng liễu tri” là không thể nào có thể là khai được trí huệ, không thể nào hiểu được tại sao niệm Phật vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Trở lại vấn đề phát Bồ-Đề tâm. Có nhiều người nghĩ rằng mình là người sanh ra trong thời mạt pháp thì nghiệp chướngsâu nặng! Nghiệp chướng sâu nặng thì không thể nào vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc được! Cho nên mới phát một cái tâm sám hối nghiệp chướng rất mạnh. Diệu Âm xin thưa rằng: Không cần!…

Tại sao?… Tại vì thành tâm niệm một câu A-Di-Đà Phật phá tan tám mươi ức kiếp nghiệp chướng sanh tử trọng tội. Đây chính là sám hối rồi!…

Cho nên nếu mình phát tâm nhắm vào sám hối thì vô tình mình không phát được tâm mạnh mẽ cầu vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, và thường thường chú tâm vào sám hối thì cái tâm của mình đang chìm đắm trong cái nghiệp, đang nhớ cái nghiệp, đang khơi cái nghiệp, quậy cho cái nghiệp nổi lên… Mình phá được cái nghiệp này thì cái nghiệp khác nổi lên, hàng ngàn cái mắc xích nối liền với nhau. Mình móc được cái mắc xích này, thì mắc xích kia sẽ nổi lên, nó nổi lên cho đến lúc nằm xuống vẫn còn bị cái nghiệp trói mình, không thể vãng sanh được!

Cho nên pháp “Niệm Phật” gọi là pháp đi thẳng. Thẳng là sao?… Không phải niệm Phật để phá nghiệp, mà nhất địnhmột lòng một dạ niệm Phật để đi về Tây-Phương. Chư Tổ nói:

– Câu A-Di-Đà Phật tự nhiên sám hối!…

– Câu A-Di-Đà Phật tự giúp cho mình thành đạo!…

– Câu A-Di-Đà Phật tự giúp cho mình vượt qua sanh tử luân hồi!…

– Câu A-Di-Đà Phật tự giúp cho mình có thể xóa tan nghiệp chướng trùng trùng trong Vô Lượng kiếp để mình đới nghiệp, nghĩa là mình vượt qua nghiệp chướng để đi về Tây-Phương Cực-Lạc… 

Khi đi về Tây-Phương Cực-Lạc rồi mình đừng lo sợ nghiệp nữa, tại vì trong kinh Vô-Lượng-Thọ Phật đã nói rằng, về được Tây-Phương rồi, thì A-Di-Đà Phật đóng tuyệt sáu đường sanh tử, đóng tuyệt ba cõi tam giới, mình không còn rơi lại trong hàng “Phàm Phu Vị” nữa. Mà còn hay hơn nữa, không phải chỉ khỏi rơi vào hàng phàm phu tục tử, mà ngay cả hàng “Nhị-Thừa Vị” mình cũng vượt qua luôn, hàng “Bồ-Tát Vị” mình cũng dự phần luôn, gọi là “Tam Bất Thối”. Chư Tổ thường nói là “Viên mãn tam bất thối”. Đây là một điều vô cùng là vi diệu!…

Biết được điều này rồi, xin chư vị nhất định một đường đi thẳng. Đừng lo, đừng nghĩ gì cả, cứ để cho A-Di-Đà Phật lo đi. Một câu A-Di-Đà Phật nhập vào tâm mình, nhất định đừng để cái gì nhập vào trong tâm mình nữa, thì chúng ta sẽviên mãn hoàn thành ba bậc không thối chuyển, chúng ta thành A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam Bồ-Đề luôn.

Nguyện mong chư vị trong một báo thân này ai cũng về Tây-Phương thành đạo…

Nam Mô A-Di-Đà Phật. 

 

THIỆN CĂN- PHƯỚC ĐỨC- NHÂN DUYÊN (2011)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –