Thiện Căn – Phước Đức – Nhân Duyên (Tọa Đàm 43) – Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị

Share on facebook
Share on twitter

THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN

(Tọa Đàm 43)

Nam Mô A-Di Đà Phật.

Trong mấy ngày hôm nay cậu Tư kể một câu chuyện rất là đáng nhớ!… Cậu kể rằng có một người con khi nghe người mẹ chết, vì một sự tự ái nào đó mà không về thăm! Đây thật sự là một điều đáng chê trách! Đúng ra là phận con cái thì phải tìm cách chăm sóc cha mẹ, nhất là tuổi già. Có như vậy mới trả được phần nào chữ hiếu của người làm con chứ!…

Diệu Âm này khởi đầu học Phật bằng câu A-Di-Đà Phật. Bắt đầu đi khuyên người niệm Phật bằng lời Phật dạy. Câu thứ nhất trong tịnh-nghiệp tam-phước là “Hiếu dưỡng phụ mẫu”, câu cuối cùng là “Khuyến tấn hành giả” và một lời khai thị của ngài Ấn-Quang là “Khi ta biết niệm Phật vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thì nỡ nào lại để cho cha mẹ, anh em, thân bằng quyến thuộc tiếp tục chìm đắm trong bể khổ sông mê. Khuyên người niệm Phật cầu về Tây-Phương là giúp cho một phàm phu thành bậc Chánh-Giác, công đức này vô lượng vô biên. Nếu đem công đức đó hồi hướng về Tây-Phương thì đạo nghiệp tự nhiên thành”. Cuộc đời của Diệu Âm gói ghém trong những lời này.

Trong tịnh-nghiệp tam-phước, phước cuối cùng Phật dạy là “Khuyến tấn hành giả”. Khuyến tấn người niệm Phật. Khuyên người niệm Phật chính là đáp ứng lời dạy này của đức Thế-Tôn. Khuyên người niệm Phật, thì gần gũi nhất là khuyên cha mẹ, anh em, thân bằng của mình niệm Phật, nhất là bậc cha mẹ. Đời này mình chỉ có một người mẹ, chỉ có một người cha mà không khuyên, không nhắc, không tìm cách trả hiếu, thì khi người mẹ của mình đã ra đi rồi, còn cơ hội nào nữa để trả hiếu?…

Có nhiều người tu hành, nhưng không tìm cách cứu độ người cha già đang chờ từng ngày ra đi, thì đường tu hành làm sao gọi là viên mãn? Trong khi đó, thành thật mà nói, pháp hộ niệm là một cơ hội rất hy hữu và là một phương pháp rất xác thật, cụ thể để giúp cho một người con hoàn thành đạo hiếu.

Phương pháp hộ niệm đơn giản, cụ thể, chính xác, mà lại dễ thực hiện. Tất cả mọi người đều có thể thực hiện được hết, và rất hợp cho một người con khuyên cha mẹ niệm Phật. Rồi đến khi cha mẹ của mình ra đi, mình phải ngồi bên người mẹ của mình, ngồi bên người cha của mình nhắc nhở niệm Phật cầu về Tây-Phương. Thêm nữa, mình còn phải đi cầu khẩn những người biết hộ niệm, mời ban hộ niệm đến để niệm Phật tiễn đưa người mẹ của mình vãng sanh… Chỉ có vậy thôi mà mình trả tròn đạo hiếu. Tại sao không làm?

Trong mấy ngày hôm nay Diệu Âm có coi qua những đoạn phim của cụ Cam Muội… Mình mới thấy được một gia đìnhđại hiếu, con cái nhắc nhở từng chút từng chút. Bà Cụ có cái tánh bướng, ưa nóng giận… nhưng tất cả con cái đềuquyết lòng chiều chuộng, không bao giờ dám để người mẹ khởi lên một cái tâm niệm giận dữ… Thật sự là một gia đìnhđại hiếu.

Khi nhắc đến chuyện khuyên người niệm Phật, nhắc đến chuyện hộ niệm, có nhiều người nghĩ như vầy: “Làm sao mà ta có năng lực hộ niệm cho một người vãng sanh?”. Vì nghĩ vậy, nên không có dám đứng ra hộ niệm. Ngay cả người thân của mình cũng không dám ngồi bên cạnh niệm câu A-Di-Đà Phật!…

Một chuyện lạ lùng là:

– Người ta không dám ngồi đó để niệm câu A-Di-Đà Phật, mà lại mạnh dạn ngồi đó để khóc!… Người ta mạnh dạn ngồi trước người mẹ của mình réo lên: Mẹ ơi!… Mẹ đừng chết! Mẹ chết, thì mẹ bỏ con sao?… Hì hì!…

– Người ta không dám mạnh dạn niệm Phật trước người mẹ của mình, giúp cho người mẹ nghe tiếng niệm Phật mà niệm theo, để được Phật lực gia trì vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Mà người ta lại nói… Mẹ ơi! Tiền bạc mẹ để ở đâu?… Hì hì!… Mẹ chia gia tài cho con chưa?… Hì hì!…

Một lời nói!… Tất cả đều chỉ là lời nói!… Tại sao mình không cất lời niệm câu A-Di Đà Phật? Rõ ràng A-Di-Đà Phật đâu có nói rằng chúng sanh phải có một cái năng lực nào đó mới niệm được câu A-Di-Đà Phật trước người chết, thì người chết mới được vãng sanh?… Rõ ràng trong pháp hộ niệm, Phật không đòi hỏi một năng lực nào hết. Phật không đòi hỏi một khả năng nào hết. Ấy thế mà có nhiều người cứ nói: “Ta không có khả năng, ta không có năng lực thì làm sao hộ niệm cho một người vãng sanh?”…

Cũng có nhiều người nuôi ý chí cũng kiên cường lắm, nói rằng:

– Tôi sẽ quyết tu hành cho đến khi nào có năng lực thì tôi sẽ đi hộ niệm!…

Nghe nói vậy mình biết được một người có chí khí cao, quý hóa vô cùng! Nhưng xin hỏi:

– Bác chừng nào mới có năng lực vậy?…

– Anh chừng nào mới có năng lực vậy?…

– Chị chừng nào mới thấy mình là có năng lực vậy?…

Biết chừng đâu khi nghĩ rằng mình có năng lực, thì một là mình đã chết mất rồi!… Hai là cha mẹ mình đã chết rồi!… Vậy thì còn cơ hội nào nữa mà cứu cha, cứu mẹ? Hoặc là khi nghĩ mình có năng lực rồi, thì coi chừng… như Hòa ThượngTịnh-Không nói, “Khi mà chư vị thấy mình đã chứng đắc được một cái gì, thì lúc đó đã bị tẩu hỏa nhập ma rồi!”…

Chính vì thế, chúng ta phải hiểu cho cặn kẽ, hiểu tường tận pháp hộ niệm. Pháp hộ niệm không đòi hỏi một năng lựcđặc biệt nào hết. Pháp hộ niệm cho người vãng sanh chỉ đòi hỏi cái lòng “Chí-Thành, Chí-Kính”. Tại vì tất cả những người đi hộ niệm thường thường phải chắp tay lại khẩn cầu A-Di-Đà Phật, Quán-Âm, Thế-Chí, Thanh-Tịnh Đại-Hải-Chúng đại từ đại bi phóng quang tiếp độ. Hoàn toàn là lấy lòng chân thành để mà cầu nguyện sự tiếp độ.

Như vậy, người nào có lòng chân thành là người có khả năng đi hộ niệm.

Có nhiều người nói:

– Mình còn ăn mặn thì đi hộ niệm không được!…

Hòa Thượng Tịnh-Không đã xác định rõ ràng rằng, không sao đâu!… Quý vị hãy chân thành đi, thành tâm đi. Nếu thành tâm một chút nữa thì ngày đi hộ niệm quý vị nên ăn chay, ăn chay ngày đó thôi. Ngài nói đừng nên ăn ngũ tân thì tốt hơn nữa, tại vì sợ rằng ăn những thứ đó, mùi hôi từ hơi thở của mình bay ra khó chịu lắm, làm cho chư vị Thiên-Long Hộ-Pháp chịu không được! Ngài đâu có đòi hỏi mình phải ăn chay?

Phương pháp hộ niệm cần người hộ niệm phải Chân-Thành, Khiêm Nhường, Kính-Cẩn. Chỉ vậy mà thôi!

Ngồi trước bệnh nhân mình niệm Phật với lòng chân thành, thì tự nhiên có cảm ứng, làm cho người bệnh nghe theo, niệm theo. Rồi lâu lâu mình nhắc cho họ phát nguyện vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Một người bệnh nào làm được chuyện này thì người đó có thể được vãng sanh…

Quý vị nghĩ thử có đúng không?… Một vị ở bên Tây Úc suốt một cuộc đời đi nhà thờ Thiên Chúa giáo. Quý vị có nghĩ rằng các vị đi nhà thờ Thiên-Chúa giáo họ ăn chay không?… Rõ rệt, không có ăn chay!… Ấy thế mà cuối đời bị bệnh ung thư, gặp ban hộ niệm người ta khuyên giải, vị đó liền phát lòng tin tưởng, quyết lòng niệm Phật. Bắt đầu từ khi quyết lòng niệm Phật thì cũng có hạ quyết tâm: “Thôi bây giờ xin tập theo quý vị, tôi cũng ăn chay…”. Ăn chay trong lúc bệnh sắp chết này, ăn được bao lâu?… Thật ra là một vài tô cháo đậu là cùng chứ mấy! Có là bao? Mà lúc đó có muốn ăn mặn, cũng ăn không nổi nữa! Ấy thế mà vì quyết lòng quyết dạ niệm Phật cầu sanh Tây-Phương với một cái tâm lựckiên cường, dũng mãnh, không sợ sệt, không lui bước… Chỉ thế mà thôi đã hợp với đại nguyện của A-Di-Đà Phật mà được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Trong trường hợp này, nếu chúng ta sơ ý nói rằng, “Chị hồi giờ không niệm Phật!… Chị hồi giờ không biết tu!… Chị hồi giờ không có ăn chay!… Chị hồi giờ không đi Chùa!… Như vậy thì chị không đủ khả năng vãng sanh về Tây-Phương. Thôi tốt nhất chị hãy niệm Phật để mà kiếm chút phước nào đó, rồi đời sau tu tiếp!”…

Nếu nói như vậy:

– Thứ nhất là đoạn mất con đường vãng sanh của một chúng sanh sắp sửa thành Phật rồi!.. Quý vị đã ứng dụng câu “Khuyến tấn hành giả” sai rồi!…

– Thứ hai mình chưa biết người đó trong vô lượng kiếp đã tu được bao nhiêu phước-thiện?… Mình chưa biết thiện-căn họ như thế nào? Chưa biết phước-báu đó như thế nào?… Chỉ nhìn cái hình tướng bề ngoài trong một đời này mà dámphán đoán rằng: “Chị không đủ khả năng đi về Tây-Phương, chị không đủ khả năng thành Phật, chị không có khả năng được Phật tiếp dẫn!”.

Hoàn toàn nói sai kinh Phật.

Cho nên muốn “Khuyến tấn hành giả”, xin chư vị phải nhớ là Phật dạy sao mình phải nói y hệt như vậy. Nếu mình lấy cái ý nghĩ riêng tư của mình ra mà nói, thì coi chừng… Một là chính mình cũng nghĩ mình chưa đủ thiện-căn, phước-đức, nên đời này tôi cũng tu để kiếm chút phước… Hì hì… Tức là tu theo phước báu nhân-Thiên. Rồi những người nghe mình nói họ cũng nghĩ theo mình, là cùng nhau tu hành niệm Phật để tìm kiếm chút phước chờ đời sau tu tiếp…

Ngài Ấn-Quang nói, niệm Phật để cầu phước-báu nhân-thiên, chẳng khác gì một người đem cái kho tàng quý báu vô lượng vô biên để đổi lấy một tán kẹo!… Hì hì… Lần trước mình có nói rồi. “Vong thất Bồ-Đề tâm, tu chư thiện pháp, thị danh ma nghiệp”. Quên mất con đường vãng sanh thành đạo, lo tu thiện lành để tìm chút phước, thì Phật gọi đây là “Ma nghiệp”.

Cho nên chúng ta phải hiểu rõ rệt ma nghiệp chính là gì?… Ma nghiệp chính là còn kẹt trong lục đạo luân hồi!… Nhất định đời sau chúng ta phải chịu khổ!…

Đáng tiếc thay! Một vị Phật mà đi làm những chuyện sanh tử luân hồi, để mãi mãi không bao giờ có cơ hội giải thoát!…

Nam Mô A-Di-Đà Phật. 

 

THIỆN CĂN- PHƯỚC ĐỨC- NHÂN DUYÊN (2011)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –