Thiện Căn – Phước Đức – Nhân Duyên (Tọa Đàm 04) – Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị

Share on facebook
Share on twitter

 

THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN DUYÊN

(Tọa Đàm 4)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Diệu Âm nghe cư sĩ Tâm Nhật Thuyết nói về “Trình bày”, tôi tưởng là trình bày về hộ niệm, không ngờ anh ấy lại chuyển chữ “Hộ Niệm” thành “Tu Tập”. Chữ “Tu Tập” của người hạ căn là chúng ta đang chọn lựa một phương cách tu tập rấtđơn giản, đơn giản nhất trong tất cả các pháp môn. Trong kinh Phật gọi là pháp môn “Dị Hành”. Pháp môn dễ làm. Dễ làm nhưng lại có kết quả thù thắng.

Tại sao đức Thế-Tôn lại đưa ra một pháp môn rất là dễ dàng, trong khi cũng có rất nhiều pháp môn tu tập rất khó khăn? Xin thưa, đến cái thời mạt pháp này, nếu mà không có một pháp môn dễ dàng, thì chúng sanh không còn có cơ hội nào được độ thoát. Nếu đức Thế-Tôn không đại từ đại bi, không có chỉ bày cho chúng ta cái pháp môn niệm Phật, thì đếnthời mạt pháp này, người tu thì có tu, mà người đắc thì không có đắc!…

Nếu một giáo pháp đưa ra mà không có một người nào chứng đắc, thì chẳng lẽ giáo pháp đó bị ế rồi làm sao?…

Trong thời mạt pháp này mà những người tu hành như chúng ta lại được vãng sanh về tới Tây-Phương Cực-Lạc, xin quý vị hãy suy nghĩ thử?… Chúng ta đang ngồi trong một căn nhà nhỏ, một cái Niệm Phật Đường về hình thức thì không có trang nghiêm, đồ sộ, nguy nga như những nơi khác, ấy thế mà chúng ta lại có một niềm hy vọng rất vững chắc để được vãng sanh thành đạo. Phải chăng hình như là chúng ta đang ở trong thời kỳ “Đại chánh pháp”, chứ không phải là thời “Chánh pháp” bình thường. Kỳ lạ không quý vị?…

Ngài Ấn-Quang Đại Sư nói rằng, nếu mà chúng ta bỏ con đường niệm Phật cầu về Tây-Phương, thì trong chín pháp giới chúng sanh không thể nào nghĩ rằng có thể có người thành tựu đạo quả. Ngài nói tới chín cõi pháp giới chứ không phải chỉ là cõi người không. Cõi người chẳng qua là một trong sáu cõi trong lục đạo, còn phải cộng thêm ba cõi nữa là Thanh-Văn, Duyên-Giác, Bồ-Tát, là những vị vượt qua tam giới rồi đó. Ngay cả những vị đã vượt qua tam giới đó, nếu họ không tu trì theo pháp niệm Phật, thì họ cũng không thể thành tựu đạo quả.

Chính vì vậy, mình là người sinh ra trong thời mạt pháp thì tội chướng rất sâu nặng, nhưng nếu chúng ta:

– Nhất định quyết lòng nghe lời Phật dạy

– Nhất định không còn thay đổi gì nữa.

– Nhất định một đường mà đi… Thì theo như kinh Phật nói.

– Nhất định những người này là những đại hành giả đang đi về Tây-Phương, một đời thành đạo.

Chư Tổ truy trong kinh ra mà nói rằng, những người tin vững vàng, những người một đường đi về Tây-Phương, rồi trì giữ danh hiệu A-Di-Đà Phật mà niệm, thì các Ngài nói: “Một ngàn người tu một ngàn người đắc. Một vạn người tu một vạn người đắc. Muôn người tu muôn người đắc”.

Trong khi cũng là trong kinh, đức Thế-Tôn nói: “Thời mạt pháp ức vạn người tu, khó tìm một người chứng đắc”. Ấy thế mà chư Tổ lại nói: “Muôn người tu muôn người đắc”. Hai câu nói này hình như là một sự đối nghịch nhau hoàn toàn! Lạ lùng!…

Vậy thì, đúng nghĩa câu Phật nói: “Ức vạn người tu khó tìm ra một người chứng đắc”, là chỉ cho những người trong thời mạt pháp này mà không chịu niệm Phật. Còn câu nói: “Muôn người tu muôn người đắc”, là chỉ cho người nào nương theo pháp niệm Phật thì đều có cơ hội chứng đắc. Đây là câu nói dành riêng cho những người quyết lòng trì giữ câu A-Di-Đà Phật.

Chính vì thế mà trong mấy ngày qua, Diệu Âm thường hay nhắc nhở rằng phải giữ cái tâm này vững vàng thì một đờinày chúng ta thành tựu. Nếu chúng ta niệm Phật, niệm năm này qua năm nọ, sao thấy pháp môn có vẻ đơn giản quá! Nhẹ nhàng quá!… Đi ra ngoài nghe có người nói rằng, làm gì mà có chuyện niệm Phật vãng sanh dễ dàng như vậy! Tâm ta liền bị thối chuyển! Tâm ta liền bị phân vân!… À!… Ông này nói cũng phải. À!… Vị kia nói cũng đúng… Thế thìchúng ta lại trôi theo cái dòng người gọi là: “Ức vạn người tu hành khó tìm ra một người chứng đắc” rồi!… Chúng ta đành đoạn bỏ cái cơ hội vãng sanh về Tây Phương thành đạo rồi! Thật sự oan uổng vô cùng!…

Cẩn thận hơn, chúng ta đã nói niệm Phật rồi, mà còn nói thêm hộ niệm nữa là để xác định vị trí của chính chúng tatrong pháp giới là thuộc hàng dở ẹt! Dở thậm tệ! Mình phải tự xác định mình là hàng dở thậm tệ. Đức A-Di-Đà phát đại thệ tiếp độ chúng sanh, thật ra đại thệ của Ngài là nhằm cứu những người dở thậm tệ này. Đây là lời nói của Ngài Pháp-Nhiên Thượng-Nhân, một vị đại Tổ Sư Tịnh-Độ-Tông của Nhật Bổn. Sau này phát hiện ra Ngài chính là Đại-Thế-Chí Bồ-Tát ứng thân mà mình không hay. Ngài thị hiện lăn lộn trong đại chúng, cũng bị tù bị tội, cũng bị người ta ép uổngchịu khổ đủ thứ hết!… Nhưng cuối cùng phát hiện ra Ngài chính là Đại-Thế-Chí Bồ-Tát tái lai. Ngài nói, A-Di-Đà Phật phát đại thệ để cứu những người rất là dở, tội chướng thật sự thâm trọng. Vì để cứu được người quá dở, tội chướng sâu nặng nên Ngài chỉ đưa ra cái điều kiện rất dễ dàng:

Các con phải tin lời nói của ta, các con phải phát nguyện vãng sanh về nước của ta, các con hãy trì giữ danh hiệu của ta là được rồi.

Bao nhiêu nghiệp chướng trùng trùng trong quá khứ, chúng sanh tội chướng sâu nặng như chúng ta hình như đã bỏ xa nghiệp chướng ra rồi. Nghiệp chướng không còn vướng mắc chúng ta nữa rồi…

Xin thưa với chư vị, trong thời mạt pháp này mà chúng ta gặp được cái cơ may này, quý hóa không thể nào mà tưởng tượng được! Một nỗi vui mừng lớn lao không có nguồn vui nào lớn hơn! Ấy thế mà xin thưa với chư vị, vẫn còn phải cố gắng cẩn thận một điều. Ngài nói là Ngài quyết lòng cứu độ tất cả chúng sanh, chữ tất cả này có nghĩa là chỉ cho hàngphàm phu tục tử, chứ không bao giờ chữ tất cả này nhằm chỉ cho hàng đại Bồ-Tát đâu. Như vậy chúng ta là hàng “Đương Cơ” của pháp môn niệm Phật. Mà đã là đương cơ của pháp môn niệm Phật rồi thì phải tự xác nhận rằng mình có tội chướng sâu nặng mới được! Người tội chướng sâu nặng nếu chỉ cần gợi lên trong tâm một ý niệm tăng thượng mạn thì đành phải rời quang minh của A-Di-Đà Phật để tự hứng chịu những cảnh trầm luân, báo hại bởi nghiệp chướng!…

Vì thế, mấy ngày nay, Diệu Âm nói rất tha thiết rằng, muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì hai chữ “Khiêm Cung” nhất định chúng ta phải gìn giữ từ giờ này cho đến ngày vãng sanh! Nhớ được điều này, thì dù chúng ta niệm Phật có miên mật như thế nào đi nữa, dù tâm chúng ta có an khang như thế nào đi nữa, xin chư vị cũng cố gắng nhớ lời của Bồ-Tát Đại-Thế-Chí ứng hiện thành Ấn-Quang Đại Sư nói: “Càng tu phải càng khiêm nhường. Càng tu phải coi mình là hàng phàm phu tục tử. Nhất định phải nghĩ mình có nghiệp chướng sâu nặng”. Ngài còn dạy là phải đem chữ “Tử” dán ở trên đầu.

Một người phàm phu mà chết thì bị đọa lạc! Vì sợ bị đọa lạc nên phải lo ngày lo đêm để niệm Phật. Chúng ta đang ngồi trong này có hơi ấm, nếu bước ra ngoài cửa thì lạnh buốt xương. Đứng ở bên ngoài chịu lạnh buốt xương như vậy một tiếng đồng hồ thôi chư vị sẽ thấy cái khổ sở của khí lạnh như thế nào! Lúc đó mình mới mong cho người ta mở cửa để được bước vô trong nhà. Bước vào trong rồi mới thấy cái giá trị ở trong cửa và ngoài cửa khác nhau như thế nào?…

Chỉ cần có ai đó mở cửa cho chúng ta vào, tự nhiên đây là cả một cái ân huệ vô cùng lớn lao cho ta khi đang bị lạnh. Xin thưa chỉ cần ở ngoài khí lạnh một tiếng đồng hồ thôi mà chúng ta còn có cảm giác khó chịu như vậy, huống chi là bị đọa lạc!… Ngài Ấn-Quang đại sư nói, người nghiệp chướng sâu nặng này khi chết sẽ chịu trầm luân trong lục đạo. Mà thật ra… chịu trầm luân trong ba cảnh khổ đời-đời cho đến vạn kiếp nữa! Bị cái cảnh này dễ sợ vô cùng! Quá sợ đi! Vì quá sợ, nên mới thấy được giá trị của câu A-Di-Đà Phật, nhất định nó quý không tưởng tượng được. Ngài nói:

– Sợ địa ngục mà lo niệm Phật.

– Sợ tam đồ mà lo niệm Phật.

– Sợ chết rồi vạn kiếp không thoát được những cảnh khổ mà phải lo niệm Phật.

Ngài dạy phải dùng cái chữ “TỬ” mà dán trên đầu. Mình đâu có dám dán! Dán như vậy bị người ta cười chê! Kỳ quá! Ai dám dán! Nhưng chúng ta phải nghĩ rằng khi chết đi, có thể ta bị đọa lạc! Một lần bị đọa lạc, thì vạn kiếp chịu khổ đau! Thế mới biết câu A-Di-Đà Phật thật sự là một đại cứu tinh cho chúng ta. Bên cạnh đó chúng ta nghiên cứu thật kỹphương pháp hộ niệm. Phương pháp hộ niệm là đại cứu tinh trong đại cứu tinh giúp chúng ta vững vàng đi về Tây-Phương Cực-Lạc đó.

Vì sao vậy?… Vì xin thưa với chư vị, chúng ta đang niệm Phật là do thiện căn phước đức nhiều đời nhiều kiếp ứng hiện về. Nhưng bên cạnh đó nhiều rất là nhiều, lớn rất là lớn những nghiệp chướng vẫn có song song bên cạnh, ở sát bên ta chứ không đâu xa cả! Oan gia trái chủ trùng-trùng điệp-điệp vẫn ở sát bên ta, đang chờ từng ngày, từng giờ, từng phút cái thời điểm ta chết để người ta báo oán, người ta đòi nợ, người ta trả thù những chuyện mình làm sai lầm với họ.

Muốn giải ách nạn này, hằng ngày chúng ta phải thành tâm đem công đức tu hành hồi hướng cho pháp giới chúng sanh, hồi hướng cho chư vị oan gia trái chủ. Muốn hồi hướng cho họ, muốn điều giải được với oan gia trái chủ thì quan trọng nhất chính là sự khiêm cung của người niệm Phật. Một người niệm Phật mà không có tính khiêm cung thì nhất định không thể nào điều giải được nạn oan gia trái chủ!… Chắc chắn! Không có ý niệm khiêm cung thì nhất định bị oangia trái chủ lợi dụng. Lợi dụng để hảm hại những người không biết tu thì quá đơn giản, nhiều khi họ không cần làm. Lợi dụng để hảm hại, trả thù một người đã biết niệm Phật thì họ cần phải lựa những đòn thế vô cùng tinh vi, vô cùng tế nhị mới được. Nếu chúng ta không để ý thì cũng khó mà biết đó.

Ví dụ như mấy ngày qua chúng ta đưa ra những người tự xưng mình là đã đột phá cảnh giới Hoa-Nghiêm làm ví dụ. Những người đã đột phá được cảnh giới Hoa-Nghiêm tức là đại Bồ-Tát rồi. Đối với chúng ta họ là những vị Phật rồi. Bốn mươi mốt vị Phật trên cảnh giới Hoa-Nghiêm, họ là một trong những vị Phật đó rồi.

Nhưng tội nghiệp thay! Những người tự xưng như vậy chắc chắn đã vô ý quên đi cảnh giới phàm phu tục tử của mình. Đã sinh ra trong thời mạt pháp mà còn dám tự xưng này xưng nọ!… Chỉ một sơ ý này thôi, bị oan gia trái chủ cài bẫy liền. Cài bẫy gì?… Cài cho một sự chứng đắc tuyệt vời! Cách xa một trăm năm mươi cây số vẫn nghe tiếng một người nói chuyện. Quý vị hãy tưởng tượng đi. Có nhiều người cảm phục đến nỗi muốn quỳ xuống tôn làm sư phụ. Chắc chắnhọ phải có những sự chứng đắc gì vi diệu chứ? Nhưng khi đối trước ngài Tịnh-Không đã bị mời ra khỏi đạo tràng. Hai tháng sau đó thì không còn ai dám chứa nữa!…

Đây là những lời khai thị rất sắc bén để chúng ta cố gắng gìn giữ. Nhất định ta là phàm phu phải đi theo con đườngphàm phu thấp nhất và khiêm cung nhất thì chúng ta sẽ được cảm ứng đến đại nguyện của đức A-Di-Đà Phật, cảm thông với hai mươi lăm vị Bồ-Tát Quán-Thế-Âm, cảm thông với rất nhiều chư Thiên-Long Hộ-Pháp. Các Ngài sẽ bảo vệcho chúng ta và sau cùng chúng ta được A-Di-Đà Phật phóng quang tiếp độ vãng sanh về Tây-Phương.

Nguyện mong chư vị, những lời nói đơn giản mộc mạc này có lẽ cũng giúp cho chúng ta biết được con đường nào là đường an toàn để đi về Tây-Phương. Còn những ý nghĩ nào là điều sơ suất có thể làm cho chúng ta đáng lẽ được bước lên đài sen thành đạo, mà lại bước lui vào cảnh thối chuyển thì phải tránh!… Một khi lui ra khỏi đài sen thì bị sụp xuống một cái hố rất sâu. Trên miệng hố đó… ngước nhìn lên… dường như ta thấy được con thuyền Bát-nhã của A-Di-Đà Phật, nhưng lúc đó cũng đành chịu thua rồi, ta không còn cách nào đi về Tây-Phương được nữa!…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

THIỆN CĂN- PHƯỚC ĐỨC- NHÂN DUYÊN (2011)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –