Thiện Căn – Phước Đức – Nhân Duyên (Tọa Đàm 41) – Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị

Share on facebook
Share on twitter

THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN

(Tọa Đàm 41)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Ngày hôm qua mình nói về “Phát Bồ-Đề tâm”. Phát bồ-đề tâm chính là tha thiết nguyện vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Đây là chánh nguyện của người niệm Phật. Lấy nguyện này làm chính, thì cố gắng chuyên nhất.

Niệm Phật phải chuyên nhất. Chúng ta không nên sơ ý phát nguyện nhiều quá mà làm tâm hồn của chúng ta bị chia ra năm đường bảy ngã, rồi không có nguyện nào được trọn vẹn, lỡ trong giai đoạn đó mình mãn phần thì tinh thần sẽ bịchao đảo, phân vân, do dự, sợ sệt… làm cho con đường vãng sanh của mình có thể bị chướng ngại!…

Cho nên chánh nguyện thì càng ngày càng thâm sâu vào trong tâm, còn những trợ nguyện thì cứ tùy duyên, có duyênchúng ta làm, không duyên chúng ta cứ một lòng niệm Phật đi về Tây-Phương thì tất cả đều hoàn hảo.

Trong cái Phước Đại-Thừa, Phật có nói điều “Thâm Tín Nhân Quả”. Thâm Tín Nhân Quả trong kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ khác với “Tin Nhân Quả” trong những bộ kinh khác.

Làm hiền được phước, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu… Đó là nhân quả thường thường chúng ta nghe qua. Còn ở đây Phật nói thâm tín nhân quả là Phật kêu gọi những vị đại Bồ-Tát phải thâm hiểu về “Nhân”, về “Quả”. Thì cáinhân quả này, theo như Hoà Thượng Tịnh-Không giảng rất là kỹ, đó là: “Niệm Phật là Nhân thành phật là Quả”. Chư vị Tổ Sư đều đồng nói như vậy: “Niệm Phật là Đại Nhân, thành Phật là Đại Quả”.

Chính vì thế, hôm nay chúng ta có được cái nhân niệm Phật, thì chúng ta phải tin tưởng cái nhân niệm Phật này sẽ đưa ta vãng sanh về Tây-Phương thành Phật. Lòng tin này đừng bao giờ lung lay, nếu lòng tin lung lay thì liền bị trở ngại!

Rõ ràng trong thiện-căn cũng có chữ “Tín”, trong phước-đức cũng có chữ “Tín”, và trong cơ-duyên là ngay trong những giờ phút chúng ta niệm Phật này cũng cần chữ “Tín”. Trong kinh Phật thường hay nói “Một là tất cả. Tất cả là một”. Ta giảng sao cũng được hết. Viên mãn tròn đầy.

Cho nên nếu chúng ta quyết lòng đi về Tây-Phương thì nhất định chính niềm tin vào pháp Niệm Phật này sẽ đưa tavãng sanh về Tây-Phương một đời thành đạo. Đừng bao giờ để niềm tin lay chuyển. Nếu lay chuyển thì sợ rằng đến lúc nằm xuống chúng ta không còn có cơ hội nào khác để lấy lại cái niềm tin đó đâu! Mong chư vị cố gắng củng cố niềm tin. Tất cả đều ở tại cái niềm tin này mà ta thành đạo…

Năm ngoái, khi đi về Việt Nam để hộ niệm cho người Cô vãng sanh, sau đó chư vị đồng tu bắt đi lang thang các nơi. Thì có một dịp tới tại một ngôi tự viện ở thành phố Nha Trang. Có ba-bốn đạo tràng hợp lại và Diệu Âm đã trình bày vềphương pháp hộ niệm. Thì có một vị Sư Bà hỏi như thế này:

– Sư Bà thấy rằng tụng chú Đại-Bi rất tốt. Nếu người bệnh thành tâm tụng chú Đại-Bi thì sẽ hết bệnh. Sư Bà nói chính mắt Sư Bà đã xác nhận có hai trường hợp như vậy, tức là bệnh rất nặng nhưng sau khi trì chú Đại-Bi thì người đó hết bệnh. Sư Bà nói:

– Vậy thì tại sao chúng ta không đem chú Đại-Bi trì tụng cho người bệnh mà phải niệm câu A-Di-Đà Phật?…

Diệu Âm mới thưa với Sư Bà và cùng chư vị đại chúng ở đó như vầy, tụng chú Đại-Bi giải nghiệp rất là tốt. Chính SưBà đã xác nhận được có người niệm chú Đại-Bi hết bệnh. Đây đúng là Phật Pháp vi diệu…

Tuy nhiên, Diệu Âm cũng nói, tình thật là Diệu Âm biết được Phật pháp quá ngắn, chưa tới mười năm. Nhưng chínhDiệu Âm này cũng đã từng thấy những người niệm câu A-Di-Đà Phật mà được hết bệnh, không phải là một vài người, mà đến mười mấy người như vậy. Diệu Âm mới biết Phật pháp đây thôi.

Như vậy rõ ràng, trì chú cũng có thể hết bệnh, niệm Phật có thể hết bệnh…

Bên cạnh đó thì có rất nhiều vị hộ niệm cùng đi theo, nên Diệu Âm mới nói rằng:

– Bây giờ chúng ta có thể hỏi những vị trưởng ban hộ niệm đang có mặt tại đây, hỏi họ đã chứng nhận bao nhiêu người niệm một câu A-Di-Đà Phật cầu về Tây-Phương vô tình lại được hết bệnh. Hết bệnh một cách rõ ràng, và sĩ số hết bệnh đó chắc chắn phải hơn con số hai người như Sư Bà đã xác nhận.

Tất cả đều ở “Niềm Tin”. Nếu niềm tin của mình vững mạnh vào chú Đại-Bi, tụng chú Đại-Bi sẽ linh ứng bất khả tư nghì. Nếu niềm tin vững mạnh của mình đặt vào câu A-Di-Đà Phật, niệm câu A-Di-Đà Phật cũng sẽ được cảm ứng bất khả tư nghì. Trong kinh Phật không có cái gì mà không vi diệu bất khả tư nghì hết.

Tuy nhiên có một điểm khác như thế này, tụng chú Đại-Bi có thể hết bệnh. Nhưng giả sử như cái thân nghiệp của người đó đã mãn, thì tụng chú Đại-Bi làm giảm bớt nghiệp chướng, nhưng phần vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc hình như là rất khó phát hiện! Trong khi đó thì niệm một câu A-Di-Đà Phật, quyết lòng nguyện vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, nếu cái thân nghiệp này đã mãn thì họ được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Nếu cái thân nghiệp này chưa mãn, tức là thọ mệnh của họ còn thì tự nhiên hết bệnh. Khác nhau ở chỗ: “Vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc”.

Chính vì thế khi mà chúng ta quyết lòng tin tưởng vào câu A-Di-Đà Phật, một lòng niệm câu A-Di-Đà Phật và tha thiết nguyện vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, thì một có thể hết bệnh, hai vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Còn niệm các chú khác thì một có thể hết bệnh, hai là coi chừng lỗ!.. Lỗ này có nghĩa là mình không trở về Tây-Phương Cực-Lạc để thành đạo được!

Tại vì xin thưa, niệm chú thật ra chính là tu phước, phá nghiệp. Còn niệm Phật cũng tu phước, phá nghiệp, nhưng thêm một phần nữa là được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Như vậy thì tại sao chúng ta không quyết lòng niệm câu A-Di-Đà Phật để vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc?…

Một điểm nữa, là khi hộ niệm cho người bệnh vãng sanh. Nếu xen tạp nhiều thứ quá là do từ niềm tin vào câu Phật hiệuyếu! Chắc chắn hễ đã xen tạp thì tâm sẽ phân-vân, do dự, nửa ở nửa đi, chập chờn trong cảnh giới đó! Ví dụ, nhiều lúc bị đau đớn quá thì cũng muốn về Tây-Phương cho rồi!… Có lúc thấy khỏe khỏe lại một chút thì nhớ tới con, nhớ tới gia đình, nhớ tới sự nghiệp… tự nhiên cũng ham sống thêm một vài năm nữa… Chập chờn nửa ở nửa đi!… Tinh thần nàynhất định không bao giờ cảm ứng được đến đại nguyện của đức A-Di-Đà Phật. Mà không cảm ứng được với Đức A-Di-Đà Phật thì nhất định khó có thể tiếp xúc được với Phật quang của A-Di-Đà Phật.

Bên cạnh đó, một là nghiệp chướng đang hiện hành, chắc chắn nó sẽ quậy tan nát hết. Thứ hai là oan gia trái chủ chướng cũng đang hiện diện, khi thấy một người không quyết tâm đi về Tây-Phương thì thật sự chư vị đó hiểu rõ rệt là người này đã mang nợ máu với mình, nhưng không muốn về Tây-Phương thì nhất định không thể nào trả được cái món nợ sinh mạng của họ được!… Như vậy thì làm sao chúng ta có thể cầu nguyện các Ngài thay tâm đổi tánh, xả bỏ oán thù để hộ niệm cho mình? Tất cả bao nhiêu thứ chướng ngại dồn lại làm cho những người chập chờn nửa ở nửa đi sau cùng trong một trăm phần tìm không ra một phần để vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc! Người bệnh đó dù làm cái gì có hay tới đâu, làm thiện tới đâu đi nữa, thì nhiều lắm là hưởng được cái phước-báu nhân-thiên trong đời sau là cùng.

Y hệt như vậy!… Cũng niệm Phật, cũng nguyện vãng sanh và cũng tu hành giống như vậy…

– Nhưng mà giữ niềm tin vững vàng, nhất định một đường đi thẳng.

– Phát nguyện chuyên nhất.

– Niệm Phật chuyên nhất.

– Lòng tin không lay chuyển…

Thì cơ duyên này họ vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Cũng y hệt như vậy!… Cũng phước-báu như vậy!… Nhưng niềm tin chập chờn, nửa ở nửa đi, không muốn về Tây-Phương, thì bây giờ dù có gì đi nữa họ cũng phải rớt lại trong lục đạo trước, sau đó ngàn năm, vạn năm, vạn kiếp… không biết ngày nào để nói lên được câu vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc!

Thưa với chư vị, tất cả đều dồn tới ba điểm “TÍN-NGUYỆN-HẠNH”. Nhất định phải chuyên nhất. “Tin” nhất định là “Thâm Tín”. Niệm Phật là nhân thành Phật là quả.

– Người nào phát khởi cái niềm tin này trước, người đó vãng sanh về Tây-Phương trước…

– Người nào phát khởi cái niềm tin này sau, thì thôi để vài ngàn kiếp sau rồi tính!…

– Người nào quyết lòng quyết dạ một lời nguyện duy nhất nguyện vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc… Chư Tổ nói nguyện này chính là “Vô-Thượng Bồ-Đề tâm” đã phát.

Chính đức Thích-Ca-Mâu-Ni Phật trong kinh Niệm-Phật-Ba-La-Mật cũng nói rõ rệt câu này: “Vãng sanh về Tây-Phương thì một đời thành Phật”. Cho nên Ngài cũng nói, “Vãng sanh về Tây-Phương tức là thành Phật”. Một cáiđại nguyện thành Phật mình lại không dám nhận, mà cứ nhận những cái nguyện làm phước, làm thiện… để đời sau tu tiếp. Phải chăng, có tu hành nhưng đã sơ ý đi lệch rồi! Đi lệch một ly thì xa ngàn dặm!

Mong chư vị càng ngày càng vững tâm. Nhất định pháp Hộ Niệm sẽ đưa tất cả chúng ta về tới Tây-Phương Cực-Lạc bằng niềm tin vững vàng, bằng chí nguyện vãng sanh tha thiết và kiên trì chuyên nhất một câu A-Di-Đà Phật niệm tới cùng!… Ta thành đạo!…

Nam Mô A-Di-Đà Phật. 

 

THIỆN CĂN- PHƯỚC ĐỨC- NHÂN DUYÊN (2011)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –