Thiện Căn – Phước Đức – Nhân Duyên (Tọa Đàm 09) – Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị

Share on facebook
Share on twitter

THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN

(Tọa Đàm 9)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Phật nói nhờ ‘‘Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên’’ đầy đủ mới vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc được.

Có người dùng Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên để khuyến tấn chúng ta niệm Phật vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Cũng có người nghe đến danh từ Thiện-Căn Phước-Đức Nhân-Duyên lại đi khuyên chúng sanh đừng nênniệm Phật, tại vì không dễ gì lấy chút Thiện-Căn, chút Phước-Đức, chút Nhân-Duyên mà đi về Tây-Phương Cực-Lạc đâu…

Cho nên cũng là một danh từ mà từ một góc nhìn khác lại thấy khác. Một người dùng danh từ thiện-căn, phước-đức, nhân-duyên đầy đủ để vãng sanh thì họ khuyến tấn chúng ta hãy quyết lòng vãng sanh. Nếu có thiện căn ít thì bây giờ tô bồi thiện căn đi, để được về Tây-Phương. Nếu có phước-đức ít thì hãy tô bồi phước-đức đi, để đủ phước-đức đi về Tây-Phương. Nếu chưa có nhân-duyên, thì hôm nay đã gặp câu A-Di-Đà Phật tức là có nhân-duyên rồi đó, mau maukết hợp nó lại để đi về Tây-Phương. Nhờ thế mà một người được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Một người cũng nghe đến đại Thiện-Căn, đại Phước-Đức, đại Nhân-Duyên lại sớm có cái tâm tiêu cực! Họ nói rằng, quý vị không đủ thiện-căn, không đủ phước-đức, không đủ nhân-duyên đâu, thôi đừng đi về Tây-Phương Cực-Lạc làm chi. Một lời nói làm đoạn mất con đường thành đạo của chúng sanh!…

Cho nên, khuyến tấn lên, dù người được khuyến tấn chưa chắc gì họ đã đủ thiện-căn, phước-đức, nhưng cơ hội này tạo niềm tin cho chúng sanh. Khi tạo niềm tin cho chúng sanh thì vô tình niềm tin của mình cũng tăng trưởng. ‘‘Tín năng trưởng dưỡng chư thiện căn’’. Nhờ mình tô bồi tín tâm cho mọi người mà làm cho thiện-căn của chính mình cũng tăng trưởng lên hồi nào không hay.

‘‘Tín năng trưởng dưỡng chư thiện căn’’.

Mình thấy một người kia phước báu ít quá, đang đi bán bánh ú ở ngoài đường. Có người thì đang lượm rác… Rõ rànghọ đâu có phước báu! Nhưng mình vẫn cứ khuyến tấn đi. Hãy nói, ở đây phước báu không có, về Tây-Phương thì phước báu vô lượng. Quyết lòng tin đi, xúi dục họ, làm cho người bán bánh ú, người bán vé số, một người lượm rác… đang lang thang ngoài đường quyết lòng niệm Phật, tin tưởng vững vàng. ‘‘Tín vi đạo nguyên công đức mẫu’’. Khilòng tin của người đó thanh tịnh, lòng tin của người đó tràn đầy thì tự nó tạo ra công đức. Tức là, nhờ lòng tin đó mà nảy sanh ra công đức. Công đức mà còn sanh ra được, huống chi là phước-đức.

Hỏi rằng, phước-đức là như thế nào?… Công đức là như thế nào?…

Một người lượm rác thì không có phước-đức. Nhưng cái tâm họ thành, tâm họ tin tưởng, tâm họ chí thành chí kính. Họ đem cái tâm thành đó hồi hướng về Tây-Phương Cực-Lạc, thì cái tâm thành đó, chút phước-đức từ lòng thành đó đãbiến thành công đức.

Còn nếu chúng ta nghĩ rằng, ‘‘À!… Bà đó không đủ phước-đức! Ta có bạc tỷ dollars đây, ta mới có phước-đức’’. Khoe cái đó ra!… Thật ra phước-đức hữu lậu vẫn là thứ phước-đức hữu lậu! Sau cùng chính cái phước-đức đó nó trói mình lại trong lục đạo luân hồi! Như ngài Tịnh-Không nói, tiền bạc nhiều quá coi chừng vì đắm vào tiền tài này, sau cùng không cách nào rời khỏi được đống tiền mà đành chịu nạn! Một đời hưởng phước để vạn đời chịu khổ! Lý do vì chính tâm của mình đã đi sai đường!

Từ đâu mới tăng được thiện-căn phước-đức lên?… Xin thưa với quý vị, thật ra là từ một niềm tin này mà khởi phát lên.Tín!… Cái lòng tin này là mẹ sinh ra công đức. Một chút phước-đức này, lấy lòng thành gửi về Tây-Phương thì phước-đức biến thành công-đức.

Đi tới một chỗ động đất, người ta thì bỏ tiền ra bố thí triệu triệu… Họ lên danh sách này, lên danh sách nọ. Phóng viên, truyền hình tới phỏng vấn đăng tin. Một người không có một đồng bạc nào, thấy hoàn cảnh chúng sanh khổ quá, đưa ra một ổ bánh mì cho người nghèo khó mà tâm chân thành… coi chừng ổ bánh mì này có công đức còn ngon lành hơn những người bỏ bạc triệu ra đó…

Cho nên, công đức lớn hay nhỏ là do cái tâm thành của một người chứ không phải là cái số lượng đưa ra. Một người bỏ ra bạc triệu nhưng thật ra gia tài họ tới bạc tỷ, thì số bạc triệu đó đâu đánh giá cao bằng một người chỉ có một đồng mà dám bỏ ra chín mươi xu để cho người khác đỡ đói, tức là họ nhịn đói mà giúp cho người khác. Chính cái lòng thành này nó châu biến pháp giới.

Trong kinh Phật có câu, ‘‘Tâm Bao Thái Hư’’, tâm mở rộng ra thì ‘‘Lượng châu sa giới’’. Giảng về Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên, có nhiều người nói: ‘‘Bà ơi! Bà hãy lo tu thiện-căn đi, tu phước-đức đi để đời sau tu tiếp. Tu đến vạn kiếp sau, khi nào thiện-căn, phước-đức đầy đủ rồi, bà mới về Tây-Phương được’’!… Giảng giải như vậy, vô tình dẫn dắt một người vốn đã nhiều nghiệp chướng, lại tiếp tục lăn lộn trong nghiệp chướng để tạo thêm nghiệp chướng mới nữa, thì ngày nào họ mới có khả năng vượt thoát sanh tử luân hồi đây?…

Trong khi biết rằng: À! Bà ơi! Thiện-căn, phước-đức của bà ít quá! Thì bây giờ tôi chỉ cho bà cách tô bồi thiện-căn, phước-đức nhé. Tô bồi như thế nào?.

Niệm Phật một câu, phước sanh vô lượng.

Lễ Phật một lễ, tội diệt hằng sa.

Hãy đến Niệm Phật Đường mà niệm Phật với tôi đi. Hãy thành tâm niệm một câu A-Di-Đà Phật đi thì phước tăng vô lượng. Mà niệm với lòng chân thành, chí kính, thì cái phước-đức này không còn là phước-đức hữu lậu nữa đâu bà, mà là công đức vô lượng vô biên đó.

Lễ Phật với tôi đi bà ơi! Lễ Phật với tôi đi ông ơi! Lễ Phật một lễ tội diệt hằng sa. Bao nhiêu nghiệp chướng trùng trùngnhờ lòng thành lễ Phật mà nó tuôn ra hết. Niệm Phật một câu đem công đức vào… Lễ Phật một lễ tuôn nghiệp chướng ra…

Bây giờ, chư vị hỏi lại, thiện-căn phước-đức ở đâu?… Ở ngay chỗ chí thành chí kính niệm Phật này chứ đâu. Tại saochúng ta không biết giúp cho người ta con đường tạo thiện-căn phước-đức để đi về Tây-Phương?… ‘‘Vạn pháp Nhân-Duyên sanh’’. Một người trong cuộc đời này gặp cái Nhân-Duyên này, và nhờ thiện trí thức chỉ đường dẫn lối, họ ngộ ra đường đạo. Nhân-Duyên sanh ra vạn pháp… Vạn pháp được sanh ra từ một người phàm phu tục tử này đã gặp đượcNhân-Duyên hôm nay mà trở thành một vị đại Thượng-Thiện-Nhân trên cõi Tây-Phương.

Một người cũng trong hoàn cảnh này, gặp được nhân-duyên này, lại bị người ta gạt mất con đường siêu sanh Tịnh-Độ!Niềm tin bị đoạn rồi, lòng nghi nảy sanh ra! ‘‘Nghi’’ thì duyên với ‘‘Nghi’’. Một niệm nghi ngờ sanh ra, hàng vạn nghiệp chướng bao trùm họ lại. Rõ ràng ‘‘Mê’’ mới nghi! Chứ ‘‘Ngộ’’ bao giờ lại nghi?…

Phật pháp đã dạy ta ‘‘Đoạn nghi sanh Tín’’. Hãy tìm mọi cách đoạn cái lòng nghi của chúng sanh đi, để giúp cho họ sanh cái tín tâm ra. Có sanh được tín tâm, thì thiện-căn theo đó mà tuôn trào ra, phước-đức theo đó mà trưởng dưỡnglên. Bây giờ không có phước-đức cũng sẽ có phước-đức, không có thiện-căn cũng sẽ có thiện-căn. Tại sao vậy? Tại vìchắc chắn bản lai của người đó là Phật. Phật là Lưỡng-Túc-Tôn. Quý vị có hiểu chỗ này không? Lưỡng Túc Tônkhông phải là hai chân, mà Trí-Huệ và Phước-Đức có đầy đủ. Trí-Huệ và Phước-Đức đã có đầy đủ mà họ không biếtsử dụng, chỉ vì họ đã lỡ mê rồi mà không biết đó thôi! Vì không biết nên họ cứ tiếp tục đi theo con đường thiếu phước-báu!… Thật là oan uổng!…

Chứ nếu họ ngộ ra một cái thử coi… Một viên ngọc Như-Ý vô giá đó, tất cả mọi người chúng ta đều có. Mọi người đều có, thì hãy chỉ cho họ mau mau lượm viên ngọc đó lên đi. Họ lượm viên ngọc đó đưa lên, họ trở nên một người quý vô giá. Vô giá về phước-đức, vô giá về thiện-căn.

Hôm qua mình nói thiện-căn thuộc về Trí-Huệ. Trí huệ đó ở đâu? Viên ngọc đó chìm trong bùn đen, không thể phát quang! Mình tưởng rằng họ không có trí huệ! Nhưng chư Phật đã thấy rõ ràng, viên ngọc đó từ vô thỉ đến bây giờ vẫn là như vậy, và đến vô chung trong tương lai cũng là như vậy. Đối với một con vật cũng vậy. Đối với một con người cũng vậy. Ví như con người này vụng dại tái sinh vào hàng súc vật, thì con súc vật này vẫn có viên ngọc như-ý đó. Nó vẫn là như vậy, không mê, không ngộ, không tăng, không giảm…

Xin thưa với chư vị, xét cho cùng ra, thiện-căn phước-đức vẫn ở tại tâm này, không phải ở ngoài. Nếu nghi ngờ lời Phật thì mình đã đánh mất thiện-căn của mình rồi. Nếu tin tưởng lời Phật thì mình trưởng dưỡng thiện-căn của mình lên. Mình quyết lòng đem cái viên ngọc như-ý mình đưa ra thì lập tức viên ngọc phát quang. Nếu mình đưa không được, thì nhờ chư đạo hữu tới tìm cách khai thị, giảng giải, hóa gỡ những gút mắt sai lầm để cho khơi nó lên. Dù cho có bị dìm ở trong bùn đen ngàn năm, khi vừa khơi lên, viên ngọc tự nhiên sẽ phát quang. Nên nhớ, viên ngọc không bao giờ bị ô nhiễm cả.

Cho nên, cũng là thiện-căn, phước-đức, nhân-duyên đó, lại gặp một người mê mờ, đem cái thiện-căn của mình tiếp tụcdấu đi, đem cái phước-đức của mình tiếp tục dấu đi. Để rồi tiếp tục hưởng những cái mê mờ, những cái thiếu phước!…

Còn nếu chúng ta nghe lời Phật thì khác. Phật nói sao?…

Khi Ta thành Phật, mười phương pháp giới chúng sanh nghe đến danh hiệu của Ta, dẫu cho người đó tội lỗi bao nhiêu…

Tội lỗi là những gì?… Là người mê muội đó, là người thiếu thiện-căn đó, là người thiếu phước-đức đó… Thiếu là tại người ta quên mất của quý mà thiếu đó! Tại mê mà thiếu đó! Chứ nếu họ tỉnh ngộ thì làm sao thiếu được?

Niệm danh hiệu Ta đi, quyết lòng cầu nguyện vãng sanh về nước Ta đi…

Có chút thiện lành gì mà nhớ được đó, từ sáng đến chiều mình làm được phước thiện gì đó, chút xíu như vầy chứ mấy!… Thật ra cái đó cũng chỉ là chút quà tượng trưng cúng dường trên cõi Tây-Phương chứ đâu có là bao nhiêu!…

Gởi về nước Ta đi. Niệm mười niệm, cầu sanh về nước Ta. Ta không tiếp dẫn về nước Ta, Ta thề không thành Phật.

Tại sao không chịu nghe lời Phật giúp cho chúng sanh tạo thêm thiện-căn phước-đức để trong nhân-duyên này họ được về Tây-Phương?

Có người cứ nằm đây mà mơ tưởng một ngày nào đó sẽ có thiện-căn, có phước-đức mới làm đạo. Xin thưa với quý vị, có nhiều người nghĩ vậy đó: ‘‘Bây giờ bảo tôi đi khuyên người niệm Phật… Tôi không khuyên đâu’’. Hỏi tại sao vậy? ‘‘Tại vì bây giờ cái năng lực của tôi dở quá! Anh hãy chờ cho tôi một thời gian nữa, khi năng lực tôi mạnh rồi, khi năng lực tôi đủ rồi thì tôi mới đi ra làm đạo’’…

Tôi chắp tay lại: Cảm ơn!… Tôi tán thán cái lời hứa của anh, nhưng tôi không theo anh, không tán thán việc làm của anh!… Vì xin hỏi anh, khi nào năng lực của anh mới đủ vậy?… Khi nào năng lực của anh mới mạnh vậy?… Xin nhắc nhở anh rằng, một khi anh nghĩ rằng anh đã có năng lực, thì coi chừng… xin lấy lời của ngài Tịnh-Không ra nói:

– Khi quý vị thấy mình có một năng lực… Khi quý vị nghĩ mình đã chứng đắc… Khi quý vị nghĩ mình đã thành đạo… Thìcoi chừng quý vị đã bị tẩu hỏa nhập ma rồi!…

Trong khi ngài Ấn-Quang dạy ta điều gì?… ‘‘Chí Thành-Chí Kính’’. Ngài có dạy là phải chứng đắc trước rồi mới đi khuyên người niệm Phật đâu? Mà Ngài nói:

– Khi ta biết con đường niệm Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc là con đường giải thoát, thì nỡ lòng nào để cho thân bằng quyến thuộc, anh em của chúng ta tiếp tục chìm đắm trong bể khổ sông mê?… Khuyên người niệm Phật cầu về Tây-Phương là giúp cho một chúng sanh phàm phu thành bậc Chánh-Giác…

Ta là một phàm phu, sẵn sàng đi khuyên một vị phàm phu. Tại vì chúng ta đồng cảnh ngộ với nhau thì dễ hiểu nhau. ‘‘Đồng hoạn tương thân’’. Cùng hoạn nạn mình thương yêu nhau. Mình không muốn đọa lạc, thì cũng không nỡ nào để cho người thân của mình bị đọa lạc…

Thành ra, mình nên nói: ‘‘Thôi!… Mẹ ơi! Niệm Phật đi!… Cha ơi! Niệm Phật đi!… Anh ơi! Niệm Phật đi!… Con cũng niệm Phật để được vãng sanh. Cha cũng niệm Phật để được vãng sanh. Chị niệm Phật cũng được vãng sanh… Chúng tatoàn là phàm phu, nhưng nhờ A-Di-Đà Phật đưa ta về Tây-Phương thành đạo’’.

Cho nên, ‘‘Khuyên người niệm Phật cầu về Tây-Phương là giúp cho người phàm phu tục tử thành bậc Chánh-Giác.Công đức này vô lượng vô biên…’’. Rõ ràng, có bao giờ Ngài nói rằng, khi nào ta chứng đắc rồi mới được khuyên ngườiniệm Phật đâu? Không có!… Hoàn toàn chư Tổ không có nói như vậy. Ấy thế nhiều người học Phật mà:

– Không chịu lấy lời Tổ ra làm chuẩn mực cho mình đi.

– Không chịu lấy lời Phật ra làm cái gương cho mình soi.

– Không chịu lấy những lời của chư vị Thánh Tăng ra mà làm kim chỉ nam hành đạo.

Mà cứ lấy toàn những thứ ‘‘Sở Tri Kiến’’ của mình ra mà nói, để dẫn dắt chúng sanh đi trên con đường mông lung vô định hướng! Vô lượng vô biên chúng sanh, ngày ngày, giờ giờ, từng sát-na đi xuống tam ác đạo, khổ đau bất tận! Ta không thương họ, tìm cách cứu họ, mà bây giờ lại còn bày vẽ cho họ đi theo cảnh giới đau khổ đó nữa!…

Ngài Ấn Quang nói: Làm sao có thể chờ đợi đến đời sau? Đời sau coi chừng thân người không lấy lại được!…Ấy thế mà có người dám nói, hãy tìm chút phước đi để đời sau tu tiếp. Ngài Tịnh Không nói: Tu Phước thì hưởng Phước. Nhưng ngu si thì thành súc sanh để hưởng phước. Khi thành súc sanh thì tiếp tục mê. Tiếp tục mê thì Phật chỉ đàn kiến mà nói với Ngài A-Nan rằng: ‘‘Bảy đời Phật rồi, con kiến vẫn là con kiến…’’!

Xin chư vị hiểu cho Thiện-Căn, Phước-Đức ở tại niềm tin. Giữ vững niềm tin thì được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Lúc đó chư vị sẽ thấy rõ ràng thế nào là Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên đầy đủ.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

THIỆN CĂN- PHƯỚC ĐỨC- NHÂN DUYÊN (2011)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –