Thiện Căn – Phước Đức – Nhân Duyên (Tọa Đàm 14) – Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị

Share on facebook
Share on twitter

THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN

(Tọa Đàm 14)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Niệm Phật là một pháp môn “Đại Giải Thoát”, nhưng có nhiều người không trân quý là tại vì chưa nhận rõ một tương lai rất gần có thể chìm đắm trong biển khổ, bị nạn trong ba đường xấu ác! Nếu chúng ta thấy rõ nghiệp chướng của mình quá nặng, với cái nghiệp chướng này ta sẽ tới đó chịu nạn vạn kiếp, thì chắc chắn cơ hội niệm câu A-Di-Đà Phật này trở nên quý giá vô cùng, không ai dám lơ là…

Ngài Ấn-Quang sau khi đã nghiên cứu tam tạng kinh điển, mười hai phần giáo, Ngài mới giật mình tỉnh ngộ liền quay trở về một câu danh hiệu Nam Mô A-Di-Đà Phật, quyết trì giữ đến cùng không dám rời ra. Trong phòng thờ của Ngài chỉ có một ảnh tượng A-Di-Đà, đơn giản lắm, một kinh A-Di-Đà, bức tường sau bàn thờ Ngài để một chữ “Tử”, có nghĩa là Ngài tự nhắc nhở một ngày nào đó Ngài phải chết.

Một vị tôn sư mà phải để chữ “Tử” để nhắc nhở rằng bắt đầu từ giờ phút này cho đến cái ngày mãn báo thân không thể nào rời câu A-Di-Đà Phật một ly một tấc. Ta là một phàm phu, ta không phải là một đại Bồ-Tát như Ngài, thì cái cơ duyên bị nạn chắc chắn phải dễ dàng, phải nhiều hơn Ngài hàng vạn lần! Đúng ra…

– Chúng ta phải biết sợ, sợ cảnh địa ngục một ngàn lần hơn Ngài.

– Chúng ta phải sợ, sợ rơi vào tam ác đạo một ngàn lần hơn Ngài.

– Và ta phải trì giữ câu A-Di-Đà Phật một ngàn lần hơn Ngài, ta mới an tâm được.

Ấy thế mà có nhiều người gặp câu A-Di-Đà Phật vẫn còn hững hờ! Sở dĩ hững hờ là:

– Tại vì không mường tượng ra được cảnh đau khổ vạn kiếp, bị thiêu đốt vạn đời dưới địa ngục!

– Tại vì không nghĩ rằng cảnh ngạ quỷ đói khổ như thế nào!…

– Tại vì không nghĩ rằng cảnh bị lột da xẻo thịt của loài súc sanh tệ hại như thế nào!… Đau khổ như thế nào!…

Chứ nếu mà chúng ta nghĩ tới cái chuyện đó thì xin thưa câu A-Di-Đà Phật không ai dám rời đâu.

Hồi sáng chúng ta có nhắc qua câu: “Sanh tử hải trung, niệm Phật đệ nhất”. Tức là chư Tổ đặt chúng ta như đang bị chìm trong cái dòng sanh tử cuồn cuộn, bị chết chìm trong biển khổ đó. Nếu thật sự mình đang chết chìm trong biển khổ đó, nếu vớ được một cái phao, thì quý vị có thấy cái giá trị của cái phao đó không?… Chắc chắn là không bao giờ dám rời phao đó ra đâu. Mà trong những cái phao đó, chỉ có cái phao A-Di-Đà Phật là an toàn nhất, cái phao A-Di-Đà Phật là vĩ đại nhất, cái phao A-Di-Đà Phật đưa mình vượt qua cái biển khổ đó, đưa mình về cảnh an vui cực lạc nữa… Lúc đó mình mới thấy giá trị của câu A-Di-Đà Phật quý hóa không biết ngần nào? Không có gì có thể so sánh được.

Ngài Tịnh-Không thường hay nói rằng, chúng sanh mê muội không biết của quý. Ngài nói câu A-Di-Đà Phật là cái của đại quý, đại báu mà vô lượng kiếp qua mình chưa từng gặp qua, chưa từng bám được. Ấy thế mà không chịu bám, không chịu giữ! Nhiều khi chư Phật, chư Tổ, đưa cái cơ duyên thành đạo đến tận tay ta rồi mà mình vẫn hững hờ, cứ cố bám lấy những cái gọi là những phước báu tạm bợ bên ngoài. Những thứ đó hoàn toàn là tạm bợ! Hoàn toàn là giả tạm! Hoàn toàn là huyễn mộng! Đến cuối cùng chắc chắn nó lặng lẽ bỏ mình ra đi, nó không cứu được gì cho mình cả! Ấy thế mà cứ thích bám vào cái đó, cứ sờ vào cái đó!… Trong khi cái phao A-Di-Đà Phật không những cứu mình thoát ra biển khổ luân hồi trong một cuộc đời này, mà còn biến mình đời-đời kiếp-kiếp trở thành một vị đại Bồ-Tát trên cõi Tây Phương, thành đạo Vô-Thượng… Sướng ơi là sướng! Hì hì…Vậy mà không chịu bám… Hì hì!…

Cho nên tu hành chúng ta phải biết tập giựt mình! Tập giác ngộ! Khi nghe một vị Tổ nói ra một lời, mình phải tập giác ngộ kịp thời. Hễ người nào mà giác ngộ kịp thời, thì người đó vượt qua được cảnh đọa đày vạn kiếp. Người nào mà không giác ngộ kịp thời thì chắc chắn sẽ bị trầm luân trong “Cảnh ngộp-ngộp-ngộp-ngộp” đó, “Cảnh Khổ-khổ-khổ-khổ” đó, trong vô lượng kiếp nữa chứ không thể nào thoát được đâu!

Hồi trưa mình có nói đến chuyện khổ của con người ở tại cõi Ta-bà này. Phật nói cảnh này là cảnh khổ, gọi là “Khổ-Khổ”! Làm cái gì cũng khổ hết! Khổ kinh khủng lắm! Mang cái thân ngũ ấm này khổ chết luôn! Bảo đảm! Rồi nếu còn tham phước báu trên các cõi trời, cõi trời Sắc-Giới sướng lắm. Nhưng Phật nói, cõi trời Sắc-Giới còn bị “Hoại-Khổ”! Vẫn còn khổ! Ở trên trời Sắc-Giới không cần ăn nữa, không cần ngủ nữa, ngũ dục đã bỏ rồi đó mà vẫn còn phải khổ: Hoại-Khổ!… Lên đến trời Vô-Sắc-Giới còn ngon hơn nữa, sướng hơn nữa, nhưng mà vẫn còn cái “Hành-Khổ”, nghĩa là đến sau cùng vẫn đọa xuống!…

Thôi! Đừng nói làm chi những cái xa vời quá! Trước mắt đây, mình nhìn tới những người thân khi xả bỏ báo thân!… Trời ơi!… Trằn lên, trụt xuống, đau đớn không biết chừng nào! Than lên, khóc xuống, rồi khi ra đi để lại một thân tướng cứng đơ! Con mắt thì mở trao tráo! Hình tướng thấy mà sợ không dám nhìn!…

Có nhiều người, khi còn sống thì “Mẹ-Mẹ Con-Con”. Khi mẹ chết rồi, thì: “Mẹ ơi!… Phải chôn mẹ sớm đi cho rồi, chứ nhìn mẹ con thấy sợ quá, chịu không nổi!…”. Tại vì sao? Tại vì nỗi buồn buồn một chút của người con khi thấy mẹ chết, thật ra chưa thấm thía gì đối với cái khổ của chính người mẹ phải chịu hàng vạn kiếp bắt đầu từ khi tắt hơi đó! Quý vị đừng nghĩ là mình sợ cái thân chết của mẹ mình là mình khổ lắm đâu! Chính người mẹ của mình bị khổ dễ sợ lắm! Khổ đến nỗi không còn cách nào có thể diễn tả thành lời được!

Cái hiện tượng khổ đó có thể đến với mình hay không? Dễ dàng!… Dễ dàng!… Sẵn sàng bên cạnh. Tại vì mẹ mình nghiệp chướng sâu nặng, chứ còn mình có hơn gì mẹ mình đâu?… Mình rồi sau cùng cũng bị như vậy!… Cho nên người nào khát mới biết cái cảnh khổ của khát như thế nào?… Người nào chui vào hầm lửa mới biết lửa nóng như thế nào?… Đi xuống dưới địa ngục rồi mới hiểu được cảnh lửa dưới địa ngục thiêu đốt! Không phải thiêu đốt một ngày hai ngày đâu, mà thiêu đốt vạn năm!

Chính vì sợ cảnh đó, nên ngài Ấn-Quang mới khai thị bằng chữ “Tử”. Chữ “Tử” không phải là tự tử. Có nhiều người nghĩ sai! Không phải vậy! Ngài nói phải nhớ rằng lúc mình chết!… Mình chết nhưng mình không hết!… Mình không hết mà sau cái chết đó mình sẽ bị đọa lạc đau đớn lắm chư vị ơi!… Cho nên phải lo. Nếu mình hiểu được lời khai thị của ngài Ấn Quang rồi, thì nói thẳng ra, ai cũng phải lo bám cho chặt lấy cái phao A-Di-Đà Phật. Tại vì nhiều người không hiểu rằng chữ “Tử” này nó đến bất cứ lúc nào! Họ cứ tưởng rằng: “À, mình bây giờ còn đẹp gái mà, mình còn đẹp trai mà, cớ chi mà phải tu hành cho gấp?”…

Xin kể ra đây một câu chuyện để thấy thế nào gọi là cái giá phải trả của sự trì hoãn. Đó là năm 2006, ở cái làng bên cạnh làng tôi, ở đó có ba ngôi chùa và cũng có một ban hộ niệm. Ban hộ niệm đó chính tôi về khuyến tấn lập nên, người ta biết niệm Phật, biết hộ niệm. Có một anh chàng nọ lúc đó mới có bốn mươi hai tuổi, có chiếc xe Honda. Cứ mỗi Chúa Nhật thì anh chở người mẹ tới chùa để niệm Phật, tụng kinh, còn anh thì ngồi ở cái ghế đá ở ngoài hút thuốc. Tướng anh cũng đẹp trai. Người ta hỏi:

– Tại sao anh không vô niệm Phật với mẹ?

Anh đó nói.

– Bây giờ tôi lo cho mẹ tôi trước. (Bà mẹ lúc đó là tám mươi sáu tuổi). Khi mẹ tôi an phận xong tôi sẽ tu hành nghiêm chỉnh.

Tới chùa nhưng anh đó cứ ở ngoài hút thuốc lá, không vô niệm Phật. Có một bữa nọ anh bị cảm. Cảm sơ sơ nên cũng không ai để ý đến làm chi, bà mẹ cũng không kêu ai làm chi!… Cảm sơ sơ có một ngày, nhưng không ngờ ngày hôm sau anh đó chết mất. Chết ngay trong lúc bốn mươi hai tuổi. Bà mẹ của anh ta bây giờ là chín mươi mốt, chín mươi hai tuổi rồi vẫn còn sống. Còn anh đó thì đã chết từ năm hai ngàn lẻ sáu, năm-sáu năm rồi. Bà cụ đó năm nay đã chín mươi hai tuổi vẫn còn sống, còn sống neo đơn một mình không ai chăm sóc!

Chúng ta hãy tưởng tượng đi. Vì anh đó nghĩ rằng mình mới có bốn mươi hai tuổi, còn khỏe quá, chưa chết, nên anh chỉ lo cho mẹ trước. Đâu có ngờ vô thường đã đến với anh trước, đến với người mẹ sau!…

Chúng ta đi tới Niệm Phật Đường như thế này, trong đời này mà có cơ duyên gặp được câu A-Di-Đà Phật, thật là quý giá. Cái quý giá này xin thưa rằng là do thiện-căn, do phước-đức, do ta đã biết tu hành từ trong vô lượng kiếp rồi mới có. Nhờ cái nhân đó đưa đến ngày hôm nay ta mới gặp được trường hợp này mà tin tưởng lấy, mà lo tu hành để niệm Phật cầu vãng sanh.

Tuy nhiên, có nhiều người tới đây tu hành mà nghĩ: À!… Chưa đến nỗi nào chết đâu, thì cứ lo niệm Phật cầu vãng sanhlàm chi? Như hôm trước ở thành phố Praha (Tiệp) có một vị hỏi:

– Có nhiều người trẻ, chưa phải đến nỗi chết, mắc mớ gì cứ niệm Phật cầu cho chết? Cầu cho vãng sanh?

Tôi trả lời:

– Nếu vị nào đó niệm Phật cầu vãng sanh mà đi liền trong lúc còn trẻ, thì thật ra vị đó là Tổ Sư rồi. Chúng ta gặp Ngài phải quỳ xuống chắp tay lại bái Tổ rồi. Vì chỉ có những vị Tổ Sư họ muốn đi là đi, muốn ở thì ở thôi. Chứ không phải Tổ thì chuyện đi đứng đó!… Đi là chết đó! Hì-Hì!… Chuyện luân hồi đó!… Chuyện mãn báo thân đó!… Không bao giờ biết trước là lúc nào đâu à!…

Hòa Thượng Tịnh-Không nói rằng, mình đâu có ký giao kèo với Diêm Vương? Hì hì!… Mà thật ra Ngài cũng đâu cần ký giao kèo với mình làm chi?… Mình đến đây là do nghiệp, nghiệp dẫn đến. Nghiệp dẫn đến, nó bắt mình phải trả chín chục năm thì chín chục năm mới đi, chứ sức mấy mà bây giờ mới có bốn mươi hai tuổi mà đi sớm vậy, phải không? Nhưng nếu cái nghiệp nó bắt mình lúc bốn mươi hai tuổi phải đi, thì đừng có nghĩ rằng mẹ mình tám mươi sáu tuổi sẽ đi trước nhé. Không có đâu à!…

Chính vì vậy mà chúng ta giác ngộ ra chỗ này, là trong đời này mà bắt gặp được câu A-Di-Đà Phật, đây là cái phao cuối cùng trong thời mạt pháp này, mà cũng coi chừng là cơ hội cuối cùng trong vô lượng kiếp về sau nữa chứ không phải là chuyện giỡn đâu chư vị!… Tại sao? Tại vì như một người chết xuống mà không có phần siêu sanh Tịnh-Độ, lỡ bị lạc vào một trong những đường tam ác đạo, thì nhất định không còn cách nào có thể gặp lại được Phật pháp. Bảo đảm!… Chắc chắn!…

Thời mạt pháp này chỉ còn có chín ngàn năm nữa thôi, sau đó là thời “Diệt Pháp”. Quý vị cứ nghĩ coi, nếu đi xuống dướiđịa ngục, thì chín ngàn năm trên thế gian này chỉ là thời gian hai-ba ngày dưới địa ngục mà thôi, còn người ở dưới địa ngục phải trải qua hàng vạn kiếp như vậy. Hãy tính thử thời gian dài bao lâu? Vô lượng kiếp! Làm sao mà gặp lại Phật pháp đây?…

Giả sử như lỡ lọt vào hàng ngạ quỷ? Thôi! Thì cũng chịu thua rồi!… Vì muốn trở lên đầu thai lại làm người, ít ra cũng phải đợi mãn cái kiếp sống của ngạ quỷ trước. Một đời của ngạ quỷ là bao lâu?… Xin thưa, ít ra cũng vài ba chục ngàn năm là nhanh nhất đó nghe chư vị!…

Còn lọt xuống hàng súc sanh thì sao?… Bây giờ tu hành mấy đi nữa, chuyển xuống hàng súc sanh, dù được vô trong nhà tỷ phú để hưởng phước đi nữa… Thì hưởng phước có một đời, cũng vài năm gì đó rồi chết. Chết xong thì hết phước. Hết phước rồi thì đời sau cũng phải lang thang đi gặm xương trong các đống rác nào đó! Nếu chẳng may, gặp phải những người thèm thịt nữa thì thôi tiêu rồi! Hì hì!… Không cách nào mà không bị trở ngại hết trơn!…

Hiểu được như vậy rồi, mong chư vị hãy bám cho chắc lấy cơ hội này, đừng có buông ra nhé. Buông ra là chết!… Tại vìchúng ta không chịu đặt ta trong cái thế đường cùng nên mới tu tà tà!… Chứ mà thấy rằng, đây thật sự là đường cùng rồi… Làm người trong thời mạt pháp thì chúng ta thật sự đã đi tới đường cùng rồi! Đường cùng dẫn tới đọa lạc, đâu dễ gì tìm ra nẻo đường cực lạc, siêu thoát!…

Cho nên cơ hội vãng sanh này đã cuối cùng rồi mà không chịu giựt mình tỉnh ngộ, không chịu bám chắc lấy câu A-Di-Đà Phật, thì coi chừng phải rơi xuống dưới biển khổ. Biển khổ là biển tội chướng đó!… Dưới biển khổ nhìn lên mình thấy con thuyền Bát-nhã của A-Di-Đà Phật cao vời vợi đó mà đành chịu thua! Tại vì khi chân mình đã chui vô trong cái cùm, tay mình đã chui vào trong cái kẹp, mình muốn với lên rờ con thuyền Bát-nhã một chút mà rờ cũng không được! Trong khi trước đó một giây đồng hồ, mình đang đứng trên bờ mé của con thuyền Bát-nhã, nhưng không chịu đi tới mà lại bước lui!…

Biết vậy mới thấy câu nói, “Nhất niệm tương ưng nhất niệm Phật”, hay vô cùng! Nhất định phải nhớ, trong một trăm triệu người mới có một người biết niệm Phật. Quý hóa vô cùng! Ấy thế mà một người niệm Phật lại không chịu lặng lẽhưởng cái phước phần đi về Tây-Phương, mà lại tùng với đại chúng để đi theo con đường khổ nạn! Lúc chịu khổ rồi, nhìn qua nhìn lại chung quanh toàn là người khổ hết trơn! Khổ ơi là khổ!… Đó gọi là khổ khổ! Khổ quá nên ngày nào cũng khóc: Khổ!… Khổ!… Khổ!… Khổ!… Khổ!… Khổ!… Hì!… Khổ khủng khiếp quá!…

Mong chư vị hiểu thấu mà phải sợ chữ “Khổ” này. Mau mau niệm Phật. Hãy bám chặt lấy cơ hội này để đi về Tây-Phương là con đường an toàn viên mãn nhất.

Nam Mô A-Di-Đà Phật. 

Read more: https://hoiquanadida.com/phap-su/chi-tiet/thien-can-phuoc-duc-nhan-duyen-toa-dam-14-2036.html#ixzz7Qp9tRyJj

THIỆN CĂN- PHƯỚC ĐỨC- NHÂN DUYÊN (2011)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –