Thiện Căn – Phước Đức – Nhân Duyên (Tọa Đàm 38) – Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị

Share on facebook
Share on twitter

THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN

(Tọa Đàm 38)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Kính bạch Sư Cô cùng đại chúng!

Hôm nay Diệu Âm xin giới thiệu một người khách quý từ bên Mỹ qua. Đó là cậu Tư của Diệu Âm. Hai cậu cháu đã thất lạc với nhau trên sáu mươi năm, nay mới được gặp lại… Mà một điều rất hay là gặp nhau trong buổi cộng tu. Cậu vì muốn niệm Phật nên từ nửa vòng trái đất đã bay qua đây.

Chúng ta đang nói về “Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên”, thì thật sự đây cũng là một nhân-duyên rất lớn cho cậu của Diệu Âm. Nếu nương theo cái nhân-duyên này cậu quyết lòng niệm Phật, thì một báo thân này nữa thôi ở trong lục đạo luân hồi, báo thân tiếp theo là “Thanh Hư Chi Thân, Vô Cực Chi Thể, Kim Cang Bất Hoại” trên cõi Tây-Phương, chứ không còn là thân phàm phu tục tử vô thường trong cảnh ngũ trược ác thế này nữa.

Tất cả đều do duyên!… Nếu chúng ta quyết lòng nhận cái duyên này để đi về Tây-Phương Cực-Lạc, thì chắc chắn Phật không bao giờ để chúng ta chịu đau khổ tiếp nữa đâu… Trong tọa đàm “Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên” này, đến nay thì cũng đã gần viên mãn, nếu chư vị có những câu hỏi gì, thì nên viết ra để chúng ta cố gắng mổ xẻ sâu hơn vềphương pháp hộ niệm cứu người vãng sanh.

Trong mấy ngày qua chúng ta nói rất nhiều về nhân-duyên, thì hôm nay Diệu Âm xin nói qua phước-đức, rồi nếu như những ngày sau mà không có câu hỏi gì nữa, thì mình sẽ chuyển lên thiện-căn. Cứ thế mình tiếp tục xoay vần ba điểm này.

Phước-Đức, thì trong kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ Phật nói: “Phước-Đức Nhân-Thiên, Phước-Đức Nhị-Thừa, Phước-Đức Đại-Thừa”.

Phước-Đức Nhân-Thiên gồm có: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm không sát sanh, tu mười điều thiện”.

Ví dụ như hôm kia, mình có đọc một cái tin rằng có một vị khi có thân nhân vãng sanh xong đã phát tâm nguyện không giết, không ăn thịt, tất cả những con vật đang nuôi trong nhà như heo, gà, vịt… mà tiếp tục nuôi cho đến khi chúng chết. Khi chúng chết rồi thì cũng phát tâm hộ niệm cho chúng vãng sanh! Đây chính là làm cái phước-báu nhân-thiên.

Phước-Báu Nhị-Thừa là: “Thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm uy nghi” (Có ba điều).

Phước-Báu Đại-Thừa là: “Phát Bồ-Đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng đại thừa, khuyến tấn hành giả”.

Trong phước-báu nhân-thiên điểm quan trọng là “Hiếu dưỡng phụ mẫu”. Phước-đức này nếu mà khai triển ra thì nhiều khi bao trùm pháp giới. Hòa Thượng Tịnh-Không nói rằng, đạo Phật suy cho cùng là trả tròn đạo hiếu…. Cho nên chuyện này không phải là tầm thường. Thật ra chính Diệu Âm cũng bắt đầu đi vào đạo Phật bằng cách dựa câu này mà đi.

Khi biết được pháp môn Niệm Phật quá vi diệu, thấy cha mẹ mình tu hành nhưng cứ tìm con đường phước-báu nhân-thiên mà đi, không biết gì về niệm Phật vãng sanh hết, cho nên Diệu Âm thấy bức xúc trong người, muốn cứu mà không biết làm sao. Đến khi nghe Phật nói đến ba cái phước này, thì Diệu Âm đã lấy cái phước đầu tiên là “Hiếu dưỡng phụ mẫu” và cái phước cuối cùng là “Khuyến tấn hành giả” để đi.

Nhưng thành thật mà nói là cũng không dám đi, tại vì cứ nghĩ mình còn non kém không thể nào mở lời ra khuyên cha mẹ được. Nhưng khi đọc đến lời khai thị của ngài Ấn-Quang thì thật sự đã giật mình tỉnh ngộ!

Ngài Ấn-Quang đã nói như thế này:

“Ta đã biết con đường niệm Phật vãng sanh thoát vòng sanh tử, thì nỡ nào lại để cho cha mẹ, anh em, bà con quyến thuộc của mình tiếp tục chìm trong bể khổ sông mê. Khuyên Người Niệm Phật cầu về Tây-Phương là giúp cho mộtphàm phu thành bậc Chánh-Giác, công đức này vô lượng vô biên. Nếu đem công đức đó hồi hướng về Tây-Phương thìđạo nghiệp tự nhiên thành”.

Chính lời khai thị này làm ngọn đuốc soi đường và Diệu Âm quyết lòng giúp cho cha mẹ vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Mình thấy rõ rệt, nếu muốn trả tròn đạo hiếu mà không biết đạo giải thoát thì càng trả chữ hiếu của thế gian bao nhiêu,coi chừng càng làm cho cha mẹ mình bị đọa lạc bấy nhiêu!…

Vì xin thưa thật, trước đây Diệu Âm cũng nghĩ rằng, trả hiếu có nghĩa là gởi tiền về khuyên cha mẹ mua gà, mua vịt, mua cá, mua thịt… để ăn cho khỏe. Nhiều khi mình còn xúi cha mẹ mình giết gà, giết vịt để ăn thịt nữa… Rồi cũng vì báo hiếu cho nên mỗi lần giỗ kỵ, nhiều khi ông già của Diệu Âm đã giết heo, giết gà đem cúng ông bà và đãi khách. Cứ tưởng vậy là hiếu! Nhưng càng trả chữ hiếu theo kiểu này chừng nào, thì vô tình khiến cho ông bà cha mẹ mình càngđọa lạc chừng đó!…

Chính vì thế, là một người con xin hãy cố gắng trả tròn chữ hiếu. Nếu chúng ta là mẹ là cha, thì cũng phải đáp cho tròn cái lòng hiếu thảo của con cái. Nếu chúng ta không đáp tròn thì coi chừng chúng ta cũng bị lỗi, vì đời này chúng là con, nhưng biết đâu đời trước chúng lại là cha là mẹ của mình. Nói như vậy có nghĩa là, con thì trả tròn chữ hiếu, cha cũng phải ráng mà khuyên con niệm Phật. Trên khuyên dưới, dưới khuyên trên đó là trả tròn chữ hiếu vậy.

Có nhiều người làm cha mẹ, đúng ra tới cái tuổi gần đất xa trời thì nên phát tâm niệm Phật tu hành, đàng này không chịu phát tâm niệm Phật mà lại còn cản trở con cái niệm Phật. Thật quá sai lầm! Hàng con cái cũng có nhiều cách báo hiếu sai lầm, cứ nuông chiều cha mẹ, giúp cha mẹ thỏa mãn một cái gì đó trong nhân gian, tưởng như vậy là tròn đạo hiếu. Không ngờ thỏa mãn chuyện nhân gian coi chừng xa lìa đường đạo, đưa cha mẹ mình xuống địa ngục! Cho nên đối với con đường giải thoát xin chư vị phải vững, phải cứng, phải thẳng thì một là chính ta có đường giải thoát, hai là mới giúp hồi đầu được những người làm con, hồi đầu được những người làm cha, làm mẹ…

Xin thưa với chư vị, muốn cứu cha mẹ vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc không phải dễ đâu! Khó lắm đó!… Nếu màchúng ta không phát cái tâm nguyện ra trước thì chắc chắn không thể nào cứu cha mẹ mình được đâu. Những kinh nghiệm này Diệu Âm lấy chính bản thân mình ra để mà nói.

Ví dụ như khi Diệu Âm bắt đầu viết những lá thư “Khuyên Người Niệm Phật”, thật ra là khuyên cha mẹ niệm Phật chứ không phải là “Khuyên Người Niệm Phật”, nhưng khi có duyên người ta lại phát tâm ấn tống những tập thư đó ra, chẳng lẽ mình nói là “Khuyên Cha Niệm Phật” sao? Nghe không được thuận! Nên mới chuyển thành là “Khuyên Người Niệm Phật”.

Khi bắt đầu làm công chuyện này, thì bao nhiêu thử thách đến dồn dập. Nếu mình không có cái tâm nguyện vững vàng, thì không bao giờ mình có thể làm được.

Ví dụ cụ thể, như đối diện với cha, mình nói: “Cha ơi! Cha niệm Phật đi”… Vừa mới mở một câu nói như vậy, thì thường khi cha mình nổi giận lên liền! Trợn mắt lên liền! Quát tháo lên liền: “Mày là con mà dạy đời cha hả? Ta tu trong lúc mày chưa có trong trứng nước nữa… Mày đã bị ma nhập rồi, đã theo tà ma ngoại đạo rồi, có biết ta tu tới nay là sáu mươi mấy năm, trên cái tuổi đời của mày, mà sao còn dám dạy đời!”…

Xin thưa với chư vị, nếu mình muốn cứu cha mẹ mà không chuẩn bị đối diện với những thử thách này thì thường thường bị thất bại!

Cho nên khi chúng ta nói rằng về khuyên mẹ niệm Phật đi, về khuyên cha niệm Phật đi… đừng tưởng là một năm hai năm, một tháng hai tháng tới khuyên vài câu là xong đâu. Xin thưa, muốn thật sự khuyên thì mình phải theo dõi cho kỹ. Nhiều khi người cha hứa niệm Phật, nhưng thật ra không có niệm Phật đâu ạ!… Niệm chơi chơi trong đó!… Niệm giỡn giỡn trong đó!… Không để ý thì rốt cuộc rồi cứu cũng không được đâu.

Diệu Âm khi nghĩ đến chuyện cha mẹ chết rồi phải chịu đọa lạc, nhiều lần viết một lá thư mà phải quỳ trước bàn thờ rơi nước mắt nguyện cầu xin Phật gia trì. Phải phát tâm nguyện tha thiết như vậy thì khi bắt điện thoại lên nói chuyện với cha, nói chuyện với mẹ, bị mẹ mình la, bị cha mình rầy nhưng mình không dám bỏ. (Vì phát nguyện rồi mà bỏ thì mình sợ rằng có tội với Phật, nên phải quyết lòng làm).

Nếu nói bằng điện thoại không được thì phải viết thư. Không viết thư được phải thì nhờ đến người này nhờ đến người nọ… Nghĩa là làm đủ cách. Có vậy sau cùng may ra mới có thể cứu được một người hồi tâm tỉnh ngộ niệm Phật.

Khi ta cứu được cha mẹ hiện tiền của mình niệm Phật, thì coi như mình cứu được cha mẹ trong vô lượng kiếp. Khi người cha của mình nghe lời mình niệm Phật, thì người cha của mình hình như cũng trả tròn cái đạo hiếu trong vô lượng kiếp của cha mình nữa. Thật sự như vậy. Trong kinh Phật có nói: “Một người vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, thì ngày vãng sanh đó ông bà, cha mẹ thân thuộc của họ tự nhiên thoát được tam ác đạo”.

Cái giá trị của vãng sanh bất khả tư nghì! Không phải là đơn giản!… Có nhiều người nghĩ đến tai ương họa hại, chết chóc nhiều quá, nên lăn xả vào việc cứu tai nạn… Điều này rất tốt, chúng ta phải cố gắng làm. Nhưng làm gì thì làm, chính ta phải có cái phước phần vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc mới được. Làm gì thì làm, chính ta cũng nên cố gắng cứu những người sát bên ta vãng sanh được về Tây-Phương Cực-Lạc, đó mới là những sự chứng minh cụ thể rằng pháp niệm Phật vi diệu… làm cho nhiều người thấy pháp niệm Phật vi diệu, pháp Hộ Niệm vãng sanh về Tây-Phương vi diệu như vậy họ mới phát tâm ra niệm Phật vãng sanh.

Cứu một người vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc công đức vô lượng vô biên. Mình cứu người đó vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc mình hưởng công đức vô lượng vô biên, chính người đó cũng hưởng công đức vô lượng vô biên vàchúng sanh vô lượng vô biên trong khắp pháp giới cũng dựa theo đó mà hưởng lợi ích.

Chính vì thế, mong chư vị hiểu điều này, phước-báu nhân-thiên đối với pháp môn Niệm Phật là một trợ hạnh tích cựcgiúp cho chúng ta về Tây-Phương. Trợ hạnh này rất gần với người phàm phu tục tử như chúng ta. Đem tất cả phước-báu này hồi hướng về Tây-Phương Tịnh-Độ, ta “Niệm Phật vãng sanh”…

Nam Mô A-Di-Đà Phật. 

Read more: https://hoiquanadida.com/phap-su/chi-tiet/thien-can-phuoc-duc-nhan-duyen-toa-dam-38-2060.html#ixzz7QorP4fUc

THIỆN CĂN- PHƯỚC ĐỨC- NHÂN DUYÊN (2011)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –