Hộ Niệm Là Một Pháp Tu (Tọa Đàm 21) – Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị

Share on facebook
Share on twitter

 

HỘ NIỆM LÀ MỘT PHÁP TU

(Tọa Đàm 21)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật,

Trong bài đại hồi hướng của Tịnh Tông Học Hội, cuối năm này chúng ta sẽ thực hiện, trong đó có một câu như thế này: “Đệ tử chúng đẳng – Bất thức Phật thân -Tướng hảo quang minh – Nguyện Phật thị hiện – Linh ngã đắc kiến”.

Có nghĩa là đệ tử chúng con không biết Phật thân như thế nào? Tướng hảo quang minh ra làm sao? Nên nguyện Phật hiện ra cho con được thấy. “Linh ngã đắc kiến”, câu này có nhiều ngườisơ ý đã thực hiện sai! Họ đã vô ý ngày ngày cứ cầu nguyện A-Di-Đà Phật hiện thân cho thấy. Một điều gọi là, “Y kinh giảng nghĩa tam thế Phật oan!”, chính là chỗ này! Nếu xem kỹ một chút, xích lên trên một chút xíu nữa, ta sẽ thấy có một câu văn khác nữa mà ta không hay, câu văn đó là:

“Đệ tử chúng đẳng hiện thị – Sanh tử phàm phu – Tội chướng thâm trọng – Luân hồi lục đạo – Khổ bất khả ngôn – Kim ngộ tri thức – Đắc văn Di-Đà danh hiệu – Bổn nguyện công đức – Nhất tâmxưng niệm – Cầu nguyện vãng sanh – Nguyện Phật từ bi bất xả ai lân nhiếp thọ”

Có nghĩa là, đệ tử chúng con là phàm phu tục tử, tội chướng sâu nặng luân hồi lục đạo khổ khôngnói hết, hôm nay gặp được tri thức, biết được nghe được danh hiệu A-Di-Đà Phật, nên một lòngxưng niệm Cầu Nguyện Vãng Sanh. Nguyện Phật từ bi thương xót mà nhiếp thọ.

Kết hợp hai câu lại, tức lời nguyện này là ta nguyện: Khi con lâm chung, nguyện A-Di-Đà Phậtphóng quang tiếp dẫn con về Tây Phương. Muốn cho con về Tây Phương không bị lạc thì con nguyện Phật hiện thân cùng với Quán-Âm – Thế-Chí để tiếp dẫn con về Tây Phương.

Rõ ràng lời nguyện này là nguyện khi lâm chung thấy A-Di-Đà Phật tiếp dẫn về Tây Phương. Cũng như trong những ngày chúng ta tu tinh tấn, có lời nguyện là: “Nguyện khi con lâm chung, không còn chướng ngại, tâm hồn tỉnh táo, biết trước ngày giờ, thấy A-Di-Đà Phật, Quán-Âm, Thế-Chí, chư Đại Hải Chúng, tướng hảo quang minh hiện thân tiếp dẫn…”. Rõ ràng là chúng ta dịch đúng kinh đúng nghĩa của chư Tổ.

Vì nhiều người đọc lời văn này của Tổ mà không để ý. Vừa thấy rằng, đệ tử chúng con chưa biếtPhật thân tướng hảo quang minh như thế nào, nên nguyện Phật thị hiện cho con được thấy… Thì họ lấy câu này mà thực hiện liền. Vô tình thực sự họ đã đi sai kinh, không đúng theo lời nguyệncủa người niệm Phật chúng ta.

Nguyện là nguyện Vãng Sanh Tây Phương Cực Lạc. Đây là Chánh Nguyện, nhất định phải giữ cho vững. Vì để vững con đường vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, không thể nào bị lạc theocon đường nào khác, cho nên ta phải quyết định là khi lâm chung chỉ đi theo A-Di-Đà Phật. Làm sao đi theo được A-Di-Đà Phật? Là nguyện cho Ngài hiện thân tiếp dẫn về Tây Phương Cực lạc.Lời nguyện chính là như vậy.

Tất cả lời nguyện của Tịnh Độ Tông đều là như vậy. Nếu đem lời nguyện này đưa tới những vị tu các pháp môn khác, có nhiều khi các Ngài giảng không được liễu nghĩa lắm! Ví dụ như, nếu một vị tu pháp tự lực, như Thiền chẳng hạn, thì nhất định các Ngài ít khi đồng ý với chuyện này. Nếu ta đem ra hỏi, thì nhiều khi các Ngài nói lệch ra khỏi con đường tiếp dẫn về Tây Phương Cực Lạc. Tại vì sao vậy? Vì các Ngài quyết lòng tự lực xóa tất cả nghiệp hoặc, diệt đoạn tất cả nghiệp hoặc để chứng “Chơn”, các Ngài không chấp nhận sự gia trì của Phật, các Ngài chỉ quyết tự tu tự chứng. Chính vì vậy khi lâm chung các Ngài không chấp nhận một người nào đến tiếp dẫn mình hết, mà tự mình tìm lấy con đường chứng đắc. Thực sự phải nói rằng, đây là một pháp môn tu rất cao. Nhưng đối với chúng ta thì chúng ta không làm nổi! Chính vì vậy, nếu sơ ý dựa vàonhững pháp môn khác mà mổ xẻ điều này, thì dễ bị sai lệch, và nhiều khi làm cho tâm hồn chúng ta bị chao đảo.

Pháp môn niệm Phật là pháp nhị lực. Lực của chúng ta là lực: Phàm phu tục tử – Tội chướngthâm trọng – Luân hồi lục đạo – Khổ bất khả ngôn!… Vì ta thấy rằng, lăn lộn trong lục đạo luân hồi quá khổ, mà tự thân chúng ta lại là tội chướng thâm trọng, nên không cách nào vượt qua tội chướng đó được. Chính vì thế chúng ta mới thành tâm Nguyện Phật thị hiện cho con được thấy”, và “Nguyện Ngài thương xót đừng bỏ chúng ta, tiếp dẫn chúng ta về Tây PhươngCực Lạc”. Đó là tha lực của Phật cứu chúng ta về Tây Phương.

Người niệm Phật được thoát vòng sinh tử, được đi về Tây Phương là nhờ đại nguyện của đức A-Di-Đà. Mình nương theo đại nguyện của Ngài, cầu Ngài đến tiếp dẫn, hoàn toàn khác với cách tu của các vị tự lực tu chứng. Các vị đó có một ý niệm rất rõ rệt là: “Phùng Phật sát Phật, Phùng ma sát ma”.

Có nghĩa là khi thấy Phật hiện ra họ cũng “Sát” luôn, không chấp nhận. Thấy Ma hiện ra cũng sát luôn. Cho nên, pháp tu đó là pháp tự lực, tự lăn xả vào rừng nghiệp quyết đoạn cho hết “Nghiệp Hoặc”, gọi là “Sát Tặc”, để chứng chân thường.

Vì hai pháp môn khác nhau, đường tu khác nhau, nên khi tu hành ta cần phải biết “Trạch Pháp“. Đối với người niệm Phật, điều quan trọng nhất là chúng ta phải có tâm CHÂN THÀNH, CHÍ THÀNH, CHÍ KÍNH để cảm ứng được với đại nguyện của đức A-Di-Đà Phật. Nhờ sự cảm ứng này mà ta được Ngài tiếp độ về Tây Phương.

Có một số người thường đưa ra vấn đề: “Thiền Tịnh song tu”, “Mật Tịnh song tu”. Ngài Tịnh Không cũng cứng rắn khuyên rằng, đi đường nào phải đi một đường, đừng nên đi hai đường, tại vì đi hai đường sau cùng cũng dễ bị trở ngại! Tại vì sao như vậy? Tại vì Thiền thuộc về tự lực, Tịnh thuộc về nhị lực. Nếu chúng ta đi chuyên về Tịnh-độ thì cần chuyên lòng niệm Phật cầu Phật gia trì tiếp độ vãng sanh. Nếu chúng ta đi về tự lực, tức là tự mình lăn xả vào vòng vây của địch để “Sát Tặc“, tức là sát nghiệp, đoạn cho hết nghiệp hoặc để tự mình chứng đắc, không cần nhờ vào Phật lực gia trì. Như vậy hai điều này có chỗ hơi loạng choạng, là đến lúc lâm chung, ta không biết chọn lựa cách nào để đi? Một là đi về Tịnh-độ thì cầu A-Di-Đà Phật, hai là đi về tự lựclà tự mình chứng đắc… Lúc đó tự nhiên dễ xảy ra sự phân đo, làm cho những người song tu Thiền-Tịnh bị khó khăn!

Ngài Tịnh Không nói, hễ…  Tu Thiền thì một đường Thiền mà đi. Tu Mật thì một đường Mật mà đi. Tu Tịnh một đường Tịnh mà đi. Cái nào một cái thì sau cùng chúng ta sẽ dễ dàng giải quyết vấn đề trước những giây phút lâm chung.

Ở đây chúng ta đang nói về hộ niệm, tức là nói đến những giây phút lâm chung… Diệu Âm xin kể ra một câu chuyện có thật đã xảy ra như thế này, và tự mình thấy rằng, cứ một lần nghe mộtcâu chuyện như vậy, thì tự nhiên có một chút ngộ…

Có một lần đi đến một tự viện kia, tự viện đó đang tu “THIỀN TỊNH SONG TU“, tức là Thiền và Tịnh đều tu song song với nhau. Đến khi vị Sư Phụ bị bệnh, đưa Sư Phụ vào bệnh viện và Ngài bị mê man bất tỉnh. Từ đó mới xảy ra một chuyện như thế này: Những vị thích về Tịnh-độ thì muốn hộ niệm cho Sư Phụ, những người tu Thiền thì không chấp nhận sự hộ niệm đó, mới đưa đến một cuộc bàn cãi… Một vị nói, “Bây giờ Sư Phụ đã bịnh nặng lắm rồi, nên đem về tự việnđể lo hộ niệm cho Ngài vãng sanh”. Thì liền có một vị khác nói: “Thầy muốn niệm Phật cho Sư Phụ chết để Thầy giành cái chùa phải không? Thầy muốn lấy cái chùa phải không?!”.

Đây là một sự việc có thật đã xảy ra. Đứng trong tình cảnh đó thì chúng ta sẽ làm như thế nào đây? Rõ ràng không cách nào có thể hộ niệm được! Vô tình một vị Sư Phụ ở trong bệnh viện… đã bị bỏ rơi trong một tình trạng hết sức khó khăn! Khi nghe được câu chuyện này, làm cho Diệu Âm giật mình tỉnh ngộ. Thôi đúng rồi! Ngài Tịnh Không nói rõ ràng đúng: “Đường nào phải đi một đường”.

Nếu biết mình là người phàm phu tục tử, tội chướng thâm trọng, thì hãy cố gắng kết hợp những người biết niệm Phật, chuyên tu, tha thiết một đường vãng sanh, để khi mình nằm xuống thì bên cạnh mình có những người biết niệm Phật, quyết lòng vãng sanh, quyết cầu vãng sanh ở sát bên mình để khuyên răn mình, để dỗ dành mình, để nâng đỡ mình thì mình mới có khả năng niệm được câu A-Di-Đà Phật mà ra đi.

Chính vì vậy, xin thưa chư vị: HỘ NIỆM TỐI QUAN TRỌNG!

Dù chúng ta tu hành tốt tới đâu đi nữa, nếu không có sự hộ niệm, không có người giúp đỡ đường vãng sanh ở trước những giờ phút ra đi, chắc chắn chúng ta bị khổ nạn! Vì vậy mà chúng ta phải quyết lòng củng cố phương pháp hộ niệm để cứu nhau, để mỗi người đều được vãng sanh về Tây Phương Cực lạc.

Nam mô A-Di-Đà Phật!

Read more: https://hoiquanadida.com/phap-su/chi-tiet/toa-dam-21-2193.html#ixzz7Qpiy7Cwa

HỘ NIỆM LÀ MỘT PHÁP TU (2010)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –