Hộ Niệm Là Một Pháp Tu (Tọa Đàm 41) – Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị

Share on facebook
Share on twitter

HỘ NIỆM LÀ MỘT PHÁP TU
(Tọa Đàm 41)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Theo đúng chương trình thì ngày mai tọa đàm hộ niệm sẽ dành để trả lời những thắc mắc. Chư vị có những câu hỏi liên quan về hộ niệm xin viết vào giấy để trong hộp vấn đáp, chúng ta sẽ dành trọn một tuần và chương trình sẽ chấm dứt vào ngày thứ bảy tuần tới, trước ngày Phật Nhất giữa tháng 11 năm 2010.
Trở lại đề tài: “Hộ Niệm Là Một Pháp Tu”, vì là một pháp tu nên chúng ta phải chuẩn bị từ đầu cho đến cuối.
– Một người vui vẻ thì thường trước những giờ phút ra đi họ cũng vui vẻ.
– Những người ưa cười tươi thì trước giờ phút ra đi họ cũng dễ cười tươi.
– Những người thường lo âu phiền muộn thì trong những giây phút ra đi họ thường lo âu phiền muộn!
– Những người sợ chết thì trước những giờ phút chết họ sẽ kinh hãi, hoảng sợ.
– Những người không sợ chết, coi cái chết rất là bình thường thì trước những giờ ra đi họ an nhiên, thoải mái, chấp nhận (buông xả báo thân).

Những trạng thái vui hay buồn do chính trong tâm này hiện ra. Những trạng thái an lạc hay khủng hoảng cũng do chính cái tâm ứng hiện ra. Ta muốn về Tây-Phương hay bị đọa lạc cũng do chính cái tâm của ta quyết định chứ không có ai khác. A-Di-Đà Phật đã lập một đại thệ cứu tất cả chúng sanh đi về Tây-Phương. Như vậy thì người nào quyết tâm quyết chí muốn đi về Tây- Phương để một đời thành đạo, thì chắc chắn ở trong hào quang bảo vệ, che chở, gia trì của Ngài, của chư vị Bồ-Tát, và nhất định chúng ta được chư Thiên-Long Hộ-Pháp ở bên cạnh bảo vệ. Chính vì vậy xin chư vị hãy xác lập đường đi cho thật vững thì việc thành đạo ở ngay tại tâm này chứ không phải ở ngoài.
Khi đi hộ niệm cho một người, thường thường ta dẫn dắt họ hưởng được những cảm giác an toàn, vui vẻ, thoải mái và quyết lòng tha thiết đi về Tây-Phương. Chỉ cần như vậy thì tự nhiên Tín-Nguyện-Hạnh của người đó đầy đủ ứng ra trong lúc họ xả bỏ báo thân. Có thể do nghiệp chướng trong nhiều đời nhiều kiếp chưa phá được, nên lúc lâm chung họ bị nghiệp khổ hành hạ đau đớn. Tuy nhiên nhờ lòng tin tưởng vững vàng và ý nguyện vãng sanh tha thiết, cái nguyện lực này nó thắng cái nghiệp lực của họ, và họ vượt qua những ách khổ một cách dễ dàng để theo Phật vãng sanh về Tây-Phương. Còn nếu tu hành mà không hiểu đạo lý này, thường thường sẽ bị nghiệp khổ nó quay và oan gia trái chủ báo hại làm cho bị mờ mờ, mịt mịt và đường đi gặp nhiều chướng ngại đau đớn!
Nói về chướng nạn thì xin thưa rằng, lời Phật dạy là tất cả ở tại tâm chứ không phải ở ngoài. Chư Tổ trong Tịnh-Độ Tông thường hay nói rằng, những việc làm gì của mình, gọi là hành nghiệp, trong suốt cuộc đời đến giờ phút lâm chung nó sẽ hiển hiện ra. Không những như vậy mà những hành nghiệp lưu lại trong nhiều kiếp, nhiều đời nó cũng tiếp tục ứng hiện ra. Vì tất cả những nghiệp, gọi là hành nghiệp, ứng hiện ra quá nhiều, nó dồn dập lúc đen lúc trắng, lúc mưa lúc nắng, lúc hãi kinh sợ sệt… Tất cả những cảm giác đổ dồn lại, làm cho cái tâm của người đó rối bời không biết đường nào chọn lựa, mà trở nên mê mê mờ mờ! Chính vì vậy sau cùng họ đành phải chấp nhận thương đau là chịu đại nạn! Cái nghiệp nào lớn nhất mang họ đi. Chắc chắn chúng ta đã thấy rõ ràng là cái nghiệp ác nặng lắm, cái nghiệp tam đồ quá nặng! Chính vì vậy mà thời mạt pháp này, tìm được một người thoát vòng sanh tử luân hồi rất khó!
Như vậy đã nói về pháp tu thì chúng ta phải biết ngừa. Ngừa những ách nạn từ trong tâm khởi ra. Khi tu, cố giữ cái tâm càng thoải mái, càng an lạc, càng rời tất cả những nghiệp nhân của lục đạo luân hồi ra, thì chúng ta sẽ dễ dàng rời những ách nạn của sanh tử luân hồi. Chúng ta cố gắng cột cái tâm chấp vào câu Phật hiệu A-Di-Đà, chấp vào Tây-Phương Cực-Lạc, tha thiết nguyện sanh về đó, thì tự nhiên lúc ra đi chính cái hạnh nguyện này nó nổi dậy mạnh nhất, bên cạnh đó cũng nhờ những vị hộ niệm giúp đỡ khai giải mà tránh bị lạc đường.
Hôm nay thì để thay đổi không khí, Diệu Âm sẽ đọc một bài thơ cho vui. Bài thơ này không phải là Diệu Âm làm mà của chư Tổ làm. Bài thơ bằng chữ Hán hay lắm. Diệu Âm này có nhiều bài thơ thấm lắm, của chư Tổ không hà. Bài thơ này có bốn câu như vầy:
Yếu vô phiền não, yếu vô sầu.
Bổn phận tùy duyên, mạc cưỡng Cầu. Vô ích ngữ ngôn, hựu khai khẩu.
Vô can kỷ sự, thiểu đương đầu.
Bài thơ này gói trọn cả một lời khai thị tuyệt vời giúp cho chúng ta giữ tâm an tịnh.

– “Yếu vô phiền não”. Yếu là chính yếu, là quan yếu, là điều quan trọng nhất. Vô là không. Yếu vô phiền não là cái điều quan trọng là làm sao cho cái tâm của chúng ta đừng có phiền não. Tại vì mình nhớ rằng, cái tâm phiền não thì sau cùng mình bị phiền não. Cái tâm mình vui thì sau cùng mình vui. Cho nên đúng lời chư Tổ nói: “Yếu vô phiền não, yếu vô sầu”. Điều chính yếu là đừng để cái tâm mình sầu bi. Đạo Phật là đạo ly khổ đắc lạc. Khổ là sầu khổ, là phiền não. Phải tự mình ly cái này ra.
Như vậy: Gặp một cảnh giới nào mà chúng ta sợ nay không sợ. Gặp một cảnh trạng nào mình buồn nay nhất định đừng buồn. Tất cả những cái đó đừng để nó chui vào trong tâm. “Yếu vô phiền não, yếu vô sầu”, hay vô cùng!
– “Bổn phận tùy duyên, mạc cưỡng cầu”. Khi mình làm một việc gì lúc nào cũng coi có thuận duyên hay không? Nếu thuận duyên thì làm, không thuận duyên thì niệm Phật, chớ nên ráng sức quá đáng, vì khi ráng sức quá đáng, khi làm việc gì ngoài bổn phận của mình thường thường tạo ra phiền não. Cho nên bổn phận phải tùy duyên.
Ví dụ: Cái việc làm đó là việc làm của một người khác, nếu người ta nhờ mình hỗ trợ giúp đỡ, mình sẵn sàng giúp đỡ. Được thì giúp đỡ, không được thì cũng vui vẻ, đừng nên chấp vào đó mà sinh ra phiền não. Chữ “Mạc” là chẳng. “Mạc cưỡng cầu” là đừng nên cưỡng cầu, thì tự nhiên cái tâm nó an tịnh. Hay lắm câu này nếu giải ra cho thật là sâu sắc… Hay lắm! Một buổi này giải không hết đâu.
– “Vô ích ngữ ngôn, hựu khai khẩu”. Câu này cũng thật sự là hay! Tổ nào cũng nói như vậy hết. “Vô ích ngữ ngôn” là những lời nói gì vô ích. “Hựu” là chẳng, đừng… đừng có nói, đừng “Khai khẩu”. Vô trong đạo tràng khi muốn nói một câu gì mà thấy rằng câu nói này vô ích… thì đừng nói.

Chính vì vậy, những đạo tràng trang nghiêm thường thường chư Tổ nhắc nhở rằng, nói chuyện thì bỏ đi, đọc kinh thì bớt lại, còn niệm Phật thì nhiều thêm một chút. Những đạo tràng trang nghiêm thường thường có tổ chức những ngày tịnh khẩu, tại vì tịnh khẩu như vậy tức là “Hựu khai khẩu”, là đừng có khai khẩu. Khai là mở, khẩu là miệng, đừng mở miệng ra nói. Nhờ vậy mà tránh bớt những chuyện thị phi, chấp trước, nói người này xấu người kia tốt, nói những chuyện của thế gian ra… Chính những cái chuyện của thế gian này nó trói chúng ta lại, nó trói riết… nó trói riết, nó trói đến lúc nằm xuống rồi thì gặp toàn là những chuyện đó. Tất cả đều do chính cái tâm của mình đã làm sai, để chính mình chịu chứ không ai chịu cả. “Vô ích ngữ ngôn” là những ngôn ngữ, lời nói vô ích, không có ích sự gì, không có giúp ích cho mình trên con đường vãng sanh thì đừng nên nói.
– “Vô can kỷ sự, thiểu đương đầu”. “Vô can” là không có can hệ; “Kỷ sự” là chuyện của mình. Chuyện của mình là quét nhà, chuyện của người ta là nhổ cỏ. Người ta nhổ cỏ mà có sót cũng kệ người ta. Mình quét nhà cứ lo quét nhà, còn người ta nhổ cỏ thì để người ta nhổ cỏ, không mắc mớ chi lại ra chỉ dạy người ta nhổ cỏ, vì cái chuyện nhổ cỏ không phải là cái chuyện quét nhà của mình.
Mình là người niệm Phật, người ta là hát Karaoke. Karaoke thì kệ người ta, karaoke đâu có liên quan gì tới chuyện niệm Phật, đâu mắc mớ gì mình lại chen vô. Cho nên “Vô can” là vô can hệ. “Vô can kỷ sự” là những chuyện gì, những điều gì không có liên quan tới mình. “Thiểu đương đầu” là giảm bớt lại, nói chung là đừng có đương đầu, đừng có xen vô.
Đây gọi là châm ngôn, những khai thị của các vị Tổ nhắc nhở cho chúng ta giữ cái tâm thanh tịnh. Mình giữ cái tâm mình thanh tịnh, an lạc, vui vẻ, hòa nhã, thoải mái, không sợ không sệt, không buồn, không lo… thì khi chúng ta nằm xuống những cái tập khí vui vẻ, an lạc, thoải mái, không sợ chết, thích về Tây- Phương, thương yêu mọi người cũng thoải mái tự nhiên ứng hiện về. Những người như vậy có niệm Phật, lại được hộ niệm thì rất dễ vãng sanh. Còn nếu sơ ý cứ tham chấp vào, cứ để những phiền não, ưu sầu, nào là lộn xộn, thị phi… nó nhập vào tâm của mình, lúc đó dù có hộ niệm cũng khó được vãng sanh!
Đây là những lời của chư Tổ khai thị để cho chúng ta lấy đó làm kim chỉ nam. Nhất định phải “Y giáo phụng hành” để một đời này được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.

HỘ NIỆM LÀ MỘT PHÁP TU (2010)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –