Hộ Niệm Là Một Pháp Tu (Tọa Đàm 42) – Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị

Share on facebook
Share on twitter

HỘ NIỆM LÀ MỘT PHÁP TU
(Tọa Đàm 42)

Nam Mô A-Di-Đà Phật,
Trong chương trình là bắt đầu ngày hôm nay chúng ta trả lời những thắc mắc chung quanh phương pháp hộ niệm. Nếu chư vị nào có những điều gì, một là chưa hiểu thì cũng nên nêu ra dù

nhỏ hay lớn, đừng để nó vướng trong tâm. Phải làm sao cho tâm chúng ta rảnh rang để nhiếp tâm được mà niệm Phật mới tốt. Còn những điều gì khác đừng có ngại, hãy cố gắng hỏi ra. Có những chuyện mình biết mà chưa được rõ, hay là chưa được chắc chắn mấy cũng nên hỏi. Hỏi để mình biết và những người khác cùng biết. Cũng có thể là những chuyện mình biết rồi, nhưng thấy cần cho nhiều người thì cũng nên hỏi ra, gọi là vì chúng sanh mà hỏi.
Ba loại câu hỏi này Phật thường thường khuyên chúng ta nên hỏi, rất có công đức. Còn những cái chuyện khác, ví dụ như hỏi để coi thử ông Diệu Âm này giỏi hay dở, thì những câu hỏi này không nên hỏi. Hỏi để tìm cách bắt bí người trả lời, thì hai loại câu hỏi này Phật dạy rằng không nên hỏi. Tại vì hỏi ra như vậy thì tự nhiên mình mất công đức! Nên nhớ là người trả lời chẳng qua cũng chỉ trả lời trong cái khuôn viên nhỏ hẹp của họ mà thôi, chứ không phải là “Thần Thánh” gì mà biết hết được…
Trở về cái câu hỏi nêu lên mấy vấn đề vừa mới thấy hôm nay. Câu hỏi là: “Vì lầm lẫn việc niệm Phật cầu vãng sanh với tụng kinh cầu siêu. Chúng ta là đồng tu niệm Phật nên biết tất cả rồi, duy chỉ còn những Phật tử khác hoàn toàn không biết rõ. Việc gì cũng phải làm cho có thỉ có chung mới mong đạt được kết quả mong muốn…”.
Câu hỏi này là vị này muốn cho tất cả chúng sanh ai cũng biết hết. Cái tâm này là tâm rất tốt, rất được tán thán. Nhưng xin thưa thực, chính chư Phật cũng không làm được chuyện này! Xin thưa thực như vậy! Từ trước tới giờ, hơn cả mười năm nay Diệu Âm nói hộ niệm luôn luôn là nói chuyện này, luôn luôn mở đầu ra là nhắc nhở:
– Hộ niệm không phải là cầu siêu.
– Hộ niệm không phải là cầu an.
– Hộ niệm không phải là chờ chết mới kêu ban hộ niệm.

– Hộ niệm không phải là đợi đến lúc sắp sửa lâm chung rồi mới kêu ban hộ niệm.
Ngay từ đầu cho đến cuối lúc nào nói ra hai-ba lời là Diệu Âm cũng đã nói chuyện này. Chúng ta đều biết rõ hết. Nếu chư vị muốn cho tất cả mọi người biết, thì không có gì khác hơn là chính mỗi người chúng ta nên cố gắng đi vận động công cuộc hộ niệm. Có thể đem những lời nói này, những cuộc tọa đàm này phổ biến cho người ta biết. Người ta biết thì tự nhiên mình giúp được cho họ.
Rõ ràng là hổm nay chúng ta đi hộ niệm hoàn toàn không phải là đi cầu siêu! Một người mà đợi cho cầu siêu, thì xin thưa rằng đây là việc chẳng đặng đừng, đành phải làm mà thôi! Chứ không thể nào muốn siêu sanh mà đơn giản chờ ở việc này. Cho nên, theo câu hỏi này quý vị đã có cái tâm muốn cho nhiều người biết, nhưng mà xin thưa thực rằng, cho dù là Diệu Âm này đã đi khắp thế gian, đến khắp mọi nơi để phổ biến chuyện này. Nhưng chỉ phổ biến được tới người nào có duyên thôi, còn những người không có duyên thì cũng chịu thua!…
Có rất nhiều người ở sát bên cạnh mình mà mình nói họ không nghe, cũng đành phải chịu thua!…Và xin thưa thật rằng, Diệu Âm cũng muốn đóng cửa để tu hành, nhưng bên Mỹ bây giờ người ta lại chuẩn bị sắp xếp cho một chuyến đi nữa khoảng tháng năm năm tới, hình như có mấy chùa, một số quý vị đồng tu thỉnh mời qua bên đó… Thì thôi, mình cũng ráng mà đi để giúp được cơ duyên nào hay cơ duyên đó.
Đi tới chỗ nào, quý vị coi, tất cả những bài nói chuyện của Diệu Âm cũng chỉ xoay quanh ba điểm: “Niệm Phật – Hộ Niệm
– Vãng Sanh”. Chỉ có ba vấn đề đó mà nói rất rõ, rõ từng chút, từng chút. Trên thế giới bây giờ có thể nói là tới ba trăm ban hộ niệm đã mọc ra và ngày đêm người ta đi hộ niệm vãng sanh.

Ở đây chúng ta đã nắm vững như vậy, biết rõ là hộ niệm không phải cầu siêu là điều rất tốt. Muốn cho tất cả mọi người nắm vững những chuyện này thì chính chúng ta trước hết phải nắm cho vững. Tức là chúng ta phải biết hộ niệm là gì?… Vì chương trình chúng ta đang nói đây rõ rệt là: “Hộ Niệm Là Một Pháp Tu”. Rõ ràng! Chứ không phải chờ đến lúc chết mới kêu ban hộ niệm! Không phải đợi mê man bất tỉnh rồi mới kêu ban hộ niệm! Cho nên câu hỏi này rõ ràng nó nằm ngay trong cái tựa đề tổng quát của cuộc nói chuyện hôm nay. Hộ niệm rõ rệt là pháp tu, từ “A” đến “Z” luôn.
Trong ngày hôm nay mình đi hộ niệm cho hai người cùng một lúc. Quý vị tham dự cuộc hộ niệm hôm nay thấy sao?… Mình dặn họ từng chút, từng chút: Buổi sáng làm cái gì? Buổi trưa làm cái gì? Buổi chiều làm cái gì? Trước khi đi ngủ làm cái gì? Sau khi thức dậy rồi làm cái gì? Nằm trên giường nếu không ngủ làm cái gì?
Rõ ràng mình dặn từng chút, từng chút. Dặn làm sao mà cầm xâu chuỗi niệm cho đến bóng xâu chuỗi luôn. Đừng bao giờ sợ sệt. Đừng bao giờ bỏ phí thời gian mà không niệm Phật. Đừng nên tiếp xúc bà con nhiều quá. Đừng nên đi chơi nhiều quá. Đừng kêu bạn bè tới nói chuyện nhiều quá…
Rõ ràng, những lời này là nói với người bệnh đó, và có phải là nói thẳng lại cho chính chúng ta không? Chúng ta đi khuyên người ta ráng cố gắng niệm Phật đi, mà chính mình thì niệm Phật trong Niệm Phật Đường được hai tiếng rưỡi đồng hồ một ngày rồi về, về rồi mình không niệm. Như vậy thì rõ rệt mình đã lâm vào tình trạng chờ “Cầu Siêu” chứ không phải là “Hộ Niệm”! Mình biết hộ niệm không phải là cầu siêu, nhưng thật sự mình là người chờ cầu siêu!… Thua rồi!

Chính vì vậy, khi nêu ra câu hỏi này thật sự là thấm thía! Cầu siêu là gì? Là nằm đó chờ chết. Chờ chết rồi, con cái mới thấy thương quá! Tiếc quá! Không biết sao?… Tụng kinh cầu siêu!…
Còn ta là chủ động đi về Tây-Phương Cực-Lạc bằng “Tín”, bằng “Nguyện”, bằng “Hạnh”. Tất cả những điều này phải làm từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây.
Nếu không làm như vậy thì thực ra: Ta nói hộ niệm mà ta không làm hộ niệm! Ta nói hộ niệm không phải là cầu siêu, mà chính ta lại là người chờ cầu siêu!
“Tín” thì phải tin cho vững vàng vào lời Phật dạy. Phật dạy gì?… Thời mạt-pháp Tịnh-Độ thành tựu. Thời mạt-pháp niệm Phật thành tựu… Thì nhất định một câu A-Di-Đà Phật phải trì giữ cho đến cùng. Mình thấy rõ rệt là bà cụ, ông cụ ngày hôm nay chúng ta dặn cái gì? Từ sáng cho đến chiều một câu A-Di-Đà Phật. Ngoài ra không có gì khác cả. Sáng ra thức dậy chấp tay niệm Nam Mô A-Di-Đà Phật mười tiếng. Niệm mười tiếng rồi bỏ chân xuống giường tay cầm xâu chuỗi niệm Phật. Dặn người con gái, khi mẹ ăn cơm xong rồi, buông chén cơm xuống, phải nhắc mẹ nghen chị: Niệm “A-Di-Đà Phật”, nhắc cha nghen chị: Niệm “A-Di-Đà Phật”. Nói thẳng, đi thẳng vào câu A-Di-Đà Phật không còn gì khác nữa, không còn lo cái chuyện khác nữa. Người này chính là người tin tưởng vững vàng không sợ gì hết.
“Nguyện” là nguyện vãng sanh. Nguyện vãng sanh thì những cái nguyện khác phải rời ra khỏi cái tâm của mình. Những cái cầu khác phải rời, thì mình được gọi là giữ Chánh Nguyện. Nguyện tha thiết mới được. Chứ còn cứ nguyện: “Nam Mô A- Di-Đà Phật, nguyện sanh Tây Phương Tịnh Độ trung…”, nhưng mà trong tâm mình vẫn còn rối bời bời bởi những chuyện thế gian. Bởi những cái này. Bởi những cái khác. Thơ văn đủ

chuyện… Rồi triết lý. Rồi kình cãi đủ thứ. Rồi giận hờn đủ thứ. Rồi la lối đủ thứ!… Rõ ràng là chúng ta đã đi con đường chờ cầu siêu rồi, chứ không cách nào hộ niệm được hết!
Cho nên hộ niệm có nghĩa là tự mình phải lo trước tất cả. Và còn lo gì nữa?… Lo trước giờ phút lâm chung sợ rằng mình không thực hiện được ba điều Tín-Hạnh-Nguyện, nên cần những người bạn đồng tu đến nhắc nhở từng giây một. Rõ ràng chúng ta đi con đường chắc trong chắc. Đây thực ra là những lời mà Diệu Âm nói trên đầu môi, lúc nào khởi ra cũng nói Tín- Hạnh-Nguyện trước. Tín-Hạnh-Nguyện luôn luôn nói mười mấy năm nay vẫn chung quanh ba câu này để cho tất cả mọi người nhập tâm. Những người nào có duyên nhập tâm họ vãng sanh. Ở Việt Nam họ vãng sanh vô cùng vi diệu, vô cùng thù thắng. Còn những người nào không có duyên thì đành chịu thua!…
Xin chư vị gieo cái duyên cho lớn ra, hãy cố gắng loan ra, đây gọi là vận động hộ niệm, giao lưu hộ niệm. Chúng ta đã làm tới đây là ba cuộc rưỡi rồi. Cuộc này là cuộc thứ ba, thứ tư rồi. Cuộc thứ hai, tại vì nửa mùa phải đi qua Âu Châu cho nên chúng ta đành ngưng, thành ra là ba cuộc rưỡi. Ba cuộc rưỡi nói vận động hộ niệm với mục đích gì?… Để cho nhiều người biết phương pháp hộ niệm. Nếu chư vị biết được việc này có lợi ích, thì xin tiếp tay vận động. Để chi?… Để cứu được người nào hay người đó. Lúc nào có khả năng đi hộ niệm, có dịp giảng giải thì hãy nên đi. Một lần đi hộ niệm tự nhiên chúng ta biết thêm rất nhiều, và cái khả năng cứu người của chúng ta vững hơn. Có như vậy thì tự nhiên chúng ta làm được.
Câu hỏi khác là: “Ngài Hòa-Thượng cũng thường nói đến Tam Thế Phật: quá khứ, hiện tại, vị lai. Chúng ta đương trong hiện tại của đức Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật nên tất cả kinh chú gì từ đâu… phát sanh ra chúng ta nên giữ cho kỹ”…

Lo chuyện này quá rộng! Không tốt!…
Thường thường Hòa-Thượng nói rằng: Tây-Phương Tam- Thánh chứ không phải là Tam Thế Phật. Chúng ta tu Tịnh-Độ là đi về Tây-Phương Cực-Lạc, thì Ngài nói là: Quy y Phật là quy y A-Di-Đà Phật. Quy y Pháp là quy y Tịnh-Độ tam kinh… Và cũng không cần tam kinh làm chi? Quy y một kinh A-Di-Đà, quy y một kinh Vô-Lượng-Thọ là đủ, gọi là quy y Pháp. Quy y Tăng là quy y Quán-Âm, Thế-Chí. Quán-Âm, Thế-Chí đại diện cho pháp giới Thánh Tăng, chúng ta cứ quy y như vậy.
Thường thường Ngài nói là Tây-Phương Tam-Thánh chứ không phải Tam Thế Phật. Tây-Phương Tam-Thánh chứ không phải Tây-Phương Tam Thế. A-Di-Đà Phật là Phật hiện tại chứ không phải là Phật quá khứ. Hoàn toàn không phải là Phật quá khứ. Nhớ cho kỹ điểm này, đừng nên lầm lẫn. Tại vì “Kim hiện tại thuyết pháp”, là Ngài đang ở trên cõi Tây-Phương, đang thuyết pháp trên đó chứ không phải Phật A-Di-Đà là Phật trong quá khứ đâu. Không phải như vậy. Xin chư vị nhớ cho kỹ. Khác với câu này một chút.
Cho nên chúng ta muốn đi về Tịnh-Độ. Quy về Tây-Phương Tam-Thánh. Niệm thì niệm A-Di-Đà Phật. Cầu thì cầu về Tây- Phương Cực-Lạc và tin tưởng cho vững vàng. Cứ vậy mà đi thì con đường tu sẽ chuyên nhất.
Nếu chúng ta đi theo đường lang thang nào đó, thì đây là một cái đại kỵ đối với pháp muôn niệm Phật. Nên nhớ pháp môn niệm Phật có ba điểm tối kỵ, trong đó tạp tu sẽ là một điều đại tối kỵ làm cho mình mất phần vãng sanh.
Cho nên kinh điển tạm thời gói lại, một lòng niệm câu A-Di- Đà Phật. Tụng một kinh A-Di-Đà hoặc một kinh Vô-Lượng-Thọ là đầy đủ. Chúng ta đi thẳng về Tây-Phương. Về được Tây-

Phương thì tự nhiên tâm tính chúng ta mở ra, lúc đó pháp giới ta đều biết hết. Tại vì chính ở từ trong tâm này phát sinh ra.
Nguyện mong chư vị chuyên lòng. Nếu không chuyên thì ta đang ở trên bờ mé của con thuyền Bát-Nhã mà đã bước lùi lại rồi! Như hôm trước mình nói, bước lùi thì phải rơi vào trong vùng tối tăm mù mịt của luân hồi lục đạo thật là đau đớn! Mong cho chư vị quyết lòng đi thẳng để một đời này thành tựu.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.

HỘ NIỆM LÀ MỘT PHÁP TU (2010)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –