Hộ Niệm Là Một Pháp Tu (Tọa Đàm 27) – Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị

Share on facebook
Share on twitter

HỘ NIỆM LÀ MỘT PHÁP TU

(Tọa Đàm 27)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Chương trình nói về hộ niệm của chúng ta vẫn đang tiếp diễn và thứ bảy này thì chúng ta sẽ có một cuộc đi hộ niệm. Gia đình người đó thì thực sự chưa liên lạc với chúng ta nhưng vì chị DiệuHương giới thiệu nên tôi sẽ cố gắng ngày mai liên lạc để xác định. Ngày mai sẽ cho biết cụ thể. Nguyện mong người đó miễn sao “Hiền Lành” là được. Chỉ cầu là người đó hiền lành, không cần biết pháp nhiều. Những người nghe nhiều pháp thường thường khó sửa lắm! Chỉ cần là hiền lànhchất phát. Những người mà có tâm hiền lành như vậy thì khi mình nói người ta dễ tin lắm, mà tin xong thì người ta chí thành chí thiết làm y theo những lời mình hướng dẫn, tức tha thiết được vãng sanh, thành tâm niệm Phật.

Ngài Ấn-Quang nói: “Chí thành chí thiết là cái đạo nhiệm mầu, thường thường những người hiền chí thành lắm. Vì tâm chí thành như vậy nên chỉ cần 1 ngày, 2 ngày, 1 tuần, 2 tuần mà người ta niệm Phật vãng sanh bất khả tư nghì! Còn những người lỡ cỡ lỡ cỡ như chúng ta, có hiểu hiểu chút chút, thường thiếu cái tâm chí thành, nên bị vướng vào cái nạn gọi là “Chấp Trước”! Một khi chấp trước thì thường có ý kiến này ý kiến nọ, bất đồng cái này bất đồng cái nọ… Đó là những cái làm cho người chấp trước đó thường bị mất phần vãng sanh, ngay cả những người biết niệm Phật, biết tu hành như chúng ta cũng không ngoại lệ.

Khi chúng ta nghe lời pháp của ngài Tịnh-Không, hãy nhớ cố gắng nghe cho kỹ và áp dụng cho đúng thì hay lắm. Có nhiều khi chúng ta nghe pháp, mà tham đến những chuyện cao siêu quáthường thường cũng dễ bị hỏng chân. Ví dụ như đối với những người thường nói chuyện trongđạo tràng, hay là ưa nói thị phi thì Ngài nghiêm cấm. Ngài nói: “Đừng có nói! Tại vì nói như vậy thìmất phước, nói như vậy thì không trang nghiêm”. Nếu người đó là một người “Hiền”, nghe Ngài nói vậy liền lo sám hối và tự nhiên không nói nữa. Những người đó dễ được thành tựu.

Ngược lại có những người nghe Ngài nói vậy thì nghĩ rằng: “Tại sao Ổng tu mà lại khó chịu vậy?”

Khi có một cái chấp trước như vậy thì chứng tỏ người này không phải là người hiền! Là ngườichấp trước nên thường thường có cái tâm tự cao nổi lên. Chỉ vì cái tật chấp trước, cái tật thị phi, thêm một lần nữa, người đó lại thị phi với ông “Thầy” đó luôn! Có nhiều người gặp lại một lầnNgài nói: “Không được phá giới. Không được nói thị phi. Nếu nói thị phi thì coi chừng Thiên-Long Hộ-Pháp mời ra”. Ngài nói như vậy. Cho nên thường thường trong đạo tràng chúng ta phải cẩn thận chú ý. Ta quyết lòng cầu các Ngài gia trì nên chúng ta cố gắng giữ gìn giới luật để tu.

Nếu một người nào hiền!… Hiền sơ sơ một chút, nghe lời nói này thì giựt mình tỉnh ngộ liền, không dám nói nữa, và lo nhiếp tâm lại niệm Phật. Nếu những người không hiền, lúc đó lại sinh ra kình cãi với Thầy nữa, kình cãi với Ngài thì đúng là người chấp trước! Một khi chấp trước nổi lên như vậy bị vướng vào cái nạn mà như hôm qua chúng ta nói, đó là “Đấu tranh kiên cố”, đây là cái lưới rất nặng của cái thời mạt pháp!

Cho nên Hòa Thượng Tịnh-Không giảng cao thì có cao, nhưng áp dụng thì chính xác. Mình biếtáp dụng chính xác thì mình thành công. Nếu một người trong đạo tràng tới méc với Ngài: “Bạch Hòa Thượng, cái bà này sao nói kỳ như vậy! Bà kia nói kỳ như vậy!”… Thì Ngài lại giảng cho người méc đó… Ngài nói: “Bà, Anh mà muốn vô đạo tràng thì phải tập làm quen với những điều chướng tai gai mắt… Phải tập làm quen với điều chướng tai gai mắt thì anh mới tu được. Còn nếu thấy người ta làm sai mà anh khó chịu thì anh tu không được!”… 

Mình thấy hai lời nói của Ngài nói ra giống như mâu thuẫn với nhau! Nhưng thực ra là gì? Ngài nói, “Để cho Long-Thiên Hộ-Pháp người ta làm, để cho đạo tràng người ta làm sao làm, còn mình thì phá cái Chấp đi“. Phá được cái chấp thì chúng ta phá được cái cạm bẫy, cái gọi là lưới đấu tranh trong cái thời mạt pháp. Mà phá được cái lưới đấu tranh trong thời mạt pháp thì cái chân của chúng ta không bị cái bẫy kẹp lại, cái tay của chúng ta thì không bị cái bẫy nó kẹp lại, và đầu óc chúng ta mới thanh thản niệm câu A-Di-Đà Phật để về Tây Phương.

Khi về Việt Nam có dịp đi hỏi những người hộ niệm. Người ta nói mắc cười lắm! Hễ người nào hiền lành vui vẻ không chấp, không bách, không kình, không cãi với ai hết… là những ngườivãng sanh rất dễ, mặc dù người ta hỏi tới: “A-Di-Đà Phật là gì?” – “Tôi không biết! Hồi giờ tôi không có đi tu”. Vậy đó! Mà những người đó thật sự khi hộ niệm cho họ, những người này có thể bảo đảm được rằng 60-70% vãng sanh rồi đó.

Mình tới tiếp chuyện, họ nói: “À! Từ hồi giờ làm bậy quá! Thôi! Tôi thành tâm xin sám hối. Bây giờ anh giúp cho tôi nghe. Tôi nghe theo lời anh”… Thì bảo đảm người đó tới 90% được vãng sanh, lạ lắm! Mặc dù từ trước tới giờ họ không tu…

Chứ còn những người mà nói là… “Tại sao cái hình Phật này màu xanh? Tôi thì thích hình Phật màu trắng… Hồi giờ tôi thích hình kia, tại sao lại đưa cái hình này?”… Tức là có cái ý kiến trong đó! Những người có tu!… Nhưng lại khó vãng sanh! Tại sao như vậy? Là tại vì thường thường cái bệnh chấp trước hiển hiện quá nặng trong cái tâm của chúng sanh trong thời mạt pháp này!

Hôm qua mình đã nói, thời này là thời “Đấu tranh kiên cố“, Phật chỉ nói là 500 năm lần thứ 5, tức là từ 2.000 năm trở đi thôi; Ngài không nói thêm đến lần thứ 6, vì lần thứ 6 thứ 7 là nó cứ vậy màđi, nó đi cho đến lúc mạt tận luôn không có cách nào cưỡng chế được! Cho nên khi mà ngài Tịnh-Không: Gặp một người nói chuyện, phá giới… Ngài cũng la. Gặp một người ghét người nói chuyện, phá giới… Ngài cũng la luôn! Để chi? Để tất cả những cái gì của thế gian này đối với mình là vô sự, thì mình dễ dàng an tâm mà niệm Phật được. Gặp một chỗ quá lộn xộn nhất định: Không được chửi bới. Không được phê phán họ. Không tu được thì lặng lẽ rút về tìm chỗ nào an tịnh để mình tu. Đó là điều hay nhất. 

Thường thường ở trong internet tôi hay gặp những câu hỏi lạ lùng lắm. Có nhiều người niệm “A-Di-Đà Phật” nghe người kia niệm “A-Mi-Đà Phật” thì chống liền. Họ nói, đời mạt pháp cho nên mới có như vậy! Tôi nói, anh niệm A-Di-Đà Phật mà chống người niệm A-Mi-Đà Phật, anh mất phần vãng sanh chứ không phải người niệm A-Mi-Đà Phật mất phần vãng sanh. Rồi ngược lại, người niệm A-Mi-Đà Phật mà chống người niệm A-Di-Đà Phật, thì người niệm A-Mi-Đà Phật cũng mất phần vãng sanh luôn. Tại vì sao? Tại vì thời đấu tranh kiên cố, ta không chịu giải tỏa những vấn đề đấu tranh, mà còn đưa thêm vấn đề đấu tranh ra để tranh luận nữa thì ta bị vướng vào đó. Mà vướng vào đó rồi, thì tay chúng ta bị cái còng, chân chúng ta bị cái bẫy… nó sẽ lôichúng ta sệt sệt sệt sệt vào hầm lửa! Dễ sợ lắm!…

Chính vì vậy, tu hành cố gắng đừng nên bị vướng vào cái đó. Chắc chắn không phải một ngày một giờ mà bỏ được. Nhưng mà khi vạch ra được gọi là cái cạm bẫy dễ dàng nhất và rõ rệt nhất của thời này làm cho chúng sanh bị kẹt trong lục đạo luân hồi, mà nói thẳng ra là kẹt luôn trongtam ác đạo nữa – Đó chính là cái sự đấu tranh. Phải bỏ! Tại vì khi đấu tranh rồi thì tâm bất tịnh, mà tâm bất tịnh thì thường thường sinh ra sân giận. Sân giận chính là những chủng tử địa ngục. Khi chủng tử địa ngục hiển thị trong tâm thì khi niệm Phật như vậy là niệm trong tiếng “Giận”! Nhất định… Ngài Quán-Đảnh Đại Sư nói: “Không thể vãng sanh được!” Mà hậu quả rất là nặng nề! Tất cả đều do bị cái nạn này: Là nạn Chấp Trước! Là nạn Giận Hờn! Là nạn Thị Phi!… Những cái này nó phá mất công đức của câu A-Di-Đà Phật, nó ảnh hưởng luôn cái uy tíncủa pháp môn niệm Phật nữa, nó phá cái hình tướng của “Người Niệm Phật”.

Chính vì vậy, những vị Đại Sư khi thành đạo, đắc đạo rồi, các Ngài nói những câu hết sức là đơn giản, người nào cũng nói giống giống vậy hết, không có người nào nói khác hết.

Lục Tổ Huệ Năng nói: “Nhược chơn tu đạo nhơn, bất kiến thế gian quá“. Người biết tu hành chân chánh đừng nhìn, đừng thấy, đừng nói những lỗi của người khác. Ngài Ấn-Quang thì nói: “Lúc nhàn đàm đừng nói lỗi người, hãy lo nhắc lỗi của ta“. Tất cả các vị, Ngài nào cũng nói như vậy. Ngài Thích Thiền-Tâm thì nói là: “Người mà tu hành chân chính thì lo trau dồi đạo hạnh của mình, lo giữ cái tâm trong tiếng niệm Phật để mà định cái tâm lại, có giờ đâu đi nói chuyện của người ta, mà khi nói chuyện của người ta thì làm sao mà mình định cái tâm được”.

Các Ngài đều nói giống giống như nhau. Những điều này tưởng là thấp, nhưng thực sự lại rất là cao. Vì thực sự chỉ cần vướng vào đó thì chúng ta mất đi cái dạng “Người Hiền”. Dạng người hiền là dạng người dễ vãng sanh nhất, mà chúng ta được cái này là chúng ta được cái dạng “Người Hiền”.

Hồi trước tới giờ chúng ta có biết Phật Pháp không? Không cần biết! Chỉ cần trước những giờ phút lâm chung mà “Tâm Hiền” của anh vẫn còn… Gặp thiện tri thức, thiện tri thức là ai? Là chính chúng ta nè. Là những người hộ niệm nè. Mình tới nói: “Bây giờ bác ơi! Sanh tử là cái chuyện thường. Bác già rồi, bệnh hoạn rồi, bệnh viện chịu thua rồi… thì chắc chắn một ngày cũng phải đi, nhưng xin Bác nghe lời con, quyết lòng nếu có những lỗi lầm nào xin ăn năn sám hối“. Người đó chắp tay lại: ” Nam Mô A-Di-Đà Phật! Cho con xin sám hối. Con lỗi lầm nhiều quá!”…

Nhiều khi họ không biết lỗi lầm gì? Rồi họ quyết lòng niệm Phật. Xin thưa thực:“Chí thành cảm thông! Chí thành cảm thông!“.

Bây giờ đây thì mình nói Dóc, nói Hiền, nói Lành.. Nói nào là Lý này, Luận nọ… Những người ưalý luận nhất định không phải là những người hiền! Tại vì những người lý luận hầu hết là những người cống cao ngã mạn! Còn những người hồi giờ hiền lành, không lý, không luận gì cả, trước những giờ phút lâm chung họ mệt mỏi như vậy mà vẫn chắp tay lại thành tâm niệm Phật, thực sự cái tâm chí thành của họ nó cao hơn mình tới cả ngàn lần chứ không phải thường đâu. Tại vìhọ đã tới chỗ bờ vực thẳm rồi! Họ không còn con đường nào đi nữa rồi! Họ đã bị đày vào cái chỗ tận cùng rồi!… Lúc đó nó có sức bật lên rất mạnh.

Cho nên chỉ cần như vậy mà có nhiều người niệm Phật từ sáng cho đến chiều mà khi ra đi vớithoại tướng bất khả tư nghì! Có nhiều người niệm Phật hai ba ngày thôi mà vãng sanh bất khả tư nghì! Có những người không cần tu nhiều đâu à, chỉ cần là: Nam Mô A-Di-Đà Phật cho con đượcvãng sanh. Con quyết lòng vãng sanh. Bây giờ tất cả những nghiệp của con, con xin thành tâmsám hối hết, con bây giờ lỡ rồi… Cứ thành tâm như vậy, một câu A-Di-Đà Phật mà chí thành thì“Phá tan tám mươi ức kiếp nghiệp chướng sanh tử trọng tội”. Người nào phá được? Là người sắp chết đó phá được. Là tại vì, nếu họ không niệm Phật thì họ thấy cái “Địa Ngục” trước mắt rồi! Họ không niệm Phật họ thấy được “Tam Đồ” trước mắt rồi! Cho nên họ quyết lòng: “Kiệt thành tự khả chuyển phàm tâm”. Họ có cái tâm “Kiệt Thành Sám Hối” trong cái lúc sắp sửa ra đi đó.

Còn bây giờ mình thì sao? Mình thì khỏe quá. Mình thì được người ta khen. Mình thì được người ta tán tụng. Mình thì được tối tối đi tu như thế này. Tưởng là ngon!… Ra ngoài thấy người kia… Ôi! bà đó thế này! Bà kia thế nọ! Tức là cái tâm cống cao ngã mạn lại khởi lên. Mình niệm thế nàythực ra không có phải là thành tâm!

Niệm Phật Đường chúng ta chủ công là đi hộ niệm. Nếu gặp dịp hộ niệm, thì quyết lòng đi hộ niệm cho người ta, để chúng ta có khả năng giúp người vãng sanh. Chỉ có trường hợp miễn trừ: Một là khi chúng ta bị bệnh thì không nên đi hộ niệm; Hai là chúng ta bị người bệnh đó đố kỵ. Người bệnh đó ghét. Mình là kẻ thù của người đó. Trong đời mỗi lần ta gặp người đó thì họ nổi cơn sân giận lên… Thì chúng ta không nên đến hộ niệm.

Ngoài ra thì chúng ta cố gắng tham gia từng buổi hộ niệm, để sau này tự chúng ta có đủ khả năng bất cứ trong trường hợp nào cũng có thể giúp người vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật!

Read more: https://hoiquanadida.com/phap-su/chi-tiet/toa-dam-27-2199.html#ixzz7QpkOgNqg

HỘ NIỆM LÀ MỘT PHÁP TU (2010)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –