Hộ Niệm Là Một Pháp Tu (Tọa Đàm 46) – Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị

Share on facebook
Share on twitter

HỘ NIỆM LÀ MỘT PHÁP TU
(Tọa Đàm 46)

Nam Mô A Di Đà Phật,
Chúng ta tiếp tục giải quyết những vấn đề:
– Xin cư sĩ cho biết về sự thuận lý và nghịch lý của việc niệm Phật cầu vãng sanh.
Pháp niệm Phật là Đại Chánh Pháp của đức Thế-Tôn để lại, đã là đại chánh pháp thì làm gì có chuyện thuận lý và nghịch lý!…
Nghịch lý chẳng qua là con người không chịu tin lời Phật dạy. Nghi ngờ lời Phật, cho nên “Nghịch tử” thì có, chứ làm gì có “Nghịch lý” trong đại pháp của Phật. Phật dạy phải tin tưởng cho vững, mình không tin, mình là nghịch tử, là Phật tử ngỗ nghịch!

Phật dạy phải nguyện vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, mình không chịu nguyện vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Mình nguyện cho giàu có! Mình nguyện cho hết bệnh! Nguyện những gì của lục đạo luân hồi! Mình là Phật tử nghịch, gọi là “Nghịch tử”, chứ làm gì trong pháp Phật mà có chuyện “Nghịch lý”.
Phật dạy pháp môn niệm Phật là phải chuyên nhất niệm câu A-Di-Đà Phật từ sáng đến chiều, từ chiều đến sáng. Lúc trang nghiêm thì niệm ra tiếng, lúc không trang nghiêm thì niệm thầm trong tâm. Mình không dành thời giờ để niệm Phật, mà dành nhiều thời giờ để nghĩ những cái khác, để lo những cái khác, để đấu tranh, ganh tỵ… Rõ ràng mình là một Phật tử nghịch, gọi là “Nghịch tử”, chứ làm gì có “Nghịch lý” trong đại pháp của Phật? Xin nhớ pháp Phật không có nghịch. Nhất định là chánh pháp. Nhất định đưa chúng sanh vượt qua sanh tử luân hồi. Một đời này quyết lòng tin tưởng, xin đừng nói những lời “Nghịch lý”
mà mình bị phạm lỗi!… Vấn đề khác:
– Tôi nghiệp chướng nặng nề! Chẳng ai muốn bị rớt lại, nhưng vì nghiệp chướng nặng, cho nên xin được phép tụng kinh sám hối cho tất cả đồng tu đều nghe. Có sám hối may ra mới có hy vọng…
Quý vị lấy cái lực của mình mà cưỡng lại lực của Phật rồi! lấy cái nghĩ của mình mà bẻ cái ý nghĩ của Phật rồi!… Tưởng tượng mình là gì? Hãy nghĩ thử mình có cái lực gì mà tụng một bài sám hối cho đồng tu hết nghiệp? Đây là sự chứng tỏ rằng niềm tin đã quá yếu!
Ngày hôm qua mình có câu hỏi, “Tại sao có người niệm Phật mà không vãng sanh”? Thì đây là dạng người rất khó vãng sanh! Nhất định khó vãng sanh! Nếu người biết tin vào pháp niệm Phật một cách chân chính thì nghe lời Phật nói đi.
Niệm Phật một niệm, phước tăng vô lượng.

Lễ Phật một lễ, tội diệt hằng sa.
Tại sao niềm tin lại quá yếu?! Cứ nghĩ rằng tụng bài sám này, tụng bài sám kia để mà diệt nghiệp. Hãy đọc cho kỹ cái lời pháp đó và coi những phần phía sau của những kinh sám đó nói gì? Nếu quý vị hành trì kinh này thì sẽ có hy vọng trở lại cảnh giới Nhân-Thiên. (Nhất định có câu này trong đó). Trong khi đó thì kinh Phật nói rõ ràng, nếu quý vị nhiếp tâm niệm câu A-Di- Đà Phật, dẫu cho nghiệp chướng sâu nặng tới đâu mà quyết lòng niệm một câu A-Di-Đà Phật, chí thành nguyện vãng sanh, thì dẫu cho mười niệm mà không được vãng sanh về Tây-Phương Cực- Lạc thì A-Di-Đà Phật thề không thành Phật. Đây là lời của Phật, tại sao không tin?
Ngài Quán-Đảnh Pháp-Sư là một đại tôn sư, là những vị coi như Phật, Bồ-Tát tái lai xuống thế, Ngài nói như thế nào? Thời mạt pháp kinh sám không còn hiệu lực, chỉ còn câu A-Di-Đà Phật. Tại sao chúng ta không chịu nghe lời dạy? Trong khi ngài Ấn-Quang nói, từ sáng đến chiều nhất định phải giữ tâm trong câu Phật hiệu không được ly ra, lúc quên trực nhớ lại là phải niệm Phật liền. Tất cả chư Tổ đều là đại Bồ-Tát tái lai dạy cho chúng sanh, trong thời mạt pháp này muốn vãng sanh Tây- Phương Cực-Lạc, muốn thoát ly sanh tử luân hồi nhất định không để cái tâm rời câu A-Di-Đà Phật. Tại sao chúng ta cứ lo nghĩ là mình tội lỗi?… “Tự kỷ ám thị!”. Đây là lời nói của thế gian!…
Phật nói sao? Tất cả đều do tâm mình hiện ra hết. Nghĩ rằng mình nghiệp nặng, nhất định bị nghiệp bao vây. Tất cả những đạo tràng trên thế gian này, tìm đâu ra một đạo tràng giảng đi giảng lại, giảng lên giảng xuống câu “A-Di-Đà Phật” để cho chúng sanh nhiếp tâm vào, đi về Tây-Phương. Thế mà tới hôm nay còn nói câu là phải tụng một bài sám để cho chúng sanh hết

nghiệp. Hãy đi điều tra đi, những người chuyên môn tụng sám, sau cùng khi họ bỏ báo thân như thế nào? Nhìn đó mà giật mình! Rồi coi lại những cái phim mà người ta vãng sanh, những người trước phút chết niệm câu A-Di-Đà Phật họ ra đi như thế nào? Tại sao không mau mau giật mình tỉnh ngộ để trì lấy câu A-Di-Đà Phật, để vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc?
Ngày hôm qua, chúng ta đưa chuyện ông vua A-Xà-Thế là một người sát cha hại mẹ, làm thân Phật ra máu, phá hòa hợp Tăng… Tội này là tội ngũ nghịch, đi xuống địa-ngục A-tỳ. Khi sau cùng rồi, có người nói, Ngài sám hối. Sám hối bằng cách nào? Một câu A-Di-Đà Phật mà niệm, nguyện sanh đến Tây- Phương, Ngài vãng sanh đến Thượng-Phẩm Trung-Sanh. Giả sử lúc đó Ngài tụng kinh sám để cầu tiêu trừ cái nghiệp của mình, có lẽ bây giờ Ngài còn ở dưới địa-ngục A-tỳ rồi, chưa lên nổi đâu!
Xin nhớ cho kỹ, cái tâm mình đang nghĩ gì? Cái tâm mình đang nghĩ nghiệp là mình đang duyên tới nghiệp, nhất định cái nghiệp sẽ bao vây. Cho nên mong chư vị phải trực nhớ lại, tại sao có người niệm Phật được vãng sanh, có người niệm Phật không được vãng sanh? Người mà quyết lòng sám hối nghiệp chướng, nhất định sẽ bị trả nghiệp, gọi là tùng nghiệp thọ báo, không thể nào ly ra được. Ai nói như vậy?… Ngài Liên-Trì Đại- sư nói như vậy. Ngài nói như thế nào? “Người quyết lòng niệm câu A-Di-Đà Phật là người một đời này thành tựu đạo quả”. Ngài nói, đó là hạng thượng căn, tại vì có thượng căn người ta mới tin được câu A-Di-Đà Phật. Đừng nghĩ rằng là câu A-Di-Đà Phật dễ tin!
Chúng ta nói đi nói lại, nói lên nói xuống không biết bao nhiêu lần mà đến bây giờ vẫn chưa tin câu A-Di-Đà Phật. Ngài Liên-Trì nói như vầy: Phải tin câu A-Di-Đà Phật, đó là những

người một đời này thành đạo Vô-Thượng. Còn những người mà tu theo các pháp khác, tự lực tu chứng thì nhiều lắm đạt đến trung căn là cùng. Tại vì sao?… Thời gian ít nhất cho họ để thành tựu, phải là ba đại A-tăng-kỳ kiếp. Ngài Tịnh-Không nói ba đại A-tăng-kỳ kiếp này không phải dành cho hàng phàm phu như chúng ta đâu à, mà dành cho những vị “Minh Tâm – Kiến Tánh”. Xin thưa thật, phải nghe cho rõ.
Còn những người mà chuyên môn sám hối, Ngài nói, đây là hạng hạ hạ, nhất định vô lượng vô biên kiếp không thể nào thành tựu được, vì đã bị cái nghiệp nó trói rồi. Cho nên chúng ta phải nhớ cho kỹ, “Nhớ Phật, Niệm Phật, Nghĩ Phật, Tưởng Phật”. Nhất Định một câu A-Di-Đà Phật:
– Sám hối cũng đó.
– Thành đạo cũng đó.
– Cứu độ chúng sanh cũng đó.
Nếu cứ ngày ngày nghĩ tới nghiệp thì nhất định nghiệp sẽ hiện ra. Một người nghĩ mình bị ma chướng thì nhất định “Ma” sẽ ứng hiện. Chắc chắn! “Nhất thiết duy tâm tạo”. Xin quý vị nắm cho vững.
Còn nếu quý vị nắm không vững chuyện này, thì ở đây chúng ta một ngày chỉ có hai tiếng rưỡi đồng hồ niệm Phật, còn lại hai mươi mấy tiếng đồng hồ kia ở nhà cứ việc mà tụng sám, không mắc mớ gì tới đạo tràng. Đạo tràng này là chuyên tu niệm Phật, người nào quyết lòng đi về Tây-Phương thì một câu A-Di- Đà Phật. Còn nghĩ rằng tới đây để sám hối, thì xin lạy Phật đi. “Lễ Phật một lễ, tội diệt hằng sa”. Đây là chư Tổ nói, tại sao chúng ta không dành tất cả năng lực dồn vào câu A-Di-Đà Phật. Lạy Phật đi, lạy cho đổ mồ hôi ra, lạy cho tuôn hết tất cả những nghiệp chướng ra, cứ lạy Phật đi thì tự nhiên có sự gia trì.

Tất cả sau cùng, khi nằm xuống rồi câu A-Di-Đà Phật ứng hiện trong tâm, nhất định: Một niệm, mười niệm tất sanh. Tại sao không làm?… Nếu khi nằm xuống, cứ nghĩ rằng ta còn nghiệp chướng nặng nề thì nhất định:
– Không bị khủng hoảng, thì cũng bị đau khổ!
– Không bị đau khổ, thì cũng bị dọa nạt bởi oan gia trái chủ!
– Không bị oan gia trái chủ dọa nạt, thì nhất định chính cái tâm mình đã hướng theo cái nghiệp rồi!
Phá nghiệp đi?… Vạn kiếp sau chưa chắc gì phá nổi! Đừng có nghĩ rằng là tụng một bài sám, tụng một bài kinh là phá nghiệp…
Xin thưa với chư vị, đừng bao giờ nghĩ rằng tụng một bài Lương-Hoàng-Sám là có thể phá nghiệp! Nên nhớ, Lương- Hoàng-Sám không phải là kinh của Phật nói ra. Trong nhà Phật chúng ta dùng kinh đó để cầu tiêu tai giải nạn thì có, tại vì xuất hiện từ đời Lương-Võ-Đế, từ nhà Đường sau Phật gần sáu bảy trăm năm. Kinh Thủy-Sám là kinh xuất hiện từ thời Ngộ-Đạt Thiền-sư, cũng là đời nhà Đường, sau khi Phật nhập diệt hàng mấy trăm năm. Hoàn toàn không phải là kinh của Phật nói ra, ta có thể đem áp dụng để tiêu nghiệp, chứ không phải là kinh để chúng ta thành đạo.
Cho nên mong chư vị phải nhớ cho kỹ, quyết lòng, quyết dạ niệm một câu A-Di-Đà Phật. Sám nghiệp cũng đó, diệt tội cũng đó, thành đạo cũng đó, phước vô lượng vô biên cũng là câu A- Di-Đà Phật.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.

HỘ NIỆM LÀ MỘT PHÁP TU (2010)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –