HỘ NIỆM LÀ MỘT PHÁP TU
(Tọa Đàm 36)
Nam Mô A-Di-Đà Phật,
Những người thượng căn thượng cơ thì người ta niệm Phật bằng cái lý đạo cao siêu. Họ dùng “Thực Tướng Niệm Phật“, tức là chân tâm tự tánh của họ đã hiển lộ. Riêng chúng ta thì toàn là phàm phu tục tử không thể nào trì theo “LÝ” đạo đó được, nên chúng ta phải trì theo cái “SỰ” niệm Phật.
Tất cả những hành trình công phu từ trước tới giờ của chúng ta đều trì theo “SỰ” niệm Phật, tức là lấy công phu của mình, lấy lòng thành của mình niệm Phật, niệm cho đến khi danh hiệu A-Di-Đà nhập vào tâm của mình, tâm của mình chứa toàn là “A-Di-Đà Phật”, thì đến một lúc cái tâmchúng ta cũng hiện ra tâm Phật, lúc đó ta có cả “LÝ“, có cả “SỰ“, LÝ-SỰ lúc đó là một, không còn hai nữa.
Nói về SỰ tức là nói về công phu, cần phải cần cù, tinh tấn và chân thành thì mới đạt được. LÝ đã không có rồi, mà không cần cù, không tinh tấn, không quyết lòng, không thành tâm thì SỰniệm Phật cũng không đạt được. Rốt cuộc thì sau cùng vẫn trôi lăn trong những gì tầm thường của thế gian và chúng ta không cách nào cảm ứng được với A-Di-Đà Phật.
Chính vì vậy, Diệu Âm xin nhắc nhở qua, là phương thức niệm Phật thì mỗi người phải tự tìm cho mình một phương cách. Chúng ta đã giới thiệu qua cách “Sổ Châu”, tức là dùng sợi xâu chuỗi. Cũng có thể không cần xâu chuỗi, mà dùng những phương thức khác để niệm, tùy ý. Nhưng cái xâu chuỗi cụ thể lắm, có thể sử dụng rất tốt. Cứ cầm xâu chuỗi lăn lăn trên tay, một lần lăn một hột niệm một câu, niệm sao mà một thời gian rất ngắn, xâu chuỗi của ta bóng lưỡng lên, tức là có công phu.
Xin thưa thật, Diệu Âm này có ấp ủ một cái chương trình gọi là: “CÔNG CỨ NIỆM PHẬT CHÍN PHẨM VÃNG SANH” hơn mười năm nay rồi mà chưa có phát hành. Khi nói công phu tu tập về SỰ, thì công cứ là một cái điểm mạnh để giúp cho ta như có nấc thang để leo.
“Công Cứ” là gì? Là định số, là thời khóa công phu hằng ngày. Công cứ có thể tính theo thời gian, trong một ngày niệm Phật 16 tiếng đồng hồ, thì 16 giờ công phu gọi là công cứ về thời gian. Có vị Tổ khuyên chúng ta một ngày nên niệm 50 ngàn câu A-Di-Đà Phật, đó là cái mức để cho an tâm là câu A-Di-Đà Phật sẽ nhập vào tâm. Thế nhưng chúng ta còn phải làm việc nhiều quá, còn bề bộn đủ thứ… Phước báu không có, thì chúng ta cứ thử áp dụng một phương thức niệm Phậtnào đó. Sau khi thấy một phương thức niệm Phật nào thích hợp với ta, rồi bắt đầu mới lập côngcứ. Ví dụ như một ngày ta niệm 10 ngàn câu, cố gắng nhất định không sụt xuống. Niệm vài tháng như vậy, tự nhiên công phu này thành thục và mình thấy hình như 10 ngàn câu quá dễ! Đó là lúc tự nhiên công phu của mình đã vượt qua cái mức đó rồi. Chúng ta mới leo lên một nấc nữa: 15 ngàn câu. Cứ tăng dần, tăng dần, tăng dần lên như vậy, tăng dần cho đến chỗ, mà như ngài Ấn-Quang nói, một ngày chư vị hãy niệm 50 ngàn câu Phật hiệu, để cho câu Phật hiệu nhập vào tâm. Ngài Hoàng Niệm Tổ lập công cứ trên cái mức đó: 100 ngàn câu trở lên, và có ngày Ngài đã niệm đến 160 ngàn câu A-Di-Đà Phật để Ngài vãng sanh. Ngài là Kim-Cang Thượng-Sư của Mật-Tông mà Ngài còn niệm như vậy! Công phu của Ngài, đức độ của Ngài như vậy, mà Ngài cũngphát tâm niệm Phật như vậy, thì chúng ta tưởng rằng… một tháng có được một ngày hai ngày tới đây tinh tấn, rồi mỗi ngày chúng ta tới đây 2 tiếng rưỡi đồng hồ… đâu có thấm thía gì so với công cứ của các Ngài!
Chính vì vậy, trước khi phổ biến công cứ chín phẩm, Diệu Âm muốn nói là chư vị hãy về nhà cố gắng dán cái tâm mình, kẹp cái tâm mình, cột cái tâm mình trong câu A-Di-Đà Phật. Mỗi người có một phương cách, có người niệm nhanh, có người niệm chậm, có người dùng phương thức hơi thở, có người dùng phương thức xâu chuỗi, có người dùng máy bấm số… Phải thành tâm niệm trước, đừng nên chạy theo số lượng nhiều quá nhiều khi cũng không tốt! Tại vì trước khi đưacông cứ ra, mà chúng ta đã chạy theo số lượng, thì nhiều khi niệm 50 ngàn câu, nhưng chất lượng chưa tới 5 ngàn câu, thì cũng uổng đi công cứ!
Hãy niệm thuần thục cái phương pháp của mình, rồi từ từ chúng ta sẽ giảng giải về công cứ sau. Phải biết cái công cứ “Chín Phẩm Vãng Sanh ” này nó không tùy thuộc vào số lượng, nó hay ở chỗ này. Công cứ này của Tịnh-Độ-Tông bên Trung Hoa chư vị đã định ra, mà định cho cư sĩ chứ không phải định ra cho các vị xuất gia. Điều đó thật là hay!
Chúng ta có Hạ-Phẩm Hạ-Sanh, Hạ-Phẩm Trung-Sanh, Hạ-Phẩm Thượng-Sanh, rồi ba bậc Trung-Phẩm, ba bậc Thượng-Phẩm, đều có hết. Nhưng mà chúng ta phải thành tâm chí thànhtrước. Ví dụ như một người niệm Phật chậm mới nhiếp tâm, thì xin chư vị cứ lấy cái chậm đó để mà làm công cứ, thì cái chậm đó khi đạt đến chỗ Hạ-Phẩm Hạ-Sanh, thì chắc chắn công cứchúng ta hoàn thành phải vững vàng hơn những người niệm nhanh mà đạt đến Hạ-Phẩm Hạ-Sanh. Tại vì chúng ta niệm chậm, chúng ta không cầu số lượng. Còn khi cầu số lượng, tức là niệm quá nhanh nhưng niệm không chân thành. Về công cứ thì chúng ta đã qua cái mức gọi là Hạ-Phẩm Hạ-Sanh, nhưng về thực chất công phu thì chưa bảo đảm tới đó! Chính vì vậy mà Diệu Âm ấp ủ hơn mười năm nay chưa dám phổ biến, để âm thầm coi thử là cái duyên của chúng ta tới đâu?
Công cứ hay lắm chư vị ơi! Cũng giống như khi mình leo lên nấc thang, nó có từng nấc, từng nấc, từng nấc… Mình có thể thấy được công phu của mình tới nấc nào? Đã đủ chưa?
Hồi sáng này Diệu Âm có nói, nếu tu muốn quyết lòng vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc mà tu theo kiểu chung chung, tức là cứ tới niệm một bữa cho có mặt rồi về… sợ rằng chúng ta khôngvượt qua khỏi ách nạn của thời mạt pháp này! Chúng ta không vượt qua được cái nghiệp báonặng nề đã tạo ra từ trong vô lượng kiếp đổ dồn tới bây giờ! Quý vị nên nhớ, khi trong đời này màchúng ta trở lại làm được thân người, đừng có nghĩ rằng là đời trước chúng ta ở trong cảnh giớithấp đâu à! Có nhiều câu kinh của Phật nói rằng, có thể chúng ta ở trong một cảnh Trời rơi xuống đây. Tức là chúng ta cứ từng đời, từng đời, từng đời, xuống lần, xuống lần, xuống lần, khi xuống tới cảnh giới người tức là tới bờ mé của tam ác đạo. Nếu tới lúc này mà không chịu tu, không chịu công phu, không chịu cần cù để vượt qua cái ách nạn bờ mé của tam ác đạo này, thì coi chừng bị rơi xuống một cái, thì như trong kinh Phật nói: “NHƠN THÂN NAN ĐẮC!”. Chính vì vậymà chư Phật chư Bồ Tát thường ứng hiện trong cảnh giới người để cứu độ chúng sanh, tại vì cảnh giới người đang ở bên bờ mé của tam ác đạo rồi, tại vì có khổ mà cũng có sướng, khổ nhiều hơn, nên người ta ngộ nhiều, người ta sợ nhiều, người ta thành tâm hơn. Chứ nếu giả sửnhư chúng ta còn đang ở một cảnh Trời sướng quá không biết tu, các Ngài thị hiện ở đó dạy chúng ta không được.
Hiểu được điều này, xin chư vị ráng hãy cố gắng lên, quyết lòng niệm Phật. Nếu trong cơ hội này mà không được A-Di-Đà Phật tiếp dẫn về Tây Phương Cực Lạc, thì cái hậu quả của sự thất bại này sẽ làm cho chúng ta đau khổ, đau khổ không tưởng tượng được!Ngài Ấn-Quang nói, coi chừng đời sau cái thân người tìm lại không được. Dễ sợ như vậy!
Mà một khi thân người tìm lại không được rồi… ví dụ chúng ta rơi vào hàng súc sanh chẳng hạn, chư Phật xuống hàng súc sanh giảng đạo nhưng chúng nó không nghe, tại vì nó ngu quá rồi! Không nghe. Giả sử như chúng ta rơi vào hàng ngạ quỷ, chư Bồ Tát chư Phật ứng hiện ở đógiảng đạo, chúng ta không nghe được! Tại vì sao? Quá khổ rồi! Khổ đến nỗi tìm miếng ăn không có! Quý vị cứ tưởng tượng đi, những người mà khổ quá, ví dụ những người ăn mày ở ngoài đường, cho họ một miếng bánh mì thiu, họ lượm liền, mà dạy một câu A-Di-Đà Phật, dạy một bài pháp nào đó… nhất định người ta không nghe! Thì nếu chúng ta lỡ lọt xuống cảnh giới ngạ quỷrồi, thôi chịu thua! Vì quá khổ! Nếu lỡ lạc xuống địa ngục rồi, thì càng khổ hơn nữa! Chịu thua!… Cái tâm đố kỵ, tâm sân giận, tâm căm thù… vì chúng ta đang bị hành hạ, hành hạ đến nỗi tới “Vô Gián” nữa thì thôi chịu thua! Chư Phật cũng đành rơi nước mắt!…
Chính vì vậy, mà cảnh giới người là cảnh giới dễ độ nhất. Tại vì có khổ mà cũng có sướng. Cũng có ngu nhưng mà cũng có khôn. Những người nào dại không chịu niệm Phật thì đành phải đi vàocon đường đau khổ, chứ còn cũng có những người ngộ ra, người ta khôn khéo, người ta giác ngộ được. Thành phần này có, cho nên Chư Phật, chư Bồ Tát ứng hiện xuống trong cõi nhân gian này để cứu độ chúng sanh nhiều lắm. Ta được cái cơ hội này, xin thưa với chư vị, hãy mừng lên.
Khi mình về tới Tây Phương Cực Lạc quý vị sẽ quán chiếu thấy được ông bà, cha mẹ, bà conthân thuộc trong vô lượng kiếp của mình đang đọa lạc từ cảnh giới này tới cảnh giới khác tronglục đạo nhiều lắm, mà thường thường trong tam ác đạo nhiều nhất. Lúc đó mới thấy!…
Về Tây Phương thần thông đạo lực chúng ta đã có rồi, có thiên bá ức hóa thân rồi, có thiên nhĩ thông, thiên nhãn thông, thần túc thông, tha tâm thông… có hết rồi, chúng ta biết rõ ràng đây là người Mẹ chúng ta, mà người Mẹ đó đang nằm trong một cảnh khổ, đang vừa mới vượt quacảnh khổ trở lại cảnh giới người. Nhìn biết được, quý vị mới tìm mọi cách đến cứu người Mẹ, lúc đó quý vị mới đành khóc ròng! Tại sao? Tại vì từ trong cảnh giới tam ác đạo họ vừa mới vượt qua, chúng ta nói hoài, nói hoài mà người Mẹ trong đời kiếp trước của chúng ta không chịu nghe, người anh trong đời kiếp trước của chúng ta không chịu nghe, người Cha của chúng ta không chịu nghe! Đau xót lắm, quý vị biết không?
Chính vì vậy, khi có cái thân người này rồi, những lời của Phật dạy chúng ta nên nươm nướp mànghe lời đi. Trong một đời này nhất định phải về Tây Phương đi. Nếu không xin thưa thật, đừng bao giờ có cái tâm trạng: À! Con tu đi, con về Tây Phương rồi thì cứu Mẹ nhé!… Được!… Con ráng con cứu Mẹ, nhưng mà lúc đó Mẹ không nghe con đâu à! Con nói đến rơi nước mắt để cứu Mẹ mà Mẹ không nghe con đâu à! Tại vì sao? Mẹ đã xuống cảnh tam ác đạo rồi! Chịu thua! Nếu ví dụ như, nhờ cái công đức của người con vãng sanh về Tây Phương mà Mẹ vượt qua đượctam ác đạo trở về cảnh giới người, nhưng cái tập khí của tam ác đạo nó vẫn còn trong tâm của Mẹ, vì thế con cứu Mẹ không được đâu à! Đau khổ dữ lắm chư vị ơi!
Chính vì vậy, hãy ráng hiểu được cái chỗ này. Khi nghe được những lời này hãy quyết tâm đi vềTây Phương, quyết tâm niệm Phật. Không có một pháp mầu nào hay ho mầu nhiệm bằng câu A-Di-Đà Phật. Không có một cái cơ hội nào thù thắng bằng cái cơ hội niệm câu A-Di-Đà Phật đi vềTây Phương. Trong thời mạt pháp này, nhất định không còn cái cơ hội nào khác hết.
Quý vị biết rằng ức ức người tu hành… mấy chục người này ăn nhằm gì so với ức ức người tu hành. Hàng tỷ người trên thế gian này, rõ ràng 7… 8 tỷ người rồi: Bao nhiêu người niệm được câu A-Di-Đà Phật! Bao nhiêu người tin được câu A-Di-Đà Phật!
Ấy thế mà chúng ta nhờ thiện căn, nhờ phước lành trong quá khứ, chúng ta gặp nhau trong cái “Hội”, gọi là Hội-Niệm-Phật để về Tây Phương, đừng nên lơ là cái cơ hội này…
– Một sớm một chiều là tiêu tùng huệ mạng.
– Một buổi chiều, một buổi sáng là tiêu tùng huệ mạng.
Gọi là: “Triêu tồn tịch vong!”. Sáng thì còn, chiều thì mất, cái chuyện mất này nó đến nhanh quá!
Cho nên nếu mà quý vị ngộ ra, giác ngộ kịp thời, thì đừng có chần chờ nữa. Hãy hạ quyết tâmniệm Phật lên, nếu không hạ quyết tâm niệm Phật. Nhất định!… Nếu còn chần chờ?… Nhất định!… Nếu còn dụ dự?… Nhất định!… Nhất định cái gì?… Nhất định là oan gia trái chủ đang xúi chúng ta! Thật sự! Tại vì oan gia trái chủ đang chờ từng ngày từng giờ cái thời gian mà chúng taxả bỏ báo thân để họ trả cái mối thù… Mối thù sinh mạng mà mình sát hại họ…
Trong khi những bạn lữ, những thiện tri thức khuyên ta đừng có chờ một giây một phút nào hết, mau mau kịp thời niệm câu A-Di-Đà Phật. Tại vì thành tâm niệm câu A-Di-Đà Phật thì A-Di-Đà Phật phóng quang gia trì, chư Long-Thiên Hộ-Pháp gia trì, chư đại Bồ-Tát gia trì. Và ta thành tâmđem tất cả những công đức này hồi hướng cho pháp giới chúng sanh, hồi hướng cho những người ta sát hại họ, oan gia trái chủ, để họ cảm thông, nhờ thế mà ta thoát vòng sanh tử. Nếu chúng ta lơ là!… Chư vị ơi! Không còn cơ hội nào để nghĩ tới chuyện giải thoát nữa rồi! Đau khổ vô cùng!…
Cách đây hai ngày tôi nói chuyện với một Cô ở bên Âu Châu, Cô bị cái nạn là có một người yêu, người yêu muốn cưới Cô nhưng Cô ta không chịu. Người đó sau đó không biết vì bệnh gì mà chết. Chết rồi, mà lúc nào cũng theo sát bên mình Cô ta, để làm tình với Cô ta, mà bây giờ anh ta còn muốn Cô tự tử để mà cùng nhau chung sống trong cảnh giới nào đó.
Cho nên quý vị ơi! Đừng bao giờ nghĩ chết là hết nghe! Nhất định không hết là không hết đâu! Chư vị phải lo giải quyết trước, đừng có chần chờ, vì chần chờ thì một sớm một chiều là tiêu rồi!Oan gia trái chủ thường hay dạy cho mình như vậy!
Bây giờ làm sao? Hãy tới Niệm Phật Đường thành tâm niệm Phật, ngày ngày hồi hướng cho oan gia trái chủ đi, hồi hướng cho tất cả những người mà chúng ta đã vay nợ của họ đi. Để chi? CẢM THÔNG! Chân Thành – Cảm Thông, rồi nhờ Phật gia trì. Tại vì nếu chúng ta không thành tâm thìPhật gia trì không được. Chư đại Bồ-Tát đang phóng quang khắp bầu trời để cứu độ chúng ta, nhưng ta không chịu theo các Ngài, chúng ta không thành tâm không cảm ứng được. Chư Phật không cứu người vô duyên. Chúng ta không chịu về Tây Phương, thì chúng ta làm người vô duyên với Phật! Thôi chịu thua!…
Mong cho chư vị hiểu được những điều này, mau mau thành tâm niệm Phật, nhất định đừng chờ. Những gì của thế gian chỉ làm cho chúng ta đau khổ! Mau mau buông đi, trong tâm phải buông ra. Nhất định phải bám lấy câu A-Di-Đà Phật, phải tha thiết đi về Tây Phương, lòng tin vững vàng, ba điểm này sẽ tương ứng với A-Di-Đà Phật, Ngài sẽ phóng quang đến gia trì chúng ta, chúng ta mới qua được ách nạn để về Tây Phương thành đạo Vô-Thượng.
A-Di-Đà Phật.!
Read more: https://hoiquanadida.com/phap-su/chi-tiet/toa-dam-36-2210.html#ixzz7QpnVDtEM