HỘ NIỆM LÀ MỘT PHÁP TU
(Tọa Đàm 43)
Nam Mô A-Di-Đà Phật
Trong chương trình giải đáp một vài thắc mắc hôm qua thì chúng ta nhấn mạnh đến vấn đề “Hộ Niệm” khác với “Cầu Siêu”, và nhắc nhở là chúng ta đang tu con đường hộ niệm, chủ động vãng sanh. Tất cả đều nhằm để vãng sanh, chứ không phải nằm đó chờ chết để được “Cầu Siêu!”, đường này hơi tiêu cực!
Hôm nay chúng ta tiến tới câu hỏi khác, là về danh từ “Tam thế Phật, Quá-khứ, Hiện-tại, Vị-lai” và vị này lo lắng rằng, “Kinh Phật, ta phải giữ, đọc tụng, chứ không thì có thể bị mất…”.
Sự lo lắng này cũng hay, nhưng mà cao quá, lớn quá! Sợ rằng chúng ta làm không nổi!
Trong pháp môn niệm Phật, chư Tổ thường dạy chúng ta là phải đóng sáu căn lại. Trong kinh Phật cũng dạy chúng ta nhiếp sáu căn lại để ngày đêm niệm Phật, đừng nên mở ra. Nếu chúng
ta mở ra những vấn đề lớn quá, coi chừng đi đến chỗ mông lung, nhiều khi không nhiếp tâm niệm Phật được!
Bây giờ, thứ nhất là danh từ “Tam thế Phật”, thì thật ra ba vị mà chúng ta đang thờ gọi là Tây-Phương Tam-Thánh, chứ không phải là Tây-Phương Tam Thế Phật. Trong câu kinh có nói là “Ba đời mười phương Phật”, tức là “Tam thế Phật”, thì A-Di-Đà được tôn xưng bậc nhất. Tam thế Phật này có nghĩa là “Quá khứ vô lượng Phật” đã thành Phật; “Hiện tại vô lượng Phật” ứng hiện trong nhiều quốc độ để cứu độ chúng sanh và “Tương lai vô lượng Phật” chính là chúng sanh. Tam thế Phật nghĩa là như vậy. Cũng có nghĩa khác nữa, như ở trong các kinh của giáo phái Tiểu-Thừa thì người ta căn cứ vào những vị Phật ở trong cõi Ta- Bà này, và nhất là trong “Hiền Kiếp” này. Thì sẵn đây mình cũng nói sơ qua thôi, chứ không nên khai thác quá sâu vào chuyện này, tại vì nó đi tới chỗ mông lung mà chúng ta làm không được!
Trong cái Hiền Kiếp này, là đại kiếp của chúng ta, thì đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật là vị Phật thứ tư, gọi là vị Phật hiện tại. Vị Phật tương lai là Di-Lặc Tôn Phật. Trong quá khứ thì có Ca- Diếp Phật là vị Phật thứ ba, rồi Câu-Na-Hàm Mâu-Ni Phật là vị Phật thứ hai. Vị Phật đầu tiên trong Hiền Kiếp là Câu-Lưu-Tôn Phật. Đại ý là như vậy. Chuyện này chúng ta chỉ biết sơ qua thôi, đừng nên khai thác sâu hơn nữa.
Trở lại vấn đề, kinh Phật chúng ta phải gìn giữ. Thì xin thưa rằng, khả năng chúng ta không đủ để làm chuyện này đâu. Xin chư vị đừng nên để tâm vào chuyện này nhiều quá, không tốt! Kinh Phật không phải chỉ là những bổn kinh mà mình được đọc tụng qua là đủ đâu. Ba tạng kinh điển của Phật thì mình chưa đọc được tới một phần ngàn, thì làm sao cho là chính mình có thể gìn giữ được kinh của Phật. Mà dù có tam tạng kinh điển đi nữa, thì
so với những kinh gốc ở bên Ấn Độ, cũng không tới đâu. Nếu đem hết tất cả những kinh của đức Thế-Tôn giảng trong ba trăm hội, thì như Ngài nói cũng giống như là một nắm lá, còn pháp của Ngài là lá trong rừng đó. Cho nên đây là khả năng của Phật làm, chớ không phải là chúng ta làm. Vì thế, chư vị cũng khỏi cần lo chuyện đó.
Chúng ta đừng bao giờ sơ ý mà nghĩ rằng, khi đức Di-Lặc Tôn Phật thị hiện xuống đây, Ngài giảng không phải Chánh Pháp! Không có như vậy đâu, đừng có lo. Đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật cũng giảng Chánh Pháp của Phật. Ngài Di-Lặc còn sáu trăm triệu năm nữa mới xuống thế gian này, cũng giảng kinh Phật. Rồi một ngàn vị Phật trong Hiền-Kiếp, tương lai cuối cùng đến ngài Vi-Đà Tôn Thiên cũng giảng kinh Phật.
Như vậy, thì rõ ràng là lưu truyền kinh Phật, gìn giữ kinh Phật này, không phải là khả năng của chúng ta. Cho nên chúng ta khỏi lo chuyện đó, cứ lo quyết lòng tu đi. Trong kinh Phật nói, “Nhất Phật xuất thế, thiên Phật hộ trì”, thì chúng ta phải chú ý khi Di-Lặc Tôn Phật thị hiện xuống trần, cũng có một ngàn, một vạn vị Phật khác ứng hiện ra hộ trì cho ngài Di-Lặc để khai triển Chánh Pháp, thì trong lúc đó, liệu rằng ta có thể là một vị Bồ-Tát theo Di-Lặc Tôn Phật để triển khai pháp Phật hay không? Nếu thật sự muốn làm một vị Bồ-Tát, giúp cho ngài Di-Lặc, để phát huy Chánh Pháp, thì giờ đây mau mau nhiếp tâm lại niệm câu A- Di-Đà Phật, quyết lòng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, thì khi vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, ta là những vị Bồ-Tát, ta có khả năng về các quốc độ, giúp cho Di-Lặc Tôn Phật tuyên dương Chánh Pháp. Đó mới là cái lo chính đáng. Chứ nếu bây giờ chúng ta lo, nhiều khi lo rộng quá, mà không nhiếp tâm được vào câu A-Di-Đà Phật, giả sử, mình bị lạc đường, lạc vào cái hàng bàng-sanh chẳng hạn, một loại bàng-sanh trong thời Di-Lặc
Tôn Phật, làm sao có thể giúp được Ngài tuyên dương Chánh Pháp?…
Vì thế muốn gìn giữ kinh Phật, không có gì khác hơn là nghe lời Phật dạy. Phật dạy gì? “Nhất hướng chuyên niệm A-Di-Đà Phật, cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc”. Trong thời mạt pháp, Phật nhấn mạnh chỗ này. Cho nên khi tu hành ta phải quyết lòng tu theo lời Phật dạy, đừng nên tu theo những gì Phật không dạy. Do đó, những cái lo lắng này quá cao so với chúng ta! Xin chư vị yên chí đi. Chắc chắn trên pháp giới này mỗi người có một phận sự để làm, ta chỉ lo phận sự của chúng ta, gọi là “Tận Phận”. Tận phận của người nghiệp chướng sâu nặng, thì Phật nói là phải nhiếp tâm lại ngày đêm niệm Phật, thì mới có hy vọng trong một đời này về Tây-Phương. Về Tây-Phương thì sanh tử luân hồi không còn dính líu với ta nữa, ta một đời như vậy đi thẳng về cõi Chánh-Giác thành Phật. Được vậy, thì chính ta đã gìn giữ pháp Phật rồi đó. Chứ nếu sơ ý bị lạc tới một chỗ nào khác thì chết rồi!… Không cách nào có thể làm gì được! Đây là những điều đúng nhất, chúng ta cần phải chú ý.
Còn một câu hỏi nữa: “Thêm vào đó các vị Bồ-Tát đều có nguyện riêng của mỗi vị, cho nên chúng ta phải khấn nguyện cho đúng…”.
Quý vị ở đây nói còn cao quá! Nói những cái toàn là của Bồ- Tát không thôi!… Trong khi phàm phu chúng ta không chịu làm cái chuyện của phàm phu, lại làm chi những chuyện của Bồ-Tát! Cầm một quyển kinh lên, Phật dạy cho Bồ-Tát tu như thế này thì ta gấp lại ngay đi, tại vì Phật dạy cho Bồ-Tát chứ không phải Phật dạy cho phàm phu. Lật kinh nào Phật dạy phàm phu tục tử phải tu như thế này, thì mau mau đọc lên đọc xuống, đọc tới đọc lui, ứng dụng liền lập tức. Tại vì kinh Phật, học Phật lúc nào cũng phải ứng căn cơ. Xin chư vị nhớ phải “Ứng-Căn Ứng-Cơ”,
nhất định không thể nào sơ ý được! Lật một quyển sách ra, Bồ- Tát tu như thế này, người ta giảng toàn là cảnh giới của thượng căn thượng trí… Bám theo đó, nhất định ta sẽ lạc đường!…
Cho nên những điều này, ngoài khả năng của chúng ta. Bồ- Tát nguyện sao thì Bồ-Tát nguyện, phàm phu chúng ta nguyện vãng sanh về Tây-Phương. Phật dạy như vậy, ta quyết lòng nguyện như vậy, nhất định không đi chỗ khác. Nếu đi chỗ khác thì ta sẽ vướng tới vấn đề gọi là “Tạp Tu”. Tạp tu là một đại chướng ngại trên con đường vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, nhất định trong một đời này ta không cách nào được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc!…
Mong cho chư vị chú ý, nhiếp tâm lại, đừng nên mở ra nữa. Đã nhiếp lại thì cái gì cũng phải nhiếp, bỏ hết, buông hết. Thực hành cái gì hợp căn hợp cơ của ta đi, thì nhất định ta thành tựu! Những cái không hợp căn hợp cơ, cứ theo đó thì ta có thể nói hay, ta có thể mơ tốt, nhưng sau cùng rồi thì rụng rời!… Không cách nào có con đường vượt qua sanh tử luân hồi được! Mong chư vị cố gắng nhớ kỹ điểm này để quyết lòng thành tựu đạo quả.
Nói chung lại, thì phận sự của chúng ta trong thời mạt pháp này là phải làm sao nương vào đại nguyện của đức A-Di-Đà Phật, để nhất định vượt về tới Tây-Phương thành đạo trước. Còn những kinh điển của Phật, xin thưa với chư vị, kinh điển của Phật, có chư Phật lo. Hạnh nguyện của Bồ-Tát, có Bồ-Tát lo. Tất cả những gì trong thế giới này đã có sự an bày hết.
Phật A-Di-Đà thấy vô lượng vô biên chúng sanh nghiệp chướng sâu nặng, nếu không nhắc nhở cho thật kỹ, chúng sanh không biết đường đi, nếu cứ mơ mơ màng màng, sẽ rơi vào tam ác đạo. Rơi vào tam ác đạo thì thiên thu vạn kiếp bị đọa lạc, Phật nhìn cũng đành rơi nước mắt, chứ không cách nào cứu được, tại
vì đó là những người vô duyên với Phật! Nhớ là Phật không cứu được người vô duyên! Như vậy ta phải đóng vai có duyên với Phật. Bằng cách nào? Tin tưởng pháp môn niệm Phật, quyết lòng tha thiết nguyện vãng sanh Tây-Phương, ôm lấy câu A-Di- Đà Phật từ sáng đến chiều, từ chiều đến sáng. Niệm “Nam Mô A-Di-Đà Phật”, là ta có duyên, có đại duyên với A-Di-Đà Phật. Nhất định ta sẽ về Tây-Phương Cực-Lạc trong một báo thân này để thành tựu đạo quả!
Nam Mô A-Di-Đà Phật.