Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 183) – Điệu Kiện Để Người Bệnh Được Hộ Niệm

Share on facebook
Share on twitter

 

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 183)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Cố gắng Niệm Phật nhiếp tâm cho tiếng niệm Phật nhập vào tâm của mình, để sau cùng quên hết tất cả, chỉ còn nhớ câu A-Di-Đà Phật mà niệm và cầu nguyện vãng sanh, thì chư vị sẽ được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Điều quan trọng là lúc lâm chung mình niệm cho được câu Phật hiệu cầu vãng sanh. Tất cả sự thành tựu chính là đây. Bình thường chúng ta niệm Phật như thế này, nhưng khi lâm chung mình quên hết, nghiệp khổ ứng hiện báo đời, oán thân trái chủ giăng giăng chận nẻo, tâm hồn mình mê man bất tỉnh, thôi chịu thua. Hàng phàm phu khó bề tự chủ ở cuối đời, chính vì vậy mà muốn niệm Phật cầu vãng sanh được trong lúc lâm chung, thì sự hộ niệm vô cùng cần thiết, vô cùng quan trọng.

Một đời mình tu hành, công phu khá khó khăn, nhưng sau cùng mê mê mệt mệt, tâm hồn tán loạn, không biết đường nào mà đi, thì coi như công phu một đời tu hành trở thành uổng phí, trước mắt đành theo nghiệp thọ nạn rồi. Phật dạy: “Nhơn thân nan đắc”, đời sau lấy lại thân người không dễ. Lấy thân con gà, con heo, con bò… để ngu muội đời đời kiếp kiếp thì dễ. Không lấy thân súc sanh thì gia nhập vào hàng ngạ quỷ, chịu lang thang đói khát lạnh lẽo thê lương thì dễ. Hiện tượng này nhiều vô cùng, mà người thế gian thường nói sống làm người, chết làm ma, thật đúng như vậy đấy. Còn rơi vào địa ngục thì có tiếng khổ nào diễn tả cho đủ đây!…

Chính vì thế, xin thưa với chư vị rằng, hộ niệm quan trọng, tối quan trọng. Phải lo liệu nhé.

Xin chư vị mở trang 74, chúng ta tiếp tục nói về:

“Điều kiện nào để được hộ niệm”.

Ngày hôm qua chúng ta nói về người bệnh còn tỉnh táo thì mới hộ niệm được. Nếu đã mê man bất tỉnh thì vô cùng khó khăn để giải cứu, 100 phần thì thất bại đến 99 phần rồi. Một đời tu hành sau cùng bị nạn này cũng đành xui tay thọ nạn.

Hôm nay chúng ta nói đến câu:

(f): Tất cả người bệnh nào đã liên lạc với ban hộ niệm thì đều được hộ niệm.

Đúng hay sai? – (Sai). Chúng ta đã từng nói về quy tắc hộ niệm rõ ràng lắm rồi. Gia đình liên lạc với ban hộ niệm và phải chấp nhận những quy định của Pháp Hộ-Niệm đề ra, hứa sẽ thực hiện đúng những quy định đó thì ban hộ niệm mới có thể hộ niệm được. Câu này nhắc lại để thêm một lần nữa chúng ta cần xác định rằng, quy luật hộ niệm cần phải được tôn trọng, chứ không phải chỉ liên lạc với ban hộ niệm là được hộ niệm. Đây là một trong những điểm khác biệt giữa cầu siêu và hộ niệm vậy.

Người được hộ niệm muốn được vãng sanh thì cần nghe lời hướng dẫn của ban hộ niệm. Ban hộ niệm nhắc nhở điều gì mình cố gắng làm điều đó, họ dặn dò lời nào mình phải lắng nghe và cố gắng làm theo. Nếu được vậy thì người bệnh sẽ hưởng được lợi lạc lớn lao, và hẳn nhiên sự lợi lạc lớn nhất chính là vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, một cơ hội này thành tựu đạo đạo. Ngược lại, nếu người bệnh không chịu nghe theo lời hướng dẫn của ban hộ niệm, gia đình không tôn trọng quy tắc hộ niệm thì mọi việc coi như thất bại, người hộ niệm đành chấp tay niệm “A-Di-Đà Phật” rồi xin rút lui. Không tôn trọng sự hộ niệm, thì người bệnh tự rước lấy sự cô đơn trên đường thoát nạn, tự giải quyết lấy những chướng nạn của nghiệp báo hiện hành, tự đối đầu lấy vấn đề oán thân trái chủ đang bao vây hãm hại.

Phật dạy, ức triệu người tu hành khó tìm đâu ra một người thành tựu trong thời mạt pháp này. Sở dĩ bị thất bại nặng nề như vậy là vì quên yếu tố hộ niệm, sự hỗ trợ vô cùng quan trọng, sự hướng dẫn tối cấn thiết của những người biết đạo để giúp cho người ra đi thoát khỏi những cạm bẫy hiểm nghèo trong lúc lâm chung để được vãng sanh.

Trong bảng quy định cho gia đình, mục thứ hai, đã dặn dò người trong gia đình cần nhất mực tin tưởng và phải đồng ý thực hiện theo đúng sự hướng dẫn của ban hộ niệm. Một người muốn vãng sanh, nhưng đang sống trong một gia đình không biết hộ niệm, thì xin hãy làm tờ di chúc rõ ràng, cố gắng sắp xếp gia sự, ví dụ như dặn dò gia đình tới vãng sanh đường, tới chùa, hay tới Niệm Phật Đường, v.v… để thuận tiện cho việc hộ niệm vãng sanh. Những điều này cần nên lo liệu trước, đừng nên sơ ý. Thời mạt pháp này, hàng phàm phu mà không được hộ niệm, dẫu có tu hành đi nữa, thì hàng triệu người tìm đâu ra được một người thoát nạn!

Thân phận phàm phu nghiệp nặng phải biết rõ sự khó khăn của mình, phải biết tu theo đường cụ thể, thực tế. Làm tờ di chúc, phân chia tài sản, ăn ở hiền lành, tập hạnh khiêm cung, cố gắng niệm Phật, cẩn thận chuẩn bị việc hộ niệm để được vãng sanh, đừng nên quá mơ mộng cầu chứng cầu đắc những cảnh hão huyền mà uổng một đời tu hành. Phật dạy, “Nhơn thân nan đắc”, chết rồi lấy lại thân người không được, thì giờ đây ham chi những lý luận trên mây mà quên rằng tương lai chính mình bị đọa lạc.

Nhiều cuộc hộ niệm thực sự đã thành công tiễn người vãng sanh Tịnh-Độ, lưu lại tướng lành quá tuyệt vời. Rõ ràng đây một pháp tu thực tế cụ thể giúp người vượt qua những ách khổ của lục đạo luân hồi, trở về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo. Chính những quy luật của Pháp Hộ-Niệm rất gần gũi, thực tế, cụ thể và mọi gia đình đều có thể làm được. Vậy thì, đây là những quy luật dễ thực hiện chứ không phải là những gì khó khăn. Có khó là tại ở lòng người không tin tưởng, không muốn vãng sanh. Nếu là người thực sự muốn vãng sanh thì những quy luật này hoàn toàn thoải mái như cách sinh hoạt bình thường hàng ngày. Còn đối với những người không tin, không muốn vãng sanh, thì dù ban hộ niệm có cố gắng đi nữa, cũng chỉ làm việc như dã tràng se cát mà thôi.

Hiểu được vậy, mong những ban hộ niệm nào hồi giờ lơ là về quy tắc trợ niệm, thì bắt đầu từ nay xin chư vị hãy ổn định lại giới luật của pháp môn để tăng thêm xác suất vãng sanh cho người hữu duyên. Trước khi nhận ca hộ niệm, cần dặn dò từng điều một, giảng giải cẩn thận, phân tích rõ ràng cho gia đình và người bệnh hiểu thấu, không nên làm theo kiểu lấy lệ như đưa bảng quy định cho người ta tự đọc lấy là đủ.

Nếu trong lúc trình bày quy tắc hộ niệm mà người ta không thực hiện được thì coi như không có duyên. Ngược lại, nếu gia đình và người bệnh vui vẻ chấp nhận, thì ban hộ niệm cũng nên khai giới, nghĩa là hỏi thêm họ rằng, những quy luật này có khó khăn lắm không? Có mục nào, theo như chư vị thấy, vì hoàn cảnh khó khăn của gia đình mà không cách nào làm được, hãy thành thực cho biết để ban hộ niệm tìm cách uyển chuyển và tùy duyên trợ giúp thêm cho họ về sau. Nhất định phải vững về quy luật thì công việc hộ niệm mới có thành tựu tốt đẹp hơn vậy.

(g): Người chưa bị bệnh nặng nên cần chuẩn bị trước, vì hộ niệm là pháp hướng dẫn cho người bệnh tự thực hiện để vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Người chưa bệnh phải chuẩn bị lo sự hộ niệm, chứ không phải đợi đến bệnh rồi mới mời ban hộ niệm. Xin nhớ cho, hộ niệm là một pháp tu. Tu là sửa, sửa thì phải cần đến thời gian và tinh thần còn tỉnh táo mới sửa được, chứ hoàn toàn không thể chờ chết rồi mới mời ban hộ niệm, không phải đợi đến bệnh nặng mê man bất tỉnh rồi mới mời ban hộ niệm. Không có pháp tu nào dành cho người chết. Không có pháp tu nào dành cho người mê man bất tỉnh. Chúng ta không có năng lực giảng nói cho người chết, không có khả năng hướng dẫn cho người mê man bất tỉnh.

Hôm nay chúng ta đang ngồi giảng giải với nhau là đang hộ niệm cho nhau đây. Rõ ràng chúng ta đang nói với những người còn tỉnh táo, chứ đâu có thể giảng cho một người nằm mà nằm không xong, thở mà thở không được. Đợi đến lúc mê man bất tỉnh rồi còn gì nữa để bàn bạc với nhau, còn thời gian đâu để dặn dò con cháu, còn lời nào nữa để nhắn nhủ lại với gia đình? Đến lúc đã hấp hối rồi thì ban hộ niệm làm sao có thể hướng dẫn người sắp chết phải làm như thế này, phải làm như thế nọ được đây?

Cho nên hộ niệm phải lo trước, lo từ lúc mình biết tu hành. Tu hành là niệm Phật. Niệm Phật là để vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, điều này mình nắm vững chưa? Nếu cho rằng đã vững rồi, thì tại sao tới chùa tu hành suốt cả một đời mà không biết nguyện vãng sanh vậy? Pháp Phật cứu độ chúng sanh ly khổ đắc lạc, thoát ly khổ nạn của sanh tử luân hồi, đắc được cảnh Cực-Lạc vô sanh vô tử, vậy mà trong một quá khứ dài vằn vặt, có được bao nhiêu người thành tựu mộng ước này đây? Ông cũng chết, Bà cũng chết, Cha cũng chết, Mẹ cũng chết, Anh cũng chết, Chị cũng chết… Tất cả đều bị chết rơi vào ba đường ác chịu đọa lạc một cách quá rõ ràng mà chúng ta không hay sao!

Đến khi ứng dụng Pháp Hộ-Niệm, ta mới phát hiện ra có người vãng sanh. Hiện tượng vãng sanh tiếp tục hiển hiện càng ngày càng bất khả tư nghì. Đây là một duyên lành to lớn. Xin chư vị hãy giác ngộ một pháp tu giải thoát. Nếu tu học Phật Giáo mà không ai hưởng được sự xuất ly sanh tử luân hồi, thì thật là oan cho chư Phật vậy.

“Chưa bị bệnh nặng nên cần chuẩn bị trước”. Chuẩn bị cái gì đây? Chúng ta thường nhắc nhở đến: Làm di chúc chưa? Đã tin tưởng niệm Phật chưa? Có tha thiết vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc chưa? Có hết sợ chết chưa? Có bỏ cái tật sợ bệnh chưa? Có buông xuống tham chấp thế gian chưa? Có dám bỏ đi những lý luận hão huyền chưa? Có chấm dứt chuyện đấu tranh, tỵ hiềm chưa? Có bỏ được lòng tham tiền tài, danh vọng chưa? v.v… Tu là sửa, phải lo tu sửa lần đi, chứ chờ đến lúc sau cùng làm sao sửa kịp đây? Thọ mạng đong đưa trong từng hơi thở, một sát-na có thể đi qua thế giới khác rồi. Mê mờ đi vào tam ác đạo thọ nạn thì làm sao tu hành nữa đây?

Hộ niệm là một pháp tu rất cụ thể, hướng dẫn những điều rất thực tế cho người bệnh tự thực hiện lấy. Không tu theo Pháp Hộ-Niệm thì tu theo cách chung chung, sai thì không hẳn là sai, nhưng sửa thì không biết điều sai gì cụ thể để sửa, thành ra sau cùng thường bị rối bùng ben, không biết cách nào hóa giải để thoát nạn.

Hộ niệm là pháp hướng dẫn từng điều sai sót cho mỗi người phải sửa. Ví dụ, Bác cầu xin chết đi theo ông bà thì sai rồi, phải bỏ đi nhé. Nằm ngủ mơ màn thấy ông bà cha mẹ hiện ra vỗ về, đừng để ý tới nhé… Bác nghe theo quyết bỏ thì Bác tự thoát cạm bẫy hiểm nghèo, Bác không chịu bỏ thì Bác phải chịu nạn. Bác nằm thấy một vị Bồ-Tát nào đó hiện ra, đừng mừng vui nữa nhé, phải nhiếp tâm niệm A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh, không theo Bồ-Tát nào hết. Nếu Bác không chịu nghe theo lời ban hộ niệm, cứ cho đó là một vị Bồ-Tát đến cứu mình, thì Bác bị sụp bẫy oán thân trái chủ rồi. Ngay cả một vị giống như Phật, ứng hiện ra tự xưng là Phật, Bác đừng theo nhé. Nếu Bác không chịu nghe lời thì bị vướng nạn. Chính Đức Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật dạy người niệm Phật khi lâm chung thì A-Di-Đà Phật và chư thánh chúng hiện thân ra trước mặt tiếp dẫn về Tây-Phương Cực-Lạc. Mình học đạo không cẩn thận, vừa thấy một vị đỏ đỏ xanh xanh nào đó hiện ra tự xưng là Phật, vội vã đi theo, thành ra bị vướng nạn vậy!… Những lý đạo này cần phải hiểu cho thấu nhé. Hiểu thấu thì tu đúng chánh pháp. Hiểu chưa thấu mà lại âm thầm tự quyết theo ý nghĩ của mình, thì dù có tu học Phật cũng chỉ là đang hành theo tà đạo mà không hay.

Hiểu thấu Pháp Hộ-Niệm là hiểu đạo lý duy tâm. Hành đúng Pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn đúng pháp, từng điểm rõ ràng, không thể sai lầm. Tất cả đều tự mình đi lấy. Đi sai Phật cũng cứu mình không được vậy.

(h): Tình cảm tốt giữa gia đình và ban hộ niệm là điều kiện quan trọng để được hộ niệm.

Đúng hay sai? – (Sai). Tất cả đều xuất phát từ lòng từ bi mà tìm cách cứu người có duyên. Một người xa lạ hoàn toàn, hồi giờ không biết mặt, nhưng người ta quyết lòng tin tưởng, quyết lòng nghe lời ban hộ niệm, gia đình khẩn thiết mời, tất cả những quy định của Pháp Hộ-Niệm đều được thực hiện đầy đủ, thì ban hộ niệm phải tận sức hộ niệm cho họ, cố gắng giúp cho họ được vãng sanh. Ngược lại, một người quen thân, nhưng không tin tưởng, không nghe theo, nói đâu cãi đó, thôi cũng đành chào thua. Dù có được tình cảm tốt với nhau, cũng đành lặng lẽ lấy công đức trong các buổi công phu niệm Phật mà hồi hướng thôi, chứ không biết làm gì hơn vậy. Cho nên tất cả đều do duyên. Người nào tin tưởng, người đó có duyên. Người nào không tin, người đó thiếu duyên. Duyên của thế gian khác với duyên của Phật Pháp.

Hiểu được đạo lý này, mong cho tất cả giác ngộ sớm để kịp thời tự cứu lấy mình. Nếu không chịu ngộ, thì đành phải tự đi theo duyên phần riêng của mỗi người vậy thôi. Hàng ngày, hàng giờ, hàng phút, hàng giây trong pháp giới có hàng triệu người, vô số chúng sanh đi vào tam ác đạo. Xin đừng nhập bè với những người đi đọa lạc chịu khổ nạn nhé chư vị. Hãy mau mau giác ngộ, niệm A-Di-Đà Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc, một đời thành tựu đạo quả. Tất cả tự mình quyết định lấy vậy.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm - Chương 4: Gia Đình Và Người Bệnh

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –