Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 189) | Gia Đình Cản Trở Việc HN Nhưng Chính Người Bệnh Lại Muốn Được HN THì BHN Nên Làm Gì?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 189)

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Xin mở trang 76, vấn đề số 7:

Vấn đề gia đình cản trở, nhưng người bệnh lại muốn được hộ niệm:

Vậy thì chúng ta phải làm sao đây? Vấn đề này quan trọng đối với người bệnh, chứ không phải là chuyện nan giải đối với người hộ niệm, vì đối với người hộ niệm hễ thuận duyên thì hộ niệm, nếu không thuận duyên thì chúng ta cũng đành cảm thán mà than rằng, không thể hộ niệm được, cơ hội vãng sanh của người bệnh đành phải mất.

(a): Người bệnh có thể làm tờ di chúc rõ ràng, giao quyền hộ niệm cho ban hộ niệm.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Đây cũng là điều cần nhắc nhở cho chính chúng ta. Những người lớn tuổi, thường bị bệnh nên làm di chúc, kêu con cái tới thầm thì với chúng trước đi:

– Các con nên nghe lời mẹ, chết sống là chuyện thường tình. Mẹ niệm Phật quyết lòng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Các con thương mẹ, thương cha hãy nghe lời, đừng cản trở…

Hãy nói trước đi. Thường thường gia đình nào, không nhiều thì ít, đều có trở ngại này. Biết được điều này nên lo tính toán trước, mới có thể giải quyết được.

Cách đây mấy năm, người ta kể lại có một trường hợp như vầy, một vị Sư kia đến ngày vãng sanh, Ngài nghĩ rằng các đệ tử chưa vững đạo lắm, dễ dàng thương tiếc mà khóc than, có thể làm cho Ngài động tâm mà trở ngại chuyện vãng sanh. Ngài âm thầm viết một lá thư báo rằng Ngài đi vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, rồi lén tất cả mọi người đi vào nhà chứa xe, quét dọn sạch sẽ, rồi ngồi trong một thùng giấy đã chuẩn bị sẵn rồi vãng sanh luôn. Đệ tử không ai hay biết. Bỗng dưng thấy vắng Sư Phụ nên chạy tìm khắp nơi, đến sau cùng vào nhà để xe mới phát hiện ra Sự Phụ đã ngồi vãng sanh trong trong một thùng giấy rất lớn.

Đây là người niệm Phật tự tại vãng sanh. Chúng ta không dễ gì được vậy đâu. Một người xuất gia, tu Tịnh-Độ, đã biết trước ngày giờ ra đi, nhưng xét thấy hàng đệ tử chưa vững đường đạo, chưa biết hộ niệm, có thể vì quá thương tiếc mà tạo nên sơ suất, nên mới tính kế an toàn bằng cách lặng lẽ ra đi. Chúng ta có làm được như Ngài không? Nếu thấy mình không được như vậy, thì phải lo bề hộ niệm cẩn thận mới được.

Trong ngày người Cô của Diệu Âm vãng sanh, có một vị Thầy đến hộ niệm đã kể lại một chuyện như vầy: Có một vị Sư Phụ kia viên tịch, chung quanh có 6 vị đệ tử vì quá thương tiếc Sư Phụ, nên cứ ôm, nắm, níu, kéo, khóc than mãi:

Sư Phụ ơi!… Đừng bỏ chúng con. Sư Phụ đi rồi chúng con không biết đâu nương tựa, Đạo Tràng không ai lo, Phật Tử không còn ai hướng dẫn…

Các vị đệ tử cứ thế mà tiếp tục lăn qua trở lại thân xác của Sư Phụ, cố gắng hô hấp đủ cách mong cho Sư Phụ sống lại…

Một vị Sư Phụ chân chánh tu hành, rất từ bi, hết lòng yêu thương chăm sóc cho hàng đệ tử. Nhưng vì tình cảm quá sâu đậm, các vị đệ tử quá thương mến Sư Phụ mà không kềm chế nổi sự bi thương trước cảnh ra đi, nên mới xảy ra tình trạng này, làm cho sau cùng thân tướng của vị Sư Phụ không được tốt đẹp. Đây là do tình thương mà gây nên chướng ngại. Người xuất gia mà không chuẩn bị hộ niệm vẫn bị trở ngại, thì đối với chúng ta, hàng Phật tử tại gia nghiệp nặng chướng sâu, nếu cuối cùng con cái thương mến, cứ than khóc, nắm, níu, lôi, kéo… là cả một đại họa. Vậy thì, mỗi người phải tự lo trước để tránh ách nạn này.

(b): Người bệnh phải tự dàn xếp ổn thỏa việc gia đình, tự hóa giải sự cản ngăn.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Chuyện gia đình thì chỉ có gia đình giải quyết lấy, chứ không còn cách nào khác hơn. Nếu cần cũng có thể nhờ ban hộ niệm tới giải thích để gia đình được rõ hơn và hiểu thấu vấn đề. Cũng có thể nhờ bạn bè, người quen tới khuyên nhủ, vì nhiều khi chính người trong gia đình lại khó khuyên bảo nhau. Nhưng dù sao thì chính người bệnh cũng phải lo lấy chuyện gia đình của mình, đừng để lâm vào tình huống con cái trong gia đình không cho phép người ngoài vào nhà thì ban hộ niệm cũng đành chịu thua. Tờ di chúc có ảnh hưởng khá lớn để hóa giải vấn đề này.

Cho nên, chính người bệnh phải tự dàn xếp ổn thỏa việc gia đình. Chết trong bệnh viện con cái không thể quậy phá được, nhưng hộ niệm lại khó khăn. Thực sự từ trước đến nay, chính Diệu Âm này chưa thấy qua có người hộ niệm trong bệnh viện mà được thành công tốt đẹp. Có nghe một vài thông tin nói qua hộ niệm trong bệnh viện được vãng sanh, nhưng khi kiểm lại kỹ thì vẫn thấy có những điều trở ngại. Nên nhớ, hàng phàm phu nghiệp nặng như chúng ta một khi nằm xuống có rất nhiều chướng ngại, không cho phép chúng ta an tịnh được đâu. Tâm trí hỗn loạn, kinh hoàng, hoảng sợ, vướng mắc đủ điều, nói chung không chủ động được gì cả. Ngược lại, chúng ta còn bị thụ động trước nghiệp chướng, bị nghiệp chướng làm chủ dẫn dắt vào những đường khổ nạn ở đời sau. Chính sự khổ nạn này thể hiện ra bằng cái thân tướng xấu ác của người ra đi.

Có nhiều người cho rằng thân xác là thứ vật chất vô thường, vài hôm nữa sẽ thiêu đốt thành tro bụi thì cần gỉ phải chú trọng đến thoại tướng, điều quan trọng là sự tu chứng của cái tâm. Lý luận kiểu này bị thiếu căn bản rồi! Phật dạy, tất cả đều do tâm tạo. Người thế gian còn nói được câu: “Tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt”. Cái tâm bị đau khổ thì thể hiện ra thân tướng xấu ác. Nhất định một người chết đi để lại thân tướng xấu, là hiện tượng báo cho biết đời sau của người đó bị khổ nạn. Chính vì thế, khi hộ niệm cho một người mà sau khi ra đi họ để lại thân tướng tốt đẹp, thì đầu tiên báo cho chúng ta biết rằng, lúc xả bỏ báo thân tâm hồn của họ được an tịnh. Tâm an tịnh sẽ đi về những cảnh giới an tịnh. Đây đúng là một sự thành tựu nào đó, vãng sanh hay không chúng ta chưa vội bàn tới, nhưng ít gì họ cũng vượt qua tam ác đạo rồi. Đây là niềm vui lớn lao đầu tiên. Đời này hàng vạn người chết, dẫu có tu hành hay không, cũng không dễ gì tìm được một thoại tướng tốt đẹp tương tự. Nghĩa là, khi chết đi, đời sau lấy lại được thân người không phải dễ dàng!

Cho nên, một người sau khi ra đi có thân tướng mềm mại, sắc mặt tươi cười là cả một sự chứng minh hùng hồn cho Pháp Hộ-Niệm vi diệu. Mới đây ở Thái-Lan, có một vị Sư tịch qua hơn 2 tháng trời mà thân xác vẫn còn mềm mại tươi hồng, sắc mặt của Ngài vẫn còn nguyên vẹn nét mỉm cười. Thật bất khả tư nghì! Nếu vị này mà niệm Phật cầu vãng sanh, thì chắc chắn Ngài đã vãng sanh phẩm vị không thể thấp được, nhất định một đời thành Phật. Nhưng nếu Ngài không niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì với tướng lành này cũng xác minh được sự tu hành của Ngài đã có thành tựu, hoặc được sanh về các cõi lành: Dục-Giới, Sắc-Giới, Vô-Sắc-Giới, hoặc cũng có thể đã vượt tam giới đắc Thánh Quả A-la-hán tùy theo mức tu chứng. Người tu hành sau cùng được như vậy dễ có mấy ai.

Vì thế, niệm Phật vãng sanh và tự lực tu chứng có chỗ khác nhau. Niệm Phật được Phật lực gia trì mà băng ngang qua nghiệp chướng, vãng sanh thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc một đời viên mãn đạo quả, đường tu hành dễ dàng thẳng tắt. Tự lực tu chứng thì phải tự mình vượt qua nghiệp chướng, từng cấp để tiến lên. Cách tu hành này chư vị thượng căn có thể thực hiện được, còn hàng phàm phu thì vô phương thành tựu, quá khó khăn để vượt qua cái ách nạn sanh tử luân hồi.

(c): Nếu cần, người bệnh có thể nhờ đến pháp luật bảo vệ bản di chúc, buộc mọi người trong gia đình phải thi hành di chúc.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Nhiều quốc gia trên thế giới có luật lệ bảo vệ tờ di chúc. Ví dụ tại Úc tờ di chúc được JP ký nhận thì được coi như một văn kiện pháp lý, được pháp luật bảo vệ. (Ghi chú: JP viết tắc cho Justice of The Peace, tạm dịch là người được quyền thị thực). Có tờ di chúc được sự hỗ trợ của luật pháp, nương theo đó ban hộ niệm cũng dễ khuyến tấn gia đình, con cái nên vâng lời cha mẹ, tuân theo ý nguyện cuối cùng của người ra đi, một là làm trọn hiếu nghĩa, hai là nhờ thế mà việc hộ niệm được an ổn hơn, tránh nhiều điều trở ngại bất ngờ, giúp cho người ra đi có hy vọng vãng sanh thành đạo.

Ở đây chúng ta chỉ nói về tổng quát, mong giảm thiểu những chướng ngại, chứ đi vào thực tế thì có nhiều trường hợp rất khó khăn, nhất là những gia đình chưa biết gì về hộ niệm, họ cứ chấp vào những tập tục của thế gian mà thường phá hỏng cơ hội thoát nạn của người thân. Ví dụ, trước đây có một lần hộ niệm, người bệnh có tu học Phật, nhưng thường nói những lời này:

  • Khi cần thiết, ban hộ niệm hãy tới niệm Phật vài câu là tôi vãng sanh thôi.

Người nói ra lời này chứng tỏ rằng hoàn toàn chưa biết gì về hộ niệm, cộng thêm chút ít tính tự mạn nên xem thường Pháp Hộ-Niệm, không chịu nghiên cứu đến Pháp Hộ-Niệm làm chi, không cần biết đến quy luật vãng sanh có những gì… Thật quá coi nhẹ chuyện vãng sanh, nên sau cùng ban hộ niệm đến khuyên nhắc điều gì cũng không chịu làm theo. Hành tỏi không chịu kiêng cữ, mới bước vào nhà thì người hộ niệm muốn chóng mặt vì mùi xào nấu có chất ngũ tân xông lên tanh tưởi nồng nặc. Dặn dò cấm cữ sát sanh, thì con cái đi bắt cua về luột để cha mình ăn cho thoải mái trước khi chết, v.v… Vậy thì làm sao hộ niệm được đây?… Nếu có liên hệ thân thuộc, có tình cảm với nhau, nhiều lắm cũng chỉ đến thăm hỏi vài lời, chứ làm sao có thể hộ niệm cho họ vãng sanh đây?

Chư vị hãy chú ý điều này, người còn dùng ngũ tân, chất chứa hành tỏi trong nhà thì khó lòng được chư vị Thiện-Thần Hộ-Pháp bảo vệ giúp đỡ. Người chưa biết đã dùng qua còn có thể tha thứ. Khi biết rồi thì hãy bỏ đi, nếu tiếp tục thì biến lầm lỗi thành tội lỗi. Tội thượng mạn ngang ngạnh này tự rước lấy khổ nạn về sau, khi ra đi bị tứ bề thọ địch, đành chấp nhận thương đau vậy thôi.

Ở Việt Nam, có một vùng chuyên trồng hành tỏi, nhà nhà đều trồng hành tỏi. Tại làng đó có hàng ngàn người bị mù lòa, cuộc sống vô cùng khổ cực. Nếu đến hộ niệm cho một người trong làng đó vãng sanh là cả một vấn đề khó khăn. Chư Hộ-Pháp muốn giúp đỡ cho họ cũng đành thở dài thất vọng! Nhiều đoàn cứu trợ thường đến giúp đỡ, nhưng chỉ giúp chút ít về cơm áo gạo tiền, chứ đường giải thoát làm sao giúp được! Thật là một cộng nghiệp vô cùng đáng thương vậy!

Trở lại vấn đề di chúc. “Nếu cần, người bệnh có thể nhờ đến pháp luật bảo vệ bản di chúc, buộc mọi người trong gia đình phải thi hành di chúc”. Có trường hợp cần đến pháp luật bảo vệ, có trường hợp không cần. Ví dụ trong gia đình con cái hiếu thảo, có tu học Phật, biết vâng lời cha mẹ, thì cần chi đến pháp luật chi phối. Nếu gặp phải những trường hợp nghịch chống quá nặng, thì nhờ đến luật pháp bảo vệ hầu hy vọng có thể giải quyết được phần nào chướng ngại để cầu cho cuộc hộ niệm được thành tựu vậy thôi, chứ còn cách nào khác hơn.

(d): Tất cả chướng ngại cần nên giải quyết ổn thỏa, thì ban hộ niệm mới có thể hộ niệm được.

Đúng không? – (Đúng). Đây là đáp án tổng kết. Khi trong gia đình có sự trở ngại, vợ tin chồng không tin, chồng tin vợ không tin, con cái không tin tưởng, v.v… Vướng phải chướng nạn này, xin khuyên rằng người bệnh phải sớm lo toan giải quyết trước. Muốn giải quyết vấn nạn này, đầu tiên người bệnh phải tin tưởng và quyết lòng thực hiện đường vãng sanh của mình. Điều này quan trọng lắm. Chính người bệnh phải quyết tâm mới được. Tâm lực mạnh vượt thoát nghiệp chướng vậy.

Hiện giờ chúng ta vừa có một đường zoom trực tuyến về nói về hộ niệm. Đây là điều quá may mắn. Có được phương tiện này hay vô cùng, giúp chúng ta có rộng cơ hội giải quyết khá nhiều điều khó khăn. Khó khăn của người cũng có thể là khó khăn của chính ta, cần phải lo tránh trước. Ưu điểm của người cũng là điểm chúng ta cần phải thu thập. Sự hộ niệm được chia xẻ với nhau thực sự là điều may mắn cho mọi người muốn phát tâm hộ niệm hoặc muốn được hộ niệm vãng sanh.

Mong chư vị cùng phát tâm tham gia để cùng nhau học hỏi, cùng nhau tu tập, cùng nhau trau dồi khả năng hộ niệm càng ngày càng tốt hơn. Cầu nguyện cho chúng sanh hưởng được nhiều lợi ích hơn nữa, nhiều người được vãng sanh hơn nữa từ Pháp Hộ-Niệm này.

A-Di-Đà Phật.

 

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm - Chương 4: Gia Đình Và Người Bệnh

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –