Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 200) | Sự Thiết Trí Trong Phòng Hộ Niệm Cần Như Thế Nào Mới Tốt?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa Đàm 200)

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Xin chư vị mở trang 81.Hôm nay chúng ta bàn vấn đề thứ 13, rất cụ thể:

Sự thiết trí trong phòng hộ niệm cần như thế nào mới tốt?

Vấn đề này có gì cao siêu không? Thưa không! Không có gì cao siêu cả. Chỉ là việc cụ thể, thiết thực, cần biết để làm là được. Trang trí như thế nào đây?

Câu 13(a): Treo những hình ảnh kỷ niệm gia đình như: hình đoàn tụ gia đình, sinh nhật, cưới hỏi...

Đúng hay sai? – (Sai).Sai quá chừng luôn! Sai vì không biết Pháp Hộ-Niệm. Treo những hình đoàn tụ gia đình,sinh nhật, cưới hỏi… thật sự không tốt cho việc hộ niệm. Tại sao vậy?Vì thời điểm chia ly đã sắp đến rồi, người bệnh nhìn đến cảnh đoàn tụ gia đình, nhìn thấy hình ảnh con cháu đang vui vẻ sum vầy mà mình lại lặng lẽbỏ ra đi, gợi lên trong lòng nỗi buồn ứa lệ! Tâm trạng luyến ái này nhất định không tốt cho người muốn vãng sanh.

Cho nên, ngày đầu tiên khi đến nhà người bệnh, ban hộ niệm nênđặc biệt chú ý đến cách trang trí trong phòng hộ niệm, hãy đảo mắt nhìn qua một vòng để có hướng điều chỉnh.Ồ! Cái bức tranh treo đây không hợp, hình ảnh suối nước chảy róc ráchcũng không hay, cái TV cần chuyển qua phòng khác, cái tủ ấm chén đĩa bát nên dọn đi, quần áo không được treo trong phòng hộ niệm, v.v… Bây giờ chúng ta còn tỉnh táo thì còn có thể nhận biết đâu là tranh cảnh, đâu là ảnh tượng Phật, chứ khi nằm xuống rồi không dễ gì sáng suốt để nhận định nữa đâu. Căn phòng rộng rãi thoáng mát thì có thêm không gian, có nhiều thanh khí mới ảnh hưởng tốt cho cả người bệnh và người hộ niệm.

Câu 13(b): Cần những hình ảnh trang trí vui tươi như tranh cảnh, bông hoa, v.v...

Đúng hay sai? – (Sai). Cũng sai luôn. Những hình ảnh trang trí vui tươi như tranh cảnh, bông hoa… không tốt cho việc hộ niệm.Có nhiều người nói rằng, mẹ tôi rất thích những cảnh này, suốt đời đam mê nó nên treo để Cụ được vui. Nhưng nên nhớ cho, nếu người mẹ tiếp tục đam mê những cảnh đó, thì không vãng sanh được đâu. Những điều căn bản này người hộ niệm cần nên nắm vững.

Xin đưa ra đâymột trường hợp cụ thể như cuộc hộ niệm hôm qua mà Diệu-Âm đã thưa qua với chư vị,sẵn đây cũng báo cáo lại luôn,là kết quả vô cùng tuyệt vời, tuyệt vời vô cùng!

Diệu-Âm được mời khai thị để hóa gỡ chướng nạn. Trước khi bắt đầu khai thị, Diệu-Âm yêu cầu cho xem đến cảnh trí chung quanh.Nhìn qua thì thấy có vài hình ảnh bông hoa, tranh cảnh, một tôn ảnh Phật hơi nhỏ để trên bàn, chung quanh tường còn có nhiều tranh ảnh khác.Nói chung sự trang trí trong phòng hộ niệm chưa chuẩn bị cẩn thận đúng theo Pháp Hộ-Niệm.

Chướng nạn của ông Cụ này là tai nạn giao thông mà chết. Thật là một cảnh đau lòng! Gia đình biết niệm Phật nên đem Cụ về nhà để hộ niệm, đến lúc liên lạc với Diệu Âm thì gia đình đã niệm Phật hộ niệm cho ông Cụ được mười mấy tiếng đồng hồ, nhưng thân tướng vẫn còn rất xấu. Gia đình nhờ Diệu Âm khai thị, nhưng khi nghe đến tình cảnh quá khó khăn, thực sự đã vượt ra ngoài khả năng của mình, nên Diệu Âm không dám mạnh dạn nhận lời. Nhưng người giới thiệu khá thành khẩn và cho biết rằng, ông Cụ này thật sự rất quý mến Diệu Âm.Mỗi dịp Diệu Âm về Hà Nội, Cụ này cùng gia đình đều tới tham gia. Có mộtlần tại một ngồi chùa nọ, ông Cụ đã nhờ Sư Thầy giới thiệu để được trực tiếp gặp gỡ Diệu Âm…Nghe được điều này, Diệu Âm mừng thầm vì ít ra cũng còn một tia hy vọng nho nhỏ và mới dám nhận lời nói chuyện. Đây chính là cái duyênđể khai thị cho ông Cụ…

Tất cả đều do duyên, không có duyên không giúp nhau được. Khi nói lời hướng dẫn cho một người nào, dù đã ra đi rồi hay chưa, thường thường Diệu Âm hay nói như thế này:

– Cụ ơi!…Một đời Cụthương mến Diệu Âm, thì giờ nàyvới tình cảm yêu thương tha thiết nhất, Diệu Âm mong muốn Cụ định tâm lại niệm A-Di-Đà Phật theo A-Di-Đà Phật vãng sanh về TâyPhương CựcLạc.

Xin thưa với chư vị, những lời này thuộc về “Duyên Khởi đấy.Tất cả đều phải có duyên, nhờ cái duyên này mà khởi ra tác dụng, nên gọi là “Duyên Khởi”. Trong thời Đức Thế-Tôn còn tại thế, có người gặp Phật, được Phật khai thị một lời thì liền ngộ đạo, có người đắc Thánh quả A-La-Hán, đó là do có duyên. Cũng còn có vô lượng vô biên chúng sanh bên xứ Ấn-Độ vẫn tiếp tục làm phàm phu, Phật khai thị không được chỉ vì không có duyên. Tất cả đều do duyên, không có duyên Phật cứu không được là như vậy.

Một người anh em, một người đồng tu, một người bạn bè… ở sát bên cạnh, nhưng chí hướng không đồng, thiếu niềm kính mến, không ưa thích nhau… thì không có duyên với nhau, thôi cũng đành chịu thua, không thể hướng dẫn nhau được. Chính vì vậy mà trong Pháp Hộ-Niệm có điều luật:“Nếu một thành viên nào trong ban hộ niệm có nghịch duyên với người bnh thì không nên tham gia hộ niệm cho người bệnh đó”. Nói rõ hơn,nếu giữa thành viên và người bệnh có tình cảm không tốt, thường chống đối nhau, không ưa thích nhau… thì người thành viên này nên tạm thời vắng mặt.Giả như đến lúc đó người thành viên không còn nghĩ tới chuyện xưa, nhưng cũng ngừa rằng người bệnh chưa hoàn toàn hoan hỷ, vậy nên ở nhà niệm Phật hồi hướng cho người bệnh thì an toàn hơn. Đây chính là trường hợp vô duyên. Không có duyên thì gặp nhau thường sinh ra chướng ngại.

Cho nên, khi muốn khai thị cho một người nào, chúng ta cần chú ý đến chữ “Duyên”, hay gọi “Duyên Khởi. Tất cả đều phải có duyên với nhau mới thành tựu được. Khi nghe người đồng tu nói,ông Cụ này rất kính mến Diệu-Âm, mộtlần Diệu-Âm về Hà Nội thì gia đình đều tới tham dự, không bỏ sót một dịp nào. Đây chính là có duyên với nhau.Nhờ cái duyên này mà mình có thể nói:

Cụ ơi!… DiệuÂm đây. Diệu-Âm đang nói chuyện với Cụ đây… Một đời Cụ cảm mến Diệu-Âm, thì bây giờ dùng sự cảm mến này DiệuÂm tha thiết muốn Cụ vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Đã mến thương nhau thì xin Cụ hãy nghe lời nhau mà quyết lòng niệm Phật theo A-Di-Đà Phật vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc Cụ nhé.

Rõ ràng đây chính là lời nói có tính “Duyên Khởi. Nếu ông Cụ này không quen biết mình,không cảm mến mình, thì cái “Duyên Khởi này rất yếu hoặc không có. Không có duyên thì khởi duyên không được.

Một ví dụ cụ thể khác, như Hòa Thượng Tịnh-Không được rất nhiều người quý trọng,có nhiều người nghe pháp của Ngài qua hình ảnh video thôi mà họ quỳ xuống để lắng nghe. Những người này nếu có duyên gặp được Ngài, chỉ cần Ngài nói:“Con niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc nhé…”, là cảmột lời khai thị tuyệt vời và viên mãn rồi, đâu cần thêm gì khác nữa. Tất cả đều do duyên là vậy đấy.

Vậy thì, người tu hành cần nên tạo duyên thuận hợp với nhau mới tốt, đừng nên chống phá, ghét bỏ, tạo thành nghịch duyên với nhau. Nhờ có duyên thuận hợp này mà khi chính mình gặp chướng nạn dễ có nhiều cơ hội được hóa giải. Ví dụ, như ông Cụ này bị tai nạn mà chết là một chướng nạn khá lớn, dù được hộ niệm, nhưng chướng nạn không dễ gì hóa giải được. Nhưng nhờ trong lúc còn sống, Cụ là người hiền lành, tạo được nhiều thuận duyên với nhiều người, mà sau cùng chính Cụ đã được đồng tu thương mến, tận tình hộ niệm, nhờ vậy từ thân tướng xấu đã chuyển qua tướng lành tốt đẹp. Hộ niệm mà được tướng lành như vậy, làm cho chúng ta vững tâm, dù tệ gì đi nữa thì Cụ cũng được thoát nạn tam đồ, sinh về các cảnh lành. Trong cơ duyên này, nhờ khai thị hộ niệm mà Cụ tỉnh ngộ, định cái tâm sau những sự cố bất thường, quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh, Cụ thật sự đã được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc rồi.

Pháp Hộ-Niệm quả thật vi diệu bất khả tư nghì! Tại Việt Nam chúng ta, nhờ được hộ niệm mà hàng ngày đều có người ra đi lưu lại tướng lành vô cùng tốt đẹp. Nhất định một phần lớn trong số người nàyđã được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Thật sự vô cùng quý hóa…

Cần phát khởi niềm tin sâu sắc nhé chư vị. Niềm tin quan trọng vô cùng, thiếu niềm tin không thể vãng sanh. “Tín năng siêu xuất chúng ma lộ”. Có niềm tin mới khởi phát tâm thành kính. Có thành kính có lợi ích.Nghịch chống đố kỵ là nguồn gốc họa hại, đầu tiên là hại cho chính mình. Rõ ràng, hại hoặc lợi đều do chính mình tạo ra, chứ không phải do người khác.Ví dụ, ông Cụ nhờ tâm thành kính mà đã chuyển hóa tai họa thành an lành, sau cùng lưu lại thoại tướng tốt đẹp bất khả tư nghì, vô cùng viên mãn.

Câu 13(c): Có thể treo nhiều hình Phật, BồTát khác nhau cho thêm phần trang nghiêm trong phòng hộ niệm.

Đúng hay sai? – (Sai). Chúng ta vẫn thường nói qua điều này, nhưngnay vẫn nên nhắc lại.Chư vị ở đây thường nghe nói qua vấn đề này rất thường, nhưng các nơi nhiều người tu theo Pháp Niệm-Phật cầu vãng sanh mà vẫn còn sơ suất, trong nhà trang trí quá nhiều tôn ảnhPhật khác nhau, đỏ cũng treo, xanh cũng treo, vàng cũng treo, tím cũng treo… Treo nhiều hình khác nhau, mới nhìn qua thì thấy đẹp đẽ, trang nghiêm, nhưng lại mất phần chuyên nhất.

Thực ra, đây không phải là tội lỗi gì cả, nhưng trưng bày như vậy dễ làm cho tâm mất chủ định, không tốt cho sự nhiếp tâm niệm Phật để vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.Người đang còn khỏe mạnh, tinh thần còn sáng suốt, mà trưng bày quá nhiều hình ảnh khác nhau cũng khó định tâm được, huống chi là người sắp sửa xả bỏ báo thân với thân thể suy kiệt với tinh thần xuống dốc. Cho nên, treo nhiều hình Phật dễ tạo sự phân vân chao đảo trong giây phút cuối cùng. “Ồ!… Phật Xanh tốt, hay Phật đỏ mới linh? Nếu theo Phật trắng thì bỏ Phật vàng đi sao?”… Do tâm ý mê mệt, tình chấp khó buông mà tự dẫn mình tới chỗ sai lầm, dụ dự, mà sinh ra điều bất lợi.

Mong chư vị cần nhớ cho, Pháp Hộ-Niệm dạy người niệm Phật phảinhất hướng mà đi. Cái gì cũng phải nhất.Nhất mới mạnh, chuyên mới vững.Không nhất không chuyên thì không mạnh không vững, từ đó đường tu dễ bị lạc đường.

Hòa thượng Tịnh-Không thường khuyên các đệ tử rằng, giảng kinh thuyết đạo hãy tự chọn kinh nào một kinh mà giảng suốt đời. Ví dụ, giảng kinh A-Di-Đà thì giảng mãi một bộ kinh A-Di-Đà, giảng tới thuộc làu, giảng không cần nhìn vào kinh sách, giảng đến lúc lời kinh A-Di-Đà thâm nhập vào tâm thì tự nhiên khai mở trí huệ, lý đạo sẽ mở rộng bao trùm hư không pháp giới. Chuyên mới mạnh, chuyên mới vững, chuyên mới sâu… Còn muốn giảng rộng nhiều kinh điển thì phải cầm bổn, phải tham cứu, phải tra khảo thuật ngữ… làm tâm hồn dễ bị loạn. Cách giảng này rộng thì có rộng, nhưng thiếu chiều sâu, yếu chỗ định. Diệu Âm là phàm phu trí cạn, khi gặp được Pháp Hộ-Niệm đơn giản, thực tế, hợp căn, lại nghe được lời khai thị của Ngài giống như kẻ nghèo gặp của báu, như kẻ sắp chết đuối gặp được chiếc phao… Thôi thì, quyết lòng y giáo phụng hành, cứ một Pháp Hộ-Niệm giảng mãi, giảng mãi.Ngồi xuống là giảng, giảng ở bất cứ chỗ nào, giảng mãi thành quen,cứ giảng mãi một đường hộ niệm giúp người có duyên vãng sanh thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc, một đời thành tựu đạo quả là đủ.

Chư vị ơi!… Chuyên mới vững, chuyên mới sâu.Một cây có gốc sâu thì gió bão không bị tróc gốc. Pháp Niệm-Phật Hộ-Niệm Vãng-Sanh rất cần chuyên nhất. Chính vì thế,muốn ứng dụng đúng pháp này trong lúc hộ niệm thì không nên treo nhiều hình Phật, Bồ-Tát khác nhau. Không nên quá chú trọng về hình thức đẹp mắt mà mấtphần định tâm, kém phần vững mạnh. Pháp Niệm-Phật là pháp “Nhất-Tâm Bất-Loạn”.Một lòng chuyên niệm A-Di-Đà Phật, một hướng cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, một niềm tin sắc son không loạn. Nhất định không thể chao đảo, nhất định không thể phân vân.

Khi thiết trí hình Phật để hộ niệm, ngoài một tôn ảnh A-Di-Đà Phật thống nhất, nếu treo thêm một hình bông hoa cũng dễ bị chao đảo, treo thêm một phong cảnh cũng dễ bị chao đảo, treo 2tôn ảnh Phật cũng có thể bị chao đảo như thường.

Hiểu được vững cả Lý lẫn Sự về “Pháp Nhất Tâm”, xin chư vị tự mình kiểm soát lấy, nếu có điều gì không chuyên thì lo sớm sửa chữa, để sự hành đạo của mình đem lại được nhiều sự lợi lạc thiết thực vậy.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

 

 

 

 

 

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm - Chương 4: Gia Đình Và Người Bệnh

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –