Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 187) | Khi Nào Mới Chính Thức Được Hộ Niệm?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 187)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 187)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Xin mở trang 75, vấn đề thứ 5:

Khi nào mới chính thức được hộ niệm?

Điều này nhắc nhở các ban hộ niệm chú ý, khi chính thức nhận hộ niệm cho một người cần phải thuận duyên, chứ không nên nhận hộ niệm một cách bừa bãi. Hộ niệm phải dựa theo đúng quy luật hộ niệm mới có hiệu quả thù thắng. Nếu sơ ý, hộ niệm thường chỉ có hình thức, còn sự thành tựu thì không có, mà còn ảnh hưởng tệ hại về sau. Đại chúng trong thời mạt pháp này vốn đã nghèo nàn niềm tin vào Phật Pháp rồi mà chúng ta còn sinh hoạt mơ hồ, tạo nên mối nghi ngờ càng lớn. Nếu không cẩn thận có thể làm mất hẳn niềm tin của đại chúng, dẫn đến Pháp Hộ-Niệm sớm nở tối tàn, đoạn mất cơ hội vãng sanh thành tựu đạo quả của người hữu duyên. Những hệ quả này khá quan trọng, các ban hộ niệm cần nên chú ý. Vậy điều kiện để chính thức được hộ niệm là gì?

(a): Sau khi gia đình thỉnh mời ban hộ niệm.

Đúng hay sai? – (Sai). Gia đình trực tiếp mời, thì ban hộ niệm mới được quyền đến bàn chuyện hộ niệm cho người thân của họ. Nếu người gia đình không mời mà ban hộ niệm tự động đến hộ niệm, thì đối với Phật pháp bị lỗi phan duyên, đối với xã hội ta vi phạm đến quyền tự do riêng tư. Ban hộ niệm làm không đúng theo luật pháp xã hội coi chừng bị chính quyền xử lý. Vì thế, đây là điều kiện trước tiên bắt buộc phải có, nhưng sự hộ niệm có được tiến hành hay không còn phải tùy thuộc thêm một số yếu tố khác. Cho nên, sau khi gia đình mời, thì ban hộ niệm sẽ đến gặp gia đình và nêu ra một số quy luật hộ niệm, yêu cầu gia đình phải chấp nhận làm đúng theo quy luật đó mới nhận hộ niệm. Nếu gia đình không chấp nhận, thì ban hộ niệm không thể phan duyên được.

Có những gia đình không chấp nhận, hoặc một nửa chấp nhận, một nửa không đồng ý, nhưng riêng người bệnh lại tha thiết muốn được vãng sanh, thì ban hộ niệm cũng có thể hộ niệm, nhưng đề nghị những người đồng thuận phải giải quyết êm đẹp tình trạng gia đình của họ, phải bảo đảm trong khi hộ niệm không có sự chống phá, ngăn trở, hay làm sai quy định hộ niệm. Chúng ta nên khuyên người bệnh làm di chúc cẩn thận, nhắn nhủ những điều cần thiết, có thể liên hệ chuyển đến đạo tràng, chùa chiền, những nơi có phòng vãng sanh để cách ly người chống đối, để sự hộ niệm được thuận lợi hơn, v.v…

Nói chung, phải cố gắng tránh mọi sự ồn náo, chống phá, gây rối… thì mới có thể hộ niệm được. Một cuộc hộ niệm bị vướng phải nhiều điều trở ngại thì kết quả không thể tốt đẹp, mà nhiều khi lại có hại rất lớn cho người bệnh. Vì thế, không thể nói rằng, hễ gia đình mời thì mình phải hộ niệm.

Đã phát tâm hộ niệm thì chúng ta luôn luôn có tâm tích cực trợ duyên cho người được vãng sanh, nếu gặp đều trở ngại chúng ta cũng có thể mềm dẻo, uyển chuyển khuyên giải. Khuyên lần thứ nhất không được, có thể hẹn đến lần thứ hai, lần thứ ba. Nếu qua 3 lần khuyên giải mà gia đình không làm theo đúng quy tắc Pháp Hộ-Niệm, thì ban hộ niệm cũng không còn cách nào để tiếp tục trợ duyên nữa. Với lòng từ bi thương xót người bệnh, ban hộ niệm có thể đem tên người bệnh về đạo tràng hồi hướng công đức cho họ trong những buổi công phu, chứ không biết làm gì khác hơn vậy.

Thực sự người Việt Nam chúng ta trong nước hộ niệm có được sự thành tựu khá tốt. Hằng ngày chúng ta đều có nghe được tin hộ niệm vãng sanh lưu lại tướng lành bất khả tư nghì. Nhiều ban hộ niệm hàng ngày đều có ca hộ niệm, nhiều khi phải luân phiên hộ niệm nhiều ca một ngày, vô cùng bận bịu. Nhờ áp dụng quy luật hộ niệm vững vàng mà có được sự thành tựu rất cao. Còn ở bên nước ngoài, người Việt Nam không đông, sống rải rác khắp nơi, tinh thần tu tập không cao, nên tìm được một người biết niệm Phật cầu vãng sanh thật khá hiếm hoi, từ đó sự hộ niệm cũng không được mạnh mẽ như trong nước.

Chính vì thế, nếu Pháp Hộ-Niệm này được phát triển tốt ở trong nước, thì với hàng 100 triệu người Việt Nam đang sống, hy vọng có thể cứu đến hàng triệu người Việt Nam được vãng sanh. Hầu hết bà con, cô bác, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc của chúng ta đều ở Việt Nam, nếu Pháp Hộ-Niệm phát triển tốt hơn trong nước thì chúng ta cũng cảm thấy an lòng. Cầu mong cho Pháp Hộ-Niệm được phát triển rộng rãi khắp nơi để có nhiều người được vãng sanh hơn.

(b): Sau khi ban hộ niệm tiếp xúc với gia đình và người bệnh rồi, mới hộ niệm.

Đúng hay sai? – (Sai). Câu này sai chứ không đúng. Mình tiếp xúc với gia đình đình, nêu ra quy luật hộ niệm, nhưng người ta không chấp nhận thì làm sao có thể hộ niệm được? Ví dụ như trường hợp vừa rồi bên Âu Châu, nhiều người hộ niệm đã bay từ nước này qua nước khác để hộ niệm cho một người do một người con trong gia đình mời tới. Nhưng khi tới nơi, người em thì muốn hộ niệm cho mẹ, còn người anh thì quyết lòng chống đối, rốt cuộc không thể hộ niệm được. Chính vì thế, phát tâm đi hộ niệm không phải đơn giản đâu, nhiều khi bị chướng ngại lắm đấy. Trên thế gian này không dễ gì có được nhiều người với đầy đủ căn lành để tin vào Pháp Niệm-Phật một đời vãng sanh thành Phật đâu chư vị ơi!…

Cho nên, người thực sự muốn được hộ niệm hãy cố gắng sắp xếp chuyện gia đình, viết lời di chúc căn dặn con cháu, phải tìm cách giải quyết những chướng nạn từ gia đình. Chư vị nhớ cho, từ ngữ “Oan Gia” chính là những “Oan Trái” “Oan Nghiệt” phát xuất từ trong gia đình đấy. Con cái đến với cha mẹ có 4 duyên: báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Nếu là duyên báo ân thì trở thành những người con đại hiền, đại hiếu. Duyên trả nợ là những người con thường giúp đỡ về tiền bạc, khi nợ nần đã sòng phẳng rồi thì sự cấp dưỡng cũng lợt lạc đi. Duyên đòi nợ chính là những đứa con tiêu phá tài sản, cha mẹ thương yêu lo lắng nuôi dưỡng hao tốn rất nhiều tiền của, nhưng khi hết nợ thì chúng bỏ ra đi. Nếu gặp duyên báo oán thì trở thành một sự chướng nạn rất lớn. Những người con bất hiếu, bất nghĩa đều thuộc về duyên báo oán này. Thực sự, chướng nạn từ trong gia đình đôi lúc vô cùng khó khăn đấy.

Thành ra, khi nghe có những vị phát tâm đi khắp nơi nói về hộ niệm thì chúng ta nên hoan hỷ, hãy thành tâm tán thán sự phát tâm này. Hãy cùng nhau cầu nguyện cho Pháp Hộ-Niệm được lưu truyền rộng rãi, giúp cho nhiều người biết đến, để cơ duyên vãng sanh được tốt đẹp hơn. Chúng ta ai cũng muốn giúp cho bà con thân bằng quyến thuộc của mình được cứu độ, nhưng nhiều khi chính anh em trong nhà rất khó khuyên giải nhau, nhưng nhờ đến người ngoài khuyên giải đôi khi lại dễ thành công hơn. Tất cả đều do duyên. Nói rõ hơn, duyên này chính là thuận duyên. Có thuận duyên mới tin tưởng nhau được. Ví dụ, đã là thân bằng quyến thuộc thì có duyên với nhau, nhưng nhiều lúc lại không đồng chí hướng, thì cái duyên quyến thuộc trong đời này có lẽ yếu hơn cái duyên nghịch chống đã tạo ra với nhau trong đời quá khứ. Vì thế người trong gia đình đôi lúc khó nói chuyện với nhau có lẽ do nguyên nhân này vậy.

Cho nên, khi khuyên người niệm Phật, bất cứ một người nào tin tưởng nghe theo, nhiều khi chính họ là thân bằng quyến thuộc thuận hòa của mình trong những đời kiếp trước. Như vậy, cứu được một người, dù thân hay sơ, cũng là nguồn mừng vui vô hạn, vì có lẽ rằng, họ là anh chị em, là cha mẹ của mình từng thương yêu thuận hòa tốt đẹp với mình trong nhiều đời kiếp trước.

Ngược lại, người thân thuộc trong gia đình mà chính mình khuyên không được, thì cũng nên mạnh dạn nhờ người khác tới khuyên, biết chừng đâu người khác lại có cái duyên thuận hơn, hợp hơn với anh chị em của chính mình. Như vậy bất cứ một người nào nghe theo mình, tin theo mình niệm Phật và được vãng sanh, thì chúng ta nên mừng vui như cứu được chính thân bằng quyến thuộc của mình vậy.

(c): Sau khi ban hộ niệm trình bày, giải thích bản nội quy cho gia đình và gia đình thống nhất chấp nhận thực hiện đầy đủ bản nội quy này.

Đúng hay sai? – (Đúng). Bây giờ thì đúng rồi, vững vàng, vui vẻ nhận hộ niệm giúp ngưới ta đi, chứ còn chần chờ gì nữa. Xin thưa thực với chư vị, có nhiều ban hộ niệm phát tâm rất mạnh, nhưng hộ niệm liên tục một thời gian mà không có sự thành tựu thì xin nghiêm chỉnh nghiên cứu lại. Cách đây mấy năm, có một ban hộ niệm kia báo như vầy: “Ban hộ niệm của tôi đã đi hộ niệm liên tục suốt mấy năm trường, tổng cộng hơn 40 ca, nhưng chưa có một ca nào được thành tựu cả…”.

Khi tìm hiểu ra mới biết được rằng, ban hộ niệm hoàn toàn không dựa vào một quy luật nào cả. Nghe tin một người nọ chết 6-7 tiếng đồng hồ rồi cũng xin tới hộ niệm, nghe tin một người kia sắp chết liền tình nguyện xin tới hộ niệm, một người chưa biết niệm Phật vãng sanh là gì cả cũng tới hộ niệm, v.v… Nói chung, bất cứ trường hợp nào cũng đều vui vẻ hộ niệm hết. Xin thưa với chư vị, hộ niệm theo cách này, dù tiếp tục 10 năm, 20 năm nữa cũng chưa chắc gì thấy được một hiện tượng vãng sanh.

Hộ niệm là hướng dẫn cho người bệnh đó làm được những điều cần làm, sửa những điều sai trái, thực hiện đúng pháp vãng sanh mới được vãng sanh. Người bệnh phải biết tu, phải biết sửa, phải biết nghe lời ban hộ niệm dặn dò mà làm đúng theo mới được vãng sanh, chứ hộ niệm kiểu gì mà chết rồi cũng tới hộ niệm, một người chưa có một ý niệm gì về vãng sanh cũng tới ngồi bên niệm Phật, trong khi người bệnh và gia đình đang rối bời không nghe được một lời khai thị hóa gỡ!…

Một người muốn được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc bắt buộc ba điểm Tín-Nguyện-Hạnh phải đầy đủ. Người hộ niệm đến củng cố cho ba món tư lương này của người bệnh được vững vàng, không bị chao đảo, không bị lệch hướng để họ vãng sanh, chứ đâu phải được hộ niệm thì người bệnh được vãng sanh?

Phát tâm lập ban hộ niệm là những người tốt, hãy khuyến khích họ chớ nên thoái tâm, hãy nhắc nhở họ chỉnh đốn lại quy luật, giới thiệu cho họ những ban hộ niệm có thành quả tốt và đề nghị hãy đến học tập với các ban hộ niệm đó một thời gian để rút tỉa kinh nghiệm. Sau khi học tập xong, các vị này về hộ niệm lại và đưa đến một kết quả thật quá tuyệt vời. Ban hộ niệm đó đã cho biết lại như vầy: “Khi đã nắm vững quy luật hộ niệm rồi, chúng tôi áp dụng nghiêm chỉnh, rồi bắt đầu hộ niệm lại, đến nay đã hộ niệm thêm được 42 ca, tất cả đều được thành tựu viên mãn hết…”. Thật bất khả tư nghì.

Quy luật hộ niệm quan trọng vô cùng, sự việc xảy ra với ban hộ niệm bên trên là một chứng mình cụ thể. Đầu tiên, với sơ phát tâm quá mạnh, nhiệt tâm quá cao, họ lăn xả vào việc làm đạo, nhưng không nắm vững những nguyên tắc căn bản, đưa đến sự thất bại ê chê, làm cho nhiều người chán nản, có người đã bỏ cuộc. Sau khi biết rõ về quy luật hộ niệm, làm đúng theo nguyên tắc, thì sự hộ niệm có thành tựu ngay. “Sau đó chúng tôi hộ niệm được 42 ca, đều được thành tựu viên mãn hết…”. Một thông tin quá bất ngờ, ngoài dự tưởng!… Khá thú vị!…

Ở Việt Nam sự hộ niệm thật sự có được nhiều thành quả rất tuyệt vời. Sự thành tựu này không thua kém bất cứ một nơi nào khác. Trước đây Diệu Âm đã từng tham gia học hỏi hộ niệm với những người đã biết Pháp Hộ-Niệm lâu rồi. Nhưng khi vào thực tế, hình như sự hộ niệm ở đó cũng chưa được chú trọng mấy. Ví dụ, thường chờ người bệnh sắp chết rồi mới tới khai thị vài câu, khi tắt hơi trong bệnh viện xong mới họp ban hộ niệm lại, chia thành 4 ca, mỗi ca 2 tiếng đồng hồ, tới ngồi chung quanh niệm “A-Di-Đà Phật… A-Di-Đà-Phật… ” rồi hồi hướng công đức và lặng lẽ ra về. Có niệm Phật thì có tốt đấy, nhưng hộ niệm cho hàng phàm phu tội chướng sâu nặng mà lỏng lẻo quá, thì biết bao giờ mới cứu được một người vãng sanh đây?!…

Còn người Việt Nam chúng ta tuy là non trẻ về Pháp Hộ-Niệm, nhưng khi đã hộ niệm thì cẩn trọng hơn, nhiệt thành hơn, chịu khó hơn… Sự khai thị, hướng dẫn, gỡ rối, điều giải… nghiêm chỉnh hơn, thành khẩn hơn. Nhờ vậy mà có được sự thành tựu cao hẳn lên một cách bất ngờ!… Thật đáng tuyên dương, đáng tán thán.

(d): Hễ người bệnh tha thiết muốn vãng sanh thì ban hộ niệm sẽ nhận hộ niệm liền.

Đúng hay sai? – (Sai). Cũng sai luôn. Người bệnh tha thiết muốn hộ niệm là điểm rất quan trọng phải có. Nếu người bệnh không hề muốn vãng sanh, dù gia đình có hỗ trợ tốt, thì ban hộ niệm có cố gắng hết mình cũng không hứa phần thành công. Mặt khác, người bệnh tha thiết muốn vãng sanh, nhưng gặp phải người trong gia đình quyết lòng chống đối, thì cũng không thể nào hộ niệm được.

Trong thực tế, có nhiều người bệnh đầu tiên không biết gì về vãng sanh, nhưng nhờ gia đình tin tưởng, hỗ trợ, thành khẩn nhờ hộ niệm giúp đỡ. Ban hộ niệm đến dùng tâm lý, khéo léo giảng giải, khuyến tấn dần dần giúp cho người bệnh ngộ ra rồi phát tâm niệm Phật và sau cùng có được thoại tướng vãng sanh tốt đẹp bất khả tư nghì. Điều này cũng thường xảy ra. Đây là những trường hợp đặc biệt, nhờ sự thành khẩn của gia đình mà ban hộ niệm uyển chuyển, cố gắng hết sức đến trợ duyên đôi khi cũng được thành quả tốt. Điểm chính yếu là người bệnh giác ngộ, khởi tâm tin tưởng. Cho nên, gia đình tạo duyên lợi rất quan trọng.

Mong chư vị cố gắng gìn giữ quy luật hộ niệm vững vàng. Hễ quy luật hộ niệm vững vàng thì trên mặt tổng quan duyên lành đã thuận, ban hộ niệm sẽ vui vẻ nhận ca. Pháp Hộ-Niệm sẽ được triển khai giúp người có cơ duyên vãng sanh vậy.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm - Chương 4: Gia Đình Và Người Bệnh

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –