Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 201) | Sự Thiết Trí Trong Phòng Hộ Niệm Như Thế Nào Mới Tốt?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa Đàm 201)

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Xin chư vị mở trang 81,

Câu 13(d): Chỉ được treo một mẫu hình Phật A-Di-Đà thống nhất. Có thể dán văn phát nguyện, văn hồi hướng, cáo thị cần thiết về hộ niệm.

Đúng không chư vị? – (Làm thinh!… Có người nói “Đúng”, có người nói “Sai”…). Mỗi người có một lời phát nguyện riêng. Ví dụ, bà Bác này thường nguyện: “Nam Mô A-Di-Đà Phật, con nguyện vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc”, thì nên viết lời này dán lên tường, để ban hộ niệm biết mà thường xuyên nhắc nhở cho hợp với bà Bác. Mỗi lần muốn người bệnh phát nguyện vãng sanh, hãy nhắc đúng lời nguyện của họ để họ hoan hỷ. Còn văn phát nguyện vãng sanh chúng ta thường dùng trong các buổi cộng tu chỉ thích hợp để tán tụng trong các buổi công phu niệm Phật, chứ không thích hợp lắm đối với người bệnh đang yếu đuối, nhất là đến thời kỳ lâm chung chờ giây phút ra đi.

Thứ đến là tên và pháp danh của người bệnh thường khi dễ bị quên hoặc nhầm trong các buổi hộ niệm, nên cũng cần viết rõ dán lên tường để hồi hướng và nguyện cầu cho bà Cụ. Cho nên những chi tiết này có thể dán lên. Còn tôn ảnh A-Di-Đà Phật thì chỉ nên treo một mẫu duy nhất, nếu đúng hợp theo ý nguyện của người bệnh thì rất tốt, còn không thì ban hộ niệm đem đến 1 mẫu hình Phật, (xin nhắc lại, 1 mẫu hình Phật chứ không phải chỉ có 1 hình Phật), 1 mẫu đó nhưng có nhiều hình treo chung quanh thì rất tốt. Không nên treo nhiều mẫu hình Phật Bồ-Tát khác nhau. Sự trang nghiêm này không hợp với Pháp Niệm-Phật Hộ-Niệm Vãng-Sanh. Xin chư vị nhớ điều này.

Cũng xin nhắc thêm một điều mà hôm qua chúng ta đã nói qua. Hiện giờ có rất nhiều mẫu họa tôn ảnh Phật khác nhau, hình nào cũng có nét đẹp và trang nghiêm riêng. Nhiều người cứ thấy hình nào cũng đẹp nên thu thập về treo lên hết, thì đối với Pháp Môn Tịnh-Độ chư Tổ đều nhắc nhở rằng, đừng nên treo nhiều hình Phật khác nhau mà không hợp với tính chuyên nhất của Pháp Môn Niệm Phật. Vậy thì, tốt nhất tôn ảnh Phật nào mình thích nhất thì treo một hình thống nhất thôi, còn những hình khác nên cúng dường cho người khác tạo duyên cho họ niệm Phật, chứ không nên treo nhiều quá mà phạm đến điều kỵ xen tạp, làm tâm mình dễ bị phân vân do dự, nhất là vào thời điểm cuối đời vậy.

Những cáo thị cần thiết cũng cần phải treo để nhắc nhở lẫn nhau làm đúng Pháp Hộ-Niệm. Ví dụ, tại cửa vào phòng hộ niệm, chúng ta có thể dán bảng cáo thị:

Kính xin đại chúng:

Thành tâm Niệm A-Di-Đà Phật cầu nguyện cho người bệnh vãng sanh.

Miễn trực tiếp thăm hỏi người bệnh.

Chân thành cảm ơn.

Bảng cáo thị này rất cần, để tránh tình trạng bạn bè, người thân không biết hộ niệm đến nói chuyện, thăm hỏi về nóng lạnh, bệnh tình… Nếu sơ ý để người bệnh thường xuyên tiếp xúc với người ngoài thì rất dễ bị lạc tâm mà mất phần vãng sanh vậy.

Câu 13(e): Hãy giữ nguyên cách trang trí sẵn có mới tốt, vì người bệnh đã quen thuộc rồi.

Đúng hay sai? – (Sai). Có nhiều người nghĩ rằng phòng của người bệnh đã được trang trí sẵn, họ đã quen như vậy rồi, cứ để nguyên cho họ vui. Thực ra, vui chuyện thế gian thì lạc đường giải thoát. Thích chuyện thế gian mất đường vãng sanh. Mong rằng ban hộ niệm cần hướng dẫn trang trí đúng quy luật Pháp Hộ-Niệm. Trong phòng hộ niệm chỉ có treo một mẫu hình A-Di-Đà Phật là tốt nhất. Tất cả những hình ảnh khác như: hình ảnh gia đình đoàn tụ, cưới hỏi, sinh nhật vui vẻ, tranh cảnh đẹp đẽ, v.v… nên chuyển qua nơi khác. TV giải trí nên chuyển ra ngoài. Có nhiều nơi, ở bệnh viện, viện dưỡng lão trước mỗi giường đều có một TV để giải trí, có thêm một video để xem phim chưởng cho vui… Xin thưa với chư vị, vui theo cảnh này để chờ chết đi đọa lạc. Một người bệnh đã đối diện với sự sống chết rồi mà còn tham luyến vào đó thì đành chịu thua, dẫu có hộ niệm cũng khó có hy vọng được vãng sanh.

Cau 13(f): Phòng cần gọn gàng, sạch sẽ. Nếu có điều kiện thì phòng nên rộng rãi đủ để lạy Phật, sắp xếp ghế ngồi, tiện việc chăm sóc.

Đúng không? – [Đúng]. Đúng đấy. Phòng hộ niệm nên rộng rãi, nhất là cần phải thoáng. Phòng hộ niệm càng thoáng chừng nào càng tốt chừng đó. Nếu lạnh quá đành phải đóng cửa, còn bình thường, nhất là khi không khí nóng nực cần mở cửa thật thoáng, tránh tình trạng thiếu thanh khí, bị ngộp thở. Có nhiều trường hợp khó khăn, gia đình chăm sóc bệnh nhân không được kỹ, hoặc gặp phải những căn bệnh có thể truyền nhiễm qua không khí… thì căn phòng hộ niệm rất cần sự thoáng mát.

Sẵn đây cũng xin nhắc nhở một vài quy định về những thành viên tạm thời miễn tham gia hộ niệm: một là những người đang bị cảm cúm dễ truyền nhiễm cho người khác, hai là người có tình cảm không thuận hợp với người bệnh. Xin thẳng thắn khai báo rõ điều này, không nên miễn cưỡng mà sanh hậu quả không hay.

Cho nên, người tu hành chúng ta không nên gây mích lòng, kình chống, ganh ghét, đố kỵ với bất cứ người nào, để khi mình nằm xuống khỏi vướng phải cái ách nạn nghịch duyên gây khó khăn cho chính mình. Được nhiều người đến hỗ trợ, hộ niệm trợ duyên vãng sanh là một đại phước báu vậy.

Câu 13(g): Phòng hộ niệm cần thoáng mát để đủ không khí trong lành cho cả người bệnh và người hộ niệm.

Đúng không? – [Đúng]. Rất đúng, vấn đề này đã nói bên trên rồi, không cần phải giải thích thêm. Xin nhắc nhở thêm, không nên đóng cửa, không để quá nhiều đồ vật trong phòng làm cho không gian bị chiếm hết, mất thanh khí. Cũng là một phòng đó thôi, nếu mở thoáng ra thì không gian mở rộng, tràn đầy ánh sáng và thanh khí. Nếu chứa đồ vật nhiều thì trở thành chật hẹp, luộm thuộm, ngột ngạt thiếu dưỡng khí để thở.

Câu 13(h): Cần rộng rãi vì thường xuyên phải tiếp đón khách khứa viếng thăm.

Đúng hay sai? – (Sai). Mục đích phòng thoáng rộng là để tăng thêm thanh khí để thở, chứ không phải nhằm đón tiếp khách khứa vãng lai, thăm viếng. Người bệnh mà tiếp đón khách khứa, thân hữu tới thăm hỏi thì kẹt lắm đấy. Trong quy luật hộ niệm có nêu điều cấm này. Cụ thể là, không nên để người bệnh trực tiếp tiếp xúc với người thân, bạn hữu. Nói chung, phải giảm chế tối đa những người chưa biết qua về hộ niệm đến trực tiếp thăm người bệnh, hỏi han về nóng lạnh, cầu phúc, chúc mau khỏe… Nếu gia đình lơ là điều này, thì tâm đạo của người bệnh rất dễ bị lạc, và cuộc hộ niệm rất khó thành công.

Xin chư vị ý thức rõ ràng rằng, cứu giúp một phàm phu nghiệp chướng nặng nề thoát nạn để vãng sanh thành đạo không đơn giản đâu. Phải áp dụng quy luật nghiêm chỉnh mới tốt, nhờ vậy mới hộ niệm cho một người ra đi lưu lại tướng lành tốt đẹp. Còn quá dễ dãi, lơ là quy luật, lại lầm tưởng rằng vì lòng từ bi nên không cần đến điều kiện gì cả, thì coi chừng hộ niệm bị thất bại, thất bại rồi thất bại, không cứu được một người thoát nạn! Hộ niệm mà không cứu được ai, thì ý nghĩa từ bi nằm ở đâu?

Cho nên, quy luật vững vàng để cứu người thoát vòng sanh tử, vãng sanh thành tựu đạo quả mới thực hiện được lòng từ bi cao quý vậy.

Câu 13(i): Cần có TV trước mặt để bệnh nhân nghe pháp hoặc giải trí.

Đúng hay sai? – (Sai). Trong nhiều bệnh viện thường có một TV cho mỗi giường để người bệnh xem giải trí. Đây là cái hay của người thế gian, còn người niệm Phật muốn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì coi chừng chiếc TV trở thành ma chướng kéo mình vào tam ác đạo đấy. Mê vào đây đành chịu chết vậy thôi!…

Còn chuyện nghe pháp, xin thưa thực với chư vị, lúc đã đối diện với vấn đề sanh tử rồi, thì vạn pháp phải buông xuống để ngày đêm lo niệm Phật cầu vãng sanh. Phật dạy: “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp”. Nghĩa là, cuối cùng pháp Phật cũng phải buông xuống để niệm Phật vãng sanh, huống chi là những thứ không phải pháp Phật.

Cho nên, trước một người bệnh sắp bỏ báo thân, người hộ niệm phải khéo léo khuyên nhắc sao cho người bệnh phải buông xuống tất cả, niệm Phật cho nhiều, niệm Phật cho thành, niệm Phật với lòng tin sâu sắc, tha thiết cầu vãng sanh, chứ không phải nghe pháp nhiều, không phải cố công tìm hiểu về lý đạo. Một người phàm phu, bệnh hoạn đã đến giai đoạn không còn cứu chữa được nữa, nếu thực sự muốn nương theo cơ hội này thoát khỏi cảnh phàm phu, chấm dứt khổ nạn, vãng sanh thành đạo thì phải lo niệm Phật, ngày đêm niệm Phật cầu vãng sanh. Phải niệm “A-Di-Đà Phật… A-Di-Đà Phật…” cho câu Phật hiệu nhập tâm. Phải tranh thủ từng hơi thở để niệm Phật, chứ không phải tranh thủ thời gian nghe pháp.

Nói chung, ngoài câu “A-Di-Đà Phật” ra, nghe pháp, tụng niệm Kinh-Chú… tất cả không còn hữu hiệu để kịp thời đưa người phàm phu này vượt qua sanh tử khổ nạn, vãng sanh thành tựu đạo quả. Xin chư vị hiểu thật vững lý đạo này. Phải tranh thủ niệm câu A-Di-Đà Phật tới hơi thở cuối cùng để cầu nguyện vãng sanh mới được vãng sanh. Đối với những người kém thiện căn, không vững lòng tin với Pháp Niệm-Phật… thôi thì đành phải tùy duyên mà khuyến tấn họ hãy nghe pháp về Tịnh-Độ cho nhiều, hy vọng khi nghe pháp họ chợt thấy ra con đường giải thoát dễ hành, dễ chứng, dễ thực hiện này mà phát khởi tín tâm niệm Phật cầu vãng sanh. Nhờ cái cơ duyên này mà hy vọng họ được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, một đời thành tựu giải thoát vậy.

Người phàm phu, trí cạn, đường tu hành có nhiều sơ suất mà chính ta không hay. Cho nên cần phải biết nương tựa nhau, lắng nghe nhau, sẵn sàng sửa chữa, chớ nên tự ái, đừng vội vã đóng cửa tự tu theo sở thích của mình. Không an toàn đâu.

Câu 13(j): Có thể thiết lập một bàn thờ đơn giản, nhưng không phải bắt buộc.

Đúng không? – [Đúng]. Đúng đấy. Có thể thiết lập một bàn thờ Phật đơn giản, chứ không cần phải thật trang nghiêm như một lễ đàn. Còn muốn lập một bàn thờ trang nghiêm thì nên thiết lập ở một phòng khác, hoặc có thể dùng ngay chánh điện cho gia đình cùng đại chúng kinh hành, lạy Phật, niệm Phật.

Lập một bàn thờ quá trang nghiêm trong phòng hộ niệm không được đúng pháp lắm. Vì sao vậy? Người bệnh nằm trước một bàn thờ quá trang nghiêm sẽ mất tự nhiên, không an tâm, không thể thoải mái được. Nên nhớ cho, người bệnh sức khỏe suy kiệt, nhiều khi không thể kiểm soát việc tiểu đại tiện, nhiều trường hợp không mặc được áo quần, đi lại rất khó khăn, v.v… Vì thế nằm trước một bàn thờ Phật trang nghiêm, tinh thần của họ sẽ rất căng thẳng, họ khó có được cảm giác thư giãn hoặc tự nhiên, không thể thoải mái để an tịnh niệm Phật.

Hơn nữa, trước một chánh điện trang nghiêm, người hộ niệm khi khai thị, hướng dẫn, động viên người bệnh cũng không được phép tự nhiên vui cười, vỗ tay, lớn tiếng, v.v… Nhưng đây lại là thủ thuật vô cùng hiệu quả để khai thị cho người bệnh, giúp người bệnh giải tỏa những căng thẳng trong tâm, hóa giải những nỗi lo âu phiền muộn, không còn sợ chết, vui vẻ niệm Phật cầu vãng sanh. Như vậy, lập một bàn thờ trang nghiêm trong phòng hộ niệm vô tình đã hạn chế tính hiệu quả của Pháp Hộ-Niệm vậy.

Cho nên, nếu cần thì một bàn thờ đơn giản mới tốt, nhưng đây cũng không phải là điều bắt buộc. Điều bắt buộc phải có là một tôn ảnh A-Di-Đà Phật treo nơi nào mà người bệnh dễ dàng nhìn thấy. Nếu có nhiều hình Phật thì tốt, nhưng phải giống nhau để tránh người bệnh bị phân tâm.

Lại có người cho rằng, ngoài bàn thờ trang nghiêm, trước khi khởi sự hộ niệm còn phải làm một cái lễ long trọng, cần xướng những lời phục nguyện để khai đàn v.v… những điều này trong các tài liệu về hộ niệm chư Tổ hoàn toàn không có nói qua. Chúng ta nên y giáo phụng hành, không nên thêm bớt mà làm cho Pháp Hộ-Niệm trở nên phứctạp, không tốt vậy.

Xin nhớ cho, Hộ Niệm là phương pháp hướng dẫn, chỉ điểm, nhắc nhở, vỗ vai, nắm tay, tâm sự, động viên tinh thần người bệnh, giúp người bệnh buông xả tất cả quyết tâm thực hiện Tín-Nguyện-Hạnh để khi mãn báo thân họ được vãng sanh, chứ hoàn toàn không phải là một buổi công phu tu hành, không phải là một lễ đàn, không phải là một buổi cáo tế gì để đưa người đang sống đi vãng sanh. Hiểu được như vậy, mong các ban hộ niệm thực hành đúng pháp. Công đức vô lượng.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm - Chương 4: Gia Đình Và Người Bệnh

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –