Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 186) | Khi Trình Bày Bản Quy Định Cho Gia Đình, BHN Cần Gặp Những Ai?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 186)

 Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 186)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Xin chư vị mở trang 75, câu thứ 4:

Khi trình bày bản quy định cho gia đình, ban hộ niệm cần gặp những ai?

Điều này nói về quy định hộ niệm, gần gũi, thiết thực, cụ thể, nhằm nhắc nhở các ban hộ niệm chỉnh đốn quy luật cho vững vàng, chứ không có gì cao xa, khó hiểu. Nói cụ thể hơn là trước khi hộ niệm cho một người, ban hộ niệm phải trình bày bản quy định cho gia đình biết rõ. Nếu lơ là vấn đề này, thì sự hộ niệm thường thường giữa đường bị đổ vỡ. Xin các ban hộ niệm cần đặc biệt chú ý. Thực tế, trong quá khứ có nhiều ban hộ niệm quá lơ là về quy luật, nên hộ niệm thường gặp phải sự thất bại ê chề, làm cho tinh thần của chính người hộ niệm bị suy sụp, mất niềm tin. Nhưng khi biết lý do tại sao hộ niệm thường bị thất bại, ban hộ niệm chỉnh đốn lại nguyên tắc làm việc, thì sự hộ niệm có ngay sự thành tựu tốt đẹp.

Quy luật hộ niệm rất quan trọng và cần thiết, phải được tôn trọng. Mỗi lần nhận hộ niệm cho một người, ban hộ niệm cần phải làm việc cẩn thận với gia đình về những quy tắc này. Những quy định liên quan đến người bệnh và gia đình cần phải được trình bày rõ ràng, chi tiết, cụ thể. Gia đình cùng người bệnh phải đồng ý chấp nhận thực thi mới có thể hộ niệm được.

Nếu gặp hoàn cảnh người bệnh thì tha thiết, còn gia đình thì không đồng ý, trường hợp này khá khó xử cho ban hộ niệm. Bỏ thì thương, vướng thì khó!… Chúng ta nêu ra vấn đề khó khăn này cho chính mỗi người phải tự lo giải quyết trước chuyện gia đình cho ổn thỏa thì mới hộ niệm được, nếu sơ ý thì sự hộ niệm sẽ rất khó thành công. Cũng nên nhớ rằng, người trong gia đình không biết đạo không phải chắc chắn 100% làm cho người bệnh mất vãng sanh, nhưng đây là một chướng ngại rất lớn, làm cho sự thành tựu của cuộc hộ niệm vô cung mong manh. Nói rõ hơn, gia đình hỗ trợ thì thành công rất lớn, gia đình cản ngăn thì thất bại rất lớn. Càng tạo thuận duyên càng có lợi cho người bệnh, càng nghịch duyên càng bất lợi cho người bệnh. Nếu chướng duyên quá lớn, ban hộ niệm cũng đành chịu thua vậy.

(a): Người bệnh và một vài người đại diện trong gia đình là đủ.

Đúng hay sai? – (Sai). Người bệnh và đầy đủ gia đình tụ họp lại trong ngày đầu tiên để thông qua quy luật hộ niệm mới tốt. Sự có mặt đầy đủ thể hiện sự tha thiết muốn hộ niệm của gia đình. Có thể lúc ban đầu người ta không hiểu lắm, nhưng nhờ lòng thành khẩn và tha thiết trong gia đình tạo được cái duyên thuận lợi đầu tiên, rồi ban hộ niệm nương theo đó mới dùng tâm lý khuyến tấn, hóa giải dần những vướng mắc để sau cùng cuộc hộ niệm được thành tựu vậy.

(b): Cần có mặt càng đầy đủ thành viên trong gia đình càng tốt, có thể có mặt cả người bệnh.

Đúng hay sai? – (Đúng). Ở đây nói có thể có mặt cả người bệnh, vì có nhiều khi người bệnh mệt quá, không tham dự nổi, nhưng khi được hộ niệm rồi thì chúng ta sẽ thường xuyên gặp người bệnh để giải quyết vướng mắc sau. Nếu người bệnh còn khỏe, tham gia được cuộc họp đầu tiên này thì rất tốt.

Điều quan trọng là gặp càng đầy đủ người trong gia đình càng tốt. Những người nào vắng mặt, thì xin các ban hộ niệm cần dặn dò gia đình về trách nhiệm đối với những người vắng mặt. Nghĩa là, tự họ phải nhắc nhở nhau không được vi phạm quy luật hộ niệm. Nếu gia đình lưỡng lự, ban hộ niệm có thể hẹn lại một ngày khác để gặp cho được đông đủ hơn. Cần nhiều sự đồng thuận thì duyên hộ niệm mới trọn vẹn hơn.

Xin chư vị xem qua bản quy định, câu số 2:

– Trước khi được hộ niệm ban hộ niệm cần gặp nói chuyện với gia đình để thông báo những quy tắc hộ niệm. Gia đình phải nhất mực tin tưởng và phải đồng ý thực hiện theo sự hướng dẫn của ban hộ niệm.

Quy luật phải được tôn trọng thì mới hộ niệm tốt, quy luật không được áp dụng nghiêm chỉnh thì hộ niệm rất khó thành công. Có tôn trọng quy luật hộ niệm mới gọi là trân quý Pháp Hộ-Niệm. Có trân quý Pháp Hộ-Niệm thì hộ niệm mới có thể thành tựu. Có nhiều người nghĩ đơn giản rằng, thỉnh thoảng tới chùa lạy Phật, lâu lâu tới đạo tràng làm công quả gì đó thì gọi là tu hành. Tu hành như vậy sau cùng sẽ được lợi lạc gì đây? Phật dạy, ức triệu người tu hành, khó tìm ra một người thành tựu. Khó lắm đấy nhé. Tu hành đừng quá mông lung, tâm ý đừng quá mơ mộng. Hàng vạn người dù trong đời có tu hành, nhưng khi chết đi lưu lại thân tướng chẳng lành, thể hiện sự thọ nạn quá nặng nề, khó tìm ra được một người thoát nạn đấy!…

Chính vì thế, chúng ta vẫn thường thấy nhiều người tu hành khá lâu, bình thời lý cao luận diệu đủ điều, nhưng sau cùng thì bị thất bại ê chề. Đến khi ứng dụng được Pháp Hộ-Niệm chúng ta mới thấy hiện tượng thế nào gọi là thành tựu. Sự thành tựu này không phải chỉ dành riêng cho hàng thượng căn thượng trí, chư Tôn Đức Tăng Ni xuất gia, mà hàng Phật tử tại gia vẫn được thành tựu. Phật pháp thật bất khả tư nghì. Rõ ràng, Pháp Hộ-Niệm đúng là pháp đại cứu tinh cho hàng phàm phu của chúng ta rồi vậy. Vậy thì mong chư vị hãy cố gắng bàn thảo với gia đình. Những ai có cha mẹ già hãy liên lạc chuẩn bị trước. Sanh mạng vô thường phải sớm lo liệu việc hộ niệm.

Cũng xin chư vị cần nhớ điều này, có khi bàn thảo được, nhiều trường hợp bàn thảo không xong, đây là chuyện rất bình thường. Tất cả đều có duyên phận riêng. Người chưa có căn lành chưa chấp nhận được pháp giải thoát này đâu. Xin chư vị đừng nên quá buồn phiền, mà hãy lo niệm Phật tu hành tìm đường giải thoát cho chính mình. Giác ngộ là chuyện cá nhân, không thể cưỡng bức được vậy.

(c): Một vài người đại diện trong gia đình là được. Người bệnh không được quyền tham dự.

Đúng hay sai? – (Sai). Hai vế đều sai cả. Một vài người đại diện trong gia đình cũng đã sai rồi, mà cấm không cho người bệnh tham dự cũng sai luôn.

Cho nên khi ban hộ niệm đến gặp gia đình, thì gia đình là chính, còn người bệnh có thể vắng mặt vì lúc đó có thể quá mệt, hoặc đang ở trong bệnh viện chứ không có ở nhà. Nếu có mặt đầy đủ người trong gia đình và cả người bệnh thì càng hay. Xin các ban hộ niệm chú ý, khi gia đình mời mình hộ niệm cho người nhà của họ, đầu tiên nên gởi trước bản quy định và yêu cầu gia đình đọc qua. Nhưng đừng nên đơn giản tin tưởng rằng gia đình sẽ tự động nghiên cứu cẩn thận và hoan hỷ thực hành đứng đắn đâu. Vì thế, cần hẹn một ngày nào đó để ban hộ niệm tới gặp gia đình hầu giảng giải rõ ràng từng chi tiết một, đề nghị gia đình phải tôn trọng và thực hiện đúng theo bản quy định này. Hãy kiên nhẫn trong vài tiếng đồng hồ để phân tích, giảng giải, trả lời rõ ràng hầu giúp cho gia đình hiểu thấu mọi vấn đề và chấp nhận làm theo. Gia đình chấp nhận, thì cuộc hộ niệm mới có thể bắt đầu.

Đây không phải là sự cố chấp, gây khó khăn cho gia đình và người bệnh đâu. Trên thực tế, giới luật phải vững vàng mới hy vọng cứu được một người phàm phu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Nếu sơ ý không minh bạch về quy luật trước, thì cuộc hộ niệm dễ đi đến thất bại, không những khó cứu được ai mà ngay cả gieo duyên Phật Pháp cũng bị thất bại luôn. Nghĩa là, Pháp Hộ-Niệm nhanh chóng không còn ai tin tưởng nữa, vô tình chính chúng ta đã sơ ý cắt mất cơ duyên vãng sanh của chúng sanh trong thời mạt pháp này vậy.

Hãy nhìn thấy những sơ suất trong quá khứ để rút kinh nghiệm cho tương lai. Nhiều người đã phát tâm tu hành, cũng cầu mong được sự thành tựu đạo nghiệp, nhưng tu hành thì không theo một quy luật căn bản nào. Cứ lâu lâu tới chùa lạy Phật, làm chút công quả cho vậy là tu, còn huệ mệnh của mình thì nhẹ nhàng ký thác vào các cuộc cầu siêu. Làm sao được siêu sanh đây?!… Giờ đây nhờ được hộ niệm chúng ta mới thấy được có người ra đi với tướng lành tốt đẹp, mới lóe lên một tia hy vọng vãng sanh. Nhưng coi chừng tập khí cũ vẫn không quên, con người vẫn quen theo nếp cũ, cứ nằm đó chờ chết rồi mời ban hộ niệm đến hộ niệm cho vãng sanh. Đâu có thể dễ dàng vậy!…

Hộ niệm là một pháp tu, người bệnh phải biết tu, tu cho chánh, tu cho thẳng, phải quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh, rồi ban hộ niệm trợ duyên tích cực cho đường vãng sanh để được vững vàng hơn, chứ đâu phải nằm đó chờ chết rồi gởi số phận cho cuộc hộ niệm. Xin chư vị nhận thức rõ ràng, không nên mập mờ nữa. Có những cuộc hộ niệm phải trải qua hàng mấy tháng, thậm chí cả hàng mấy năm trường, đó là thời gian ban hộ niệm đến hướng dẫn, chỉ điểm, nhắc nhở cho người bệnh sửa chữa những sơ suất, thực hành cho đúng chánh đạo, còn ban hộ niệm chỉ hỗ trợ tích cực để hóa giải vướng mắc, giúp cho người bệnh vượt qua những chướng nạn mà được siêu sanh Tịnh-Độ. Hộ niệm vãng sanh là vậy đó, chứ đâu phải nằm đó chờ người khác tới đưa mình đi vãng sanh. Cho nên quy luật rất quan trọng vậy.

Xin xem tiếp bản quy định cho gia đình.

Cụ thể gia đình cần chú ý những điểm gì sau đây:

– Hộ niệm hoàn toàn vì lòng thiện nguyện của ban hộ niệm. Gia đình tuyệt đối không cần bận tâm lo bất cứ một hình thức thù lao hay trả ơn nào cả.

Đây là lời đầu tiên cần nói rõ ràng cho gia đình an tâm, tuyệt đối không lo lắng gì vấn đề này cả. Đây cũng là điểm mạnh của người hộ niệm. Chúng ta đi hộ niệm vì lòng thiện nguyện, chứ không phải vì một quyền lợi nào khác. Ban hộ niệm tuyệt đối không yêu cầu gia đình trả công, trả ơn, hoặc chuẩn bị một sự thù lao nhỏ nào, ngay cả một hốp nước cho đỡ khát trong lúc hộ niệm chúng ta cũng đã tự đem theo để dùng lấy rồi. Người hộ niệm khi đã phát tâm, thì tâm bồ-đề phải mạnh, phải vững, vì Phật Pháp mà làm, vì chúng sanh phục vụ trong tinh thần ba-la-mật. Ba-la-mật nghĩa là: vô kỷ, vô công, vô danh. Ví dụ, vừa rồi bên Âu Châu có nhiều vị phát tâm mua vé máy bay đi xuyên quốc gia để hộ niệm cho một người quen đang nằm chờ từng ngày ra đi. Nhưng tiếc thay, đến nơi thì có người trong gia đình không hiểu, không tin, không chấp nhận. Ôi!… Sự chân thành thiện nguyện do lòng từ bi của người hộ niệm bị trả lời bằng sự lạnh nhạt, hững hờ. Họ lo đủ chuyện, họ sợ đủ điều, họ nghi ngờ đủ thứ… Vấn đề này rất bình thường đối với người thế gian đấy!

Cho nên, sự phổ biến Pháp Hộ-Niệm rất thiết yếu. Được nhiều người truyền bá thì Pháp Hộ-Niệm mới dễ loan rộng ra. Pháp Hộ-Niệm loan tỏa tới đâu, có người được vãng sanh tới đó. “Vạn pháp nhân duyên sanh”. Pháp Hộ-Niệm này nhờ duyên gặp được mà một số người Việt Nam chúng ta được cứu. Đến một lúc nào đó nếu duyên này hết đi, thì Pháp Hộ-Niệm cũng phải tàn theo. Trong thời mạt pháp này không dễ gì có được nhiều người tin hiểu chánh pháp, nên Pháp Hộ-Niệm cũng có thể bị lãng quên nhanh chóng. Nhưng dù sao, trong cơ duyên này, Pháp Hộ-Niệm cũng đã cứu được một số khá nhiều người hữu duyên rồi. Mong cho Pháp Hộ-Niệm được phổ biến rộng rãi khắp nơi, người người biết đến, được lưu trụ dài lâu để có thêm người được cứu độ.

Trở lại bản quy định của gia đình:

Cần chuẩn bị một phòng tương đối gọn gàng thoáng mát, trang nghiêm, ban hộ niệm sẽ hướng dẫn thiết trí hình Phật A-Di-Đà và các thứ cần thiết. Gia đình không được tự ý trưng bày hình ảnh hoặc những ảnh tượng gì khác.

Những buổi hộ niệm đầu tiên, khi bước vào nhà người bệnh, người hộ niệm nên rảo mắt quan sát tổng quát chung quanh để xem xét căn phòng, cách trang trí, vật thể bày biện… có thích hợp với Pháp Hộ-Niệm hay không. Những hình ảnh như: lễ cưới, gia đình đoàn tụ, con cháu sum vầy, chúc thọ, sinh nhật, v.v… không tốt cho khung cảnh hộ niệm. Những tranh đẹp, cảnh lạ, hình ảnh thẩm mỹ, tác phẩm nghệ thuật… treo trong phòng hộ niệm cũng không tốt.

Chúng ta nên biết rằng, khi còn sáng suốt thì có thể phân biệt được tất cả, nhưng khi đến tình trạng sắp sửa lâm chung thì không còn sáng suốt như bình thời đâu. Những hình ảnh treo trên tường dễ dàng đánh lạc hướng người bệnh, tạo nên sự lầm lẫn, làm chuyển đổi ý niệm của người bệnh. Vì thế, tốt nhất những hình ảnh không hợp với Pháp Hộ-Niệm nên chuyển qua một phòng khác. Trong phòng hộ niệm chỉ nên treo một mẫu hình A-Di-Đà Phật, càng lớn càng tốt, không được phía này hình xanh, phía kia hình đỏ. Nếu chọn được một mẫu hình Phật nào mà người bệnh thích nhất thì càng tốt.

Điều quan trọng là người bệnh mở mắt ra liền thấy ngay tôn ảnh A-Di-Đà Phật. Ngày ngày, từng giờ, từng phút đều thấy được hình A-Di-Đà Phật để người bệnh nhiếp tâm vào đó mà niệm Phật, gọi là “Quán Tượng Niệm Phật”. Người hộ niệm luôn luôn nhắc nhở người bệnh thành khẩn cầu xin A-Di-Đà Phật hiện thân tiếp dẫn. Hóa Thân của Đức Từ-Phụ sẽ hoá hiện ra giống như tấm hình đó để tiếp dẫn người bệnh vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Người hộ niệm cần nên biết một qua một số kinh nghiệm để nhanh chóng phát hiện ra những sự sơ suất mà gia đình và người ngoài ít khi chú ý tới. Ví dụ: Hình Phật được treo quá gần cửa thường bị cánh cửa che khuất, treo ngược với ánh sáng bị chói mắt không thấy, treo chỗ tối tăm, treo quá thấp bị đồ vật hoặc người đúng che khuất, v.v… làm mất sự trang nghiêm. Có nhiều sơ suất lắm, cần nên chú ý.

(d): Chỉ cần gởi bản nội quy cho gia đình đọc qua là được.

Đúng hay sai? – (Sai). Gởi bản nội quy trước, dặn người trong gia đình cẩn thận đọc kỹ trước là tốt, nhưng không phải chỉ vậy là đủ. Nhất định ban hộ niệm cần hẹn một ngày đầu tiên đến gặp cả gia đình để giảng giải bản nội quy và yêu gia đình phải chấp nhận. Những gia đình nào có lòng tha thiết người thân được hộ niệm vãng sanh thì chắc chắc sẽ tôn trọng và thực hành đầy đủ, vì những quy định này hoàn toàn không khó, nhưng nhờ lòng chân thành mà cơ hội thành tựu của người bệnh mới cao. Còn ngược lại, thì chính gia đình thường gây nên chướng ngại cho người thân của họ, làm cho cuộc hộ niệm rất khó thành công vậy.

Mong các ban hộ niệm vững vàng trên đường làm đạo cứu người vãng sanh.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm - Chương 4: Gia Đình Và Người Bệnh

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –