Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 221) – Vấn Đề Kiêng Cữ Sát Sanh Hại Vật Trong 49 Ngày Sau Khi Người Bệnh Ra Đi:

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 221)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

Xin mở trang 89: Hôm nay chúng ta nói về vấn đề kiêng cử, sát sanh hại vật trong 49 ngày, sau khi người bệnh ra đi.

 

Câu A: 49 ngày là thời gian phán xét tội phước, người thân cần tích cực tạo phước, sám hối gỡ tội cho vong nhân, ban sám hối nghiệp chướng mà sát sanh hại vật thì ách nạn càng thêm nặng đúng không chư vị?

 

Phật nói rằng khi một người chết đi cứ 7 ngày thì người chết đó lại bị chết một lần, chết luôn cho 7 lần, thời gian 7 lần chết là thời gian để phán xét tội phước của người đó và thường sau 49 ngày thì người đó đi đầu thai chuyển thế, thường thôi chứ không phải là chắc chắn.

Có một lần Diệu Âm điều giải cái nạn nhập thân ở một chổ khác, chính người nhập đó người ta về nói cái chuyện này, lúc đó mình mới thấy kinh Phật nói đúng, người ta nói cứ 7 ngày như vậy thì họ bị cảnh chết đi sống lại giống như thời gian chết thật vậy, mà cái lần sau nó lại khổ sở đau khổ hơn lần trước, tức là 7 ngày như vậy cái thân trung ấm đó người ta chịu cảnh chết một lần và cứ thường xuyên nó xảy ra cứ 7 ngày như vậy, nên sau cùng tâm trí người chết đó tức là thân trung ấm đó bị mê mệt, khổ sở vô cùng và người ta nói khi mà họ muốn đi giải thoát không dễ đâu, tại vì mình có tâm trạng đi giải thoát thì có hàng ngàn hàng vạn người khác, tìm cách lôi kéo mình lại, bắt mình lại không cho mình đi.

Có dịp Diệu Âm đi điều giải chính người nhập thân người ta nói lên điều này hay lắm. Xin thưa với chư vị là 49 ngày nó có cái đạo lý của nó mà Phật thấy như vậy, khi một người ra đi rồi lúc nào cũng vậy, giống như người thế gian của chúng ta đi vào trong tù nếu người thân nhân đem tiền đem bạc đến để mà chuộc cái tội cho người thân mình thì người thân mình được giải đi một số ách nạn, cũng như ở thế gian này khi một người đáng lẽ phải ngồi trong tù mà người ta đóng tiền thế chân người ta được ra khỏi tù giống như vậy.

Khi một người ra đi rồi thì Phật dạy không nên giết hại sinh vật để mà tiếp đãi làm như vậy thì vong nhân bị thêm tội. Trong kinh nói giống như một người rơi xuống giếng chúng ta không tìm cách cứu mà ném đá theo.

 

Câu B: Sát hại chúng sanh dù vật nhỏ như ruồi muỗi kiến dán đều tạo ra nghiệp sát, kết thêm mối hận thù với chúng sanh đúng không chư vị?

 

Ngay khi chúng ta đi hộ niệm phải đưa ra cái điều luật này thật rõ ràng để cho thân nhân biết, là bắt đầu chúng tôi đến hộ niệm thì yêu cầu gia đình không được sát hại sinh vật, dẫu là những con vật nhỏ như kiến dán ruồi muỗi cũng không giết. Mình biết một người phàm phu như chúng ta tội quá nhiều, tạo ra cái tội sát sanh hại vật quá nhiều, chính cái tội này nó liên quan trực tiếp đến vấn đề oán thân trái chủ và chắc chắn rằng, khi đi hộ niệm thì biết rằng 100 người khó mà tìm ra một người, khi ra đi hoàn toàn không bị cái nạn oán thân trái chủ.

Chính vì thế khi chúng ta bắt đầu đi hộ niệm, chúng ta phải giao hẹn với người trong gia đình, là chư vị phải thay cho người thân mình sám hối tội chướng bằng cách là không được sát sanh hại vật và thường xuyên phải phóng sanh nữa, để mà chuộc lại cái tội cho người thân mình. Như chúng ta ở đây tu, thường thường là nguyện đem công đức này hồi hướng cho lịch đại kiếp số oán thân trái chủ, là chúng ta lo trước vấn đề giải quyết ách nạn, nhất định chúng ta có, chắc chắn trước khi chúng ta biết ăn chay đã làm đủ thứ, ai cũng có không ai tránh khỏi.

Chư vị nên nhớ là đối với vấn đề là linh tri của chúng sanh, trở về đó rồi linh tri của một loài vật nhỏ hay lớn đều giống nhau không khác, cái linh tri nó không có hình tướng nó không có lớn nhỏ, nó chỉ khác nhau là mê hay ngộ mà thôi, trở về đúng cái chơn tâm của chúng sanh thì chơn tâm nào cũng là một đức Như Lai hết, nếu mà ngộ ra có thể thành Phật.

Chính vì thế mà chúng ta đừng thấy ruồi muỗi kiến dán cho là dơ bẩn mà mình sát hại chúng không tốt, thưa thực ngay cả những con vật có hại, như hồi trước ở đây Diệu Âm có gặp một cái chuyện, trong một buổi lễ có một vị Phật tử, hỏi một vị Sư ở tại nước Úc này, có con nhện đích đỏ nó độc lắm, cắn có thể chết người, như vậy chúng ta có giết nó không? Vị đó trả lời liền, giết một con vật cứu cả hàng ngàn sinh mạng của con người thì tại sao lại không giết, vị sư trả lời như vậy.

Xin thưa với chư vị là Diệu Âm không đồng ý, tại vì chắc chắn con nhện đó đông lắm chỉ bằng hạt bắp là nhiều, mà ngay trên nước Úc này gần hai trăm năm qua, chưa nghe một người nào bị con nhện đó cắn chết không có, nhiều khi nó cắn bị thương và khi so sánh ra bị thương đó không nặng bằng một người trợt té trầy tay, rõ ràng nó không có gì độc hại, tại sao đi tìm giết nó, nhà Phật chúng ta không cho phép.

Phật có nói là có quyền giết con vật nhỏ, không giết con vật lớn Phật không nói như vậy, Phật nói là cử sát sanh mong các chư vị là chúng ta quyết lòng cử sát sanh, nếu chúng ta muốn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, muốn sau cuộc sanh tử này chúng ta không tái hiện cảnh sanh sanh tử tử nữa thì chúng ta nhất định phải tha thứ sinh mệnh của chúng sanh mới là điều đúng, phải có tâm từ bi rõ ràng như vậy, còn nghe con vật đó có hại quá giết con vật đó để cứu một ngàn người, suốt cuộc đời nó không cắn một người nào hết, mà nói giết một con vật đó để cứu một ngàn người thì nói oan cho nó quá.

Cho nên mong chư vị phải nhớ con kiến con ruồi con muỗi không nên giết. Có rất nhiều người tu học Phật mà vẫn không chấp nhận tư tưởng này, cứ nói con vật có hại là giết để cứu chúng sanh, đem cái tâm sát đó mà tu thì theo cái nghiệp sát đó mà chịu luân chuyển trong cảnh tam đồ ác đạo, khó có thể mà thoát nạn. Cho nên nhà Phật đưa ra vấn đề ăn chay hay vô cùng, mong chư vị mở tâm lượng ra, thương loài vật đừng có sát hại loài vật, giết hại những con vật đó điều tạo ra nghiệp sát, kết thêm mối hận thù với chúng sanh. Đây là vấn đề chúng ta chú ý, vì chúng ta đang cố tình hóa gở những mối hận thù của oán thân trái chủ của người đang ra đi đó, muốn điều giải muốn hóa giải thì tự người ra đi đó phải thành khẩn, phải sám hối và bên cạnh người ra đi, đó là gia đình của người ta cũng phải thành khẩn, những mối liên quan trực tiếp gần gũi người bệnh đó cũng phải sám hối thành khẩn mà làm thì người hộ niệm chúng ta mới dựa vào lòng thành khẩn của gia đình, xin với chư vị oán thân trái chủ buông lơi cái mối hận thù này ra để cùng nhau niệm Phật trở về Tây Phương. Xin các chư vị nhớ là những vị oán thân trái chủ đó không phải là thánh nhân mà là phàm phu, còn phàm phu chịu nạn nữa chứ không phải thánh nhân đâu.

Chúng ta cần phải có tâm địa rộng rãi ra để người ta thấy, gia đình thành tâm đấy, người bệnh thành tâm đấy, xin chư vị nương theo cơ hội này mà buông oán thù ra để cùng nhau về Tây phương thành đạo, chúng ta nói những lời này mới có giá trị và bên cạnh đó, chư vị nhớ một điều rất quan trọng là chính sự thành tâm chí thành của người bệnh và của gia đình, nó cảm ứng đến đại nguyện của đức A Di Đà được chư Bồ tát phóng quang gia trì và chư Thiên long Hộ pháp bảo vệ, đây là điều mà chư vị nhớ cho kỹ. Nếu mà người trong gia đình không thành tâm, người bệnh không thành tâm thì không được sự gia trì sự bảo vệ của chư Thiên long Hộ pháp, mà không được sự bảo vệ của các Ngài thì chư vị oán thân trái chủ tự do hành động, nên nhớ họ không phải là thánh nhân, họ là phàm phu, họ đã khổ sở, họ quyết lòng trả thù người đó thì bây giờ chư vị trong ban hộ niệm có nói gì nói đi nữa, chưa chắc gì đã động tâm đến một người đã quyết lòng trả thù, để đòi lại cái nợ sanh mạng.

Cho nên chư vị phải nhớ sự thành tâm tha thiết của người trong gia đình người bệnh rất quan trọng là ở chổ này, chứ không phải là sự tài giỏi hay cái năng lực gì của người hộ niệm, cho nên chư vị phải nhớ đừng nên sát hại sinh vật, để chứng tỏ sự kiệt thành sám hối của mình, nương vào cái đó mà ta hóa giải.

 

Câu C: Còn sát sanh hại vật thì rất khó điều giải nạn oán thân trái chủ cho người bệnh đúng không?

 

Đúng! thật sự là như vậy, còn sát sanh hại vật tức là không chịu sám hối, không chịu sám hối thì không bao giờ điều giải oan gia trái chủ được. Cho nên trước khi điều giải một nạn oán thân trái chủ, thường thường chúng ta hỏi là bác chín ơi, một đời chắc chắn bác có sơ ý, vì sơ ý vì vụng dại vì mê mờ nên bác sát sanh hại vật nhất định bác có, đây là chuyện sai lầm bác có chấp nhận không? làm sao mình gặn hỏi được người bệnh, để người bệnh nói cho được là tôi chấp nhận sai lầm, tôi rõ ràng là nhiều khi tôi mê mờ, tôi sát hại sinh vật, người ta phải thành khẩn nói lời này.

Nhờ chính cái lời này, nó thành cái duyên cho mình hóa giải ách nạn cho họ, còn những người mà mình nói, bác nhiều đời nhiều kiếp bác đã sơ ý làm những điều sai lầm, gây nghịch duyên đau khổ cho chúng sanh bác chịu không? tôi không làm cái gì sai cả. Khi một người bệnh mà nói, tôi không có làm gì sai lầm tôi ăn ở hiền lành, tôi không có sát hại, tôi không có làm gì hại chúng sanh cả thì chư vị để coi, không có cách nào để điều giải nạn oán thân trái chủ của người bệnh đó, thôi chịu thua.

Bây giờ có hộ niệm đi nữa người đó không có cách nào vãng sanh Tây phương được. Tại vì một người tới lúc đó mà còn nói như vậy thì mình đón chắc chắn là không có một vị Thiên long Hộ pháp nào đến bảo vệ cho cái người này đâu, mà chư vị nên nhớ là trong pháp giới này chư vị Bồ tát, có vị Thiên long Hộ pháp, những vị quỷ vương, người ta phát cái tâm là đi bảo vệ hộ trì cho những người tu, nhất là những người niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc. Người ta phát tâm nguyện như vậy, tức là người nào thành tâm niệm Phật trở về Tây phương thì các ngài đó phát tâm ra suốt cả cuộc đời ngài hộ trì cho người đó thì khi một người thành tâm ăn năn sám hối, kiệt thành niệm Phật trở về Tây phương thì sẽ hưởng sự gia trì đó và nhờ sự gia trì đó, mà mình có thể tới khuyên được vị oán thân trái chủ bỏ oán thù ra và cùng nhau trở về Tây phương Cực Lạc.

Mong chư vị hiểu được như vậy, chúng ta mới thấy là sở dĩ chúng ta hộ niệm được cho một người vãng sanh Tây phương Cực Lạc, nó có cái lý của nó, không phải chúng ta khơi khơi cưỡng chế hay thay đổi tất cả nhân quả của người đó. Không phải, tất cả đều có nhân quả, có đạo lý hết, mong chư vị hiểu được như vậy, chúng ta mới thấy lời khai thị của ngài Ấn Tổ vẫn có giá trị tuyệt vời “Chí thành chí kính là cái đạo nhiệm mầu” giúp cho chúng ta vượt qua cái ách nạn của nghiệp chướng, trở về Tây phương một đời thành đạo.

 

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

 

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm - Chương 4: Gia Đình Và Người Bệnh

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –