Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa Đàm 195)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin chư vị mở trang 78. Hôm nay chúng ta nói đến vấn đề thứ 9:
Để cho gia đình nắm vững quy luật về hộ niệm, ban hộ niệm cần phải làm gì?
Mấy ngày trước chúng ta nói về tờ di chúc, đây là việc chính người bệnh phải làm. Người bệnh dặn dò gia đình những gì để hợp thuận với Pháp Hộ-Niệm thì mới được hộ niệm. Hôm nay chúng ta nói qua phần việc của người hộ niệm cần phải làm gì để cho gia đình người ta yên tâm, hiểu rõ rằng quy luật về hộ niệm nhằm mục đích giúp cho cuộc hộ niệm thành công, nghĩa là người thân yêu của họ dễ có được cơ hội vãng sanh. Xin đọc qua những đáp án sau đây:
Câu 9(a): Ngày đầu tiên, cần tụ họp mọi người trong gia đình để ban hộ niệm giải thích rõ ràng từng điểm của bản: “Những quy định dành cho gia đình bệnh nhân”.
Đúng không chư vị? – [Đúng]. Điều này rất quan trọng đấy. Thường những ban hộ niệm mới thành lập, chưa có kinh nghiệm hay lơ là chuyện này, vì nghĩ rằng nếu đặt ra quy luật gắt gao thì có thể gia đình sẽ không thực hiện được, người bệnh sẽ mất cơ hội được hộ niệm vãng sanh, và mọi người sẽ nghĩ là ban hộ niệm yếu kém lòng từ bi. Chính vì nghĩ như vậy, nên hễ gia đình nào có người bệnh tới mời thì ban hộ niệm đều nhận lời liền. Không ngờ, sau một thời gian hộ niệm, chính sự sốt sắng này đã làm cho nhiều người xuống tinh thần, Pháp Hộ-Niệm không được sự tin tưởng của đại chúng nữa, và nhiều ban hộ niệm đành phải giải tán. Vì sao vậy? Vì hầu hết những ca hộ niệm đều bị thất bại.
Hộ niệm thì quá cực khổ, mà không thấy được một sự thành tựu nào khả quan để an ủi gia đình, an ủi người hộ niệm. Tinh thần hộ niệm ban đầu thì cao như núi, sau cùng thì tan tành theo mây khói. Trước đây có những thông tin từ các ban hộ niệm báo rằng, từ ngày đó… tháng đó… năm đó… trở về trước, chúng tôi hộ niệm luôn mấy năm trường, với mấy chục ca mà không thấy một hiện tượng gì gọi là vãng sanh cả. Thành viên ban hộ niệm bắt đầu chán nản, có người bỏ đi, có người không thèm nghĩ tới hộ niệm nữa, và nhất là đã sinh ra nhiều sự dị nghị, bài báng bởi dân chúng trong vùng!…
Chư vị mới thấy đó, làm đạo không phải dễ, không phải nghĩ sao làm vậy mà được đâu.
Khi nghe được những thông tin này, Diệu Âm khuyên những ban hộ niệm đó hãy bình tĩnh cố gắng nghiên cứu thật kỹ Pháp Hộ-Niệm, nắm cho thật vững quy luật Pháp Hộ-Niệm và áp dụng đúng mức mới tốt. Bây giờ cụ thể nhất là hãy đến học tập với những ban hộ niệm đã có uy tín để rút thêm kinh nghiệm, Diệu Âm giới thiệu cho họ những ban hộ niệm có thành quả tốt. Và, nhờ vậy mà họ ngộ ra những sơ suất của chính mình. Sau đó, đi hộ niệm lại, thành quả đã thay đổi một cách khá bất ngờ. Họ điện thoại báo lại rằng: “Từ đó về sau chúng tôi hộ niệm liên tục 4-5 chục ca, không có ca nào thất bại hết…”. Sự thành tựu thật bất khả tư nghì!
Chư vị thấy đó, tác dụng của quy luật vô cùng quan trọng. Quy luật mạnh, hộ niệm vững. Quy luật vững, hộ niệm mạnh. Hộ niệm có vững mạnh mới có sự thành tựu, mới giúp cho người bệnh an tâm, mới khiến cho gia đình tin tưởng, không cản trở, quyết lòng làm đúng quy luật hộ niệm, nhờ thế mới giúp cho người bệnh vượt qua ách nạn của nghiệp chướng mà vãng sanh Tịnh-Độ.
Ngược lại, nếu ban hộ niệm sử dụng lòng từ bi không hợp lý, trường hợp nào cũng nhận, không cần điều kiện nào cả, thì dễ đưa đến tệ trạng “Từ bi đa họa hại!…”, biến Pháp Hộ-Niệm thành một việc làm bất cẩn, mọi người dễ đánh giá sai lầm, làm cho một đại pháp cứu tinh trở thành tầm thường, vẫn mịt mịt mù mù trên đường giải thoát, chẳng khác gì như trong quá khứ cứ chờ đợi chết rồi tới mời Thầy cầu siêu. Một người phàm phu nghiệp chướng quá nặng, nếu không được hộ niệm thì làm sao tìm ra được một người thoát nạn đây?
Chính vì thế, “Ngày đầu tiên, cần tụ họp mọi người trong gia đình để giải thích rõ ràng từng điểm về “những quy định dành cho gia đình bệnh nhân”. Ban hộ niệm cần giải thích cặn kẽ từng điều một, và đề nghị gia đình phải làm đúng theo những điều quy định đó mới có thể hộ niệm được, và nhờ thế, người bệnh mới có hy vọng được vãng sanh.
Ở Việt Nam, có nhiều ban hộ niệm đã yêu cầu tất cả thành viên trong gia đình phải ký tên đồng thuận vào bản quy định mới được hộ niệm. Tất cả trên dưới đều đồng lòng, trong ngoài đều hợp sức nhau, làm cho người bệnh được sự hỗ trợ tốt mà an tâm niệm Phật vãng sanh. Nói chung, gìn giữ quy luật vững vàng, hộ niệm sẽ có xác suất thành công rất cao vậy.
Câu 9(b): Gia đình phải tôn trọng và thực hiện đúng bản quy định mới được hộ niệm.
Đúng không chư vị? – [Đúng]. Nếu ngày đầu tiên làm việc về bản quy định, mà thấy gia đình ỡm ờ, nửa muốn hộ niệm, nửa e ngại về quy luật, thì ban hộ niệm nên dành cho gia đình vài ba ngày để hội ý, rồi sau đó hẹn gặp lại để quyết định chính thức. Tất cả quy luật này đều nhằm mục đích giúp cho người thân của họ có cơ hội vãng sanh, chứ không có điều gì quá khó khăn cả, chỉ có tinh thần người gia đình có thực sự muốn được hộ niệm hay không mà thôi. Tuy nhiên, dù sao cũng nên khuyến khích gia đình cần cân nhắc cẩn thận, và thẳng thắn nêu lên những điều nào có thể gây khó khăn làm cho gia đình không thể thực hiện được, ban hộ niệm sẽ dựa vào đó mà giải thích thêm.
Hãy giảng giải, phân tích từng điểm từng điểm rõ ràng cho họ biết. Những gút mắc cần nên giải tỏa trước khi chính thức hộ niệm mới tốt, đừng nên quá mập mờ mà đưa đến nửa chừng thất bại không hay.
Hộ niệm cho một người phàm phu giúp họ vượt qua ách nạn của nghiệp chướng, thoát khỏi cảnh đọa lạc, vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo không phải là điều đơn giản. Trải qua hàng ngàn năm, hàng triệu người tu hành, mà sau cùng tìm được một người thoát vòng sanh tử khổ nạn không phải dễ thấy lắm đâu.
Ban hộ niệm cần nhắc nhở gia đình nên ý thức rằng, hộ niệm cho một thành viên trong gia đình của họ thoát khỏi ách nạn, được vãng sanh thành một vị Bồ-Tát bất thoái thành Phật không phải là một việc tầm thường. Gia đình cần phải tin tưởng, chí thành chí kính, phải coi đây là một việc vô cùng trọng đại, mà cần tích cực cộng tác với ban hộ niệm để trợ duyên cho người thân được vãng sanh. Nhất nhân thành đạo, cửu huyền thăng. Một người trong giòng tộc siêu sanh, thân bằng quyến thuộc nhiều đời thoát được tam đồ ác đạo, công đức vãng sanh quá lớn, xin chớ xem thường việc hộ niệm. Sự thành tựu cho người thân rất cần lòng tin của người thân, rất cần sự hỗ trợ của gia đình. Nhắc nhở họ, sự hỗ trợ này không phải là cho ban hộ niệm, mà để nuôi dưỡng chí nguyện vãng sanh của người thân. Việc này chỉ có gia đình mới làm được, còn ban hộ niệm chỉ đến hướng dẫn cho gia đình và người bệnh tự làm lấy mà thôi.
Cho nên, tôn trọng quy luật để người thân được vãng sanh là gia đình có lòng từ bi với chính người trong gia đình của họ, chứ không phải từ bi đối với ban hộ niệm, không phải làm việc theo cảm tình mà được thành tựu đâu. Phải nói rõ vấn đề cho gia đình ý thức đứng đắn vậy.
Câu 9(c): Nếu có điều gì khó thực hiện được, hoặc bị trở ngại do hoàn cảnh tạo ra… thì gia đình cần nói rõ trước để ban hộ niệm xét lại, uyển chuyển mà giải quyết.
Đúng không chư vị? – [Đúng]. Cần nên trắc nghiệm để nắm vững tinh thần của người trong gia đình. Việc làm này liên quan nhiều đến vấn đề tâm lý để gạn lọc dần những điều tiêu cực còn đọng lại trong tinh thần người gia đình. Hãy nói những lời đầy tin tưởng để khuyến tấn tinh thần của họ mạnh lên. Càng có sự gạn lọc chừng nào, càng tạo thêm xác suất thành công của ca hộ niệm lên. Quy luật càng vững vàng chừng nào, xác suất hộ niệm thành công càng cao chừng đó. Ban hộ niệm đừng quá lo lắng về vấn đề cảm tình, đừng lo sợ rằng quy luật sẽ tạo khó khăn, làm mất duyên hộ niệm. Sự thành tựu tùy thuộc vào sự thuận duyên chứ không nhờ được đến nghịch duyên đâu.
Xin thưa với chư vị, việc thiện không phải ở chỗ gây được cảm tình, mà chính là tạo được lợi ích thiết thực cho chúng sanh. Tất cả những việc làm của ban hộ niệm đều vì lợi ích chúng sanh mà chúng ta làm. Nên nhớ rõ điều này, ban hộ niệm không vì một quyền lợi nào khác ngoài việc muốn giúp cho người có duyên được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Muốn cứu một người phàm phu từ cảnh đọa lạc thoát nạn, được vãng sanh thành Phật không phải là chuyện dễ dàng, đơn giản.
Trong “Tứ-Nhiếp-Pháp”, Phật dạy: Bố-Thí, Ái-Ngữ, Lợi-Hành, Đồng-Sự. Pháp Hộ-Niệm bao dung cả 4 điều thâu nhiếp này, trong đó “Ái-Ngữ” không có nghĩa là những lời nói ngọt ngào để vừa lòng nhau, mà những lời nói nào làm cho người đó thực sự được lợi ích. Ví dụ, gặp phải một người bệnh đang bị ách nạn, rơi vào những cảnh giới xấu, thần sắc hoang mang, tâm hồn bị khủng hoảng… thì những lời nói nhẹ nhàng, êm như ru không phải là “Ái-Ngữ”, vì không giúp ích được gì, và người đó vẫn tiếp tục chìm sâu vào trong cảnh khổ. Nếu ra đi trong trạng thái này thì chắc chắn bị đọa lạc, vạn đời vạn kiếp chịu khổ đau, không hay ho gì đâu. Vậy thì “Ái-Ngữ” chính là lời nói mạnh, lời nói lớn, nhiều khi nhờ một tiếng nói lớn rất mạnh mà làm cho họ tỉnh lại, nhờ đó mà ta mới có thể an ủi, khuyên nhắc họ niệm Phật để có cơ hội vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo vậy.
Trong việc giải thích quy luật hộ niệm với gia đình, ban hộ niệm cần có tinh thần vững vàng, lời nói vững vàng để giúp cho gia đình hiểu ra vấn đề rất quan trọng, quyết lòng cộng tác chặt chẽ với ban hộ niệm để cứu lấy người thân của họ. Như vậy, cứu giúp người bệnh được vãng sanh mới chính là điều thiện, chứ không phải nhẹ nhàng, xử sự theo cảm tình làm cuộc hộ niệm bị thất bại là thiện đâu nhé.
Câu 9(d): Chỉ cần gởi bản “Những quy định dành cho gia đình bệnh nhân” để thân nhân biết qua mà tự thực hành lấy là được.
Được không? – (Sai). Gởi bản quy định thì ban hộ niệm nên gởi trước và dặn gia đình hãy đọc kỹ trước đi. Nhưng trên thực tế nhiều khi người ta không thèm đọc đến. Nhất là những người không tin, có người còn tìm lời chống báng nữa là khác.
– Ồ! Sao khó khăn quá vậy! Trước đây đâu quy luật này, quy luật nọ? Khi ông nội mình chết, có ai đòi hỏi điều kiện gì đâu? Rồi tới bà nội mình chết, có ai ra quy định nọ, quy định kia mới được làm lễ đâu? Tại sao nay cha mình đang bị bệnh, họ không chịu sốt sắng cứu giúp, mà đòi hỏi quá nhiều điều kiện, làm cho gia đình phải chịu khó khăn? Tu hành kiểu gì mà thiếu hẳn lòng từ bi vậy? V.v…
Chư vị ơi!… Sự phê phán này mới nghe qua có phần đúng đấy chứ, nhưng chỉ đúng với cái nhìn của thế gian, còn quá sai với con đường muốn thoát nạn sanh tử luân hồi, vãng sanh thành đạo rồi phải không. Tu hành không chú trọng vào sự thành đạo thì chỉ cần làm vừa lòng nhau là đủ rồi, tương lai mạnh ai nấy lo, đọa lạc tự ai nấy chịu. Còn người hộ niệm quyết lòng cứu giúp cho người vãng sanh thì quy luật phải nghiêm minh mới hoàn thành tâm bồ-đề cao cả. “Thuốc đắng mới dã tật”. Thuốc tốt thì đắng nhiều, uống nước ngọt cho thỏa thích thì làm sao được hết bệnh?
Hộ Niệm là pháp có thể xoay chuyển cảnh giới, giúp một phàm phu thay vì xuống tam ác đạo chịu nạn, nay được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thành Phật, mà chúng ta lại đồng hóa với những phương pháp bình thường, làm việc cho hợp với cảm tình để lấy lòng nhau mà được sao? Giáo pháp của Phật nhằm cứu độ tất cả chúng sanh, nhưng nếu sơ ý thì có mấy người được cứu độ đây? Chư Phật muốn cứu chúng sanh, các Ngài cũng đắng mồm đắng miệng khuyên nhắc, cũng đòi hỏi một chúng sanh phải giữ đúng giới luật mới cứu độ được. Ta là phàm phu muốn giúp ích nhau mà không chú ý đến quy luật thì làm sao cứu được một người? Quy luật phải được giảng giải rõ ràng thì gia đình người bệnh và mọi người mới tôn trọng vậy.
Thực sự Pháp Hộ-Niệm đã cho chúng ta thấy sự vi diệu rất cụ thể. Hiện tượng vãngsanh lưu lại tướng lành, vẫy tay chào vãng sanh, biết được ngày giờ vãng sanh, ngồi vãng sanh, đứng vãng sanh… đã hiển hiện quá nhiều rồi, không còn tính đếm được nữa. Sự thành tựu này thực sự vô cùng quý báu phải không?
Vậy thì, còn đứng đây để nghinghi ngờ nữa sao? Còn nỡnào lạnh nhạt mà đánh mất cái duyên lành này sao? Phàm phu tâm trí mê mờ, tội chướng sâu nặng, đang chờ đại nạn. May mắn thay, nay nhờ gặp đại cứu tinh này mới thấy sự cứu nạn rõ ràng trước mắt mà không bám chặt để thoát nạn, lại khởi niệm nghi ngờ để đánh mất duyên lành đi. Duyên lành mất thì duyên ác khởi ra, kéo mình dìm vào tam ác đạo. Khi nhận lấy đại nạn rồi thì thoát cách nào đây?
Thôi mau mau đóng duyên ác lại, mở duyên lành ra. Duyên lành chính là Pháp Niệm-Phật Hộ-Niệm Vãng-Sanh với đầy đủ quy luật. Duyên lành này mở tới đâu cứu người tới đó.
Chư vị ơi!… Hãy mau mau cứu lấy chính mình, cứu những người có duyên cùng vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc nhé.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.