Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 185) | Điệu Kiện Để Người Bệnh Được Hộ Niệm

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 185)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

Nam Mô A- Di-Đà Phật.

Xin mở trang 74. Câu (c): Gia đình cần nói rõ ý định, hoặc muốn người thân sớm bình phục, hoặc muốn người thân sớm vãng sanh để ban hộ niệm làm đúng theo ý nguyện của gia đình.

Đúng hay sai? – (Sai). Sai quá chừng sai. Mục đích của hộ niệm là làm sao giúp cho người mãn báo thân đó được vãng sanh. Đây là mục đích duy nhất của ban hộ niệm. Nhưng xin thưa thực rằng, hiện giờ trên thế gian này tìm được một người muốn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc cũng khó lắm đấy. Vì sao vậy? Vì chỉ có những người biết niệm Phật, biết nghe pháp vãng sanh, và giác ngộ ra đường vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc là tối thắng, là mục đích chính của Phật Giáo thì mới có ý định sau khi mãn báo thân này vãng sanh về Tây phương Cực Lạc. Ngoài ra thì tìm đâu có người biết chuyện vãng sanh. Ví dụ cụ thể, có một bà cụ tới đây niệm Phật, nhưng khi nghe nói đến hộ niệm thì lại sợ quá, bỏ đi, không dám tới nữa!…

Hôm nay chúng ta ngồi đây bàn chuyện vãng sanh với nhau, là một cơ duyên hy hữu trong vô lượng kiếp, khó lắm đấy, không dễ đâu. Trên thế gian này tìm ra được một người tin chuyện vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc không dễ. Chúng ta có cơ duyên gặp được Pháp Hộ-Niệm, đi hộ niệm thấy được những người đi vãng sanh lưu lại tướng lành quá tốt đẹp, để 10 ngày, 20 ngày niệm Phật mà thân tướng càng ngày càng tốt đẹp hơn, làm cho chúng ta giựt mình tỉnh ngộ. Giựt mình vì phát hiện điều vi diệu, tỉnh ngộ ra một phương pháp tu hành một đời thành tựu của Đức Thế-Tôn trao lại cho chúng sanh mà từ lâu rồi chúng ta chưa có duyên biết tới.

Cho nên để cứu độ người hữu duyên vãng sanh, xin hãy đem cái duyên vãng sanh đến cho đại chúng. Mọi sự vận động, giao lưu rộng lớn Pháp Hộ-Niệm này sẽ là điều vô cùng lợi lạc, vô cùng quý hóa, vô cùng thiết yếu. Một người vận động không bằng hàng trăm người vận động, hàng trăm người vận động không bằng hàng ngàn người vận động. Xin chư vị hãy cùng nhau giao lưu Pháp Hộ-Niệm này để chúng ta nhận thêm được những thông tin vãng sanh quý báu. Nếu chư vị thấy được Pháp Hộ-Niệm này vô cùng lợi lạc cho chúng sanh, thì xin cùng nhau phát tâm phổ biến, hãy vì chúng sanh nói chung, vì người Việt Nam nói riêng, chúng ta cùng nhau làm đạo cứu đời. Hộ niệm là pháp phương tiện rất thiết thực cho chúng ta thực hiện để phục vụ chúng sanh một cách hiệu quả.

Muốn hộ niệm có hiệu quả tốt, không phải chìu theo ý nguyện của gia đình, mà phải vận động gia đình và người bệnh phải làm đúng theo quy luật của Pháp Hộ-Niệm thì mới có thể được thành tựu. Vấn đề này cần nên giảng nói rõ ràng cho gia đình và người bệnh biết trước khi bắt tay hộ niệm vậy.

(d): Không nên chạy theo tập tục thế gian mà tạo thành chướng nạn làm mất cơ hội vãng sanh của người thân.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Tất cả những vấn đề này đưa ra phản ánh trung thực những hiện tượng của người hộ niệm ở khắp nơi. Rất nhiều người làm theo tập tục thế gian mà cứ tưởng rằng hành theo Phật Giáo. Ví dụ, khi người chết rồi, gia đình cạy miệng đổ vào chút nước, chút gạo, chút nếp, v.v… cho người chết khỏi bị đói khát, hoặc đặt vào tay người chết chút ít tiền, để xuống âm ty tiêu dùng… Người thế gian có rất nhiều tập tục lạ lùng quá! Mỗi dân tộc có những tập tục riêng, có căn bản gì giá trị không? Ở Việt Nam chúng ta, trước đây bị đô hộ qua nhiều thế kỷ từ giặc ngoại xâm phương bắc nên có nhiều tập tục bắt nguồn từ họ như: thờ Thần Tài, đốt giấy vàng mã, tiền âm phủ in theo hình đồng tiền xu của nhà Thanh, v.v… Quen theo lệ đó, ngày nay thấy thế lực đồng Dollar, Euro thịnh hành hơn nên lại in ra tiền âm phủ dưới dạng tờ giấy tiền Dollar, tiền Euro để đem cúng vong. Tất cả đều do người đời đặt ra, chứ người chết rồi mà còn dùng tiền nữa sao? Lại còn có khả năng dùng tiền giả nữa chứ?!…

Xin thưa chư vị, tập tục thế gian có tốt có xấu. Tốt thì gọi là thuần phong mỹ tục. Thuần phong mỹ tục là những sinh hoạt dựa trên vấn đề đạo đức tốt đẹp, chúng ta nên tôn trọng, gìn giữ. Cũng có nhiều tập tục không có cơ sở đạo đức, thường lợi dụng lòng tin của người dân mà tạo nên những hủ tục mê tín sai lầm. Ví dụ khai thác vấn đề huyễn hoặc để lôi kéo tín đồ, đem những chuyện kinh hãi để hù dọa, dựng lên nhiều chuyện hoang đường gây điều sợ hãi cho gia đình để mưu lợi bất chánh, v.v… Thật sự có nhiều tập tục quá lạ lùng!… Trong thời mạt pháp này, trên thế gian nẩy sinh ra rất nhiều vấn đề dị đoan mê tín, đánh vào tâm lý bất an của đại chúng để trục lợi bất chánh. Người học Phật chân chánh phải giữ vững chánh tri, chánh kiến, quyết y kinh y pháp tu hành mới an ổn vậy.

Cho nên, mong các ban hộ niệm cần nắm vững vàng quy luật hộ niệm. Khi đến với người bệnh trong một gia đình, cần nhạy bén nhận ra những chướng ngại để tìm cách hóa giải. Chướng ngại vì gia đình không hiểu đạo, chướng ngại vì thiếu niềm tin, chướng ngại vì chưa biết về hộ niệm, v.v… Chính những chướng ngại này làm cho cuộc hộ niệm bị thất bại. Chính vì thế, muốn cứu được một người, ban hộ niệm phải vững quy luật, cần giảng giải quy luật rõ ràng, cụ thể cho gia đình và người bệnh biết và làm theo cho đúng. Được vậy mới có thể cứu người vãng sanh vậy.

(e): Khuyên người bệnh phải kiêng cử ăn uống để sớm được vãng sanh.

Đúng hay sai? – (Sai).  Xin hỏi chư vị nhé, việc này có xảy ra không? Có đấy. Chính Diệu Âm này đã từng gặp qua người hộ niệm khuyên người bệnh bỏ ăn uống để vãng sanh sớm. Không biết những người hộ niệm này học pháp ở đâu mà lại có những lời khuyên lạ lùng như vậy? Trong khi người bệnh mệt lã người, mà người hộ niệm còn tới trách mắng: Giờ đây mà còn đòi ăn, còn lo đến cái thân này nữa thì làm sao được vãng sanh?… Phải buông xả hết ra chứ…”. Họ khuyên người bệnh đừng ăn uống nữa… Ôi lạ lùng thay!… Mình còn khoẻ như thế này, sáng ăn một cữ, trưa ăn một cữ, chiều ăn một cữ, ngày 3 cữ ăn no nê rồi mà trong giỏ xách còn phòng hờ thêm vài trái chuối, ít cái bánh, vài hộp nước ngọt để lúc rảnh rỗi làm thêm, vậy mà lại bắt người bệnh kiêng ăn cữ uống thì người bệnh làm sao có sức để tỉnh táo mà niệm Phật. Lạ lùng thật!… Rõ ràng, những người hộ niệm này không nghiên cứu kỹ, tự nghĩ sao làm vậy, đưa đến chỗ cực đoan sai lầm!…

Chánh pháp của Phật không bao giờ đi ngược lại với đạo lý tự nhiên. Hộ niệm cũng không ngoài nguyên lý này. Nghĩa là sao? Ví dụ, người bệnh đang đói thì cho họ ăn, đang khát thì cho họ uống. Đây là đạo lý tự nhiên. Người bệnh đang hoang man lo sợ đến cảnh chết làm cho tâm hồn bấn loạn bất an, người hộ niệm tìm cách khuyên giải giúp cho họ trở về trạng thái an nhiên, không còn lo sợ nữa. Hãy giảng giải cho họ biết rõ rằng, thân xác vô thường ai cũng phải đến một ngày phải xả bỏ, nhưng chính mình không chết. Vậy hãy quyết dùng cơ hội mãn báo thân này để vãng sanh về nước Cực-Lạc để hưởng cảnh an vui hạnh phúc vô sanh vô tử, thành tựu đạo quả. Hãy ủng hộ tinh thần cho họ vươn lên, hướng dẫn đường vãng sanh cho họ thấy cơ hội thoát tử. Hãy giúp cho người bệnh ngộ ra chính Chơn-Tâm Tự-Tánh của họ là Phật, nên mau mau trở về đất Phật để siêu thoát, không chạy theo cục thịt vô thường này để chịu khổ đau nữa. Tất cả đều hợp với nguyên lý tự nhiên.Huongf71

 

không chạy theo cục thịt k

Nhiều người có tu hành, nhưng khi bệnh xuống thì giết gà giết vịt đến đền miếu cúng tế Thần Linh cầu xin hết bệnh. Việc làm này trái với lòng từ bi, trái với luật nhân quả, trái với đạo lý tự nhiên. Nhân dịp cha mẹ chết, con cái giết hại chúng sanh cúng tế, làm tiệc đãi đằng, tạo thêm nghiệp sát, làm cho tội chướng của cha mẹ càng nặng hơn là trái với đạo đức, trái với đạo lý tự nhiên. Tất cả những hành động trái với đạo lý tự nhiên thì không thể gọi là chánh pháp được.

Như vậy người đói đến mệt lã mà không cho họ ăn là không đúng với đạo lý tự nhiên. Người khát nước muốn xỉu mà không cho họ uống là sai đạo lý tự nhiên. Pháp Hộ-Niệm hành đúng theo đạo lý tự nhiên, giúp cho người trở về trạng thái an nhiên tự tại. Người đói phải được cung cấp thức ăn. Người khát phải được tiếp nước.  Người đang lo âu mà không giải tỏa sự lo âu, thì làm sao họ có thể có được trạng thái tự nhiên? Người đang sợ hãi mà không giúp họ xóa tan sự sợ hãi, thì làm sao họ có được sự tự tại?

Một người đang mê mờ chạy theo đường đọa lạc, hãy cứu họ thoát cảnh đọa lạc đó để trở về cảnh giới an nhiên cực lạc. Như vậy, an nhiên, cực lạc, hạnh phúc, giải thoát… là đạo lý tự nhiên. Pháp Hộ-Niệm hướng dẫn chúng ta vãng sanh tới cảnh giới an vui cực lạc, thì đây chính là đạo lý đại tự nhiên. Đúng không chư vị? Rất nhiều người, hàng vạn người nhờ hộ niệm mà đã được vãng sanh hưởng đời an vui cực lạc, thoát vòng sanh tử khổ nạn rồi. Thành quả này làm cho chúng ta giựt mình tỉnh ngộ ra đường tu giải thoát. Xin hãy nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm cho vững để tự mình thành tựu đại lý tự nhiên, an vui cực lạc và giúp người hữu duyên cùng thành tựu.

Một là tất cả, tất cả là một. Hãy hiểu thấu một Pháp Hộ-Niệm này, thì sẽ hiểu thấu vạn pháp trong vũ trụ nhân sinh. Phàm phu đừng sơ ý chạy tìm hiểu đến vạn pháp, trong khi một pháp đại cứu tinh gần gũi bên cạnh lại không vững, làm cho oan uổng một đời tu tập, để sau cùng đọa lạc vẫn hoàn đọa lạc vậy thôi.

(f): Cần cho người bệnh ăn uống đầy đủ hầu có sức khoẻ, tinh thần tỉnh táo mới niệm Phật tốt được.

Đúng hay không? – (Đúng). Câu này trả lời cho câu trên. Vậy thì, những ai trước đây hộ niệm từng áp dụng những phương thức sai lầm, nghịch lại với đạo lý tự nhiên, thì hôm nay nghe những lời này xin tỉnh giác, mau mau sửa đổi. À!… Mình sơ ý không cho người bệnh ăn uống no đủ là sai lầm, bây giờ phải cẩn thận chăm sóc về ăn uống cho đầy đủ. Khi người bệnh còn ăn được, hãy chú trọng về phẩm chất thức ăn, pha loãng từng thìa sữa bổ dưỡng để gìn giữ sức khỏe cho họ là điều tốt. Khi nào người bệnh không còn khả năng tiếp nhận thức ăn nữa thì đành phải chấm dứt thôi. Không ăn được, nhưng tiếp nước cho họ vẫn cần thiết để kéo dài sự tỉnh táo cho người bệnh. Chăm sóc như vậy mới đúng Pháp Hộ-Niệm.

Lại có những người hộ niệm, khi thấy người bệnh không ăn được nữa, chỉ uống được chút nước thôi, nhưng cứ nằm hoài từ tuần này qua tuần khác mà vẫn không ra đi, làm cho gia đình và ban hộ niệm trải qua những ngày khá vất vả, nên đưa tới quyết định là không tiếp nước nữa để người bệnh được vãng sanh sớm. Đây là hành động sai lầm, đã cưỡng bức người bệnh một cách vô lương tâm, bắt họ phải chết khát, chứ không phải được vãng sanh sớm đâu.

Phải nhớ, mạng số một người đều có định hạn. Người hộ niệm nhất định phải thuận theo đạo lý tự nhiên, không được sơ ý làm những điều sai lầm.

(g): Cần thường xuyên thay đổi thế nằm, có thể xoa bóp giúp bệnh nhân thoải mái mà niệm Phật.

Đúng hay không chư vị? – (Đúng). Có một dịp về Việt Nam, Diệu Âm được mời tới thăm và khai thị cho một người bệnh đang được gia đình hộ niệm, nhưng đã ứng dụng quy luật hộ niệm khá sai lầm. Người bệnh nằm trong căn phòng khá nóng nực, chăn gối hình như không được giặt giũ thường xuyên… Diệu Âm hỏi:

– Chư vị có thường xuyên giúp trở mình cho bà Cụ không?

– Anh Diệu Âm có dặn rằng, khi hộ niệm không được đụng vào thân thể người bệnh, nên chúng tôi làm sao dám đụng tới!… Họ trả lời.

– Ủa!… Như vậy từ hồi giờ chư vị cứ để bà Cụ nằm im như vậy à? Bà Cụ bị đau mình nhức mỏi làm sao chịu nổi?… Diệu Âm ngạc nhiên hỏi lại như vậy.

Thật là một sự hiểu lầm quá lớn, vô cùng bất cẩn!… Diệu Âm mạnh tiếng đính chính, chưa bao giờ Diệu Âm nói rằng, hộ niệm không được đụng chạm đến người bệnh, và hối thúc gia đình mở chăn mền ra, xoa bóp, trăn trở, lau mình cho người bệnh. Khi nghiêng lưng bà Cụ lên, mọi người ai cũng giựt mình hoảng hốt vì phát hiện ra dưới lưng bà Cụ có một ổ kiến hôi, kiếm bò đen kịt!…

Nghiên cứu hộ niệm không cẩn thận, ứng dụng sai lầm, biến cuộc hộ niệm thành một cuộc hành xác người bệnh mà không hay. Pháp Hộ-Niệm chỉ dạy rằng, một người bệnh khi tắt hơi rồi, thì trong vòng 8 giờ không nên đụng chạm vào thân xác của họ. Mình nghiên cứu không kỹ, bất cẩn biến thành quy luật: “Hộ niệm không được đụng đến thân thể người bệnh!…”.

(h): Gia đình tích cực cộng tác chặt chẽ với ban hộ niệm để hộ niệm cho người thân là điều rất quan trọng.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Điều này vô cùng quan trọng! Vô cùng quan trọng! Gia đình nào có con cháu biết hộ niệm là cả một đại phước báu. Gia đình nào mà con cháu không tin hộ niệm là một nghịch duyên lớn. Xin chư vị phải lo giải quyết vấn đề này, ví dụ làm di chúc gì, dặn dò con cháu, sắp xếp việc gia đình, v.v… để cho ngày cuối cùng của mình tránh sự trở ngại. Có nhiều gia đình con cháu không những không tin tưởng, mà còn chống đối việc hộ niệm là một đại chướng nạn cho mình. Hầu hết những cuộc hộ niệm bị đổ vỡ là do tình trạng này. Thông thường ít có một gia đình trên dưới đều đồng thuận với nhau về chuyện hộ niệm vãng sanh. Tuy nhiên, không tin mà không chống đối chúng ta vẫn còn nhiều cơ hội được hộ niệm vãng sanh. Mong chư vị cố gắng lo liệu trước, phải lập di chúc trước, dặn dò con cháu để khi mình nằm xuống có sự hổ trợ tích cực mới an tâm.

Cầu mong chư vị ai ai sau cùng cũng được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thành tựu đạo quả.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm - Chương 4: Gia Đình Và Người Bệnh

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –