Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 196) | Nếu Gia Đình Không Chấp Nhận Hoặc Cố Tình Làm Sai Lệch Quy Định Về Hộ Niệm Thì BHN Nên Làm Gì?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa Đàm 196)

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Khi mới bắt đầu giảng nói về tập sách này, nhìn qua tiết mục của nó nhiều quá cũng cảm thấy ngán ngẩm, nhưng giờ đây nhìn lại thì thấy chúng mình đã đi qua gần nửa đoạn đường rồi. Thôi thì, từng bước từng bước kiên trì đi tới, chắc chắn có ngày cũng phải xong. Hôm nay chúng ta bắt đầu nói tới câu số 10 ở trang 79.

Nếu gia đình không chấp nhận hoặc cố tình làm sai lệch quy định về hộ niệm thì: (Thì chúng ta làm sao đây)?

Để giúp được một người có cơ hội vãng sanh, khởi đầu mình dặn dò người bệnh làm di chúc, rồi nói đến ban hộ niệm nên làm sao để giữ cái tâm nguyện của gia đình vững vàng, bây giờ đây mình lại bàn đến vấn đề: nếu gia đình không vững mà còn cố tình vi phạm quy định hộ niệm nữa thì chúng ta làm sao đây?

Trong tập sách này, chúng ta nêu ra từng bước từng bước vững vàng để đi, từng điểm từng điểm thiết thực để làm. Hãy hướng dẫn nhau giải quyết từng điều cụ thể, rõ ràng, không nên úp úp mở mở, không nên mập mập mờ mờ…

Câu 10(a): Ban hộ niệm nên từ chối việc hộ niệm nếu chưa nhận ca. Nếu đang hộ niệm thì đình chỉ.

Đúng không? – (Làm thinh!)… Ban hộ niệm nên từ chối việc hộ niệm nếu chưa nhận ca. Nếu đang hộ niệm thì đình chỉ. Chư vị có đồng ý với quyết định này không? – (Đồng ý). Đúng rồi, vì gia đình không chấp nhận hộ niệm thì làm sao có thể hộ niệm được? Có luật lệ nào cho phép một người tự động vào nhà người khác mà không được sự đồng ý của gia chủ? Có hợp đồng nào mà một bên bác bỏ lại có thể thực hiện được? Hộ niệm là mình hướng dẫn mà người ta không làm theo, thì làm sao có thể hộ niệm được? Cũng có nhiều trường hợp, đầu tiên thì người ta đồng thuận, nhưng sau đó thì bãi bỏ, cố tình làm sai lệch với quy định của Pháp Hộ-Niệm, thì dù đang hộ niệm cũng đành đình chỉ mà thôi. Đúng không chư vị? – (Đúng). Tất cả đều phải đủ duyên, vô duyên không giúp nhau được. Một phần quý trọng một phần lợi ích. Một phần khinh thị một phần thiệt hại. Khi vô duyên, không quý trọng Pháp Hộ-Niệm, thì dù có hộ niệm cũng chỉ là điều miễn cưỡng, người được hộ niệm cũng không hưởng được sự lợi ích gì đâu.

Sẵn đây Diệu Âm xin kể ra cuộc hộ niệm cho một người theo Thiên-Chúa Giáo tại Úc này, gia đình hoàn toàn là tín đồ Thiên-Chúa Giáo thuần thành. Vị đó bị ung thư tới thời kỳ cuối cùng, tâm trạng khá bối rối, có liên lạc cầu cứu với nhà Thờ và cả đến nhà Chùa. Nơi nào cũng nhận lời giúp đỡ, nhưng phải chờ chết xong mới được rửa tội hoặc cầu siêu độ… Vị đó có quen biết với một ban hộ niệm, và được ban hộ niệm hướng dẫn khuyến tấn theo Pháp Niệm-Phật Hộ-Niệm Vãng-Sanh. Vị đó nghe qua khá thích thú rồi phát tâm tin tưởng…

Dịp đó, Diệu Âm từ Brisbane được mời tới đó nói chuyện về hộ niệm. Ban hộ niệm mời cả gia đình tới nghe trọn ba ngày tọa đàm, và được hiểu sâu thêm về đạo lý vãng sanh. Sau đó Diệu Âm cũng đến thăm gia đình để khuyến tấn thêm. Một gia đình có trình độ học thức khá tốt, con cái đều thành đạt cao, việc làm tốt. Trước căn bệnh của người thân không còn cách nào cứu chữa được nữa, nay gặp được Pháp Hộ-Niệm tối thắng, nên gia đình đều hoan hỷ chấp nhận hộ niệm, và cùng hứa hỗ trợ cho người thân vãng sanh… Người bệnh đó đã phát khởi tín tâm rất mạnh và còn có tâm nguyện được Diệu Âm trực tiếp hộ niệm khi ra đi. Thấy được sự phát tâm quý báu của một người Thiên Chúa Giáo, gia đình lại đồng thuận, nên Diệu Âm cũng vui vẻ nhận lời.

Đến những ngày sức khỏe người bệnh khá yếu, ban hộ niệm liên lạc cho hay. Diệu Âm giữ đúng theo lời hứa nên bay liền qua đó, nhưng vì nhằm vào thời điểm đang xây dựng Niệm Phật Đường, công việc quá bận bịu, nên chỉ sắp xếp ở đó được 3 ngày thôi. Đến nơi thấy tinh thần của người bệnh khá vững vàng, gia đình hỗ trợ quá tốt, vị đó phát tâm niệm Phật rất mạnh mẽ… Diệu Âm vô cùng phấn khởi và nói rằng: “Nếu chư vị thực sự phát tâm vững vàng như vậy, thì xác suất thành tựu vãng sanh có thể lên đến 95%”.

Đối với một người tín đồ Thiên Chúa Giáo, mới biết niệm Phật được mấy tháng thôi mà Diệu Âm dám mạnh dạn lên tiếng nói với mọi người rằng, sự thành tựu có thể đến 95% và sự vãng sanh sẽ xảy ra trước mặt mọi người để cùng thấy sự vi diệu của Phật Pháp. Sự phán đoán này có lẽ quá vội vã chăng?!…

Khi bay qua đó, Diệu Âm liền bắt đầu thẳng vào việc hộ niệm. Mỗi ngày đến giảng giải, khai thị, niệm Phật vài ba tiếng đồng hồ rồi trở về một Niệm Phật Đường nơi đó nghỉ. Ngày đầu tiên vô cùng phấn khởi, nhưng đến ngày hôm sau thấy có điều trở ngại, Diệu Âm liền mời cả gia đình họp lại và thông báo đại ý như vầy:

– Thưa chư vị!… Ngày hôm qua tôi dám mạnh dạn nói rằng xác suất vãng sanh lên đến 95%. Nhưng hôm nay tôi xin rút lại lời nói đó và báo cáo lại rằng, nhiều lắm cũng chỉ chừng 30% thành công là cùng, còn bị thất bại thì trên 70% rồi!…

Mọi người khá ngạc nhiên, hỏi tại sao?

– Tại vì hôm nay tôi thấy rất nhiều bạn bè, thân hữu, bà con đã tụ tập chung quanh người bệnh để nói chuyện, tâm tình… rất lâu. Như vậy có thể trong những ngày qua cũng có trường hợp tương tự. Trước khi nhận hộ niệm, Diệu Âm đã trình bày, giảng giải về quy luật hộ niệm rất kỹ. Chị và gia đình cũng đã nhất mực đồng ý làm theo. Trong quy luật của Pháp Hộ-Niệm có nói rõ ràng, muốn được hộ niệm, thì gia đình không được để bà con, thân bằng, bạn hữu, những người không hiểu Pháp Hộ-Niệm trực tiếp đến tâm sự, nói chuyện với người bệnh. Quy luật này nhằm bảo vệ chánh niệm của Chị, không để Chị bị thoái tâm, bị đánh lạc mất cơ hội vãng sanh. Một đời này không tu học Phật, chỉ vì duyên lành trong đời quá khứ giúp Chị nghe được Pháp Niệm Phật mà liền phát tâm tin tưởng, chúng tôi rất mừng vui và quyết lòng giúp cho Chị đi vãng sanh, thoát cảnh chết. Nhưng nên nhớ rằng, chướng nạn của Chị không phải dễ dàng vượt qua đâu, nếu quy luật không được bảo vệ thì làm sao có thể hộ niệm thành công được? Cho nên, nếu gia đình và Chị giữ đúng quy luật mới hộ niệm được, còn làm sai lệch với nguyên tắc, thì tôi đành xin rút lui, chứ không biết cách nào khác hơn… Diệu Âm đã thẳng thắn nói rõ ràng, không úp mở trước mặt gia đình và những người khách vẫn còn đang ở đó.

Thưa chư vị, người bệnh trước đây là giáo sư về văn chương, vợ chồng đều có tiếng tăm trong xã hội. Bạn bè thân hữu hầu hết đều là bác sĩ, kỹ sư, luật sư, nhà văn… Diệu Âm cũng thành khẩn xin lỗi mọi người, chỉ vì quy luật của Pháp Hộ-Niệm như vậy cần phải được gìn giữ để cứu người bệnh, chứ không phải Diệu Âm eo hẹp gì đâu. Diệu Âm và ban hộ niệm thực sự hết lòng muốn giúp cho vị này được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Hiện tượng vãng sanh đã xảy ra hàng ngày, có bằng chứng rõ rệt, cụ thể, điều này chư vị có thể kiểm chứng dễ dàng bằng những clip video có đầy trên mạng Internet. Rất nhiều người đã vãng sanh lưu lại tướng lành bất khả tư nghì, số lượng đến nay nhiều đến nỗi khó có thể tính đếm được. Tất cả đều nhờ Pháp Hộ-Niệm này.

Pháp Niệm-Phật Hộ-Niệm Vãng-Sanh vi diệu bất khả tư nghì, có lẽ chư vị chưa từng biết qua, nhưng đây là sự thật có thể chư vị sẽ chứng kiến tận mắt nếu cùng nhau gìn giữ quy luật, cố gắng hỗ trợ hộ niệm. Hơn nữa, Diệu Âm qua đây chỉ có 3 ngày, mỗi ngày đến gặp nói chuyện khuyên nhắc Chị một vài tiếng đồng hồ, còn hầu hết thời gian đều thuộc về chư vị. Nếu Chị thường xuyên tiếp xúc với những lời khuyên khác, thì nhất định tâm nguyện sẽ bị lung lay, tâm đạo sẽ bị tiêu tan. Vậy thì, dù có hộ niệm đi nữa cũng không được kết quả gì đâu. Mong gia đình và mọi người hãy thông cảm và cùng nhận ra vấn đề sơ suất này.

Diệu Âm đã tha thiết mong cầu tất cả mọi người hãy tin tưởng để hỗ trợ vào công việc cứu giúp người bệnh được vãng sanh. Về thực tế thì người bệnh đã bị ung thư tới giai đoạn cuối cùng, bệnh viện đã chào thua, thời điểm xả bỏ thân mạng đang đếm từng ngày, không còn một hy vọng nào để chữa khỏi nữa. Nếu thực sự chư vị thương xót vị này, thì nên tôn trọng cái ý nguyện cuối cùng của một người trước khi từ giã cuộc đời. Xin hãy đồng tình, yểm trợ vào cuộc hộ niệm theo đúng ý nguyện của Chị, giúp cho Chị vui vẻ hân hoan trong những ngày giờ cuối cùng này mới thực sự đúng là sự quan hoài, yêu thương sâu xa và cao quý nhất.

Diệu Âm đã thẳng thắn phân trần tất cả lý do. Mọi người có phần thông cảm và không có ý kiến gì, chỉ riêng Chị đó, đang nằm trên giường không ngồi dậy nổi, nhưng đã mạnh mẽ nói rằng:

– Tôi quyết định niệm Phật vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin tất cả bạn bè, thân hữu nếu có thương tôi thì đến đây niệm Phật hộ niệm cho tôi. Từ giờ phút này đến lúc ra đi, tôi không chấp nhận một lời khuyên giải nào khác cả…

Thưa chư vị, quy luật quan trọng vô cùng, làm đúng quy luật có thể cứu huệ mạng của một người vượt khỏi ách nạn của nghiệp chướng vãng sanh Tịnh-Độ. Nếu hộ niệm mà lơ là quy luật là một sơ suất rất lớn, nhất định sẽ gặp nhiều trở ngại vậy.

Diệu Âm ở đó 3 ngày, sáng chiều hộ niệm. Chị đó vẫn còn tỉnh táo và niệm Phật rất tốt nhưng chưa ra đi, nên Diệu Âm đành phải giao lại cho ban hộ niệm và bay trở về Brisbane. Hẳn nhiên, trước khi ra về, Diệu Âm đã dặn dò gia đình cùng ban hộ niệm rất kỹ, hãy cứ theo đó mà làm, không được thêm bớt gì cả. Khi chia tay, Diệu Âm nhắc lại xác suất vãng sanh và còn tăng lên thành 97% thành công.

Mấy ngày sau người bệnh ra đi, sau 8 tiếng đồng hồ, thân xác tái xanh, hoàn toàn không có một thoại tướng gì gọi là tốt lành cả. Ban hộ niệm điện thoại báo cho biết sự việc làm cho Diệu Âm giựt mình, ngỡ ngàng! Không ngờ một vị mình tin tưởng có xác suất thành công vãng sanh lên tới 97%, thì tại sao bây giờ lại xảy ra tình trạng ngược lại như vậy?!…

Diệu Âm liền tìm hiểu nguyên nhân và phát hiện ra một điều sơ suất rất lớn do chính những người liên quan đến gia đình tạo nên. Vụ việc còn nhức đầu hơn, khi có vài người trong ban hộ niệm cũng tiếp tay vào đó.

Đó là, một ngày trước khi người bệnh tắt hơi, một vài người anh chị em từ xa về muốn chia phần gia tài, nên nài ép người bệnh thay đổi tờ di chúc. Họ đã tự động sửa chữa lời văn, làm cho tờ di chúc không còn có giá trị về pháp lý, nên luật sư đã liên lạc đòi hỏi người bệnh phải làm lại gấp… Xin hỏi, một người sắp chết làm sao có khả năng viết lại tờ di chúc? Vô hình chung, người bệnh bị ép buộc ký tên, còn nội dung thì người khác viết. Ôi!… Một sự cố quá bất ngờ, làm cho tâm hồn người bệnh rối bùng, phiền não chập chùng! Một điều đáng tiếc nữa, là có 2 người trong ban hộ niệm đã sơ ý đứng ra làm người chứng, ký tên cho tờ di chúc mới.

Thật là một thông tin bất ngờ như sét đánh ngang tai! Diệu Âm liền điện thoại trách cứ một cách thẳng thắn đến từng người có liên hệ vào sự việc:

– Chư vị ơi!… Chư vị đã làm một việc quá sức sai lầm, đưa người ra đi tới chỗ đọa lạc. Đây là một vấn đề cấm kỵ, vi phạm nặng nề đến quy tắc hộ niệm mà chư vị đã tự động làm, không hỏi qua một lời. Xin hãy nhận rõ điều sai lầm của mình, mau mau đến trước Hương Linh nói lời ăn năn sám hối liền. Phải chân thật, phải thành tâm sám hối thì may ra mới còn chút ít hy vọng để kịp thời cứu nạn…

Rồi Diệu Âm cũng dùng điện thoại đó mà phân trần hơn thiệt với Hương Linh, đến giờ phút đó đã xả bỏ báo thân hơn 8 tiếng đồng hồ rồi. Diệu Âm nói rất mạnh, tiếng nói oang oang, khắp cả phòng đều có thể nghe được. Diệu Âm muốn làm cho tâm thức của Hương Linh phải giựt mình, phải giác ngộ, phải buông ra để đi vãng sanh. Và, sau đó đề nghị ban hộ niệm cùng gia đình hãy niệm Phật hộ niệm thêm 4 giờ nữa, rồi cho biết kết quả… Không ngờ, sau 4 tiếng đồng hồ, thân tướng đã chuyển đổi rất tốt đẹp, rất viên mãn. Thật sự Pháp Hộ-Niệm vi diệu bất khả tư nghì!

Cho nên, hộ niệm cần phải giữ gìn đúng quy luật mới tốt, không thể quá vị nể hay cảm tình. Gặp trường hợp quy luật bị vi phạm quá đáng, thì nên rút lui. Nếu thương mến nhau, cũng chỉ niệm Phật hồi hướng công đức cầu tăng phước giảm nghiệp thôi chứ không biết làm gì hơn vậy.

Câu 10(b): Thay vì hộ niệm vãng sanh, ban hộ niệm nên uyển chuyển đến niệm Phật, tụng kinh, cầu an cho người bệnh thì tốt hơn.

Đúng hay sai? – (Sai). Không thể uyển chuyển làm lệch ra khỏi con đường hộ niệm vãng sanh được. Thuận duyên mình cố gắng hết sức hộ niệm cho người vãng sanh giải thoát. Không thuận duyên, thì dù có xót thương cũng chỉ còn cách trở về Niệm Phật Đường niệm Phật hồi hướng công đức cho họ, chứ không thể uyển chuyển mà biến Pháp Hộ-Niệm thành pháp cầu an, cầu siêu được. Hồi hướng công đức cầu tăng phước, giảm tội cho họ được chút nào hay chút đó, còn trên thực tế thì công đức tự mỗi người phải lo tu lấy chứ không thể chuyển nhượng được đâu.

Mong chư vị cần hiểu thấu được đạo lý “Vạn Pháp Duy Tâm Sở Hiện”, cảnh giới tương lai do chính mỗi người thực hiện lấy. Mình tới Niệm Phật Đường để niệm Phật quyết lòng vãng sanh. Đến ngày nằm xuống tự mình phải giữ lấy niềm tin vững vàng, tự mình phải có sức nguyện tha thiết, tự mình phải niệm A-Di-Đà Phật chí thành, chứ Pháp Hộ-Niệm không dạy chúng ta nằm đó chờ người khác tới cầu an mà mình thoát nạn, cầu siêu mà mình được siêu thoát.

Hộ Niệm là một pháp tu. Tu thì phải biết điều gì sai để sửa, điều đúng phải giữ. Người hộ niệm đến là để trợ duyên, hướng dẫn, chỉ điểm những gì cần làm, còn mỗi người phải tự thực hiện lấy. Xin được nhắc đi nhắc lại lời này để chư vị nắm cho vững, đừng nên sơ suất cứ nghĩ rằng, có ban hộ niệm tới niệm Phật cho mình thì mình được vãng sanh.

Ỷ lại là điều hoàn toàn không đúng vậy.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

 

 

 

 

 

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm - Chương 4: Gia Đình Và Người Bệnh

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –