Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 190) | Muốn Cuộc HN Tránh Nhiều Trở Ngại Thì Tờ Di Chúc Rất Cần Thiết. Những Gì Cần Ghi Trong Di Chúc?húc?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 190)

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Hôm nay chúng ta bắt đầu nói về vấn đề thứ 8 của chương 4.

Muốn cuộc hộ niệm tránh nhiều trở ngại thì tờ di chúc rất cần thiết. Những gì cần ghi trong di chúc?

Mục này hướng dẫn chúng ta những gì nên ghi trong tờ di chúc. Hẳn nhiên mỗi gia đình có một hoàn cảnh riêng. Chúng ta nêu ra đây tất cả những điều có liên quan đến hộ niệm, rồi tự mỗi người xem xét điều gì cần ghi, điều gì không cần đến đối với chính ta. Như ngày hôm qua chúng ta có nói qua, tờ di chúc rất quan trọng, nhất là đối với một gia đình con cái bất đồng, không thống nhất với nhau về vấn đề hộ niệm.

(a): Tờ di chúc nên có người làm chứng và con cháu đồng ký thuận.

Đúng không? – (Đúng). Tờ di chúc viết ra xong nên kêu con cái tới họp: Mẹ viết như thế này, mong tất cả các con, anh em trong nhà hãy đồng thuận cho mẹ vui vẻ an lòng nhé…”. Có được như vậy thì ban hộ niệm sẽ vững tâm và chính mình cũng sẽ vững tâm hơn là âm thầm viết. Tất cả đều nên minh bạch, giải tỏa trước những gút mắc mới tốt, tránh tình trạng cha mẹ thì bệnh nằm thở phì phèo, con cái thì không tin, quyết lòng chống phá hộ niệm. Có nhiều trường hợp cũng đành phải ngậm đắng nuốt cay thôi!…

Tờ di chúc là lời trăn trối với con cái, hãy trăn trối trong lúc còn tỉnh táo, còn nói lên được những ước vọng tha thiết của mình, còn phân trần được những điều phải trái, khuyến tấn con cái nên làm tròn đạo hiếu của một người con. Tờ di chúc thực sự đóng góp rất tích cực để hóa giải chướng ngại trong gia đình. Nếu sơ ý, con cái cưỡng chế trong lúc mình quá yếu đuối thì rất khó khăn để hóa giải tình thế. Gặp phải trường hợp này ban hộ niệm cũng đành chịu thua.

(b): Nếu cần, tờ di chúc nên được chính quyền thị thực để hợp với pháp lý.

Đúng không? – (Đúng). Nếu cần, có nghĩa là không phải bắt buộc. Những gia đình có con cháu hiếu đễ, biết vâng lời, có hiểu đạo, ủng hộ việc hộ niệm thì có thể không cần đến việc thị thực của pháp lý. Tờ di chúc chỉ cần con cái trong gia đình đồng thuận ký vào là được. Ngược lại, một gia đình có con cái không biết đạo, sự nghịch chống có tính quá căng thẳng, cũng cần nhờ đến chính quyền thị thực để tờ di chúc được mạnh hơn, có sự hỗ trợ tích cực hơn, hầu tránh bớt những điều chướng ngại đáng tiếc. Nói chung, người quyết lòng vãng sanh thì cần cố gắng hết sức tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho việc hộ niệm để có thêm cơ hội được thành tựu vậy.

(c): Nêu rõ ý nguyện vãng sanh Tịnh-Độ của mình, yêu cầu con cháu hỗ trợ.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Mẹ một đời niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ. Các con ơi!… Cái thân xác này ai cũng phải có một ngày xả bỏ. Khi xả bỏ thân xác này, mẹ quyết lòng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Đây là ý nguyện lớn nhất của mẹ, mong các con hỗ trợ cho mẹ đường vãng sanh, giúp cho tâm nguyện của mẹ được thành tựu.

Nêu rõ ý nguyện vãng sanh Tịnh-Độ là điều quan trọng, cần phải ghi rõ để con cái biết rõ mục đích tu hành của mình. Những điều này căn bản, cụ thể, không phải là lý thuyết xa vời đâu.

(d): Khuyến tấn con cháu tin tưởng Phật Pháp, cùng nhau niệm Phật hộ niệm.

Đúng không? – (Đúng). Tất cả những vấn đề này đều đúng. Khuyến tấn con cháu tin tưởng Phật Pháp là điều vô cùng quý hóa. Các con ơi!… Cuộc đời này vô cùng ngắn tạm, nhìn vào tưởng là thực nhưng sau cùng cũng chỉ là vô thường giả tạm. Các con hãy lo tu hành để tìm đường giải thoát nhé….

Tìm mọi cách để khuyên nhắc, hy vọng chúng ngộ ra con đường tu hành, thông cảm cho cha mẹ, hổ trợ mình khi ra đi, hoặc ít ra cũng giảm bớt sự ngang ngạnh chống phá. Thưa thực với chư vị, có những gia đình đồng thuận, có những gia đình nghịch chống nhau gây ra nhiều cảnh khó khăn. Gia đình này cha mẹ biết tu hành thì con cái chống phá. Gia đình kia con cái biết tu hành thì cha mẹ lại không biết gì về đường đạo. Đây cũng là chuyện bình thường. Tục ngữ thế gian có câu: “Trẻ đi ra, già đi vô”, tuổi trẻ nông nổi, chưa hiểu sự vô thường nên xông xáo ra ngoài xã hội tranh danh, đoạt lợi, kiếm tiền, lập nghiệp… Khi trở về tuổi già, nhìn lại cuộc đời như một tấn tuồng giả huyễn! Thức ngộ ra cảnh vô thường, mới lo tìm cách tu hành, tìm đường giải thoát. Nhưng thực tế, trong cuộc sống thế gian có rất nhiều trường hợp trái ngược, khá oái oăm! Tuổi trẻ như con cháu lại ngộ đạo trước, sớm lo việc niệm Phật cầu vãng sanh, trong khi người làm ông bà, cha mẹ vẫn tiếp tục mê muội, cứ bám lấy cảnh khổ nạn vô thường. Tất cả đều do căn lành của mỗi người vậy thôi.

Cho nên, Khuyến tấn con cháu tin tưởng Phật pháp, cùng nhau niệm Phật hộ niệm là điều đáng làm. Nếu một gia đình con cái đồng thuận hỗ trợ, tìm cách hộ niệm cho cha mẹ là một đại phước báu trên đời. Nhiều người làm cha mẹ, khi thấy con cái tu hành lại chống đối thì thật là điều đáng buồn cười! Tuổi đã già nua mà chưa tỉnh ngộ ra cảnh vô thường giả huyễn, lại chống đối việc tu hành giải thoát, là do nghiệp chướng của mình quá nặng, tâm trí quá mê, đến nỗi tới những ngày giờ cuối cùng của cuộc đời mà vẫn chưa nhận ra điều gì đúng, điều gì sai, thì còn cơ hội nào để cứu lấy mình nữa. Ôi!… Tự mình đưa mình vào ngõ cụt, tự rước lấy khổ nạn vậy thôi.

(e): Nếu người nào không tin thì khuyên vì lòng hiếu nghĩa đừng gây trở ngại việc hộ niệm.

Đúng hay sai? – (Đúng). Chính vì thế, nếu trong gia đình có người tin có người không tin, thì chính mình phải cố gắng rất nhiều để tìm cách khuyên bảo những người không tin hồi đầu niệm Phật tu hành. Điều này đôi lúc vô cùng khó khăn đấy, chứ không đơn giản đâu, vì phải có căn lành mới phát khởi được niềm tin, nhất là pháp niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ. Chúng ta một mặt tâm lý khuyên giải, một mặt niệm Phật hồi hướng công đức, thành tâm cầu Phật gia trì, mong cho con cái hiểu ra sự quý báu của sự hộ niệm mà ủng hộ, hay ít ra cũng không cản trở. Tất cả đều phải thuận duyên, không duyên đành phải chịu thua thiệt.

Như hôm qua chúng ta có kể lại câu chuyện một vị Sư Phụ rất hiền từ, nhưng quên dặn dò việc hộ niệm, để cuối cùng khi ra đi bị hàng đệ tử vì quá thương xót nên cứ ôm nắm níu kéo mà bị lâm nạn. Chính một trong những người đệ tử, sau khi biết qua Pháp Hộ-Niệm đã đau lòng kể lại câu chuyện này cho Diệu Âm nghe. Một đời tu hành, tạo được tình cảm thương mến nhau quá đậm đà, nhưng chính tình cảm này thường vô tình làm hại cho nhau. Thật quá đáng tiếc và đau thương vậy!

Cho nên, chư vị hãy cố gắng lo trước đi để tạo được thuận duyên cho mình vãng sanh, chứ ban hộ niệm không có quyền tự động vào nhà mình để hộ niệm đâu.

Trước đây Diệu Âm có một dịp được đi hộ niệm cho một người bị tai nạn lưu thông ở Việt Nam, nạn nhân được đưa vào bệnh viện cấp cứu, nhưng bệnh viện báo cho biết không cứu nổi. Gia đình có biết về Phật pháp, biết qua Pháp Hộ-Niệm nên quyết định đưa về nhà để lo bề hộ niệm. Người nhà hay tin Diệu Âm đang về Việt Nam, nên từ rất xa mướn xe tới khẩn thiết mời Diệu Âm đến giúp sức. Khi tới nơi thấy nhiều người đang cùng nhau niệm Phật hộ niệm cho người bệnh đang trong cơn thở dốc từng hơi một ở giây phút cuối cùng. Cuộc hộ niệm này có một chướng ngại rất lớn, đó là gia đình cứ tiếp tục thay phiên nhau làm hô hấp nhân tạo trên thân xác nạn nhân đang hấp hối, để mong kéo dài sự sống chờ một người con ở xa đang trên đường về. Việc làm này là một đại cấm kỵ trong Pháp Hộ-Niệm, nhưng gia đình quyết làm như vậy, bất chấp mọi lời khuyên can. Đây là vì tình cảm quá nặng mà tạo nên cơ cảnh thương tâm. Trách người ta thì không trách được, nhưng hộ niệm thì đành phải bị thất bại. Mong cho mọi người nghe được chuyện này, hãy sớm nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm, để biết điều gì cấm kỵ, điều gì phải làm hầu cứu giúp nhau thoát ách nạn vậy.

“Nếu người nào không tin thì khuyên vì lòng hiếu nghĩa đừng gây trở ngại việc hộ niệm”. Làm hô hấp nhân tạo cho nạn nhân đang hấp hối là điều đại trở ngại. Những quy luật hộ niệm này cần nêu ra cho mọi người biết. Nên khuyên con cái hãy nghe lời Phật dạy, đừng nên khóc lóc, đụng chạm vào thân thể của người vừa mới chết để tránh người chết bị cảnh đau đớn rợn người. Khi biết Pháp Hộ-Niệm rồi, chúng ta mới thấy thế gian vô tình làm nhiều điều sai lầm lắm. Thật tội nghiệp cho những người đã chết mà bị đụng chạm! Thật tội nghiệp cho người khi lâm chung mà con cháu khóc than. Thật quá tủi thân cho những người trong giây phút cuối đời không được niệm Phật hộ niệm trợ duyên, mà con cháu cứ lo coi ngày giờ chôn cất, tìm cách phá trùng tang, không cho linh hồn cha mẹ mình trở về vì sợ gây hại con cháu, v.v… Thật sự người thế gian vô tình làm đủ trò sai lầm khiến cho người chết đã bị ách nạn lại càng chịu nạn nặng thêm. Mong cho những ai nghe được lời này hãy mau mau thức tỉnh, để tìm cách cứu giúp nhau, giảm bớt cảnh tình thương đau!

(f): Cần chọn trước một ban hộ niệm để lo liệu và quyết định việc hộ niệm.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Một điều cần chú ý ở đây là “Một ban hộ niệm”. Nhiều người quá cẩn thận tìm đến 5-6 ban hộ niệm, tưởng vậy là an toàn, nhưng không ngờ chính vì quá nhiều ban hộ niệm đôi khi cũng gây nhiều trở ngại, vì không ban hộ niệm nào tự chủ sắp xếp, điều hành việc hộ niệm. Vậy thì, việc hộ niệm cần nên có một ban hộ niệm chính chịu trách nhiệm, và mọi vấn đề liên quan đến hộ niệm cần được trình bày với ban hộ niệm chính để họ lo liệu và quyết định mọi việc mới tốt. Đừng nên tìm nhiều ban hộ niệm mà không có ban nào chính thức nhận lãnh trách nhiệm điều hành mọi việc. Nếu gia đình sơ ý, không nhạy cảm về việc này, cuộc hộ niệm cũng có thể dễ bị thất bại. Ví dụ như trước đây, có một cuộc hộ niệm, gia đình mời Diệu Âm tới hướng dẫn khai thị, nhưng Diệu Âm vô cùng lưỡng lự, không dám mạnh dạn nhận lời, vì ở đó đã có các vị khác đảm trách rồi, các Ngài đã lập quy trình theo dõi để hướng dẫn, chúng ta không nên quá sốt sắn mà dễ làm cho người bệnh hoang man, người hộ niệm cũng rối lên. Vì thế, Diệu Âm đề nghị phải thông qua ban hộ niệm đang thường trực hộ niệm trước, khi các Ngài đồng ý cho phép, thì sự cộng tác mới đúng pháp.

Chư vị nên nhớ cho, sự trật tự về hộ niệm phải được tôn trọng thì cuộc hộ niệm mới dễ thành công. Mỗi người có một trách nhiệm, người không có trách nhiệm hãy nhiếp tâm niệm Phật cầu Phật gia trì là được rồi, đừng nên tự động xen vào nhiều việc quá mà làm rối tung lên, có thể đưa đến hiệu quả không được hay lắm. Người khai thị lo phần khai thị, người hộ thất lo phần hộ thất, người điều hành chia phiên lo việc điều hành chia phiên, v.v… mỗi người một phận sự, lo cho tròn phận sự của mình mới tốt. Một cuộc hộ niệm mà người nào cũng lấn lên khai thị, kẻ nói lên người nói xuống, kẻ chỉ đường này người dẫn đường kia… Nếu quy luật hộ niệm không vững rất dễ đưa tới tình huống rối ren. Gặp phải trường hợp những người chưa vững về hộ niệm, họ thấy ai cũng lên khuyên được, thì họ cũng sốt sắng đứng lên khuyên, dễ dàng kéo người bệnh lạc mất đường vãng sanh, vô cùng nguy hiểm!

Cho nên, người hộ niệm cần phải tôn trọng quy luật hộ niệm, nhất định phải tránh tình trạng tự phát vô ý thức. Nếu sơ ý, người bệnh dễ rơi vào tình trạng hoang man, rối mù, không biết phải nghe theo ai. Một cuộc hộ niệm thiếu sắp xếp, mất trật tự khó có thể thành công là nguyên nhân này vậy. Một người dẫu có tu hành, nhưng không nghiên cứu về hộ niệm thì cuối cùng vẫn gặp phải nhiều chướng ngại, sự vãng sanh cũng không phải dễ dàng đâu nhé.

Cầu mong tất cả chư vị đều được thuận buồm xuôi gió trên đường vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, một đời thành tựu đạo quả.

A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm - Chương 4: Gia Đình Và Người Bệnh

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –