Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 198) | Tại Sao Hộ Niệm Cần Phải Có Quy Định Nghiêm Chỉnh?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa Đàm 198)

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Xin chư vị mở trang 80, hôm nay chúng ta nói đến vấn đề 11:

Tại sao hộ niệm cần phải có quy định nghiêm chỉnh.

 Câu 11(a): Hàng phàm phu nghiệp nặng chướng sâu, phải nhờ quy luật cụ thể để ổn định hoàn cảnh, mới có thể hộ niệm tốt được.

Đúng không chư vị? – [Đúng]. Rõ ràng mình là hàng phu nên cần nhờ đến quy luật để hỗ trợ. Chư Bồ-Tát thì không cần đến hộ niệm. Những vị cao Tăng chân chánh tu hành, niệm Phật đã được “Nhất Tâm Bất Loạn” các Ngài cũng không cần đến hộ niệm. Ngay như hàng phàm phu chúng ta đây, nếu tinh tấn niệm Phật đến chỗ thuần thục, niệm Phật thành phiến thì chỉ cần một vài người ở bên cạnh giúp đỡ cũng có thể an lòng. Nhưng khổ nỗi, nếu là hạng người nghiệp nặng, chướng sâu, thì xin nhớ cho sẽ có nhiều chướng nạn bất ngờ xảy ra lắm, không đơn giản đâu. Nhiều người không nhận rõ căn cơ hạ liệt của mình, cứ để tâm ý vọng động, thích những điều cảm ứng lạ thường, thích thần thông, mong cầu chứng đắc… Nói chung là vọng tưởng quá đáng, nên thường rước lấy những thất bại thật đáng thương!

Có nhiều người khi mới phát tâm tu hành, tâm đạo mạnh mẽ, nhưng lý đạo chưa thông, cũng dễ sơ ý vướng phải những điều cảm ứng hão huyền. Ví dụ như trước đây, Diệu Âm có một đứa em, khi mới bắt đầu niệm Phật đã phát tâm quá mạnh, nên liền có cảm ứng đủ điều, nào là thấy được hào quang, thấy Quán-Thế-Âm Bồ-Tát hiện thân, v.v… Diệu Âm nghe được liền thẳng thắn cảnh cáo rằng, đó chỉ là những điều hão huyền không thực. Biết tu hành thì tốt, nhưng phải biết khiêm cung, kiên trì, từ tốn mới tốt hơn. Đừng quá gấp gáp, quá vội vã mà bị mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt… mà thấy những chuyện hư huyễn bất thường, chứ chưa chắc gì là sự cảm ứng tốt đẹp đâu. Sự việc chẳng khác gì như người nằm ngủ mơ thấy đủ điều, chuyện trong mộng mà giống như thực vậy thôi. Diệu Âm khuyến cáo rằng, khi mới bắt đầu tu hành, sơ phát tâm thường mạnh lắm nên có những hiện tượng cảm ứng bất thường. Thấy thì tốt đấy, nhưng không thực đâu, đừng tham chấp vào đó mà bị hại. Hãy bình tĩnh lại, đừng mơ tưởng nhiều nữa thì mọi chuyện sẽ trở lại bình thường vậy thôi.

Công phu tu hành nếu sơ ý có thể dẫn đến những trạng thái: một là trạo-cử, hai là hôn-trầm, ba là vô-ký. Thường thường hôn trầm còn dễ thấy, dễ trị. Tiến đến trạng thái Vô-ký thì hơi khó đấy. Vô ký là gì? Mập mờ, ngơ ngác, tinh thần không còn sáng suốt, thường lơ lơ láo láo không biết mình đang ở đâu. Những mơ tưởng trong tiềm thức ứng hiện ra, hư hư thực thực, vì không sáng suốt nên biến thành hoang tưởng cho là được chứng đắc. Nhiều người tu hành mà sơ ý rất dễ bị vướng nạn là như vậy.

Phàm phu nghiệp nặng, chướng sâu, trí cạn, tâm mê tự mình không thể phát hiện ra những chướng ngại của chính mình, nên rất cần đến người hộ niệm. Cho nên, tu chung với đại chúng rất lợi lạc cho mình. Chính bạn đồng tu là người hộ niệm cho mình vãng sanh. Thấy mình hôn trầm, ngủ gà ngủ gật họ liền nhắc nhở hãy thường xuyên mở mắt, niệm Phật ra tiếng, đứng lên lạy Phật, véo vành tai, xoa mặt, bóp nắn chân tay… cho tỉnh lại. Thấy mình trạo cử, mắt láo liên liếc dọc nhìn ngang, miệng nói lảm nhảm… họ nhắc mình định tâm lại niệm Phật, đừng nghĩ ngợi lung tung nữa. Nếu mình rơi vào vô-ký, ngồi niệm Phật mà đầu lắc lư như kiểu lên đồng, thì người hộ niệm đánh thức dậy, cảnh cáo mình mau mau trở về với thực tại…

Thực sự người hộ niệm có thể hóa giải rất nhiều chướng ngại cho mình. Quý hóa lắm đấy. Nhưng xin hỏi, mình có trân quý sự hộ niệm không? Có lắng nghe ban hộ niệm không? Nếu cứ mơ tưởng những điều hão huyền, khinh thường bạn đồng tu khuyên giải, thì tự mình âm thầm chạy theo tà kiến sai lầm, đành chịu nạn vậy thôi!

Câu 11(b): Giữ quy tắc hộ niệm nghiêm chỉnh để giảm thiểu sơ suất, tránh nghịch duyên, nhờ thế cuộc hộ niệm mới có thể thành công.

Đúng không? – [Đúng]. “Giữ quy tắc hộ niệm nghiêm chỉnh để giảm thiểu sơ suất”. Xin nói rằng, giảm thiểu sơ suất, chứ không dám nói hết sơ suất. Giảm càng nhiều sơ suất, thì cuộc hộ niệm càng dễ thành công, và xác suất vãng sanh càng cao. Nếu sơ suất còn nhiều quá, dù có được hộ niệm cũng không dễ gì thành tựu. Ban hộ niệm chỉ giữ phần hướng dẫn, người bệnh thấy mình bị rối chỗ đó họ khuyên mình bỏ đi, nếu mình không bỏ thì đành chịu thua. Chư Tổ Sư, chư Cao Tăng luôn luôn khuyên mình buông xả… buông xả… mình phải buông xả những sai lầm ra, buông xả những tình chấp xuống để tránh khỏi vướng mắc.

Hôm qua Diệu Âm có coi bài viết của anh Vinh bên Đức. Hàng tuần bác ấy đem những tài liệu hộ niệm ra kết tập lại thành những bài gọi là “Thực Tập Hộ Niệm” khá hay. Bác nói: “Mình ghét ai bây giờ phải bỏ lần đi. Mình chấp cái gì phải bỏ lần đi…”. Những lời đơn giản mà hay. Diệu Âm xin tán thán tất cả những sự xiển dương Pháp Hộ-Niệm dưới mọi hình thức. Người được hộ niệm muốn được thành tựu, phải biết buông xả. Nếu không tập buông tình chấp xuống, thì đến lúc sau cùng tự mình bị kẹt vào đó, không thoát ra được đâu.

Tập khí khó chịu lắm đấy. Nhiều người thà chịu chết chứ buông không được những tập khí này đâu, nó đã thành khối kim cương trong tâm rồi, thôi đành chịu thua! Tập khí đó là gì? Ví dụ, tham tiền tiếc của không buông, thôi chịu thua! Thương con nhớ cháu không nỡ lìa, thôi chịu thua! Bám lấy cái nhà không muốn đi vãng sanh, thôi đành chịu thua!

“Giữ quy tắc hộ niệm nghiêm chỉnh để giảm thiểu sơ suất”. Tu hành nhiều, nghe pháp nhiều, biết hộ niệm nữa… mà chúng ta cũng chỉ dám nói là để giảm thiểu sơ suất, chứ không phải hết. Nghĩa là vẫn còn sơ suất tràn trề đấy. Phận phàm phu như chúng ta sơ suất nhiều lắm, nhất định không dễ gì hết đâu. Vậy thì, mong chư vị cần tinh tấn tu hành, giữ hạnh khiêm cung, biết lắng nghe lời chỉ điểm để sự sơ suất giảm dần giảm dần… mới tốt vậy.

“Tránh nghịch duyên”. Nghịch duyên từ đâu? Thường thường con cái trong nhà không tin tưởng gây phiền não. Thường thường bạn bè thân hữu tới thăm hỏi nói chuyện đời, phá chuyện đạo. Những người nổi tiếng, khách khứa khắp nơi đổ về bàn chuyện danh văn lợi dưỡng, chê bai việc tu hành, v.v… Đến lúc nằm xuống rồi chúng ta mới thấy thế nào là nghịch duyên. Nghịch duyên cản trở con đường vãng sanh.

Chính vì thế, trong Pháp Hộ-Niệm có quy luật không được để người ngoài trực tiếp thăm nom chuyện trò với người bệnh. Vậy thì, khi tiến tới giai đoạn phải hộ niệm rồi, thì tốt nhất là nên cắt giảm tối đa những chuyện nhân nghĩa, tình cảm, liên hệ xã giao với những người không hiểu đạo. Đừng nên để thân nhân, bạn hữu… không biết về hộ niệm trực tiếp thăm viếng, tâm sự, khuyên giải thì mới giữ được tâm chí vãng sanh của người bệnh. Cần khuyến cáo người nhà về những nghịch duyên từ người thế gian. Gia đình cần nghiêm túc bảo vệ quy luật này, để cuộc hộ niệm tránh khỏi chướng ngại. Tốt nhất, nên viết một thông báo dán trước cửa vào phòng người bệnh:

Người bệnh đang được hộ niệm, rất cần sự yên tĩnh niệm Phật. Thương nhau, hãy cùng nhau niệm “A-Di-Đà Phật” cầu cho người vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc theo đúng ước nguyện của người bệnh. Xin miễn thăm hỏi. Chân thành cảm ơn!

Muốn người bệnh được vãng sanh thì phải chú ý vấn đề này. Nếu không thì tâm đạo người bệnh sẽ bị tiêu tan. Người hộ niệm khuyến tấn chưa chắc thích thú bằng những lời “Ta-Bà” của người thế gian đâu nhé.

Xin thưa với chư vị, nếu thực sự quyết lòng vãng sanh thoát vòng sanh tử, khi đã đối diện với căn bệnh mà bác sĩ đã cảnh cáo không còn cách nào chữa trị được nữa, thì phải lo: Niệm-Phật và Niệm-Phật… Không thể chờ, không thể đợi, không thể lơ là được. Chư vị Tổ Sư mà các Ngài niệm Phật nhiều khi quên ăn quên ngủ, chúng ta là phàm phu, sao lại dám sơ ý? Hãy cố gắng tinh tấn niệm Phật. Vô thường tấn tốc, sáng còn tối mất, xin đừng sơ suất nữa. Nhờ giảm nghịch duyên, nhờ giảm sơ suất mà cuộc hộ niệm mới thành công. Hãy xác định mình là phàm phu, nghiệp chướng nặng nề lắm đấy, không đơn giản đâu, xin đừng buông lung nữa.

Câu 11(c): Rất nhiều ca hộ niệm vì không chú ý đến những quy tắc căn bản đã đưa đến sự đổ vỡ giữa chừng. Hộ niệm bị thất bại và gây ra khá nhiều phiền toái.

Đúng không chư vị? – [Đúng]. Rõ ràng. Ở trên chúng ta nói:“Giữ quy tắc hộ niệm nghiêm chỉnh để giảm thiểu sơ suất”. Ở đây chúng ta nói: “Vì không chú ý đến những quy tắc căn bản đã đưa đến sự đổ vỡ giữa chừng…”. Đổ vỡ nhiều lắm đấy. Chúng ta cố tình lập lại vấn đề này để nêu lên tầm quan trọng của quy luật. Vì không nói rõ và giảng giải kỹ về quy luật hộ niệm, nên gia đình thường lầm lẫn và trách cứ: “Tại sao trước giờ đối với người bệnh, người chết không ai nêu điều kiện gì cả, mà giờ này lại áp đặt nhiều quy luật, làm khó khăn cho gia đình vậy?”. Chính vì không làm việc rõ ràng, thành ra gia đình cảm thấy bàng hoàng, ngỡ ngàng mà đưa đến nửa chừng đổ vỡ.

Cho nên, mong chư vị cần nhớ điều này, phải nói rõ ràng về quy luật để gia đình nắm vững rằng, Hộ Niệm không phải là cầu siêu hay cầu an, mà Hộ Niệm là một pháp tu giúp người bệnh nương theo đó mà làm. Ban hộ niệm sẽ hướng dẫn cho người bệnh làm đúng theo quy luật để thoát vòng khổ nạn, chứ không phải là sự giúp đỡ tiêu cực, được thì tốt không được thì thôi, sau đó mạnh ai nấy đi. Ban hộ niệm sẽ tận lực chỉ điểm giúp cho Cụ Ông, Cụ Bà từng điều từng điều phải làm để Cụ có phước phần vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo, chứ không phải cứ nằm đó cầu sự may mắn hão huyền, nhắm mắt đi lạc vào cảnh giới nào cũng được, rồi chờ tới ngày giỗ kỵ xin con cháu đem thịt cá lên bàn thờ cúng là xong. Nhiều người nghĩ rằng, mẹ ta thường ngày ăn gà thì ta giết gà để cúng, cha ta ăn heo thì ta giết lợn dâng lên… Người đời không hiểu đạo nên có những suy nghĩ quá sai lầm! Phật dạy về nhân duyên quả báo, người tham ăn thịt mà giết hại chúng sanh tạo ác nghiệp bị đọa vào hàng ngạ-quỷ, địa ngục chịu nạn, cớ gì lại được quyền tiếp tục ăn thịt nữa đây?!

Tu hành theo Phật phải vững vàng đường đi, tâm phải có chủ định thực hiện sự giải thoát, chứ không phải chỉ là sự cầu may. Hôm qua chúng ta có nói về một người tín đồ Thiên-Chúa Giáo, vậy mà khi gặp được Pháp Niệm Phật họ quyết tâm niệm Phật cầu vãng sanh, khi ra đi lưu lại thân tướng đẹp vô cùng. Cũng có nhiều người tu theo Phật Giáo, niệm Phật nhiều năm tưởng vậy là ngon, tưởng mình là giỏi, nhưngsau cùng ra đi lưu lại tướng quá xấu. Tại sao vậy? Vì khinh thường Pháp Hộ-Niệm, không nghe lời khuyên giải, lâu lâu tới đạo tràng niệm vài câu Phật hiệu tưởng là đủ… Không ngờ, vướng phải tâm thượng mạn thì tự mình đi theo con đường đại thất bại. Nghiệp nhân quả báo tơ hào không sai, nó không tha thứ cho bất cứ một ai đâu. Xin chư vị cẩn thận, đừng nên sơ suất.

Câu 11(d): Tôn trọng quy luật là thể hiện sự quyết tâm giúp người thân vãng sanh. Có chí thành chí kính thì mới được Phật lực gia trì.

Đúng không chư vị? – [Đúng]. Người bệnh phải chí thành chí kính niệm Phật cầu vãng sanh mới được vãng sanh. Gia đình cũng phải chí thành chí kính niệm Phật cầu Phật gia trì tiếp độ người thân là điều rất cần thiết. Có chí thành chí kính mới được cảm thông. Có chí thành chí kính thì tu hành mới hưởng được sự lợi lạc. Thiếu tâm thành kính thì thường đưa đến chỗ vọng tưởng, nhất là khi đối diện với sự chết rồi thì tâm lực chao đảo, thể lực yếu đuối, nghiệp chướng bức bách, oán thân trái chủ báo hại… làm cho tâm trí rối bời, không còn tỉnh táo để thực hiện được gì cao siêu đâu.

Phàm phu nghiệp đã nặng, mà trí lại mê, thường sống theo vọng tưởng nhiều lắm. Nhờ có chút ít căn lành nào đó trong đời quá khứ, đời này có cơ duyên gặp được Phật Pháp nên phát tâm tu hành thì tốt đấy. Nhưng mới vừa tu tập liền cho mình đã chứng đắc, đủ sức để vượt qua sanh tử luân hồi, vừa làm chút thiện phước tưởng rằng là có công đức vô lượng vô biên… Thượng mạn thiếu khiêm hạ tạo nên vọng tưởng sai lầm, làm cho đường tu hành bị sai lệch, tự đưa mình vào ngõ cụt.

Vì vấn đề sanh tử mà niệm Phật. Vậy thì khi gặp bệnh hoạn phải càng phát tâm dũng mãnh niệm Phật mạnh hơn chứ đâu thể giải đãi được. Phật dạy, lấy bệnh hoạn làm thuốc thần là vậy. Mình đã bị chếtsống lại qua nhiều đời nhiều kiếp, đọa lạc đau khổ quá nhiều rồi, xin đừng sơ ý nữa. Đời này gặp được cơ hội vãng sanh, thoát vòng sanh tử, thành tựu đạo quả, thì hãy phát tâm mạnh mẽ lên, kiên định lên, phải có nghị lực mới vượt qua ách nạn, vãng sanh thành đạo vậy.

Sự quyết tâm của người bệnh là chính yếu. Sự hỗ trợ của gia đình rất quan trọng. Sự quyết tâm hỗ trợ của người thân thể hiện qua sự tôn trọng quy luật của Pháp Hộ-Niệm. Những điều này không gì là khó khăn cả, nhưng chỉ vì niềm tin không đủ nên thường gây chướng ngại cho người thân một cách oan uổng.

Nên nhớ cho, chỉ có Pháp Niệm-Phật Vãng-Sanh mới có quyền vượt ngang qua nghiệp chướng để về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo, gọi là “Đới Nghiệp Vãng Sanh”. Ngoài pháp này ra, không có một pháp nào nói đến người còn nghiệp chướng mà có thể được siêu thoát khỏi sáu đường luân hồi. Mình biết mình nghiệp chướng sâu nặng, xin hãy lấy lòng chí thành chí kính mà niệm Phật cầu vãng sanh nhé. Con đường 10 niệm tất sanh giúp chochư vị tràn trề hy vọng, đầy đủ cơ duyên, một đời này vãng sanh viên thành đạo quả.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm - Chương 4: Gia Đình Và Người Bệnh

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –